Giai thoại về Đức Phật Thầy Tây An

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngoài miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng gắn với những huyền thoại, khu di tích Núi Sam (Châu Đốc - An Giang) còn có nhiều di tích văn hóa lịch sử như lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và đặc biệt là Tây An cổ tự. Ngôi chùa này gắn với một nhân vật từng được dân chúng tôn xưng là Phật Thầy và nhiều câu chuyện truyền thuyết về vị Phật sống này

Tượng Phật Thầy Tây An thờ ở nhà Tổ của chùa Tây An 

* Tây An cổ tự:

Ngay chân núi Sam, gần miếu Bà Chúa Xứ là chùa Tây An, được xây dựng năm 1847. Truyền rằng Doãn Uẩn là quan Tuần phủ An Giang từ 1843 tới 1847 rất sùng đạo Phật, đã dùng tiền riêng dựng ngôi chùa mái tranh, vách lá bên triền núi Sam. Tới năm 1952 dân quanh vùng mới đóng góp công của sửa mới khang trang hơn. Từ đó tới nay, chùa được trùng tu nhiều lần và trở thành một kiến trúc độc đáo, nguy nga với ba ngôi lầu nóc tròn hình củ hành theo kiến trúc Ấn Độ. Cặp voi bằng xi măng lớn trước sân chùa, con trắng sáu ngà, con đen hai ngà. Trong chính điện chùa có trên 140 bức tượng Phật Thích Ca, Di Đà, Quan Âm, Tam Thế Phật, Đại Thế Chí, Bồ Tát và thánh tiên lớn nhỏ bằng gỗ, bằng đồng, đường nét sắc sảo và sơn thếp rất đẹp. Phía sau thờ các vị trụ trì chùa Tây An, tượng gỗ tạc uy nghi, nhưng riêng người khai sáng giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương mà dân chúng đã tôn xưng là Phật Thầy Tây An thì không để lại hình ảnh gì. 

Phật Thầy Tây An tên thực là Đoàn Minh Huyên, sinh năm 1807 ở Sa Đéc (trấn Vĩnh Thanh xưa, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), một chí sĩ yêu nước có tinh thần cách mạng, bất mãn với triều đình và thường cứu độ dân lành. Ông đến chùa này khi Hải Tịnh thiền sư trụ trì đời thứ nhất. Phật Thầy viên tịch năm 1856, chỉ hưởng thọ 50 tuổi nhưng để lại nhiều công đức như khẩn hoang lập trại ở vùng Bảy Núi để sản xuất và làm căn cứ chống giặc. Ngoài Quản cơ Trần Văn Thành - chỉ huy nghĩa quân một thời khiến quân Pháp khiếp sợ - ông còn nhiều đệ tử nổi tiếng như Tăng Chủ, Đình Tây, Đạo Xuyến, Đạo Ngoạn, Đạo Lập...

Khi mất, trong lúc tinh thần vẫn sáng suốt, ông dặn chỉ chôn xác chứ không đắp nấm. Nhưng để giữ gìn mộ và dễ chiêm bái, đến năm 1939 các đệ tử và thiện tín đã chung góp công của để xây rào đúc, lập miếu khang trang thờ ông. Bên trái, mấy ngọn tháp uy nghiêm vây quanh ngôi mộ cổ, bên phải là nhà khói - nơi nấu nướng và kho dự trữ lương thực. Mộ Phật Thầy là nấm đất bằng phẳng đơn sơ nằm trên 9 bậc cấp gạch ở sau chùa, dưới bóng cây râm mát. Phía trước có văn bia ghi năm sinh, đạo hiệu, ngày mất của ông, quanh năm khói hương nghi ngút. Noi gương Phật Thầy, nhiều vị trụ trì ở đây đã nuôi chứa, giúp đỡ cán bộ cách mạng trong suốt thời kỳ chống Mỹ. 

* Giai thoại về Phật Thầy Tây An:

Thuở nhỏ Phật Thầy Tây An đã chu du khắp nơi, tới đầu năm 1849 mới quá giang ghe buôn trở về. Khi đó, thân mẫu ông đã mất, mộ đặt tại Cái Nai, gần rạch Cái Tàu Thượng. Thân nhân chỉ còn hai người anh chú bác, họ khuyên ông ở quê làm ăn nhưng ông mang lời tu hiền ra giảng giải rồi từ giã. Tới núi Sam, ông dựng túp lều nhỏ cạnh chùa Tây An, ngày ngày bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Khi đó trong nước xảy ra nhiều cuộc nổi loạn chống chế độ phong kiến thống trị. Tiếng tăm của ông lan xa, dân chúng khắp vùng ai ai cũng kính phục khiến chính quyền sở tại e ngại.

Có người tung tin đồn ông là gian đạo sĩ và bắt giam ở tỉnh, nhưng còn chưa rõ thực hư nên bày đủ trò thử thách: Nào lót tượng Phật Bà dưới chiếu bông bảo ông ngồi lên, nào dọn cơm chay thoa mỡ dưới đáy chén...nhưng ông đều đoán trước được để tránh. Không thể kết tội và ám hại ông được, tổng đốc An Giang phải dâng biểu xin triều đình cho ông được tự do hành đạo. Triều đình phê chuẩn nhưng buộc ông phải xuống tóc đi tu như các vị thiền sư khác. Để giảm bớt phiền toái hoài nghi, ông xuống tóc và tạm trú trong chùa Tây An do phái Lâm Tế lập ra và được triều đình chứng nhận, nhưng vẫn không ăn chay trường như các vị sư khác. Dân khắp vùng còn gọi ông là Tây An cư sĩ. Ông thường chu du khắp vùng Thất Sơn để truyền đạo pháp, khai hoang lập trại, mở rộng diện tích canh tác nuôi dân nghèo, chữa bệnh và răn dạy cho họ điều hay lẽ phải. 

Truyền rằng có cặp vợ chồng nghèo sống cùng mẹ già trong túp lều tranh bên bờ kinh Vĩnh Tế, chồng đi chài cá, vợ mang ra xóm bán đổi gạo sống qua ngày. Nghe ca ngợi tài trị bệnh thần hiệu và thông tỏ quá khứ vị lai của Phật Thầy nên người vợ mong mỏi được đến viếng. Một bữa để dành được chút đỉnh, chị mua nải chuối cau để lễ Thầy. Về nhà, chị để nải chuối ở đầu giường rồi lật đật ra bờ kinh đón chồng để mang cá đi bán. Nhìn trái chuối chín vàng ươm, bà mẹ liền bẻ một trái ở bìa, bóc ăn ngon lành. Khi về thấy vậy chị cau có nhiếc móc: “Già gần xuống lỗ mà còn tham ăn! Chuối này để dâng Phật Thầy Tây An đó, bà ăn trước thì Phật nào chứng!”.

Chờ chồng về chị mang nải chuối ra kể lể vì họ quá nghèo, chẳng còn tiền mua nải khác. Anh lặng lẽ lấy dao tiện sát cuống chuối rồi an ủi: “Mình đừng buồn, mẹ già cả nên lẫn lộn. Để ngày mai dâng chuối cúng Phật cũng được, vả lại Phật dụng tâm kia mà!”. Nghe lời chồng, hôm sau chị dâng nải chuối lên nhưng Thầy lắc đầu. Chị nài nỉ xin thầy nhận để cúng Phật.

- Nhà chị có Phật sao không thờ? - Thầy hỏi, chị rất ngạc nhiên:

- Dạ thưa Thầy, nhà con đâu có?

- Vậy ai ăn mất trái chuối?

- Thưa Thầy, chính là mẹ chồng con. Bà già cả lụm cụm nên sơ suất, mong Thầy hỉ xả... - Chị vội phân trần. Thầy mỉm cười dạy rằng:

- Bà lão đâu có lỗi gì mà hỉ xả. Từ nay có món ngon vật lạ thì phải dâng lên mẹ trước, vì mẹ chính là Phật sống đó. Hãy về nuôi nấng, phụng dưỡng mẹ no đủ chớ đừng dùng lời lẽ trách mắng nặng nhẹ như hôm qua.

Người vợ cúi đầu ân hận và bái phục, mọi người xung quanh đều sửng sốt, và tới nay còn truyền khẩu câu hát: 

Tu đâu cho bằng tu nhà. 

Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#giao