Tiêu đề phần

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngôi mộ hoang thường chứa nhiều bí ẩn, những ngôi cổ mộ còn ẩn chứa nhiều điều phi thường hơn nữa. Cái điều xui xẻo nhất đã diễn ra, đó chính là phíến đá thạch anh bị băm nát, nếu biết được trên đó có khắc gì thì cũng có thể tránh được nhiều chuyện. Cái cửa đá này lâu ngày nên nó dính chắc vào thành mộ như liền một khối muốn mở ra cũng không phải là chuyện dễ. Đó là chưa kể cái kết cấu ba lớp đá dày cả thước và cát hầu như bao phủ ngôi mộ làm cuộc đào vô cùng khó khăn.
Tối hôm đó ngồi uống trà trong cái lều dựng tạm ngay bên cạnh ngôi mộ chỉ có ba người là Tư Hường, ĐHC, Lý Thông, bất ngờ Tư Hường nói "có thể đây chỉ là một ngôi mộ giả, bên trong có quan tài nhưng chưa chắc đã chôn người chết." - "sao anh lại có ý nghĩ đó?" - "Vì cái hình khắc trước cửa ngôi mộ."
Tư Hường nói tiếp "chú có biết ở bên Miên tượng Phật có bốn mặt còn Quỉ chỉ có ba mặt không ?" - " tôi thấy tượng Phật bốn mặt rồi còn tượng Quỷ ba mặt thì chưa thấy" - "vì những người thấy nó đều khó thoát khỏi cái chết bất đắc kỳ tử" - " vậy anh nghĩ cái hình mờ mờ đó là hình mặt quỷ ?"- "e rằng điều đó là sự thật" - "vậy phiến đá thạch anh đó cảnh báo điều gì?" - "ngôi mộ cổ này thật là kỳ lạ, bên ngoài nhìn vào thì giống như mộ người Hoa, nhưng lại khắc hình kiểu người Miên, chắc người trong ngôi mộ này lúc còn sống có một liên hệ nào đó với các pháp sư người Miên, chỉ tiếc là những dòng chữ lâu ngày quá bị mòn hết cả, có khi nó được khắc chữ Phạn cũng chưa biết chừng" - "Ngôi mộ này của người Hoa, không lẽ họ lại trấn yểm theo kiểu người Miên?" - "Chỉ vòng đai bên ngoài thôi, chủ yếu là để đánh lạc hướng, còn bên trong thì chắc là họ lại yểm theo cách khác, cái khó, cái nguy hiểm chính là ở chỗ đó, dù như thế nào thì cũng vẫn phải tiếp tục, có tận nhân lực thì mới tri thiên mạng..."
Từ trong lều nhìn ra bầu trời đêm lấp lánh sao, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió thổi vào những rặng dừa xào xạc, đồng quê dường như vang lên khúc nhạc hân hoan...Ngôi cổ mộ đã ló ra một phần, cái bóng đen sì sì càng trở nên kỳ bí. Thông thường mộ song táng thường có hai cỗ quan tài đặt cạnh nhau. Riêng khu mộ này lại có hai ngôi mộ được xây sát nhau, giống nhau y hệt ở phần bên ngoài, còn bên trong thì chưa thể xác định được. Nếu là một ngôi mộ giả thì có thể có hai trường hợp, một là cả hai ngôi mộ sẽ có quách, nhưng bên trong là cái gì đó chưa biết, hai là một bên mộ sẽ chôn người, bên còn lại sẽ là thứ khác... Vẫn chưa hiểu được là tại sao mấy tay Đài Bắc đã biết được kết cấu của ngôi mộ nhưng lại không thấy đào ngôi mộ phía bên này ? Cũng có thể là họ chưa kịp đào đến thì đã mạng vong rồi, nếu thế thì lời nguyền của ngôi cổ mộ phải ghê gớm lắm...
Đục suốt hai ngày không nghỉ thì mới qua được lớp cửa đá đầu tiên, đến đây thì tai họa lại giáng xuống. Lần này là một người chắng dính gì đến chuyện này, đó là một người đàn bà nhỏ bé, hiền lành, một bà giáo... nhưng bà giáo đó lại là vợ của Tư Hường, bà ta đang khỏe mạnh bình thường bỗng tự nhiên lăn ra chết, chẳng có một lý do gì cả ?
Đã nhiều năm nay chẳng mấy khi Tư Hường ở nhà, y bôn ba khắp nơi, có điều vợ chồng thì vẫn là vợ chồng, nghĩa tử là nghĩa tận, vợ chết cũng là đại tang... Y nói với ĐHC và Lý Thông "Đang có đại tang thì đại kỵ đào mộ, nếu cố sẽ làm chết lây cả đám, nên hai chú thay anh tiếp tục, có điều khi tiến vào trung tâm ngôi cổ mộ phải cố tìm một người tuổi Rồng, người đó sẽ phải vào đầu tiên, nếu không làm đúng điều đó thì có thể sẽ phải trả giá thêm nữa..."
Tư Hường nghỉ rồi thì cuộc đào càng trở nên căng thẳng, Hai Đụi bình thường nói nhiều nhưng lúc này cả ngày cũng không nói một câu, Bảy Bụng, Tư Thăng còn đòi ở lại ban đêm canh gác.
Phải mất thêm hai ngày nữa, tức là đến ngày thứ mười ba kể từ lúc phát hiện ra phiến đá thạch anh thì đục đến được lớp trong cùng, phải dùng cả vài chục tấm tôn để chắn và che xung quanh không cho cát tràn xuống và dân hiếu kỳ dòm ngó. Trong đám DK xã té ra Út Thứ lại là người tuổi Rồng, như vậy khi đục thủng lớp đá cuối cùng, người xông vào đầu tiên sẽ phải là Út Thứ.
Ngày xưa khu vực này chắc là một đầm lầy mênh mông, việc vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng chắc là cực kỳ khó khăn, vậy mà người xưa đã xây một ngôi mộ quy mô như vậy, nếu không phải là một ngôi mộ giả để chôn kho báu thì nhân vật nằm ở đây chắc là một người không phải tầm thường, cần phải phòng ngừa sự trấn yểm là lẽ đương nhiên. Trước khi đục lớp đá cuối này, Lý Thông bày một mâm cỗ cúng bao gồm nhang đèn, vàng mã, rượu, heo quay, trái cây...Nhìn gương mặt trầm trọng của y, bất giác nhớ lại hôm qua bỗng nhiên Lý Thông nói "kiểu chết của một người ít nhiều đều bắt nguồn từ kiểu sống của họ" - im lặng một lúc y nói tiếp "không phải lúc nào cái chết cũng là một điều xấu..." - Xem ra y đã chuẩn bị tinh thần rất chu đáo, nhìn cái cách cắm ba cây nhang vào cái lư hương có thể ngầm hiểu nếu lời nguyền là có thực thì Lý Thông đã sẵn sàng...
Riêng Tư Thăng thì có vẻ xem thường điều này, suốt quá trình đào ngôi mộ, y bắt được cả thảy hơn mười con rắn hổ mây trong mấy khe cát, những con rắn đó đều bị hành hình bằng cách treo cổ lên cây cả. Đào đến tầng cuối này thì lại càng phải coi chừng rắn độc, nhất là rắn Hổ mang chúa hay rắn Chung đầu đỏ đầu đen, chỉ cần bị cắn một phát là chết không kịp đi ba bước.
Lớp đá trong tầng cuối cùng này cứng khủng khiếp, đến ngày thứ mười bảy mới đục thủng qua được, lúc này phải lấy một khúc xạ mực ra để trong một cái chén sành, sau đó châm lửa đốt... một mùi thơm tỏa ra sực nức cuộn sâu vào trong cổ mộ, mùi thơm này có tác dụng diệt khuẩn cực mạnh, sẽ diệt sạch mọi vi trùng đến từng ngõ ngách, xua đuổi rắn độc, côn trùng độc... Đàn bà có thai tuyệt đối không được ngửi mùi này vì nó sẽ làm sảy thai ngay lập tức. Ngoài ra nó còn có một tác dụng vô cùng quan trọng là kỵ tà khí, âm khí và cũng có thể vô hiệu "thần giữ cửa" trong một thời gian.
Sau khi Út Thứ xông vào thì tất cả mọi người cũng lần lượt tiếp bước. Khó có thể tả được cái cảm giác khi đứng ở khu trung tâm của ngôi mộ, mùi thơm của xạ hương vẫn còn lan tỏa, trải qua nhiều năm sao nơi đây không hề có đến một hạt bụi, bóng tối lan trùm khắp nơi, cái đèn cầy leo lét không đủ để tỏa sáng. Trong cái ánh sáng mờ ảo đó vẫn có thể thấy thấp thoáng trên vách có khắc chìm hình núi non, cây cỏ, hình chim với các hoa văn mây... phía dưới nền lát một loại gạch hay đá gì đó màu nâu đen, rõ ràng là kiểu thức của người Hán. Bốn góc đều có bốn cái bệ, trên có bốn cái trụ có khắc hình gì đó nhìn không rõ lắm. Ngay giữa ngôi mộ là một cái quách to và dài hàng mấy mét, cao ngang tầm người bằng đá cẩm thạch xanh, dưới cái ánh đèn cầy nom thật lạnh lẽo và quỷ dị. Đặc biệt phía trên nắp lại đặt một viên đá vuông đen sì... hình như trên viên đá còn có dấu vết của một cái gì đó...?
Lúc đó tất cả mọi người không ai bảo ai đều sững sờ yên lặng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdi