Hoàng tử bé - Saint-Exupéry

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hoàng tử bé: Cuộc truy tầm ý nghĩa của tồn sinh

Các giác quan chỉ đơn thuần cho chúng ta nhận thức sự tồn tại của thế giới xung quanh. Nhưng những quyển sách lại cho chúng ta biết được thế giới NÊN là như thế nào . Những quyển sách đã đọc góp phần kiến tạo nên nhân sinh quan, thế giới quan và vũ trụ quan của mỗi con người. Chúng ta viết cho nhau những quyển sách, kể cho nhau nghe những câu chuyện, để truyền đạt cho nhau về ý nghĩa và giá trị cốt lõi của cuộc đời. Một quyển sách hay phải hàm chứa những triết lý cao cả, vượt lên trên rào cản ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị. Vì những lẽ đó mà "Hoàng tử bé" có được sức hút rất riêng, chinh phục con tim của hàng triệu độc giả khắp địa cầu. Tác phẩm tựa như cuộc hành trình mà, xuyên suốt trong đó, chúng ta khám phá căn nguyên thâm tầng của tồn lưu.

Người đọc trầm mê sự thông thái hàm chứa trong câu chuyện về "Hoàng tử bé". Càng đọc ta lại càng khám phá ra nhiều lớp nghĩa, nhiều tầng nội dung của câu chuyện. Quyển sách khơi mở tầng hàm nghĩa ngoại vi bằng một sự thật đầy bi quan. Sự ra đi của hoàng tử bé cũng tựa như việc chính chúng ta phải rời xa thế giới thần kỳ của tuổi thơ để hòa nhập vào thế giới nhàm chán của những người lớn. Nếu chỉ hiểu đến đây, thì dường như hoàng tử bé là một câu chuyện về sự thỏa hiệp nhiều hơn là một câu chuyện về sự trưởng thành.

Càng thâm nhập vào thế giới của những người lớn, ta lại càng phải rũ bỏ những giá trị thiên chân và hồn nhiên của tuổi thơ. Chúng ta tồn tại trong những chiếc hộp rỗng tuếch. Nơi đó không hiện diện chú cừu nhỏ xinh đang gặm cỏ, chỉ có những con số vô hồn đang gặm nhấm tính đa dạng và đa sắc trong nhận thức của bản thân. "Người lớn" tự dìm chết tư duy trong "những điều quan trọng". Những phép tính chắn ngang tầm nhìn của họ tới những ánh sao trời. Thay vì những buổi chiều hồng, họ vùi lấp nỗi buồn quá đỗi dưới hơi men chếnh choáng cuồng say. Nhưng liệu chăng ta có thể ngăn được sự già cỗi đang bén rễ trong tâm hồn? Tuyệt vọng thay, ngay cả tác giả cũng không thể nào nhìn thấu qua chiếc hộp giấy để thấy con cừu nhỏ. Và có lẽ, chúng ta vốn dĩ đang mang tâm hồn của những "kẻ đã phải về già".

Dĩ nhiên, "Hoàng tử bé" không là một tác phẩm nên bị hiểu theo phổ nghĩa hẹp. "Người lớn" bị trói buộc bởi những hạn định phù phiếm áp đặt lên lề lối tư duy của bản thân. Điều đó ngăn cách họ với biểu hiện và nhận thức thượng tầng, khiến họ không nhìn thấy những thứ quan trọng chỉ có thể thấu thị với con tim. Nhưng Saint-Exupéry không tuyệt đối hóa sự tương phản giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm. Lý tính là nền tảng căn cơ của khoa học; là sự dị biệt chuyên thuộc của nhân loại trước các giống loài.  Nhưng bản thân lý trí không phải là mục đích tối thượng. Nó không thể tiệt nhiên thoả mãn những đam mê, những khát vọng tình cảm của chúng ta. Tựa như ham muốn sáng tạo của các bé con, bằng những nét vẽ nguệch ngoạc, nhân loại khao khát truyền tải và chuyển hóa nội tâm chủ quan vào trong thế giới khách quan. Phải chăng do lẽ, một tác phẩm nghệ thuật thực sự luôn khải huyền nhiều sự thật hơn những công trình khoa học được tính toán công phu. Vượt lên khỏi những giới hạn của suy lý tuyệt đối, "Hoàng tử bé" càng tựa như một chuyến hành hương về khởi nguồn của tư duy nhân loại nhằm truy tầm các giá trị cốt lõi vốn đang chìm dần vào quên lãng xa xôi.

Vị phi công và cả hoàng tử bé đều đã từng bước đi trên cuộc hành trình đầy mơ mộng về phía những chân trời mới. Họ cố gắng vươn mình, vượt lên khỏi những giới hạn cố hữu, để trực diện sự vị tri và nét mỹ hảo của cuộc đời. Nhưng hốt nhiên rằng "Thẳng tới trước mặt, người ta đâu có thể đi xa chi mấy đâu". Viên phi công thoát ly sự trói buộc nơi mặt đất, bay lên tự do trong những chuyến ngao du giữa thăm thẳm bầu trời. Nhưng hỡi ôi, giới hạn vô hình của tư duy giam cầm ông trong giới hạn hữu hình của bầu khí quyển. Hoàng tử bé con không chịu sự ước thúc kia, nương mình theo những đàn chim di thê, đến những miền xa diệu vợi. Ô hô ai tai, đến tận mộng tỉnh thời phân, ta mới thảng thốt trong "cái xứ sở của lệ vàng" khóc thương cho những gì bỏ lỡ. Hoàng tử nhỏ bi lụy với những niệm tưởng về nàng hồng nơi cố thổ vắng bóng chim di. Bởi chăng chú bé nhận tri minh bạch ý nghĩa của nàng giữa muôn vàn tinh tú. Sự tồn tại khách quan của một đóa hồng có lẽ chẳng thể làm gợn sóng mặt hồ tâm tưởng khách viễn du. Nhưng những phút giây gắn bó và tơ tưởng về nàng hồng đã trở thành yếu tính, tách rời nàng khỏi cái ngoại diên và nội hàm quá đỗi mênh mông của hữu thể, ban cho nàng cách thức hiện hữu ôi rất chi đặc thù: "Bởi vì đó là đoá hồng của hồn ta tưởng nhớ".

Vì đâu nên nỗi, khi hoài cựu những ngày qua, hoàng tử bé chợt dâng niềm hối ý. Chàng đã mơ hồ khi không thể thấu thị tình yêu thương khôn xiết của nàng hồng bị lu mờ đằng sau "những mánh khóe lai rai", bỏ qua bao thiết thân trầm tích trong "cái thói ưa làm đỏm khoe khoang pha chút hoài nghi e e ngại ngại". Hoàng tử đã đi tìm. Chàng cũng đã từng kinh thống khổ; khi hoài nghi giá trị của những thứ mình sở hữu và sở ái thuở ban sơ. Tinh cầu của chàng thì bé xíu; và cô nàng hoa hồng của chàng có khác chi triệu triệu đóa hồng vạn dặm phiêu hương.

May thay, may lắm thay, hoàng tử bé không chung cực chính mình trong một tấn trò đời đầy bi kịch. Con cáo, với món quà vô giá của nó về sự thiết thân, đã lần nữa khai mở những kiến thị thiên chân trong tâm trí cậu chàng. Hoàng tử nhỏ không còn lạc lõng giữa hai bờ cõi, "một bên là lý tưởng tuyệt luân, một bên là thực tại êm đềm" như anh chàng Parisien bé nhỏ Nerval - kẻ lạc lối trên cuộc du hành tìm kiếm. Adrienne vùi chôn băng cơ ngọc cốt nơi tu viện khổ hạnh, Sylvie giờ hóa thân những kỷ niệm chơi vơi về cố quận Valois. Thương thay linh hồn khốn khổ, chu du khắp miền "đi tìm một bi kịch bơ vơ". Anh chàng Parisien nọ dừng bước nơi trạng thái phủ định của tư duy, nhìn sơn không phải sơn, nhìn thủy không phải thủy. Nhờ ơn những người bạn thiết, hoàng tử của hiện tại nhìn sơn vẫn là sơn, nhìn thủy vẫn luôn là thủy. Chàng nhìn thấu nét mộng ảo tràn trề trên những sự vật nhỏ nhoi, nhưng vẫn không phân vân giữa hiện hữu và tồn tại. Cậu biết rõ nơi mình thuộc về.

Nếu xét vì lẽ đó, ngày tháng ngao du của Hoàng tử bé phải chăng chung cuộc thật tươi mới lạc quan?

Hoàng tử như hiện thân của tính trẻ con vị tẫn trong mỗi con người. Chúng ta khát khao nét hồn nhiên không trở lại, nhưng hiếm hoi có người dám rũ bỏ sự lịch thiệp và thấu đáo nơi người lớn để trở về nguồn cội của tồn sinh. Hoàng tử bé giãi bày: "Tôi sẽ có vẻ như chết đi, và thật ra là không phải...". Cậu bé dường như trút bỏ lớp vỏ khô thể xác để trở về nguyên thủy, về với tinh cầu bé xíu và nhành hồng rũ rượi chờ mong. Thật vậy chăng, hay cậu đã chết đi với nọc độc của con rắn. Cậu tựu là hữu thể, tựu thị hư vô. Và khi quá đỗi u sầu khi suy tư về Hoàng tử bé, những giọt lệ vàng ta nhỏ xuống, rồi cũng lăn dần vào chiếc hộp của Schrödinger.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vanhoc