Tiêu đề phần

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc đó là buổi chiều, tiết trời mới chuyển sang đông, bầu trời bao phủ một màu xám xịt, làn gió se se lạnh, mưa phùn rơi lất phất. Tư Hường và ĐHC đứng bên cái giếng làng - Cái giếng làng bên cây gạo to lớn xù xì - Từ lâu đã nghe đồn cây Gạo này ma dữ lắm... Xung quanh giếng mọc đầy những bụi cây duối dại, thường hay có rắn Mai Gầm trong những bụi duối dại như thế này.
Ngôi làng này là làng G, nằm bên cạnh là hai làng T và N - cả ba ngôi làng này cùng có một con đường lát gạch nho nhỏ chạy xuyên qua, con đường làng này rất quanh co, khúc khuỷu. Đình làng G nom thật cổ kính, trước cổng lát ba phiến đá to, bên cột có hai con nghê đá nằm chầu. Đình không một bóng người, phía sau có một cây đa cổ thụ, ngoài sân lại có một cây bàng, vào mùa này lá cây chuyển sang màu đỏ lựng, lá rụng đầy sân càng làm tăng cảm giác buồn bã thê lương. Trời chưa tối mà đã thấy đóm đóm bay lập lòe, lập lòe. Bên cạnh đình là cái giếng làng, gọi là giếng nhưng nó to như cái ao vậy, có bậc thang bằng gạch đi xuống hẳn hoi. Mặt nước trong veo, phẳng lặng như một tấm gương, chỉ có một vài đám bèo hoa nhỏ. Ngày xưa khi quân pháp bắt được một người vệ quốc quân, khi đi ngang qua đây ông đã nhảy xuống cái giếng này tự tử. Nghe đồn ông vệ quốc quân này rất linh hiển, mấy lần trẻ con nghịch ngợm rớt xuống giếng, lúc sắp chết đuối lại được ông đẩy lên bờ.
Phải chi mà là mùa hè thì đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bông hoa Gạo có màu đỏ ối, còn vào mùa này cây đã trở nên trơ trụi, gốc cây xù xì nom càng thêm phần ma quái. Cây Gạo này ma nổi tiếng, có lần, vào một buổi tối, tay bí thư chi bộ xã đi ngang qua thấy một cái cục tròn đỏ lòe trên cây, cái cục đỏ đó đột nhiên phóng xuống lao thẳng vào, báo hại tay bí thư chi bộ lần đó phải chạy thục mạng, rớt cả cái túi dết lẫn đôi dép râu. Đó là thời kỳ chiến tranh, chuyện ma quỷ chỉ là đồn thổi thôi chứ đố ai dám nói, dám kể, còn bây giờ cái người mời Tư Hường đến mọi người gọi là ông Cả Quận.
Đi tìm của cải chôn giấu là một chuyện vạn bất đắc dĩ, đằng sau cái của cải đó nhiều khi là cả một tội ác, đến khi mang được nó lên rồi thì sự tranh giành nó lại tạo thêm nhiều cái ác khác nữa, - nếu bạn là người mang nó lên, không lẽ bạn không phải trả nghiệp ? Thế nhưng điều gì đã khiến Tư Hường xuống giúp Cả Quận, phải nhiều năm sau việc này mới có thể biết rõ.
Cả Quận là người có vai vế trong làng nên ông ta mới làm được chuyện này. Gốc là địa chủ thứ thiệt, cái thời "cải cách ruộng đất" Cả Quận chỉ bị "vặt" trụi râu trụi tóc, còn cái mạng không hiểu sao lại may mắn không bị "vặt" nốt. Nhưng mấy lần đấu tố cũng đủ làm Cả Quận sợ đến vãi cả linh hồn, đi không dám ngẩng mặt, nói không dám mở miệng... Sau này ông ta có hai người con trai đi bộ đội hy sinh trong thời chống Mỹ, nên gia đình nghiễm nhiên trở thành "gia đình liệt sĩ", thoát được cái tiếng là "địa chủ cường hào ác bá". Còn bây giờ thì cái gốc địa chủ của ông ta càng được mọi người trong làng nể trọng. Dòng dõi địa chủ có khác, đi đứng đâu cũng đường bệ, nói năng lại khoan thai, lúc nào cũng có đầu có cuối, đâu phải tự nhiên mà ai cũng gọi là Ông Cả Quận. Ngoài hai người con đã mất, ông ta còn một người con trai bị khèo từ nhỏ tên là Quýnh, mọi người trong làng gọi là "Quýnh khèo". Còn một cô con gái phải nói là đẹp nhất làng, nhưng bây giờ vẫn chưa có chồng. Cô ta luôn phải ở tuốt nhà sau nấu cơm, rửa bát, nuôi lợn, quét nhà... Cả Quận không cho lên nhà trên, khi nào cần lắm ông ta mới gọi "cái Quý đâu rồi, mau lên cho thầy bẩu", thì lúc đó cô Quý "đẹp người đẹp nết" mới dám đi lên. Cái đầu óc phong kiến hạng nặng của Cả Quận phun ra một câu xanh rờn "Đàn bà mà được cái tích sự gì, chỉ thêm rách việc".
Buổi sáng ngồi uống chung trà, Cả Quận mới bảo " thằng Quyền, thằng Quyết đi bộ đội, hi sinh trong chiến trường miền Nam nên được tiếng là gia đình liệt sĩ, chính quyền vì chuyện này trở nên dễ chịu, chứ như hồi xưa làm gì cũng khó. Hồi đó có được manh áo vá, bát cơm ăn với bắp chuối là may rồi, nhiều khi cả gia đình quây lại ăn cơm độn với sắn, chỉ có mấy trái cà pháo. Bây giờ khá hơn thì chỉ còn mỗi thằng Quýnh thì lại vừa khèo vừa khùng, vừa khùng vừa khèo. Có lẽ do hồi nhỏ nó hay chơi bên cây Gạo. Nhà ở ngay cạnh cái cây này, vào mùa hoa rụng nó suốt ngày theo đám trẻ con nhặt hoa Gạo rơi, miệng nói lảm nhảm, hỏi đến thì nó giả nhời "con nói chuyện với cây gạo", có lẽ nó bị con ma cây gạo nhập cũng nên...".
Cả Quận tin rằng xung quanh ngôi nhà chắc chắn có chôn dấu của quý, bởi vì suốt bao nhiêu năm nay ông ta nằm mơ thấy nó, bây giờ về già, ông lại càng cố tìm để chết đi còn được nhắm mắt. Cũng có mấy nhóm đến đây tìm rồi, nhưng nghe hơi có ếm "thần giữ cửa" đều chối từ. Có nhóm đào được nửa chừng trong bọn bỗng có người lăn ra chết bất đắc kỳ tử nên cũng xin thôi. Cả Quận đành phải nhờ đến Tư Hường. Lần đó đào ở bên cạnh gốc cây Gạo, sâu xuống hơn năm mét thì bất ngờ gặp một cỗ quan tài chôn nghiêng 45 độ, một phần của cỗ quan tài đen sì này luồn sâu vào bên trong gốc cây, không lẽ của cải chôn giấu ba đời nhà Cả Quận lại là cái cỗ quan tài này?
Nếu thế thì dòng họ nhà Cả Quận tuyệt tự là phải rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdi