Oneshot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác phẩm dự thi Cuộc thi viết về thầy cô, mái trường 20.11.2021-Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong-Nam Định.

By Bridget: Gửi cậu, người bất tử.

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.

- Ừm,...Anh ơi cho em hỏi...

Tôi, Trần Hoàng Gia Minh, tần ngần đứng bên con xe cup 50cc, lấy hết can đảm đánh tiếng với cậu thanh niên chạc tuổi đang dắt xe ra khỏi bãi đậu của quán cà phê ngay trước mặt. Cậu ta ngẩng mặt lên nhìn quanh một hồi, sau khi chắc chắn rằng giọng nói dè dặt ban nãy gọi mình mới mỉm cười thật nhẹ rồi hỏi tôi:

- Bạn gọi mình ạ?

...

Tính nhẩm trên đầu ngón tay, tôi có thể chắc chắn rằng đó là buổi chiều của ngày thứ ba sau khi tôi dọn vào kí túc xá, cách khai giảng đầu tiên ở ngôi trường THPT chuyên duy nhất của tỉnh đúng 8 tiếng đồng hồ. Chẳng vì lí do gì, đột nhiên tôi nổi hứng muốn lượn quanh thành phố Nam Định. Không lâu sau đó, tôi nhận ra bản thân bị lạc đường, bên cạnh đó thì con chiến mã của tôi cũng chuẩn bị hết xăng. Qua vài phút mò mẫn, tôi quyết định bật google map để tìm đường và phát hiện ra điện thoại của mình đang được cắm sạc ở trên bàn học.

Sau này khi nhắc lại, Hoàng Anh kể rằng hôm ấy cậu ta ra quán cà phê học, đang dắt xe về thì gặp tôi với bộ dạng trông đáng thương và ngặt nghèo hết sức. Tôi công nhận chữ đáng thương vì lúc đó đã gần bảy giờ tối nhưng không công nhận chữ ngặt nghèo vì ít nhất tôi vẫn gặp được Hoàng Anh mặc áo đồng phục của trường trong lúc tuyệt vọng nhất và cậu ta đủ tốt bụng để đồng ý dẫn tôi về đầu đường Vị Xuyên. Chúng tôi chơi với nhau từ dạo ấy. Tôi gọi cậu ta là Hanh, viết tắt của Hoàng Anh; còn cậu ta gọi tôi là Lạc, nhất quyết không sửa miệng dù tôi đã nhắc mỏi cả mồm.

Hanh học chuyên Pháp, khí chất cũng có gì đó rất Pháp. So với người chỉ được mỗi cái mặt tiền như tôi thì Hanh được cả người lẫn dáng, cân đối ưa nhìn sáng sủa không có chỗ chê. Quan điểm này không chủ quan một chút nào cả bởi vì một tuần nửa tháng Hanh lại được người ta réo tên trên cfs của trường một lần. Không chỉ thế thành tích học tập của cậu ta thật sự rất tốt, đến mức đánh bay định kiến về khối chuyên Pháp của một bộ phận nhỏ học sinh. Nếu có ai đó bảo tôi đánh giá về Hanh bằng bốn chữ, tôi sẽ không ngần ngại trả lời là: 'Tài sắc vẹn toàn'.

Còn tôi học chuyên Sinh, mê màu xanh lá, tính tình được ví như con mèo của schrödinger và đau khổ vì Hóa.

Dù sao thì vốn dĩ trai tự nhiên và trai xã hội đã rất khác nhau rồi, chúng tôi giống như hai anh em hơn là hai đứa bạn thân (tất nhiên Hanh là anh). Điểm chung duy nhất của bọn tôi có lẽ là đều thích chơi cờ vua. Ngày hội trường kỉ niệm 100 năm thành lập trường, thay vì chơi dưới sân chúng tôi kéo nhau lên sân thượng nhà D ngồi đánh cờ.

- Tôi lại dưới trung bình Hóa rồi bạn ạ.
- Tôi biết là không phải do đề khó, do bạn gà thôi...Định bắt hậu của tao đấy à, đừng mơ nhé, tao chẳng đi guốc trong bụng mày.

Nhìn quân mã của mình bị đá bay ra khỏi bàn cờ một cách vô tình, tôi thở dài thườn thượt.

Chúng tôi chơi cờ với nhau nhiều đến mức bắt bài được cách đánh của nhau rồi.

- Ê Lạc, tao bảo này...
- Hửm?
- Tao kèm Hóa cho mày nhé? Nhưng mà có một điều kiện.
- Nói?

Nắng lúc 4 giờ chiều cuối tháng 11 không gay gắt mà nhè nhẹ rải trên nền đất như mái tóc thần của công chúa Rapunzel. Tôi và Hanh ngồi dưới mái tôn của phòng áp mái, nơi mà vệt nắng chỉ chạm nhẹ tới bàn cờ đầy những quân đen trắng. Gió nhẹ mơn man mái tóc. Sân trường ồn ào nhạc và tiếng nói cười dường như không thể chạm tới thế giới riêng của chúng tôi.

Ván cờ sắp kết thúc.

- Để tao kèm hóa cho mày, đổi lại mày nhường tao ván này đi. Mày thắng liên tục ba ván rồi mà.
- Không nhường! Mày còn mỗi một con tốt thế kia thì đánh đấm kiểu gì. Mày giảng tao Hóa, tao giảng Sinh cho mày, được không?

Mặc dù trong định hướng chọn khối của Hanh không có khối nào bao gồm Sinh nhưng cậu ta vẫn đồng ý với thỏa thuận của tôi và dành ra kha khá thời gian với tôi cuối mỗi buổi chiều. Thầy dạy Hóa hồi lớp 9 của tôi bảo rằng chỉ có bồ tát với tấm lòng từ bi vô hạn mới đủ kiên nhẫn giảng bài cho tôi. Vậy mà Hanh thực sự đã làm gia sư riêng cho tôi suốt những năm cấp ba. Vì thế theo tính chất bắc cầu, ta có thể kết luận rằng Hanh chính là bồ tát sống!

Điểm tổng kết môn Hóa mỗi kì của tôi nợ Hanh một lời cảm ơn.

...

Như đã nhắc ở trên, tôi là một người thích lượn lờ quanh thành phố. Không phải đi ăn cũng chẳng phải đi chơi. Tôi thích ngắm phố phường buổi tan tầm, thích sà vào vài quán quà vặt ven đường để vừa ăn vừa đưa mắt nhìn dòng người tấp nập qua lại. Có lẽ bởi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê quá đỗi yên bình nên tôi ưa cái xô bồ và đông đúc của phố phường, tưởng như đó mới là nơi mình thuộc về. Dự định ban đầu của tôi là một mình đi thăm thú khắp các ngóc ngách phố phường nhưng nhờ việc quen Hanh mà một mình đã được đổi thành hai mình. Là dân thành phố hàng xịn, Hanh thông thạo tất cả các nẻo đường quanh thành phố, từ ngõ nhỏ tới đường lớn, từ nội thành tới ngoại thành. Một buổi chiều dạo quanh phố cổ Thành Nam của chúng tôi thường bắt đầu bằng việc ăn kem bờ hồ, khám phá tất cả những con đường Hanh có thể nhớ ra và kết thúc bằng ra đê ngồi xì xụp một li mì tôm Hảo Hảo, đôi khi có thêm hộp bánh tráng trộn thương hiệu bờ hồ nốt.

Nhưng đến đầu năm lớp 12, Hanh đổ bệnh. Một buổi chiều dạo quanh Thành Nam của tôi đổi lộ trình thành bắt đầu bằng việc mua đủ thứ quà linh tinh và kết thúc bằng việc vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để thăm Hanh. Tuần hai buổi, đều như vắt chanh.

- Alo, alo. Chim sẻ gọi đại bàng, đại bàng nghe rõ trả lời.
- Đại bàng nghe. Tao tưởng hôm nay lớp mày học cơ mà?

Hanh ngồi trên giường bệnh, thấy tôi vào thì ngẩng đầu lên ngạc nhiên hỏi. Tôi chỉ gật đầu, sau khi sắp xếp đồ đạc lỉnh kỉnh mang theo đâu vào đấy mới trả lời:

- Chiều nay giáo viên có việc nên bọn tao được nghỉ, chiều thứ 7 học bù. Tuần này tao phải về nhà nên tranh thủ ra thăm mày chứ cuối tuần lại bận. Ăn táo không?

Thằng bạn tôi phất tay tỏ ý tùy mày.

Tôi với lấy cái ghế bên cạnh giường ngồi xuống, bắt đầu gọt táo một cách cẩn thận và tỉ mẩn. Hanh nhìn tôi chăm chú, mắt như dán vào bàn tay đang đưa lưỡi dao thật chậm rãi. Rồi cậu ta đột nhiên lên tiếng:

- Mày lo cái gì?
- ...
- Tao biết là chỉ khi nào muốn bình tâm lại mày mới gọt vỏ táo thành dải không bị đứt. Lo lắng cái gì? Với sức học của mày dư sức đậu Đại học.

Cả căn phòng chợt rơi vào im lặng, chỉ có tiếng sột soạt khi đưa lưỡi dao vào thịt táo. Tôi không đáp, miệng hơi mím lại.

- Ê Lạc, tao muốn tham dự kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
Tôi dừng tay, quay mặt sang hướng khác để Hanh không nhìn thấy hai mắt đỏ ửng của mình. Từ hướng này tôi có thể nhìn thấy mẹ Hanh đang đứng ngoài cửa bụm miệng để tiếng khóc không lọt vào phòng bệnh. Tôi chạm mắt với bác ấy.

Hanh bị ung thư máu.

Từ trước tới giờ gia đình và bạn bè cũng chỉ nghĩ rằng cậu ta bị thiếu máu hoặc máu nóng vì thường xuyên bị chảy máu cam. Mãi cho tới đầu năm lớp 12, sau khi ốm một trận nhừ tử gia đình mới đưa Hanh đi khám tổng quát và phát hiện ra cậu ấy bị ung thư máu gia đoạn cuối. Vừa rồi trước khi vào thăm Hanh tôi đã ngồi nói chuyện với mẹ Hanh một lúc lâu về tình hình sức khỏe của cậu ấy. Bác sĩ chẩn đoán rằng Hanh chỉ còn khoảng bốn tháng.

Tôi chỉ còn bốn tháng để có thể nhìn thấy Hanh sống sờ sờ ngồi kể chuyện vu vơ. Chúng tôi chỉ còn bốn tháng để có thể nghe giọng nói của nhau vào mỗi buổi chiều lượn vòng quanh thành phố. Chỉ còn chưa đầy 122 ngày, 2928 giờ, 175680 phút, 10540800 giây, ít ỏi tới như thế.

Hanh từng bảo rằng cậu ấy muốn đi du học Pháp, trường École Polytechnique - Trường Bách Khoa Paris. Dù cậu ấy chỉ dùng một chữ "muốn" nhưng qua đôi mắt sáng lấp lánh khi nhắc về École Polytechnique, tôi thấy được ước mơ cháy bỏng của Hanh. Còn tôi, chỉ đơn giản mong rằng mình sẽ đậu vào Đại học Y Hà Nội hoặc nếu điểm thấp quá thì Đại học Y Thái Bình cũng được. Nhưng hôm nay cậu ấy lại bảo rằng muốn thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, đôi mắt cũng không còn ánh sáng giống như trước nữa.

Dù có cắn rách cả môi tôi cũng không ngăn được tiếng nấc nghẹn ngào bật ra khỏi cổ. Mắt mũi tôi cay xè, họng nghẹn ứ lại. Ở bên kia tôi nghe thấy giọng Hanh nhẹ nhàng an ủi. Giọng nói vốn rất êm tai, nhất là khi sử dụng tông trầm để đọc một bài thơ tình bằng tiếng Pháp, nay lạc đi vì nước mắt:

- Không sao đâu mà. Còn những bốn tháng nữa mới thi. Mày chỉ cần gửi cho tao sách vở để tao học là được. Không đỗ được trường trọng điểm nhưng ít nhất cũng phải đỗ được một trường tầm trung chứ.
...

Địa điểm học tập của chúng tôi chuyển từ quán cà phê quen thuộc thành phòng bệnh của Hanh. Vẫn giống như trước, Hanh giảng Hóa cho tôi còn tôi giảng Sinh cho cậu ấy. Thời gian tôi có mặt ở viện có lẽ còn nhiều hơn thời gian ở nhà nhưng tôi bỏ ngoài tai lời phàn nàn của bố mẹ. Tuy vậy Hanh yếu đi rất nhanh, ngày một xanh xao, thường xuyên bị chảy máu cam và những cơn đau đầu hành hạ. Phải có nghị lực phi thường tới mức nào mới có thể tiếp tục học tập trong tình trạng sức khỏe tồi tệ tới mức ấy. Đã hơn năm lần tôi đề nghị cậu dừng lại để tập trung dưỡng bệnh nhưng lần nào cũng nhận lại ánh mắt tha thiết của Hanh. Dần dần tôi không dám nhắc tới việc bỏ thi nữa, chỉ lặng lẽ nhìn cậu ấy giải từng bài toán, học thuộc từng công thức.

Hôm đi thi, tôi đẩy xe lăn của Hanh vào phòng thi của cậu dưới sự hướng dẫn của giám thị. Tôi ngồi bên cạnh Hanh một lúc lâu, mãi cho tới khi hồi trống báo đầu tiên vang lên cậu mới cười cười đuổi tôi về phòng. Cậu ấy bảo rằng mình sẽ thi thật tốt, tôi cũng phải thi thật tốt.

Ngày giấy báo trúng tuyển được gửi về cũng là ngày đưa tang Hanh. Trời mưa tầm tã. Tôi thẫn thờ nhìn mẹ Hanh ôm hình cậu khóc nức nở.

Phật giáo dạy rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tự nhiên. Sống chết có số, tươi héo cũng bởi trời. Đáng ra chúng ta không cần đau buồn trước sự sống và cái chết của một ai đó bởi nó là lẽ tự nhiên. Nhưng có đau khổ, có cảm xúc mới là con người. Nếu buông bỏ được những cảm xúc đấy, phải chăng tất cả chúng ta đã trở thành tiên thành phật cả rồi.

Đau buồn là chuyện thường tình mà thôi.

Tôi không khóc vì đã hứa với Hanh sẽ mỉm cười tiễn đưa cậu. Tôi cũng hứa với Hanh sẽ sống cả phần đời của cậu ấy. Tôi sẽ cất hình bóng cậu ở một góc bí mật của tâm hồn, bọc trong từng lớp giấy gói bằng kỉ niệm và hồi ức của tôi.

Trần Hoàng Gia Minh trúng tuyển Đa khoa của Đại học Y Hà Nội, tốt nghiệp bằng xuất sắc, du học Pháp trường Université Pierre et Marie Curie (UPMC) khoa Y, thay Hoàng Anh đặt chân tới kinh đô của ánh sáng, chụp ảnh tháp Eiffel, đi qua Khải Hoàn Môn, ngắm sông Seine về đêm.

Để đến khi gặp lại cậu, tôi sẽ kể cho cậu nghe những gì tôi đã nghe thấy, nhìn thấy, gặp được trên đất Pháp. Và cậu sẽ đọc cho tôi đôi câu thơ tình bằng tiếng Pháp với chất giọng trầm ấm.

"Tes yeux sont si profonds qu'en me penchant pour boire
J'ai vu tous les soleils y venir se mirer
S'y jeter à mourir tous les désespérés
Tes yeux sont si profonds que j'y perds la mémoire."

Gửi cậu, người bất tử trong tâm hồn tôi!



Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro