HẠ ĐỎ [Nguyễn Nhật Ánh]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nguyễn Nhật Ánh có một lối kể chuyện rất riêng, một cách dẫn dắt đầy mới mẻ, căng tràn hơi thở thanh xuân nhưng lại nhuốm màu cổ tích. Giữa những "Cho tôi một vé đi tuổi thơ", "Mắt Biếc", "Ngồi khóc trên cây",..., ta bắt gặp một Hạ đỏ rất riêng biệt, một màu buồn tinh khiết. Hạ đỏ là một tập truyện dài, hoàn thành năm 1991, thời điểm giao thoa giữa cái xưa cũ và hiện đại, nên trong những trang viết, giữa thênh thang những mộng mơ của tuổi thơ hạ đỏ, lại nghe một chút hoài niệm xa xăm vọng lại từ một mối tình câm lặng dở dang, một mùa hè đỏ cháy hoa phượng của một đứa trẻ đơn phương mà trưởng thành giữa những đứa trẻ không bao giờ lớn.

Hạ đỏ chộp lấy một khoảnh khắc, chênh chao một mối tình đầu.
Mùa hè năm đó, kết thúc kì thi lớp 9, Chương khăn gói về Hà Xuyên, quê ngoại nó. Ở nhà dì Sáu, nó gặp thằng Nhạn thằng Dế, hai đứa con của dì, bắt đầu những chuỗi ngày bắn chim tắm suối, tập võ tập bơi. Mùa hè của những đứa trẻ lớn lên ở Hà Xuyên gói gọn trong những buổi trưa đứng nắng băng qua ngõ trúc rợp bóng và ngập tiếng chim, say sưa trong thế giới do chính chúng tưởng tượng ra, nơi nắng không phải màu vàng và mùa hè không phải là mùa của chia li.

Ở Hà Xuyên, Chương gặp anh Thoảng, một "ông thầy" dạy võ thương nó như em ruột, bắt nó tập võ quần quật cả trưa để không bị mấy đứa trẻ xóm Miễu bắt nạt. Ở Hà Xuyên, nó gặp Dư, một thằng bé cứng đầu, ngỗ ngược, hay gây sự với tụi em nó ở xóm ngoài. Ở Hà Xuyên, nó gặp Thơm, đứa cháu ông Tư Thiết với nụ cười tươi rói và giọng nói lanh lảnh đáng yêu, sẵn sàng hái hết xoài trong vườn cho nó chỉ để nghe nó kể chuyện nhà cao tầng trên thành phố, với những rạp chiếu phim trẻ em không cần tốn tiền mua vé, chỉ cần đưa giấy khai sinh.

Và cũng ở Hà Xuyên, Chương băng qua trảng cỏ may thênh thang, băng qua cây cầu bắt ngang con suối nhỏ, hướng về phía ngôi nhà với tàn phượng vĩ đỏ cháy xé trời Miễu thôn, để dạy chữ cho Dư, và cho chị nó, Út Thêm. Út Thêm có cái răng khểnh, cười duyên ơi là duyên. Út Thêm có giọng nói nhỏ nhẹ dễ nghe. Út Thêm không biết đọc, nhưng Út Thêm chịu khó nghe nó giảng giải, Út Thêm chăm chỉ ngồi ghép vần, ngồi tập đánh vần, ngồi tập viết theo chữ nó phóng. Út Thêm trong lòng nó, là một Út Thêm của những rung động tình đầu. Nhưng mà tình đầu đó, có thể nhớ, không thể thương. Tết năm sau Út Thêm lấy chồng. Ba mẹ hai bên hứa hôn với nhau, phải cưới gấp vì ba chồng Út Thêm bệnh nặng sợ không qua khỏi. Nó điếng người hỏi trong tiếng hụt hơi chồng Út Thêm là ai? Hôm đó nó ngồi ngó lên tán phượng gom nắng trước sân nhà Út, nghe thằng Dư từ tốn nói ra hai chữ: "Anh Thoảng".

Hạ đỏ kết thúc một mối tình câm bằng một mùa hè dang dở.
Đọc Hạ đỏ, tôi như nhìn thấy chính mình trong những nụ cười làng Hà Xuyên. Đọc Hạ đỏ, tôi thèm ghê gớm cái cảm giác được đi bộ ngang qua ngõ trúc những trưa nắng rụng lốm đốm. Tôi muốn tự chân băng qua trảng cỏ may dẫn về xóm Miễu, muốn ngồi trước hiên nhà Út mà ngó lên tán phượng đỏ của những dang dở tình đầu. Hà Xuyên qua lăng kính của Nguyễn Nhật Ánh, trở nên đẹp một cách lạ lùng, một cách trong trẻo, một cách gây nhớ gợi thương. Những đứa trẻ làng Hà Xuyên, chỉ mới mười hai mười ba, mười lăm mười sáu, nhưng đã trải qua không biết bao cuộc chạm trán nảy lửa ở khúc suối ngăn đôi hai xóm. Ban đầu cứ ngỡ là bọn trẻ con nghịch ngợm, sau mới biết những trận "thủy chiến" một sống một còn là xuất phát từ sự ghen tị. Trẻ con xóm Miễu không được đi học.

Cái mà Nguyễn Nhật Ánh đưa vào Hạ đỏ, không chỉ là những câu chuyện kể cho bọn trẻ con, mà đó là mặt suối phản chiếu trong ngần tĩnh lặng những gương mặt trẻ thơ, là những số phận, là những thiếu thốn, là những khao khát đến cháy bỏng một lần biết đến cảm giác chia li của mùa hè. Phượng nở là mùa chia li. Nhưng với những đứa trẻ như thằng Dư hay Út Thêm, mùa hè chỉ là mùa ve kêu, là mùa nắng cháy, là những trận chiến giữa suối diễn ra đều đặn hơn, là mồ hôi sau lưng áo chị thằng Dư đổ nhiều hơn.

Còn Chương. Về làng với những háo hức của một đứa trẻ đang tuổi mới lớn, rời làng với một tâm hồn tím thẳm cùng một mối tình câm. Hôm rời làng Út Thêm biểu thằng Dư đuổi theo nó, đưa cho nó một bó cỏ may. Nó từng nói nó thích nhất cỏ may. Nó thích cỏ may vì cỏ may mọc đầy trên lối về nhà Út. Út Thêm thật thà lại chẳng biết con trai thành phố ưa nói bóng nói gió. Út Thêm tưởng nó thích cỏ may thật. Những chiều băng qua trảng cỏ đến nhà Út dạy học, cỏ may bám đầy gấu quần về đến nhà nó còn gỡ không hết.
"Nó gửi theo làm gì cho cỏ may đâm nhói trái tim tôi?"

Hạ đỏ là một trong những tập truyện được yêu thích nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Lần đầu đọc Hạ đỏ, chỉ thấy buồn man mác. Đọc lần thứ hai thứ ba, mới nhận ra Hạ đỏ là cả một thế giới thu nhỏ của tuổi thơ. Hãy đọc Hạ đỏ, để nhận ra suốt những năm tháng trưởng thành, bạn đã bỏ lỡ những gì.

                 Din

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro