Giám sát chặt hệ thống tài chính

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Theo www.vir.com.vn - 1 năm trước

Không phải không có lý khi mới đây, ông Akira Ariyoshi, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, cần phải tăng cường hệ thống tài chính toàn cầu để ngăn ngừa tái khủng hoảng.

Bởi việc giám sát chặt chẽ và xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh luôn là đòi hỏi cấp thiết, không chỉ để ngăn ngừa khủng hoảng, mà còn để tránh được những rủi ro cho nền kinh tế.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, khi cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ nổ ra từ năm ngoái, mà xuất phát điểm là từ việc cho vay dưới chuẩn ở Mỹ, không ít chuyên gia kinh tế Việt Nam đã cảnh báo rằng, đến hệ thống tài chính của Mỹ cũng còn có những khiếm khuyết, huống chi là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Sau khi khủng hoảng nổ ra, tuy không chịu những tác động trực tiếp, song những bất cập của hệ thống tài chính Việt Nam cũng đã bộc lộ, ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Bong bóng của thị trường chứng khoán có thể xem là ví dụ điển hình nhất. Thị trường nhiều khi vận hành không theo quy luật cung - cầu. Tâm lý bầy đàn vẫn phổ biến. Tính thanh khoản của thị trường yếu. Trong khi đó, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tham gia nhiều vào hoạt động đầu tư tài chính, thành lập ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, khủng hoảng tài chính có thể sẽ kéo theo việc nới lỏng chính sách tiền tệ, bong bóng tín dụng, bong bóng bất động sản và lạm phát giá tài sản… Bất cứ sự sơ sẩy nào cũng có thể khiến toàn bộ nền kinh tế phải trả giá. Chính vì thế, giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính là một trong những vấn đề phải thường xuyên được coi trọng.

Theo đánh giá của không ít chuyên gia kinh tế, hệ thống giám sát tài chính của nước ta chưa hữu hiệu, mặc dù đã có cả Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra Chính phủ tham gia hoạt động này. Kể cả Bảo hiểm Tiền gửi, được cho là một mắt xích quan trọng trong quá trình giám sát hệ thống tài chính, cũng đã được thành lập, nhưng đến nay vẫn chưa khẳng định được vị thế.

Thiếu sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến việc giám sát hệ thống tài chính ở cả tầm vĩ mô và vi mô, trên một khía cạnh nào đó, còn lỏng lẻo và chưa đúng tầm. Hơn thế, ngay cả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này cũng chưa thực sự được làm rõ...

Nói như vậy để thấy rằng, chưa tính chuyện xa và quá xa là đề phòng tái khủng hoảng, mà ngay trong hiện tại, giám sát hệ thống tài chính cũng đã là một bài toán hóc búa cần được giải một cách cẩn trọng. Nâng cao năng lực hoạt động giám sát là một chuyện, chuyện khác là cần có những cảnh báo sớm để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo không có sự đổ vỡ của hệ thống tài chính.

Cùng với đó, việc xây dựng một hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của hệ thống tài chính, cũng như sự đổi mới, hoàn thiện để có khả năng thích nghi với xu thế phát triển của thị trường tài chính của từng định chế tài chính như các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ… cũng là hết sức cần thiết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro