NHÀ MẸ LÊ (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Mấy năm sau, sự kiếm ăn ngày một thêm khó khăn. Buổi chợ họp không còn đông đúc như trước và vãn sớm. Những tiếng nói chuyện trong sương lúc mờ sáng của các người hàng xáo gánh gạo kĩu kịt trên đê để đem xuống huyện bán, người ta không nghe thấy nữa. Cái đói kém đến chen lấn trong phố chợ. Bán Hiền ngày nào cũng gánh hàng đi rồi lại gánh hàng về; còn thường thấy bác Đối kéo cái xe không  lảnh vảng trong huyện và vợ bác cũng không hay nằm võng hát trống quân nữa. Bác Lê trong lúc ấy, đi khắp các nhà trong làng xin làm mướn, nhưng các nhà có ruộng không ai mướn; bác có làm không công, người ta cũng chỉ cho nữa bát gạo, đùm bọc về không đủ cho ba đứa con ăn. Những ngày nhịn đói dần dần liên tiếp nhau luôn. Bác Lê thấy đàn con một ngày gầy còm; buổi chiều, bác mệt nhọc chán nản trở về, hỏi thằng cả xem có đánh được ít cá nào không, thì nó buồn rầu khẽ lắc đầu, trả lời rằng các hồ ao người ta đã cấm không cho nó thả lờ nữa.
  Mùa rét năm ấy đến, giá lạnh và gió mưa lầy lội. Đàn con bác Lê ôm chặt lấy nhau, rét run trong căn nhà ẩm ướt và tối tăm, vì đèn đốm không có nữa. Mấy gia đình ở phố chợ đều đói rét, khổ sở. Nhưng mỗi nhà đều lặng lẽ, âm thầm mà chịu khổ một mình, không than thở với láng giềng hàng xóm, bởi vì ai nấy đều biết nghèo khốn như nhau.

                                    *
                              *          *

  Một buổi chiều, mà đàn con nhịn đói đã suốt buổi trời, bác Lê vá lại manh áo rét, gọi đứa cả đến rồi bảo:
   - Ở nhà trông các em, tao vào nhà ông Bá xem có xin được ít gạo nào không.
   - Ban sáng u đã vào mà người ta có cho đâu; cậu Phúc lại còn bảo hễ u vào nữa thì cậu thả có ra cắn.
  Bác Lê đáp:
   - Nhưng biết làm thế nào! Không có thì lấy gạo đâu ra mà ăn? Thôi, tao cứ liều vào lần nữa xem sao.
  Nói xong, bác Lê mở cửa liếp ra đi. Trong lòng vẫn có chút hi vọng, tuy buổi sáng, lúc xin gạo, ông Bá đã đuổi mắng không cho. Bác nhớ lại cảnh sang trọng ấm cúng trong nhà ông Bá: những chậu sứ, câu đối thiếp vàng sáng chói. Không lẽ ông Bá giàu có thế mà không thí cho mẹ con bác được bát gạo hay sao?
  Ở nhà, đàn con bác ngồi nhìn nhau, đợi trong ổ rơm. Bác đi đã lâu không thấy về. Thằng Hi lắng tai nghe thấy tiếng chó cắn trong làng, rồi bảo chị nó:
   - Hình như u về đấy, chị ạ.
  Thằng Lê đi lại bên cửa liếp nhìn ra ngoài.
  Bỗng có tiếng chân người rầm rập, đến tiếng gọi, rồi lũ trẻ thấy bác Đối với một người nữa khiêng bác Lê vào trong nhà. Trên bắp chân người mẹ, máu đỏ chảy ròng ròng.
  Thằng Lê hiểu ngay mẹ nó bị chó ông Bá cắn. Bác Đối đặt người bị thương xuống chiếu rồi ra đi, sau khi dặn:
   - Bây giờ bác lấy lá lốt mà rịt cho nó cầm máu. Chó Tây cắn thì độc lắm đấy.
  Khi bác đi khỏi, lũ trẻ xúm quanh lấy mẹ. Thằng Hi vừa mếu máo vừa hỏi:
   - U làm sao thế u?
  Bác Lê nén cái đau, giảng cho con biết:
   - Thật cậu Phúc ác quá! Đã không cho thì thôi, lại còn thả chó ra đuổi; tao đã chạy mà không kịp, nên nó cắn phải. May gặp bác Đối, chứ không biết bao giờ mới lê được về đến nhà.
  Bác ngừng lại nhìn đàn con ốm yếu, rồi thở dài:
   - Thế là mẹ con biết lấy gì mà ăn cho đỡ đói bây giờ?
  Thằng Hi òa lên khóc, con Tý cũng khóc theo. Bác Lê giơ tay ra ôm chúng nó vào lòng, rồi nghĩ thương thân phận mình, bác cũng ứa nước mắt.
  Đêm ấy, bác Lê lên cơn sốt. Những cái rùng mình lạnh lẽo nối nhau lướt trên da bác, manh chiếu rách không đủ đắp ấm thân. Trong lúc mê sảng, bác Lê tưởng nhớ lại cuộc đời mình, từ lúc còn bé đến bây giờ, chỉ toàn những ngày khổ sở, nhọc nhằn. Cái nghèo nàn không biết tự bao giờ đã vào nhà bác, lúc sinh ra bác đã thấy nó rồi; và từ đấy, nó cứ theo liên bác mãi. Nhưng giá cứ có người mướn làm thì cũng không đến nỗi. Bác nhớ lại những buổi đi làm khóc nhọc, những lúc vui vẻ được lĩnh gạo về cho con, những bữa cơm nóng mùa rét, những lúc thằng Hi và con Tý vui đùa giằng co chiếc bánh bác mua cho chúng.
  Rồi đến những ngày đi mót lúa mỏi lưng trên đồng, nhặt những bông lúa thơm, những lúc vò lúa dưới chân... Bác Lê nhớ lại cảm giác vui mừng khi thấy cạnh bông lúa sắc xát vào da thịt. Đấy còn là những ngày no đủ. Rồi đến những buổi chợ vắng, những ngày nhịn đói như hôm nay. Bác mơ màng thấy vàng son chói lọi trong nhà ông Bá, thấy nét mặt gian ác và tinh nghịch của cậu Phúc, con chó Tây nhe nanh chồm lên...
   - Trời ơi! Sao tôi khổ thế này...
  Tiếng kêu thất thanh của bác làm giật mình lũ trẻ, chúng nó ngồi dậy đưa mắt sợ hãi nhìn người mẹ.
  Hai hôm sau, bác Lê lên cơn mê sảng rồi chết.
  Người trong phố chợ gom góp nhau mua cho bác một cỗ ván mọt, rồi đưa giúp bác ra cánh đồng, chôn vào bãi tha ma nhỏ ở đầu làng.
  Khi trở về, qua căn nhà lạnh lẽo âm u, họ thấy mấy đứa con nhỏ của bác Lê ngồi ở vỉa hè, con Tý đang dỗ cho thằng Hi nín khóc, nói dồi rằng mẹ nó đi một lát sẽ về. Nhưng họ biết rằng bác Lê sẽ không trở về nữa. Và họ thấy một cái cảm giác lo sợ đè nén lấy tâm can họ, những người ở lại, những người còn sống mà cái nghèo khổ cứ đeo đuổi mãi không biết bao giờ dứt.
                                Đời nay, Hà Nội, 1937

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro