Rain

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"I cry
For the life you lived
And the one you didn't"

Eulogy for a Hermit

Có bao giờ bạn lắng mình lại để nghe tiếng mưa rơi, dùng sự lặng im của con tim để cảm nhận từng giọt mưa chạm xuống mặt đất, để hưởng thụ mùi của những chồi non xanh mơn mởn trên nền đất ẩm. Mưa vừa mang đến sự đổi thay, vừa đánh thức những kỉ niệm xưa cũ đã chôn sâu trong tâm trí . Có những người thích mưa vì lý do đó, có những người ghét mưa cũng chính vì điều ấy. Vậy còn bạn, trong mưa, bạn thấy gì?

Còn đối với tôi, mưa gắn liền với kí ức vui buồn, nơi có bóng dáng một người bạn thuở thiếu thời, người tôi đã xem là một phần của cuộc đời, cũng là người mà tôi chẳng thể gặp lại...

Tôi là Hà Dương và cậu ấy là Hoài An. Chúng tôi là hàng xóm của nhau, chẳng biết từ bao giờ mà tôi cùng Hoài An trở thành đôi bạn keo sơn gắn bó không thể tách rời.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn khắc ghi mùa hạ ấy, một mùa hạ chúng tôi đã chia xa nhưng những kỉ niệm vẫn còn mãi.

...
9 năm trước

Cái khí trời oi ả của tháng 6 khiến người ta phải điên đầu nhức óc. Tiếng ve kêu inh ỏi cùng giọng giáo viên giảng bài trong các phòng học tạo thành một bản hòa tấu hỗn độn khi nhạc trưởng vắng mặt.

Tôi nằm trên bãi cỏ xanh rì sau trường, lắng nghe tiếng xì xào của gió đang thủ thỉ với tán cây. Những chiếc lá rụng tạo thành một chiếc đệm êm ái, một vài vạt nắng len lỏi qua tán lá tình cờ vẽ nên vùng sáng quanh chiếc đệm ấy.

Bỗng một bàn tay vươn tới từ sau che mắt tôi lại.

"Đố biết là ai đấy."

"Còn ai ngoài nhỏ nấm lùn ba mét chẻ đôi nữa hả." Tôi cũng chẳng lạ lẫm gì với mấy trò đùa của Hoài An nữa mà gạt tay nhỏ ra.

Nhỏ cười hì hì ngồi xuống cạnh tôi rồi nói: "Sao không qua đá cầu với mọi người mà ngồi đây thẫn thờ chi vậy, bình thường mày ham mấy trò này lắm mà."

"Haiz, cuối cấp rồi nên tao đang lo lắm mày ạ, không biết có được vào chung trường cấp ba với mày không nữa. Tao mà trượt một phát là mẹ tao cho tao đi trầu ông bà luôn." Tôi vừa trả lời nó với giọng điệu sầu thảm, vừa mân mê cánh hoa trên tay.

"Mày đừng lo nghĩ nhiều, càng lo nghĩ sẽ càng khiến mọi chuyện thêm tồi tệ thôi, mày có thấy đám mây kia không, nó cứ vô tư sống cuộc đời của mình mà chẳng màng đến điều gì." Nhỏ chỉ tay lên bầu trời, tia nắng mặt trời xuyên qua tán lá, chiếu rọi vào mái tóc nhỏ tạo thành những đốm sáng li ti, đôi mắt nhỏ lấp lánh dưới ánh nắng, đôi mắt ấy lúc nào cũng như vậy, nó trong veo tựa như mặt nước hồ thu yên ả không chút gợn sóng.

Tôi ngước nhìn bầu trời, ngắm nghía những đám mây trắng với đủ loại hình thù khác nhau, lòng tôi lúc bấy giờ bình yên kì lạ. Nhưng rồi tôi lại thoáng nghĩ, giữa những tầng mây tưởng như vô tư kia liệu có chất chứa nỗi u buồn nào không?

Mà thật ra cũng chẳng cần nghĩ nhiều, tôi cứ mải đắm chìm trong thế giới riêng của mình giữa những tầng mây. Bỗng Hoài An giật tóc tôi cười khúc khích, tôi nhanh chóng giật chiếc kẹp của nhỏ rồi chạy vụt đi với tiếng cười sảng khoái.

Cứ thế hai đứa nô đùa nhau giữa sân thể dục, tiếng nói cười vang vọng cả một vùng trời. Đột nhiên tiếng cười nói phía sau im bặt. Tôi thấy lạ nên quay người lại tìm kiếm bóng dáng của Hoài An thì thấy nhỏ đang cúi người, tay đỡ lấy đầu thở hổn hển.

Ngay giây sau đó, nhỏ mất thăng bằng ngã uỵch xuống, đầu chạm vào nền đất phát ra tiếng động to khiến trái tim tôi hẫng đi một nhịp. Đầu óc tôi choáng váng, chẳng kịp nghĩ ngợi điều gì, tôi ngay lập tức lao đến bên cạnh nhỏ, nâng đầu nhỏ đặt lên đùi tôi. Khuôn mặt nhỏ lúc đó trắng bệch, vết nhăn giữa trán xô vào nhau, nhịp thở ngày càng gấp gáp.

Mọi người xung quanh nhanh chóng xúm lại hỏi han. Những câu hỏi cứ xen lẫn vào nhau khiến tôi chẳng thể nghe rõ được gì. Tôi cùng thầy giáo và một số bạn đỡ Hoài An đến phòng y tế. Cảm giác lo lắng, bất lực cứ chen lấn, quay cuồng trong tâm trí tôi lúc bấy giờ. Chẳng hiểu vì lý do gì mà đường đến phòng y tế hôm nay lại xa đến như vậy.

Sau khi đến phòng y tế, cô giáo kiểm tra tình hình của Hoài An và gọi xe cứu thương đến. Thầy giáo trấn an mọi người và bảo tất cả quay lại lớp để học tiết cuối cùng.

Dù vô cùng lo lắng cho Hoài An nhưng tôi vẫn phải quay lại lớp để bắt đầu tiết học. Ngồi trong phòng học nhưng tâm trí tôi lại đặt ở một nơi nào đó rất xa, tiếng cô giáo giảng bài chẳng thể lọt vào tai tôi một chữ nào.

Tiếng còi của xe cấp cứu vang lên rồi cứ ngày một xa dần như kéo cả tâm hồn tôi đi theo.

Tôi cứ ngồi trong lớp cảm nhận từng kim đồng hồ kêu tíc tắc. Tiếng trống trường vang lên như đánh thức trái tim tôi, tôi thu dọn sách vở, đứng dậy chào cô và chạy tót đến nhà của Hoài An dưới nhà tôi một tầng.

Tôi và Hoài An sống trong một khu nhà tập thể cũ kĩ, vì thế mà ở đây chẳng có nổi một cái thang máy. Tôi thở hồng hộc chạy lên tầng ba, liên tục bấm chuông cửa nhà Hoài An. Thế nhưng chờ đợi một hồi lâu vẫn không có ai ra nở cửa, có lẽ mọi người vẫn đang ở trong viện.

Nghĩ vậy tôi liền chạy về. Mẹ tôi đi làm từ sáng sớm đến chiều muộn mới về nhà, ngày nào cũng như vậy, vì thế mà căn nhà nhỏ vô cùng trống vắng. Bố mẹ tôi đã ly hôn từ khi tôi mới học cấp một, mẹ tôi phải gồng gánh kinh tế để nuôi hai chị em tôi ăn học mà không có lấy một đồng chu cấp nào từ người được gọi là bố.

Gia đình tôi hoàn toàn trái ngược với gia đình hạnh phúc của Hoài An, nơi mà nó được nuông chiều bởi bố mẹ và ông anh cả. Còn tôi thì ngược lại, suốt ngày phải chịu đựng sự cáu bẳn của mẹ, tôi luôn ước rằng mình có thể có được một gia đình êm ấm như bao người. Ấy vậy mà hai đứa trẻ từ hai thế giới trái ngược nhau lại có thể trở nên thân thiết như bây giờ.

Quỳnh Châu - đứa em gái kém tôi bốn tuổi vẫn đang ngủ trên giường, vì hôm nay là thứ bảy nên nó được nghỉ ở nhà. Nhìn chỗ thức ăn đã nguội lạnh mà Châu để sẵn trên bàn bếp, tôi chẳng màng đến mà chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại bàn, mong chờ cuộc gọi từ mẹ Hoài An vì tôi biết bác gái sẽ gọi cho mình để thông báo về bệnh tình của nhỏ.

Chẳng biết tôi đã ngồi thẫn thờ ở đây được bao lâu, mãi cho đến khi tiếng chuông điện thoại reo lên, như một người lạc giữa đảo hoang phát hiện có chiếc tàu đang đi tới, tôi chộp lấy chiếc điện thoại nhanh chóng bắt máy.

Đầu dây bên kia vang lên tiếng của bác Hương - mẹ Hoài An: "Hà Dương hả con?" Đó là giọng nói đầy sầu thảm như một người vừa mới khóc cạn nước mắt.

"Là cháu đây ạ, Hoài An sao rồi cô?" Tôi gấp gáp hỏi về tình hình của Hoài An, cố giữ cho giọng nói của mình bình tĩnh nhất có thể.

Sau một hồi im lặng thì cuối cùng tôi mới nhận được câu trả lời: "Bác sĩ chẩn đoán Hoài An bị ung thư, chiều nay nó xuất viện, cháu sang thăm nó giúp cô nhé."

Trái tim tôi lúc ấy như rơi xuống vực tối sâu thẳm. Tôi hỏi han bác về bệnh tình của Hoài An rồi cúp máy. Ngay khi tiếng điện thoại tắt đi, tôi không thể kiềm chế được những giọt nước mắt chực chờ nơi khóe mi, tôi ôm mặt khóc nấc lên. Rõ ràng mới chỉ hôm qua hai đứa còn cười đùa với nhau, cùng nhau mơ ước về một tương lai đầy đẹp đẽ. Vậy mà hiện thực lúc bấy giờ như tát một xô nước lạnh vào tâm hồn mơ mộng của hai đứa trẻ.

Chiều hôm ấy khi hay tin Hoài An đã xuất viện, tôi tức tốc chạy xuống nhà Hoài An. Khi tôi bước vào phòng, Hoài An quay lưng về phía tôi không nói lời nào. Ánh hoàng hôn từ cửa sổ rọi vào khiến bóng lưng của nó u uất đến kì lạ.

Tôi khẽ hỏi: "Mày còn mệt không?"

Nó vẫn quay lưng về phía tôi mà nói: "Tao đỡ rồi, mày về đi, tao muốn ở một mình."

Tôi hơi sốc trước câu nói của Hoài An nhưng cũng hiểu được một phần tâm lí của nó bây giờ, ai lại có thể chấp nhận được một biến cố to lớn như vậy xảy đến với cuộc đời mình.

Tôi chưa vội về mà khẽ đến bên cạnh chạm vào vai nó. Thế nhưng nó nhanh chóng gạt tay tôi ra và nói lớn: "Tao đã bảo mày về đi mà." Nói rồi nó đẩy tôi ra khỏi phòng và khóa chặt cửa lại.

Tôi cứ đứng sững ở đấy như trời trồng. Mãi một lúc sau, đôi chân nặng trĩu của tôi mới di chuyển. Trên đường đi về nhà, khuôn mặt và lời nói của Hoài An cứ ám ảnh tôi mãi. Chẳng còn là đôi mắt hồn nhiên đó nữa, ánh mắt của nó lúc ấy chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm.

Khi về nhà tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Trước đấy tôi cứ nghĩ những chuyện như này sẽ chỉ có trên phim và sẽ không xảy đến trong cuộc đời mình. Tôi thầm nghĩ mình phải giúp Hoài An trở nên vui vẻ hơn.

Bỗng tôi nhớ đến câu chuyện của Sadako và những con hạc giấy. Tối đấy tôi quyết định thức trắng đêm để gấp hạc giấy tặng Hoài An, dù gì ngày mai cũng là chủ nhật nên tôi được nghỉ. Nhỏ Châu thấy vậy cũng muốn giúp tôi một tay, thế nhưng mới chỉ gấp được chục con nó đã lăn ra ngủ.

Sáng hôm sau tôi thức dậy với đôi mắt thâm quầng, nhìn bình hạt giấy mới chỉ hơn phân nửa, tôi cảm thấy mệt mỏi và hơi chán nản. Nhưng dù sao thì quà cáp đâu quan trọng, quan trọng là tấm lòng đặt trong đó cơ mà.

Tôi cầm chiếc bình chạy xuống nhà Hoài An. Tâm trạng của tôi bồi hồi và lo lắng, không biết liệu nhỏ có thích món quà này hay không. Mẹ Hoài An ra mở cửa và mời tôi vào nhà, bác bảo rằng cảm xúc của nhỏ đang không ổn định, nhỏ đã ở lì trong phòng từ hôm qua đến bây giờ rồi.

Nghe vậy tôi có chút lo lắng bước vào phòng. Hoài An đang ngồi trên giường đọc sách, thấy tôi đến nó có vẻ ngạc nhiên, sự mệt mỏi dường như đã in hằn lên khuôn mặt đó.

Tôi đến bên cạnh nó, cười nói: "Tao gấp hạc giấy tặng mày nè."

Nhỏ nhìn tôi chằm chằm rồi đặt bình hạt giấy trên bàn, nở một nụ cười tươi rói rồi giơ cuốn sách trên tay lên: "Tao đang đọc truyện nè, mày đọc chung luôn không."

Tôi chẳng nghĩ ngợi gì mà ngồi xuống bên cạnh nó, hai đứa cùng đọc truyện, cùng vui đùa với nhau, chia sẻ hết mọi chuyện trên trời dưới đất. Dường như mọi muộn phiền đều đã tan biến theo mây gió ngoài kia. Nắng từ khung cửa sổ chiếu vào phòng cùng hương hoa thạch thảo bên bệ cửa tạo nên một bức tranh thật thanh bình.

Cái cách làm hòa của hai đứa bạn thân cũng thật kì lạ. Chẳng cần phải xin lỗi, cứ nói chuyện với nhau như bình thường, vậy là mọi xích mích đều được hòa giải.

Hai đứa tôi đang ngồi cười đùa vui vẻ với nhau thì thầy giáo chủ nhiệm cùng các bạn học đến thăm bệnh Hoài An. Mỗi người mang theo một món quà nho nhỏ, hỏi han ân cần. Cả lớp cùng nhau nói chuyện, động viên Hoài An khiến bầu không khí thêm ấm cúng.

Hoài An đã vui lên rất nhiều sau cuộc nói chuyện đó, điều đó khiến tôi yên tâm và bớt lo lắng hơn.

Cứ thế mà Hoài An cùng tôi chống chọi lại bệnh tật hiểm ác. Những tháng ngày trôi qua một cách bình yên trong kỉ niệm êm đềm, những cuộc đi chơi vui vẻ, những lần tâm sự sẻ chia dưới ánh trăng tròn, cùng nhau đạp xe qua rặng hoa xuyến chi trong buổi chiều tà.

Tôi cố gắng không nhắc nhiều đến căn bệnh của Hoài An. Thế nhưng cứ mỗi khi chứng kiến bệnh tình của bạn mình chuyển biến xấu đi, đáy lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc đau xót đến tột cùng. Tôi căm hận căn bệnh ấy lắm, rằng nó đã ập đến cuộc đời bạn tôi một cách đột ngột, dày vò một con người đến chết dần chết mòn.

Mặc dù bệnh tật quái ác là vậy, thế những những kỉ niệm mà chúng tôi trải qua bên nhau lại vô cùng ấm áp. Đó là cái ấm áp của một tình bạn diệu kì, tựa như ánh trăng thắp sáng bầu trời đêm.

Kỉ niệm mà tôi nhớ nhất có lẽ là lần cùng nhỏ dạo chơi trên bãi biển. Chúng tôi hết đi nghịch nước rồi lại đi tìm vỏ sò. Đến khi kiệt sức thì hai đứa nằm trên cát ngắm bầu trời. Lúc ấy Hoài An đã bảo tôi rằng nhỏ muốn vẽ lại cầu vồng. Khi đó việc vẽ lại cầu vồng đã trở thành ước muốn chung của hai chúng tôi. Tôi quyết tâm sẽ cho nhỏ nhìn thấy cầu vồng, thực hiện ước muốn cuối cùng của nhỏ.

Nhà của tôi và Hoài An đều có gia cảnh nghèo khó nhưng nhà Hoài An thì khấm khá hơn nhà tôi một chút. Gia cảnh đã nghèo khó, giờ lại phải lo tiền để chữa bệnh cho con thì ắt hẳn cuộc sống cũng không dễ dàng gì. Có lần tôi và Hoài An đóng cửa để chơi trong phòng. Vì thế mà khi bố mẹ Hoài An về, không thấy ai ở trong nhà, có lẽ hai bác tưởng rằng Hoài An cùng tôi đi chơi nên có lời qua tiếng lại về bệnh tình của Hoài An rồi đâm ra cãi nhau.

Khi đó Hoài An kể với tôi rằng bố mẹ nhỏ cứ lựa những lúc không có nhỏ mà cãi nhau, nhưng thật ra nhỏ biết hết. Thế nhưng nhỏ không bao giờ tự trách bản thân hay gì cả, nhỏ không sai và bố mẹ nhỏ càng không sai, có lẽ cái sai duy nhất là căn bệnh quái ác này.

Nhỏ còn kể vì hoàn cảnh gia đình khốn khó, phải lo tiền viện phí cho nhỏ nên anh trai nhỏ đã gác lại việc học đại học để đi làm thêm kiếm tiền, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Nhưng dù có việc gì đi chăng nữa thì gia đình nhỏ vẫn luôn yêu thương lẫn nhau.

Nghe nhỏ nói một cách bình thản mà lòng tôi bỗng thắt lại. Sự hạnh phúc của một gia đình đang đứng trên bờ vực sụp đổ cũng một phần vì sự nghèo khó.

Cái nghèo đeo bám con người thật dai dẳng. Chính nó là xiềng xích ghì chặt đôi chân người ta lại một chỗ. Mặc cho tâm hồn có muốn bay nhảy thật cao xa thì khi đừng trước bức tường vô hình mà cái nghèo tạo nên, con người ta bỗng trở nên yếu đuối đến kì lạ. Cái nghèo giết ta từ bên trong, khiến ta chết dần trong vũng bùn sâu thẳm. Nếu không có cái nghèo ấy, có lẽ cuộc sống của Hoài An và cả tôi đã trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

Thời gian thoi đưa, chẳng mấy chốc mà đã đến tháng chín. Căn bệnh của Hoài An vẫn chẳng có chuyển biến gì tốt mặc cho mọi người quan tâm và săn sóc hết mực.

Mỗi khi thấy tôi lo lắng, Hoài An lại an ủi tôi bằng một vài câu nói đùa, cố cho tôi thấy nó vẫn ổn. Thật kì lạ khi người bị bệnh lại phải an ủi người không bị bệnh. Mà cũng phải thôi, đôi khi người lành lặn còn cảm thấy đau hơn cả người bị bệnh mà.

Đến hôm trung thu, vì mẹ tôi không cho đi chơi đêm nên Hoài An rủ tôi trốn ra ngoài đi chơi.

Lúc đầu tôi có hơi lo lắng nên không dám đi, tôi bảo với nhỏ: "Nhưng mà tao sợ lắm, mẹ tao mà biết là tao ăn no đòn luôn."

Hoài An bảo: "Mày viện cớ đi ngủ sớm rồi nhân lúc mẹ mày không để ý lẻn ra ngoài là được mà, vả lại mày có nhỏ Châu bao che mà sợ gì."

Nghe Hoài An bảo vậy, tối đấy tôi canh lúc mẹ vào phòng ngủ mà lẻn ra ngoài, tới nhà Hoài An rủ nhỏ đi chơi.

Hai đứa tôi cười khúc khích, cầm lồng đèn đi dạo trên phố. Đường phố đêm rằm tháng tám nhộn nhịp hơn bao giờ hết, đèn đường lung linh chiếu sáng con đường chúng tôi đi, bóng của chúng tôi in trên thềm đá trở nên to lớn hơn hẳn.

Ánh trăng mờ ảo bao trùm cả không gian đất trời, len lói vào từng ngõ ngách, len lói vào cả bước chân chúng tôi. Tiếng lá cây xào xạc cùng với làn gió thu se lạnh bọc hương ổi chín vàng lan tỏa trong không khí. Chúng tôi vừa đi vừa thưởng thức hương vị của mùa thu thấm đẫm trong từng làn gió, với những tách trà thoang thoảng mùi hoa, với hương cốm gói trong lá sen thơm ngát.

Hai đứa tôi đi qua từng gian hàng, hưởng thụ những thức quà của mùa thu: nào là chiếc bánh trung thu ngọt ngào, nào là quả hồng chín ngọt lịm.

Ăn uống no nê xong, tôi và Hoài An cùng nhau chơi tò he, rước đèn, những chiếc lồng đèn rực rỡ cùng tiếng trống rộn ràng khiến không khí càng trở nên vui tươi, phấn khởi.

Khi trăng lên cao, hai đứa tôi lại rủ nhau đạp vịt giữa hồ. Ánh trăng soi sáng cả một vùng nước lớn, từng ánh sáng li ti vỗ vào mạn thuyền, tôi ngỡ tưởng như có hàng vạn vì sao đi theo ánh sáng của vầng trăng mà đến với cõi trần này. "Ê ước gì mình có thể múc ánh trăng bỏ vào trong chiếc lọ nhỉ," nhỏ Hoài An đùa với tôi.

Hai đứa chúng tôi đắm mình vào đêm trăng rằm với hương vị của mùa thu. Tôi nghe thấy chính mình trong từng tiếng gió xì xào, trong hương hoa sữa thơm ngát. Gió thu mang tâm hồn tôi ngao du giữa một miền kí ức tươi đẹp. Và dường như Hoài An cũng cảm thấy thế. Nó ngước nhìn bầu trời cao rộng rồi bảo với tôi: "Tao ước gì thời gian ngừng trôi để được mãi ngắm nhìn bầu trời này."

Mùa thu đẹp thật đấy nhưng chẳng mấy chốc mùa thu yên bình này sẽ kết thúc. Chúng tôi rồi sẽ phải chia xa bầu không khí dịu êm này để đối mặt với mùa đông khắc nghiệt.

Liệu chúng tôi có thể chống chọi lại cái giá lạnh của mùa đông. Mùa đông khắc nghiệt quá, sao tôi có thể chịu được cảm giác cô đơn không có một ai ở bên. Thế nên mùa đông này, nếu có đến thì hãy chỉ đi một mình thôi, xin đừng mang theo người bạn yêu quý của tôi.

Đến giữa đêm khi đã chơi chán, chúng tôi quyết định về nhà. Đang đi được nửa đường thì toàn thân Hoài An bắt đầu run rẩy. Tôi nhận ra điều không ổn và kêu gào mọi người tới giúp đỡ.

Mọi người xung quanh thấy vậy liền gọi xe cứu thương và người nhà của Hoài An. Trong lúc chờ đợi xe đến, tôi nắm chặt lấy bàn tay đang run rẩy của Hoài An thầm cầu nguyện tai qua nạn khỏi. Lòng tôi lúc bấy giờ như ngồi trên đống lửa nóng, bị hàng ngàn kim tiêm châm chích.

Khi tiếng còi của xe cứu thương vang lên và Hoài An được đưa vào xe, tôi chỉ biết đứng sững ở đó nhìn chiếc xe lăn bánh. Lại thêm một lần nữa, tôi lê lết thân xác của mình về nhà, khi đi qua nhà của Hoài An, tôi thấy cánh cửa đã khóa chặt, ánh đèn cũng không còn, có lẽ bây giờ mọi người đang ở trong viện cùng nhỏ.

Khi về đến nhà, mở cửa ra, tôi bất ngờ và kinh hãi khi thấy mẹ đang ngồi trên ghế nhìn tôi với khuôn mặt giận dữ, bên cạnh là nhỏ Châu cúi gằm mặt xuống. "Mẹ...," tôi sợ hãi thốt lên.

Mẹ nhìn chằm chằm tối rồi bảo nhỏ Châu: "Lấy cho tao cây chổi." Nhỏ Châu chần chừ rồi mang cây chổi đưa mẹ. Mẹ cầm lấy cây chổi và bảo tôi nằm xuống ghế với giọng nói đanh thép.

Lúc đó vì quá sợ hãi mà tôi chỉ biết nghe theo lời mẹ răm rắp. Từng đòn roi rơi xuống khiến tôi đau rát, những lời mắng chửi của mẹ tựa nhát dao cứa vào ra thịt tôi đến rỉ máu. Những lời nói đó đã ám ảnh tôi cả đêm đó, tôi hận mẹ, hận chính mình vì đã sinh ra trong một gia đình như vậy.

Ngày kia khi Hoài An xuất viện, tôi gói ghém một chút hoa quả tới thăm nhỏ. Khi thấy tôi, gương mặt nhợt nhạt của nó bỗng vui hẳn. Nhìn nó càng ngày càng gầy cộng với sắc mặc không tốt do bệnh tật dày vò, lòng tôi chua xót tột cùng.

Tôi hỏi han nó hết cái này đến cái nọ, hai đứa cứ ngồi nói chuyện rôm rả như đôi bạn thân già mấy chục năm chưa gặp. Rồi tôi kể với nó chuyện mẹ tôi đánh tôi hôm ấy. "Sao mẹ tao khó tính vậy nhỉ. Mẹ tao suốt ngày so sánh tao với mày, nói tao học hành chả ra thể thống gì. Việc nhà cũng là do tao làm hết, em tao còn không phải đụng tay vào việc gì, có khi tao còn chẳng phải con ruột của mẹ." Tôi luyên thuyên than khổ với Hoài An.

Nhỏ chăm chú lắng nghe tôi nói rồi bảo: "Tao nghĩ mẹ mày cũng có nỗi khổ riêng thôi, một mình gánh vác hai chị em ăn học. Cuộc sống khó khăn như thế thì đâm ra khó tính cũng dễ hiểu."

Tôi hơi bất ngờ với câu trả lời của nhỏ, bình thường nhỏ sẽ luôn hùa theo tôi thế mà bây giờ lại quay ngoắt thái độ như vậy. "Thì biết là vậy nhưng ít nhất mẹ cũng phải hiểu cho tao chứ."

Nhỏ nói tiếp: "Mày ạ, ai mà chả muốn người ta thấu hiểu cho bản thân, thế nhưng muốn được thấu hiểu, trước hết mày phải thấu hiểu. Cũng giống như Nam Cao từng viết trong Lão Hạc: Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương...Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất."

"Mày biết không, con người vốn dĩ rất sợ cái chết. Cũng vì thế mà niềm tin đối với tôn giáo được hình thành bởi họ muốn tin rằng đằng sau cái chết không phải cõi vĩnh hằng. Thú thật thì tao cũng vậy, khi biết mình mắc phải căn bệnh này, tao đã vô cùng suy sụp và mệt mỏi, tao oán hận vì tại sao ông trời lại bất công với mình như vậy. Thế nhưng bây giờ thì tao không thế nữa, khi chính bản thân tao là người đứng trước cảnh cửa tử thần, tao nhận ra rằng ai mà chẳng phải chết và tao biết ơn vì mình đã sống, sống rất vui vẻ. Song có những người sống mà không thực sự sống, họ chỉ đơn giản là tồn tại, đêm ngày quay cuồng với vòng xoáy của cuộc đời, sống một cách dập khuôn mà chẳng có lấy một ước mơ. Không phải họ muốn sống một cuộc đời như thế mà là bởi sự nghiệt ngã của cuộc đời đã bóp chết họ từ bên trong. Cuộc sống như vậy thật ra không đáng trách nhưng cũng chẳng đáng để ngưỡng mộ. Nếu là mày, mày có muốn thoát ra khỏi cuộc sống đó không?" Nó vừa nói vừa nhìn tôi với đôi mắt long lanh.

Câu nói của nó khiến trái tim tôi lắng lại trong giây phút ấy. Tôi đã tìm thấy một điều gì đó, một điều mà tôi đã bỏ quên trong suốt phần đời của mình.

Hôm ấy sau khi trở về nhà, tôi chủ động dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, hái một vài bông hoa trang trí trên bàn ăn. Như mọi ngày, mẹ tôi về với khuôn mặt mệt mỏi, nhìn thấy nhà cửa sạch sẽ thoáng mát còn thoang thoảng mùi hoa, khuôn mặt mẹ bỗng dịu đi.

Tôi cùng nhỏ Châu phụ giúp mẹ nấu ăn. Ngồi xuống bàn ăn, tôi hỏi mẹ về chuyện ở nơi làm, mẹ cũng hỏi han hai chị em tôi về chuyện ở trường. Không khí bàn ăn trở nên ấm cúng hơn hẳn.

Vẫn là những món đơn sơ đạm bạc đấy, vẫn là chiếc bàn gỗ cũ kĩ đã ẩm mốc đấy, thế mà bữa cơm hôm nay lại ngon hơn mọi ngày. Có lẽ sự thay đổi không nằm ở bên ngoài, nó nằm trong trái tim ta.

Thời gian cứ trôi qua chẳng chờ đợi ai. Mùa thu đã trôi qua mang theo những kỉ niệm gửi trọn vào hộp nhạc kí ức. Mùa đông lạnh lẽo mà tôi từng sợ hãi ấy hóa ra cũng không đáng sợ đến như vậy, chúng tôi vượt qua mùa đông để đến với ngày xuân nắng ấm.

Thế nhưng căn bệnh kia có vẻ chẳng ủng hộ tình bạn của chúng tôi, nó ngày càng trở nên tệ hơn, dày vò bạn tôi mỗi đêm trong cơn đau đớn quặn thắt tâm can.

Một mùa hạ nữa lại bắt đầu, tôi đã thi đỗ được trường cấp ba mong muốn còn Hoài An thì tạm gác lại việc học để chữa bệnh. Căn bệnh của hoài An đã chuyển biến nặng đến mức nhỏ phải ngồi xe lăn mới di chuyển được. Dường như chẳng có một chút hi vọng nào về sự hồi sinh diệu kì như trong những câu chuyện cổ tích.

Tôi bất lực chẳng thể làm gì khác ngoài giữ cho tinh thần nhỏ luôn vui vẻ mỗi ngày. Cứ mỗi khi nụ cười không còn trên khuôn mặt đấy mà thay vào đó là sự đau đớn, bản thân tôi lúc ấy ước gì mình có thể gánh bớt một phần nỗi đau đấy.

Tôi quyết tâm phải biến mong ước được chứng kiến và vẽ lại cầu vồng của nhỏ thành hiện thực.

Hôm đó là một ngày nắng đẹp, tôi lấy vòi nước ở nhà rồi ra ban công xịt nước để cố gắng tạo thành cầu vồng. Thế nhưng tôi có miệt mài thế nào thì cầu vồng cũng không xuất hiện.

Ngay khi tôi cảm thấy lực bất tòng tâm thì những đám mây đen bất chợt kéo đến. Một tiếng sấm đùng đoàng vang lên, những hạt mưa tí tách đầu tiên rơi xuống trên hiên nhà rồi kéo theo cả một đội quân bao phủ không gian. Người đi đường vội vã tìm chỗ trú mưa, cái nóng mùa hạ đã được thay thế bằng sự mát rượi mà cơn mưa mang đến. Cơn mưa đến thật đúng lúc khiến tôi không khỏi vui mừng.

Cơn mưa rào đầu hạ vội đến rồi lại vội đi. Bầu trời trở về dáng vẻ trong xanh, thoáng đãng vốn có. Cảnh vật xung quanh như được tiếp thêm năng lượng mà căn tràn nhựa sống. Những giọt mưa đọng lại trên chiếc lá long lanh dưới ánh nắng mặt trời hệt một viên pha lê vừa mới được mài giũa từ hòn đá thô sơ.

Mùi cỏ cây xen lẫn mùi của đất, của những cây nấm nhỏ hòa vào gió, mang một dư vị mát lạnh của mùa hạ tưới mát cho tâm hồn tôi. Mưa không chỉ đánh thức cảnh vật mà còn đánh thức một trái tim tựa như nụ hoa đang khép mình trong đêm đông giá lạnh.

Ở chân trời phía xa, cầu vồng bắt đầu xuất hiện mang theo những gam màu rực rỡ tô điểm cho bức tranh mùa hạ. Đáy lòng tôi dâng lên niềm vui sướng, tôi hớt hải chạy xuống nhà Hoài An báo tin vui cho nhỏ.

Khi tôi bước vào phòng Hoài An, nhỏ đang ngồi trên xe lăn ngắm nhìn cầu vồng. "Cuối cùng thì điều ước của chúng ta đã thành hiện thực rồi." Tôi hét lên đầy vui sướng.

Thế nhưng không có câu trả lời nào được cất lên. Tôi lặng lẽ đến bệnh cạnh Hoài An đặt tay lên vai nhỏ, "mày trả lời tao đi," không có động tĩnh gì, nhỏ vẫn ngước lên bầu trời với đôi mắt nhắm nghiền.

Tôi ngồi xuống đưa mắt ngước nhìn bầu trời. Cầu vồng qua ô cửa sổ thật kì ảo và tráng lệ, nó nối liền hai đầu chân trời, nối liền trái tim của hai đứa trẻ ngây dại. Ánh nắng vắt ngang qua cầu vồng, chiếu vào gian phòng, vẽ nên một vệt sáng thần kì phủ lên trái tim tôi. Tôi không biết tâm trạng mình lúc bấy giờ là gì, là đau buồn? Là sợ hãi? Là tuyệt vọng hay chỉ đơn giản là bình yên như ánh nắng ngoài kia.

Vậy là mùa hạ này tôi sẽ chỉ có một mình. Tôi không biết cầu vồng đối với người khác là gì nhưng trong tim tôi, cầu vồng là tôi và Hoài An. Nhỏ nói nhỏ thích Hà Dương nên thích luôn cả vạt nắng trên áo nhỏ, tôi lại luôn thích mưa. Vì vậy mà khi chúng tôi nắm tay nhau, một cầu vồng được tạo nên, đó là cầu vồng mãi ngự trị trong trái tim tôi và nhỏ. Nhỏ bỏ lại tôi, bỏ lại những cơn mưa không tạnh, bỏ lại những vạt nắng nhỏ thích, nhỏ tạm biệt tôi, tạm biệt cầu vồng mà tôi và nhỏ cùng tạo nên.

Hai đứa trẻ, một ước mơ, một người ở lại, một người bước tiếp.

Mùa hạ ấy, có một người đã nằm lại dưới bầu trời xanh thẳm. Một bông hoa dại mọc lên - bông hoa nối tiếp những ước mơ và hi vọng.

Người đã đi xa nhưng kí ức ấy, kỉ niệm ấy và cầu vồng ấy sẽ còn mãi, ít nhất là trong trái tim tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro