Nỗi lo sợ của mẹ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 - Sau này lớn lên mày định làm gì?

- Dạ... con muốn làm bác sĩ!

Tôi trả lời một cách run run và dường như là muốn né tránh không muốn trả lời khi nghe câu hỏi đó từ mẹ tôi. Bởi tôi biết câu trả lời của tôi sẽ làm mẹ buồn, những nét khác lạ trên khuôn mặt gầy guộc ấy đang nói cho tôi biết điều đó. Rồi mẹ không nhìn tôi mà liếc mắt ra sân và nói:

- Làm bác sĩ khó lắm, mày làm thế nào được!

Lại có tiếng của cô chị họ tôi chen vào:

- Cô cứ lo, nó học giỏi mà, sau này nó thi khối B, môn nào trong đó nó cũng giỏi hết!

Mẹ tôi liền quay sang ngắt lời:

- Giỏi thì giỏi, giỏi đến đâu thì cũng không thể theo con nhà người ta được, mình giỏi nhưng còn nhiều đứa khác nó giỏi hơn mình, nhà người ta có tiền, có điều kiện, có tay chân trong đó, họ phải xin thì mới vào trong đó làm được!- Rồi mẹ lại nhìn tôi:

- Còn nhà mình, mày nhìn xem, có cái gì? Tiền có không? Có quan hệ, con ông cháu cha không? Học giỏi chưa chắc đã xin được việc. Thời buổi này cái gì mà chả phải xin. Thôi, tốt nhất cố học nốt ra trường rồi mày có lên được đại học thì kiếm cái nghề gì mà làm thêm mà tự nuôi bản thân mình, tao chỉ giúp đỡ được phần nào thôi rồi lo tìm cái nghề gì mà nó thiết thực, nó làm được ra tiền thì làm. Tao thì rồi cũng sẽ già, không nuôi mãi được, trước khi lập gia đình thì cố gắng lấy hai, ba năm mà về thăm tao!

- Cô này, đấy là ước mơ của nó thôi mà sao cô phải gắt thế, nó ước mơ thì cứ kệ nó, biết đâu nó lại được đổi đời, mà ước mơ thì có mất tiền đâu mà cô phải lo, sống là phải biết ước mơ, mày nhỉ?- Nói rồi chị họ hất mặt lên nhìn khuôn mặt vẫn đang lặng thinh của tôi từ nãy đến giờ. Tôi muốn "cãi" mẹ nhưng tôi ức quá, có cái gì đó nó nghẹn lại trong cổ họng tôi lúc này, không nói được nên đành phải im lặng, vậy thôi.

- Không mất tiền nhưng không có nghĩa là không phải trả giá! Mày thấy ngay làng mình đấy, biết bao nhiêu người học giỏi nhưng vì chọn sai nghề rồi thì có làm nên cơm cháo gì không, còn không bằng một thằng thợ mộc. Cái gì cũng ước mơ, ước mơ cũng phải thiết thực một chút, ước mơ viển vông xa vời quá thì cứ ước mơ rồi cất nó một chỗ, để đấy là được rồi!

Trái tim tôi bị tổn thương thực sự, trước giờ tôi luôn coi ước mơ là một cái gì đó rất thiêng liêng để tôi hướng tới và không ngừng cố gắng vươn lên. Tôi ăn thấy nó, ngủ nằm mơ thấy nó, đi học cũng thấy nó, nó làm cuộc sống của tôi trở nên bớt cô đơn và ý nghĩa hơn vậy mà... mẹ không hiểu cho tôi.

Tôi không thích một cuộc sống tầm thường, tôi luôn luôn muốn tuổi trẻ của tôi phải có gì đó để sau này còn kể lại cho mọi người nghe, dù rằng đó là thất bại. Mẹ nói về những con người có ước mơ và họ thất bại khi bước đầu theo đuổi ước mơ nhưng chính họ đã có một câu chuyện cho riêng mình để kể cho mọi người nghe. Còn mẹ, mẹ chưa bao giờ kể cho tôi nghe về ước mơ của mẹ. Tôi chưa từng biết đến những năm tháng tuổi trẻ của mẹ trôi qua như thế nào khi nghĩ về ước mơ và thực hiện ước mơ. Và tôi cũng chẳng biết mẹ có ước mơ không và ước mơ của mẹ là gì.

Nhìn đôi mắt đau đáu một nỗi lo của mẹ mà tôi chỉ còn biết cách im lặng và hít một hơi thật sâu rồi đứng dậy. Tôi tiến đến bàn thờ và thắp cho bố tôi một nén nhang, hôm nay chính là ngày giỗ của bố tôi. Cầm nén nhang trên tay, tôi run run cắm vào bát hương rồi đôi mắt tôi bỗng bị hương bay vào làm cay xè cả mắt khi nhìn bức di ảnh của bố. Tôi cúi thấp mặt xuống, nuốt một giọt cay đắng vào trong.

Tôi khẽ liếc mắt nhìn mẹ... tôi thương mẹ tôi lắm, sự tức giận trong lòng tôi với mẹ cũng chẳng được bao lâu khi tôi nhìn thấy những nét khắc khổ trên khuôn mặt đó.

Ngày bố tôi đi, tôi vẫn còn nhỏ, bơ vơ nên chẳng biết gì cả, suốt ngày tôi chỉ khóc thương bố khiến mẹ càng thêm gánh nặng. Rồi đôi vai bà ấy ngày càng gầy đi, những chiếc áo cũng đã bạc màu, mái tóc bà ấy đã điểm vài sợi bạc. Khuôn mặt bà ấy cũng nhỏ dần và mẹ tôi cũng trở nên gai góc và gay gắt hơn xưa rất nhiều. Bà hay cau mày rồi to tiếng mỗi khi con mình làm sai nhưng bà cũng luôn sẵn sàng đứng lên "tay đôi" với bất kì một ai nếu có ý đụng chạm tới gia đình của mình. Và vì vấn đề kinh tế nên tôi và mẹ cũng ít được gặp nhau.

16 tuổi, tên tôi đứng đầu sổ đỏ và phía sau là cái tên của mẹ. Nó khiến tôi cảm thấy mình lớn và trưởng thành thực sự. Bao nhiêu áp lực, gánh nặng tưởng như gánh hết trên đôi vai đứa con trai 16 tuổi. Áp lực đến từ hai chữ "con trai" rồi thì "con trai trưởng", bao nhiêu việc trong họ đều đến lượt rồi thông qua ý tôi và phía sau vẫn luôn là bóng dáng một người mẹ luôn sẵn sàng lên tiếng và "giành giật" lại quyền lợi cho đứa con trai duy nhất của mẹ.

"Con vừa được lọt vào đội tuyển thành phố..."

"Không uổng tiền xăng tao lai mày đi thi, thế giờ thi tiếp thành phố thì lại ôn, lại thức khuya nữa hả?"

"Dạ... nhưng..."

"Sao?"

"Trường con ôn tuyển khá xa, cách nhà mấy cây số, con muốn..."

"..."

"Thôi, để tao cố mấy buổi chợ rồi nhận hàng về làm thêm, chắc được, khó lắm mới đỗ tuyển thành phố, thôi thì tao cố cho mày bằng bạn bằng bè, không được hơn thì cũng phải bằng. Dù gì sang năm mày cũng muốn học trường huyện..."

.

"Thấy bảo con chị vừa đỗ trường Huyện đúng không?

"Ừ, may mà nó đỗ, ngày nào cũng cày đầu vào học!"

"Ơ thế điểm nó cao không chị? Em có quen biết trên ấy đấy, hay để em xin cho nó vào lớp chọn học?"

"Cảm ơn chú nhưng con tôi không cần xin cũng thừa điểm để vào mấy chỗ đấy! Còn mà không được vào thì cũng không việc gì phải xin cả, nhà tôi nghèo nhưng không phải xin ai bao giờ!"

.

"Mày nghe mẹ nói, lên huyện học trên đấy môi trường nó không như ở dưới mình, pha tạp đủ loại, lại gần thị trấn, học sinh nó có điều kiện rồi đua nhau đủ thứ, mình không có gì đâu, cố mà giữ lấy mình, phải nhớ lấy bố mày nghe con"

.

"Dạo này mẹ đi chợ suốt, chẳng mấy khi ở nhà! Chuyện học hành dạo này sao rồi, ăn uống đủ chứ sao mà tao thấy dạo này mày gầy quá, thi cử gì thì cũng thức khuya vừa thôi. Học lắm sau cũng phải về đây, nhớ thắp cho bố mày nén nhang!"

"Sau này, con mà đỗ đại học, mẹ vui, mẹ mừng. Nhưng con ơi, dù gì con cũng là con trưởng, mẹ cũng chỉ có mình con, mẹ không muốn con đi xa. Người ta làm bác sĩ thì được, còn con, bận tối ngày vậy thời gian đâu mà lo việc nhà, hả con?"

Năm ấy, nhìn bố tái phát bệnh trong phòng con chịu không được. Đứa con trai này, giương mắt nhìn cơn bệnh hành hạ bố nó, con chịu không nổi, con không muốn chứng kiến thêm cảnh tượng người khác vật vã trong cơn đau đớn, tranh giành sự sống với tử thần nữa, vì vậy mà con muốn làm bác sĩ. Mẹ ơi, mẹ hiểu không?

Mẹ ơi, con biết, có những nỗi lo sợ khiến con không thể nói ra được ước mơ của mình với mẹ và cũng có những nỗi lo sợ buộc mẹ phải dập tắt đi ước mơ của con. Nhưng mẹ ơi, mẹ luôn nhắc con là một đứa con trai cơ mà, không những thế còn là trưởng họ nữa, vậy thì còn điều gì khiến mẹ lo sợ về đứa con trai này?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro