Giao duc the chat dai hoc vinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

=== ˜ & ™ ===

GIÁO TRÌNH

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC THỂ CHẤT

TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠi HỌC

BIÊN SOẠN. ThS. ĐẬU BÌNH HƯƠNG

N ĂM 2009

Chương I

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

CỦA LÝ LUẬN GIÁO DỤC THỂ CHẤT

I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN

Lý luận giáo dục thể chất, cũng như bất kỳ môn khoa học có tính chất tổng hợp nào khác, đòi hỏi khi tìm hiểu nội dung phải xác định rành mạch các khái niệm mở đầu có tính chất chung nhất liên quan đến đối tượng cần nghiên cứu và phải chính xác hoá những mối liên quan giữa khái niệm đó với các khái niệm cơ bản gần với chúng. Trước hết cần đề cập đến các khái niệm giáo dục thể chất và hệ thống giáo dục thể chất cũng như các khái niệm có liên quan đến các khái niệm như phát triển thể chất, hoàn thiện thể chất, văn hoá thể chất và thể thao.

I.1. Khái niệm giáo dục thể chất:

Giáo dục thể chất là một loại hình giáo dục mà nội dung chuyên biệt là dạy học vận động (động tác) và phát triển có chủ định các tố chất vận động của con người. Tổng hợp quá trình đó xác định khả năng thích nghi thể lực của con người.

Giáo dục thể chất được chia thành hai mặt riêng biệt, dạy học động tác và giáo dục các tố chất vận động.

- Dạy học động tác là nội dung cơ bản của quá trình giáo dưỡng thể chất. Đó chính là quá trình tiếp thu có hệ thống, những cách thức điều khiển động tác vốn kỹ năng kỹ xảo cần thiết cho cuộc sống và những trí thức chuyên môn.

- Bản chất của thành phần thứ 2 trong giáo dục thể chất là sự tác động hợp lý tới sự phát triển tố chất vận động, đảm bảo phát triển năng lực vận động. Trong hệ thống giáo dục nội dung đặc trưng ấy của GDTC được gắn liền với trí dục, đạo đức, mỹ thuật và giáo dục lao động.

Bên cạnh thuật ngữ GDTC người ta thường dùng thuật ngữ chuẩn bị thể lực, về bản chất hai thuật ngữ này có ý nghĩa như nhau. Nhưng thuật ngữ thứ 2 thường được nhắc tới khi nhấn mạnh tính thực dụng của GDTC đối với lao động hoặc các hoạt động khác.

GDTC kết hợp các mặt giáo dục khác như: đức, trí, thể, mĩ nhằm phát triển con người cân đối toàn diện.

I.2. Khái niệm phát triển thể chất

Thể chất chỉ chất lượng cơ thể con người

Phát triển thể chất là qúa trình hình thành và thay đổi hình thái chức năng cơ thể diễn ra trong suốt cuộc đời mỗi cá nhân (chúng được hình thành trên và trong cái nền thân thể ấy).

I.2.1. Hình thái:

Thể chất con người có thể nhìn thấy cân đo, đong đếm được, hình thái bao gồm chiều cao cân nặng, các chỉ số vòng ngực vòng eo, vòng đùi, vòng cổ, vòng bụng, chiều dài bàn tay bàn chân v.v... tất cả các chỉ số đó có thể cân đo đong đếm được gọi là hình thái.

I.2.2 Chức năng:

Các chỉ số về sinh lý sinh hoá, sinh cơ trong cơ thể.

VD: trọng lượng của tim, mạch đập lưu lượng phút, lưu lượng tâm thu, thông khí phổi, hệ cơ xương, thần kinh.vv...

I.3 Quá trình phát triển thể chất đồng thời là quá trình tự nhiên và quá trình Xã hội.

- Phát triển thể chất là 1 quá trình tự nhiên đồng thời là quá trình xã hội.

Phát triển thể chất là quá trình tự nhiên vì nó tuân theo những quy luật sinh học tự nhiên, như quy luật phát triển thể chất theo lứa tuổi giới tính, quy luật thống nhất hữu cơ giữa cơ thể và môi trường, quy luật thay đổi về hình thái dẫn đến thay đổi về chức năng, theo những quy luật thay đổi số lượng dẫn đến thay đổi chất lượng...

Tuy vậy sự phát triển thể chất của con người còn chịu sự chi phối của môi trường xã hội như điều kiện sống vật chất, điều kiện vệ sinh, điều kiện lao động, học tập, nghỉ ngơi.

- Sự phát triển thể chất của con người chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố: Bẩm sinh di truyền, môi trường (điều kiện sống) và giáo dục. Trong đó bẩm sinh di truyền là tiền đề vật chất cho sự phát triển. Ví dụ: 2 bố mẹ đều khoẻ mạnh thì khi sinh ra con, đứa con đó sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển thể chất.

Môi trường (điều kiện sống) tác động đến sự phát triển thể chất một cách tự phát nghĩa là với điều kiện như ăn uống đầy đủ, lao động đúng mức thì thể chất phát triển tốt và ngược lại.

Giáo dục: Tác động đến sự phát triển thể chất 1 cách tự giác (chủ động, tích cực hợp lý). Về bản chất giáo dục là quá trình điều khiển sự phát triển thể chất 1 cách hợp lý hoá.

Vai trò của giáo dục còn thể hiện ở chỗ có thể khắc phục được những hậu quả tiêu cực của lao động, học tập hoặc những hoạt động sống khác gây nên.

VD: Như chữa các bệnh cong vẹo cột sống hoặc phát triển mất cân đối giữa các bộ phân cơ thể, hồi phục chức năng của các cơ quan bị tổn thương, thậm trí thông qua tập luyện có thể tạo ra được những phẩm chất mà bản thân di truyền không có, VD: khả năng làm việc trên không trung hay dưới độ sâu của nước...

- Cả 3 yếu tố này diễn ra đồng thời, có quan hệ chặt chẽ và bổ xung cho nhau trong việc phát triển tố chất và nhân cách con người. Trên cơ sở yếu tố bẩm sinh di truyền là tiền đề cũng với điều kiện sống phù hợp đảm bảo tính khoa học và quá trình giáo dục diễn ra đúng lúc sẽ mang lại hiệu quả cao.

*Tập luyện TDTT sẽ thúc đẩy và nâng cao sự phát triển thể chất như tăng cường sức khoẻ, thể hình đẹp, cân đối nâng cao các khả chức phận của cơ thể như tim, phổi, hệ tim mạch, hô hấp... nâng cao và phát triển các tố chất thể lực, sức đề kháng với bệnh tật, các năng lực vận động cơ bản của cuộc sống như chạy, nhảy, bò, trườn... ngoài ra còn là mục tiêu để rèn luyện phẩm chất đạo đức, hình thành nhân cách của con người và có thể khẳng định một điều rằng người nào tập luyện TDTT 1 cách hợp lý thì chắc chắn sẽ có sự phát triển thể chất hơn hẳn người không tập luyện TDTT mà do sự phát triển của các quy luật tự nhiên (bẩm sinh di truyền).

I.4. Khái niệm về sức khoẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đó là một trạng thái hài hoà về thể chất, tinh thần và xã hội, mà không chỉ nghĩa là không có bệnh hay thương tật, cho phép mỗi người thích ứng nhanh chóng với các biến đổi của môi trường, giữ được lâu dài khả năng lao động và lao động có kết quả.

Sức khoẻ bao gồm sức khoẻ cá thể (từng người), sức khoẻ gia đình, sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ xã hội. Sức khoẻ là một trong những yếu tố cơ bản, đầu tiên để học tập, lao động, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Sức khoẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Cá nhân, môi trường, cộng đồng, xã hội, tình trạng và những vấn đề chung của từng nước và toàn thế giới môi trường sinh thái, chiến tranh khu vực, mức sống còn thấp, sự bóc lột ở một số nước chậm phát triển...).

I.5. Khái niệm thể dục thể thao

Khoảng những năm 70 về trước thuật ngữ TD và TT đã được giải thích bằng cách cắt nghĩa từng từ.

Ví dụ: Thể là cơ thể, dục là giáo dục "giáo dục cơ thể", song thuật ngữ TDTT vẫn rơi vào tình trạng chưa được xác định nội dung cụ thể. Năm 1972 cuốn sách dịch đầu tiên về lý luận và phương pháp giáo dục thể chất đã nêu được nội dung của khái niệm "TDTT là tổng hoà các giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo ra trong qúa trình phát trển xã hội loài người trong lĩnh vực hoàn thiện thể chất cho con người". Thuật ngữ TDTT được dùng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19 trong ngôn ngữ Anh SPORT.

Gần đây trong quá trình phát triển khái niệm TDTT ngày càng hoàn thiện được bổ sung những nội dung mới, theo sự phát triển của nhận thức xã hội sự hiểu biết phát triển - khái niệm phát triển. Thực ra nếu dịch theo đúng từ điển thì thuật ngữ thể dục thể thao đang dùng phải mang tên là văn hoá thể chất. Như vậy thuật ngữ TDTT đồng nghĩa với VHTC.

Muốn hiểu được văn hoá thể chất hay TDTT ta cần đi sâu nghiên cứu khái niệm văn hóa. Trong các ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới có hàng trăm nghĩa khác nhau. Thông thường người ta dùng thuật ngữ văn hoá để chỉ những hoạt động tinh thần của con người và xã hội, chỉ trình độ học vấn của loài người, văn hoá cũng thường dùng để chỉ hành vi cử chỉ con người "người thiếu văn hóa" những hành vi văn minh.

Trong khoa học các tài liệu gốc theo từ điển triết học bách khoa toàn thư người ta định nghĩa "Văn hoá là hoạt động của con người và toàn xã hội nhằm cải tạo tự nhiên. Như vậy văn hoá chính là hoạt động của con người nhằm vào tự nhiên (Cày bừa cuốc xới cải tạo tự nhiên để đáp ứng cho con người để lại những di sản hoạt động gọi là văn hoá).

Trong những tài liệu hiện đại, nội dung khái niệm văn hoá phong phú và đa dạng hơn. Văn hoá bao gồm hoạt động sáng tạo của con người chinh phục tự nhiên, những phương tiện, phương pháp hoạt động và những kết quả hoạt động đem lại cho cá nhân và xã hội. Trong quá trình phát triển của xã hội loài người đã nảy sinh một loại hoạt động đặc biệt, nó không chỉ tác động vào tự nhiên bên ngoài mà tác động vào ngay phần tự nhiên trong con người, đó là cơ thể con người. Cơ thể con người gồm 2 phần: Thực thể tự nhiên (thể xác) và thực thể xã hội (tinh thần).

Vậy TDTT được hiểu là sự luyện tập cơ thể cải tạo cơ thể bằng sự vận động tích cực của cơ bắp. Đối tượng của TDTT là điều khiển quá trình phát triển thể chất của con người. Để phân tích sâu hơn khái niệm TDTT được xem xét 3 quan điểm.

- TDTT là một hoạt động.

Đây là một hoạt động của con người, nó là một hoạt động có đối tượng là con người, đặc biệt của hoạt động này là một hoạt động hỗ trợ bổ sung cho hoạt động chính cơ bản. Nó là một hoạt động phụ làm tăng hiệu quả của hoạt động chính. Nó là hoạt động phụ bổ sung nâng cao hiệu quả hoạt động sống cơ bản. TDTT ra đời gắn liền với lao động cụ thể gắn liền với nghề săn bắn. Nghề săn bắn đòi hỏi con người phải có sức mạnh khéo léo bền bỉ, phải có kỹ năng leo trèo rình rập bò trườn và đặc biệt là lao ném. Nhờ có ý thức phát triển mà con người nhận thức được mối liên hệ nhân quả giữa chuẩn bị trước cho lao động và kết quả lao động vì vậy nó nảy sinh hình thức tập luyện để chuẩn bị trước cho lao động. Ở những nước Châu Phi, Châu Úc còn lại những di tích chứng tỏ người cổ xưa đã tập luyện săn bắn như hình vẽ của thú vật trên đá.

Vậy nó là hoạt động chuẩn bị cho lao động, đi trước lao động để làm tăng hiệu quả của lao động, phục vụ cho lao động đây là chức năng xã hội vốn có của TDTT và lúc đó giáo dục thể chất cũng thuộc phạm trù vĩnh hằng. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, tính chất của lao động thay đổi lao động chân tay ngày càng giảm nhẹ lao động trí óc và lao động bằng máy ngày càng tăng lên. Nhưng mối quan hệ giữa TDTT với lao động không hề bị xoá bỏ. Nếu như trước đây TDTT liên hệ trực tiếp với lao động mang tính thực dụng trực tiếp nhưng ngày nay nó mang tính chất gián tiếp. Ảnh hưởng của nó là nâng cao sức khoẻ, chúng thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau lao động nâng cao khả năng hoạt động thể lực.

- TDTT là tổng hoà giá trị vật chất và tinh thần

Đó là những công cụ phương tiện được sáng tạo ra tác động vào tự nhiên, đó là nhưng giá trị vật chất và tinh thần được lưu trữ và truyền bá ví dụ: Xây nhà phải có những phương pháp dụng cụ sáng tạo ra gọi là văn hoá (trong trường hợp này TDTT bao gồm những môn tập những bài tập mà con người sáng tạo ra như thể dục nhịp điệu, thể dục thể hình, phương pháp tập luyện) được sử dụng trong thi đấu và tập luyện.

- TDTT là kết quả của hoạt động.

Kết quả của tập luyện TDTT thể hiện ngay trên chính cơ thể con người đó là sức khoẻ, thể chất phát triển, kỷ lục thể thao, phong trào thể thao. Vậy TDTT theo nghĩa hẹp là: Bộ phận hữu cơ của nền văn hoá xã hội ... Theo nghĩa rộng là tổng hoà những giá trị vật chất và tinh thần loài người sáng tạo ra trong lĩnh vực tập luyện.

II. NGUỒN GỐC CỦA THỂ DỤC THỂ THAO VÀ CHỨC NĂNG VỐN CÓ.

Thể dục thể thao ra đời phát triển theo sự phát triển của xã hội loài người. Lao động sản xuất là nguồn gốc cơ bản của thể dục thể thao. Nói cách khác, đó là cơ sở sinh tồn của tất cả mọi hoạt động, là hoạt động thực tiễn cơ bản nhất. Thể dục thể thao được phát sinh trong những điều kiện sinh hoạt vật chất nhất định của xã hội đặc biệt là săn bắt.

Trong thời cổ xưa con người sống thành từng bầy lớn sinh sống bằng săn bắt là bộ phận kinh tế sản xuất ra vật phẩm tiêu dùng chủ yếu nhất của thời đó. Ngay trong quá trình giải quyết những vấn đề thiết thân: Ăn, ở, mặc... của mình. Tất cả mọi hoạt động của con người đều phục vụ săn bắn. Nhờ săn bắt con người kiếm được thức ăn và một số vật phẩm tiêu dùng. Chính vì vậy muốn có được thức ăn và sống được an toàn, họ luôn phải đấu tranh với thiên tai và thú dữ, con người phải biết leo trèo, lội qua suối, bơi qua sông v.v... Nói cách khác săn bắt là cuộc thi giữa con người và con vật về sức nhanh và sức mạnh, sức bền. Thực tế đấu tranh khốc liệt để sinh tồn đó buộc con người phải biết chuẩn bị, dạy và học. Đây chính là điều kiện khách quan đề ra đời TDTD mặt khác do hoạt động tư duy có rất sớm những kinh nghiệm hoạt động của con người được lặp lại nhiều lần trong cuộc sống và dần được tích luỹ lại đã làm cho con người nhận thức được hiện tượng tập luyện, vì họ hiểu rằng chạy nhiều thì chạy càng nhanh, càng dẻo dai hiệu quả của cuộc săn bắt càng tốt hơn.

Vì vậy trong quá trình lao động con người nhận thấy việc tập luyện là cần thiết để chuẩn bị cho lao động, để lao động được khoẻ dẻo dai bền bỉ cho nên người ta tập động tác tương tự như ném, leo trèo dần già quá trình lao động và tập luyện con người đã tích luỹ được thêm nhiều hiểu biết để truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây chính là điều kiện chủ quan của sự ra đời của TDTT. Vậy chức năng vốn có của TDTT là chuẩn bị cho lao động đi trước lao động trong thời kì này TDTT mang tính thực dụng trực tiếp cùng với sự phát triển của loài người đặc biệt là sự phát triển KH- KT ngày càng phát triển nó giảm nhẹ sức lao động của con người, thay vào đó là những máy móc hiện đại tinh vi chủ động, con người chỉ cần điều khiển thì vai trò của TDTT lại mang tính thực dụng gián tiếp nó chuẩn bị thể lực cho con người ngoài ra nó còn nhiều vai trò chức năng khác như thể dục chữa bệnh, thể dục nghề nghiệp, thể dục vệ sinh, TD trong thời gian nhàn rỗi, TD hồi phục làm cho con người có trạng thái thoải mái để bước vào lao động đạt hiệu quả cao.

Như vậy TDTT xuất hiện cùng với sự hình thành của xã hội loài người TDTT trở thành biện pháp quan trọng để chuẩn bị cho lao động mà lao động là điều kiện tự nhiên để đảm bảo cho cuộc sống. Xã hội loài người càng phát triển TDTT cũng theo đà đó mà phát triển cho nên TDTT là một hiện tượng xã hội nó thuộc phạm trù vĩnh cửu với ý nghĩa xuất hiện cùng với sự xuất hiện của XH loài ngươì sẽ tiến triển theo quá trình tiến triển của XH sẽ tồn tại mãi mãi như những điều kiện tất yếu của nền sản xuất.

III. TÁC DỤNG CỦA TẬP LUYỆN THỂ DỤC THỂ THAO ĐỐI VỚI CƠ THỂ

Cơ thể con người là một khối thống nhất. Tất cả các hệ thống, cơ quan trong cơ thể có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau. Khi ta vận động( tập luyện TDTT) thì không những cơ bắp hoạt động mà tim, phổi, hệ thần kinh, hệ bài tiết...đều tăng cường hoạt động và chịu ảnh hưởng rõ rệt.

Tập luyện TDTT có tác dụng làm cho các tổ chức cơ quan trong cơ thể thay đổi hình thái và nâng cao năng lực vận động. Hai mặt đó luôn liên qua mật thiết và tác động lẫn nhau ( cấu trúc thay đổi dẫn đến chức năng thay đổi).

Hoạt động TDTT là một trong những hoạt động vận động tích cực thực hiện trong những điều kiện phức tạp của thế giới tự nhiên. Phương tiện hoạt động TDTT gồm có các bài tập thể chất, các điều kiện tự nhiên như: ánh sáng, không khí, nước, bức xạ mặt trời... và các yêu cầu về vệ sinh, chính vì vậy mà tập luyện TDTT có tác động và ảnh hưởng tốt đối với thể người tập.

Tập luyện TDTT là phương pháp phòng bệnh tích cực, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống bệnh tật, tạo điều kiện cho cơ thể phát triển tự nhiên, cân đối, tăng cường sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ.

Nâng cao năng lực hoạt động của cơ thể, góp phần rèn luyện những phẩm chất đạo đức - ý chí cần thiết cho con người, phát triển toàn diện các tố chất vận động: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và sự khéo léo.

Tập luyện TDTT sẽ góp phần khắc phục sửa chữa được một số khuyết tật của cơ thể và những hiệu quả tiêu cực của hoạt động lao động và học tập gây ra (chữa các bệnh cong vẹo cột sống, bẹt bàn chân), phòng chống bệnh nghề nghiệp và góp phần quan trọng vào việc điều trị, hồi phục tích cực các cơ quan vận động và một số bệnh lý khác.

Thông qua hoạt động TDTT một cách có hệ thống sẽ nâng cao được khả năng trao đổi chất trong cơ thể, góp phần tích cực nâng cao sức khoẻ, giúp cơ thể phát triển tự nhiên cân đối hài hoà về thể chất, nâng cao được cường độ hoạt động, khả năng thăng bằng, độ linh hoạt, khả năng phân tích - tổng hợp của hệ thần kinh, từ đó nâng cao năng lực thích ứng của cơ thể đối với những thay đổi của thời tiết, khí hậu và hoàn cảnh, tạo điều kiện thích nghi với môi trường sống. Ngoài ra TDTT còn giúp cho người tập có được tinh thần sảng khoái, nâng cao năng lực trí tuệ giảm stress.

Do vậy, tập luyện TDTT thường xuyên có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống cũng như năng lực công tác, lao động, học tập của con người, làm thay đổi theo hướng tích cực và và nâng cao khả năng làm viêc của các hệ thống cơ quan trong cơ thể, nhờ đó có thể tao ra những phẩm chất, khả năng mà bẩm sinh di truyền không có được: như làm việc trong môi trường chân không của cá nhà du hành vũ trụ, điều kiện áp suất cao như thợ lặn.

Nhưng một điều cần chú ý là những tác động của GDTC phải trong giới hạn cho phép nhất định. Trong những nhân tố về đặc điểm hình thái chức năng của cơ thể có những nhân tố ít chịu ảnh hưởng của tập luyện mà chịu sự chi phối của bẩm sinh và di truyền, đó là những đặc điểm "bảo thủ" của cơ thể. Như đối với phụ nữ tập luyện TDTT có thể làm cho vòng eo nhỏ lại nhưng lại không thể làm cho vòng ngực lớn ra. Tiền đề vật chất cho sự phát triển thể chất là bẩm sinh di truyền còn xu hướng, tốc độ phát triển lại chịu ảnh hưởng lớn của các điều kiện sinh hoạt, vật chất, chế dộ sống, chế độ lao động, học tập và nghỉ ngơi đặc biệt là quá trình giáo dục.

IV. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỦA GIÁO DỤC THỂ CHẤT.

IV .1. Mục đích:

Mục đích của giáo dục hay nói đúng hơn là mục đích mà con người và xã hội đề ra cho mình trong lĩnh vực giáo dục. Mục đích là sự dự báo kết quả của hoạt động cần đạt được, mục đích giáo dục là sự phản ánh những nhu cầu khách quan của xã hội, không thể đặt ra mục đích một cách tuỳ tiện.

Một trong những nhân tố khách quan cơ bản của mục đích GDTC là những yêu cầu của nền sản xuất xã hội đối với sức khoẻ, thể chất và trình độ thể lực của con người. Chức năng vốn có của GDTC là chuẩn bị cho lao động nó tồn tại vĩnh hằng cùng với lao động, chính nền sản xuất lớn XHCN đòi hỏi con người phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Các Mác nói "Đến một giai đoạn nào đó trong xã hội tất yếu nảy sinh vấn đề thay thế những công nhân chỉ đơn giản thực hiện chức năng lao động bằng những cá nhân phát triển toàn diện". Chính những người sáng tạo ra chủ nghĩa Mác đã nhận ra nhu cầu khách quan về con người phát triển toàn diện có từ thời cổ xưa trong kho tàng trí tuệ của loài người.

Nguyên nhân khách quan thứ hai quyết định mục đích của giáo dục thể chất là những yêu cầu củng cố quốc phòng của đất nước, trong bất kỳ tình thế nào mỗi quốc gia đều phải thực hiện chức năng quốc phòng (qua năm thời kỳ nô lệ - CNCS) đều có quân sự trong TDTT. Một trong những thành phần quan trọng nhất tạo nên sức mạnh quân sự là trình độ chuẩn bị thể lực cho chiến sỹ. Phương tiện kỹ thuật hiện đại đòi hỏi quân sự phải tiếp thu và sử dụng chúng có hiệu quả trong các tình huống chiến đấu, yêu cầu tối đa về hoạt động thể lực và tinh thần.

Mục đích của giáo dục thể chất XHCN là sự phản ánh nhu cầu cụ thể của xã hội có cội nguồn từ lao động, song điều đó không có nghĩa giáo dục thể chất chỉ hoàn toàn nhằm tới sức khoẻ thoả mãn nhu cầu thực dụng xã hội. Mục đích của giáo dục thể chất và mục đích của giáo dục nói chung trong chế độ XHCN phải là sự phản ánh nguyên tắc cao nhất của CNCS "tất cả vì con người". Tính nhân đạo cao cả của thực tiễn giáo dục XHCN còn thể hiện ở chỗ lần đầu tiên trên cơ sở thực tế xoá bỏ mâu thuẫn giữa chức năng xã hội thực dụng của giáo dục và đáp ứng đầy đủ lợi ích phát triển toàn diện cân đối của mọi thành viên trong xã hội.

Mục đích của GDTC trong các trường đại học là góp phần thực hiện nục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế và văn hoá xã hội, phát triển hài hoà, cường tráng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghề nghiệp và có khả năng tiếp cận với thực tiễn lao động sản xuất... của nền kinh tế thị trường.

Mục đích của GDTC đựơc cụ thể hoá trong 3 nhóm nhiệm vụ

IV.2. NHIỆM VỤ.

IV.2.1. Nhóm nhiệm vụ giáo dục thể chất theo nghĩa hẹp.

" Giáo dục cơ thể" củng cố và tăng cường sức khoẻ phát triển toàn diện cân đối, hình thái chức năng cơ thể, phát triển toàn diện các tố chất vận động và khả năng hoạt động thể lực.

- Nhóm nhiệm vụ này được đảm bảo phát triển toàn diện các tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo léo, chúng là nhân tố tổng hợp chủ yếu của khả năng vận động, giáo dục các tố chất thể lực và còn có ý nghĩa sức khoẻ. Chính sức khoẻ lại quy định tự nhiên hoàn thiện hình thái chức năng cơ thể thông qua vận động có hệ thống "Không có gì làm, kiệt quệ và huỷ hoại cơ thể bằng sự thiếu vận động kéo dài" Arixtôt.

- Đồng thời nhiệm vụ giáo dục sức khoẻ trong giáo dục thể chất cũng được giải quyết tương đối độc lập đó là dùng các thủ pháp tôi luyện cơ thể nâng cao khả năng thích nghi trước những biến đổi đột ngột của thời tiết .

Ví Dụ: Tập làm quen với nước lạnh, tạo ra sức khoẻ một cách trực tiếp và đảm bảo yêu cầu vệ sinh trong sinh hoạt.

- Hoàn thiện thể hình.

Trong hệ thống giáo dục thể chất XHCN nhiệm vụ hoàn thiện thể hình không có nghĩa độc lập.

Về việc hoàn thiện thể hình chỉ đúng đắn nếu sự tập luyện không vì mục đích phát triển toàn diện thể lực phẩm chất và năng lực con người, trong một số trường hợp việc hoàn thiện hình thể có ý nghĩa phòng chữa bệnh và chỉnh hình.

IV.2.2. Nhiệm vụ giáo dưỡng thể chất:

Hình thành và hoàn thiện kỹ năng kỹ xảo, quan trọng trong cuộc sống kể cả kỹ xảo thực dụng trực tiếp và thể thao, trang bị kiến thức chuyên môn.

Nhiệm vụ giáo dưỡng được đặt ra bởi khả năng vận động của con người được bộc lộ trong các kỹ năng vận động, nói cách khác muốn có trình độ chuẩn bị thể lực chỉ phát triển các tố chất vận động thì chưa đủ.

Nội dung cụ thể của việc giáo dưỡng ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình giáo dục thể chất nhiều năm phụ thuộc vào kinh nghiệm vận động mà con người đã tiếp thu được và lôgíc chuyển tiếp từ kỹ năng, kỹ xảo đơn giản đến kỹ xảo phức tạp còn năng khiếu cá nhân phụ thuộc vào đặc điểm hoạt động và nhiều nhân tố khác.

Quy tắc chung là chuyển dần từ giáo dưỡng chung rộng rãi sang hoàn thiện sâu kỹ năng, kỹ xảo vận động. Giáo dưỡng chung, đi, chạy, nhảy, leo trèo các bài tập đơn giản chuyển từ kỹ năng cơ bản đã là các kỹ năng, kỹ xảo thể thao.

Một nội dung quan trọng của giáo dưỡng thể chất là trang bị những kiến thức chuyên môn cũng như thường xuyên bổ sung vận dụng chúng trong thực tiễn. Đó là những kiến thức làm tiền đề cho việc tiếp thu kỹ xảo (sự hiểu biết kỹ thuật, những kiến thức về vệ sinh tập luyện, phương pháp tập luyện thi đấu, những ý kiến về ý nghĩa xã hội của GDTC).

IV.2.3. Nh iệm vụ hình thành nhân cách con người.

Đây là quá trình hình thành nhân cách cho con người, nhiệm vụ giáo dục Chủ nghĩa Cộng sản. Rõ ràng những nhiệm vụ phức tạp để hình thành nhân cách hoàn chỉnh chỉ được giải quyết trong điều kiện thống nhất hữu cơ các mặt giáo dục riêng biệt với giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức dường như xuyên suốt toàn bộ thực tiễn giáo dục xã hội, xuyên suốt các mặt giáo dục và hình thức giáo dục. Bởi vì hiệu quả cuối cùng của bất kỳ mặt giáo dục nào cũng phụ thuộc chủ yếu vào giải quyết toàn diện nhiệm vụ hình thành lý tưởng tiêu chuẩn đạo đức, thói quen đạo đức. Tính giai cấp của giáo dục chính là hình thành nhân cách đặc trưng cho chế độ xã hội. Giáo dục đạo đức dường như xuyên suốt toàn bộ quá trình giáo dục xã hội, xuyên suốt bất kỳ bộ phận, khía cạnh, hình thức nào của thực tiễn đó. Bởi vì đạo đức là một thành viên xã hội, để điều chỉnh hành vi của con người

Để điều chỉnh hành vi của con người mỗi chế độ xã hội đặt ra những chuẩn mực quy định thái độ của con người đối với bản thân, bạn bè, gia đình, tập thể, quốc gia.

Trong quá trình giáo dục thể chất chúng ta cũng phải giải quyết nhiệm vụ này, đối với trí dục cũng vậy nhất là những môn xã hội học văn học.

Bên cạnh việc giáo dục đạo đức, chúng ta cần tiến hành giáo dục ý chí. Ý chí là khả năng của con người tập trung sức mạnh tinh thần để khắc phục những khó khăn trong quá trình hoạt động và trong quá trình sống.

Chỉ có những người có ý chí, có bản lĩnh mới vượt qua được trở ngại trên đường đạt tới mục đích. Trong hành vi của con người gọi là hành động ý chí khác hành động bản năng, trong hoạt động con người bao giờ cũng đặt cho mình một cái đích đạt tới. Muốn đạt được mục đích đó đòi hỏi phải có ý chí.

Những biểu hiện của ý chí trong một con người thường thấy cương quyết, tự tin, kiên trì, nhẫn nại, dũng cảm. Trong quá trình giáo dục thể chất phải kết hợp những nét về giáo dục ý chí.

Đây không phải là nhiệm vụ đặc trưng nhưng nhất thiết phải làm vì đây là nhiệm vụ xuyên suốt toàn bộ hệ thống giáo dục Cộng sản Chủ nghĩa.

CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN

1. Phân tích khái niệm GDTC?

2. Phát triển thể chất là gì?

3. Sự phát triển thể chất của con người tuân theo những quy luật nào?

4. Phân tích khái niệm TDTT?

5. Trình bày nguồn gốc của TDTT?

6. Tác dụng của việc tập luyện TDTT đối với cơ thể

7. Trình bày mục đích và các nhiệm vụ của GDTC?

Chương II

CÁC PHƯƠNG TIỆN - PHƯƠNG PHÁP

VÀ CÁC NGUYÊN TẮC GIÁO DỤC THỂ CHẤT

I. CÁC PHƯƠNG TIỆN GIÁO DỤC THỂ CHẤT

Để đạt mục đích giáo dục thể chất người ta sử dụng tổng hợp các phương tiện khác nhau kể cả các phương tiện chung cho quá trình sư phạm. Các phương tiện giáo dục giáo dục thể chất được sử dụng để tác động đến các đối tượng tập luyện nhằm đạt được những mục đích của giáo dục thể chất. Chúng bao gồm các bài tập thể dục thể thao, các nhân tố môi trường tự nhiên, điều kiện vệ sinh.

Trong đó bài tập thể chất là phương tiện chuyên môn cơ bản của GDTC.

I.1. BÀI TẬP THỂ CHẤT LÀ PHƯƠNG TIỆN CHUYÊN MÔN CƠ BẢN CỦA GIÁO DỤC THỂ CHẤT.

I.1.1. Khái niệm bài tập thể chất:

Bài tập thể chất là những hành vi vận động của con người, được lựa chọn để giải quyết các nhiệm vụ của giáo dục thể chất.

Trong cuộc sống con người thực hiện những hành động vận động như lao động, vui chơi, sinh hoạt, giao tiếp. Thông qua hoạt động con người biểu thị nhu cầu cảm xúc và thái độ tích cực đối với thế giới bên ngoài. Song không phải tất cả những hành động đó đều gọi là bài tập thể chất. Đặc điểm quan trọng nhất của bài tập thể chất là sự phù hợp giữa hình thức và nội dung của bài tập thể chất.

Ví dụ: Những hình thức vận động cơ bản của con người như đi, chạy, nhảy v.v... có thể trở thành bài tập thể chất khi chúng có hình thức hợp lý theo quan điểm giáo dục thể chất và tạo ra được các quá trình biến đổi chức năng của cơ thể ở mức độ cần thiết, phù hợp với yêu cầu giữ gìn sức khoẻ, nâng cao các tố chất thể lực, hoàn thiện các kỹ năng vận động v.v... Như vậy bất kỳ động tác nào của lao động và đời sống cũng có thể được cải biến để trở thành phương tiện giáo dục thể chất. Như vậy bài tập thể chất nhất thiết không phải là những môn thể thao.

Dấu hiệu đặc trưng của bài tập thể chất là sự lặp đi lặp lại động tác, chỉ có lặp lại nhiều lần một hành động vận động nào đó mới có thể hình thành kỹ năng kỹ xảo, hoặc làm phát triển tố chất thể lực.

I.1.2. Nguồn gốc bài tập thể chất:

Các công trình nghiên cứu lịch sử cho thấy bài tập thể chất đã xuất hiện cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người trong quá trình lao động. Nhân tố quan trọng nhất làm nảy sinh BTTC là điều kiện sống vật chất và hoạt động của con người mà trước nhất là lao động, các bài tập thể chất đầu tiên có liên hệ trực tiếp với các động tác lao động ngoài lao động các hoạt động quân sự, nghệ thuật, tôn giáo v.v... cũng ảnh hưởng tới sự phát triển bài tập thể chất, các bài tập nảy sinh và đáp ứng nhu cầu lao động được gọi là bài tập tự nhiên. Nhưng xã hội loài người ngày càng phát triển những bài tập tự nhiên mất dần tính thực dụnh trực tiếp, người ta sáng tạo ra những bài tập không có những động tác giống tự nhiên, (do sản xuất ngày càng phát triển sự hiện đại của máy móc) sự gián tiếp nhiều cho nên BTTC mất dần tính thực dụng trực tiếp dần dần các bài tập tự nhiên được thay thế bằng các bài tập phân tích. Đó là các bài tập được sáng tạo để giải quyết các nhiệm vụ giáo dục, giáo dưỡng và chữa bệnh.

Ví dụ: Các bài tập thể dục vệ sinh buổi sáng, những bài tập thể dục thể hình , các bài tập thể dục dụng cụ...

- Sự khác biệt giữa bài tập thể chất và lao động chân tay.

Giống nhau: Đều là sự vận động của cơ bắp với những cơ chế biến đổi về sinh cơ, sinh lý, sinh hoá... tương tự nhau. Nhưng không thể coi hai hiện tượng đó có cùng một bản chất mà giữa chúng có sự khác biệt cơ bản.

Bài tập thể chất Lao động chân tay

BTTC tác động vào con người LĐCT tác động vào tự nhiên

Mục đích: Tăng cường sức khoẻ Mục đích: Tạo ra của cải vật chất

- chữa bệnh nghề nghiệp - Gây bệnh nghề nghiệp

- Tạo ra những tố chất thể lực mới - Phát minh ra những phương pháp

mà bẩm sinh di truyền không có được để cải tạo tự nhiên.

Lao động là quá trình con người tác động vào tự nhiên, cải tạo tự nhiên bắt tự nhiên đáp ứng nhu cầu của mình, qua lao động con người cải tạo chính bản thân mình. Song sự tác động đó chỉ mang tính tự phát. Trong sản xuất hiện đại lao động chân tay được giảm nhẹ sẽ làm thu hẹp vận động thể lực và kết quả là hạn chế sự phát triển thể chất của con người.

Trong khi đó bài tập thể chất tác động tới cơ thể theo quy luật của quá trình giáo dục nhờ bài tập thể chất ta có thể định hướng tác động con người để phát triển thể chất và tinh thần của họ.

Như vậy TDTT và lao động chân tay có mỗi quan hệ hữu cơ với nhau được thể hiện ỏ chỗ. TDTT sau khi được hình thành trên cơ sở lao động đã trở thành một hoạt động không thể thay thế được của công việc chuẩn bị cho lao động.

để nghiên cứu sâu hơn về bản chất của bài tập thể chất chúng ta cần phân tích nội dung và hình thức của BTTC.

I.1.3. Nội dung và hình thức của bài tập thể chất:

- Nội dung:

Là các tác động cấu thành bài tập và các quá trình cơ bản diễn ra trong cơ thể phản ánh tác động của BTTC đối với người tập. Mỗi bài tập khác nhau có nội dung khác nhau, quá trình sinh lý diễn ra cũng khác nhau. Những quá trình này rất đa dạng và phức tạp chúng có thể được xem xét theo các quan điểm tâm lý học, sinh lý học, sinh hoá, sinh cơ v.v...

Dưới góc độ tâm lý, BTTC là các động tác tự ý đó là những động tác được điều khiển bằng trí tuệ và ý chí khác với động tác "vô ý thức", tức là các động tác phản xạ không điều kiện.

Việc thực hiện bài tập thể chất bao giờ cũng nhằm đạt được hiệu quả cụ thể nói cách khác mỗi bài tập thể chất đều có mục đích tự giác. Để đạt được mục đích con người phải tư duy tích cực, xác định phương hướng hành động đáng giá điều kiện hành động và điều khiển động tác nỗ lực ý chí. Như vậy về mặt tâm lý nội dung của bài tập thể chất là quá trình nhận thức cảm xúc và ý chí.

Xét về mặt sinh lý học, BTTC là sự chuyển cơ thể sang một mức hoạt động chức năng cao hơn so với trạng thái không hoạt động. Những biến đổi sinh lý trong vận động sẽ kích thích quá trình hồi phục và thích nghi sau đó.

VD: Thông khí phổi tăng hơn 30 lần, hấp thụ ôxy tăng 20 lần, lưu lượng phút của máu tăng đến 10 lần hoặc hơn, tương ứng với quá trình đó các quá trình đồng hoá và dị hoá cũng tăng lên. Nhờ đó BTTC trở thành một nhân tố mạnh mẽ làm tăng cường khả năng chức phận và hoàn thiện cấu trúc cơ thể.

Khi xem xét nội dung BTTC theo quan điểm sư phạm thì điều quan trọng không hẳn chỉ là những biến đổi sinh lý, sinh hoá diễn ra trong cơ thể, mà chủ yếu là những khả năng do bài tập tạo ra để phát triển hợp lý năng lực con người, cùng với việc hình thành kỹ xảo nhất định. Về mặt sư phạm tác động của bài tập thể chất không chỉ hạn chế về mặt trong phạm vi sinh học mà còn tác động đến tâm lý, ý thức hành vi con người.

- Hình thức của bài tập thể chất:

Hình thức của bài tập phụ thuộc vào đặc điểm nội dung của nó trong triết học hình thức được hiểu là phương thức tồn tại của nội dung, là kết cấu của nội dung cho nên hình thức BTTC là kết cấu bên trong và bên ngoài của nó.

- Cấu trúc bên trong của bài tập thể chất.

Là mỗi liên hệ qua lại tương hỗ phối hợp và tác động lẫn nhau giữa quá trình sinh lý diễn ra trong cơ thể khi tập luyện.

VD: Các quá trình phối hợp thần kinh cơ, sự phối hợp qua lại giữa chức năng vận động và thực vật, tương quan giữa khả năng yếm khí và ái khí trong chạy sẽ khác trong đẩy tạ.

- Cấu trúc bên ngoài của bài tập thể chất:

Biểu hiện mỗi quan hệ không gian, thời gian và dùng sức tức là hình dáng động tác có thể nhìn thấy được.

Mối quan hệ giữa hình thức và nội dung của bài tập thể chất.

hình thức và nội dung của bài tập thể chất có mỗi liên hệ hữu cơ với nhau. Trong đó nội dung là mặt quyết định, nội dung đi trước và để đạt được mục đích trong một bài tập nào đó thì phải thay đổi nội dung, sau đó hình thức mới thay đổi sau cho phù hợp. Mặt khác hình thức cũng ảnh hưởng tới nội dung, hình thức bài tập không phù hợp sẽ cản trở việc thực hiện nội dung.

VD: Người có kỹ thuật chạy sẽ đạt kết quả cao hơn người không có kỹ thuật. Vì vậy hình thức phù hợp sẽ tạo điều kiện thực hiện nội dung.

Trong thực tế có những bài tập có nội dung khác nhau nhưng lại có hình thức tương tự nhau (như chạy và đi bộ). Đồng thời có những bài tập có nội dung giống nhau nhưng hình thức lại khác (nhau như chạy bơi cùng một cường độ sinh lý).

I.2. CÁC NHÂN TỐ XÁC ĐỊNH SỰ TÁC ĐỘNG HỢP LÝ CỦA BÀI TẬP THỂ CHẤT.

Tuỳ theo nội dung và hình thức mà mỗi bài tập thể chất đều gây tác động nhất định đến cơ thể con người.

Vì cơ thể con người là khối thống nhất hoàn chỉnh, bất cứ một tác động nào cũng gây nên sự biến đổi trong cơ thể cho nên trong quá trình tập luyện nếu không dựa trên những quy luật GDTC thì sẽ mang lại tác hại đối với cơ thể. Cho nên trong quá trình giảng dạy, phải hướng dẫn đúng đắn về mặt sư phạm và các phương pháp hợp lý, các nhân tố đó bao gồm.

- Bản thân bài tập.

Các bài tập khác nhau về cấu trúc, lượng vận động, về độ phức tạp và độ mới lạ sẽ gây ra những phản ứng khác nhau trong cơ thể người tập.

VD: Bài tập bơi khác bài tập đi bộ, những bài tập khác nhau dẫn đến phản ứng cơ thể cũng khác nhau.

- Đặc điểm cá nhân người tập.

Lứa tuổi, giới tính, trạng thái sức khoẻ, trình độ tập luyện...

Cùng một bài tập, đối tượng khác nhau dẫn đến phản ứng cơ thể cũng khác nhau hoặc cùng một lượng vận động trạng thái sức khoẻ khác nhau cũng khác nhau.

- Điều kiện bên ngoài

Như thời tiết, địa điểm, điều kiện vệ sinh phòng tập, chất lượng dụng cụ tập luyện

-Phương pháp tập luyện.

Tập phương pháp khác nhau dẫn đến phản ứng cơ thể cũng khác nhau. Ví dụ phương pháp đồng đều khác phương pháp lặp lại với quãng nghỉ ngắn.

Như vậy, để có được hiệu quả định trước của việc sử dụng bài tập, nhà sư phạm phải trả lời được câu hỏi: Ai tập? tập cái gì? tập ở đâu? tập như thế nào?

I.3. Ý NGHĨA PHƯƠNG TIỆN CỦA CÁC NHÂN TỐ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN VÀ CÁC NHÂN TỐ VỆ SINH.

I.3.1. Các nhân tố của môi trường tự nhiên

Các nhân tố của môi trường tự nhiên như ánh sáng mặt trời, không khí và nước, cũng là những phương tiện không kém phần quan trọng để củng cố sức khoẻ, tôi luyện cơ thể và nâng cao khả năng hoạt động thể lực của con người, trong quá trình giáo dục thể chất các nhân tố của môi trường tự nhiên được sử dụng theo hai hướng.

- Bổ sung tăng cường và hợp lý hoá tác động của bài tập thể chất như luyện tập trong điều kiện giàu ôxy bãi biển, tập dưới ánh nắng, tập trong điều kiện thời tiết đồi núi.

- Sử dụng như một phương tiện độc lập để tôi luyên cơ thể, củng cố sức khoẻ (tôi luyện là dùng những thủ pháp để nâng cao khả năng thích nghi của cơ thể).

Một trong những kết quả cơ bản của việc sử dụng hợp lý các nhân tố môi trường tự nhiên trong quá trình giáo dục thể chất là tôi luyện cơ thể tức là nâng cao tính ổn định của cơ thể trước những thay đổi đột ngột của thời tiết. Tôi luyện cơ thể trong phạm vi khả năng thích nghi cho phép sẽ có tác dụng củng cố sức khoẻ và tăng cường khả năng hoạt động của thể lực của con người. Để tôi luyện cần tôi luyện từ lứa tuổi nhỏ. Cơ thể cần sử dụng các phương tiện có tác động trái ngược nhau đối với cơ thể như có thể dùng nước nóng lạnh.

I.3.2. Các nhân tố vệ sinh

Cũng có ý nghĩa như một nhân tố bổ sung của GDTC việc tuân thủ các quy tắc vệ sinh trong quá trình giáo dục thể chất ở mức đáng kể quyết định hiệu quả của bài tập thể chất. Điều quan trọng ở đây là phải đảm bảo những yêu cầu vệ sinh của chế độ lượng vận động và quãng nghỉ. Vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường tập luyện cũng như điều kiện thúc đẩy quá trình hồi phục sau buổi tập, phòng bệnh và củng cố sức khoẻ. Mặc dù môi trường tự nhiên và các điều kiện vệ sinh không phải là phương tiện chính của giáo dục thể chất nhưng nó là các nhân tố bổ sung để làm tăng hiệu quả của quá trình tập luyện và thi đấu.

II. CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC THỂ CHẤT

II.1. CƠ SỞ CẤU TRÚC CỦA CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC THỂ CHẤT

II.1.1. lượng vận động và quãng nghỉ là thành tố của phương pháp giáo dục thể chất.

Một trong những cơ sở quan trọng nhất của tất cả các phương pháp giáo dục thể chất là phương pháp điều chỉnh lượng vận động và trật tự kết hợp lượng vận động với nghỉ ngơi.

II.1.1.1. Khái niệm lượng vận động:

Lượng vận động trong các bài tập thể lực là mức độ tác động của chúng tới cơ thể người tập. Nói cách khác thuật ngữ lượng vận động được dùng để chỉ sự định lượng tác động của các bài tập thể lực. Lượng vận động dẫn đến những diễn biến chức năng trong cơ thể như các trạng thái trước vận động, bắt đầu vận động, ổn định, mệt mỏi. Sự tiêu hao năng lượng trong vận động cũng như mệt mỏi nói chung chính là nguyên nhân tạo nên sự hoàn thiện cơ thể bằng vận động. Mệt mỏi sau vận động không mất đi hoàn toàn mà để lại những "dấu vết". Quá trình tích luỹ những "dấu vết", những biến đổi thích nghi đó sẽ làm phát triển trình độ tập luyện. Như vậy, lượng vận động dẫn tới mệt mỏi và tiếp đó là hồi phục thích nghi.

Hiệu quả của lượng vận động tỉ lệ thuận với khối lượng và cường độ của nó nếu coi bài tập là một nhân tố tác động thì khái niệm khối lượng vận động là độ dài thời gian tác động là tổng số lần vận động thể lực đã được thực hiện và nhiều thông số khác. Cường độ vận động là sự tác động vào cơ thể của bài tập vào mỗi thời điểm cụ thể, là mức căng thẳng chức năng, là trị số một lần gắng sức... Lượng vận động chung của một số bài tập hay của cả buổi tập nói chung được xác định thông qua cường độ và khối lượng trong mỗi bài tập.

Trong thực tế, người ta thường đánh giá tổng khối lượng vận động theo các thông số riêng lẻ bên ngoài tuỳ theo đặc điểm bài tập. Ví dụ, khối lượng là tổng số công và VĐV sinh ra trong suốt buổi tập, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm, tổng số dộ dài, tổng số thời gian, số lần lặp lại vv..

Cường độ: Được đánh giá bằng mức độ căng thẳng về mặt sinh lý sinh hoá thực tế người ta tình bằng tốc độ trung bình. Ví dụ, tỉ lệ giữa kilômét chạy với tốc độ cần thiết trên tổng số kilômét đã vượt qua trong buổi tập.

Các chỉ số tối đa của khối lượng và cường độ có liên quan tỷ lệ nghịch với nhau lượng vận động có cường độ tối đa chỉ có thể kéo dài một số dây hoặc ít hơn, ngược lại lượng vận động có khối lượng tối đa chỉ có thể thực hiện với cường độ thấp. Vì cường độ bài tập càng cao thì khối lượng càng nhỏ và ngược lại. Trong những bài tập có cường độ trung bình thì khối lượng vận động có thể đạt tới những trị số lớn.

Người ta phân biệt lượng vận động bên trong và lượng vận động bên ngoài

- Lượng vận động bên trong: Là mức độ biến đổi sinh lý sinh hoá trong cơ thể khi thực hện bài tập. Trong điều kiện nhất định thì lượng vận động bên ngoài và lượng vận động bên trong tương ứng với nhau. Cường độ và khối lượng vận động càng lớn thì mức độ biến đổi sinh lý, sinh hoá trong cơ thể càng mạnh và ngược lại. Khi cơ thể ở những trạng thái khác nhau thì quan hệ giữa lượng vận động bên trong và lượng vận động bên ngoài cũng đổi khác.

VD: Khi sử dụng một lượng vận động bên ngoài có hệ thống trong cơ thể đã diễn ra những biến đổi thích nghi khi có lượng vận động không còn gây nên những phản ứng mạnh mẽ như trước nữa. Hoặc cơ thể ở những trạng thái khác nhau thì cùng một lượng vận động sẽ dẫn đến những phản ứng trả lời khác nhau.

- Lượng vận động bên ngoài: Có thể xác định bằng những thông số vận động theo các hệ số đo lường như thời gian, độ dài, trọng lượng các vật. Lượng vận động bên ngoài dễ xác định nhưng chỉ một cách tương đối

VD: Quan sát bằng cảm giác chủ quan mệt hay không mệt, sắc thái, màu da hay bắt mạch.

Lượng vận động bên trong phải thông qua các phương pháp kiểm tra y học.

VD: Xác định sự tiêu hao năng lượng, phân tích máu v.v...

Lập kế hoạch và điều chỉnh lượng vận động là nội dung cơ bản trong xây dựng phương pháp giáo dục thể chất, song nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ, hiệu quả tập luyện còn phụ thuộc vào trật tự kết hợp một cách koa học giữa lượng vận động và nghỉ ngơi tích cực có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục sau vận động, thông thường người ta kết hợp hai hình thức nghỉ ngơi với nhau. Ví dụ, giữa các lần tập nghỉ ngơi thụ động, giữa các loạt tập nghỉ tích cực.

Thời gian quãng nghỉ trong các phương pháp khác nhau được xác định tuỳ theo mục đích của buổi tập và các quy luật của quá trình hồi phục.

II.1.1.2. Các quãng nghỉ trong phương pháp giáo dục thể chất.

Căn cứ vào mức độ hồi phục sau vận động mà người ta phân biệt 3 quãng nghỉ: Quãng nghỉ đầy đủ, quãng nghỉ ngắn, quãng nghỉ vượt mức.

- Quãng nghỉ đầy đủ: Là quãng nghỉ đảm bảo, cho lượng vận động tiếp theo được thực hiện vào thời điểm khả năng vận động thể lực đã hồi phục tới mức ban đầu, nhờ vậy khi lặp lại các chức năng không bị căng thẳng.

- Quãng nghỉ vượt mức: Là quãng nghỉ đảm bảo cho lượng vận động lặp lại được tiến hành vào thời điểm diễn ra pha hồi phục vượt mức. Tức là dường như xẩy ra trên nền nâng cao năng lực hoạt động, trên nền hiệu quả lưu lại từ buổi tập trước.

- Quãng nghỉ ngắn: Là quãng nghỉ mà trong đó lượng vận động được lặp lại vào thời điểm các chức năng riêng lẻ hoặc toàn bộ cơ thể chưa kịp hồi phục đầy đủ. Với quãng nghỉ này lượng vận động bên trong ngày càng tăng lên.

III. CÁC NGUYÊN TẮC VỀ PHƯƠNG PHÁP

GIÁO DỤC THỂ CHẤT

Những nguyên lý chung nhất để xác định toàn bộ phương hướng và tổ chức hoạt động trong giáo dục thể chất là ba nguyên tắc chung. Ngoài ra còn có những nguyên tắc về phương pháp giáo dục thể chất. Đó là những nguyên lý, cơ sở khoa học - thực tiễn, dùng để xác định những yêu cầu cơ bản về cấu tạo, nội dung, phương pháp tổ chức quá trình dạy học và giáo dục thể chất, nhằm đạt được hiệu quả mong muốn. Các nguyên tắc nghiên cứu dưới đây một mặt phản ánh quy luật của quá trình sư phạm mặt khác phản ánh quy luật đặc thù của giáo dục thể chất. Hệ thống nguyên tắc bao gồm năm nguyên tắc.

III.1. NGUYÊN TẮC TỰ GIÁC TÍCH CỰC :

Nguyên tắc tự giác tích cực phản ánh quy luật tâm lý hoạt động. Hiệu quả của quá trình sư phạm phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần thái độ bản thân người học việc hiểu được bản chất các nhiệm vụ cũng như tích cực thực hiện chúng sẽ rút ngắn thời gian học, tạo điều kiện sử dụng sáng tạo kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo vào cuộc sống. Nội dung của nguyên tắc thể hiện ở những yêu cầu sau:

III.1.1. Xây dựng thái độ tự giác và hứng thú đối với mục đích chung và nhiệm vụ cụ thể của từng buổi tập.

Tiền đề cần thiết của thái độ này là động cơ tham gia hoạt động đó. Các nhà tâm lý học Mác Xít cho rằng con người hoạt động là do động cơ tâm lý thúc đẩy.

Động cơ hoạt động chi phối thúc đẩy con người hoạt động suy cho cùng là nhu cầu Mác nói: "Trước nhất con người phải có ăn ở mặc. Không có nhu cầu sống thì không lao động, nhu cầu thấp thì trình độ thấp".

Động cơ nhà nhu cầu đã được nhận thức nó trở thành trạng thái tâm lý thúc đẩy con người hoạt động.

Động cơ mạnh mẽ thúc đẩy lâu dài con người tích cực hoạt động là nhận thức được nhu cầu. Nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của kết quả hoạt động đối với cuộc sống cá nhân, gia đình, tập thể và xã hội.

Động cơ học tập nói chung và động cơ tập luyện TDTT nói riệng nói riêng nhiều khi còn là hứng thú, hứng thú tới mức say mê.

Hứng thú là thái độ đặc thù của cá nhân do đối tượng đem lại. Vì vậy cần tổ chức quá trình tập luyện TDTT có sức lôi cuốn và hấp dẫn bằng cách lựa chọn những bài tập, các phương pháp tập phù hợp với đối tượng.

Có hai loại hứng thú: Hứng thú nhất thời và hứng thú bên vững.

- Hứng thú nhất thời:

Không đáp ứng được nhu cầu, nó chỉ do vẻ bề ngoài của đối tượng đem lại trước sau đó cũng mất đi sức mạnh không thúc đẩy được con người tích cực học tập.

- Hứng thú bề vững:

Hứng thú chỉ có giá trị lâu dài khi nó gắn liền với nhu cầu và như vậy người ta gọi là hứng thú bền vững. Chính vì vậy trong quá trình giáo dục thể chất một mặt cần tổ chức quá trình tập luyện có sức lôi quấn hấp dẫn. Mặt khác người tập cần phải thấm nhuần giá trị chân chính của tập luyện TDTT.

Nguồn gốc thứ ba của tính tự giác tích cực đó là lý tưởng. Nhiều loại hoạt động đặc biệt đồi hỏi con người phải có nỗ lực vượt bậc mới đảm bảo sự thhành công. Hoạt động thể dục thể thao phải có lý tưởng.

Lý tưởng là mục đích cao đẹp của cuộc sống được phản ánh dưới dạng hình ảnh cao đẹp. Lý tưởng mang tính hiện thực lãng mạn.

Lý tưởng phải là sản phẩm của giáo dục. Khi có lý tưởng nó có tác động định hướng cho hoạt động. Trong hoạt động đặc biệt mới đòi hỏi có lý tưởng.

để xây dựng lý tưởng, những phương pháp lý tưởng thể thao thường người ta cho vận động viên trẻ đọc về tiểu sử của những vận động viên kiệt xuất. Tổ chức những buổi trao đổi mạn đàm, gặp gỡ những huấn luyện viên, trọng tài và những vận động viên lỗi lạc.

Tóm lại. Nguồn gốc của tính tự giác tích cực là xây dựng xu hướng nhân cách.

III.1.2. Kích thích tư duy tích cực trong quá trình dạy học và huấn luyện:

Để kích thích tư duy tích cực cho người học người thầy giáo, người huấn luyện viên phải đóng vai trò chủ đạo trong đánh giá và uốn nắn hoạt động của họ, phải kích thích người học tư duy tích cực trong nhận thức bài tập sao cho nhận thức được tập cái gì? tập như thế nào? tại sao phải tập như vậy?.

VD: Dạy bơi ếch cho người tập biết góc độ giữa thân và đùi là 120 độ, nếu góc độ quá nhỏ thì mông sẽ nhô lên cao.

Các biện pháp có thể là thảo luận kỹ thuật bài tập, phân tích lỗi sai của bạn, kích thích việc tìm ra cách thức sửa chữa. Tăng cường việc thông tin nhanh, nếu như không có điều kiện phải chỉ cho vận động viên đúng sai chỗ nào hoặc sử dụng các phương tiện kỹ thuật phổ biến nhất.

III.1.3. Giáo dục sáng kiến độc lập sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ

Sáng kiến sáng tạo độc lập là đỉnh cao nhất của tính tích cực, giáo viên luôn đóng vai trò chủ đạo trong quá trình sư phạm, nhưng không nên đối lập với tính tích cực của học sinh. Điều đặc biệt quan trong là phải kích thích học sinh phát triển các biểu hiện sáng tạo của họ. Ngay từ đầu đã phải giáo dục thích hợp kỹ 'năng tự giải quyết các nhiệm vụ vận động và sử dụng hợp lý các phương tiện giáo dục thể chất. Bên cạnh đó trong thực tiễn người ta sử dụng các biện pháp phân nhóm tự quản trong tập luyện, giao nhiệm vụ về nhà, đặt ra yêu cầu thực hiện sửa chữa những điểm sai của mình mà trong lớp chưa thực hiện được.

Như vậy, nguyên tắc này nói lên nguồn gốc của tính tự giác tính tích cực, các biện pháp xây dựng tính tự giác tích cực của người học.

III.2. NGUYÊN TẮC TRỰC QUAN.

Đây là nguyên tắc quan trọng trong giáo dục thể chất, bởi vì hoạt động của người tập về cơ bản là mang tính chất thực hành và một trong những nhiệm vụ chuyên môn của mình là phát triển toàn diện các cơ quan cảm giác.

Tính trực quan trong dạy học và giáo dục thể chất biểu hiện ở việc sử dụng rộng rãi các cảm giác, các cơ quan cảm thụ nhờ đó có thể tiếp xúc trực tiếp nhiều mặt với hiện thực xung quanh.

Cơ sở triết học người ta đã nhận ra rằng con người có thể nhận thức được thông qua các giác quan.

Nội dung nguyên tắc trực quan là quy luật của quá trình nhận thức: "Từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng tới thực tiễn".

III.2.1. Trực quan là tiền đề để tiếp thu động tác:

Như chúng ta đã biết, nhận thức thực tế được bắt đầu từ mức độ cảm giác "trực quan sinh động". Để thực hiện đúng động tác người tập phải hình dung ra toàn bộ kỹ thuật bài tập, phải có được biểu tượng vận động.

Biểu tượng vận động là sự phản ánh sự vật và hiện tượng khi nó không còn trực tiếp tác động vào các giác quan của chúng ta nữa.

Để trực quan làm tiền đề tiếp thu động tác thì phải khắc phục một khó khăn đáng kể về phương pháp. Để có cảm giác thực sự về động tác thì phải thực hiện nó, nhưng không thể thực hiện đúng động tác nếu sơ bộ chưa có được biểu tượng vận động cơ bản.Vấn đề này người ta tiến hành bằng hai cách. Một là, bằng cách tuân thủ trình tự dạy học hợp lý, nhờ vậy kinh nghiệm vận động đã thu được ở giai đoạn trước sẽ tự nhiên dẫn đến các kỹ năng vận động mới. Thứ hai là sử dụng tổng hợp các hình thức trực quan khác nhau, đặc biệt là làm mẫu các động tác cần học và các loại tài liệu có liên khác nhau để tạo nên những mặt rêng lẻ của các động tác đó v.v...

III.2.2. Trực quan là điều kiện tiếp tục hoàn thiện động tác.

Nếu trong giai đoạn đầu trực quan là tiền đề để tiếp thu động tác thì giai đoạn sau trực quan sẽ hoàn thiện động tác ở mức độ cao.

Vai trò của trực quan là phát triển các cơ quan cảm giác, đặc biệt là cơ quan cảm giác vận động. Trong rất nhiều bài tập thể thao sự phát triển các giác quan có ý nghĩa quyết định thành tích. Trong trường hợp này trực quan là tác động làm hoàn thiện các cơ quan cảm thụ của cơ thể để xây dựng lên cảm giác chuyên môn như cảm giác không gian, cảm giác thời gian, cảm giác dùng sức .

VD: vận động viên bóng chuyền có cảm giác không gian rất nhạy bén, phán đoán bóng trong hay ngoài sân, vận động viên điền kinh có cảm giác thời gian rất tốt. Đó là trình độ điêu luyện, chỉ có điêu luyện mới đạt được hiệu quả cao quyết định thành tích.

Đặc biệt cần phát triển cảm giác cơ bắp có thể sử dụng các biện pháp như loại trừ thị giác.

VD: Như bịt mắt dẫn bóng ném rổ, đến giai đoạn tự động hoá thì vai trò của cảm giác bản thể chiếm ưu thế.

Để hình dung ra động tác thì trong quá trình dạy học phải sử dụng tổng hợp các phương tiện và phương pháp trực quan. Có hai trực quan: Trực quan trực tiếp và trực quan gián tiếp.

Trực quan trực tiếp: Là làm mẫu (thị phạm bằng người thực để tạo hình ảnh về động tác làm mẫu thàng hai bước.

- Làm mẫu gây hứng thú yêu cầu làm mẫu đúng chuẩn xác, đẹp để kích thích người học).

- Làm mẫu sư phạm: Tức là thực hiện động tác chậm có thể được thực hiện từng phần, từng chi tiết động tác. Tập trung chú ý của người học vào những điểm đặc biệt, vào những khâu cơ bản.

VD: làm mẫu kết hợp với giảng giải kết hợp với nhịp điệu, khâu đầu tiên phải chú ý tới nhịp điệu động tác vào thời điểm nào.

Trực quan gián tiếp: Để tiếp thu nhanh động tác ngày nay người ta thường sử dụng rất nhiều các phương tiện trực quan, phương pháp trực quan gián tiếp như tranh ảnh, sơ đồ, sa bàn, mô hình, phim ảnh v.v... Ngày nay có những động tác mà người không làm được đã có camêra quay lại. Đặc biệt những người có kinh nghiệm thường sử dụng những phương pháp mô phỏng để dạy động tác. ở đây thường là động tác khó, đặc biệt trong thể dục dụng cụ là thời điểm phát lực.

Việc sử dụng rộng rãi các hình thức trực quan khác nhau làm tăng hứng thú tập luyện, thúc đẩy nhanh quá trình nhận thức, làm cho các động tác phức tạp cũng trở nên dễ hiểu, dễ thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu các kiến thức, các kỹ năng, kỹ xảo khác.

III.3. NGUYÊN TẮC THÍCH HỢP

Trong giáo dục thể chất nguyên tắc này đặc biệt quan trọng. Về bản chất, nó thể hiện yêu cầu xây dựng quá trình học và giáo dục phù hợp với khả năng của người học, đồng thời có tính đến đặc điểm của người học về lứa tuổi, giới tính, trình độ tập luyện trạng thái sức khoẻ và cả những khác biệt cá nhân về năng lực thể chất và tinh thần. Bởi lẽ sự không phù hợp giữa yêu cầu tập luyện với khả năng chủ quan của người học sẽ dẫn tới tổn hại về sức khoẻ, gây nên hiệu quả ngược lại. Việc tuân thủ đúng mức nguyên tắc này đảm bảo hiệu quả của giáo dục thể chất. Bản chất của nguyên tắc này được thể hiện ở một số yêu cầu sau.

III.3.1. Xác định mức độ thích hợp.

Tính thích hợp bài tập thể chất phụ thuộc trực tiếp vào khả năng của người tập và những khó khăn khách quan khi thực hiện một bài tập đó với những đặc điểm tiêu biểu của nó (tính phối hợp vận động phức tạp, cường độ và khoảng thời gian nỗ lực v.v...). Sự phù hợp hoàn toàn giữa khả năng chủ quan và khó khăn khách quan là tiêu chuẩn đánh giá mức độ thích hợp. Song thích hợp không có nghĩa là không có khó khăn mà phải có những khó khăn nhưng vừa sức.

Khi nói đến khả năng chủ quan của người tập cần chú ý tới những đặc điểm như: Lứa tuổi, giới tính, trình độ tập luyện, trạng thái sức khoẻ.

Những yêu cầu khách quan của bài tập bao gồm: Tính chất mới lạ của bài tập, mức độ phức tạp về kỹ thuật, mức độ dùng sức, lượng vận động của bài tập.

Thước đo của sự phù hợp là sức khỏe. Chính vì vậy phải thường xuyên kiểm tra y học kết hợp với kiểm tra sư phạm.

Để lựa chọn phương tiện thích hợp ta có thể căn cứ vào các chương trình về tiêu chuẩn đã được quy định cho mỗi loại cụ thể (chương trình môn học TDTT trong các trường, tiêu chuẩn rèn luyện thân thể).

Việc xác định khả năng của người tập được xác định thông qua kiểm tra y học và kiểm tra sư phạm. Cần chú ý rằng các giới hạn thích hợp trong giáo dục thể chất luôn thay đổi, chúng tăng lên theo sự phát triển thể chất và tinh thần của người tập. Nhũng gì chưa vừa sức ở giai đoạn này lại trở nên dễ thực hiện ở giai đoạn sau. Vì vậy, các yêu cầu đề ra đối với người tập phải được thay đổi tương ứng để không ngừng kích thích sự phát triển tiếp theo các khả năng của con người.

III.3.2. Điều kiện và phương pháp đảm bảo tính thích hợp.

Ngoài những điều nêu trên thích hợp trong giáo dục thể chất còn được xác định bởi mức độ hợp lý của các phương pháp được lựa chọn và cấu trúc chung của buổi tập. Vì vậy vấn đề này ở trong chừng mực nào đó có liên quan tới những vấn đề khác thuộc lãnh vực phương pháp giáo dục thể chất hợp lý, đặc biệt là phương pháp thừa kế tối ưu giữa các buổi tập và tăng dần khó khăn trong tập luyện.

Mọi người đều biết rằng, các kỹ năng và kỹ xảo mới sẽ xuất hiện trên cơ sở các kỹ năng, kỹ xảo đã được tiếp thu từ trước. Ví dụ: Trẻ em biết đứng, biết đi, biết chạy.

Vì vậy một trong những điều kiện vừa sức là phải đảm bảo tính kế thừa của buổi tập. Còn sắp xếp nội dung học tập ra sao cho nội dung của buổi tập trước là bậc thang, là con đường ngắn nhất để tiếp thu nội dung của buổi tập sau được thể hiện trong quy tắc sự phạm từ đã biết đến chưa biết, từ cái tiếp thu đến cái chưa tiếp thu. Ví dụ: Nhảy xa là phải học chạy ngắn trước, các bài tập đẩy giống nhau ở giai đoạn ra sức cuối cùng hoặc học ném lựu đạn, ném lao.

Để đảm bảo yêu cầu tăng dần khó khăn trong giáo dục thể chất cần phải tuân thủ các nguyên tắc từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Trong trường hợp này cần nói đến cấu trúc kỹ thuật của bài tập phối hợp dùng sức, để tiếp thu những bài tập có kỹ thuật phức tạp người ta sử dụng phương pháp phân chia hợp nhất hoặc dùng những bài tập dẫn dắt sử dụng các phương pháp kỹ thuật bảo hiểm giúp đỡ.

III.4. NGUYÊN TẮC HỆ THỐNG.

Nguyên tắc này có liên quan đến tính thường xuyên trong tập luyện và hệ thống luân phiên lượng vận động với nghỉ ngơi, cũng như tính tuần tự trong tập luyện và mối liên hệ lẫn nhau giữa các mặt khác nhau trong nội dung tập luyện. Đây là một nguyên tắc cơ bản trong quá trình dạy học vì kiến thức phải được sắp xếp theo một trật tự lôgic.

III.4.1. Đảm bảo thường xuyên liên tục cúa quá trình giáo dục thể chất

Phải tập luyện thường xuyên liên tục vì chỉ có như vậy mới đảm bảo sự phát triển thể chất, củng cố sức khoẻ tăng cường khả năng làm việc, vốn kỹ năng, kỹ xảo, có thành tích thể thao.

Thường xuyên là quá trình lặp lại đảm bảo mật độ học tập cần thiết trong một đơn vị thời gian.

Ví dụ: Trong tuần, trong tháng.

Thường xuyên khác với gián đoạn sở dĩ phải đảm bảo mật độ buổi tập trong một tuần vì kết quả của quá trình dạy học động tác phụ thuộc vào tần suất lặp lại các đường dây liên hệ tạm thời, nếu kéo dãn quá dài khoảng cách giữa các buổi tập sẽ làm cho các đường dây liên hệ tạm thời mới hình thành sẽ bị mờ đi theo quy luật ức chế dập tắt. Ngoài ra những diễn biến thích nghi thu được trong giáo dục tố chất vận động cũng được phát triển theo chiều hướng ngược lại.

Vì vậy để đảm bảo thường xuyên trong giáo dục thể chất cần tổ chức tập ít nhất là 3 buổi trong một tuần. Hoàn thiện thể chất chỉ có thể có trong quá trình giáo dục thể chất là liên tục. Liên tục không có nghĩa là không nghỉ mà qua một hệ thống luân phiên giữa lượng vận động và nghỉ ngơi. Tính liên tục trong quá trình giáo dục thể chất còn được thể hiện trong yêu cầu phải tham gia tập luyện trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân, bởi lẽ kết quả tập luyện không phải là một giá trị vật chất bất biến mà nó sẽ mòn dần quên đi khi ngừng tập.

III.4.2. Luân phiên hợp lý giữa vận động và nghỉ ngơi.

Tập luyện thường xuyên chỉ có hiệu quả khi bố trí những quãng nghỉ hợp lý giữa các buổi tập, việc bố trí quãng nghỉ được dựa trên cơ sở những quy luật hồi phục khả năng hoạt động sau mỗi buổi tập.

Quy luật lớn nhất của quá trình hồi phục là quy luật hồi phục vượt mức. Người ta đã chứng minh rằng sau một lượng vận động đủ lớn khả năng hoạt động thể lực không chỉ hồi phục lại mức ban đầu mà còn vượt lên cao hơn mức khởi điểm rồi giao động như sóng tắt dần.

Trong thực tiễn giáo dục thể chất có ba quãng nghỉ: Quãng nghỉ vượt mức, quãng nghỉ ngắn và quãng nghỉ đầy đủ.

Nhưng trong thực tế có sự hồi phục không đồng thời tức là các chức năng sinh lý, sinh hoá của cơ thể trở về trạng thái ban đầu không cùng một lúc mà có bộ phận hồi phục sớm, có bộ phận lại hồi phục muộn.

VD: Hàm lượng ATP hồi phục sớm hơn trong khi đó nồng độ máu hồi phục chậm, trả nợ dưỡng cùng diễn ra chậm. Hồi phục của quá trình thần kinh diễn ra nhanh chóng hơn so với sự hồi phục của các cơ quan thực vật.

Để vận dụng quy luật này người ta thường tổ chức các buổi tập xen kẽ để giải quyết các nhiệm vụ vận động khác nhau trong một chu kỳ ngắn để tiết kiệm thời gian.

- Tính lặp lại và tính biến dạng:

Tại sao ta phải tập luyện lặp lại?

Trước hết do yêu cầu của cơ thể hình thành và hoàn thiện kỹ xảo nhờ có sự lặp lại mà đường dây liên hệ tạm thời được củng cố vững chắc thành lập được định hình động lực.

Vậy chỉ có lặp lại mới tạo nên những biến đổi thích nghi làm cho cơ thể phát triển.

Song chỉ giới hạn ở lặp lại đơn thuần thì sớm muộn sẽ dẫn đến hiện tượng thích nghi sự phát triển sẽ dừng lại, cho nên lặp lại phải kết hợp với biến dạng

(Biến dạng có thể là biến đổi bài tập, điều kiện tập luyện, thay đổi lượng vận động...).

III.4.3. Tuần tự giữa các nội dung của buổi tập.

Trong một buổi tập thường có nhiều nội dung khác nhau song tập luyện nội dung nào trước, nội dung nào sau cần phải cân nhắc.

Thông thường người ta áp dụng các trật tự như sau (nhanh, mạnh, bền hoặc mạnh, nhanh, bền).

Không bao giờ được đặt sức bền lên trên, hay học động tác mới phải được tiến hành vào đầu giờ vì cơ thể còn hưng phấn, củng cố vào cuối buổi tập.

III.4.4. Tuần tự nội dung trong các thời kỳ lứa tuổi.

Quá trình giáo dục thể chất theo lứa tuổi phải đi từ chung đến chuyên môn phải đảm bảo tính kế thừa và sự chuyển tốt kĩ xảo.

Tiền đề sinh vật học cho sử dụng các loại bài tập khác nhau không chín muồi đồng thời. Như vậy, mỗi tố chất vận động đã được quy định khác nhau, ở lứa tuổi nhỏ không tổ chức giáo dục sức bền vào buổi đầu mà thường ưu tiên phát triển các tố chất khéo léo, mềm dẻo, phản xạ vận động, sức nhanh, sức mạnh và cuối cùng là sức bền.

Vì vậy ở lứa tuổi nhi đồng nên cho các em tập những môn thể thao có kỹ thuật phức tạp như thể dục thi đấu, nhảy cầu, thể dục nghệ thuật còn các môn thể thao tốc độ sức mạnh bắt đầu chuyên môn từ 9 - 11 tuổi sức mạnh bắt đầu từ 14 - 16 tuổi sức bền 15 - 16 tuổi đương nhiên chỉ nói đến ưu tiên phát triển một tố chất nào đó ở một lứa tuổi nhất định chứ hoàn toàn không theo một trật tự cứng nhắc như vậy trật tự luân phiên như sau: Phối hợp, nhanh, mạnh, bền.

Đặc biệt chú ý đến việc phát triển sức bền chung vì sức bền chung là cơ sở để phát triển các loại sức bền chuyên môn cũng như các tố chất vận động khác.

III.5. NGUYÊN TẮC TĂNG TIẾN.

Nguyên tắc này thể hiện những xu hướng chung về các yêu cầu đặt ra người tập trong quá trình giáo dục thể chất, đề ra các nhiệm vụ ngày càng khó ở việc tăng từ từ lượng vận động có liên quan đến các nhiệm vụ đó. Nội dung của nguyễn tắc thể hiện ở những yêu cầu sau đây:

III.5.1. Cần thường xuyên đổi mới nhiệm vụ vận động và tăng lượng vận động.

Trong quá trình giáo dục thể chất phải không ngừng tăng số lượng và chất lượng của các kỹ xảo vận động. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu cuộc sống cũng như yêu cầu của chính bản thân của quá trình giáo dục. Lượng kỹ năng, kỹ xảo vận động phong phú và đa dạng là tiền đề để tiếp thu nhanh chóng những kỹ năng, kỹ xảo mới của ngành nghề hoặc chuyên môn hoá thể thao.

Phải không ngừng tăng lượng vận động vì: Lượng vận động là nguyên nhân của sự phát triển, lượng vận động dẫn tới mệt mỏi và những biến đổi hồi phục thích nghi sau đó. Mệt mỏi không mất đi hoàn toàn mà để lại những "dấu vết" chúng được tích luỹ lại và cuối cùng là nâng cao khả năng hoạt động thể lực. Mặt khác, khi sử dụng thường xuyên một lượng vận động ổn định nào đó sẽ dẫn đến phản ứng thích nghi trong cơ thể, trước đây là lớn đối với cơ thể thì lúc này không còn là kích thích mạnh với cơ thể nữa, mà nó dường như nhỏ hơn so với khả năng của cơ thể đã được nâng lên, nó không làm kích thích cho sự phát triển nữa. Chính vì vậy, để đảm bảo tiếp tục nâng cao các khả năng chức phận của cơ thể thì cần phải đổi mới có hệ thống lượng vận động, đồng thời phải nâng thích hợp cả khối lượng và cường độ lên một bậc thang mới cao hơn. Đấy là một quy luật căn bản của quá trình giáo dục thể chất. Tăng lượng vân động là tăng vốn kỹ năng, kỹ xảo, tăng phẩm chất ý chí cho người tập.

III.5.2. Điều kiện để phức tạp hoá nhiệm vụ vận động.

Để tăng chất lượng cũng như số lượng các kỹ năng kỹ xảo chúng ta cần phải đảm bảo các yêu cầu nêu trong nguyên tắc thích hợp, nguyên tắc hệ thống. Cụ thể là sự tăng dần yêu cầu chỉ mang lại hiệu quả tốt khi nhiệm vụ mới và các lượng vận động có liên quan đến các nhiệm vụ đó là vừa sức đối với người tập, tương ứng với các đặc điểm lứa tuổi, giới tính và các đặc điểm cá nhân, phải bảo đảm tính kế thừa giữa các bài tập, đảm bảo luân phiên hợp lý giữa vận động và nghỉ ngơi. Nguyên tắc tăng tiến đặt ra một yêu cầu cần đặc biệt trong học tập những kỹ thuật mới, đảm bảo kỹ xảo cũ đã được củng cố vững chắc. Đó chính là nội dung của nguyên tắc củng cố trong lý luận dạy học (Tức là khi kiến thức cũ chưa được củng cố thì khó tiếp thu kiến thức mới).

III.5.3. Yêu cầu tăng lượng vận động.

Khi tăng lượng vận động cần phải đảm bảo các yêu cầu tăng từ từ, tăng dần dần. Phải tăng từ từ và tăng dần dần vì quá trình diễn biến thích nghi trong cơ thể xẩy ra rất chậm, phải trải qua một quá trình tích luỹ về số lượng mới dẫn tới sự phát triển về chất lượng. Mặt khác quá trình thích nghi lại diễn ra không đồng thời lại càng kéo dài thêm quá trình này.

Để đảm bảo các yêu cầu tăng từ từ trong thực tế huấn luyện người ta thường áp dụng ba hình thức tăng lượng vận động.

- Hình thức tăng theo đường thẳng dốc.

Với hình thức này yêu cầu tăng từ từ được đảm bảo bằng lượng gia tăng rất nhỏ.

KLLLL

1

2

3

4

5

6

7

- Hình thức tăng theo bậc thang:

KL

1

2

3

4

5

6

7

Lượng vận động được ổn định trong một thời gian tương đối lớn, tới khi quan sát thấy những biến đổi thích nghi thì áp dụng lượng vận động lớn gấp bội lượng vận động ban đầu hay còn gọi là tăng nhảy vọt.

- Tăng theo hình thức làn sóng.

Hình thức này cho phép tăng lượng vận động tới một đỉnh cao rồi giảm bớt dần, sau đó "sóng" này lại được lặp lại ở trình độ cao hơn. Cách này cho phép vừa không vi phạm tính tuần tự, vừa đưa khối lượng và cường độ vận động đến những trị số lớn nhất. Hình thức này được áp dụng rộng rãi hơn cả trong huấn luyện thể thao.

Ưu điển của hình thức tăng lượng vận động theo hình làn sóng.

- Giải quyết mâu thuẫn diễn biến lượng vận động bên ngoài (khối lượng và cường độ) và quá trình thích nghi chậm chạp bên trong.

- Phù hợp quy luật sinh học (nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu rằng trong một ngày vào lúc 11h trưa và 4 giờ chiều lực bóp tay lớn nhất, trong tuần có ngày yếu và ngày khoẻ).

- Giải quyết mâu thuẫn giữa tăng khối lượng và cường độ ở những thông số tối đa (chạy nhanh thì không chạy xa được và ngược lại).

Chú ý tập luyện thì bao giờ cũng tập khối lượng trước khi khối lượng đã đạt tới mức tối đa thì giảm khối lượng và từ đó tăng cường độ.

Như vậy tuỳ theo điều kiện và nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ giáo dục thể chất mà lựa chọn áp dụng hình thức tăng khối lượng vận động thích hợp. Hình thức đường thẳng dốc được sử dụng khi yêu cầu tăng chậm và tăng ít lượng vận động, ngược lại khi cần kích thích đột ngột sự phát triển trình độ thì sử dụng hình thức bậc thang. Còn hình thức làn sóng làm nền cho hình thức đường thẳng dốc và hình thức bậc thang.

Hình vẽ.

1

2

3

4

5

6

7

CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ THẢO LUẬN

1. BTTC là gì? BTTC với các hoạt động lao động chân tay giống và khác nhau như thế nào?

2 Tại sao nói BTTC là phương tiện chuyên môn cơ bản của GDTC?

3. Phân tích các nhân tố xác định sự tác động hợp lý của BTTC?

4. Vai trò của các nhân tố môi trường tự nhiên và điều kiện tự nhiên?

5. Trình bày cơ sở khoa học của các phương pháp GDTC?

6. Trình bày đặc điểm phương pháp trò chơi và thi đấu?

7. Trình bày khái niệm "thích hợp"? Những yêu cầu về phương pháp để đảm bảo tính thích hợp? Xu hướng cá biệt hoá trong GDTC?

8. Tại sao phải đảm bảo tính thường xuyên liên tục trong quá trình GDTC?

9. Tại sao phải thường xuyên đổi mới nhiệm vụ vân động và tăng LVĐ? Trình bày các hình thức tăng LVĐ?

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Tập thể tác giả trường Đại học thể dục thể thao Matxitcơva - Lý luận và phương pháp giáo dục thể chất. Tập 1,2 NXB TDTT, Hà nội - 1980.

2) Nguyễn Toán - Phạm Danh Tốn - Lý luận và phương pháp TDTT, NXB TDTT, Hà Nội 1993.

3) Nguyễn Toán - Phạm Danh Tốn - Lý luận và phương pháp TDTT, NXB TDTT, Hà Nội 2000.

4) Đồng Văn Triệu và cộng sự - Lý luận và phương pháp giáo dục thể chất trong trường học, NXB TDTT, Hà Nội 2000.

5) Vũ Đức Thu - Nguyễn Trương Tuấn - Lý luận và phương pháp giáo dục thể chất, NXB TDTT, Hà Nội 1998.

6) Lê Bửu - Nguyễn Thế Truyền - Lý luận và phương pháp TDTT trẻ, Sở TDTT, Thành phố Hồ Chí Minh 1991.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro