Gõ 3 lần - Anh Yêu Em

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gõ ba lần - anh yêu em

Quỳnh Giao

Câu chuyện này là do Lan Ni kể cho tôi nghe. Cô ấy hỏi tôi: "Anh quen Hồ phải không?"

"Đúng. Mùa đông năm ngoái, tôi đã cùng ăn cơm với cô ấy, trong ấn tượng của tôi cô ấy là một cô gái tài hoa, dịu dàng, thanh tú."

"Thích cô ấy à?"

"Đúng."

"Vậy thì nên biết câu chuyện của cô ấy."

Hồ là một nhà văn nữ, mới tốt nghiệp đại học không lâu, sở trường viết tiểu phẩm và thơ mới, những điều cô ấy viết luôn sinh động và tràn đầy tình cảm, qua giọng văn cũng có thể thấy được cô ấy là người con gái đa tình và tinh tế.

Hồ chưa kết hôn, cha mẹ ở miền Nam. Trong một buổi họp mặt văn nghệ sĩ Đài Bắc, cô quen Châu. Châu không phải là nhà văn, mà chỉ là phóng viên một tờ báo, nhưng anh cũng biết sáng tác, biết thưởng thức, thậm chí còn biết vẽ nữa. Tài năng và tướng mạo của Châu nhanh chóng hớp hồn nữ nhà văn trẻ, nhưng có điều Châu là người đàn ông đã có gia đình.

Nhân loại có biết bao nhiêu câu chuyện Tương kiến thái vãn (Gặp nhau quá muộn - Tên bài hát nổi tiếng của Tiểu Trùng), nhưng quen nhau thì chẳng bao giờ là quá muộn. Hồ và Châu quen nhau rồi yêu nhau, giữa quen và yêu là chặng đường vừa dài vừa gập ghềnh. Tôi tin rằng họ đã trải qua một con đường gian nan vất vả, chắc chắn là đầy mâu thuẫn, day dứt, khổ sở, áp lực và cảm giác tội lỗi. Xã hội Đài Loan, nói mới cũng không hoàn toàn là mới, nói cũ cũng không phải là cũ, một mặt thì lắng nghe những nhân vật thuộc trào lưu hiện đại, mặt khác lại bảo thủ đến cực đoan. Hồ và Châu bị kẹt giữa hai bờ.

Châu là con nhà có học, vợ cũng là con nhà danh giá, hai người đã có hai mặt con, một trai một gái. Bất luận là về mặt đạo nghĩa hay trách nhiệm đều không cho phép anh ngoại tình, chứ đừng nói tới chuyện bỏ người này lấy người kia. Thế nên Hồ và Châu đành phải giấu giếm tình cảm của mình. Họ thường gặp nhau trong những buổi dạ tiệc hoặc gặp mặt họp hành. Bốn mắt nhìn nhau, ngàn vạn lời muốn nói nhưng không thể tỏ bày. Có một lần, khi họ có cơ hội chỉ có hai người, Châu nói: "Đó chỉ là ba chữ thôi, ba chữ ấy từ khi có lịch sử, có nhân loại, người ta đã nói ba chữ này, đó là: Anh yêu em. Anh không thể lúc nào cũng nói câu này với em được, nhưng chúng ta

quy ước nhé, nếu anh gõ ba tiếng xuống bàn, có nghĩa anh muốn nói với em rằng: anh yêu em; nếu anh vỗ vai em ba lần, cũng có nghĩa là anh muốn nói: anh yêu em; nếu anh gọi điện thoại cho em chuông đổ ba lần cúp máy, cũng có nghĩa là anh muốn nói: anh yêu em; thậm chí anh nhìn em chớp mắt ba lần cũng có nghĩa là: anh yêu em; giơ ba ngón tay, ho ba tiếng, rít thuốc lá ba hơi... tất cả đều có nghĩa là anh đang nói: anh yêu em."

Thật là một quy ước lãng mạn!

Sau đó, một khoảng thời gian rất dài, họ sống trong "ba lần". Gõ ba tiếng, anh yêu em. Kêu ba tiếng, anh yêu em. Chớp ba lần, anh yêu em. Chuông ba lần, anh yêu em. Huýt sáo ba lần, anh yêu em. Thở dài ba lần, anh... nh... yêu... êu... em... m.

Tình yêu như thế có cái buồn của nó, có cái đẹp của nó, có ý thơ của nó, có sự tàn nhẫn của nó, có sự điên cuồng của nó, có cả sự đau khổ của nó.

Bất luận thế nào, tình yêu của Châu và Hồ cũng cứ trôi qua như vậy. Vì tình yêu này mà Hồ từ chối tất cả những chàng trai đến với mình, cô sống trong cô độc.

Dần dần, những người bạn thân của hai người cũng biết chuyện. Còn bản thân hai người sau những nỗi nhớ sâu đến tận xương, ngày càng thấy tình yêu người kia dành cho mình là vô cùng. Thế là Châu bắt đầu kiếm chuyện gây sự với vợ, và đem chuyện của mình ra nói với bố mẹ, bắt đầu công khai tranh đấu cho tình yêu - con đường này xem ra còn tàn khốc đau khổ hơn. Châu vì Hồ mà tranh đấu, Hồ vì Châu mà chịu người ta chửi mắng.

Cuối cùng, vợ Châu cũng chấp nhận ly hôn.

Một ngày tháng Bảy năm ngoái, Hồ và Châu hẹn nhau đến ăn trưa ở một nhà hàng ở Đài Bắc. Hôm đó, trong lòng cô rất vui, bởi sau nhiều năm lén lút yêu nhau, bây giờ mới được công khai. Ai ngờ được, bữa cơm ấy Hồ đợi mãi nhưng Châu không xuất hiện, mà lại là, mãi mãi không xuất hiện.

Sáng hôm đó, Châu đã ra đi mãi mãi vì tai nạn ôtô.

Như vậy đấy, đang sống sờ sờ ra đấy bỗng nhiên chết đi. Vĩnh viễn. Nhưng người sống thì vẫn phải tiếp tục sống.

Hồ cũng không biết tại sao mình vẫn sống được, những tháng ngày ấy, cô sống mà như đã chết, đối với mọi chuyện xung quanh cô nhìn mà không thấy. Cảm giác trái tim tan nát, chỉ có người đã từng trải qua mới biết. Khoảng thời gian ấy, cô như không còn cảm giác, không biết suy nghĩ, không có ý thức, sống như một sự tồn tại, đau khổ đến tột cùng, tưởng chừng nỗi đau không bao giờ có thể lành được nữa, không còn hy vọng gì nữa. "Cái chết" đã hủy hoại tất cả, tình yêu, ước mơ và hy vọng.

Đêm thứ bảy sau ngày Châu mất, rất nhiều bạn bè của Châu đến tiễn anh. Hồ cũng đến, cô tiều tuỵ và vô hồn. Vẫn quy ước ấy, nhưng ai sẽ gõ ba lần, ho ba tiếng, chớp mắt ba lần, huýt sáo ba lần, thở dài ba lần... cho cô nghe nữa đây?

Đêm ấy, thành phố Đài Bắc đèn điện sáng huy hoàng đến lạ, nhưng lễ truy điệu Châu, trong gian phòng rộng lớn, đèn bỗng nhiên phụt tắt, tất cả tối om. Trong sự ngạc nhiên của mọi người đèn sáng lên, rồi lại tắt, lại sáng, lại tắt. Liên tục ba lần liền!

Hồ suýt nữa thì khuỵ xuống. Đèn sáng ba lần, anh yêu em!

Anh đã đến đây! Anh đã nhìn thấy cô! Anh đã nói rồi! Sáng ba lần, anh yêu em! Anh đã nói lên tiếng nói của lòng mình, anh đã mang sự quan tâm, lòng nhiệt tình và lời an ủi đến cho cô.

Cái chết không phải là điểm cuối cùng, Hồ như sống lại, lại có thể tiếp tục đối diện với cuộc sống, lại bắt đầu ngồi bên những trang viết. Cái chết không có nghĩa là mất tất cả!

Đây là một câu chuyện tình yêu!

Tôi nghe xong, cảm động không nói thành lời, sống mũi cay cay. Tình yêu, nếu có thể vượt ra ngoài ranh giới giữa sự sống và cái chết, thì đó quả là vĩ đại! Nếu quả thực có linh hồn, thì những người yêu nhau sẽ không bao giờ bị cái chết chia cắt. Vậy tình yêu sẽ không có điểm cùng, điều này không phải là rất đẹp hay sao? Cầm bút lên, tôi không thể cầm lòng viết vài chữ:

"Không thể cùng chết nhưng có thể cùng sống! Không thể gặp nhau nhưng có thể yêu nhau! Không thể là đời này kiếp này nhưng sẽ là mãi mãi!"

Cho Hồ cho Châu. Cho tình yêu của hai người.

Trần Hạnh Tường dịch

Hai thế hệ

Vương Ninh

Trước 25 tuổi tôi luôn cho rằng mình là do mẹ nhặt về nuôi, tính cách của tôi không giống mẹ, cũng không giống bố. Nhiều lần tôi cũng nghe thấy mấy người họ hàng vô tình nói vậy, tôi để điều đó trong lòng rất lâu và suy nghĩ. Cuối cùng thì liệu tôi có phải là con đẻ của mẹ hay không? Nếu không phải thì bố mẹ đẻ của tôi bây giờ ở đâu?

Nhớ lại người chị họ ngày xưa hay chơi với tôi, được bác tôi đưa về từ nước Triều Tiên xa xôi, khi về nhà tôi, chị hay một mình ngồi trong phòng nhìn vào tấm hình một người phụ nữ trẻ và khóc. Chị không ngừng đưa tay lau nước mắt, nhưng những giọt nước mắt vẫn cứ thi nhau rơi xuống... Khi ấy tôi còn rất nhỏ, những giọt nước mắt của chị làm tôi rất ngạc nhiên.

Sau này tôi hỏi bà ngoại mới biết rằng người phụ nữ trong bức ảnh đó là mẹ đẻ của chị. Mẹ đẻ? Như vậy nhất định là mẹ đẻ và mẹ sau này phải khác nhau rồi, vì người phụ nữ ấy không phải là bác tôi, bác tôi vẫn thương chị suốt hai mươi mấy năm trời, nhưng chị vẫn không quên được thân thế của mình.

Từ đó trở đi, tôi luôn cố gắng tìm cho được sự thực về nguồn gốc của mình. Tôi hỏi thẳng mẹ rằng tôi có phải là do mẹ nhặt về nuôi không? Tại sao trong ký ức của tôi hình như mẹ đã giơ hai tay nhận tôi từ tay một người phụ nữ khác?

Mẹ chỉ cười, tôi không tìm được câu trả lời trong nụ cười ấy. Tôi không cam tâm, bắt đầu nói một cách tỉ mỉ, ép mẹ phải nghe, tôi nghĩ

cứ nói đi nói lại mãi như thế sẽ khiến mẹ không chịu nổi sự "dằn vặt dịu dàng" này mà nói ra sự thực. Tôi tin rằng, nhất định đến một ngày nào đó, có thể là đến tuổi lấy chồng như chị họ, tôi cũng cầm ảnh mẹ đẻ mình mà khóc.

Không có câu trả lời, những câu hỏi tôi đưa ra cứ như là mồm tự hỏi mũi vậy. Nỗi nghi ngờ cứ dồn lại hết ngày này qua tháng khác, ngày càng dầy lên, to ra.

Tám tuổi, tôi lấy trộm tiền của mẹ đi mua kẹo kéo chia cho bạn bè, bị phát hiện, bố lấy roi đánh tôi một trận ra trò, mẹ đứng bên cạnh bảo bố đánh tôi mạnh hơn nữa. Bị đánh xong tôi mới khóc, tôi nằm khóc ở đầu giường, mẹ ngồi khóc ở cuối giường. Tôi tức giận càng tin rằng đây không phải mẹ đẻ của mình. Mẹ đẻ thì sao có thể bảo bố đánh tôi đau như thế cơ chứ, nhất định sẽ có một ngày tôi tìm ra bằng chứng để rời xa người phụ nữ này.

Mười tuổi, tôi xin tiền mẹ mua vở mới, không ngờ mẹ rút ngăn kéo của tôi, lôi ra hơn mười cuốn vở mới viết hết nửa cuốn, lạnh lùng nói với tôi rằng chưa viết hết vở cũ thì đừng hòng mua vở mới! Tôi trở thành người duy nhất trong lớp không theo kịp "trào lưu", bị bạn bè chê cười, tôi cảm thấy rất xấu hổ.

13 tuổi, bài thi toán của tôi không đạt, về nhà, mẹ đang vui vẻ cho tôi thử cái quần mới mua, tôi lí nhí đưa bài thi cho mẹ xem, mẹ thẳng tay tát tôi một cái, nói: "Sao nhà này lại có một đứa kém cỏi đến thế nhỉ?"

Tôi cởi bỏ quần mới chạy về phòng mình, đóng cửa lại, bên ngoài là tiếng mẹ la mắng không ngừng. Tôi thật sự muốn nhét bông vào miệng mẹ nhưng rồi tôi lại nhét vào lỗ tai mình.

16 tuổi, tôi phát hiện ra điểm yếu của mẹ, khi mẹ đang nóng giận chỉ cần tôi cố ý nói rằng: "Chỉ có bố là thương con nhất, còn những người khác thì con không quan tâm." Mẹ thể nào cũng lầm lũi quay đi, tôi thấy đắc ý vô cùng.

17 tuổi, có bạn trai gọi điện thoại tới nhà, mẹ ngồi ở phòng khách xem tivi không tỏ vẻ gì là sẽ rời khỏi đó cả. Tôi vừa buông điện thoại xuống, mẹ hỏi luôn đó là ai? Tôi không trả lời, hôm sau mẹ tới trường nói với cô giáo chủ nhiệm lớp tôi. Từ đó, không còn bạn trai nào dám gọi điện thoại tới nhà gặp tôi nữa. Tôi và mẹ tiếp tục chiến tranh lạnh.

18 tuổi, tôi thi đỗ đại học. Tôi điền tên thi vào một trường đại học

ở xa nhà, rời xa mẹ, đó là ý nguyện lớn nhất của tôi.

Bố tiễn tôi lên đường, mẹ ở nhà làm sủi cảo, nói bận không tiễn tôi ra ga.

Tôi lên tàu, ngồi bên cửa sổ, nhìn thấy bóng người đang chạy tới, rất giống mẹ, vừa chạy vừa kiễng chân lên nhìn vào từng ô cửa sổ, trông thấy tôi, mẹ khóc, đặt tay lên ô cửa kính như muốn vuốt má tôi.

Tôi xúc động mạnh, tàu chuyển bánh, tôi vẫy tay ý bảo mẹ quay về, lúc vẫy tay tôi nhận ra mình đã khóc.

Nhưng tuổi trẻ, có lẽ điều mà tôi khó học nhất là sự tha thứ, khóc một hồi rồi thôi; trong lòng tôi vẫn đầy những oán giận nhàu nhĩ,

không thật sự trưởng thành; có lẽ do tôi đã không biết hòa hợp với nó.

Khi tốt nghiệp trở về nhà, đứng dưới mái hiên, tôi thấy mẹ đã già

đi nhiều.

Năm đó tôi 23 tuổi, biết trang điểm, biết tô son đánh bóng mắt, cùng với người đàn ông đánh cắp trái tim mình đi chơi, trong lòng luôn nghĩ nhất định sẽ đi cùng với người ấy mãi mãi. Mẹ không đồng ý, nói tôi phải đưa về nhà để mẹ xem mặt. Gặp rồi, mẹ càng không đồng ý, chiến tranh lạnh giữa tôi và mẹ càng kịch liệt.

24 tuổi, tình yêu ấy bỏ tôi mà đi. Nỗi nghi ngờ mẹ có phải là mẹ đẻ của tôi không cũng theo đó mà tan biến.

Tôi muốn dọn ra ngoài ở, mẹ không nói gì, ngồi trên giường chuẩn bị cho tôi cái chăn bông dày. Trước lúc đi, tôi lại đổi ý. Mẹ vẫn chuẩn bị cái chăn dày cho tôi, nói rằng mùa đông tới sẽ lạnh hơn mùa đông trước.

Sau 25 tuổi, tôi không còn tranh chấp với mẹ nữa. Cứ như được hóa giải sau một đêm vậy, hóa giải rồi, hòa giải rồi, lý giải rồi. Mẹ bảo: Tuổi dậy thì ngang bướng của tôi cuối cùng cũng đã qua.

Tôi nghĩ mình trưởng thành hơi sớm, ngang bướng thì lại qua đi quá muộn, tôi nghĩ mình không phải là đứa con gái mẹ mong đợi, khiến mẹ không thể không bỏ đi cái bản chất ung dung và tự tin vốn có, để "đấu tranh" với tôi, khiến xung đột của chúng tôi kéo dài suốt bao nhiêu năm như thế. Nhưng giữa yêu và lý giải, giữa kịch liệt và

cực đoan, cái giá của sự mất mát, tôi thiếu chút nữa đã lấy oán trả ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ.

Tôi không còn làm những việc khiến mẹ lo lắng nữa. Tôi không hút thuốc, thôi chạy xe ào ào ngoài đường, đơn giản vì tôi không còn muốn mẹ phải lo lắng cho sức khỏe của mình.

Tôi cũng thôi không chọn lựa giải pháp sống thử cho tình yêu của mình nữa, tôi muốn giảm tối đa tất cả những gì khiến mẹ đau đầu, tôi muốn mẹ hạnh phúc.

Tôi trở nên nghiêm túc hơn, tiết kiệm hơn, không còn ham hư vinh, biết nói thật lòng... tôi nghĩ, tất cả những điều đó đều xuất phát từ nguyên nhân tôi tin mình thật sự có mẹ.

Cách đây không lâu tôi gặp lại người chị họ, tôi hỏi chị: "Nỗi nhớ của chị đối với mẹ đẻ có phải do tình cảm của mẹ nuôi dành cho chị không đủ?"

Chị trả lời: "Không phải là do thiếu thốn tình cảm, mà chỉ là không hiểu tại sao người đẻ ra mình lại bỏ rơi mình mà thôi!"

Giọt nước mắt bỗng lăn dài trên má tôi.

Mẹ đã dùng cả nửa đời mình để dành cho tôi một tình yêu không tô vẽ màu mè, thế mà tôi... Tôi sẽ làm tất cả để bù đắp lại những tháng năm sau này cho mẹ.

Trần Hạnh Tường dịch

Người yêu thương tôi nhất

Thái Sinh

Một đêm gió rét, người ấy dắt tôi trên đường về nhà. Hôm ấy trời rét lắm, ngoài đường vắng tanh không một bóng người. Mỗi khi tôi bị vấp hoặc trượt chân, người ấy vội vàng nắm chặt lấy tay tôi giữ cho tôi thăng bằng. Tôi có thể cảm thấy lòng bàn tay người ấy run run và ươn ướt mồ hôi.

Tôi thích bàn tay người ấy, đó là bàn tay tràn đầy tình cảm, mỗi khi trời lạnh tôi thường giấu tay mình vào bàn tay người ấy, người ấy nói: "A, cục nước đá nhỏ bé!", nhưng người ấy không hề ghét bỏ cục nước đá, người ấy nắm chặt lấy nó, để hơi ấm từ bàn tay mình truyền sang tôi, cho tới khi bàn tay tôi ấm lên.

Trong đêm rét mướt ấy người ấy đã uống say, nên bỗng nhiên nói rất nhiều. Người ấy bỗng hỏi ước mơ lớn nhất của tôi là gì? Tôi nói ước mơ lớn nhất của tôi là được về quê ngoại bắt dế, và ăn bữa thịt nướng ngoài bờ sông. Người ấy cười và bảo, ước mơ lớn nhất của mình cũng là được nấu cho tôi một bữa cơm ngoài trời ở bên bờ sông quê ngoại.

Đó là mùa đông năm 1982, tôi bốn tuổi, người ấy 31 tuổi.

Người ấy không bao giờ tranh thủ giáo dục đưa tôi vào khuôn phép mà luôn luôn cố gắng chiều chuộng theo ý thích của tôi, suốt ngày nịnh nọt tôi. Tôi biết người ấy làm như vậy là vì sợ tôi, sợ một đứa con gái bốn tuổi không vui. Người ấy sợ vợ trề môi ra nói: "Anh lại uống say rồi, lần sau mà uống say nữa là em mặc kệ anh đấy.", người ấy rất sợ vợ giận.

Khi uống say người ấy thường trở nên yếu đuối, luôn phục tùng, nhượng bộ tôi. Người ấy thường rụt rè trêu tôi, rồi cười cầu tài, rất sợ sơ ý làm tôi giận mà khóc.

Người đàn ông ấy là cha của tôi. Đến nay tôi đã sắp ở độ tuổi của người ấy hồi đó rồi. Người ấy cũng già rồi, những vẫn sợ tôi như trước, sợ tôi giống mẹ trề môi ra nói: "Sau này mặc kệ."

Thực ra, tôi biết người ấy sợ tôi như vậy là xuất phát từ một tình cảm vô bờ bến.

Đúng vậy, mùa đông năm 1982 ấy, bốn tuổi, cái tuổi đủ để tôi biết ai thương mình, để làm nũng thoải mái.

Hai mươi năm sau, tôi xa nhà. Người chưa bao giờ chịu cảnh chia ly thường không thể thấu hiểu nổi nỗi khổ của chia ly. Tôi vui vẻ chuẩn bị mọi thứ giấy tờ đồ đạc, sau đó chỉ còn ngồi đợi bạn trai tới đón đi. Tôi còn gần như hét lên trong điện thoại: "Nhanh nhanh lên anh, ngày mai thật tuyệt!"

Cha vờ như không nghe thấy tôi nói gì với người yêu qua điện thoại. Bây giờ tôi nghĩ, hẳn khi ấy lòng ông đau như cắt. Cha chỉ có mình tôi là con. Cha rất thích nói câu: "Phụ mẫu tại, bất viễn du" (Cha mẹ còn sống, con cái không đi xa). Nhưng khi cha nhận ra tôi đã đủ lông đủ cánh, không thể không rời xa cha, cha lại nói: "Nam nhi chí ở bốn phương, nữ nhi giờ cũng vậy."

Cha không hề để lộ là mình buồn, chỉ lặng lẽ làm rất nhiều món ngon, cứ như là để tôi mang đi ăn trong vòng một tháng. Cha bóc vỏ

tôm, rồi ướp rồi rang, gắp hết con này đến con khác cho tôi, tôi còn tỏ ra chán ngấy: "Thôi, cha đừng gắp cho con nữa, con chán rồi."

Cho đến đêm trước ngày đi, tôi mới ý thức được rằng lần này xa cha, cách sông cách núi cho dù phương tiện giao thông có hiện đại cũng không thể ngày ngày được gặp mặt cha. Tôi bỗng thấy ân hận. Lúc xuống cầu thang, tay cha cầm cái đèn pin, phía sau là mẹ, tôi càng đi càng chậm. Cha không nhận ra tôi đã bị rớt lại phía sau, cha dặn dò bạn trai tôi: "Cháu cố gắng nhường nhịn nó, tính nó hay nhõng nhẽo, nhưng chỉ một lát là thôi, dù sao thì nó cũng ít tuổi hơn cháu."

Ra đến cổng, chuẩn bị lên xe, tôi khóc òa lên, cha bảo tôi là đứa trẻ con chẳng ra gì. Đêm tôi đi trời cũng mưa rất to, gọi taxi rất khó, cha bảo tôi đứng phía trong cho đỡ ướt, cha ra ngoài một tay cầm đèn pin vẫy gọi xe vào phía trong đón tôi. Tôi nhìn cha, không nói, không khóc nữa nhưng sống mũi vẫn cay cay.

Một năm sau, cha và mẹ ra thủ đô thăm tôi, mang theo rất nhiều đồ, thậm chí cả một túi ốc hương, tôi bảo đi đường xa xách đồ theo làm gì cho lỉnh kỉnh. Cha chẳng nói gì. Mẹ đi nướng ốc cho tôi ăn, còn cha thì lụi cụi sửa cái cửa đã hỏng nửa năm nay cho tôi. Bạn trai tôi đã sửa mấy lần nhưng không được, bây giờ nó bỗng trơn tru như chưa từng hỏng bao giờ.

Cha tôi tuyệt vời biết bao.

Tôi reo lên, cha cười như bẽn lẽn, cầm lấy ống thuốc lào rít chậm chạp, cái cách cha hút thuốc không giống một người già mà như một thanh niên, mẹ bảo giống như hồi cha mới 14 tuổi.

Cha mẹ ở chơi với tôi một tuần, rồi lại về quê để đi làm. Cha không phải là người có trí lớn như người ta, cả đời cha chỉ làm công việc của một viên chức bình thường, không gây dựng sự nghiệp lớn, nhưng cha làm việc rất nghiêm túc và yêu nghề. Sáng ăn sáng ở nhà rồi tới cơ quan, trưa ăn ở nhà ăn tập thể, chiều đạp xe về nhà rẽ qua chợ mua ít thức ăn. Cha chỉ là một người bình thường, một người chồng, một người cha, một viên chức, một công dân bình thường. Thực ra cha hoàn toàn có thể buông lỏng mình, không cần làm gì cũng nghiêm túc như thế, chẳng qua cũng chỉ là để đủ ăn mà thôi. Vì thế tôi đã có lần khuyên cha: "Vì ba triệu đồng mỗi tháng mà ngày nào cũng vất vả thế thì không đáng." Cha trợn mắt: "Con biết cái gì."

Cha giận tôi, cha cho rằng cách nghĩ của tôi là sai lầm, rất sai lầm. Cha luôn cho rằng tôi không biết bằng cha, dù sao thì tôi cũng ít hơn cha 27 tuổi.

Thực ra, tôi chỉ muốn cha hiểu rằng, ba triệu một tháng đối với tôi là con số nhỏ, bây giờ tôi có thể nuôi được cha, tôi muốn cha nghỉ ngơi.

Thực ra, tôi rất kính phục cha, kính phục người cha mỗi tháng kiếm được ba triệu đồng của tôi.

Mỗi năm Tết đến tôi về quê thăm cha, cha đều rất vui, lần nào cha cũng bảo: "Con cao hơn nhiều đấy."

Làm một người nhận ra mình đang già đi, sẽ khiến mình trân trọng những ngày tuổi trẻ của mình. Khi tôi còn nhỏ, cha luôn hãnh diện mỗi khi thấy tôi cao hơn.

Tôi là người do cha tạo ra, từ không đến có, từ sơ sinh cho đến tuổi nhi đồng rồi thiếu niên, thiếu nữ, rồi sắp trở thành vợ của một người đàn ông khác, cha nhìn thấy tôi như vậy sẽ cảm thấy rất vui, nhưng cùng với niềm vui cha cũng cảm thấy hơi buồn vì nhận ra mình đang già đi?!

Thế là hôm cơ quan tôi khám sức khỏe định kỳ, tôi nói với họ ghi tôi cao thêm một xăng-ti-mét. Cha thấy giấy khám của tôi như vậy thì vui lắm dù thừa biết là tôi nói dối, vì tôi còn tiếp tục cao thì cha vẫn còn chưa già. Vở kịch này cả tôi và cha đều biết nhưng không nói ra, chúng tôi muốn tự dối chính mình.

Tết đến vợ chồng em họ tôi cũng về, cùng với đứa con gái hơn một tuổi. Cả nhà quây quanh đứa bé mà vui vẻ. Đêm đến tôi giành quyền ngủ với cháu, niềm vui được ôm cháu ngủ khiến tôi thao thức không ngủ được.

Đêm tĩnh lặng, tôi nghe thấy tiếng đẩy cửa khe khẽ, hóa ra là cha tôi sợ tôi không biết chăm sóc cháu, nên qua xem tôi và cháu ngủ thế nào, tôi không dám động đậy sợ làm cháu thức, nên giả vờ ngủ say, không nói với cha câu nào.

Cha bước tới, nhẹ nhàng kéo cao chăn lên phía cổ cho hai chúng tôi, và kéo cả góc chăn ở chân tôi nữa. Cha rất nhẹ nhàng

nhưng tôi cảm thấy một tình cảm mãnh liệt nơi người cha. Nước mắt tôi trào ra ngay khi cha vừa quay bước.

Trần Hạnh Tường dịch

Thay đổi

Đỗ Hạnh

Ngồi trong quán trà đợi Hữu, chị tỉ mỉ quan sát cốc trà nóng vừa pha, những chiếc lá non đang chìm nổi qua thành cốc trong suốt, đó là mạch suy nghĩ, suy nghĩ cuồn cuộn và nóng bỏng giống như tâm trạng chị mỗi khi nhớ về anh.

Chị nhìn ra phía ngoài khung cửa sổ, đây là thành phố của Hữu, là nơi mà trước đây anh luôn muốn tới. Nơi này rất lạnh, mặc dù đêm xuống đèn điện sáng khắp nơi nhưng cũng không làm thành phố ấm lên chút nào. Hữu, anh ấy thích nơi rộng lớn này, thích thành phố gió lạnh này.

Lý do hai người chia tay nhau, chị đã không còn nhớ nữa, không nhớ ai đã làm tổn thương ai trước, không nhớ ai đã tàn nhẫn hơn ai, không nhớ ai mới xứng đáng với sự khoan dung cao thượng mà đau đớn; chỉ nhớ là tình cảm đã bị phá vỡ, giống như chiếc bánh gatô bị mốc, khi cắn vào miệng không tài nào nhớ nổi sự ngọt ngào thuở ban đầu nữa. Hai người đã yêu nhau một thời gian không dài, nhưng cũng đủ để chị quen có anh bên mình, bốn năm bên nhau cũng đủ để một trái tim già đi. Thói quen khiến cho họ cố gắng duy trì sự hoàn mỹ bề ngoài được một thời gian cho đến khi cả hai cùng cảm thấy mệt mỏi.

"Lanh ạ, có lẽ là anh chưa từng yêu em." Một hôm Hữu nói như thế với chị, sau khi đã cố gắng chinh phục tình yêu của chính mình thêm một lần nữa bị thất bại. Anh bắt đầu phủ nhận tình cảm trước

nay của mình, giọng Hữu không một chút buồn, chỉ có sự lạnh lẽo. Nghe anh nói chị tưởng mình như đã chết đi.

Chị muốn mình là người dũng cảm hơn, thế là chị đề nghị chia tay. Khi ấy chị nhìn thấy rõ sự đau thương chân thành trên khuôn mặt anh. Chị lại cảm thấy mừng vui thanh thản, sự thanh thản thê lương! Rồi chị nghe thấy tiếng cười ấm áp của Hữu, chị nghĩ suốt cuộc đời này chị cũng không sao quên được sau câu nói tàn nhẫn "ừ, như vậy là cả hai chúng ta đều được giải thoát" ấy là sự phờ phạc dịu dàng mà vẫn ấm áp của anh.

Chị tiễn anh lên xe, anh đi đến thành phố mà anh yêu thích từ bao lâu nay. Trước lúc anh ra đi, họ dường như cùng trở về những ngày còn có nhau. Anh chủ động hôn lên môi chị. Băng giá, nụ hôn quện với nước mắt. Chị ôm anh thật chặt, chị biết từ nay trở đi chị không bao giờ còn cơ hội được gần gũi anh như thế này nữa, chị ước gì thời gian dừng lại, chị muốn kéo dài hơn dù chỉ một chút thôi cái phút giây này. Chị hôn anh nồng nàn, có lẽ đã lâu lắm rồi chị mới hôn anh như thế. Chị nghĩ nụ hôn này sẽ giết chết tất cả những nụ hôn sau này trong cuộc đời chị. Liệu chị còn có thể yêu được nữa không nhỉ? Chị vẫn hôn anh, nụ hôn nồng sâu nhưng cũng xót xa lắm! Trong nỗi xót xa ấy chị nhận ra mình yêu anh vô cùng.

Anh đi rồi. Chị chuyển nhà. Hình ảnh của anh vẫn nằm nơi sâu thẳm trái tim chị, nhưng chị biết điều đó cũng chẳng có tác dụng gì. Chị nén lòng mình lại, chị sẽ không làm phiền anh nữa.

Không gặp anh? Có thể! Nhưng tiếng gọi tên anh thì không thể tắt đi. "Hữu ơi! Hữu ơi!..." Trong nỗi cô đơn sâu thẳm không thể đo lường, tiếng gọi vang lên theo mỗi nhịp đập của trái tim "Hữu ơi!"...

Cứ giày vò như vậy hai năm. Cuối cùng đến một ngày, chị chợt nghĩ mình có thể quên được anh rồi, thì cũng là lúc chị nhận ra chị đã thay đổi quá nhiều, chị ít nói hẳn đi; chị đã thích ăn sôcôla; thích cầm máy ảnh lang thang khắp nơi; đồ ăn thì cái gì cũng toàn hành với ớt; mở tủ lạnh ra thì đầy nước ổi; còn khăn mặt nữa chứ, toàn màu vàng; khăn trải giường cũng đã đổi thành kẻ xanh trắng. Chị lặng người đi một lát rồi nhìn vào gương, chị khóc nấc lên, rồi nghẹn ngào gọi tên anh, tuyệt vọng, thê lương, và cả phẫn nộ nữa. Chị vẫn chưa quên anh! Chị đã dùng cách sống của anh, sở thích của anh để nhớ về anh. Chị đã thay đổi trong vô thức! Chị yêu anh, chị không thể phủ nhận được nữa rồi. Vậy thì tại sao không lên đường đi tìm anh, Hữu ngày xưa của chị. Chị rất sợ lạnh, và ghét thành phố này vì nó đã cướp mất Hữu của chị. Chị đã từng thề là sẽ không bao giờ đặt chân đến mảnh đất này, nhưng bây giờ chị không thể không đến, chị cần Hữu.

Trong điện thoại Hữu nói rất khách sáo. Khi vừa nghe thấy tiếng anh vang lên trong máy, nước mắt đã làm giọng chị lạc đi. Hữu là lý do duy nhất khiến cho thế giới của chị mất thăng bằng. Chị tới đây là để cứu chính mình hay là tự đưa mình vào tuyệt cảnh không lối thoát? Chị cũng không biết nữa. Chị thấy cần có anh thế là chị đi tìm. Chị yêu anh và không việc gì phải giữ thể diện trong chuyện này. Có thể là chị sẽ biết chị mất anh thật sự, mất hoàn toàn, nhưng cũng có thể là chị sẽ lại có anh.

Hữu do dự một lát rồi nhận lời đến gặp chị. Địa điểm là quán trà

Cát Tường mà chị đang ngồi đợi anh. Chị cần một nơi yên tĩnh như

thế này để giúp chị lấy can đảm. Chị nghe thấy tiếng thở dài của Hữu trong điện thoại. Anh nói: "Lanh, em vẫn trẻ con như ngày xưa."

Chị đặt ống nghe xuống, rồi đi thẳng đến quán Cát Tường. Đợi, sự chờ đợi khiến chị bình tĩnh lại. Trên cổ tay chị chỉ có chiếc vòng mã não khắc chữ Phật, chị không có thói quen đeo đồng hồ, chị chỉ đếm cốc trà trên bàn đã thay đến lần thứ tư. Hữu đến, sán lạn, yên lặng.

Không mang theo một chút tình cảm nào.

Chị nhìn cách anh kéo ghế ngồi xuống thật là quen thuộc. Chị chưa kịp nói gì thì Hữu đã lên tiếng: "Lanh, anh sắp cưới vợ, khoảng cuối tháng Mười."

Anh nói, anh nói chuyện trên trời dưới biển, nói liên tiếp, chị hiểu anh sợ chị ngắt lời anh. Rồi anh gọi phục vụ mang kẹo sôcôla tới, anh không để ý chị cũng đang ăn kẹo sôcôla, thứ kẹo mà trước đây mỗi khi hai người bên nhau chỉ có anh ăn thôi. Vị ngọt của sôcôla cũng không làm giọng anh ngọt ngào hơn được. Bỗng nhiên chị thấy lạnh, lạnh thấu xương.

Chị tự hỏi chị đã mất đi cái gì? Lẽ nào là Đặng Tùng Hữu vừa gần gũi thân quen vừa xa vời lạ lẫm đang ngồi trước mắt chị đây sao? Cái người mà chị ngày nghĩ đêm nhớ, tại sao khi đối diện lại không hề có tình cảm gì thế nhỉ? Rõ ràng vẫn là anh, mắt một mí, sống mũi cao, bờ vai rộng, cử chỉ chậm chạp cẩn thận... thế thì tại sao chứ? Chị biết rằng nếu lúc này Hữu lại hôn chị và dịu dàng nói với chị rằng "mình làm lại từ đầu nhé", thì chưa chắc chị đã thấy vui. Có lẽ hai mắt ngấn nước của chị khiến cho Hữu hơi lúng túng, anh

thoáng ngập ngừng rồi nói: "Lanh, mọi chuyện đã qua rồi, bây giờ

anh đang hạnh phúc, mong em chúc mừng hạnh phúc cho anh."

Chị nghe thấy tiếng cười khô khốc của chính mình. Ánh mắt chị hướng về phía đường lớn. Thành phố này quả là rộng thật, nhìn lướt qua đã thấy có biết bao nhiêu là bối cảnh đan xen vào nhau. Bất giác chị mỉm cười. Vào đúng lúc ấy chị bỗng hiểu mình thật sự cần gì.

Thực ra bây giờ cái chị còn lưu luyến không phải là người đàn ông chị đã từng yêu đang ngồi trước mặt chị, mà là lưu luyến quá khứ, lưu luyến cái tình yêu trong suốt bốn năm, đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của chị, khi bỗng nhiên mất đi, chị chới với, cô đơn. Anh đã từng đi cùng chị trên một con đường, cái mà chị ngày đêm tưởng nhớ chỉ là những dấu chân của anh mà thôi. Quá khứ lãng mạn và đẹp đẽ nên chị cần sự yên tĩnh để truy điệu nó. Anh đã không cùng đi với chị nữa, chị cũng nên xóa dấu chân anh đi thôi.

Chị như rũ bỏ được gánh nặng, đứng lên nhẹ nhõm, chị bước ra khỏi quán không nói lời nào. Bước chân có vẻ như lang thang, chị vẫn chưa kịp quen với sự tự do này.

Chị tìm lại được chính mình, cái con người mà chị đã đánh mất từ lâu. Bây giờ chị cần mang chính mình trở về nhà.

Trần Hạnh Tường dịch

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro