Quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta hiện nay

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khái quát đặc điểm các dân tộc ở nước ta hiện nay :

Việt Nam là một quốc gia dân tộc thống nhất gồm 54 dân tộc cùng sinh sống. Các dân tộc ở Việt Nam có đặc trưng sau :

Một là, các dân tộc ở Việt Nam có truyền thống đoàn kết gắn bó xây dựng quốc gia dân tộc thống nhất. Đây là đặc điểm nổi bật trong quan hệ giữa các dân tộc ở Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, do yêu cầu khách quan của công cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ dân tộc ta đã phải sớm đoàn kết thống nhất. Các dân tộc ở Việt Nam đều có chung cội nguồn, chịu ảnh hưởng chung của điều kiện tự nhiên, xã hội, chung vận mệnh dân tộc, chung lợi ích cơ bản - quyền được tồn tại, phát triển. Đoàn kết thống nhất đã trở thành giá trị tinh thần truyền thống quý báu của dân tộc, là sức mạnh để dân tộc ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước.

Hai là, các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cư trú phân tán và xen kẽ trên địa bàn rộng lớn, chủ yếu là miền núi, biên giới, hải đảo. Không có dân tộc thiểu số nào cư trú duy nhất trên một địa bàn mà không xen kẽ với một vài dân tộc khác. Nhiều tỉnh miền núi các dân tộc thiểu số chiếm đa số dân số như : Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu...

Ba là, các dân tộc ở nước ta có quy mô dân số và trình độ phát triển không đều. Theo số liệu điều tra dân số năm 1999, nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh có 65,9 triệu người, chiếm 86,2% dân số cả nước, 53 dân tộc thiểu số có 10,5 triệu người chiếm 13,8% dân số cả nước. Dân số của các dân tộc thiểu số dân số cũng chênh lệch nhau. Có hai dân tộc có dân số từ 1 triệu trở lên, có 10 dân tộc có số dân từ dưới 1 triệu đến 100 ngàn người ; 20 dân tộc có số dân dưới 100 ngàn người ; 16 dân tộc có số dân từ dưới 10 ngàn người đến 1 ngàn người; 5 dân tộc có số dân dưới 1 ngàn người là: Sila, Pupéo, Rơmăm, Ơđu, và Brâu.

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc không đều nhau. Có dân tộc đã đạt trình độ phát triển cao, đời sống đã tương đối khá như dân tộc Kinh, Hoa, Tày, Mường, Thái..., nhưng cũng có dân tộc trình độ phát triển thấp, đời sống còn nhiều khó khăn như một số dân tộc ở Tây Bắc, Trường Sơn, Tây Nguyên...

Bốn là, mỗi dân tộc ở Việt Nam đều có sắc thái văn hoá riêng, góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú, thống nhất của văn hoá Việt Nam. Các dân tộc đều có sắc thái văn hoá về nhà cửa, ăn mặc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và ý thức dân tộc riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của văn hoá Việt Nam. Đồng thời các dân tộc cũng có điểm chung thống nhất về văn hoá, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, ý thức quốc gia dân tộc. Sự thống nhất trong đa dạng là đặc trưng của văn hoá các dân tộc ở Việt Nam.

Quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay

Trong các giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn có quan điểm nhất quán : "Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam". Công tác dân tộc ở nước ta hiện nay, Đảng, Nhà nước ta tập trung:

Khắc phục sự cách biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các dân tộc; nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, kì thị, chia rẽ dân tộc, lợi dụng vấn đề dân tộc để gây mất ổn định chính trị - xã hội, chống phá cách mạng; thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm cho tất cả các dân tộc ở Việt Nam đều phát triển, ấm no, hạnh phúc.

Văn kiện Đại hội X chỉ rõ quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay là: "Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng; làm tốt công tác định canh, định cư và xây dựng vùng kinh tế mới. Quy hoạch, phân bổ, sắp xếp lại dân cư, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng. củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức là người dân tộc thiểu số. Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải gần gũi, hiểu phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc, làm tốt công tác dân vận. Chống các biểu hiện kì thị, hẹp hòi, chia rẽ dân tộc".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro