Chương 1: Vận Thế Xoay Vần

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Trước tầm mắt là chiếc laptop xách tay quen thuộc, những con chữ ngoằn ngoèo như muốn nhấn chìm lấy cô. Bình thở dài, bất lực nằm gục xuống bàn.

Cả căn phòng đột nhiên rơi vào bầu không gian tĩnh lặng, màn đêm sâu thăm thẳm nương nhờ vầng sáng xanh mờ nhạt phản chiếu từ màn hình máy tính, phủ lên cả đỉnh đầu vàng óng ả và tấm lưng gầy gò của cô.

Chẳng biết qua bao lâu, những mơ hồ đột nhiên bị hiện thực đánh vỡ, chiếc điện thoại được ném ở trên đầu giường rung lên kịch liệt, phá tan bầu không khí ảm đạm trước đó, Bình ngồi bật dậy, ngoái đầu về nơi nguồn cơn âm thanh, chán nản xoay lưng bò tới chân giường, cầm điện thoại trên tay, cô trầm mặc nhìn tên người gọi đến.

Bình vuốt gọn mái tóc rối bù thẳng thóm, ù té chạy vào nhà vệ sinh rửa mặt cho tỉnh táo, chỉ vài giây sau, cô khẩn trương lao ra ngoài mạn cửa, bật đèn, bóng đèn trứng gà chớp nhoáng hai lần rồi sáng hẳn.

Cô vụng về kéo cổ áo lau mặt, vầng trán căng bóng vẫn còn gợn lại vài giọt nước li ti.

Ngón tay chuyển động trượt vào ô chấp nhận thỉnh cầu video, màn hình chẳng mấy chốc xuất hiện gương mặt già nua của mẹ đã nhăn tít từ khi nào, cô nở nụ cười hào hứng, nhỏ giọng quan tâm: "Giờ này khuya lắm rồi, sao mẹ chưa chịu đi ngủ?"

Bà Loan thở dài nhìn cô, trên mặt như có vô số những bân khuân và bất mãn muốn phát tiết nhưng chẳng có cách nào mở miệng khi nhìn thấy đôi quầng thâm treo trên bọng mắt con gái, đôi gò má đã hằn rõ những vết bánh xe thời gian phai giấu chuyển động lên xuống theo nhịp thở của bà, ngưng một đoạn, bà điềm tĩnh hỏi:

"Con ăn cơm chưa?"

"Con ăn rồi, dạo này bản thảo thiết kế con nhận hơi nhiều, con vừa hoàn thành xong, định đi ngủ thì mẹ gọi tới." Bình kê điện thoại lên bình giữ nhiệt đặt cạnh máy tính, cô vừa thoải mái giải thích cho bà Loan nghe vừa giả vờ thu dọn đống tài liệu ngổn ngang trên bàn, mặc cho mọi thứ đang chẳng đâu vào đâu cả.

"Bình à! mẹ đã dặn bao lần rồi hả con, sức khỏe con không được tốt, đừng nên thức khuya nhiều, kẻo về chừng trung niên thì quay ra hối hận không kịp."

Bình nghe mẹ nghiêm giọng phàn nàn thì bất giác liếc lên thanh hiển thị đồng hồ trên góc điện thoại.

03:21, thôi tiêu cô rồi.

"Con nhớ rồi, mẹ khéo lo xa thôi, rồi... rồi, con hiểu rồi, mẹ đừng lườm con như vậy nữa mà."

Cô giở giọng điệu dí dỏm rồi chống cằm nhìn vào camera, trên môi treo nụ cười tươi roi rói như muốn chứng minh cho mẹ thấy cô hoàn toàn khỏe mạnh.

Lông mày bà Loan thoáng giãn ra, dường như bà cũng đang khó khăn trong việc điều chỉnh camera, màn hình chốc lát lại lung lay như sắp đổ, Bình cũng nhận ra hành động chật vật của bà, cô hơi lan man, thắc mắc hỏi: "Chân gác điện thoại con có mua cho mẹ một cái mà, sao mẹ không lấy ra mà dùng?"

Bà Loan bối rối cười xòa, bà đặt tạm điện thoại xuống mặt giường, lấy kẹp cài lại đuôi tóc, điệu bộ dửng dưng trả lời: "À , chuyện là vầy. Tuần trước mẹ với gia đình bác hai con lên Đạ Huoai tảo mộ, cuối buổi bác con có ngỏ ý muốn qua nhà mình ăn bữa cơm, rồi sau đó... ừm, con bé Linh nó thấy mẹ để cái chân gác điện thoại con mua trên kệ tủ tivi, nó hỏi xin mượn, mà mẹ cũng không dùng mấy cái đó thường, nên kệ, cho nó đem về xài."

Đương trong lúc bà Loan đang vô tư kể lại sự tích chân gác điện thoại tại vì sao lại biến mất, thì hàng lông mày con gái bà đã sớm dính chặt vào nhau tỏ ý khó chịu.

Bình không màng chen ngang mà lẳng lặng đợi mẹ nói nốt phần còn lại, song lúc bà Loan vừa dứt lời, cô liền bất đắc dĩ hỏi ngược: "Có thật chuyện là như vậy không hả mẹ? Đoán không chừng con quỷ nhỏ đó lại giở thói ăn vạ rồi tha đồ nhà mình về làm của riêng rồi cũng nên..." Cô híp mắt quan sát vẻ mặt lúng túng như tên trộm gà bị chủ nhà túm gọn của bà Loan, bắt đầu thay đổi ngữ điệu sang giọng mỉa mai.

Đây không phải lần đầu tiên đồ đạc lặt vặt trong nhà Bình không cánh mà bay sang nhà bác hai, cô còn chẳng ngạc nhiên khi chiếc cốc sứ, chậu xương rồng, quả chuông gió cô đi Đà Lạt mua về làm kỉ niệm ngang nhiên xuất hiện tại những không gian chung bên nhà bác hai mà nguyên nhân thì ai cũng thừa hiểu.

Đã nhiều năm trôi qua, hay phải nói chính xác hơn là từ khi cô và Bảo Linh còn bé, tính tình nó ra sao cô là người hiểu rõ hơn ai hết, tủ đồ chơi của cô vơi đi quá nửa cũng vì cái tật lúc nào cũng thích lân la bòn rút của con em họ trời đánh. Và thủ phạm đứng sau chống lưng cho nhỏ Linh thì chẳng phải ai xa lạ ngoài người mẹ giàu lòng nhân ái của cô.

Bà Loan đảo mắt qua hướng khác, giọng bà mất đi vài phần tự nhiên vốn có, nhưng vẫn không hề chịu hé răng nửa lời, bà đáp đại đùa cho qua chuyện: "Con nhỏ này, mẹ nói mẹ cho là mẹ cho, con cũng đừng có ích kỷ quá, sống là phải biết san sẻ."

Bình bĩu môi lẩm bẩm: "Xời, mẹ cứ để nó nhởn nhơ vậy hoài, hôm nay chỉ là chân gác điện thoại. Nhưng mai, kia, ai biết tới cái gì?"

"Ăn nói bậy bạ. Con đó." Bà Loan quở trách.

"Dạo này con trông mẹ gầy đi thì phải, mẹ ráng ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi... mà thôi... khuya lắm rồi, có gì sáng mai con gọi về cho mẹ sau, nha mẹ?"

Bình tìm cớ đào tẩu vì chớm thấy thông báo email bên công ty khách hàng vừa gửi cho mình hỏi xem tiến độ bản thiết kế đến đâu rồi? Tuy đây chỉ là công việc part time tại nhà, nhưng cô cũng cần tạo uy tín để sau này tương lai còn có chốn dung thân ở đất Sài Gòn.

"Khoan hẳn gác máy, mẹ quên hỏi, năm nay con có về quê ăn tết không hả Bình?" Bà Loan khẩn trương nhìn con gái qua màn hình điện thoại, bụng dạ bà qua giờ lo lắng khôn nguôi, nay đã là lối hai tám tết, chỉ còn vài ngày nữa thôi là bước sang năm mới, những gia đình trong xóm có con đi Đại Học cũng đã đón con về từ ngưỡng hai tư, vậy mà con Bình tới giờ vẫn biến mất tăm hơi.

"Dạ... ừm. Dạ con... Mẹ à... con." Bình ấp a ấp úng, những lời xoa dịu dành cho mẹ cứ lấp lửng trên khóe môi, cổ họng cô khô rát, Bình không biết phải thông báo với mẹ ra sao khi lòng cô hẳn biết bà đã mong ngóng cô nhiều như thế nào, cô sợ phải thấy dáng vẻ thất vọng của mẹ, nhưng cô thật sự không còn cách nào khác.

"Con làm sao? Mày có chuyện giấu mẹ phải không? Nói đi, mẹ còn biết đường tính." Gương mặt bà Loan thoáng chốc bộc lộ vẻ nghiêm túc, tựa như một người cha đang chuẩn bị giáo huấn con gái khi nó phạm phải những sai lầm.

"Thật sự chuyện cũng không có gì to tác cả... mẹ à, công việc con kham chẳng nổi, mẹ hiểu mà..." Cô khổ sở nhìn mẹ, lòng nặng trĩu tâm tư.

Từ sau khi đại dịch covid 19 đột ngột bùng phát và âm ỉ qua đi, tình hình thành phố hiện nay rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Vật giá leo thang, thu nhập hàng tháng thì chẳng thấm thía vào đâu so với những khoản chi tiêu khổng lồ từ trên trời rơi xuống. Học phí định kỳ, chi phí ăn uống, sinh hoạt phòng trọ... v.v. Các khoản chi tiêu vặt vãnh đa phần đều do đích thân Bình gồng lưng gánh vác.

Thật sự thì cô còn chưa có thời gian để quan tâm đến bản thân chứ đừng nói đến chuyện chăm sóc gia đình.

Sau một hồi im lặng, bà Loan buồn bã gật đầu:

"Mẹ hiểu, con đừng lo. Đợi cho thời gian dư dả thủng thẳng về thăm mẹ sau cũng được. Tương lai con là thứ quan trọng chẳng kém sau gia đình, Mẹ cũng chả giận hờn chi đâu. À, mà nếu con tiện, ra lối tháng giêng mẹ định đi một chuyến lên đó thăm con. Con thấy sao, Bình?"

Tâm trạng Bình cứ như con xe mất phanh lao thẳng xuống đáy vực sâu, cô nhìn dáo vác gian phòng chỉ vỏn vẹn 15m2 chất đầy những khung tranh, vật dụng mỹ thuật, cọ sơn, thiết bị quay chụp lỉnh khỉnh. Rồi đột nhiên thở dài ngao ngán, cô gian nan lắc đầu, từ chối ý định vừa mới nhen nhóm ươm mầm trong suy nghĩ của mẹ: "Thôi, mẹ cũng có tuổi rồi, đi xe khách đường xa thật sự rất nguy hiểm, mẹ ạ."

Cuộc gọi lúc nửa đêm kết thúc trong bầu không khí chẳng mấy vui vẻ. Bình chán nản nằm vật xuống giường, cô gác tay lên trán rồi nhìn chằm chằm mái tôn lem luốc những vệt ố vàng, không biết trầm tư qua bao lâu. Chú gà trống ngoài ngỏ không ngừng cất cao từng hồi âm thanh quen thuộc. Bình ngồi bật dậy cùng đôi mắt dày đặc quầng thâm, cô gáp một cái thật dài. Song bước xuống giường đi thẳng vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, cô bước ra ngoài chỉ với chiếc quần cộc cũn cỡn và con áo ngực hờ hững.

Bình soạn những bản thảo thiết kế mình đã cất công chuẩn bị tỉ mẩn gần cả tháng ròng bỏ vào chiếc balo Kim Long màu đen viền đỏ đã đồng hành cùng cô trong suốt những năm Đại Học.

Quăng chiếc balo vào một góc nhỏ, Bình co cẳng chạy tới tủ quần áo, vơ đại chiếc quần jean ống suông tròng vào, song khoác hờ áo sơ mi vàng kem basic, cô đứng trước gương lớn dán trên tường tủ quần áo, vừa gài cúc áo vừa cầm lược chải gọn mái tóc dài chấm vai, thực hiện vài bước skincare đơn giản, sau cùng đeo khẩu trang và dắt con xe wave cà tàn ra khỏi nhà.

Như thường nhật, Bình tấp xe vào gánh xôi ngọt của hai cụ già ven ngã tư Tôn Thất Tùng, giá chỉ có 10 nghìn một suất, nhưng ăn phải nói là bao no, thứ khiến cô mê mẩn ở gánh xôi nhỏ này chỉ đơn thuần là xôi thường được cụ bà xới gọn trong tấm lá chuối dày, thơm lừng hương vị quê nhà, chứ không phải những hộp xốp thông thường như bao gánh xôi đại trà ngoài kia.

Trả số xe lên dốc cầu Hoàng Hoa Thám, Bình vặn ga chầm chậm tiện thể gặm vội nắm xôi vò vừa mua để không lãng phí thời gian, ngày hôm nay của cô khá bận rộn, thế nên mọi chuyện cần phải tranh thủ. Ngay thời điểm cô thiếu cảnh giác nhất, ở phía đằng xa, thấp thoáng làn gió lạ thổi tới, bất lình thình, từ đâu xuất hiện một chiếc xe ba gác chở đầy xi-măng cốt thép xông về phía Bình, như một mũi tên lên dây, nó phăm phăm lao thẳng vào hướng đầu xe cô.

Tài xế cực lực bấm còi cũng như lớn giọng hét toáng:

"TRÁNH RA, XE MẤT PHANH, XE MẤT PHANH, CÔ GÌ ĐÓ ƠI..." Gần như ông ấy đang cố gân cổ gào lên trong tuyệt vọng.

Chỉ tiếc rằng, may mắn đã không mỉm cười với ông ấy, và cả Bình

Tựa như Bánh lái mang tên thời gian không cách nào trượt khỏi đường ray của số phận.

Hai chiếc xe cứ theo quy luật tự nhiên mà va vào nhau chỉ sau vài giây ngắn ngủi, Bình cảm giác cơn đau đang ngấm dần, cơ thể cô bị hất văng ra, sóng lưng đập mạnh vào dãy ngăn cách ven đường, những âm thanh gãy vụn của xương cốt tựa như ghiền nát tâm thức cô, nắm xôi vò bám đầy đất cát vẫn được Bình bao bọc trong lòng bàn tay, trong vô thức, khóe môi trầy xướt rướm máu của cô mấp máy theo từng nhịp thở khó khăn:

"Mẹ... mẹ ơi." Hơi thở đứt đoạn, cô dần liệm đi.

***
An Xuyên(1), năm 1960.

Ánh dương ban mai bao trùm lấy các nẻo đường làng, chạy dọc theo gò đất phía bên kia sông, thấp thoáng dáng lưng cao gầy thướt tha của cô thiếu nữ trong bộ bà ba nâu sòng, Út Lựu kéo cao nón lá, suối tóc dài đen láy chấm lưng đung đưa theo làn gió mát rười rượi, chị phóng tầm mắt về phía hàng dừa xiêm sai quả được bao bọc bởi những bụi sim chín rậm rạp, bước chân chị lưỡng lự, như muốn tiến về phía trước rồi lại ngập ngừng chẳng dám động đậy.

"Mèn đét ơi. Út Lựu, bà mần cái dóng chi mà đứng đực ra đó sáng giờ vậy chèn, tôi đói muốn rụng râu luôn rồi sao bà còn chưa chịu xách làn đi chợ?"

Từ trong ngôi nhà tranh vách đất cặp mé sông, cậu thanh niên cởi trần từ từ bước ra, gương mặt đen đúa kham khổ của cậu nhăn nhúm tỏ vẻ khó chịu, tóc tai bờm xờm như vừa chui ra từ một bụi rậm nào gần đó, hai tay cậu chống nạnh, nhìn về phía chị gái như muốn chờ đợi câu trả lời thỏa đáng.

"Đạc, ra đây chị biểu." Âm thanh chị phát ra gần như muốn hòa tan vào trong làn gió sớm.

Út Lựu ngoắc tay, ánh mắt chị đảo khắp tứ phía, ngó nghiêng ngó dọc coi có ai qua lại gần dạt lộ ngoài không, thấy không có ai, chị yên tâm nhướng mày nhìn Đạc, dáng vẻ hết sức khẩn trương.

Đạc nghi hoặc xoa cằm, cậu nhanh chân phóng lại gần Út Lựu, ý tứ ghé tai sát vào má chị, hạ thấp tông giọng, gần như là thì thầm hỏi:

"Chú Tám gởi liên lạc về hả chị Lựu?"

"Không, bận này chú không có gởi."

Út Lựu tần ngần trả lời, vô thức hồi tưởng cảnh tượng chị vô tình trông thấy đêm qua, sóng lưng bất giác gợn lạnh, bàn tay chai sạn đã vò nát tươm vạt áo bà ba từ khi nào, nàng im lặng nghĩ ngợi sâu xa một lúc.

Trên đời này, thật sự còn tồn tại thứ như vậy sao?

"Vậy chứ có chuyện chi hệ trọng mà ngó bà căng thẳng lung quá vậy đa?" Đạc thở dài thất vọng, nếu không phải là thơ của chú Tám gởi thì chả còn gì đáng để cậu hào hứng hoặc nhảy cẩng lên vì vui sướng cả. Nhưng nhìn thấy vẻ lo âu hằn trên gương mặt Út Lựu, cậu càng thêm nghi ngờ về câu chuyện mà chị sắp sửa cho cậu hay. Là tin xấu, hay tin tốt đây?!

"Em có tin trên đời này có ma trơi không Đạc?"

Út Lựu nghiêm túc hỏi Đạc, xưa giờ chị chưa bao giờ tin vào chuyện ma quỷ dân gian, thế nhưng canh ba đêm qua, trong lúc ngồi ngoài chõng tre vá cho Đạc vài cúc áo sứt chỉ. Út Lựu đã tận mắt bắt gặp một chòm sáng màu xanh lam rơi từ trên ngọn dừa xuống bụi sim phía bên kia bờ sông. Động tĩnh rất rõ ràng và chân thật, Quái lạ, nàng không biết gọi tên thứ phát sáng ấy là gì, và cũng chẳng dám chứng thực xem "vật" đó có còn nguyên vẹn ở bụi sim đêm qua hay không. Vì đơn giản thay lá gan chị chẳng đủ lớn.

Chỉ là không lường trước được, sau khi nghe xong câu hỏi ngớ ngẩn của Út Lựu, Đạc ôm bụng cười sặc sụa, như thể vừa nghe được một câu chuyện dở hơi.

"Chị đang nghiêm túc hỏi em đó, không được cười." Út Lựu dặm chân phình phịch xuống đất, gò má trắng nõn không biết vì nắng mai hay vì ngượng ngùng mà lần lượt đỏ rợp lên. Trông rất tếu táo.

"Ma sống không sợ, ma chết sợ cái khỉ khô chi?" Đạc nín cười rồi thẳng thừng phán một câu xanh rờn, cậu không nghĩ rằng sẽ có một ngày Út Lựu lại gặn hỏi cậu những câu tưởng chừng như vô nghĩa ấy, cậu và chị đã sống ở đây ngót nghét ngần chục năm, xác chết cũng đã từng thấy qua vô số kể.

Lắm khi chị cậu còn kiềm lòng chẳng đặng khi vô tình trông thấy những tá tiền nằm trơ xương ngoài ruộng dưa vì không đóng đủ thuế má cho lũ Tây. Những lúc như vậy, Đạc thường mềm lòng trước dáng vẻ bùi ngùi xót xa chẳng tài nào che giấu nổi của Út Lựu, nên bèn vác họ tới một khu đất hoang hẻo lánh nào đó, đắp cho họ "ngôi nhà" tạm bợ để có chốn yên nghỉ dừng chân khi đã lìa xa thế gian trôi dạt về nơi đất mẹ.

Út Lựu kéo lấy cổ tay Đạc, thuật lại toàn bộ sự việc bản thân đã tận mắt chứng kiến tối qua, nghe xong tường tận đầu đuôi, Đạc nửa tin nửa ngờ hỏi: "Có khi nào đêm hôm bà trông gà hóa cuốc hông đó? Trên đời này làm gì có chuyện ma cỏ."

"Hông mà, chắc chắn chị đã nhìn thấy nó, hay giờ Đạc thử lại ngó coi ở bụi sim bên kia sông có gì kì lạ giống như thứ chị vừa miêu tả không?"

Út Lựu kiên quyết phủ nhận suy đoán từ Đạc, chị tin chắc rằng mình không trông gà hóa cuốc, vì những hình ảnh đêm qua sống động tới mức mà chị chẳng thể nào hoài nghi về sự tỉnh táo của bản thân và lượt bỏ nó khỏi tâm trí.

"Bà dạt qua bên đi, để tui qua bển coi thử." Đạc đẩy nhẹ chị qua một bên, cậu xắn tay áo, xông xáo phóng vọt về phía cây cầu khỉ bám đầy rêu phong nối liền hai bờ sông, Út Lựu chăm chú nhìn theo, mặt sông in hằn bóng hình cao ráo vạm vỡ của Đạc nhấp nhô lên xuống. Sau một hồi ngần ngại, chị quyết định co giò bám đuôi theo cậu, Út Lựu cũng muốn chứng thực xem, liệu cớ sự có đúng như chị suy đoán không.

Đạc bật cao chân nhảy qua bờ đất phía bên kia, cậu chống tay rồi khuỵu gối xuống khiến ống quần lấm lem sình đất, thật ra thì cậu luôn giữ vững tâm thế chắc mẩm trong bụng rằng chả có con ma hay con quỷ nào đột nhiên từ trong bụi xiêm nhảy ra và vồ lấy cậu vào giữa thanh thiên bạch nhật như thế này hết. Tất cả những chuyện hoang đường Út Lựu vừa kể chỉ là hoa mắt mà thôi.

Thế nhưng vì muốn cũng cố niềm tin cho Út Lựu, chứng minh cho chị thấy trên đời này làm gì tồn tại chuyện ma quỷ hiện nguyên hình dọa nạt dân làng như trong những câu chuyện tầm phào mà đám trẻ xóm Gạo thường rủ rỉ tai nhau, nên cậu đành lãng phí thời gian đánh vòng ngó nghiêng.

Bước chân Đạc chẳng lấy nửa điểm dè chừng hay cảnh giác rằng sắp có một chuyện khủng khiếp nào đó sắp sửa xảy đến với mình, Đạc nhảy vào đám sim chín lấm tấm những nụ hoa tím than, cậu quơ quào loạn xạ như thể đang chơi trò vạch lá tìm sâu, cứ lần mò hồi lâu, ngoài lá và hoa ra thì chả có gì xuất hiện, Út Lựu đứng cách đó không xa, hồi hộp chờ đợi.

Đương lúc Đạc đinh ninh rằng sẽ không tìm thấy thứ gì ngoài những quả sim rụng dính gót chân, thì bất chợt bước chân cậu khựng lại, cậu trố mắt ra nhìn cô gái lạ với những vết trầy xướt chi chít trên cơ thể đang nằm phơi thay tựa như thiếp đi dưới mặt đất cằn cỏi sỏi đá, chân như bị gài thêm hai cục nam châm, Đạc không dám cục cựa vì sợ sẽ làm cô gái sở hữu dung mạo mỹ lệ kia tỉnh giấc.

Gương mặt cô ta đẹp tới nổi khiến cậu phải bần thần hồi lâu, cậu vô thức nghiêm đầu, ngắm nghía từng đường nét hài hòa, sắc sảo trên mặt cô ta, bất giác như nhớ ra gì đó, cậu quay mặt sang hướng khác, siết chặt năm ngón tay, dợm bỏ đi.

Chuyện sẽ không có gì to tác nếu cậu không nhận ra màu tóc vàng hoe có phần khác thường giống hệt những gã lính Tây của cô gái nọ, hẳn là do tâm thế bài xích có sẳn trong máu, mặc cho cô ta có xinh đẹp rạng ngời tựa ngọc quý, cậu quyết không tìm hiểu xem tại sao cô ta lại xuất hiện ở đây, có cần giúp đỡ gì không, đừng hòng cậu sẽ cưu mang một kẻ đang chảy trong mình dòng máu thực dân tàn độc.

Út Lựu lạnh toát cả sóng lưng khi thấy Đạc đứng im như trời trồng, chị vội chạy lại gần, chạm tay lên vai cậu, giọng nói nhuốm chút run rẩy: "Xảy ra chuyện gì hả Đạc?"

Đạc gạt tay chị ra, quay lưng đi hướng khác, cậu lờ đi sự có mặt của cô gái nọ, lạnh giọng trả lời: "Không có gì, em đói rồi, chị mau đi chơi mua đồ về nấu cơm đi."

Nói rồi, cậu đi thẳng về phía cây cầu khỉ, nhưng chưa đi được bao lâu, đã nghe thấy tiếng Út Lựu khản giọng gọi: "Đạc ơi, hình như có người nằm đây." Chị đã phát hiện ra cô gái ban nãy mà cậu trông thấy, khác với cách hành xử có phần gai góc của Đạc, chị vội tiến gần về phía cô gái, chị quỳ một chân xuống, lay nhẹ cô gái đang nằm im bất động kia: "Cô gì ơi, cô có nghe tôi nói không? Cô ơi."

Mặc cho Út Lựu gọi, cô gái vẫn không lay động.

"Vô nhà đi, bà đừng có lo chuyện bao đồng." Đạc cộc cằn lên tiếng, cậu trộm liếc qua cô gái một lần nữa, rồi khoanh tay hất mặt đi hướng khác.

"Nhưng sao cổ lại ở đây? Em không thấy lạ hả Đạc?" Út Lựu đưa tay lên mũi cô gái kiểm tra nhịp thở, may là cô ấy còn thở, chỉ tội là nhịp thở có phần yếu ớt hơn người bình thường, thấy vậy, chị bèn lấy tay sờ lên gò má cô gái, ngay giây phút chạm vào làn da hồng hào âm ấm ấy, Út Lựu cảm thán, da dẻ cô ấy mềm mại thật. Khác hẳn những đứa con gái mặt mày rám nâu, tay chân đen nhẻm thường thấy trong xóm Gạo.

Đạc không thèm trả lời, chỉ đứng đó nhìn chằm chằm Út Lựu, rồi lại lần nữa ngó sang cô gái.

Không nghe cậu trả lời trả vốn, chị nhíu mày ngoái đầu về phía sau, gắt nhẹ: "Còn đứng đó mần chi? Ra phụ chị một tay, dìu cổ vào nhà đi."

Đạc không di dời nửa bước, cậu mím nhẹ môi, cõi lòng nóng ran, cuối cùng cũng thốt ra lời hờn giận: "Tôi chỉ cứu dân An Nam, không cứu bọn thực dân, bà biết mà, tôi là kẻ phàm phu tục tử chớ có phải thần tiên đâu mà phải cần lương tri, cứ kệ nó đi, bỏ phứt ở đó, không chết được đâu mà lo." Bộ dạng cậu thản nhiên

"Dù gì cổ cũng là thân đờn bà con gái, em định bỏ xó cổ một mình nằm lăn lóc ở đây mà coi được hả?" Út Lựu hết sức bất bình, chị không quan tâm cô ấy có gốc gác xuất thân liên quan gì tới thực dân Pháp không, chỉ cần biết hiện tại cô ấy đang cần sự giúp đỡ, và chị là người duy nhất có thể cứu giúp cô ấy.

Đạc bĩu môi thầm nghĩ. Ở đây tuy hẻo lánh, cây cỏ um tùm bao trùm lấy cả một gian nhà tranh nhỏ, hoang cảnh có chút đìu hiu, tịch liêu, thế nhưng ngoài sâu bọ chim chóc ra thì hoàn toàn không có vết tích của thú dữ, tới rắn còn không có thì lấy đâu ra nguy hiểm chứ.

"Tôi mặc xác." Cậu mạnh miệng tuyên bố.

"Nếu đã như vậy, trưa nay đừng hòng cơm cháo gì cả, chị sẽ không đi chợ, cũng không nấu nướng, em có giỏi thì tự lăn vào bếp mà mần." Tuy giọng điệu chị nhẹ nhàng, êm ái, chẳng có lấy chút uy thế nào, vậy mà thông qua biểu cảm hờ hững trên gương mặt chị, Đạc có thể cam đoan Út Lựu không nói suông, chị chắc chắn sẽ làm thật. Trời ạ!

"Đâu ra vớ phải cái của nợ, tôi mệt cái tánh bao đồng của chị quá, tôi cõng cổ vào cho chị là được chứ gì." Đạc hằn hộc dặm chân dặm cẳng đi lại, cậu cúi xuống lòn một tay qua khuỷa chân cô gái, tay còn lại bợ ngang cổ, nhấc bổng cô gái lên một cách gọn ơ. Cô gái tuy cao giò cao cẳng nhưng gầy ròm.

Út Lựu hài lòng mỉm cười, chị hiểu Đạc mà, cậu mạnh miệng nhưng nhẹ dạ, chỉ cần hăm dọa cậu đôi câu, chắc chắn cậu sẽ xiêu lòng ngay thôi.

---

(1) - Một tỉnh thành thuộc Cà Mau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#thuanviet