REBECCA (1940)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Mỗi một trải nghiệm của mình với Hitchcock đều là một lần đứng giữa ranh giới của căng thẳng và thư giãn, và ở ngay từ tác phẩm đầu tiên trên đất Hoa Kỳ, ông đã tạo ra thứ thậm chí hơn một thập kỉ sau đó mới được định nghĩa trong lịch sử điện ảnh. Lời lẽ tâng bốc ấy có vẻ hơi quá đà, nhưng chắc chắn Best Picture đầu tiên của thập niên 40 không biết nói dối. Rear Window (1954), Vertigo (1958) hay kể cả Psycho (1960) không ngẫu nhiên được dựng lên thành tượng đài, mà chỉ là những thành quả cuối cùng của một công cuộc được gây dựng từ trước đó rất lâu, hoặc có thể là từ gần 20 năm trước.

Mình đã cân nhắc nhiều về việc dùng từ "vượt thời đại", cho Rebecca; vì so với những trải nghiệm với M (1931) của Fritz Lang hay Double Indemnity (1944), Rebecca thậm chí còn làm được nhiều hơn định nghĩa thế nào là rùng rợn của lúc bấy giờ, khi ta thôi nói về những con quái vật hay lời nguyền của thập niên 30, một tên giết người hay một vụ án trong Noir. Tuy nhiên, kiến thức hạn hẹp không phải là cái cớ cho việc tùy tiện, nên có lẽ dùng từ "ấn tượng" sẽ phù hợp hơn.

Sự ấn tượng lớn nhất, mình muốn nói về cách mà Rebecca tồn tại.
Vì ta thường sợ những thứ gớm ghiếc hiện hữu trước mắt, nhưng nếu thứ đó vô hình, nó còn đáng sợ hơn nhiều lần. Trong suốt 2 tiếng đồng hồ, Rebecca không xuất hiện một giây phút nào cả, tất cả những gì ta được biết về người phụ nữ ấy, được tạo nên từ những hiện vật ngay ngắn và ký ức bao trùm bên trong dinh cơ Manderley, không cử chỉ, không biểu cảm, không bóng hình. Nhưng không có nghĩa Rebecca không ở đó, cô ta đã luôn lởn vởn trong trí tưởng tượng của ta từ ban đầu kia, và trong cả ngôi nhà nơi mình từng sống, từng lá thư, từng món đồ, từng bậc thang, và cả từng cá thể tại Manderley. Rebecca chạm vào ta bằng trí tò mò, nhưng không dưới danh nghĩa một hồn ma hay một lời nguyền như những câu chuyện Gothic khác; vì việc của Hitchcock là biến cô ta thành một cơn ác mộng.

Với mỗi một nhân vật trong tác phẩm, cô lại có cho mình một nhân dạng khác.
Với Maxim, chồng cũ của Rebecca quá cố, cô ta tưởng chừng là những kỉ niệm còn sót lại, thứ kéo ông rời xa thực tại và cô độc quanh quẩn trong quá khứ. Nhưng ông chưa từng nuối tiếc Rebecca, trái lại, ông ta hận cô, một nỗi hận thù khởi phát cho sự sợ hãi. Ở Maxim, Rebecca là thứ mà ông muốn chôn sâu nhất, thứ ông cố trốn tránh, và nơm nớp, một ngày sẽ trồi dậy và hủy hoại cuộc đời của mình, một lần nữa.

Với phu nhân de Winter đệ nhị, và ngoài danh xưng ấy còn không có lấy một cái tên, người phụ nữ đã chết ấy là hiện thân cho cái ganh tị trong sâu thẳm, tuy không tiêu cực hiển lộ, song lại là liều thuốc độc cho kiêu hãnh của cô. Mọi nơi cô đặt chân tới, Rebecca đã từng ở đó, mọi thứ cao sang mà cô chạm vào, đều là hiện vật của Rebecca, thứ mà cô làm tốt nhất, Rebecca còn làm tốt hơn thế. Chính từ giây phút cô bước chân vào dinh cơ bị bao trùm bởi sự hoàn mĩ tạo ra từ bà chủ cũ, cô cũng đã có cho mình một nỗi sợ riêng, đó là không thể thay thế được Rebecca.
Và với bà quản gia Danvers, Rebecca của bà trong ký ức, là hoàn mỹ. Chính vì cái đẹp của người chủ cũ, bà không cho phép người phụ nữ khác chiếm lấy tòa dinh thự, và thể hiện điều đó, bằng những hành động thậm chí tàn độc. Đó có thể là một lòng trung thành, cũng có thể là một niềm ngưỡng mộ, nhưng trên cả, bà sợ, sợ sẽ có kẻ đến và bôi xấu lên tòa lâu đài của mình, sợ rằng sẽ đánh mất cái đẹp còn đọng lại thuở đã qua.

Tuy chỉ một bóng hình, cái cách mà Rebecca trong ba con người va chạm vào nhau, với mình là một trong những đột phá sớm nhất của điện ảnh trong việc khai thác tâm lý. Từ một kẻ đã chết, Rebecca vùng dậy, sống không chỉ một cuộc sống viên mãn như trước kia, mà là cái sống kí sinh trong tâm trí người khác; là cơn đau nửa đầu của kẻ thực sự sống, va đập không ngừng, lột bỏ những gì tưởng chừng tươi đẹp, êm dịu của quá khứ, thực chất là giả dối, tàn độc, rợn người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro