Giọt nắng sau hè

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày trước, mái hiên sau hè nhà tôi lợp bằng tôn, lâu ngày bị mục thành ra thủng lỗ chỗ. Và mỗi khi nắng lên, ánh sáng chiếu qua những lỗ thủng ấy, tạo thành những tia sáng, trông từa tựa như là ánh nắng "rót" xuống sàn nhà. Tôi gọi đó là "giọt nắng".

Tôi thích giọt nắng vô cùng. Nó không quá chói chang. Nó như một chiếc đũa phép của bà tiên, vàng rực, trong suốt và lấp lánh.

Tuổi thơ tôi được sưởi ấm bởi những giọt nắng ấy. Tôi không có được điều kiện vật chất tốt như mấy đứa trẻ khác, cũng chỉ có một chỗ dựa duy nhất là bà ngoại. Nhiều khi tôi nghĩ, ngoại tôi chính là bà tiên trong cổ tích, và những giọt nắng xinh đẹp ấy là bà đã mang đến cho tôi.

Dưới mái hiên cũ kỹ ấy, tôi chơi đùa với giọt nắng. Tôi cứ cố bắt lấy nó, nhưng những thứ như phép màu vốn dĩ làm gì hữu hình.

Có một lần vào mùa mưa bão, giọt nắng không xuất hiện nữa. Tôi đã rất sợ, sợ giọt nắng bỏ tôi mà đi. Tôi khóc bù lu bù loa lên, bà ngoại dỗ mãi chẳng nín. Rồi bà mới hỏi:

"Sao con lại khóc ?"

Tôi thút thít kể cho bà ngoại nghe. Nghe xong bà cười, bảo rằng:

"Giọt nắng sẽ không bỏ con đâu, nó chỉ tạm rời đi trong lúc mưa gió. Giọt nắng vẫn ở trên bầu trời, phía trên những đám mây xám kia. Và rồi khi mây mù mưa bão qua đi, giọt nắng sẽ lại trở về."

"Thật ạ ?"

"Thật chứ. Con hay nghe ngoại kể chuyện cổ tích chứ ? Phép màu là có thật, chỉ là chúng ta không nhìn thấy mà thôi. Nhưng phép màu vẫn sẽ luôn bên cạnh chúng ta, âm thầm giúp đỡ chúng ta. Giọt nắng cũng thế. Con nhìn thấy nó mà không bắt được nó, thế nhưng nó vẫn ở bên cạnh sưởi ấm cho con. Sau này con lớn, con sẽ nhận ra thế gian không hoàn toàn giống cổ tích. Nhưng con hãy nhớ, dù bão giông thế nào đi nữa, thì rồi cũng sẽ qua, trời sẽ lại sáng, giọt nắng sẽ trở về. Chỉ cần con đừng đánh mất niềm tin và hy vọng, hãy luôn cố gắng tiến về phía trước, rồi con sẽ tìm thấy ánh sáng thôi."

Khi ấy, tôi thật tình chẳng hiểu được hết những lời mà bà ngoại nói.

"Ngoại ơi, giọt nắng ở phía trên mây xám ạ ? Thế còn có cái gì ở cùng với giọt nắng trên đó không ạ ?"

"Có chứ. Những đám mây trắng xinh đẹp, những ngôi sao lấp lánh, mặt trời ấm áp, mặt trăng dịu dàng, tất cả ở phía trên mây xám."

"Chắc là đẹp lắm ngoại nhỉ ! Con có thể lên đó xem không ?"

"Có thể chứ. Nhưng con cần phải tự đi bằng sức mình. Con phải học thật giỏi, sau này con sẽ tìm ra cách để khám phá thế giới phía trên mây xám thôi."

Lúc đó, trong tâm trí non nớt của tôi đã ôm một bầu trời hy vọng, mong sau này mình có thể đi tìm giọt nắng.

Sau bao ngày giông gió mù trời, cuối cùng giọt nắng cũng quay trở lại. Ngày hôm ấy, tôi vui biết bao. Người bạn thân thiết của tôi đã không bỏ tôi mà đi.

Thế nhưng, trên đời không có gì là vĩnh viễn.

Lên cấp hai, tôi đâm đầu vào sách vở nhiều hơn. Mỗi chiều tan học, tôi cũng chẳng còn dành nhiều thời gian cho người bạn thân từ nhỏ của tôi nữa. Và ngoài sách vở, tôi cũng có những người bạn mới. Thỉnh thoảng, chúng tôi đi chơi đá bóng, nhảy dây, đá cầu cùng nhau. Giọt nắng vẫn cứ hiện diện sau hè, dường như nó đợi tôi. Nhưng tôi lại dần quên nó đi, và cũng quên luôn giấc mơ ngày xưa. Tôi chọn con đường khác, con đường trở thành một tác giả viết sách. Tôi bầu bạn với sách nhiều hơn, và quên mất người bạn thuở nào.

Rồi cũng đến ngày, giọt nắng không còn lặng lẽ đợi tôi ở mái hiên sau hè nữa. Đó là khi một căn nhà cao tầng được xây lên gần nhà tôi. Ngôi nhà ấy đã chắn mất lối đi của giọt nắng, khiến nó không đến được mái hiên nữa. Và rồi cũng đến ngày cái nhà nhỏ bé của tôi phải tu sửa lại. Mái hiên cũ kỹ sau hè bị dỡ đi, thay bằng một mái che chắc chắn hơn.

Dòng chảy thời gian đã cuốn trôi đi người bạn thuở ấy.

Thế nhưng khi đó tôi lại chẳng nhận ra, vì tôi đang tập trung hết sức cho cấp ba và kỳ thi đại học. Cuộc sống bận rộn đã kéo tôi rời khỏi miền cổ tích lấp lánh ngày xưa, và đã hoàn toàn quên mất giọt nắng.

Cho đến cái ngày tôi hay tin mình trượt đại học.

Tôi không đủ điểm để đỗ vào trường ở thành phố. Giấc mơ đại học tan biến, và tôi gần như suy sụp. Nhưng sau này nghĩ lại, dù có đỗ đi chăng nữa, liệu ngoại có đủ tiền để lo liệu cho tôi không cơ chứ.

Bà ngoại lại dỗ dành tôi. Trong mắt bà, tôi vẫn luôn là một đứa trẻ bé xíu.

"Nín đi con. Đừng buồn nữa, con đã mất hết đâu. Không học đại học thì còn có con đường khác mà. Con thích viết sách đúng không ?"

"Dạ."

"Con có đam mê, con cũng có tài năng. Ngoại thấy con viết cũng hay lắm đó. Bây giờ nhé, cái chúng ta cần là việc làm ra tiền. Có tiền rồi mới nuôi được đam mê. Con thử tìm việc xem, làm phục vụ trong quán, hay đi bán hàng, bất kể nghề gì miễn là chân chính và có thể kiếm ra tiền, dù tiền ít cũng được. Con vừa đi làm vừa tự học, vừa tích cóp tiền, rồi cũng sẽ thành công thôi. Ngoại tin con sẽ làm được mà. Cháu gái nhỏ của ngoại là một cô gái rất mạnh mẽ mà. Nhưng khi nào con cảm thấy mệt hoặc muốn tâm sự, hãy về với ngoại, con nhé."

Tôi hiểu những gì bà nói. Rồi tôi bất chợt nhớ ra.

"Sau này con lớn, con sẽ nhận ra thế gian không hoàn toàn giống cổ tích. Nhưng con hãy nhớ, dù bão giông thế nào đi nữa, thì rồi cũng sẽ qua, trời sẽ lại sáng, giọt nắng sẽ trở về. Chỉ cần con đừng đánh mất niềm tin và hy vọng, hãy luôn cố gắng tiến về phía trước, rồi con sẽ tìm thấy ánh sáng thôi."

Bà ngoại đã từng nói với tôi như thế, khi tôi mới chỉ là một đứa nhóc bé xíu. Và bây giờ tôi mới hiểu hết lời của bà khi ấy.

Tôi cũng chợt nhớ ra người bạn thuở nào. Tôi cũng nhớ ra, nhà cửa đã sửa sang rồi, giọt nắng không còn nữa rồi. Tôi cũng nhớ ra, tôi đã bỏ quên giọt nắng như thế nào.

Tôi hối hận vô cùng. Nhưng chẳng còn cơ hội nữa rồi.

Tôi nghe lời bà, đi tìm một chân phụ việc. Ngày đi làm, đêm về mày mò học thêm nhiều thứ. Tôi bắt đầu nếm trải cái gọi là cực khổ. Mấy ngày đầu đi làm, do chưa quen với công việc phục vụ nên mỗi tối về nhà là cả hai chân đau nhức cực kỳ, cả người mệt mỏi rã rời, mà rồi cũng quen dần. Thế nhưng làm việc được hơn một năm thì quán đóng cửa, bà chủ nghỉ việc về quê vì con cái bà ấy đã có công ăn việc làm ổn định, lương bổng rất khá khẩm. Thế là tôi lại phải chạy vạy tìm việc khác, ít lâu sau được nhận vào làm thu ngân ở một cửa hàng bách hoá. Cuộc sống của người trưởng thành quả thực không dễ dàng gì. Nhưng cũng rất may, tôi vẫn còn có bà ngoại bên cạnh. Thế gian này phũ phàng và ác nghiệt với chúng ta, thế nhưng chí ít gia đình vẫn đón chờ ta trở về.

Và đúng như bà ngoại nói, sau cơn mưa trời lại sáng. Sau mấy năm dài cần mẫn vừa tự học vừa làm thêm vừa tiết kiệm chắt chiu, cuối cùng tôi cũng có đủ vốn liếng, nhưng vẫn chưa đầu tư ngay cho đam mê của mình. Tôi mở một quán cà phê sách nho nhỏ, nơi vừa có thể kiếm ra tiền vừa có thể lan toả tình yêu sách của tôi tới nhiều người khác. Tôi chọn ở lại quê hương, vì hiện tại vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với môi trường khắc nghiệt trên thành phố. Với cả, ở đây có bà ngoại của tôi, có nhà của tôi, có tuổi thơ của tôi, có rất nhiều điều yên bình giản dị.

Thế là từ một đứa suy sụp mấy ngày vì trượt đại học, qua một thời gian bỏ công sức ra làm việc luôn tay, tôi đã trở thành một cô chủ trẻ với quán cà phê nho nhỏ. Và ngoài việc kiếm tiền, lan toả tình yêu sách, tôi lại tạo cơ hội việc làm cho các bạn trẻ hơn tôi - những người tương tự tôi ngày xưa. Thật ra tôi cũng chẳng có điều kiện để thuê nhân viên nhiều, nhưng mấy bạn nhân viên làm việc cho tôi rất dễ thương, và cũng rất chăm chỉ. Họ cũng như tôi ngày xưa, mới chập chững bước ra đời thì bị bão giông quật ngã, nhưng họ đã không từ bỏ. Và họ ở đây với tôi.

Bà ngoại tôi ngày càng già đi. Tôi bận rộn hơn nhiều, nhưng vẫn cố hết sức dành thời gian ở với bà. Không có bà thì sẽ không có tôi của ngày hôm nay, và giờ tôi đã có thể làm ra tiền, thế nên những ngày tháng sau này tôi nhất định phải để cho bà ngoại an hưởng tuổi già.

Ngoại tôi năm nay đã gần tám mươi tuổi. Dấu vết của thời gian đã in rõ trên khuôn mặt hiền từ phúc hậu ấy. Thế nhưng, nụ cười dịu dàng và cả ánh mắt của bà khi nhìn tôi, suốt hai mươi mấy năm qua vẫn luôn như ngày xưa, như khi tôi mới chỉ là một đứa nhỏ vài tuổi đầu.

Bẵng đi hai năm nữa, tôi mới có quyển sách đầu tay. Tôi đã kiên trì viết nó bằng chính khả năng thực sự của mình trong hai năm, và đăng lên một diễn đàn. Ban đầu cũng ít người xem, và tôi cũng chẳng mong là nó nổi tiếng. Thời gian trôi qua, câu chuyện nhỏ của tôi dần dần có thêm nhiều người đọc, lượt truy cập cứ thế tăng lên. Và một ngày nọ tôi vào diễn đàn xem thử thì đột nhiên thấy tác phẩm của mình xuất hiện trong hạng mục đề cử truyện hay. Chẳng bao lâu sau, có một thành viên diễn đàn vừa hay lại là cộng tác viên bên nhà xuất bản, cô ấy đọc xong liền liên hệ với tôi đề nghị xuất bản thành sách. Thế là tôi có được đứa con tinh thần đầu tiên.

Khi hợp đồng ký kết xong, tôi chạy ào về nhà và khóc um lên như con nít. Bà ngoại tưởng tôi gặp chuyện gì, hối hả dỗ dành tôi. Khóc cho đã rồi tôi mới mếu máo kể cho bà nghe:

"Truyện con viết được xuất bản rồi ngoại ơi !"

Bà ngoại nghe xong, ngớ cả người. Rồi bà cười ha hả, gõ lên trán tôi:

"Ôi giời, lại tưởng gì nghiêm trọng ! Con bé ngốc, chỉ giỏi hù ngoại."

Bà mỉm cười bảo tôi:

"Chúc mừng con. Đấy, ngoại tin là con sẽ làm được ngay từ đầu mà. Ngoại biết cháu gái của ngoại rất giỏi mà."

Bây giờ tôi lại một lần nữa nhớ những lời khi xưa bà nói. Đến lúc này khi đã trầy trật với cuộc sống bao năm rồi, tôi càng thấm thía hơn. Quả thực, thế gian không giống như cổ tích. Thế nhưng, nó cũng không hẳn là tuyệt đường sống của bất kỳ ai. Chỉ cần đừng vội vàng từ bỏ và kiên trì ôm lấy hy vọng, thì rồi sẽ tìm thấy ánh sáng thôi.

Sau thành công của tác phẩm đầu tay, tôi lại muốn bước tiếp nữa. Sự nghiệp của tôi thế là đã có dấu hiệu khởi sắc. Ở tầm tuổi này, bạn bè cùng trang lứa hầu hết cũng đã tốt nghiệp đại học, đang ở giai đoạn những năm đầu tiên của con đường sự nghiệp. Có đứa vì có điều kiện sẵn nên dễ dàng xin việc, có đứa hụt hẫng vì tốt nghiệp xong không ai nhận vào làm, có đứa học không đúng ngành thành ra cũng chẳng mang lại được gì, cũng có đứa may mắn nhanh chóng tìm được việc làm. Thì cũng như bọn nó, tôi mới bắt đầu có sự nghiệp như mình mong muốn. Tuy rằng mỗi chúng tôi đều có con đường của riêng mình sau thời phổ thông, nhưng chung quy thì cũng không mấy cách biệt.

Thời gian thấm thoát trôi đi, bà ngoại càng già đi, tôi càng lớn thêm, sự nghiệp bận rộn hơn. Rồi cũng đến lúc tôi phải nghĩ tới việc rời quê lên thành phố. Nhưng bà tôi thì vẫn còn ở quê hương. Tôi không đành lòng rời xa bà.

Một ngày nắng đẹp, tôi ngồi cạnh bà, nói chuyện về tương lai sau này.

"Ngoại hiểu. Đó là lẽ đương nhiên. Đứa nhỏ ngốc của ngoại cuối cùng đã lớn rồi, đã cứng cáp rồi. Và ngoại cũng đã già. Đó là quy luật tự nhiên. Ngoại không thể mãi mãi sống cùng con được. Rồi cũng sẽ có ngày, bà cháu ta phải xa nhau, xa rất xa."

Tôi không nói được gì nữa. Tôi chỉ có thể gục đầu vào vai bà, và khóc.

"Ngoại đừng bỏ con..."

Bà ngoại đưa tay vuốt nhẹ mái tóc tôi:

"Làm sao bỏ con được. Nếu một ngày ngoại mất đi, thì cũng chỉ là cơ thể này mất đi. Chứ ngoại vẫn sẽ luôn bên con, bên mỗi bước con đi, mỗi ngày con lớn. Con có còn nhớ giọt nắng sau hè nhà chúng ta không ?"

"Còn nhớ ạ."

"Con còn nhớ ngoại đã nói thế nào về phép màu và giọt nắng không ?"

"Nhớ ạ."

"Phép màu là có thật, chỉ là chúng ta không nhìn thấy mà thôi. Nhưng phép màu vẫn sẽ luôn bên cạnh chúng ta, âm thầm giúp đỡ chúng ta. Giọt nắng cũng thế. Con nhìn thấy nó mà không bắt được nó, thế nhưng nó vẫn ở bên cạnh sưởi ấm cho con."

"Khi ngoại mất, ngoại cũng sẽ như phép màu và giọt nắng. Con sẽ không còn nhìn thấy ngoại, hay ôm ngoại được nữa. Nhưng con yên tâm, ngoại vẫn luôn bên cạnh con, dù thế nào đi nữa."

Tôi vẫn chỉ có thể khóc.

"Nghe lời ngoại dặn. Con cứ yên tâm mà lên thành phố, ngoại ở đây vẫn sống khoẻ. Còn có hàng xóm mà. Khi nào rảnh thì về với ngoại. Còn nếu có gì thì sẽ gọi điện cho con. Với cả, sau này khi ngoại mất rồi, con hãy bán căn nhà này đi, rồi hãy định cư hẳn trên thành phố, để thuận tiện cho công việc."

"Sao cơ ? Bán căn nhà này đi ạ ? Không, con không bán đâu."

"Sao lại không. Con bỏ căn nhà này thành hoang vắng, phí của thế."

"Ngoại ơi, căn nhà này là vô giá mà. Nhà này là nơi con lớn lên, nơi con có ngoại, nơi có giọt nắng, có tuổi thơ của con."

"Con bé ngốc. Bán căn nhà đi, con sẽ có thêm tiền. Còn những kỷ niệm ấy, con hãy cất vào trái tim, như thế con sẽ có thể mang theo trên mọi hành trình của mình. Cũng như sau này ngoại mất rồi, con hãy cất những kỷ niệm về ngoại trong trái tim con, con nhé ?"

"Con còn chưa trả đủ chữ hiếu mà, ngoại đừng bỏ con. Con xin ngoại đó."

"Chữ hiếu trả làm sao đủ hở con. Nhưng mà, con lớn khôn thế này, hiểu chuyện thế này, cũng là đã đền đáp cho ngoại rất nhiều rồi. Một đời này, ngoại không hối tiếc gì nữa cả."

Tôi không muốn bà ngoại rời xa tôi. Ngày xưa giọt nắng đã âm thầm rời đi rồi, tôi chỉ còn có bà bên cạnh.

Nhưng bà vẫn cứ động viên tôi đi. Suy đi nghĩ lại mãi, tôi mới miễn cưỡng thuê một căn nhà nhỏ trên thành phố, bắt đầu sắp xếp mọi việc cần thiết. Quán cà phê tôi giao lại cho một đứa nhân viên mà tôi rất tin tưởng - con bé đã theo tôi từ những ngày đầu quán xá còn ế ẩm, nó sẽ thay tôi quản lý. Lên thành phố, tôi sẽ chuyên tâm vào sự nghiệp hơn, và dễ dàng học hỏi hơn.

Ngày tôi đi, bà ra tận đầu ngõ để tiễn.

"Thưa ngoại con đi."

Bà cười hiền từ:

"Con đi mạnh giỏi nhé. Đến nơi nhớ gọi điện liền cho ngoại biết."

Nhưng tôi vẫn không kìm được xúc động, lại ôm bà và khóc thút thít.

"Con bé ngốc, lớn tướng rồi cứ khóc mãi là sao. Lên thành phố rồi không được khóc đâu đấy. Ngoại không dỗ con được đâu."

Tôi lau vội nước mắt, vì chiếc xe khách đã xuất hiện rồi.

"Đi đi con. Tới chỗ nhớ gọi cho ngoại liền đó. Sau này có rảnh hay có buồn gì, hay có nhớ nhà thì về đây, ngoại chờ !"

Chiếc xe đã đỗ lại, đợi tôi. Bà ngoại đẩy nhẹ tôi ra, mỉm cười xoa đầu tôi.

"Dạ, con đi đây."

Tôi trèo lên xe. Bác tài nổ máy, chiếc xe lăn bánh. Tôi cứ dán mắt vào cửa kính, ngoái nhìn bà. Bà cứ đứng đó vẫy tay, trông theo chiếc xe đi xa dần. Cho đến khi, tôi và bà không nhìn thấy nhau nữa.

Chiếc xe cứ bon bon chạy mãi suốt mấy tiếng, cuối cùng cũng đến nơi. Thế là tôi đã bắt đầu một cuộc sống mới, ở nơi đất khách quê người.

Nhờ may tôi đã có một vài người bạn ở đây, nên ban đầu tuy có bỡ ngỡ nhưng không khó khăn gì cho lắm. Thành phố tấp nập đông đúc, hoàn toàn đối lập với xứ sở yên bình dưới quê nên tôi có hơi bị sốc văn hoá.

Hơn một tháng sau, cuộc sống mới đi vào quỹ đạo. Tôi cũng gặp lại bạn bè cũ hồi cấp ba. Bọn nó đứa thì nhờ có điều kiện nên đã dễ dàng bước chân vào thương trường, trở thành doanh nhân. Đứa thì yên ấm với gia đình nhỏ. Đứa thì hài lòng với cuộc sống tầm trung với một công việc văn phòng nhàn rỗi. Có đứa lại đang chật vật kiếm cơm qua ngày, bởi vì nó đã bỏ phí quá nhiều thời gian, tiền bạc và cơ hội. Gặp lại nhau, có vui mừng, cũng có buồn tủi. Có đứa tiếc quãng thời gian cấp ba, tiếc cái thời thanh xuân ngây ngô ấy, tiếc cả mối tình đầu đẹp như nắng hạ, đẹp như hoa phượng vĩ. Nhưng cũng là vì tình đầu thời học trò, nên chẳng có kết cục tốt đẹp, rất chóng vánh đã "gãy gánh đường tơ", như cô giáo tôi ngày xưa từng bảo "Tình yêu học trò, tan trường là tan tình". Như hoa phượng vĩ, nó chỉ rực rỡ trong mùa hè mà thôi.

Bọn nó cũng khá ngạc nhiên với câu chuyện của tôi, vì thời đi học tôi cũng là một học sinh giỏi có tiếng, nhưng cuộc đời luôn có những ngã rẽ không ai biết trước. Tuy nhiên mỗi đứa mỗi cảnh ngộ, thời điểm đó thân ai nấy lo chứ làm gì mà quan tâm tới nhau được. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi cũng đã có được những gì mình muốn.

"Phải hồi đó tao cũng nghĩ như mày thì bây giờ đã không khổ thế này." Một đứa chép miệng nói.

"Đời ai mà biết được chữ "ngờ". Mà tao lúc đó cũng khóc suốt, nhờ may còn có bà ngoại tao chỉ đường cho đi, chứ không tao cũng chẳng biết làm sao." Tôi đáp.

Quả thực cuộc đời không thể thiếu đi những điều bất ngờ. Nhưng khi mọi chuyện đã rồi, thì mấy câu kiểu "giá như hồi đó..." đều chẳng có nghĩa lý gì nữa cả.

Bây giờ gặp lại nhau, mỗi đứa mỗi khác rồi. Thế nhưng, tôi nhận ra một điểm chung giữa chúng tôi: vẻ hồn nhiên vô ưu vô lo ngày xưa đã hoàn toàn biến mất rồi.

Thời đi học, bọn nhóc chúng tôi ngoài việc học ra thì có những cuộc vui với mấy trò ngốc nghếch không hiểu nổi. Nhưng vẻ mặt rạng rỡ cùng tiếng cười giòn tan thuở nào đều đã chẳng còn nữa. Ở cái ngưỡng sắp bước vào tuổi ba mươi, chúng tôi đều đã không còn cười nói vô tư như ngày nào. Thậm chí còn có đứa, vì quãng thời gian khổ sở vừa qua mà khuôn mặt đã có phần già đi trước tuổi.

Cái giá của sự trưởng thành cực kỳ đắt. Chúng ta phải đánh đổi rất nhiều thứ quý giá, để lấy được sự chai sạn để mà vững vàng đi tới trong cuộc đời đầy sóng gió này.

Thời gian lại trôi đi. Sự nghiệp của tôi phát triển ổn định, tuy cũng có vài lúc gặp phải những nốt trầm. Bà ngoại vẫn mạnh khoẻ, vẫn hay gọi điện cho tôi. Mỗi tháng tôi về thăm bà một lần, nhưng cũng có nhiều lúc bận rộn tới nỗi tận ba bốn tháng tôi mới về được ít hôm. Mà căn nhà nhỏ của bà cứ như là một thế giới thần tiên cổ tích vậy. Mỗi khi tôi về, mọi bão giông cuộc đời dường như đều bị quét đi sạch. Bà ngoại đón tôi về bằng những món quà đặc trưng của quê hương, bằng những món ăn tôi cực kỳ yêu thích. Mỗi khi về với bà, tôi sẽ lại là đứa trẻ năm tuổi ngày xưa.

Cho đến một ngày nọ, khi tôi đang loay hoay viết nốt bản thảo mới còn dang dở đoạn cuối, thì chuông điện thoại reo lên inh ỏi. Số điện thoại lạ.

"A lô, tôi nghe. Cho hỏi ai thế ?"

"Dì Sáu đây con ! Dì ở kế bên nhà bà ngoại con đây ! Ngoại con nhập viện rồi, con mau về đi !"

Tôi sững người một lúc lâu, cho đến khi đầu dây bên kia lại kêu lên:

"A lô, con sao đấy ? Con có ở đó không ? Có nghe không ? Con về nhà đi, ngoại con vào viện rồi ! Bà ấy đột nhiên ngất xỉu, bác sĩ cấp cứu rồi !"

Tôi lúc này mới hoàn hồn lại:

"Con nghe rồi, con sẽ về liền !"

Tôi lập tức cúp máy, chạy đi tìm cộng sự bàn giao công việc, rồi liền đặt vé xe để về ngay.

Vẫn là quãng đường đi suốt mấy tiếng, thế nhưng lần này tôi cứ cảm thấy nó như dài vô tận. Lần này tôi về chỉ kịp mang theo ví tiền và điện thoại, chẳng có soạn quần áo hay bất cứ cái gì cả. Còn chẳng nhớ nổi lúc đi có khoá cửa nhà chưa nữa. Nhưng kệ đi, đồ đạc không quan trọng.

Vừa về tới bến xe, tôi đã bắt xe đi thẳng vào bệnh viện. Dì Sáu đợi tôi ở cổng. Thấy tôi, dì lập tức chạy tới:

"Nhanh lên con ! Bác sĩ vừa bảo không cứu được nữa ! Con nhanh vào cho bà nhìn con lần cuối !"

Tâm trí tôi lúc đó hoàn toàn chết lặng. Chỉ biết để cho dì Sáu dẫn đi, chen chúc trong dòng người ở bệnh viện.

Vậy có nghĩa, ngoại tôi sẽ như giọt nắng sau hè ngày xưa sao ?

Chúng tôi đẩy cửa bước vào phòng bệnh. Bà ngoại tôi nằm yên đấy với chiếc máy thở. Chân tôi run hết cả lên. Khi đến giường bệnh, tôi không đứng nổi nữa, thành ra quỳ hẳn xuống. Bà tôi nhắm nghiền mắt, khuôn mặt nhìn rất yên bình.

Mọi người trong phòng nín lặng nhìn tôi.

Tôi run rẩy nắm tay bà, mếu máo gọi khẽ:

"Ngoại ơi, con về rồi."

Một lúc sau, bà ngoại khẽ mở mắt, nhìn tôi. Tôi không kìm được nữa, oà khóc lên như một đứa trẻ.

Bà ngoại gắng gượng đưa tay lên chạm vào gò má tôi, thều thào:

"Nín đi con..."

"Ngoại đừng bỏ con mà đi mà."

"Ngoại có bỏ con đâu. Nín đi con... Cháu gái của ngoại lớn khôn, xinh đẹp giỏi giang rồi. Ngoại yên lòng rồi..."

"Ngoại ơi..."

"Ngoại phải đi rồi. Ở lại mạnh giỏi con nhé. Ngoại đi rồi, con hãy làm như lời ngoại dặn. Ngoại luôn luôn yêu con, yêu con rất nhiều."

Buổi chiều hôm ấy, bà ngoại yêu quý của tôi đã ngủ một giấc an lành ngàn thu.

Tôi cũng chẳng còn cơ hội, chẳng còn chốn quay về để trở thành một đứa trẻ năm tuổi, ngây ngô và mặc kệ bão giông của cuộc đời nữa. Những ngày tháng sau đó, tôi phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn. Mỗi khi quá mệt mỏi với cuộc sống, tôi chỉ có thể tự nhốt mình trong nhà, mở quyển sổ chứa những bức ảnh của bà và tôi ngày xưa ra xem, đắm chìm vào miền hồi ức xa xăm, êm đềm và tĩnh lặng. Ở nơi đó, những ký ức đẹp sẽ xoa dịu những nỗi đau trong tâm hồn. Ở miền hồi ức ấy, bà ngoại tôi như một bà tiên hiền hậu trong truyện cổ tích. Bà ở đó, đợi tôi về.

"Nín đi con, ngoại vẫn luôn bên cạnh con đây mà."

Thế giới này không giống cổ tích. Ở đây rất ít những câu chuyện êm đềm nên thơ, những mối tình đẹp. Càng không có bà tiên hay phép màu gì cả. Cuộc đời sần sùi và gai góc, chứ không phải là một hòn ngọc lấp lánh. Cuộc đời không cho ai tất cả, nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả. Chỉ cần trái tim ta còn một ngọn lửa, đêm đen bao nhiêu cũng sẽ có hơi ấm lan toả.

Và thời gian cũng sẽ cuốn trôi đi nhiều thứ, thay đổi đi nhiều điều. Quy luật tự nhiên vốn dĩ là như thế, không có gì có thể trường tồn mãi mãi với thời gian. Thế nhưng, những kỷ niệm đẹp đẽ nếu được cất giữ trong trái tim thì nó sẽ còn mãi, nguyên vẹn như ngày nào. Và nó cũng sẽ trở thành sức mạnh để ta đi tiếp, cũng sẽ là liều thuốc xoa dịu nỗi đau tinh thần. Tôi mới hiểu rõ vì sao ngày xưa bà ngoại bảo tôi hãy cất những kỷ niệm vào trái tim, mang theo trên mỗi hành trình của mình. Tôi cũng hiểu ra, một người chỉ thực sự mất đi khi không còn ai nhớ đến người đó nữa.

Rất lâu sau này, vào một ngày nắng đẹp, tôi đi ra hiên nhà phía sau, nơi có trồng một giàn dây leo để trang trí. Ánh sáng xuyên qua những kẽ hở của lá, rọi xuống nền. Tôi sững sờ, nhìn những tia sáng ấy.

Trong thoáng chốc, tôi như thấy lại ngôi nhà ngày xưa với mái tôn sau hè đã cũ kỹ và thủng lỗ chỗ, thấy người bà hiền từ của tôi nở nụ cười phúc hậu, và thấy cả những giọt nắng lấp lánh nơi hiên nhà năm ấy...

_ HẾT _

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro