gió lạnh đêm hè 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 31




Kiều Lê Vân mệt mỏi quá, lại thêm lo buồn vô hạn, trằn trọc trên giường mãi vẫn chưa ngủ được. Cho đến khi nàng vừa chợp mắt thiu thiu được độ mười phút, lại giật mình bàng hoàng: Có tiếng mở và khép cửa buồng, một sự thể mà nàng rất quen thuộc, rất dễ sợ! Quả nhiên, bà Viễn xuất hiện trước mắt nàng! Nàng vội vàng cất tiếng:
- Má! Má gọi con ạ?
- Cô nằm gì mà lúc nào cũng nằm liệt giường liệt chiếu được vậy? Càng ngày cô càng lười biếng hơn, không buồn mó tay vào công việc gì nữa.
Kiều Lê Vân đã ngồi dậy, vội bước xuống đất và mau miệng xin làm ngay công việc nọ việc kia. Nhưng bà Viễn lại bảo:
- Hãy khoan. Cô hãy ở đây, tôi có việc cần nói với cô đã.
- Dạ, thế ạ? Để con mang ghế vào má ngồi.
Nàng toan đi lấy cái ghế, thì bà ngắt ngang:
- Khỏi cần. Thôi, nghe tôi hỏi...
Bà nhìn lên bức hình của con trai, với ánh mắt bực bội khó chịu, rồi hỏi Vân với giọng nhạt nhẽo lạnh lùng:
- Sao? Nghe nói cô có thai?
- Thưa... Con chỉ mới nói chuyện với chị Lưu về tình trạng sức khỏe và những hiện tượng trong cơ thể của con, và chị ấy kết luận rằng con có thai. Thế thôi!
- Hừm! Không thèm nói cho tôi hay, mà cô chỉ nói với chị Lưu? Vậy, mẹ chồng của cô là ai? Là tôi, hay chị Lưu?
- Mẹ tha thứ chọ Vì con không biết như vầy là có mang.
- Dưới mắt cô, làm gì có mụ già này? Cô không coi tôi làm mẹ chồng cô, cô khinh tôi là kẻ không hiểu biết gì hết.
- Má! Con đâu dám thế? Xin má xét lại và tin lòng con.
- Thôi, lúc này không còn thời giờ để nói chuyện tình nghĩa ấy!
Và bà Viễn giở giọng gian ác, nói không ghê miệng:
- Tôi yêu cầu cô hãy phá cái thai đó đi!
- Trời!
Kiều Lê Vân kinh ngạc vô cùng, thiếu chút nữa bị ngất xỉu vì lời nói bất ngờ của mẹ chồng. Thì ra, bà Viễn không hề đếm xỉa gì đến giọt máu của Khang Thu Thủy? Mặt vẫn lạnh như tiền, bà Viễn kiên quyết nói tiếp:
- Cô phải làm thế mới xong.
Kiều Lê Vân òa lên khóc thảm thiết, rồi van xin:
- Không! Không! Con lạy má! Má tha cho con. Con cần phải có đứa con này. Anh Thủy cũng cần có nó.
- Thằng Thủy nó còn non trẻ, lại là sinh viên du học. Thế nào lại chẳng có một cô gái xinh đẹp và vẹn toàn thân thể yêu thích nó! Lo gì nó không có con!
Nàng vẫn thổn thức, cố nuốt lệ. Bà lại hỏi:
- Cô thử nghĩ coi: Nếu cô lại đẻ ra một đứa con có tật, thì chúng tôi biết làm thế nào?
- Nếu thế, con xin bế đứa hài nhi ra đi, con xin rời bỏ nhà này mà đi thật xa.
- Một lời nói là một đọi máu. Cô nói rồi, cô phải giữ lời.
Tội nghiệp Kiều Lê Vân! Nàng chỉ còn biết gục mặt xuống chiếc gối mà khóc, nghe rất thương tâm. Nhưng, dù nước mắt của nàng có thấm mềm sắt đá, vẫn không làm cho lòng bà Viễn xúc động mảy maỵ Bà càng bực tức giận dữ:
- Sao mà lắm nước mắt thế? Lúc này đã có ai chết đâu, mà cô khóc? Tôi để yên cho cô sinh đẻ đứa con, ấy là tôi xử tốt với cô lắm rồi.
- Con được đội ơn má nhiều lắm.
- Hừm! Đâu dám nhận lời cám ơn của cộ Chỉ mong rằng đến một ngày mai đây, cô chịu buông bỏ thằng con tôi ra, ấy là tôi cám ơn cô vô cùng.
- Con không thể lìa bỏ, bởi anh ấy yêu thương con. Anh ấy là chồng của con. Nếu quả thật anh ấy không yêu con, con nhất định lìa bỏ. Nhưng lìa bỏ không có nghĩa là không yêu anh ấy.
- Thôi, thôi! Đủ rồi. Đừng lải nhải chuyện yêu đương trước mặt tôi nữa. Có điều tôi cần bảo cho cô biết là: Có mang, có chửa không phải là lý do để cô lơ là công việc trong nhà này! Cô vẫn phải làm mọi việc thường lệ.
- Vâng, con xin làm, con sẽ làm nữa.
- Không làm cũng không xong, nghe cô!
Với một người mẹ chồng nanh nọc độc ác như bà Viễn, thì giọt máu của con trai bà, tức giòng máu nhà bà nằm trong bụng người con dâu mà bà ghét bỏ... nó chẳng có nghĩa lý gì cả. Bà không hề thiết đến giọt máu ấy. Muốn con bà bỏ vợ, thì bà phải làm sao hủy hoại cái sợi giây đang thành hình sẽ ràng buộc đôi trẻ đó. Bà bắt Kiều Lê Vân phá thai, nàng nhất định không chịu phá, tất nhiên bà phải bắt nàng làm lụng thật cơ cực vất vả, khiến cho nàng phải có lúc sa sẩy mà để... tụt cái thai ấy ra, bà mới nghe.
Tuy nhiên, hành động, cơ mưu của bà độc ác như vậy mà miệng lưỡi của bà đối trước thân gia, lại rất tử tế ngọt ngào!...
Bữa hôm tiếp điện thoại của bà Văn gọi tới, bà Viễn niềm nở chào hỏi và xác nhận tin con dâu thụ thai với giọng hân hoan:
- A lổ... A! Thì ra "chị suôi" của tôi! Dạ, thưa đúng như thế ạ. Vân đã có tin mừng. Đây cũng nhờ phúc đức của bà bên nhà nữa vậy. Dạ vâng! Thế thì quý hóa lắm, còn gì hơn?... Mà ông bà quá bộ sang chơi để thăm Vân, là việc rất cần. Vâng, chúng tôi đón đợi ông bà đây ạ!...
Buông ống nói xuống, bà Viễn hối hả gọi chị Lưu sửa soạn mọi thứ, và đi mua thêm thức ăn về làm bữa tiệc, tiếp đãi thân gia...
Rồi hôm ấy, trong khi ông Văn chuyện trò với ông bà Viễn ở phòng khách, thì bà Văn và Kiều Lê Vân ôm nhau ứa lệ nghẹn ngào ở trong buồng riêng của nàng.
Bà Văn đoán biết con gái bị đối xử không ra gì, nhưng không tiện hỏi. Bà hy vọng ngày Khang Thu Thủy trở về, hắn sẽ cứu được vợ ra thoát cảnh khổ đau. Phần Kiều Lê Vân, nàng cũng hy vọng như thế, nên cắn răng giấu nhẹm mọi hành động tàn ác của mẹ chồng, để cha mẹ ruột khỏi đau lòng xót ruột.
ông bà Văn có muốn đưa thức ăn và đồ uống và thuốc thang đến tẩm bổ cho con, cũng không dám, vì nếu ngỏ lời sẽ chạm đến tự ái của bà Viễn, và rất có thể xích mích giữa hai nhà, gây điều tiếng không haỵ Hai bên cha mẹ ruột và cha mẹ chồng xung đột, Kiều Lê Vân sẽ chết kẹt ở giữa. Thêm nữa, trước mặt thân gia, bà Viễn hứa sẽ chăm nom săn sóc con dâu đầy đủ, trông chừng từng giấc ngủ miếng cơm... thì ông bà Văn còn biết nói sao?
Mặc dù vẫn lo buồn đau đớn, nhưng cái ngày hôm ấy là ngày tương đối dễ chịu nhất của Kiều Lê Vân: Nàng được gặp cha mẹ, được mẹ âu yếm săn sóc bên giường, và nhất là bà mẹ chông không dám sai khiến nàng làm lụng một việc gì, dù là việc rất nhẹ.
Ngày vui quá ngắn ngủi, vụt đi như bóng câu qua cửa sổ, rồi những ngày buồn khổ lại diễn ra như cũ như xưa..
o0o
Sáng hôm ấy, Kiều Lê Vân đang xách thùng tưới hoa ở ngoài vường, dưới ánh nắng gay gắt, mồ hôi nhễ nhại đầm đìa... bỗng có tiếng cười nói lanh lảnh phía sau nghe rất quen thuộc.
- Vân ơi! Chà! Yêu hoa thế kia à? Chăm tưới hoa lắm nhỉ?
- A! Thật không ngờ được Lệ đến thăm!
Thì ra Hoa Lệ, một trong bốn cô bạn chí thân của Kiều Lê Vân. Lệ vào nhà, tới phòng khách, thấy chị Lưu nói Vân đang tưới hoa ở ngoài vườn, nên cô gái liền tìm ra.
Không lẽ tiếp bạn ở ngoài vườn, Kiều Lê Vân phải mời Lệ vào phòng khách; và cô bạn vui tính này nói cười tíu tít, chuyện dứt không ra. Cố nhiên, Kiều Lê Vân phải gắng gượng tươi nét mặt để che dấu nỗi cực khổ, và đối đáp đầy đủ mọi câu chuyện, không dám uể oải lơ là...
Khi hai cô bạn học cũ, cách biệt lâu ngày, bỗng gặp lại nhau thì thiếu gì chuyện để nói? Thêm nữa, Hoa Lệ là một thiếu nữ tốt bụng, xuề xòa, rất yêu mến bạn, nên cô hỏi thăm đủ thứ: hỏi về nếp sống hàng ngày của cuộc đời làm vợ, làm dâu; hỏi về tin tức và việc học hành của Khang Thu Thủy ở ngoại quốc; hỏi thăm cha mẹ ruột của bạn... và trăm thứ nữa. Hết thăm hỏi, đến kể lể: Kể chuyện về ba cô bạn Hồ Bình, Vương Nhụy, Khâu Anh Đài; kể lể về việc học hiện tại; kể lể về... những mối tình ngắn ngủi, hoặc dây dưa, chưa biết "ngày mai rồi sẽ ra sao "...
Cho đến khi cô bạn dứt ra đi về, Kiều Lê Vân tiễn chân bạn ra cổng, rồi quay vào nhà, nàng mới sực nhớ tới công việc đang bỏ dở: tưới hoa!
Nàng vội vã chạy ra vườn để tiếp tục công việc nặng nhọc ấy, nhưng đã trễ mất rồi: Nàng thấy bà mẹ chồng đang xách thùng nước tưới từ khóm cây này qua khóm khác. Tim nàng đập dồn dập, sắc mặt tái mét, Kiều Lê Vân bước tới xin lỗi:
- Thưa má, vì có chị bạn học đến thăm, con phải tiếp chuyện.
- Hừm! Nếu không có cái chân thọt, thì cô có thể là bông hoa loè loẹt để trưng bày ở phòng tiếp khách!
Tiếp bạn gái một chốc, mà bị câu mai mỉa sâu cay như thế, nàng cố nuốt nhục im hơi, không dám biện bạch một lời. Bà Viễn quẳng cái thùng tưới nước xuống. Nàng vội xách lên, đi múc thêm nước, lật đật, lảo đảo trở lại tưới hoa. Nhưng chưa hết! Bà mẹ chồng cay nghiệt còn đứng đó mắng nhiếc thậm tệ:
- ép buộc "mợ" phá thai, tôi ngại phạm pháp, "mợ cả" à! Cho nên ngày đêm tôi chỉ mong mỏi làm sao cho "mợ" sẩy tuột cái của nợ đó ra! Tốt hơn hết là lúc này mợ đẻ non ngay ra vườn hoa này, để cho tôi hết lo lắng ngày đêm; lo sợ rằng mợ sẽ đẻ ra một cái của quái!
Nước mắt tuôn ràn rụa, Kiều Lê Vân không dám ngừng tay làm việc. Trước khi rời khỏi vườn hoa, bà Viễn còn mắng thêm một câu:
- Hừm! cái giống què quặt thì làm sao mà sinh đẻ ra con cái tốt lành cho được!
o0o
ông bà Viễn không cho Kiều Lê Vân một đồng một chữ để tiêu xài. Ông bà Văn muốn cho nàng, nàng lại không muốn lấy. Bới vì mẹ chồng đã tước đoạt hết tự do của nàng, thì dẫu nàng có tiền, nàng cũng không thể bước chân đi đâu để mua sắm gì được. Nhưng cũng chính vì nàng không chịu giữ tiền bạc trong mình, mà hôm ấy nàng bị một trận nhục nhã, do cô em chồng gây ra.
Trưa hôm ấy, nàng đang sắp sửa chợp mắt ngủ trưa, thì thấy Khang Tiểu Mai đẩy cửa buồng bước vào:
- Chị ngủ đó sao?
- Không. Chỉ nằm nghỉ chút thôi. Cô cần hỏi gì đấy?
- Gần đây, em xài hơi quá tay, nay hết nhẵn tiền, mà ba với má đều nhất quyết không cho đồng nào nữa. Đang cần món tiêu rất gấp, chị cho mượn tạm một ngàn đồng, được chăng?
Kiều Lê Vân giật mình thầm nhủ: "Khang Tiểu Mai mua sắm món gì, mà cần số tiền lớn quá vậy?" Tuy nhiên, nếu như có được số tiền ấy, nàng cũng phải cho cô em chồng vay, để lấy lòng, nhưng ngặt vì không có, nàng đành nói thật:
- Tôi chỉ còn vỏn vẹn ba trăm, định dành để mua tem gửi thư cho anh dần dần. Vậy cô cần quá, thì hãy lấy tạm mà tiêu. Nếu chưa đủ, để tôi gọi điện thoại về hỏi xin má tôi, rồi đưa cô sau.
Đột nhiên, Khang Tiểu Mai trở mặt giở giọng nói:
- Thôi, chẳng cần nữa. Chị không thích cho vay, thì cứ nói thẳng thắn ra. Tôi rất ghét cái lối viện cớ này chuyện nọ để chối khéo.
- Này, cô Mai! tôi không phải hạng giả dối đâu.
- Hừm! Tôi đã biết từ trước. Con người tật nguyền, làm sao lòng dạ tử tế được!
- Này! Cô nên biết...
- Biết gì? "Cô" định đánh tôi chăng?
- Tôi sẽ không khi nào mắng cô một lời, chứ đừng nói là đánh cộ Nhưng cô đòi hỏi, cũng phải cho tôi một thời hạn chứ?
- Thôi, từ nay tôi sẽ không yêu cầu cô việc gì nữa hết! Cô ghê gớm quá. Tôi không dám trêu vào tay cô.
- Cô Mai! Cô đừng nên như thế!
- Tôi nói toạc ra cho cô hay: Anh Thủy tôi ở ngoại quốc, đã có một cô "bồ" học giỏi và đẹp tuyệt rồi!
Câu nói "rung cây" của Khang Tiểu Mai không làm cho Kiều Lê Vân giật mình lo sợ hoặc hoài nghi tức tối, bởi nàng rất tin tưởng ở chồng. Khang Tiểu Mai thấy thế, càng tức, đay nghiến thêm:
- Cô còn nằm lì ở nhà tôi làm gì nữa? Toan chơi trò "đó rách choán chỗ" sao? Hãy nhìn kỹ lại cái chân mà suy ngẫm về giá trị mình. Anh Cả tôi chỉ bồng bột chốc lát, chứ không thật sự yêu thương cô như cô tưởng đâu. Anh ấy chỉ thử chơi cho biết mùi đời chốc lát mà! Cô tưởng anh ấy sẽ yêu mãi mãi sao? Đừng mê ngủ nữa!
- Thôi! Được rồi. Cô đã muốn nói, tôi không thèm cãi nhau với cộ Cô cứ mắng nữa đi. Nhưng mắng nho nhỏ đủ cho tôi nghe là được rồi. Đừng lớn tiếng la thét mà ba má giật mình thức dậy!
Nhưng ông bà Viễn đã giật mình thức dậy rồi. Bà Viễn sồng sộc chạy vào, hùng hổ quát hỏi:
- Chúng mày làm sao thế?
- Cô ả què ấy sỉ nhục con.
Bà Viễn tin ngay lời con gái. Bà giận dữ chửi tàn tệ:
- Con què kia! Dám sỉ nhục con tao? Mày trở mặt phá nhà tao phải không?
Mặc cho Kiều Lê Vân phân bua giải thích, bà Viễn cứ sấn tới, giang thẳng cánh tay, tát vào mặt nàng một tát đổ đom đóm mắt!
Tội nghiệp! Làn da mặt của nàng vốn mịn mềm trắng trẻo, bấy giờ bị một cái tát phũ phàng tàn nhẫn, năm ngón tay bà Viễn in trên đấy đỏ tía, rồi tím bầm rành rành.
Đánh đập nàng rồi, bà Viễn còn chưa thôi, bà còn đứng lại chửi mắng tàn tệ một hồi nữa.
Kiều Lê Vân bị đau đớn ê chề cả thể xác lẫn tinh thần. Nàng như mê đi, không còn biết gì nữa. Cho đến khi bà mẹ chồng tàn ác lui ra, rồi chị Lưu tìm vào an ủi vuốt ve, nàng mới như bừng tỉnh khỏi cơn ác mộng. Trước cảnh ấy, chị người ở cũng phải động lòng xót xa thaỵ Chị nhìn ngắm Kiều Lê Vân mang dạ chửa với những ngón tay tàn nhẫn in trên mặt, mà phải thầm thắc mắc: Phỏng một tấm lòng yêu đương của chàng trai Khang Thu Thủy có đủ để đền đáp cho cân xứng với cái thảm họa mà cô gái cưng nhà họ Kiều này phải gánh chịu lấy chăng? Tấm thân ngọc nhà này vốn được cha mẹ cưng nuông như cưng trứng mỏng, chỉ vì yêu, mà phải tự đọa đày, lao đầu vào nhà họ Khang, làm những công việc của kẻ tôi đòi, và chuốc lấy những trận đòn như kẻ cướp!
Làn da băng tuyết trên đôi má nàng, vốn chỉ dành cho cha mẹ mơn trớn hôn nựng, nay chỉ vì yêu, đến nỗi bị bàn tay cục súc của một ác phụ đập vào, in hằn dấu vết năm ngón tay! ôi! người xưa vẫn nói "tình là giây oan", phải chăng đây cũng là một trường hợp? Nghĩ miên man như vậy, rồi chị Lưu nhỏ nhẹ hỏi:
- Tại sao bị đánh đập như vậy, mợ không phản đối?
Kiều Lê Vân nói như trong giấc mơ:
- Phản đối?... Phản đối liệu có ích gì?
- ít ra, mợ cũng biện bạch cho rõ phải quấy chứ?
- Tôi... tôi đành chỉ còn cắn răng chịu đựng, chờ ngày anh Thủy hồi hương... chớ còn biết làm cách nào khác?
Thật vậy, nàng chỉ còn mỗi một hy vọng để tiếp tục sống. Đó là tình yêu và đức chung thủy của chồng.
Nhưng, trong những ngày tháng chồng nàng còn chưa về, nàng còn tiếp tục sống kiếp đọa đày thê thảm.
Sau cái tát và trận mắng chửi, nàng lại phải lăn lưng ra làm những việc thường lệ: lau sàn nhà, xách nước tưới khắp vườn hoa, giặt quần áo, quét dọn sân trước, sân sau, và phụ với chị Lưu, lo cơm nước ngày ba bữa.
Một hôm, bị Ốm lại phải làm việc mệt mỏi quá sức, Kiều Lê Vân ngất xỉu nằm lăn xuống đất. Chị Lưu hoảng hốt kêu inh ỏi, bà Viễn với Khang Tiểu Mai vẫn bình thản dửng dưng. Chị Lưu hằn học nói giọng trách móc, bà chủ mới mở miệng bảo con gái:
- Mai! Mày phụ với chị Lưu, khiêng nó vào buồng. Nó giả vờ chết, thì cứ để cho nó nằm ở trong ấy mà giả vờ với... bốn bức tường!
Thấy Kiều Lê Vân nằm thở yếu hơi, chị Lưu giục Khang Tiểu Mai đi mời bác sĩ, thì cô gái đanh ác lắc đầu, không nói chuyện mời thầy chạy thuốc gì hết!...

Chương 32




Cái sinh vật bé nhỏ trong bụng Kiều Lê Vân, mà cũng biết thương mẹ, nên nương nhẹ trong cơ thể mẹ, mà thoát lọt ra ngoài một cách dễ dãi như vậy chăng?
Mặc dù sanh con so, và bên mình không có bác sĩ, cũng không có cô mụ gì hết, Kiều Lê Vân vẫn cho ra đời một hài nhi trai rất kháu khỉnh dễ thương. Người đóng vai "cô mụ bất đắc dĩ" để nâng nhấc nàng và cắt rốn, tắm rửa cho con nàng... không ai khác hơn là... chị Lưu, người nữ bộc của gia đình họ Khang, nhưng lòng chỉ biết trung thành với nàng.
Và mặc dù mấy lúc gần đây, bà Viễn đã ngăn cấm chị, không cho đi gửi thư từ, không cho sử dụng điện thoại, mục đích là "phong tỏa", cô lập Kiều Lê Vân với bên ngoài... chị Lưu vẫn kịp thời quay lén điện thoại, báo tin cho ông bà Văn hay, vào cái lúc Kiều Lê Vân bắt đầu trở dạ.
Bà Văn lật đật tìm tới nhà họ Khang, bước vào tới buồng riêng của con gái, thì thấy ông Viễn đã có mặt trong đó, và đang bế đứa cháu nội đầu lòng trên tay.
ông bà thân gia chào hỏi nhau; rồi cùng cất tiếng cảm tạ Ơn Trời Phật, ca ngợi ông bà tổ tiên dành phúc đức về sau, khiến Kiều Lê Vân sanh đẻ dễ dàng, mẹ tròn con vuông như vầy.
Sau khi săn sóc, nâng nhấc, hỏi han con gái... bà Văn để ý liếc nhìn ông Viễn, và nhận thấy ông vui mừng ra mặt. Ông Viễn thì tươi cười ngắm đi nhìn lại đứa cháu nội trên tay, lòng thầm nghĩ: "Con dâu của mình thật có sức chịu đựng phi thường. Nếu không, nó đã gục ngã dưới sự hành hạ, ngược đãi của vợ mình rồi".
Còn bà Văn, khi được ông "suôi gia" trao đứa cháu ngoại cho bế, bà còn gì sung sướng vui mừng hơn?...
Riêng bà Viễn lại khác hẳn. Bà thầm thất vọng trong lòng, vì đã không được trông thấy "sự ra đi của cái con què quặt". Bà đã viện cớ theo "tập tục truyền thống" của ông bà xưa để lại, mà kiêng cử, không cho phép con dâu tới hộ sinh viện. Vậy mà Kiều Lê Vân vẫn sinh đẻ trót lọt, để "báo đời" gia đình bà mãi chưa thôi! Khang Tiểu Mai cũng vì lòng ghét bỏ chị dâu mà đến nỗi đôi mắt như mù quáng, không nhìn ra cái vẻ kháu khỉnh mũm mĩm của đứa hài nhi: đứa bé giống anh ruột của cô như tạc khuôn vậy. Cô gái chỉ nhìn qua một chút, rồi bỏ ra ngoài, miệng lầm bầm chê: "nó giống như con chuột non đỏ hỏn!".
Căn buồng chỉ đông người trong chốc lát ngắn ngủi, rồi lại còn trơ có bà Văn ngồi bên con gái và đứa cháu ngoại sơ sinh.
Bà ở lại săn sóc con từng li từng chút, quên ngủ quên ăn... Cho đến ngày thứ ba, thì mỏi mệt quá sức, bà cứ ngồi ở cái ghế, tựa đầu về một bên mà ngủ gà ngủ gật.
Kiều Lê Vân muốn ngồi lên, đánh thức mẹ dậy, và khuyên mẹ trở về nhà nằm nghỉ cho thoải mái, để lấy lại sức. Nhưng nàng lại nghĩ: Hãy để mẹ "ngủ ngồi" như vậy một hồi, không nên làm ẹ mất ngang giấc ngủ...
Kiều Lê Vân sinh cho nhà họ Khang được một đứa con, rồi địa vị, hay ít ra, thân phận nàng có được đổi khác chút nào chăng?...
Chỉ nửa tháng sau, bà Viễn đã tàn nhẫn nói thẳng vào mặt nàng:
- Cô đã nói: đợi sinh đẻ xong, rồi cô ra đi. Vậy lúc này cô nên đi đi thôi. Cô về nhà cha mẹ, cô đi lưu lãng, hay cô đi liều mình ở đâu nữa cũng mặc. Chỉ yêu cầu cô đừng trở lại nhà này nữa là xong.
Nàng cúi mặt, không nói nên lời, cũng không còn nước mắt để khóc. Bà Viễn lại tiếp:
- Nếu không thế, cô hãy kiếm một người chồng khác đi.
Kiều Lê Vân chỉ kêu được một tiếng: "má!... "
- Từ nay trở đi, đừng gọi tôi bằng "má" nữa, bởi tôi đâu có thừa nhận cô!
- Xin hãy đợi ngày anh Thủy hồi hương. Anh ấy về, con sẽ ra đi.
- Đừng mơ ngủ! Con tôi nó không về đâu, mà có muốn về, tôi cũng chưa cho phép về. Yêu cầu cô đi lấy chồng khác, ấy là tôi đối xử nhân từ lắm rồi.
Kiều Lê Vân ù tai hoa mắt, không nhớ rõ bà viễn còn thốt ra bao nhiêu lời lẽ tàn nhẫn nữa. Rồi nàng lại nghe bà nói thêm:
- Nếu như cô cần có một số tiền, cô chỉ việc chịu nhận ly hôn, tôi sẵn sàng cấp cho ngay.
- Không. Con không muốn ly hôn, bởi vì con với anh Thủy yêu thương nhau, phải sống mãi mãi với nhau.
- Hừm! Thân tàn ma dại như thế, cũng còn đòi hỏi quá đáng, mơ ước vô lý hão huyền. Sao không biết xấu hổ!
o0o
Đứa hài nhi, sau ngày đầy tháng được hai hôm, thì bỗng nhiên... mất tích!
Hôm ấy, Kiều Lê Vân thức giấc, vừa nhìn ra cái nôi, nàng đã dựng tóc gáy, lạnh xương sống, bởi linh tính vừa báo cho nàng một tai họa khủng khiếp gì đây... Nàng gào lên như điên như cuồng:
- Chị Lưu ơi! Chị Lưu ơi!
- Tôi đây!... Cái gì thế? Làm sao thế?
Thấy chị Lưu từ ngoài chạy vào, Kiều Lê Vân vồ ngay lấy:
- Con tôi đâu? Chị Ơi?
- Cháu vẫn ngủ trong nôi kia hay sao ấy?
- Đâu có? Đâu có thấy? Chị Ơi! Mau tìm nó dùm tôi!
- Không hiểu bà có bế nó lên phòng bà không?
Không! Đứa hài nhi không có ở đó, mà bà Viễn cũng biệt dạng biệt tăm đâu mất rồi. Chị Lưu cũng đâm cuống, trố mắt há mồm nhìn quanh, chẳng biết giúp Kiều Lê Vân cách nào! Và Kiều Lê Vân... Òa lên khóc như mưa như gió.
Bấy giờ mới thấy Khang Tiểu Mai từ buồng riêng bước ra, bảo rằng:
- Các người đừng tìm kiếm nữa. Má tôi đã bế nó, đem đi cho người ta rồi. Má tôi nói rằng: "Nhà họ Khang này không thể nuôi đứa nhỏ đó được".
Câu nói tàn nhẫn của cô em chồng khiến Kiều Lê Vân kêu rú lên một tiếng, rồi ngất lăn xuống đất. Chị Lưu lại phải lăn lưng vào cấp cứu nàng.
Nàng tỉnh dậy, chị dìu nàng về buồng riêng, nhưng nàng cứ hối hả đòi chạy đi khắp nơi tìm con... Chị phải dỗ dành: "Hãy đợi bà trở về, rồi van xin bà, may ra... Chứ biết đứa nhỏ ở đâu mà đi tìm?"
Gần tối hôm ấy, bà Viễn trở về đến cổng thì thấy Kiều Lê Vân đã ôm cột cổng đứng chờ đó tự bao giờ. Nàng chắp tay van lạy, bà vẫn phớt lờ, đẩy gạt nàng ra một bên mà vào nhà. Nàng theo vào nhà, quì xuống năn nỉ:
- Con lạy má! Tội nghiệp thân con! Má cho con xin đứa con. Không có nó thì con chết, không thể nào sống được...
Và nàng còn kêu van thảm thiết rất lâu nữa, nhưng lòng bà Viễn rất lạnh lùng, trơ trơ như sắt đá. Chị Lưu đứng nhìn cảnh ấy, cũng phải ứa nước mắt như mưa. Cuối cùng, chị lại phải dỗ dành nàng: "Hãy tạm về buồng nghỉ ngơi qua một đêm rồi bà sẽ xét lại... "
o0o
Qua một đêm không ngủ, sáng hôm sau chị Lưu vào buồng tìm Kiều Lê Vân thì thấy nàng đầu bù tóc rối, sắc mặt xanh xao bơ phờ như người mất hồn, hoặc sắp lên cơn điên khùng; đôi mắt đỏ ngầu như ứa máu vì khóc nhiều quá.
Bà Viễn bảo chị Lưu vào gọi Kiều Lê Vân ra phòng khách. bà cho hai người cùng ngồi xuống, rồi lạnh lùng nói vào vấn đề:
- Cô Vân à, cô nghe tôi nói đây... Mặc dù cô đã lấy con tôi rồi, nhưng tôi nói trắng ra cho cô hay rằng: Mãi mãi, không bao giờ tôi ưng chịu cô đâu. Sở dĩ tôi để cho nó lấy cô, là vì tôi muốn lợi ích cho bản thân nó: tôi cho lấy nhưng tôi buộc một điều kiện là phải xuất ngoại du học ngaỵ Có thế, nó mới yên lòng ra đi.
- Thưa má, chính con trước sau cũng vẫn khuyến khích anh ấy xuất ngoại du học. Và cho đến nay, con vẫn không hề hối tiếc về việc đã cổ võ anh ấy xuất dương.
- Nhưng nay sự thể đã đổi khác. Cô không thể ở đây được nữa. Cô đừng nằm ì ra nhà tôi nữa. Cô còn sống bám vào gia đình này, chắc tôi phát điên phát cuồng đến nơi! Vậy, bây giờ chúng ta hãy bình tĩnh mà điều đình với nhau, để giải quyết sự việc cho êm thấm.
Kiều Lê Vân tê tái cả người, chưa biết mở miệng nói sao, bà Viễn lại tiếp:
- Chính cô, nếu mất đứa con, cô sẽ phát điên phát cuồng phải không?
- Dạ, phải.
- Thì tôi cũng vậy. Nếu mất thằng Thủy, tôi cũng phát điên mà chết. Vậy giờ tôi đưa ra mấy cách này, để tùy ý cô lựa chọn. Thứ nhất: Cô chỉ cần ký tên vào đơn xin ly di...
- Má! (Kiều Lê Vân kêu ngay lên)
- Hãy để tôi nói hết đã... Cô cứ ký vào đơn ly dị, hoặc thỏa thuận ly hôn đi, là tôi đem đứa bé về trả, cho cô bế ra khỏi nhà này. Tôi lại chu cấp cho cô một số tiền lớn, đủ để nuôi con và giáo dục nó sau này nữa. Cách thứ hai: Nếu cô không chịu ly hôn, cô cứ ở đây, thì phải chịu đựng mọi hành vi đối xử của tôi, nói trắng ra là tôi sẽ ngược đãi cô thẳng taỵ Và mãi mãi cô không còn được trông thấy đứa con của cô nữa.
Kiều Lê Vân lại kêu van: "Má! Má ơi!" Bà Viễn lại nói:
- Tôi đã nói hết đâu? Cô hãy nhớ kỹ hai cách đó, suy nghĩ lại cho chín. Tôi chưa buộc cô phải trả lời ngay lúc này, tôi ra hạn cho cô một tháng để suy nghĩ; kể từ hôm nay, tôi tạm ngưng, không ngược đãi cô như trước, để chờ đến hạn kỳ sẽ liệu sau. Tôi nói là tôi giữ lời. Có chị Lưu đây làm chứng.
Và bà quay bảo người tớ gái:
- Chị Lưu nhớ nhé: Hết hạn một tháng này, thì chị cũng thôi việc ở đây. Chị chuẩn bị đi.
Chị Lưu không có phản ứng nào. Chị biết trước, thế nào rồi cũng có một ngày bà chủ cho chị nghỉ việc, để bắt con dâu phải làm lấy hết...
o0o
Tội nghiệp Kiều Lê Vân! Ngày quên ăn, đêm quên ngủ, đã suy nghĩ nát ruột tan hồn suốt một tuần lễ mà chưa quyết định được: nên lựa cách nào trong hai cách do bà Viễn đặt ra?
Người mà nàng cần có ở bên cạnh mình nhất, để cứu nguy cho nàng thì lại ở một nơi chân trời xa thăm thẳm, xa đến nỗi nàng cũng không biết chắc là mấy vạn dậm chim bay!
Đến như người rất yêu thương nàng, và nàng rất thương yêu, lại ở gần nàng, thì lại không thể cứu nàng được: Bà Văn, mẹ nàng dễ gì can thiệp để giúp cho nàng giữ được đồng thời cả chồng lẫn con?
- Thu Thủy!... Cao Sơn!
"Cao Sơn" là tên thằng bé mới sinh ra đời, khúc ruộc đầu của Kiều Lê Vân. Hình ảnh Thu Thủy thì vẫn mỉm cười với nàng đó. Cao Sơn tuy mới lọt lòng nàng, mà trông đã thấy giống Khang Thu Thủy như đúc.
Miên man nghĩ ngợi, với bao hình ảnh trong đầu, rồi Kiều Lê Vân hành động như cái máy: Nàng lấy giấy bút ra viết lá thư:
"...
Anh Thu Thủy yêu dấu,
Thằng Cao Sơn, con của chúng mình, nhờ ơn trời nó được khoẻ mạnh, bụ bẫm và linh lợi lắm anh ạ. Trông ngắm nó, em thấy không một đường nét nào lại không giống hệt như anh...
Kiều Lê Vân mới viết được vài hàng, bỗng cánh cửa mở, một bóng người tiến vào, khiến nàng sực nhớ đến hiện trạng bi đát, gác bỏ tờ giấy mới viết dở dang..
Nàng viết thư để làm gì? Mấy ngày nay, bà Viễn bắt đầu canh chừng từng cử chỉ của nàng. Bà cấm nàng viết thư cho chồng, lấy lý rằng: "Để cho thằng Thủy tĩnh tâm học tập. Nay đọc thư, mai viết thư, hồn vía cứ mơ tưởng về gia đình, thì còn học hành gì được?" Như vậy, nàng làm cách nào gửi được lá thử Bà lại cấm nàng không cho bước chân ra khỏi nhà. Chị Lưu thì đâu dám cầm lén phong thư đi gửi?
Cho đến cái máy điện thoại trong nhà cũng bị bà Viễn canh chừng rồi. Mỗi lúc chuông reo, Kiều Lê Vân đến cạnh máy, cầm ống nghe, ấy là đã có bà, hoặc Khang Tiểu Mai ở gần đó, lắng nghe xem nàng nói những gì qua đường giây..
Và lúc này nàng lại phải ra phòng khách đế nghe điện thoại vì người vào buồng là chị Lưu. Chị báo cho biết: có mẹ nàng gọi tới.
Đau đớn thay! Trước sự canh chừng nghe ngóng của mẹ con bà Viễn, nàng phải nói dối qua đường dây, với bà Văn:
- Dạ. Thưa má, tại vì mấy ngày qua con bị Ốm yếu, mất sức hơi nhiều, "má con" sợ con vất vả thêm vì chăm con so, nên "má con" đem nó đi gửi một bà vú chuyên nuôi trẻ mướn rồi ạ.

Chương 33




Chỉ còn ba hôm nữa là hết hạn một tháng. Mỗi lúc nghĩ đến câu trả lời cần có cho bà Viễn, ruột Kiều Lê Vân lại nóng sôi nóng cháy, và đầu óc càng thêm hoang mang.
Như trước đây, tuy bị bà mẹ chồng ngược đãi hành hạ, nhưng vẫn còn có bữa cơm nàng ăn được ngon miệng vì quá đói, vẫn có những đêm nàng ngủ được yên giấc, vì quá mệt mỏi tinh thần. Nàng lại còn có một niềm hy vọng để sống, là... chờ đợi ngày hồi hương của chồng.
Nhưng đến nay, thì tình cảnh nàng bi đát quá lắm rồi: Chờ chồng, thì có thể chờ lâu, có thể kiên nhẫn chịu đựng nỗi khổ, nỗi nhớ. Chứ còn chờ con, ắt nàng không thể chờ đợi lâu hơn nữa: Đứa hài nhi sơ sinh, khúc ruột thiết tha của nàng còn bị bà Viễn giấu kín ở một nơi nào đó, thì nàng không thể nuốt nổi miếng cơm, không thể dỗ nổi giấc ngủ! Có gì bảo đảm tính mạng cho đứa con nàng? Rủi nó lâm bệnh nặng thì sao? Rủi nó có mệnh hệ nào, thì nàng sống làm sao nổi?
Do đó, có nhiều bữa cơm, chị Lưu cố nài ép, mà nàng vẫn không nuốt được một miếng. Chị tự bỏ tiền ra, mua cho nàng hộp sữa, nàng uống vào lại muốn nôn ra ngay.
Ban đêm, chị bất thần lần mò vào buồng, thấy nàng không ngủ, chị muốn quạt cho nàng được mát, để dễ ngủ hơn, vì tháng 7 (dương lịch) là thời tiết nóng nhất trong một năm, mồ hôi chị thường tuôn đầm đìa nhễ nhại. Nhưng chị mới phe phẩy cây quạt vài cái thì Kiều Lê Vân đã kêu lên:
- Ối, lạnh quá! Lạnh quá!
Chị Lưu đưa tay sờ trán nàng thì thấy nóng ran, thì biết ngay rằng nàng sắp lâm bệnh nặng, vì sức khỏe đã sa sút quá nhiều. Chị Lưu không quạt nữa, Kiều Lê Vân lại khẽ bảo với giọng run run:
- Ôi chao! Chị Ơi! Những cơn gió giữa mùa hè sao mà lạnh quá hả chị?!
Những cơn gió lạnh đêm hè!
Chị Lưu càng thương xót Kiều Lê Vân. Chị nghĩ rằng: Nàng quá đau khổ về tinh thần, lại bỏ ăn bỏ ngủ nữa, thì e rằng có thể... chết! Mặc dù đang ở tuổi con gái, nhưng nàng mới sanh con, cơ thể cần phải tẩm bổ mới khỏi lo đau bệnh. Vậy mà, đã chẳng được tẩm bổ, lại còn bỏ ngủ bỏ ăn, thì nàng sống làm sao?
Chị Lưu lo thật sự. Thấy thân thể nàng càng ngày càng gầy rõ, mặt mũi càng bơ thờ hốc hác như người mất hồn, chị phải ứa nước mắt khuyên lơn dỗ dành Kiều Lê Vân, để nàng chịu hớp mỗi giờ vài thìa cháo loãng cầm hơi. Rồi hôm ấy, bỗng chị sực nhớ ra một câu mà nàng đã tâm sự với chị: Nàng cho chị hay, chồng nàng viết thư về dặn nàng "chừng nào giàn nho sau nhà có trái chín, thì hái mà ăn, trước là để cho đứa con khỏe mạnh, sau là để nhớ lại những giờ phút vợ chồng âu yếm nhau dưới giàn nho"...
Thế là chị ra sau nhà, hái những quả nho chín mọng đẹp tuyệt, đem vào khuyên Kiều Lê Vân cố mà ăn. Quả nhiên, nàng chịu ăn những quả nho ấy một cách hài lòng, ngày này qua bữa khác.
Tuy nhiên, nước cốt trái nho dù bổ dưỡng, cũng không thể nào duy trì sức khỏe ột cơ thể đã quá suy yếu vì ảnh hưởng tinh thần; và nhất là sức tươi mát của nước trái nho không thể nào tưới dịu được ngọn lửa bỏng trong tim óc nàng, mỗi khi nàng nghĩ đến đứa con mất tích!
Và việc phải đến đã đến: Tới ngày chót của thời hạn một tháng, Kiều Lê Vân ngã bệnh nặng, nằm liệt giường!
Trước tình cảnh ấy, bà Viễn đã không mảy may xúc động, bà còn thầm mong cho Kiều Lê Vân chết quách đi cho rồi. Đứa con dâu tàn tật ấy chết đi, ấy là mà rảnh nợ. Nhưng có lẽ số mạng Kiều Lê Vân còn chưa đến ngày tận, nên nàng còn có một cứu tinh, dù chỉ là "cứu tinh bất đắc dĩ": ông Viễn vốn đã không có bụng dạ ác độc như vợ, và thầm thương hại con dâu bị vợ hành hạ quá tay, bấy giờ lại lo ngại Kiều Lê Vân chết trong nhà mình, nên ông "đánh liều" đưa nàng đi bệnh viện trong một lúc bà Viễn vắng mặt. "Mạo hiểm" như thế, dù có bị vợ trở về mắng nhiếc ray rứt, ông cũng cam chịu.
Chị Lưu được ông chủ gọi tới, bảo phụ với ông, vực Kiều Lê Vân ra xe chở đi... Chị thầm phục ông chủ nhân từ, và khi nghĩ đến bệnh viện, chị lại xin nhờ cái máy điện thoại, để quay số gọi tới ông bà Văn, báo tin Kiều Lê Vân đã được đưa vào đây...
o0o
Nhờ sự tận tâm điều trị của bác sĩ và các điều dưỡng viên, lại thêm sự chăm sóc của ông bà Văn và chị Lưu, bệnh tình của Kiều Lê Vân được thuyên giảm lần lần. Nhưng cứ sau một ngày êm êm, lại đến một ngày sôi nổi: Tỉnh táo được đôi chút, Kiều Lê Vân lại khóc đòi con!
ông bà Văn thật khó nghĩ: Không hứa chắc với con rằng sẽ đòi cho được đứa cháu ngoại về, thì sợ con lên cơn bệnh nặng; mà quyết liệt can thiệp với ông bà Viễn, thì sợ xung đột với thân gia. Thêm nữa, bà Viễn tuy không tìm đến bệnh viện, nhưng có ông Viễn đến thăm con dâu. Ông trấn tĩnh Kiều Lê Vân và ông bà Văn rằng: Đứa bé đang được người vú chuyên nghiệp nuôi nấng chăm sóc, chỉ chờ Kiều Lê Vân khoẻ mạnh như cũ, là nó được đưa về trả cho nàng. Ông Viễn cũng bào chữa gián tiếp khéo léo cho vợ; đại ý ông nói để ông bà Văn hiểu rằng: Bà Viễn phải ở nhà trông nom mọi việc, trong khi chị Lưu mắc bận chăm sóc Kiều Lê Vân ở đây, cho nên bà chưa thể đến thăm con dâu được.
Do đó, ông bà Văn chẳng những không tiện thúc giục thân gia đưa cháu ngoại của mình về, mà còn không dám viết thư qua Mỹ, kể rõ tình cảnh con gái cho con rể hay nữa; bởi lẽ ông bà Văn sợ mang tiếng sau này...
Trong tình thế giằng co ấy, Kiều Lê Vân chỉ còn biết khóc lóc than thở với cha mẹ ruột và chị Lưu. Than thân trách phận cho đến khi quá mệt mỏi tinh thần, nàng mới ngủ thiếp đi được một giấc.
Và có những lúc thức giấc, Kiều Lê Vân lại cảm thấy lạnh lùng tê tái cả về thể xác lẫn tâm hồn, vì những cơn gió thoảng giữa đêm hè vắng lặng.
ông bà Văn và chị Lưu thì buồn phiền thương cảm vô hạn, mỗi khi nghe tiếng Kiều Lê Vân lào thào kêu gọi trong giấc mơ:
- Con tôi đâu? Con tôi đâu rồi? Ai bế con tôi đi đâu? Trả con cho tôi đi! Trời ơi! Má ơi! Trả con cho con đi!...
Trong mấy ngày Kiều Lê Vân nằm bệnh viện, chỉ có một hôm bầu không khí được đổi khác đôi phần, từ âm thầm lạnh lẽo bỗng trở nên rộn rã vui vẻ. Đó là hôm nàng được ba cô bạn tới thăm.
Gần trưa hôm ấy, Kiều Lê Vân đang chuyện trò bàn bạc với mẹ nàng, thì cô y tá đem liều thuốc mới của bác sĩ vào phòng. Bà Văn lập tức đón lấy, rồi đi rót nước cho con uống thuốc. Kiều Lê Vân uống xong, vừa nằm xuống nghỉ, bỗng nghe tiếng cười nói ríu rít từ ngoài vọng vào, rồi những tiếng kêu gọi liên tiếp vang lên, khi cánh cửa mở rộng.
- Vân ơi!
- Vân thức hay ngủ?
- Vân ơi! Bọn tớ tới thăm nè!
Một cuộc thăm viếng hoàn toàn bất ngờ đối với Kiều Lê Vân; nhưng bà Văn thì dường như không lấy làm lạ.
Hoa Lệ, Vương Nhụy và Khâu Anh Đài xinh đẹp, nhí nhảnh như ba đóa hoa tươi được đưa tới tặng người bệnh vậy. ba cô gái chỉ chào bà Văn một tiếng lấy lệ, rồi xúm quanh bên cạnh Kiều Lê Vân. Bà Văn bảo chị Lưu kéo hai cái ghế đến.
Hai cô ngồi ghế, còn một cô ngồi ngay cạnh giường của Kiều Lê Vân. Kiều Lê Vân thò một bàn tay run run từ trong lớp chăn mỏng ra, để các bạn cầm nắm, đồng thời miệng mệt mỏi hỏi:
- Các... các "cậu" do đâu mà biết?
Hoa Lệ nói:
- Sáng sớm hôm nay, mình gọi điện thoại đến, định hỏi chuyện bác gái, thì thấy bác trai trả lời. Bác cho biết Vân đã vào nằm đây. Mình tò mò hỏi thêm nữa, bác mới cho biết lý do Vân phải vào bệnh viện, cùng tình cảnh gia đình nhà chồng và những nỗi cực nhọc mà Vân phải chịu đựng.
- Tại sao ba mình lại quá thật thà như vậy!? Đáng lý cụ không nên nói sự thật ấy ra làm chi.
Vương Nhụy nói giọng tức tối:
- Bọn mình cần phải biết sự thật, sao lại không nên? Bắt đầu từ nay, bọn mình sẵn sàng giúp Vân mọi chuyện.
Khâu Anh Đài vỗ đùi, hăm hở nói:
- Vân thật thà hiền lành quá! Nếu là "tớ"... hừm! Bà ấy đâu dám thế!
Hoa Lệ nói thêm:
- Thời nay đâu có như thời cổ lổ hủ lậu xưa kiả Nàng dâu không xử ức mẹ chồng, ấy là khá rồi. Sao lại còn có chuyện mẹ chồng ngược đãi hành hạ nàng dâu!
- Cách tốt hơn hết: trong khi Thu Thủy còn chưa về nhà, Vân cứ "thèm vào", đừng có trở về nhìn mặt cái mụ mẹ chồng độc ác ấy làm chi!
- Phải đấy!
- Nếu bà ấy không chịu trả con Vân, Vân tố cáo bà ấy trước pháp luật và dư luận. Một mặt viết thư ra ngoại quốc báo tin, và gọi Thu Thủy về giải quyết vụ này.
Ba cô bạn luận bàn sôi nổi, khiến Kiều Lê Vân chẳng biết nói gì nữa. Bà Văn ngồi gần đó, cũng không nói xen vào được lời nào...

Chương 34



Kiều Lê Vân nằm bệnh viện đã được một tuần. Hôm ấy, sau giấc ngủ trưa, nàng vừa tỉnh dậy, đôi mắt còn lim rim, chưa cất tiếng thăm hỏi cha mẹ nàng. Ông bà Văn có mặt tại đấy, cũng đang im lặng, chưa biết con gái đã thức dậy hay chưa... Đột nhiên, mọi người nghe tiếng chân chạy rầm rập từ ngoài vào, và có tiếng chị Lưu kêu rối rít:
- Mợ cả ơi! Mợ cả! May lắm rồi! Thật là phúc đức quá rồi, mợ Ơi! Cậu cả đã về đây này!
- A! Chị Lưu! Chị nói gì vậy?
Kiều Lê Vân ngơ ngác hỏi, vì nàng chưa tin ở lỗ tai mình. Chị Lưu bước vào, ghé đến gần, nói xác nhận:
- Cậu cả đã về ngoài kia kìa! Cậu đang trả tiền taxi ở ngoài cổng bệnh viện!
Kiều Lê Vân gắng dùng sức, hất tung cái chăn mỏng đắp trên người, rồi nàng lồm cồm ngồi dậy, toan bước ngay xuống đất:
- Tôi phải ra đón anh ấy!
Nhưng vừa vặn lúc ấy, Khang Thu Thủy đã xuất hiện ở cửa phòng bệnh viện:
- Vân! Vân em!
- Anh! Anh Thủy!
Đôi trẻ quá xúc động bồi hồi, như tối tăm cả mắt lại, không còn để ý đến cha mẹ ngồi trong phòng. Và họ Ôm chầm lấy nhau, hai miệng cùng nói, hai trái tim cùng đập mạnh; họ nói ríu rít như muốn kể lể hết thảy những chuyện xảy ra từ chín, mười tháng qua, trong một vài tiếng đồng hồ vậy.
ông bà Văn, chị Lưu tuy không nói ra, mà như hoàn toàn đồng ý rằng: trước cảnh tái ngộ đầy xúc động giữa cặp vợ chồng trẻ nàng, mọi người nên tạm hãy lui ra, có chuyện gì, lát nữa sẽ nói sau... Và cả ba lặng lẽ bước ra khỏi căn phòng bệnh viện.
ôm chồng chốc lát, khi buông tay ra, mặt Kiều Lê Vân đã ràn rụa nước mắt, nhưng lòng nàng thư thái nhẹ nhõm hẳn đi. Tâm hồn càng lúc càng bớt sầu đau, để chuyển dần qua vui vẻ. Tâm trạng Khang Thu Thủy cũng y hệt như vợ.
- Anh Thủy! Sao tự dưng anh đột ngột bỏ về?
- Thôi, em ơi! Em đừng giấu diếm anh nữa.
- Anh... Anh bảo em giấu...
- Ồ! Anh tiếp được lá thư do chị Lưu đứng tên...
- Chị Lưu...
- Cố nhiên là do một người khác viết dùm chị ấy! Anh đọc xong lá thư, anh rõ hết sự thể ở nhà, và anh lập tức thu xếp, ra về ngay.
Kiều Lê Vân bàng hoàng xúc cảm vì hành động "bí mật" của người làm công nhân từ phúc đức, đã trở thành ân nhân cao quí của nàng.
Nàng kêu như lạc cả giọng:
- Chị Lưu ơi! Chị Lưu ơi!
Đang đứng nghe ngóng ở ngoài cửa, chị Lưu bước vào:
- Tôi đây, mợ gọi gì?
- Chị Ơi! Chính chị đã viết thơ cho anh Thủy đó sao? Viết vào lúc nào, mà lại giấu cả tôi vậy?
- Phải, chính tôi gửi thư báo tin cho cậu Cả. Nhưng chẳng phải tôi viết, vì tôi đâu có biết chữ? Tôi chỉ... "lấy trộm" cái phong bì của mợ, trên đó mợ đã viết sẵn tên và địa chỉ của cậu, rồi tôi bỏ vào phong bì; dán tem gửi đi...
- Chị Ơi! Chị đã cứu tôi.. Tôi biết tạ Ơn chị cách nào cho xứng đây?
- Ồ! Tạ với đáp làm gì? Chúng mình thương nhau như chị em bấy nay mà! Tôi cũng buồn đau trước cảnh tình đau khổ của mợ. Cậu về là êm ấm hết, khỏi còn lo gì nữa mợ ạ! Hãy vui lên đi, cho sức khỏe hồi phục mau chóng.
Kiều Lê Vân ân cần nói lời cảm ơn chị Lưu lần nữa, rồi gục đầu vào ngực chồng. Khang Thu Thủy thở dài:
- Vân ơi! Anh rất có lỗi vì đã để cho em phải chịu biết bao đau đớn nhục nhằn. Đáng lý, anh không nên rời xa em mới phải.
- Anh không thay lòng đổi dạ, ấy là niềm an ủi lớn lao cho em rồi
Nói rồi, hắn đưa tay vuốt tóc vợ, dáng điệu vô cùng thiết tha, như ân hận không có cách gì để đền đáp cho nàng, sau những ngày cơ thể nàng bị mẹ hắn hành hạ, như cắt da xẻo thịt vậy.
Thỏ thẻ tâm tình mấy câu nữa, rồi nàng trở lại vấn đề thực tế:
- Anh Thủy, anh học hành đang còn dở dang, rồi làm thế nào?
- Trừ phi chuyến này thu xếp cho em được yên ổn, gia đình được êm đẹp, anh sẽ tính sau. Nếu không, anh không thèm xuất ngoại tiếp tục học làm chi nữa. Anh quyết không để em phải chịu khổ một lần thứ hai.
- Anh phải qua bên ấy học tiếp mới được. Anh đi rồi, em trở về sống ở bên nhà với ba má là em yên.
- Thôi, hãy tạm gác vấn đề ấy lại. Em hiện còn là một bệnh nhân. Hãy nằm xuống nghỉ ngơi kẻo mệt.
Hắn toan đỡ nàng nằm xuống, nhưng nàng phấn chấn tinh thần, lắc đầu:
- Không! Em hoàn toàn lành mạnh rồi. Em đang chuẩn bị rời bệnh viện, thì anh về.
- Để anh hỏi lại bác sĩ, cho chắc đã.
Đột nhiên, Kiều Lê Vân lại gục đầu vào vai chồng sụt sịt khóc.
- Ủa? Sao thế hả em?...
- Thằng con của chúng ta...
- A! Chị Lưu đã cho anh biết hết rồi. Em đừng quá nôn nóng, khổ thân vô ích. Anh sẽ đi ẵm con về cho em.
- Má sẽ...
- Cả hai "ông bà" đều chưa biết anh bỏ học trở về.
- Không ai có nhà cả sao? Cả Tiểu Mai nữa?
- Không ai có mặt ở nhà hết. Lúc anh về, chỉ thấy có chị Lưu ở nhà. Vừa nghe chị ấy nói em nằm bệnh viện, anh không kịp bước chân vào phòng, lập tức thúc giục chị ấy dẫn anh đến đây.
Thấy chồng rời bỏ Mỹ Quốc, vội vã hồi hương, bỏ cả việc học hành, chỉ vì mình, Kiều Lê Vân xúc động vô cùng. Nếu nơi đây chẳng phải là bệnh viện, nàng đã ôm lấy chồng mà hôn cả trăm ngàn cái rồi. Bấy giờ, thấy nàng ứa lệ ròng ròng, Khang Thu Thủy đưa khăn lau mắt cho nàng và trấn tĩnh:
- Vân ạ, em yên chí đi. Anh đã có biện pháp khiến má anh phải trao trả đứa con cho anh.
- Dù má có điều khắt khe không tốt, anh cũng đừng oán giận má, anh ạ.
- Em thật tốt bụng.
- Em thật không ngờ. Em cứ tưởng: dẫu trong giấc mộng đi nữa, em cũng không dễ gì được thấy anh trở về kịp thời như ngày nay.
- Giờ phút này chúng ta được nhìn mặt cầm tay nhau, là nhờ ơn chị Lưu.
Vợ chồng ríu rít bên nhau một hồi nữa, rồi Khang Thu Thủy như sực nhớ ra:
- Vân ơi! Chứ... ba má ở đâu nhỉ?
- Có lẽ đang đứng ở ngoài kia?
- Để anh ra xem.
Quả nhiên ông bà Văn đang đứng ngoài hiên bệnh viện. Khang Thu Thủy vội chạy tới, thành khẩn tạ lỗi:
- Ba! Má! Tha tội vô lễ cho con.
- Không, không sao mà.
- Hãy trở vào trong ấy, ta nói chuyện.
ông bà Văn cùng an ủi chàng rể như vậy, rồi cả ba cùng quay vào phòng bệnh với Kiều Lê Vân. Nàng nói chữa thẹn:
- Chúng con tưởng ba má về rồi.
ông Văn nói:
- Về làm sao được? Còn phải hỏi chuyện anh Thủy đã chứ!
Khang Thu Thủy nói với giọng thành khẩn, cảm động:
- Thưa ba, thưa má, thật lỗi tại con: con đã để cho Vân phải chịu đựng biết bao nhiêu khổ cực ở nhà. Xin ba má hãy trách mắng con đi, cho con vơi bớt nỗi ân hận hối tiếc trong lòng.
ông Văn khoan hòa nhỏ nhẹ:
- Ba má không hề trách oán con gì cả. Đừng thắc mắc điều đó.
Bà Văn nói tiếp với giọng nhân từ:
- Con nết na tốt bụng như thế, ba má làm sao giận trách con cho được? Chỉ riêng cái tình thương sâu xa chân thành của con đối với em Vân, cũng đủ khiến ba má cảm động rồi.
Kiều Lê Vân vẫn nóng nảy ra về, nên thúc giục:
- Ba má ơi! Con muốn về ngay giờ. Bác sĩ cho biết: con đã có thể xuất viện được rồi. Ba ơi! Ba làm mọi thủ tục cho con về đi! Má, chị Lưu đâu rồi?
Bà Văn nói:
- Chị ấy về nhà rồi.
Khang Thu Thủy bảo vợ:
- Vân ạ, để sáng mai, rồi hãy về. Sáng mai, anh sẽ bế thằng Cao Sơn đến đón em.
ông Văn muốn nén nỗi thắc mắc, nhưng không được:
- Anh chắc chứ?
- Ba yên lòng. Con đã có biện pháp này, chắc chắn là phải được.
Khang Thu Thủy nói với giọng cương quyết, khẳng định, khiến ông bà Văn yên tâm, và Kiều Lê Vân sung sướng mừng rỡ.
Bà Văn bảo chồng:
- Anh Văn à, chúng mình hãy về trước, để Thủy ở đây với con. Đến tối chúng mình lại vào, cho Thủy về.
- Phải lắm! Mình bàn rất phải.
ông Văn đáp lời vợ, vào đảo mắt nhìn về cô con gái cưng. Khang Thu Thủy tiễn chân cha mẹ vợ ra cổng bệnh viện. Khi ông bà Văn lên taxi rồi, hắn mới quay vào phòng bệnh:
- Vân ơi! Ba má về rồi.
- Ba má thật đã quá mệt mỏi, cần nghỉ ngơi lắm rồi, nhất là má.
- Chung qui chỉ lỗi tại anh. Nếu anh không rời bỏ em ra đi, thì chẳng xảy ra việc gì hết.
- Thôi, đừng nhắc lại và tự trách như thế nữa anh ạ.
- Em ơi! Kể từ lúc tiếp được thư, anh vội vã thu xếp, lật đật lên máy bay, cho tới khi về đến đây, ruột anh rối lên như mớ bòng bong, thành thử quên hết mọi việc khác. Chẳng mua được chút quà cáp gì về cả...
- Chẳng cần anh tặng cho gì hết. Anh giữ nguyên vẹn tấm lòng về đây với em, ấy là hơn hẳn hết thảy quà cáp quí vật trong trời đất rồi.
Khang Thu Thủy tươi cười bảo vợ hãy nằm xuống như mọi người bệnh trong nhà thương, để hắn ngồi cạnh chăm sóc.
Thôi thì sau nhiều tháng xa cách nhung nhớ, nay được tái ngộ xum vầy, đôi vợ chồng trẻ nỉ non tâm sự, tưởng có thể nói cả tháng liền chưa hết.
Hôm sau, mọi thủ tục xuất viện đã được cha làm xong, Kiều Lê Vân đang ngóng đợi chồng, bỗng thấy gian phòng như sáng rực lên vì cánh cửa mở rộng: Khang Thu Thủy xuất hiện sừng sững đó, tay bồng đứa con trai sơ sinh, đồng thời có tiếng bà Văn sung sướng lẫn cảm động:
- Vân ơi! Chồng con bế con của con, đến đón con về đây này!
- A! Anh Thủy! Đưa thằng Sơn đây cho em!
Khúc ruột bị người ta cắt đứt đem đi mất, giờ lại trở về với nàng, Kiều Lê Vân hồi hộp xúc động, ôm lấy đứa con từ tay chồng. Nàng kề sát má nó vào má mình, như để lắng nghe tiếng động của hai trái tim. Đứa hài nhi mở lớn cặp mắt trong sáng, có cái miệng tươi lên như cười với mẹ nó. Có lẽ nó cũng có cảm giác sung sướng khi được nằm trở lại vào đôi cánh tay mềm dịu của Kiều Lê Vân?
Bấy giờ, chỉ có ông bà Văn và con rể nói chuyện với nhau. Nàng chỉ mải mê ôm ấp cưng nựng đứa con trên tay, như quên cả mọi người có mặt trong phòng vậy.
Khang Thu Thủy hỏi cha vợ:
- Thưa ba, thủ tục xuất viện làm xong chưa ạ?
- Xong cả rồi.
ông Văn gật đầu với con rể. Bà Văn quay bảo con gái:
- Vân à! Má đã dọn dẹp cái buồng, chuẩn bị đầy đủ cho con rồi đấy.
Kiều Lê Vân chỉ đáp: "cảm ơn má", mà không nhìn lại. Đôi mắt nàng không phút nào rời đứa con trên taỵ Ông Văn nghĩ rằng cũng nên nói một câu lấy lệ với con rể:
- Anh Thủy à, ba má nghĩ kỹ rồi: Lúc này cần phải đưa Vân về nhà ở đã, rồi sau sẽ hay.
Khang Thu Thủy lập tức nói:
- Con hoàn toàn muốn như thế! Con rất cảm ơn ba má.
Kiều Lê Vân lúc ấy chỉ biết hôn nựng vuốt ve con, như chẳng nghe chẳng thấy gì ở chung quanh nàng cả. Mọi người phải nhắc nhở nàng sửa soạn để về nhà. Mọi người vui cười sung sướng, cùng nhau rời gian phòng bệnh. Ra đến cổng bệnh viện đã thấy chiếc taxi khác tiến tới, đậu lại; rồi thấy chị Lưu mở cánh cửa bước ra, vai mang tay xách đủ thứ, áo quần vật dụng lỉnh kỉnh... Mọi người thấy thế, đều ngạc nhiên. Kiều Lê Vân vội trao con cho chồng bế, rồi mau mắn bước đến trước mặt người làm công nhân đức trung thành:
- Chị Lưu! Chị định...
- Mợ cả à, tôi được biết sáng nay mợ ra về, tôi đến thăm mợ chút nữa...
Rồi đôi mắt ứa lệ, chị Lưu nói tiếp:
- Bây giờ mọi sự tốt lành êm ả rồi. Cậu mợ và cháu bé đã được đoàn tụ một nhà; tôi cũng vui mừng khôn xiết. Vậy, cậu mợ cứ yên lòng nhé! Bị bà cho thôi việc, tôi vẫn không buồn một mảy may nào, mặc dù tôi đã làm lụng đủ công việc trong nhà, gần hai mươi năm qua, kể cả việc chăm sóc cậu cả từ tấm bé đến lớn khôn.
Khang Thu Thủy tay bế con, chân bước vội tới:
- Chị Lưu! Chị không nên rời bỏ chúng tôi! Vân với cháu bé đang còn cần có chị nhiều lắm.
- Má! Chúng ta...
Không để con gái nói hết, bà Văn bước tới gọi ngay:
- Chị Lưu ơi! Chị về nhà tôi đi! Chúng tôi với các em sẽ không coi chị như một người vú tầm thường đâu, chị ạ.
- Tôi... Tôi...
Thấy chị còn ngập ngừng, ông Văn nói tiếp:
- Đừng do dự nữa chị à! Được chị đến sống chung dưới mái nhà nho nhỏ của gia đình, ấy là chúng tôi rất vui thích.
Kiều Lê Vân đưa tay đẩy chị vào xe taxi:
- Lên xe đi, chị! Lên xe đi nào!
Hai chiếc taxi chuyển bánh, rời cổng bệnh viện, để chạy về nhà họ Kiều. Trên không trung, vầng mặt trời ban mai vừa ló ra khỏi đám mây dầy, tỏa ánh sáng tươi đẹp và ấm áp xuống, như thầm chúc mừng hạnh phúc cho cái đại gia đình ấy.
Như Quilliam Shakespeare đã nói:
- "Trong những ngày đen tối, chúng ta đừng để cho cái số phận hẩm hiu tàn khốc nó mừng thầm. Số phận đã đến lăng nhục chúng ta, thì chúng ta cứ giữ thái độ thản nhiên bất cần đời, tức là trả thù nó vậy!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#readoff