Mùa đông lạnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cẩn thận dìu bà ngồi dậy, Quý Đông thổi nhẹ cho phần cháo sen bớt ngút khói rồi từ từ đút cho bà.

Thu năm nay chạm ngõ hương ổi sớm hơn mọi khi, lạnh buốt. Lạnh đến mức trẻ em trong xóm cũng khóc ngắc ngứ vì khó thở.

Bà ngoại nhìn ngoài trời đang đổ mưa trắng xóa như một bức tranh thủy mặc, chợt cảm thấy lòng trĩu xuống.

Có lẽ bà không qua nổi cơn lạnh năm nay mất.

Nhưng bà không nỡ rời đi sớm thế. Trên thế gian này vẫn còn một người khiến bà lo lắng khôn nguôi.

Trải qua đêm đông cô độc một mình, ai mà chịu nổi.

Bàn tay nhăn nhúm run run đè lên đôi bàn tay đượm mùi thuốc bệnh viện, bà cứng nhắc nói khẽ:

- Quý Đông này, hiện con cũng quá tuổi lấy vợ rồi. Giờ con không nhanh tìm người phù hợp, bà ở nơi chín suối cũng không yên lòng.

Bị chỉ mặt điểm tên, anh liếm liếm cánh môi khô khốc của mình. Tay gạt đi phần thừa trên chiếc thìa nhỏ, anh nhỏ giọng an ủi:

- Bây giờ bà cứ ăn cho thật khỏe đi đã rồi con mới tính tiếp. Con còn phải chăm bà, cưới vợ làm gì cho sớm.

- Vậy mà sớm thì khi người ta lên chức ông bà mới là muộn phải không?

Anh đặt bát lên chiếc bàn tròn cạnh giường, hứa chắc nịch:

- Thôi, vậy con chăm bà đến cuối đời rồi con sẽ đi tìm cho mình một người vợ hiền dâu thảo rồi đưa đến trước linh cữu của bà, ra mắt.

- Thật à?

- Dạ.

Giấy mãi không gói được lửa.

Bà ngoại dịu dàng móc từ trong ống tay phải của anh một chiếc vòng xanh quen thuộc từ năm nào. Mân mê chiếc tượng thái cực dương xức mẻ trên đó, bà thở một tiếng thật dài chẳng phân định rõ cảm xúc:

- Quý Đông này, không biết cháu bà trong con là kỷ niệm hay chấp niệm nữa. Đã lâu lắm rồi, con cũng đừng tự trách mình như thế.

Bàn tay người đàn ông phủ lên đôi bàn tay lốm đốm đồi mồi ấy, phân trần:

- Chuyện đã qua rồi, con cũng cho nó trôi vào dĩ vãng từ lâu rồi, bà ạ.

- Vậy con còn đeo chiếc vòng làm gì? Vì đẹp à? Âm dương phải hòa hợp, vận khí mới sung túc. Cả hơn nửa đời của con dành ra chỉ để treo chiếc vòng có một nửa phần âm này lên. Con nghĩ con lừa được ai?

- Con không lừa bà. Vòng đẹp có rất nhiều, nhưng con đeo quen rồi, tháo ra cảm giác trống vắng.

Anh tặc lưỡi, rút tay về trong khi bà đang còn mông lung nơi vô định.

- Vậy con cũng nên tháo cái vòng đó đi. Nhìn vật nhớ người, bà không nghĩ con không hiểu đạo lý đó. Nếu con thấy có lỗi với An Hạ, thì thắp cho nó một nén hương tưởng niệm là được. Còn đây là chấp niệm khó buông.

- Bà à...

- Giờ con có quay ngược lại thời gian, bà tin con bé vẫn sẽ chọn việc đẩy con ra khỏi móng vuốt của chiếc xe đó. Người gây tai nạn cũng đã vào tù, mà người quá cố cũng đâu thể sống lại. Chẳng ai trách con, chỉ trách người tài xế vi phạm luật, uống rượu bia quá nhiều mà thôi.

Quý Đông nghiêng người xuống ôm bà, ôm người đã ở bên anh vực anh dậy những lúc khổ đau, nguyện chăm một người không máu mủ ruột rà đến hết cuộc đời.

- Rồi rồi, An Hạ bây giờ cũng không phải là kỷ niệm hay chấp niệm nữa đâu bà. Chỉ là cháu không thích lập gia đình, muốn ở độc thân đẹp trai để chăm sóc bà không được ạ?

- Nhưng ít nhất cũng nên mở lòng để đón nhận một luồng tình cảm mới. Cháu có đóng vậy, An Hạ cũng không quay về được đâu.

Bà đánh nhẹ vào tấm lưng rộng của người đàn ông, coi như là khiển trách. Nhưng lực bà yếu, có đấm cũng chỉ gãi nhẹ mà thôi.

- Sợ bà cô đơn nên cháu mới bay từ thủ đô về đây đón Trung thu cùng. Vậy mà bà cứ nhất mực đuổi cháu đi. Cháu lấy vợ rồi, cháu chăm vợ, rồi ai sẽ chăm bà? Đến bố mẹ cháu còn có quyền hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình, lẽ nào cháu lại không được?

- Nhưng anh làm tôi lo lắm. Đến con An Hạ ở trên trời kiểu gì cũng lo cho anh. Đến từng này tuổi đầu hai thứ tóc rồi mà cứ giữ khư khư kỷ vật người đã khuất. Nếu anh không thể buông tha cho nó, cũng nên buông tha cho chính mình.

Nhưng liệu Quý Đông có thể tự buông tha cho chính anh được không?

Có thể là không.

Nhiều đêm trằn trọc khó ngủ, bà ngoại rón rén đi rót nước.

Nhưng chỉ cần liếc mắt lên phòng An Hạ, bà đều như thấy bóng dáng của một người đàn ông đang tự giam lỏng mình trong đó. Có thể là mân mê cặp nhẫn bạc chưa kịp thề hẹn đôi người, có thể là những tấm ảnh từ xưa được bảo vệ cẩn thận.

Thoáng qua khe hở của cửa phòng, bà thậm chí còn ngửi được mùi thuốc lá dày đặc.

Mọi năm, cứ đến Tết đoàn viên, cả hai bà cháu sẽ vui vẻ cắt bánh, san sẻ niềm vui nỗi buồn cuộc sống cho nhau.

Nhưng năm nay, bà không còn để cho Quý Đông kể lể những phong phanh công việc mà anh nghe được nữa. Bà dành riêng khoảng thời gian đó để độc thoại một mình.

Cơ thể nhoài mệt từ đầu năm nay, đến bây giờ lại đột nhiên hồi phục nhanh chóng. Là bác sĩ, cớ gì anh không biết điều đó nghĩa là gì.

- Suốt ngày anh nai lưng ra để làm với lụng, tiền thì cứ trích hết vào quỹ phúc lợi xã hội. Giờ mà đào sính lễ ra để cưới con gái nhà người ta, không có cắc bạc nào, người ta cười chết.

- Nào có, trong túi cháu rủng rỉnh tiền của lắm. Cháu tính về quê chơi mấy năm rồi làm một chuyến vòng quanh thế giới trước khi dưỡng tuổi già đấy bà!

- Rồi cái mảnh đất này tôi để cho ai? Anh cứ đi lung tung tang kiểu thế thì tôi để cho ai?

- Có thể con đi quyên góp cho nhà nước.

- Cái thằng... cái thằng điên này. Mày muốn bà mày tăng xông lên đường sớm có phải không?

Không còn mấy sức, nhưng bà vẫn vỗ thật mạnh lên tay người đàn ông:

- Tao để đất cho mày hòng làm vốn cưới vợ. Mày lại đi quyên hết cho Nhà nước, mày tính cưới Nhà nước à? Tiền tài tuổi trẻ cống hiến hết cho Tổ quốc, giờ đến cái nhà duy nhất cũng thẳng tay bán đi. Thời bình mà con. Có phải thời chiến đâu mà nói bán là bán thế?

Trước sự tức giận của bà, Quý Đông chỉ cười, đánh trống lảng cho qua.

Như nằm trong dự đoán, mùa đông năm ấy lạnh cắt thấu xương.

Nhưng cũng mùa đông năm ấy, số mệnh của bà cũng đành nguội lạnh trước cánh tay giá rét từ tử thần phương Bắc.

Đêm hôm trước hẵng còn gió rít và mưa rét, nhưng sáng hôm sau lại là một ngày trời quang mây tạnh.

Đẹp, đẹp đến mức khó thở.

Quý Đông bước chậm đến bên giường bà, như chờ một ánh nhiệm màu khuất lối đâu đó.

Người đàn bà bệnh tật bao lâu nay, cuối cùng cũng nở nụ cười ấm áp mãn nguyện, như được hồi sinh trong những khắc cuối đời.

Nắm chặt trong ta bà là 3 tấm ảnh khác nhau, kéo dài đến ba thế hệ.

Một bức đã sờn cũ vì đất cát, thu gọn khoảnh khắc hạnh phúc của hai người lính đang đứng nguyện thề dưới cờ Tổ Quốc với nhau. Vác súng lên vai, nhưng con tim lại cùng chung nhịp đập.

Bức thư hai, nhìn qua đã biết là mẫu chụp của thời trước: là khi cô dâu mặc chiếc váy hồng nổi bật, cười dịu dàng sau tấm lưng ước đẫm mồ hôi của chú rể. Là khi họ vui vẻ bỏ lại đau buồn của nhân gian, cùng với chiếc xe cup cà tàng, chạy đến nơi bình yên đầy nứng.

Và bức cuối cùng là một bức ảnh kỷ yếu. Trời trong, mây trắng, dưới đỉnh đầu là hai đứa học trò đang ghé vào nhau, cùng mỉm cười chỉ tay lên tấm bằng cử nhân đi "mượn". Khi nụ cười của người con gái hướng thẳng về ống kính, ánh nhìn của cậu con trai lại hướng về nụ cười kia.

Lễ tang, ma chay, tất tần tật, Quý Đông đều lo liệu mọi thứ tới chu toàn.

Chu toàn đến mức, người nơi đây cũng tấm tắc khen bà ngoại An Hạ có một người cháu đích tôn hiếu thảo.

Nhưng cũng chỉ có một số ít người biết, anh chưa bao giờ là cháu ruột của bà.

Nỗi đau năm đó tựa một đòn đánh chí mạng với gia đình họ. Khiến cả không gian ấm cúng gia đình cũng từ từ vơi mất, khiến cho căn nhà ngập tiếng cười ấy trở nên trầm hẳn.

Ai cũng biết, và ai cũng tự lảng tránh nỗi đau năm đó.

Có nhiều người không kìm được cái khoảnh khắc anh ngồi thừ nhìn bài vị của người bà, bật khóc ngay giữa không gian tang thương u buồn.

Nhưng người cháu của họ, lại chẳng rơi một giọt nước mắt nào.

Vốn hôm đó là ngày sinh nhật anh, nhưng bà lại chẳng thể đón cùng anh thêm một mùa đông tuổi mới.

Chờ đến lúc mọi thứ xong xuôi, Quý Đông mới lẳng lặng ra trước ngõ, sắm cho mình một chiếc bánh kem ngọt gắt mà tụi trẻ con hay mua, cắm cho mình một chiếc nến xanh, tự cho là đón sinh nhật mình.

Như có một sự liên kết, ngày mẹ An Hạ ra đi, cũng trùng với ngày sinh nhật của Quý Đông.

Gió đông thổi, nến tắt ngúm. Như chúc mừng tuổi 46 cô quạch.

Phải đến lúc này, Quý Đông mới vỡ òa cảm xúc. Anh không thể giữ được bình tĩnh như bao ngày qua. Gục mặt xuống, anh khóc như một đứa trẻ mất đi chiếc kẹo ngon của mình.

Hình như, đã rất nhiều năm rồi anh chưa khóc xé lòng đến vậy.

Hơi ấm cuối cùng chỉ là ngọn lửa trên đầu nến cũng bị gió vùi cho tắt hẳn.

Đến cả hai chiếc nhẫn trên dây chuyền nơi cổ áo cũng hóa lạnh băng, dẫu cho anh đã tự ủ ấm nó bằng chính thân mình.

Viễn cảnh ấm cúng anh mong chờ hơn mấy chục năm nay, vĩnh viễn chẳng bao giờ xảy ra.

"Nhà cô cấp bốn đơn sơ nhưng ấm cúng gọn gàng hơn bất kỳ ngôi nhà nào cậu đến thăm cùng bố. Phòng bếp không to nhưng khô ráo sạch sẽ, đến cả không khí cũng chỉ thoang thoảng mùi nước hầm và mùi nắng.

Sáng nay trời trong, nắng lên nhanh chiếu thẳng vào chiếc rèm sau bậu cửa khiến cho không gian mang một sắc cam dịu ngọt. Trong tiếng cười nô đùa của hai đứa trẻ, là tiếng nghiêm giọng không đáng bao nhiêu của người bà: tạo thành một khung cảnh hạnh phúc chưa bao giờ phai trong tâm trí Quý Đông.

Người con gái cậu thích ngồi đối diện đang chọc bà ngoại mình, tóc buộc lơi của cô rơi xuống vài sợi nhẹ nhàng phủ xuống đôi vai gầy khiến cậu muốn giơ tay bấm dừng sự tích tắc của thời gian.

Cậu muốn hơn nửa đời sau của cậu trải qua trong cái hạnh phúc ngọt ngào này. Cùng một người bà đáng quý và cùng người con gái cậu trót thương."

Mùa đông thật lạnh.

Lạnh thật đấy.

Không còn một mùa hạ đủ ấm áp nào để dành cho anh. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro