Có lẽ là em về, nhà.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Somewhere in my mind.



"Lý Huyễn Quân, em phơi quần áo hộ tao cái!"

Cái giọng í ới khó nghe của anh vang lên, cái thân tàn ma dại không hẳn là bé bỏng của Huyễn Quân ngồi dậy.

Nó lờ đờ, tầm mắt chuếch choáng đảo lên xuống, rồi nhắm tịt hẳn cho đến khi não bộ nó mờ mịt bảo là được rồi.

Cái đèn vàng ngồi trên bàn học vẫn còn được thắp, mấy trang giấy trắng kẻ ngang thì lệch đi theo tầng gió thu, đôi phần đã ố vàng đi do thời gian.

Nắng thu không gắt gỏng như nắng hạ, nhưng nó đến cùng với một làn gió man mát. Lý Huyễn Quân chợt mường tưởng ra cảnh những con người ngoài kia sẽ bàn tán đủ điều về cái thời tiết có thể coi là đẹp nhất trong bốn này vì cái hương hoa sữa nồng nặc đến khó ngửi của nó.

Ừ, chỉ vì mùi hương của hoa sữa.

Nhưng nó chẳng để tâm là bao, nó không thể để bản thân mình sẽ chìm đắm trong tưởng tượng khi chỉ mới vừa thức dậy, hoặc là có việc quan trọng hơn, à là phơi quần áo.

Cậu trai họ Lý nhấc mình rời khỏi cái ghế tràng kỷ cũ nhưng bền chắc, cái nền nhà bằng đá của những năm thời bao cấp gần như đã chai sần cả đôi chân nó. Vàng hay đỏ trầm, hay trắng bị đen dần cũng khiến nó chán ngán, không phải vì điều kiện sinh hoạt quá tệ, mà chỉ là những thứ này khiến nó nhớ về một thời điểm vừa tệ vừa tốt.

Nó đẩy cái thau quần áo được đặt ngay ngắn ra ngoài ban công, Phác Tại Hách quả thật rất chu đáo, chẳng bao giờ để nó phải bưng bê nhiều gì cả. Có chút tinh tế. Mấy cái móc i nốc đã hoen ố một cách không cần thiết, chúng méo mó và biến dạng do những lần đánh nhau hay tức giận không lý do.

Nó thẫn thờ treo quần áo trong vô thức, động tác tay thuần thục như thể nó là một con robot xuyên không về đây để giúp thế giới kéo dài ngày tận thế vậy.

Nhưng đen đủi thay, robot Lý Huyễn Quân không thích phải nhúng tay vào những thứ vô bổ.

Ừ, giải cứu thế giới gì chứ, nó vô bổ.

Nếu là Huyễn Quân nhỏ bé của những năm trẻ con, thì nó sẽ giãy đành đạch hoặc khóc ré lên vì không được công nhận là siêu nhân, vì chả có siêu nhân nào học hành bét bảng như nó cả. Nếu là Huyễn Quân của những năm ngồi mòn ghế nhà trường thì nó sẽ tưởng tượng ra được cả một tương lai sáu chục bảy chục năm gì đấy, về việc nó sẽ thành công và có một cuộc sống tốt đẹp.

Còn bây giờ, là một Lý Huyễn Quân luôn hỏi Phác Tại Hách là.

Hà Nội, về hay ở?

Nó giống như việc bạn hóa thân thành nhân vật vô danh nào đó trong vở bi - hài kịch không có tên vậy.

Bạn sẽ chọn gì?

Trả thù cho người thân bị hại, lập mưu kế rồi nhận ra rằng chỉ vì một người mà vô số người vô tội khác có thể chết, hay là tiếp tục giả điên rồi sống vất vưởng nơi đây mai đó một cách rất tuyệt vọng, nhìn người thân còn lại của mình phản bội niềm tin trong lòng?

anh Tại Hách sẽ gõ mạnh vào đầu nó một cái, sẽ trách móc nó suy nghĩ tiêu cực, rồi mắng nó rằng mày mà đi đâu tao sẽ cạch mặt mày luôn. Nhưng nó không nghĩ vậy, vốn dĩ từ trước đến giờ, kể cả nó có nổi loạn đến mức nào đi nữa, có bỏ nhà đi hàng tháng trời, thì Phác Tại Hách cũng sẽ không có một lần rời đi khỏi căn nhà này.

Ít nhất là khi nó chưa chết.

Nó đâu thể rời đi ngay được, khi lời yêu của Phác Tại Hách còn chưa tỏ đủ với nó, khi mà Huyễn Quân còn chưa kịp gấp đủ một trăm linh tám con hạc hoàn chỉnh cho anh.

Mà cho dù có gấp đủ, hay thừa, thì Tại Hách sẽ chẳng để nó rời đi, sẽ chẳng bao giờ cho nó trở về địa ngục thêm lần nào nữa.

Khi chiếc áo phông xanh bạc màu được treo lên, cũng là khi quần áo trong thau đã vơi hết, Lý Huyễn Quân mới thôi việc nghĩ ngợi.

Phác Tại Hách đi đâu rồi, nó sẽ ở nhà chờ anh vậy.

Nó dẹp cái thau vào trong nhà tắm, rồi lại mò mặt ra ngoài ban công.

Cái bờ tường lan can thấp ngang bụng nó, Huyễn Quân thở dài đặt tay lên, gió phả như đang hò đò gọi ai đi với chúng.

Nhưng sẽ chẳng có ai đâu, vì gió chả biết cách nói lên mong chờ của mình.

Một lần nữa, nó lại nhớ về khung cảnh ấy. Một thước phim mờ đục chiếu đi chiếu lại trong cái não bộ thường xuyên đình trệ vì căng thẳng của Huyễn Quân, đến mức chai sần, hoặc biến dạng theo năm tháng. Hương hoa sữa vẫn còn thoang thoảng đâu đây, hay một giàn chậu hoa hải đường trên ban công nhà đối diện, màu sắc rực rỡ cả một góc nhỏ. Hay kể cả là những cành hoa lan cẩm cù do Phác Tại Hách trồng treo lưng lửng trên mạn phải lan can nhà mình, cũng đều thu hút từng ánh nhìn một của nó.

Nó ngó nghiêng ra xem cái cây hoa sữa to đùng ngoài ngõ, may sau nhà nó chỉ cách cửa ngõ khoảng ba nhà, đương nhiên là góc này sẽ là điểm thuận lợi cho việc ngắm nhìn trời thu Hà Nội.

Huyễn Quân hạ mình, chống khuỷu tay lên lan can, thôi thì cứ để hồn chạy đua với thời gian, để xem điều gì sẽ xảy ra trước.

Tâm can nó tan vỡ, hay thời gian ngót nghét chạm cửa mùa đông.

Để rồi tất cả đều tan vỡ.

Hương hoa sữa ngào ngạt ôm lấy một thân ngẩn ngơ, phấp phới từng ngọn hương, như muốn len lỏi chút ít vào tâm trí Huyễn Quân lúc này.

Nó ước rằng tiết thu xin đừng bỏ rơi nó, như cách cái nắng cằn cỗi của hạ ghim chặt mảnh thủy tinh vỡ vụn li ti trong họng nó, để một lời nói thôi cũng thật khó thốt lên. Khí trời se lạnh thầm rời đi, để cho cái nắng non nớt của một mùa thu xoa mái tóc rối bời của nó.

Bóng người in lên cánh cửa gỗ, ngã lên ánh chiều tà thì thầm khóc thương, như từng vệt máu được bôi lên, nhưng vẫn là không thể khắc họa được hết những gì Lý Huyễn Quân mang trong mình.

Nó cứ nghĩ tất cả chỉ là một, và một thôi.

Là một thực tế tàn nhẫn với những đứa trẻ, là một cuộc đời hóa hình chiếc xe đua trên con đường sống còn, hay là một sinh mạng vứt cho chó nó còn chẳng thèm đếm xỉa đến.

Nhiều hơn nữa chắc là một đôi.. mà làm gì có nhiều đâu, chỉ có một Lý Huyễn Quân thôi.

Ôi trời, những đứa trẻ vô tội, chúng trở về Hà Nội rồi đây.

"Lý Huyễn Quân."

"Dạ."

"Tối nay ăn cơm nhà, không ra ngoài ăn nữa đâu, nay anh nấu cơm cho mày ăn."

Ừ, tất cả chỉ là một thôi.

"Phác Tại Hách, sống hay không sống, ở hay rời đi?"

"Ở, vì đây là nhà."

Hoặc nhiều hơn là một đôi, và còn hơn cả thế nữa.

Tại Hách mang về một cái chuông gió xanh, treo trên cửa sổ cạnh bàn học của nó. Cái tiếng leng keng thánh thót cứ vang vọng trong ngọn gió trời, thổi hồn nó bay xa với những mộng mơ nhỏ nhoi.

Huyễn Quân mím môi, nó rưng rưng đôi mắt biếc, cúi gầm mặt xuống, tự thu mình vào một góc trên ban công, nắng chập chững chạm lên giọt lệ đài trang trên gò má hồng, e thẹn xoa đôi mắt người trong từng cung bậc cảm xúc.

Tại Hách không muốn để Huyễn Quân phải ngừng bày tỏ cảm xúc, nó đã chai sần cả một con đường đời dài đến nỗi quên mất lần cuối nó cho mình yếu đuối là khi nào.

Để nó tiếp tục đối diện với bản thân mình, đối diện với đứa trẻ từ lâu đã an nhiên trong tiềm thức của nó. Huyễn Quân muốn thấy mình nhỏ nhoi ra sao, thì bây giờ nó cũng đã thấy. Anh thương nó là thật, chỉ mong một lần Lý Huyễn Quân mỏng manh tựa tơ hồng này dựa vào vai anh, rồi nó sẽ thút thít, kể với anh cuộc đời này đã đối xử tệ với nó như nào.

Nó sẽ khóc, rồi anh sẽ hôn lên má, lên mũi, lên mắt, dùng những môi hôn nóng chảy tựa dung nham để thiêu đốt băng tuyết trong vòm họng non nớt của Huyễn Quân. 

Anh đi tới, nhìn bóng lưng run lên từng hồi nấc nghẹn của nó. Chợt thấy hồn nó bay xa, chỉ biếc một màu xanh trong, xót xa. Tại Hách nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh, hít hà thử cái hương hoa sữa mà trước nay Huyễn Quân chưa một lần ngừng bảo anh chúng thật đáng ghét, quá đậm đặc.

Gọng kính tròn trên mắt được gỡ xuống, thử một lần không thể nhìn thấy tương lai là như thế này sao.

Mờ mịt, đục ngầu, đau đớn và chảy nước mắt.

Hóa ra đến tận bây giờ, anh mới có thể chạm tới một góc nào đó rất sâu thẳm trong nó. Huyễn Quân của anh đã luôn tự mình chịu đựng như vậy sao.

Không được, không thể được.

Ôi những đứa trẻ vô tội này ơi, về với Hà Nội, chúng nó còn chưa kịp tìm được cái gọi là nhà.

Thế nào lại vội vàng rời đi như thế. Hương cốm còn chưa phai trên bàn tay người, khi lá sồi còn chưa kịp rơi xuống mặt hồ Hoàn Kiếm mà chúng đã vội rời xa tôi  hay sao?

Sương chùng chình chảy trên lá, hương ổi hồng còn phảng phất ngay cổng chợ nhỏ, sao lại muốn rời đi, khi hạnh phúc còn chưa đặt chân đến ngưỡng cửa?

Phác Tại Hách đã tự nhủ hoài mãi về một mùa thu trên bầu trời Hà Nội như thế ấy, và Lý Huyễn Quân sẽ luôn sống, như cách mùa thu Hà Nội đã in hằn dấu vết của nó trên miền đất hứa, nơi những đứa trẻ gọi là nhà, nhà của những đứa trẻ.

Thủ thỉ những lời yêu, tất cả là một, một là tất cả.

Hà Nội có hương hoa sữa nồng nàn, bù đắp cho những thiếu hụt của nó.

Hà Nội có nắng thu vàng tựa tuổi hồng non trẻ hôn lên mắt, lên má khi người còn đang say giấc ngủ.

Hà Nội có tiết trời se se lạnh, cho một thân người ngã lên để xoa dịu nỗi đớn hèn trong vòm họng.

Hoặc, có Phác Tại Hách ôm người, yêu người, là nơi để nhớ, là nhà để về.

Lý Huyễn Quân đã dặn lòng mình như thế ấy.

Là để người thương, là để thương người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro