Ham doi thiet giap ham Hoa Ky trong WW2 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đặt hàng: 23 tháng 11 năm 1914

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm New Mexico

Xưởng đóng tàu: Newport News Shipbuilding

Đặt lườn: 5 tháng 4 năm 1915

Hạ thủy: 25 tháng 1 năm 1917

Đỡ đầu: Camelle McBeath

Hoạt động: 18 tháng 12 năm 1917

Bị mất: Bị bán để tháo dỡ ngày 28 tháng 11 năm 1956

Xếp lại lớp: BB-41 thành AG-128

15 tháng 2 năm 1946

Ngừng hoạt động: 17 tháng 9 năm 1956

Xóa đăng bạ: 30 tháng 7 năm 1956

Tặng thưởng: 8 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 32.000 tấn (tiêu chuẩn)

Chiều dài: 190 m (624 ft)

Mạn thuyền: 29,7 m (97 ft 5 in)

Tầm nước: 9,1 m (30 ft)

Lực đẩy:

Tốc độ: 39 km/h (21 knot)

Tầm xa:

Quân số: 55 sĩ quan, 1026 thủy thủ

Vũ khí: 12 × pháo 355 mm (14 inch)/50 caliber

14 × pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber

4 × pháo 76 mm (3 inch)

2 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch)[1]

USS Mississippi (BB-41/AG-128), một thiết giáp hạm thuộc lớp New Mexico, là chiếc tàu chiến thứ ba của Hải quân Hoa Kỳ được đặt cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang thứ 20 của Hoa Kỳ. Mississippi đã hoạt động liên tục từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, trãi qua Chiến tranh Thế giới thứ hai, và sau đó như một tàu thử nghiệm vũ khí cho đến khi ngừng hoạt động và tháo dỡ vào năm 1956.

Thiết kế và chế tạo

Mississippi được đặt lườn vào ngày 5 tháng 4 năm 1915 bởi hãng Newport News Shipbuilding Company tại Newport News, Virginia. Nó được hạ thủy vào ngày 25 tháng 1 năm 1917, được đỡ đầu bởi Cô Camelle McBeath, con gái ngài Chủ tịch Ủy ban Xa lộ tiểu bang Mississippi; và được đưa ra hoạt động vào ngày 18 tháng 12 năm 1917 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân J. L. Jayne.

Thế Chiến I

Sau các đợt thực tập ngoài khơi Virginia, Mississippi khởi hành vào 22 tháng 3 năm 1918 để huấn luyện tại vịnh Guacanayabo, Cuba. Một tháng sau, nó quay về Hampton Roads và di chuyển giữa Boston, Massachusetts, và New York City cho đến khi khởi hành tham gia cuộc cơ động mùa Đông tại khu vực biển Caribbe vào ngày 31 tháng 1 năm 1919.

Giữa hai cuộc thế chiến

Ngày 19 tháng 7 năm 1919, Mississippi rời khu vực Đại Tây Dương để chuyển sang hoạt động tại vùng biển Thái Bình Dương. Đi đến căn cứ mới của nó tại San Pedro, California, chiếc thiết giáp hạm hoạt động dọc theo Bờ Tây Hoa Kỳ trong bốn năm tiếp theo sau, đồng thời đi đến vùng biển Caribbe trong những tháng mùa Đông để tiến hành tập trận. Hai trong số mười bốn khẩu pháo hạng hai 127 mm (5 inch)/51-caliber nguyên thủy được tháo bỏ vào năm 1922.[1]

Trong một đợt thực tập tác xạ vào ngày 12 tháng 6 năm 1924 ngoài khơi San Pedro, 48 thành viên thủy thủ đoàn đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn phát nổ tháp pháo chính số 2. Ngày 15 tháng 4 năm 1925, Mississippi khởi hành rời San Francisco, California, tham gia hoạt động diễn tập ngoài khơi Hawaii, rồi sau đó đi đến Australia trong một chuyến viếng thăm hữu nghị. Nó quay trở lại Bờ Tây Hoa Kỳ vào ngày 26 tháng 9, và tiếp tục các hoạt động thường xuyên tại đây trong bốn năm tiếp theo sau. Trong giai đoạn này, nó còn thường xuyên đi đến vùng biển Caribbe và Đại Tây Dương để thực tập trong các tháng mùa Đông.Mississippi vào xưởng hải quân Norfolk vào ngày 30 tháng 3 năm 1931 để đại tu và hiện đại hóa, rồi sau đó lại khởi hành tiếp nối các hoạt động huấn luyện thực tập vào tháng 9 năm 1933. Đợt đại tu này bao gồm việc thay thế các khẩu súng phòng không 76 mm (3 inch) bằng tám khẩu 127 mm (5 inch)/25 caliber.[1] Đi ngang qua kênh đào Panama vào ngày 24 tháng 10 năm 1934, chiếc thiết giáp hạm quay trở lại căn cứ chính của nó tại San Pedro. Trong bảy năm tiếp theo, nó hoạt động tại khu vực ngoài khơi Bờ Tây, ngoài trừ những chuyến đi đến Caribbe trong mùa Đông.

Thế Chiến II

Quay trở về Norfolk, Virginia vào ngày 16 tháng 6 năm 1941, Mississippi chuẩn bị để tham gia các hoạt động tuần tra tại khu vực Bắc Đại Tây Dương. Khởi hành từ Newport, Rhode Island, nó hộ tống một đoàn tàu vận tải đi đến Hvalfjordur, Iceland. Chiếc thiết giáp hạm còn thực hiện một chuyến đi khác đến Iceland vào ngày 28 tháng 9 năm 1941, rồi trải qua hai tháng tiếp theo sau hoạt động bảo vệ các tàu bè trong khu vực.Hai ngày sau khi xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Mississippi rời Iceland tiến sang Thái Bình Dương. Đến San Francisco ngày 22 tháng 1 năm 1942, chiếc thiết giáp hạm trải qua bảy tháng tiếp theo sau thực hành huấn luyện và hộ tống các đoàn tàu vận tải dọc theo bờ biển. Bắt đầu từ tháng 5 năm 1942, các khẩu pháo hạng hai 127 mm (5 inch)/51-caliber nguyên thủy được tháo dỡ dành chỗ cho các khẩu súng máy phòng không bổ sung.[1] Vào ngày 6 tháng 12, sau khi tham gia các cuộc tập trận tại vùng biển ngoài khơi Hawaii, Mississippi di chuyển cùng các tàu vận tải chở binh lính đến quần đảo Fiji, rồi quay trở lại Trân Châu Cảng vào ngày 2 tháng 3 năm 1943. Vào ngày 10 tháng 5, nó khởi hành từ Trân Châu Cảng để tham gia hoạt động tái chiếm quần đảo Aleut. Đảo Kiska bị bắn pháo vào ngày 22 tháng 7, và vài ngày sau lực lượng Nhật Bản buộc phải rút lui. Sau khi trải qua một đợt đại tu tại San Francisco, Mississippi khởi hành từ San Pedro vào ngày 19 tháng 10 để tham gia chiến dịch chiếm đóng quần đảo Gilbert. Trong khi đang nả pháo xuống Makin trong ngày 20 tháng 11, một vụ nổ bên trong tháp pháo, tương tự như thảm kịch từng xảy ra trước đây, làm thiệt mạng 43 người.Vào ngày 31 tháng 1 năm 1944, Mississippi tham gia vào chiến dịch quần đảo Marshall, nả pháo lên đảo Kwajalein. Sau đó nó bắn phá Taroa trong ngày 20 tháng 2 và xuống Wotje vào ngày hôm sau. Vào ngày 15 tháng 3, nó lại nả pháo xuống Kavieng, New Ireland. Đến thời hạn phải đại tu, chiếc thiết giáp hạm trãi qua các tháng mùa Hè trong xưởng hải quân Puget Sound. Đợt đại tu này còn bao gồm việc bổ sung thêm số pháo hạng hai 127 mm (5 inch)/25 caliber từ 8 lên 14 khẩu.[1]Quay trở lại khu vực chiến trường, Mississippi hỗ trợ cho việc đổ bộ lên Peleliu thuộc quần đảo Palau vào ngày 12 tháng 9. Sau một tuần lễ hoạt động liên tục, nó lên đường đi đến Manus, nơi nó ở lại đó cho đến ngày 12 tháng 10. Rời Manus, chiếc tàu chiến hỗ trợ cho việc giải phóng Philippines khi dội pháo xuống bờ biển phía Đông của Leyte vào ngày 19 tháng 10. Trong đêm 24 tháng 10, trong thành phần hàng thiết giáp hạm của Chuẩn Đô đốc Jesse Oldendorf, Mississippi đã giúp vào việc tiêu diệt một lực lượng Nhật Bản mạnh mẻ trong trận chiến eo biển Surigao. Do bị thiệt hại nặng sau những cuộc đụng độ tại vịnh Leyte, Hải quân Nhật không còn có thể tung ra những cuộc tấn công đáng kể nào khác.Mississippi tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động tại vịnh Leyte cho đến ngày 16 tháng 11, khi nó khởi hành đi đến quần đảo Admiralty. Sau đó nó tiến vào vịnh San Pedro thuộc Leyte vào ngày 28 tháng 12 chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên đảo Luzon. Vào ngày 6 tháng 1 năm 1945, nó bắt đầu bắn pháo xuống vịnh Lingayen. Mặc dù phải chịu đựng những hư hại gần mực nước do một máy bay tấn công cảm tử kamikaze gây ra, nó vẫn tiếp tục hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ cho đến ngày 10 tháng 2. Sau khi được sửa chữa tại Trân Châu Cảng, chiếc thiết giáp hạm lên đường đi Nakagusuku Wan thuộc Okinawa, đến nơi vào ngày 6 tháng 5 để hỗ trợ cho lực lượng đổ bộ tại đây. Các khẩu pháo hạng nặng của nó đã phá hủy các công trình phòng thủ tại lâu đài Shuri, làm sụp đổ toàn bộ hệ thống phòng ngự. Vào ngày 5 tháng 6, thêm một máy bay kamikaze khác đâm bổ vào mạn phải con tàu, nhưng chiếc thiết giáp hạm vẫn tiếp tục hỗ trợ cho lực lượng trên bờ tại Okinawa cho đến ngày 16 tháng 6.Nhận được tin tức về việc Nhật Bản chấp nhận đầu hàng, Mississippi lên đường hướng đến Sagami Wan, Honshū, đến nơi vào ngày 27 tháng 8 như một phần của lực lượng hỗ trợ chiếm đóng. Nó thả neo trong vịnh Tokyo, chứng kiến việc ký kết các văn kiện đầu hàng, rồi lên đường quay trở về nhà vào ngày 6 tháng 9.

Sau chiến tranh

Mississippi về đến Norfork vào ngày 27 tháng 11, nơi nó được cải biến thành số hiệu AG-128, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15 tháng 2 năm 1946. Như một phần của lực lượng nghiên cứu phát triển, nó trãi qua 10 năm cuối cùng của cuộc đời phục vụ thực hiện các nghiên cứu về sự cố trong tác xạ và thử nghiệm các vũ khí mới trong khhi đang đặt căn cứ tại Norfolk. Chiếc thiết giáp hạm đã đưa Hải quân Mỹ bước vào kỷ nguyên tàu chiến trang bị tên lửa điều khiển khi nó phóng thành công tên lửa Terrier vào ngày 28 tháng 1 năm 1953 ngoài khơi mũi Cod. Nó cũng được sử dụng trong việc đánh giá kết luận cuối cùng về kiểu tên lửa Petrel, một kiểu vũ khí dẫn đường bằng radar, vào tháng 2 năm 1956.Mississippi được cho ngừng hoạt động tại Norfolk vào ngày 17 tháng 9 năm 1956. Đã có đề nghị để tiểu bang Mississippi sẽ cải biến con tàu thành một tàu bảo tàng, giống như chiếc Alabama đang hoạt động tại Mobile, Alabama, nhưng những kế hoạch này đã không được thực hiện. Thay vào đó, hãng Bethlehem Steel Company đã mua lại con tàu vào ngày 28 tháng 11 năm 1956 và tháo dỡ nó.[2].

Phần thưởng

Mississippi được tặng thưởng 8 Ngôi sao Chiến đấu do thành tích phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.Chiếc chuông của con tàu hiện đang được trưng bày trong khu vườn của Lâu đài Rosalie tại Đồn Rosalie nhìn ra sông Mississippi.[

Mang cờ Hải quân Hoa Kỳ

Đặt hàng: 4 tháng 3 năm 1911[1]

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Nevada

Xưởng đóng tàu: hãng đóng tàu Fore River[1]

Đặt lườn: 4 tháng 11 năm 1912 [2]

Hạ thủy: 11 tháng 7 năm 1914[3]

Đỡ đầu: Eleanor Anne Seibert

Hoạt động: 11 tháng 3 năm 1916[2]

Bị mất: Bị đánh chìm như một mục tiêu tác xạ ngày 31 tháng 7 năm 1948[4]

Ngừng hoạt động: 29 tháng 8 năm 1946[2]

Xóa đăng bạ: 12 tháng 8 năm 1948[4]

Tặng thưởng: 7 Ngôi sao Chiến đấu[2]

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 27.500 tấn (vào năm 1916)[5][6]

30.500 tấn (sau khi tái cấu trúc)[7]

Chiều dài: 178 m (583 ft)[5]

Mạn thuyền: 26 m (95 ft 3 inch)[6][5]

Tầm nước: 8,7 m (28 ft 6 inch)[2][6]

Lực đẩy: Turbine hơi nước Curtis [5][1][6]

2 trục, công suất 24.800 mã lực[8]

Tốc độ: 38 km/h (20,5 knot) (thiết kế)[5]

Tầm xa: Thiết kế

14.800 km ở tốc độ 18 km/h

(8.000 nm ở tốc độ 10 knot) [7]

Hoạt động

9.500 km ở tốc độ 22 km/h

(5.120 nm ở tốc độ 12 knot) hoặc

3.600 km ở tốc độ 36 km/h

(1.931 nm ở tốc độ 20 knot) [7]

Trữ lượng nhiên liệu: 2.000 tấn dầu F.O.[8]

Quân số: 864 sĩ quan và thủy thủ (ban đầu)[9]

1.398 (1929)[10]

2.220 (1945)[10]

Vũ khí: Ban đầu: 10×pháo 356 mm (14 inch)/45 caliber[11] (2×3, 2×2)[7][9][10]

21×pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber (21×1 bên mạn và đuôi tàu)[7][9][10][12]

2 hoặc 4×ống phóng ngư lôi 53 cm (21 inch)[13]

Vỏ giáp: đai giáp: 13.5-8 in[7][10]

vách ngăn: 13-8 in[7][10]

tháp súng hông: 13 in[7][10]

tháp pháo chính: 18 in[7][10]

sàn tàu: 5 in[7][10]

Máy bay: 3 thủy phi cơ, 2 máy phóng (ban đầu)[10]

2 thủy phi cơ, 1 máy phóng (1942) [10]

USS Nevada (BB-36) (tên lóng: "Cheer Up Ship")[14], chiếc tàu chiến thứ hai của Hải quân Hoa Kỳ được đặt theo tên của tiểu bang thứ 36 của Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong số hai chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Nevada; chiếc tàu chị em với nó chính là chiếc Oklahoma. Được hạ thủy vào năm 1914, Nevada là một cú nhảy vọt trong kỹ thuật tàu chiến hạng nặng, với bốn trong số các đặc tính của nó hiện diện trên tất cả các thiết giáp hạm Mỹ sau này: tháp pháo với ba khẩu súng chính,[15] súng phòng không, thay thế than bằng dầu làm nhiên liệu, và nguyên tắc "tất cả hoặc không có gì" khi thiết kế vỏ giáp. Các đặc tính này làm cho Nevada trở thành chiếc thiết giáp hạm "Siêu Dreadnought" đầu tiên của Hải quân Mỹ.Nevada đã phục vụ trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới: trong những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ nhất, Nevada đặt căn cứ tại vịnh Bantry, Ireland để bảo vệ các đoàn tàu vận tải đi và đến nước Anh. Trong Thế chiến thứ hai, nó là một trong những thiết giáp hạm bị kẹt lại bên trong vịnh khi Hải quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Nó là chiếc thiết giáp hạm duy nhất di chuyển được trong cuộc tấn công, khiến cho nó trở thành "điểm sáng duy nhất trong ngày ảm đạm và suy sụp đó" của nước Mỹ.[16] Dù vậy, nó vẫn bị đánh trúng một quả ngư lôi và ít nhất sáu trái bom trong khi di chuyển ra khỏi nơi neo đậu hàng thiết giáp hạm, buộc nó phải tự mắc cạn gần bờ. Sau khi được trục vớt và hiện đại hóa tại xưởng hải quân Puget Sound, Nevada phục vụ trong việc hộ tống các đoàn tàu vận tải tại vùng biển Đại Tây Dương, và yểm trợ hỏa lực cho nhiều cuộc tấn công đổ bộ tại Normandie và tại miền Nam nước Pháp; trong trận Iwo Jima và trận Okinawa tại mặt trận Thái Bình Dương.Sau khi kết thúc Thế chiến thứ hai, Hải quân Mỹ đánh giá chiếc Nevada đã quá cũ để có thể giữ lại, nên họ đã dùng nó như một mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm nguyên tử được thực hiện tại đảo san hô Bikini vào tháng 7 năm 1946 (Chiến dịch Crossroad). Sau khi chịu đựng hai trái bom nguyên tử, nó vẫn có thể nổi được nhưng bị hư hại và bị nhiễm phóng xạ nặng nề. Nó được cho ngừng hoạt động vào ngày 29 tháng 8 năm 1946 và bị đánh chìm trong một cuộc thực tập tác xạ pháo hải quân vào ngày 31 tháng 7 năm 1948.

Thiết kế và chế tạo

Thiết kế

Là chiếc thiết giáp hạm đầu tiên thuộc thế hệ thứ hai[17] và cũng là chiếc đầu tiên thuộc loại "Siêu-Dreadnought" của Hải quân Mỹ, Nevada được các sử gia hiện tại mô tả như là "cách mạng"[17][18] và "tiên tiến như chiếc Dreadnought vào thời của nó"[19]. Vào lúc nó hoàn thành vào năm 1916,[20] báo New York Times nhấn mạnh rằng nó là "chiếc thiết giáp hạm vĩ đại nhất đang hoạt động"[21] vì nó lớn hơn nhiều so với những chiếc thiết giáp hạm Mỹ đương thời: lượng rẽ nước của nó gần gấp ba lần so với chiếc thiết giáp hạm cũ thế hệ Tiền-Dreadnought Oregon (1890), gần gấp hai lần so với chiếc Connecticut (1904), và nặng hơn gần 8.000 tấn so với một trong những chiếc dreadnought đầu tiên, Delaware, chỉ mới được chế tạo bảy năm trước chiếc Nevada.[21]Nevada là chiếc thiết giáp hạm đầu tiên của Mỹ có tháp pháo ba khẩu pháo,[17][22][23] một ống khói duy nhất,[24] pháo phòng không,[21] và dùng nhiên liệu dầu để cung cấp động năng.[21][25] Đặc biệt, việc sử dụng dầu khiến cho con tàu có ưu thế kỹ thuật so với những chiếc đốt than cũ hơn,[16] vì dầu có hiệu quả hơn than do cung cấp một bán kính hoạt động lớn hơn với cùng một khối lượng nhiên liệu. Đây là mối quan tâm lớn của Hội đồng Tướng lĩnh Hải quân vào lúc đó. Vào năm 1903, Hội đồng nhận định rằng mọi thiết giáp hạm Mỹ phải có bán kính hoạt động tối thiểu là 9.700 km (6.000 dặm) để Hoa Kỳ có thể thực hiện được Học thuyết Monroe. Một trong những mục đích chính của Hạm đội Great White, từng đi vòng quanh thế giới trong những năm 1907- 1908, là để chứng minh cho Nhật Bản thấy rằng Hải quân Mỹ có thể "mang mọi cuộc đối đầu hải quân đến vùng biển nhà Nhật Bản". Có thể do hậu quả của điều này, những thiết giáp hạm sau năm 1908 chủ yếu được thiết kế để "đi được 8.000 dặm ở tốc độ đường trường"; là khoảng cách giữa San Pedro nơi hạm đội đặt căn cứ, và Manila là nơi mà hạm đội dự định phải chiến đấu theo bản Kế hoạch chiến tranh Cam là 6.550 hải lý[26] (12.100 km, 7.500 dặm), tầm hoạt động rõ ràng là mối quan tâm chính của Hải quân Mỹ.[27][28] Hơn nữa, nhiên liệu dầu cũng giúp giảm bớt nhân sự cần cho các lò đốt;[29] kỹ sư trên chiếc Delaware đã ước lượng rằng 100 thợ đốt lò (stoker) và 112 người chuyển than có thể được thay bằng 24 người, do đó giảm bớt số khoang cabin trên tàu; giúp giảm tải trọng, giảm lượng nước và tiếp liệu mà con tàu cần mang theo.[30]Thêm vào đó, Nevada có được lớp vỏ giáp tối đa bên trên các vùng trọng yếu, như hầm đạn và động cơ, và không có vỏ giáp trên những nơi không quan trọng, cho dù những thiết giáp hạm trước đây có vỏ giáp với độ dày khác nhau tùy theo tầm quan trọng của vùng nó bảo vệ. Thay đổi tận căn bản này về sau được biết đến như là nguyên tắc "tất cả hoặc không có gì", mà sau đó được các lực lượng hải quân chủ yếu trên thế giới áp dụng cho thiết giáp hạm của họ.[22][25][31] Với sơ đồ vỏ giáp mới được áp dụng, trong lượng của vỏ giáp trên chiếc thiết giáp hạm mới chiếm đến 41,1% tổng lượng rẽ nước.[32]Kết quả của tất cả các thay đổi trong thiết kế so với những thiết giáp hạm trước đây, Nevada trở thành chiếc đầu tiên của loại thiết giáp hạm được gọi là "Tiêu chuẩn".[33] Các đặc tính "chuẩn" này là sử dụng dầu đốt, nguyên lý vỏ giáp "tất cả hoặc không có gì", và sự sắp xếp hỏa lực pháo chính thành bốn tháp pháo đôi hoặc ba mà không có tháp pháo nào ở vị trí giữa tàu.[34]Hai chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Nevada trong thực tế giống như nhau ngoại trừ phần động lực của chúng: Oklahoma được trang bị kiểu động cơ hơi nước kiểu cũ hơn ba buồng bành trướng đặt dọc, trong khi Nevada có động cơ turbine hơi nước Curtis.[1][6][35]

Chế tạo và chạy thử máy

Kế hoạch chế tạo Nevada được thông qua bởi một đạo luật của Quốc Hội vào ngày 4 tháng 3 năm 1911. Hợp đồng chế tạo được giao cho Fore River Shipbuilding Company vào ngày 22 tháng 1 năm 1912 với tổng trị giá 5.895.000 Đô la Mỹ[36] (không bao gồm vỏ giáp và vũ khí), và thời gian chế tạo được dự trù lúc ban đầu là 36 tháng. Một hợp đồng thứ hai được ký kết vào ngày 31 tháng 7 năm 1912 với một khoảng tiền 50.000 Đô la[37] chi phí bổ sung cho bộ hộp số chạy đường trường cho mỗi trục cánh quạt; và hợp đồng này cũng kéo dài thời gian chế tạo thêm năm tháng.[1] Lườn của nó được đặt vào ngày 4 tháng 11 năm 1912, và đến ngày 12 tháng 8 năm 1914, con tàu được hoàn thành đến 72,4%.[38] Nevada được hạ thủy vào ngày 11 tháng 7 năm 1914; nó được đỡ đầu bởi Eleanor Anne Seibert, cháu gái của Thống đốc tiểu bang Nevada Tasker Oddie và là một hậu duệ của Bộ trưởng Hải quân đầu tiên của Hoa Kỳ Benjamin Stoddert.[2][3] Buổi lễ hạ thủy có sự tham dự của nhiều quan chức chính phủ nổi bật, bao gồm Thống đốc Oddie, Thống đốc bang Massachusetts David I. Walsh, Nghị sĩ bang Nevada Key Pittman, Bộ trưởng Hải quân Josephus Daniels và Phụ tá Bộ trưởng Franklin D. Roosevelt,[3] người sẽ trở thành Tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ.Sau đó Nevada trải qua nhiều cuộc thử nghiệm và chạy thử máy khác nhau trước khi được cho hoạt động nhằm đảm bảo nó đáp ứng các điều kiện trong hợp đồng. Chúng được bắt đầu vào ngày 4 tháng 11 năm 1915, khi con tàu thực hiện một chuyến đi kéo dài 12 giờ dọc theo bờ biển New England, đạt được tốc độ tối đa 40 km/h (21,4 knot).[39] Mặc dù công việc nghiệm thu nó bị gián đoạn vào ngày 5 tháng 11 do một cơn cuồng phong và biển động, chúng được tiếp tục vào ngày 6 bằng thử nghiệm độ tiêu hao nhiên liệu; bao gồm một chuyến đi kéo dài 24 giờ khi Nevada di chuyển ở vận tốc 18 km/h (10 knot).[40] Kết quả thử nghiệm là tích cực: lượng dầu tiêu thụ của chiếc tàu chiến thấp hơn 6 pound mỗi knot so với yêu cầu của hợp đồng. Một thử nghiệm khác kéo dài 12 giờ ở tốc độ 28 km/h (15 knot) cho kết quả còn tốt hơn nữa với 10 pound ít hơn cho mỗi knot.[41] Sau khi hoàn tất mọi thử nghiệm trên và các cuộc chạy thử ngoài khơi Rockland, Maine,[24] Nevada di chuyển đến Xưởng Hải quân Boston và Xưởng Hải quân New York để lắp đặt thiết bị, ống phóng ngư lôi và vũ khí.[42] Sau khi mọi sự chuẩn bị hoàn tất, Nevada được đưa vào hoạt động ngày 11 tháng 3 năm 1916 tại Xưởng hải quân Charlestown, và William S. Sims trở thành thuyền trưởng đầu tiên của con tàu mới.[43]

Lịch sử hoạt động

Thế chiến thứ nhất

Sau khi được trang bị tại xưởng hải quân Boston và New York, Nevada gia nhập Hạm đội Đại Tây Dương tại Newport, Rhode Island vào ngày 26 tháng 5 năm 1916. Trước khi Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến thứ nhất, nó thực hiện nhiều chuyến đi huấn luyện và thực hành tại vùng biển ngoài khơi căn cứ của nó ở Norfolk, Virginia, hướng về phía Nam đến tận vùng biển Caribbe trong những chuyến đi này.[31] Hoa Kỳ chính thức tham chiến vào năm 1917, nhưng chiếc thiết giáp hạm mới không được gửi sang bên kia bờ Đại Tây Dương do hoàn cảnh thiếu nhiên liệu dầu đốt tại Anh.[44] Thay vào đó, bốn chiếc thiết giáp hạm đốt than (Delaware, Florida, Wyoming và New York) được lệnh rời Hoa Kỳ tham gia Hạm đội Grand Anh Quốc vào ngày 25 tháng 11 năm 1917; chúng đến nơi ngày 7 tháng 12, và được đặt tên là Hải đội Thiết giáp hạm 6 của Hạm đội Grand.[45][46][47][48] Chiếc thiết giáp hạm thứ năm Texas phải được sửa chữa sau khi bị mắc cạn tại đảo Block, khiến phải trì hoãn việc khởi hành của con tàu đến tận ngày 30 tháng 1 năm 1918, và cuối cùng nó đến được Scotland vào ngày 11 tháng 2.[49] Phải đến tận ngày 13 tháng 8 năm 1918, Nevada mới rời Mỹ sang Anh Quốc,[2] trở thành chiếc tàu chiến Mỹ cuối cùng tham gia hạm đội.[50]Sau chuyến đi kéo dài mười ngày, nó đến Berehaven, Ireland vào ngày 23 tháng 8.[2] Cùng với chiếc thiết giáp hạm Utah và chiếc tàu chị em Oklahoma, cả ba chiếc tàu chiến được gọi tên lóng là "Hải đội vịnh Bantry ";[51] trong khi một cách chính thức đây là Đội Thiết giáp hạm 6 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Thomas S. Rodgers, vốn chọn Utah làm soái hạm của mình.[52][53] Trong giai đoạn còn lại trước khi Thế Chiến thứ nhất kết thúc, ba chiếc thiết giáp hạm này hoạt động tại vùng biển ngoài khơi cảng, hộ tống các đoàn tàu vận tải lớn và giá trị đi đến quần đảo Anh Quốc nhằm đảm bảo rằng các tàu chiến hạng nặng của Đức không thể lọt qua được đội hình của Hạm đội Grand Anh Quốc để tấn công các tàu buôn vốn chỉ được hộ tống yếu kém bởi các tàu tuần dương cũ.[52][53][54] Điều này chưa bao giờ xảy ra, và chiến tranh kết thúc vào ngày 11 tháng 11 mà Nevada chưa có dịp đối mặt cùng đối phương trong chiến tranh.[31] Trong giai đoạn phục vụ tại phía Đông Đại Tây Dương, Nevada từng thực hiện một chuyến đi tuần tra đến Bắc Hải, nhưng các nguồn dẫn đã không xác định được thời điểm cụ thể.[2][55]Vào ngày 13 tháng 12, Nevada cùng chín thiết giáp hạm khác (Florida, Utah, Wyoming, Arkansas, New York, Texas, Oklahoma, Pennsylvania, Arizona) và 28 tàu khu trục đã hộ tống chiếc tàu chở khách George Washington cùng Tổng thống Woodrow Wilson đi đến Brest, Pháp trong ngày cuối cùng của chuyến đi tham dự Hội nghị hòa bình Paris. Thoạt đầu kế hoạch dự định cho hạm đội gặp gỡ George Washington và lực lượng hộ tống (chiếc thiết giáp hạm Pennsylvania cùng bốn tàu khu trục) cách bờ biển Brest 2.400 km (1.500 dặm),[56] nhưng sau đó dự tính này được thay đổi; và lực lượng hạm đội gặp gỡ Tổng thống tại một điểm cách Best "một khoảng ngắn" và hộ tống ông vào cảng.[57] Mười chiếc thiết giáp lên đường quay trở về nhà vào 14 giờ ngày hôm sau, 14 tháng 12.[58] Chúng mất không đầy hai tuần để vượt qua Đại Tây Dương, và về đến New York ngày 26 tháng 12 trong không khí hân hoan của diễu hành và lễ hội ăn mừng việc chiến tranh đã kết thúc.[50]

Những năm giữa hai cuộc thế chiến

Giữa hai cuộc thế chiến, Nevada phục vụ cho cả hạm đội Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.[2] Cho dù ban đầu được trang bị 21 khẩu pháo 127 mm (5")/51 caliber để phòng thủ chống tàu khu trục đối phương,[25] số pháo này được giảm xuống còn 12 khẩu vào năm 1918[59] do các vị trí phía trước và phía sau bị ướt quá mức.[25]Cùng với chiếc Arizona, Nevada đại diện cho Hoa Kỳ nhân dịp triển lãm Một trăm năm Peru vào tháng 7 năm 1921.[60] Một năm sau đó, cùng với chiếc Maryland, nó quay trở lại Nam Mỹ để hộ tống cho chiếc tàu chở khách Pan America cùng với Ngoại trưởng Charles Evans Hughes trên tàu; tất cả cùng tham gia Lễ kỷ niệm Một trăm năm Độc lập Brazil tại Rio de Janeiro diễn ra từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 9 năm 1922.[2][61][62] Ba năm sau, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1925, Nevada tham gia "chuyến đi hữu nghị" của Hạm đội Hoa Kỳ đến Australia và New Zealand. Trong chuyến đi này, những con tàu chỉ có được những dịp tiếp tế hạn chế nhưng cũng thực hiện được chuyến đi đến tận Australia và quay về mà không bị trễ hạn.[63] Điều này đã chứng tỏ cho các nước đồng minh và Nhật Bản khả năng của Hải quân Hoa Kỳ có thể thực hiện các chiến dịch vượt qua Thái Bình Dương[2] và đối đầu cùng Hải quân Đế quốc Nhật Bản ngay tại vùng biển nhà của họ,[63] nơi mà cả người Nhật lẫn kế hoạch chiến tranh của Hoa Kỳ đều dự đoán rằng "trận chiến quyết định", nếu có, sẽ diễn ra.[64]Sau chuyến đi, Nevada được hiện đại hóa tại xưởng hải quân Norfolk từ tháng 8 năm 1927 đến tháng 1 năm 1930, thay đổi kiểu cột buồm dạng "giỏ" thành kiểu cột buồm dạng "ba chân"[65] và các turbine hơi nước được thay thế bằng linh kiện lấy từ chiếc thiết giáp hạm North Dakota vốn vừa được gạch tên khỏi Danh sách Đăng bạ.[22] Ngoài ra, nhiều thay đổi và bổ sung khác nhau cũng được thực hiện: các khẩu pháo chính của nó có góc nâng được tăng lên đến 30 độ cho phép tăng tầm bắn từ 21 km (23.000 yard) lên 31 km (34.000 yard), đai giáp chống ngư lôi được bổ sung trong khi sáu nồi hơi được bố trí lại để dành chỗ cho các đai giáp này, hai máy phóng được bổ sung dành cho ba chiếc máy bay trinh sát cánh kép Vought O2U-3 Corsair,[66] tám khẩu pháo phòng không 127 mm (5")/25 caliber được bổ sung,[59] một thiết kế cấu trúc thượng tầng mới được trang bị, và dàn pháo hạng hai 5"/51 caliber của nó được bố trí lại[65] tương tự như kiểu sắp xếp trên lớp thiết giáp hạm mới New Mexico.[66] Sau đó Nevada phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương trong mười một năm tiếp theo sau.[65]

Tấn công Trân Châu Cảng

Vào dịp cuối tuần 6-7 tháng 12, tất cả các thiết giáp hạm của Hạm đội Thái Bình Dương đều buông neo trong cảng lần đầu tiên kể từ ngày 4 tháng 7. Thông thường chúng được "luân phiên" nhau nghỉ ngơi trong cảng: sáu chiếc sẽ ra khơi cùng với lực lượng đặc nhiệm thiết giáp hạm của Phó Đô đốc William S. Pye, trong khi vào tuần lễ kế tiếp sẽ đến lượt lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay của Phó Đô đốc William Halsey, Jr.. Tuy nhiên, vì Halsey không thể cho những chiếc thiết giáp hạm tốc độ chậm chạp 31,5 km/h (17 knot)[67] đi cùng những tàu sân bay của ông với tốc độ 55,5 km/h (30 knot) [67] trong chuyến đi tăng cường thêm máy bay tiêm kích cho lực lượng Thủy quân Lục chiến trên đảo Wake Island; trong khi đến lượt lực lượng của Pye được nghỉ ngơi trong cảng, nơi "được coi là an toàn", nên tất cả các thiết giáp hạm đều buông neo vào buổi sáng hôm đó.[68] Khi mặt trời đã nhô lên bên trên chiếc Nevada và dàn nhạc của con tàu đang cử bài "Morning Colors", thì những chiếc máy bay đã xuất hiện ở chân trời, mở màn cho trận tấn công Trân Châu Cảng.[69]Neo đậu về phía đuôi chiếc Arizona, và đứng riêng lẽ một mình dọc theo đảo Ford không cặp chung với bất kỳ chiếc thiết giáp hạm nào khác, nên khác với bảy chiếc kia, Nevada đã có thể cơ động để thoát ra khỏi cảng.[2][70] Khi các xạ thủ phòng không nổ súng và các kỹ sư bắt đầu nâng áp lực hơi nước, một quả ngư lôi Kiểu 91 46 cm (18 inch) duy nhất[10] phát nổ ở khung số 41 khoảng 4 m (14 ft) bên trên lườn vào lúc 8 giờ 10 phút.[71] Đai giáp chống ngư lôi đã chịu đựng được, nhưng các vết rò rỉ qua các chỗ nối đã gây ngập khiến con tàu nghiêng từ 4 đến 5 độ.[71] Nevada chỉnh lại độ nghiêng của con tàu bằng cách cho ngập các ngăn đối xứng và bắt đầu khởi hành lúc 8 giờ 40 phút,[71] và đến lúc đó xạ thủ phòng không trên chiếc Nevada đã bắn rơi được bốn máy bay đối phương.[72]Khi nó đi ngang cầu tàu Ten-Ten[73] lúc khoảng 9 giờ 50 phút, Nevada bị đánh trúng năm quả bom. Một quả bom phát nổ bên trên bếp dành cho thủy thủ đoàn ở khung 80; một quả khác đánh trúng mạn trái và phát nổ ở sàn bên trên; thêm một quả bom nữa đánh trúng gần tháp pháo số 1 gây thủng những lổ lớn ở sàn bên trên và sàn chính. Hai quả bom đánh trúng tháp chỉ huy phía trước gần ngăn số 15; một quả xuyên ra ngoài qua hông sàn tàu thứ hai trước khi phát nổ, nhưng quả thứ hai phát nổ bên trong tàu gần các thùng chứa xăng; sự rò rỉ và hơi xăng từ thùng này đã gây ra các đám cháy dữ dội quanh con tàu.[71]Các đám cháy xăng bùng phát chung quanh tháp súng số 1 có thể đã gây ra những hư hại nghiêm trọng nếu như các hầm pháo chính không trống rỗng. Nhiều ngày trước khi cuộc tấn công diễn ra, tất cả các khẩu đội pháo 356 mm (14 inch) trên những chiếc thiết giáp hạm được thay thế những đầu đạn tiêu chuẩn bởi những đầu đạn nặng hơn, cho phép có độ đâm xuyên tốt hơn và chứa một lượng thuốc nổ lớn hơn, đánh đổi với việc có tầm bắn bị giảm đi đôi chút. Tất cả các đầu đạn và thuốc nổ cũ được dỡ bỏ khỏi các hầm đạn trên chiếc Nevada, và thủy thủ đoàn đang dừng nghỉ sau khi chất nạp xong kiểu đầu đạn mới trước khi tiếp tục nạp thuốc nổ trong ngày Chủ nhật hôm đó.[74]Khi những hư hại do bom đã trở nên rõ ràng, Nevada được lệnh hướng đến phía Tây đảo Ford để tránh việc bị đánh chìm ngay trên luồng tàu sẽ khiến nó "trở nên một cái nút thắt chặt phần còn lại của hạm đội trong cái chai."[75] Thay vì vậy, nó được cho mắc cạn tại Hospital Point lúc 10 giờ 30 phút,[76] dưới sự giúp đỡ của chiếc Hoga và chiếc Avocet,[77] cho dù nó đã xoay sở bắn hạ được thêm ba máy bay đối phương trước khi mắc cạn.[72]Chỉ trong buổi sáng hôm đó, Nevada bị tổn thất với 60 người thiệt mạng và 109 người khác bị thương.[2] Thêm hai người nữa thiệt mạng trên tàu trong chiến dịch trục vớt nó vào ngày 7 tháng 2 năm 1942 khi họ bị ngộ độc khí hydrogen sulfide thoát ra từ giấy và thịt bị phân hủy.[78] Con tàu chịu đựng ít nhất sáu quả bom và một quả ngư lôi, "có thể con tàu đã bị đánh trúng đến mười quả bom, [...] vì một số hư hại có kích thước lớn đến mức có thể cho là nơi đó bị đánh trúng nhiều hơn một quả bom."[72]

Attu và ngày D tại Normandie

Nevada nổi trở lại vào ngày 12 tháng 2 năm 1942 và được cho sửa chữa tạm thời tại Trân Châu Cảng để có thể quay về xưởng hải quân Puget Sound cho một cuộc đại tu toàn bộ.[79] Cuộc đại tu này kéo dài cho đến hết năm 1942, và đã làm thay đổi diện mạo của chiếc thiết giáp hạm cũ, trông gần giống những chiếc thuộc lớp South Dakota.[80] Các khẩu pháo 127 mm (5"/51 và 5"/25) được thay thế bằng 16 khẩu pháo 127 mm (5")/38 caliber bố trí trên những tháp súng đôi.[59] Sau đó Nevada khởi hành đi Alaska, nơi nó thực hiện bắn phá yểm trợ từ ngày 11 đến ngày 18 tháng 5 năm 1942 để chiếm đóng Attu.[2]Nevada sau đó khởi hành hướng đến xưởng hải quân Norfolk trong tháng 6 nơi nó tiếp tục được hiện đại hóa.[2] Sau khi hoàn tất, Nevada thực hiện vai trò hộ tống vận tải tại Đại Tây Dương.[81] Những chiếc thiết giáp hạm cũ như chiếc Nevada được phối thuộc cho nhiều đoàn tàu vận tải vượt Đại Tây Dương để bảo vệ chúng khỏi bị các tàu chiến chủ lực Đức có thể mạo hiểm ra khơi tấn công. Một trong các đoàn tàu vận tải được Nevada bảo vệ là đoàn tàu UT-2, bao gồm 20 tàu vận tải và tàu chở quân được hộ tống bởi 9 tàu khu trục, 4 tàu quét mìn nhanh và 1 tàu khu trục hộ tống cùng Nevada, tất cả đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Carleton F. Bryant, người đã chọn Nevada làm kỳ hạm của mình. Sau khi rời New York ngày 5 tháng 9, họ hướng về eo biển Bắc; không có sự tiếp xúc nào đối với lực lượng đối phương, và những con tàu hoàn tất hành trình sau mười ngày. Số tàu trên quay trở về Hoa Kỳ vào cuối tháng 9 dưới tên gọi đoàn tàu TU-2.[82]Sau khi hoàn tất thêm nhiều chuyến hộ tống vận tải, Nevada đi đến Anh Quốc vào tháng 4 năm 1944 nhằm chuẩn bị cho cuộc đổ bộ Normandie. Nó được chọn làm kỳ hạm cho Chuẩn Đô đốc Morton Deyo trong chiến dịch này.[83] Trong cuộc đổ bộ, Nevada bắn pháo hỗ trợ cho các lực lượng trên bờ từ ngày 6 đến ngày 17 tháng 6, và một lần nữa vào ngày 25 tháng 6; trong giai đoạn này, nó bắn pháo vào các vị trí phòng thủ cố định trên bán đảo Cherbourg.[2][84] Các quả đạn của nó bắn xa đến 27 km (17 dặm) vào sâu trong đất liền để phá vỡ các cuộc tập trung quân và phản công của Đức, cho dù bản thân nó bị phản pháo 27 lần (cho dù không trúng).[2] Nevada sau đó được tán dương do hỏa lực có "độ chính xác lạ lùng" khi yểm trợ các lực lượng bị bao vây, bởi một số mục tiêu mà nó bắn trúng chỉ cách tiền duyên của quân Đồng Minh 550 m (600 yard).[85] Nevada là chiếc tàu chiến duy nhất hiện diện trong cả hai trận Trân Châu Cảng và đổ bộ Normandie.[86][87]

Miền Nam nước Pháp và Iwo Jima

Sau ngày D, lực lượng Đồng Minh hướng đến Toulon cho một cuộc tấn công đổ bộ thứ hai mang mật danh Chiến dịch Dragoon. Để yểm trợ cho chiến dịch này, nhiều tàu chiến được gửi từ các bãi biển Normandie đến Địa Trung Hải; bao gồm năm thiết giáp hạm: Nevada, Texas, Arkansas của Hoa Kỳ, Ramillies của Anh Quốc và Lorraine của nước Pháp Tự Do; ba tàu tuần dương hạng nặng Hoa Kỳ: Augusta, Tuscaloosa và Quincy cùng nhiều tàu khu trục và tàu đổ bộ được gửi về hướng nam.[88]Nevada hỗ trợ cho chiến dịch này từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 25 tháng 9 năm 1944, đấu pháo "tay đôi"[2] cùng "Big Willie": một pháo đài được tăng cường đáng kể bằng bốn khẩu pháo 340 mm/45 Modèle 1912 bố trí trên hai tháp pháo đôi. Những khẩu pháo này được vớt lên từ chiếc thiết giáp hạm Pháp Provence sau khi hạm đội Pháp bị đánh đắm tại Toulon; những khẩu pháo này có tầm bắn xa đến 35 km (22 dặm) và chúng kiểm soát mọi ngả đường đi đến cảng Toulon. Thêm nữa, chúng còn được củng cố bằng các tấm giáp dày dựng vào sườn núi đảo Saint Mandrier. Do những mối nguy hiểm này, các con tàu yểm trợ hỏa lực trong chiến dịch này được lệnh phải san bằng pháo đài này.[89] Bắt đầu từ ngày 19 tháng 8 và được tiếp tục trong suốt những ngày tiếp theo sau, một hoặc nhiều chiếc tàu chiến hạng nặng nả pháo vào nó kết hợp cùng không kích ném bom tầm thấp. Sang ngày 23 tháng 8, lực lượng bắn phá do Nevada dẫn đầu đã giáng được đòn "chí mạng" vào pháo đài trong suốt sáu giờ rưỡi bắn phá, khi Nevada nả đến 354 loạt đạn. Toulon thất thủ vào ngày 25 tháng 8, nhưng bản thân pháo đài, cho dù dường như đã bị "băm nát ra thành nhiều mảnh", vẫn tiếp tục cầm cự được thêm ba ngày nữa.[90]Sau đó Nevada lên đường hướng về New York để bảo trì các khẩu pháo của nó.[2] Ngoài ra, các khẩu pháo 356 mm/45 caliber trên tháp pháo số 1 được thay thế bằng pháo Mark 8 tháo dỡ từ tháp pháo số 2 của chiếc Arizona; những khẩu pháo mới này được nâng cấp theo tiêu chuẩn Mark 12.[91][92] Sau khi hoàn tất, nó khởi hành đi Thái Bình Dương và đi đến Iwo Jima ngày 16 tháng 2 năm 1945[2] chuẩn bị cho việc bắn phá yểm trợ cuộc chiếm đóng hòn đảo này.[93] Nó thực hiện nhiệm vụ nói trên cho đến tận ngày 7 tháng 3,[2] và trong khi nả pháo, nó tiến đến gần sát hòn đảo ở khoảng cách 550 m (600 yard) để cung cấp hỏa lực tối đa cho lực lượng trên bộ tấn công.[85]

Okinawa và Nhật Bản

Ngày 24 tháng 3 năm 1945, Nevada gia nhập Lực lượng Đặc nhiệm 54 (TF 54) ngoài khơi Okinawa nhằm bắn phá chuẩn bị cho việc tấn công chiếm đóng hòn đảo này. Các tàu chiến của Lực lượng Đặc nhiệm TF 54 di chuyển vào vị trí xuất phát trong đêm 23 tháng 3 để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ bắn phá vào rạng sáng ngày 24.[94] Cùng với các lực lượng khác, Nevada nả pháo vào các sân bay, kho dự trữ, các công trình phòng ngự và các điểm tập trung quân lính của Nhật Bản.[2] Tuy nhiên, sau khi rút lui và nghỉ ngơi vào ban đêm, rạng sáng ngày hôm sau "mở ra như sấm chớp" khi bảy chiếc máy bay tấn công cảm tử kamikaze tấn công vào lực lượng đặc nhiệm trong khi nó không được bảo vệ từ trên không. Một máy bay kamikaze, cho dù đã bị súng phòng không bắn trúng liên tục, vẫn bổ nhào lên sàn tàu chính của chiếc Nevada bên cạnh tháp súng số 3, giết chết 11 người và làm bị thương 49 người khác; nó cũng phá hủy cả hai khẩu pháo 356 mm (14") của tháp súng này và ba khẩu đội súng phòng không 20 mm.[95] Hai người khác bị thiệt mạng vì hỏa lực của một khẩu đội pháo duyên hải trên bờ bắn trúng vào ngày 5 tháng 4. Cho đến ngày 30 tháng 6, nó vẫn thường trực ngoài khơi Okinawa; rồi sau đó nó được chuyển sang Đệ Tam hạm đội từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 7 tháng 8, đưa Nevada tiến sát đến tầm bắn vào các đảo chính quốc Nhật Bản trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tuy nhiên nó đã không tham gia vào việc bắn phá các đảo chính quốc Nhật Bản.[2][96]

Sau chiến tranh

Nevada quay về Trân Châu Cảng sau một giai đoạn ngắn hỗ trợ việc chiếm đóng Nhật Bản trong vịnh Tokyo. Sau đó Nevada được khảo sát đánh giá, và với tuổi đời lên đến trên 32 năm, nó được xem là quá cũ để được giữ lại trong hạm đội sau chiến tranh.[4][65] Kết quả là nó được chọn làm tàu mục tiêu cho cuộc thử nghiệm nguyên tử Bikini (Chiến dịch Crossroads) vào tháng 7 năm 1946.[2] Thử nghiệm này bao gồm việc cho nổ hai quả bom nguyên tử để khảo sát hiệu quả của chúng trên các con tàu chiến.[97] Nevada được chỉ định làm "tọa độ chết"[98] cho thử nghiệm thứ nhất mang tên mã 'Able', sử dụng một vũ khí ném từ máy bay, và do đó nó được sơn một "màu vàng cam xấu xí"[99] nhằm giúp cho hoa tiêu có thể ngắm mục tiêu dễ dàng. Tuy nhiên, ngay cả với màu sắc tương phản rõ ràng, quả bom vẫn bị ném chệch mục tiêu đến 1.500 m (1.700 yard) và phát nổ bên trên chiếc tàu sân bay hạng nhẹ Independence.[99] Nevada cũng chịu đựng được cả thử nghiệm bom nguyên tử thứ hai mang tên mã 'Baker', một vụ nổ sâu dưới mặt nước 27 m (90 ft), nhưng nó bị hư hỏng và nhiễm xạ rất nặng.[65] Nevada sau đó được kéo về Trân Châu Cảng và được cho ngừng hoạt động vào ngày 29 tháng 8 năm 1946.[2]Sau khi được khảo sát cẩn thận tại Trân Châu Cảng, chuyến đi cuối cùng của nó là vào ngày 31 tháng 7 năm 1948, khi thiết giáp hạm Iowa cùng hai tàu chiến khác[100] sử dụng chiếc Nevada như một mục tiêu để thực hành tác xạ. Ba chiếc tàu chiến đã không thể đánh chìm chiếc Nevada, nên nó được ban một phát ân huệ cuối cùng là một quả ngư lôi phóng từ máy bay đánh trúng phía giữa tàu. Nevada chìm ở vị trí 97-105 km (60-65 dặm)[99] về phía Tây Nam Trân Châu Cảng.[4]

Tên lóng: "The Queen"

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm New Mexico

Xưởng đóng tàu: New York Navy Yard

Đặt lườn: 14 tháng 10 năm 1915

Hạ thủy: 13 tháng 4 năm 1917

Đỡ đầu: Margaret Cabeza De Baca

Hoạt động: 20 tháng 5 năm 1918

Bị mất: Bị bán để tháo dỡ ngày 9 tháng 11 năm 1947 tại Newark, New Jersey.

Ngừng hoạt động: 19 tháng 7 năm 1946

Xóa đăng bạ: 25 tháng 2 năm 1947

Tặng thưởng: 6 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 32.000 tấn (tiêu chuẩn)

Chiều dài: 190 m (624 ft)

Mạn thuyền: 29,5 m (97 ft)

Tầm nước: 9,1 m (30 ft)

Lực đẩy:

Tốc độ: 39 km/h (21 knot)

Tầm xa:

Quân số: 1.084

Vũ khí: 12 × pháo 355 mm (14 inch)/50 caliber

14 × pháo 127 mm (5 inch)/51 caliber

2 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch)[1]

USS New Mexico (BB-40) là một thiết giáp hạm từng phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ từ năm 1918 đến năm 1946; là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó bao gồm ba chiếc. New Mexico được hiện đại hóa một cách đáng kể vào giữa những năm 1931 và 1933, và đã phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai tại cả mặt trận Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương. Sau khi ngừng phục vụ do chiến tranh kết thúc, nó bị tháo dỡ vào năm 1947. New Mexico (BB-40) là tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ mang cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang New Mexico.

Thiết kế và chế tạo

New Mexico được đặt lườn vào ngày 14 tháng 10 năm 1915 tại Xưởng hải quân New York; được hạ thủy vào ngày 13 tháng 4 năm 1917; được đỡ đầu bởi Cô Margaret Cabeza De Baca, con gái cựu Thống đốc tiểu bang New Mexico Ezequiel Cabeza De Baca (ông qua đời ngày 28 tháng 2 năm 1917); và được đưa vào hoạt động ngày 20 tháng 5 năm 1918 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Ashley Herman Robertson.General Electric đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo với tiêu đề "The "Constitution" of To-day -- Electronically Propelled" (Chiếc "Constitution" của ngày hôm nay - vận hành bằng điện), bằng một hình vẽ chiếc New Mexico bên cạnh chiếc USS Constitution, và giới thiệu chiếc thiết giáp hạm mới như "chiếc tàu chiến đầu tiên thuộc mọi quốc gia vận hành bằng điện". Máy phát điện được cho biết có công suất 28.000 mã lực cung cấp động năng đạt được tốc độ đường trường 10 knot. GE gọi nó là một trong những tiến bộ hàng đầu của kỹ nguyên khoa học và liên hệ nó với những sản phẩm dân dụng, với chú thích rằng "Các ứng dụng tổng quát về điện năng được áp dụng để thỏa mãn nhu cầu của nhân loại tới mức ngày nay hiếm có một ngôi nhà hay một cá nhân nào không hưởng được lợi ích mà sản phẩm hay dịch vụ của General Electric mang lại". Một quyển sách nhỏ minh họa có tiêu đề "The Electric Ship" cũng được cung cấp miễn phí theo yêu cầu.[2]

Lịch sử hoạt động

Giữa hai cuộc thế chiến

Sau các đợt huấn luyện ban đầu, New Mexico rời New York ngày 15 tháng 1 năm 1919 đi đến Brest, Pháp để hộ tống chuyến đi quay trở về nhà của chiếc George Washington chở Tổng thống Woodrow Wilson sau khi tham dự Hội nghị Hòa bình Versailles; và đã quay về đến Hampton Roads vào ngày 27 tháng 2. Tại đây vào ngày 16 tháng 7 năm 1919, chiếc thiết giáp hạm trở thành soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương vừa mới được thành lập, và ba ngày sau lên đường đi ngang qua kênh đào Panama, để đến San Pedro, California vào ngày 9 tháng 8. Hai trong số mười bốn khẩu pháo hạng hai 127 mm (5 inch)/51-caliber nguyên thủy được tháo bỏ vào năm 1922. [1] Quãng thời gian 12 năm hoạt động tiếp theo sau được đánh dấu bởi các hoạt động cơ động phối hợp thường xuyên cùng Hạm đội Đại Tây Dương tại cả Thái Bình Dương và vùng biển Caribbe, cùng các chuyến viếng thăm đến các cảng Nam Mỹ và một chuyến viếng thăm hữu nghị vào năm 1925 đến Australia và New Zealand.Sau khi được đại tu và hiện đại hóa tại Philadelphia từ tháng 3 năm 1931 đến tháng 1 năm 1933, bao gồm việc bổ sung một dàn hỏa lực phòng không gồm tám khẩu 127 mm (5 inch)/25-caliber,[1] New Mexico quay trở lại Thái Bình Dương vào tháng 10 năm 1934 tiếp nối các đợt thực hành huấn luyện và hoạt động thử nghiệm phát triển chiến thuật.Khi nguy cơ xảy ra chiến tranh ngày càng cao, New Mexico được chuyển căn cứ đến Trân Châu Cảng từ ngày 6 tháng 12 năm 1940 cho đến ngày 20 tháng 5 năm 1941; rồi sau đó chiếc thiết giáp hạm gia nhập hạm đội Đại Tây Dương đặt căn cứ tại Norfolk từ ngày 16 tháng 6 với vai trò tuần tra trung lập.

Thế Chiến II

1940 - 1943

Sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng; đang khi hối hả đi đến Hampton Roads để lên đường hướng sang Bờ Tây, vào ngày 10 tháng 12, New Mexico đã đâm phải chiếc tàu chở hàng Oregon tại phía Nam hải đăng Nantucket khiến nó bị đắm.[3]Bắt đầu từ tháng 5 năm 1942, các khẩu pháo hạng hai 127 mm (5 inch)/51-caliber nguyên thủy được tháo dỡ dành chỗ cho các khẩu súng máy phòng không bổ sung.[1] Vào ngày 1 tháng 8 năm 1942, New Mexico di chuyển từ San Francisco đến Hawaii để chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến. Từ ngày 6 tháng 12 năm 1942 đến ngày 22 tháng 3 năm 1943, chiếc thiết giáp hạm thực hiện hộ tống các đoàn tàu vận tải vận chuyển binh lính đến quần đảo Fiji, sau đó tuần tra tại khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, trước khi quay trở về Trân Châu Cảng nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tái chiếm quần đảo Aleut. Vào ngày 17 tháng 5 nó đi đến đảo Adak, căn cứ của nó trong thời gian phong tỏa đảo Attu, và vào ngày 21 tháng 7, chiếc thiết giáp hạm tham gia cuộc bắn phá xuống Kiska vốn đã khiến cho đối phương buộc phải triệt thoái một tuần sau đó.Sau một đợt tái trang bị tại Xưởng hải quân Puget Sound, New Mexico quay lại Trân Châu Cảng vào ngày 25 tháng 10 tổng dượt chuẩn bị cho cuộc đổ bộ lên quần đảo Gilbert. Trong quá trình cuộc tấn công vốn bắt đầu vào ngày 20 tháng 11, chiếc thiết giáp hạm đã nả pháo xuống đảo san hô Makin, bảo vệ cho các tàu vận tải trong cuộc rút lui khỏi đảo trong đêm tối, và yểm trợ phòng không co chiến dịch chất dỡ khỏi tàu cũng như bảo vệ cho các tàu sân bay. Nó quay lại Trân Châu Cảng vào ngày 5 tháng 12.

1944

Lên đường cùng với lực lượng tấn công quần đảo Marshall vào ngày 12 tháng 1 năm 1944, New Mexico bắn phá các đảo Kwajalein và Ebeye trong các ngày 31 tháng 1 và 1 tháng 2, rồi sau đó được tiếp liệu tại Majuro. Chiếc thiết giáp hạm nả pháo xuống Wotje ngày 20 tháng 2 và xuống Kavieng, New Ireland vào ngày 20 tháng 3, sau đó ghé thăm Sydney trước khi đi đến quần đảo Solomons vào tháng 5 để tổng dượt cho Chiến dịch Mariana.New Mexico nả pháo xuống Tinian vào ngày 14 tháng 6, Saipan vào ngày 15 tháng 6, và xuống Guam vào ngày 16 tháng 6, và hai lần đẩy lui các cuộc không kích của máy bay đối phương trong ngày 18 tháng 6. Nó bảo vệ cho các tàu vận chuyển ngoài khơi Marianas trong khi lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay đánh tan không lực của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Trận chiến biển Philippine vào ngày 20 tháng 6. New Mexico hộ tống các tàu vận chuyển đi đến Eniwetok, rồi sau đó lên đường vào ngày 9 tháng 7 bảo vệ các tàu sân bay hộ tống cho đến ngày 12 tháng 7, khi các khẩu pháo hạng nặng khai hỏa vào Guam chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào ngày 21 tháng 7. Cho đến ngày 30 tháng 7, chiếc thiết giáp hạm tấn công các vị trí đối phương và các căn cứ trên đảo.Được đại tu tại Bremerton, Washington từ tháng 8 đến tháng 10, New Mexico đi đến vịnh Leyte vào ngày 22 tháng 11 bảo vệ cho các hoạt động tăng cường và các đoàn tàu vận tải tiếp liệu; và hầu như phải nổ súng hằng ngày đánh lui các cuộc không kích hằng ngày do quân Nhật thực hiện trên vịnh kháng cự tuyệt vọng chống lại cuộc chiếm đóng Philippines. Nó rời vịnh Leyte vào ngày 2 tháng 12 hướng đến Palaus, nơi nó tham gia một lực lượng hộ tống cho đoàn tàu vận tải tấn công Mindoro. Một lần nữa chiếc thiết giáp hạm xây dựng một hàng rào hỏa lực phòng không trong khi lực lượng đổ bộ lên đảo vào ngày 15 tháng 12, tiếp tục yểm trợ trong hai ngày cho đến khi khởi hành đi Palaus.

1945

Hoạt động tác chiến tiếp theo của New Mexico là cuộc chiếm đóng Luzon, và nó phải hoạt động dưới một bầu trời đầy những máy bay tấn công cảm tử kamikaze, khiến chiếc thiết giáp hạm hầu như phải luôn luôn trong trạng thái trực chiến. Nó thực hiện các cuộc bắn pháo chuẩn bị cho cuộc đổ bộ trong ngày 6 tháng 1 năm 1945, khi một máy bay tấn công cảm tử đối phương đâm bổ vào cầu tàu, giết chết sĩ quan chỉ huy của nó, Đại tá Hải quân Robert W. Fleming, Trung tướng Anh Herbert Lumsden (đại diện quân sự riêng của Thủ tướng Anh Winston Churchill bên cạnh Thống tướng Douglas MacArthur), cùng 29 người khác trong thủy thủ đoàn, và làm bị thương 87 người. Tư lệnh được chỉ định của Hạm đội Thái Bình Dương Anh Quốc là Phó Đô đốc Bruce Fraser, một hành khách khác trên tàu, đã tránh được thương vong chỉ trong gang tấc khi ông đang đứng trên cầu tàu của New Mexico, trong khi viên thư ký của ông thiệt mạng. Tuy nhiên, các khẩu pháo của nó vẫn tiếp tục hoạt động trong khi nó được sửa chữa, và nó vẫn tiếp tục hoạt động tác chiến cho đến hết tháng 1 khi lực lượng đổ bộ tiếp tục hoạt động trên bờ.Sau khi được sửa chữa tại Trân Châu Cảng, New Mexico đi đến Ulithi chuẩn bị cho cuộc chiếm đóng Okinawa, và nó khởi hành vào ngày 21 tháng 3 cùng hải đội hỗ trợ hỏa lực hạng nặng. Các khẩu pháo hạng nặng của nó đã khai hỏa nhắm vào Okinawa vào ngày 26 tháng 3, và chỉ im tiếng vào ngày 17 tháng 4 khi nó hỗ trợ cho lực lượng chiến đấu trên bờ. Nó lại phải nổ súng yểm trợ hỏa lực vào các ngày 21 và 29 tháng 4; và vào ngày 11 tháng 5 nó đã tiêu diệt tám xuồng cảm tử. Trên đường đi đến điểm thả neo tại Hagushi vào lúc sáng sớm ngày 12 tháng 5, New Mexico bị hai máy bay tấn công cảm tử kamikaze tấn công, một chiếc đã bổ nhào vào nó trong khi chiếc kia tìm cách cắt quả bom vào nó. Chiếc thiết giáp hạm bị bốc cháy, với 54 người thiệt mạng cùng 119 người khác bị thương. Các hoạt động kiểm soát hư hỏng hiệu quả đã nhanh chóng dập tắt được đám cháy trong vòng nữa giờ, và vào ngày 28 tháng 5 nó lên đường đi đến Leyte để sửa chữa tạm thời, rồi tham gia thao dượt chuẩn bị cho Chiến dịch Downfall, cuộc đổ bộ lên chính các hòn đảo chính quốc Nhật Bản. Tin tức về việc chiến tranh kết thúc đến với chiếc thiết giáp hạm kỳ cựu khi nó đang ở tại Saipan trong ngày 15 tháng 8, và nó khởi hành hướng đến Okinawa vào ngày hôm sau để tham gia lực lượng chiếm đóng. Nó đi đến Sagami Wan vào ngày 27 tháng 8 hỗ trợ cho cuộc đổ quân bằng đường không để chiếm đóng sân bay Atsugi, và ngày hôm sau đi đến vịnh Tokyo để chứng kiến việc đầu hàng diễn ra vào ngày 2 tháng 9.New Mexico lên đường quay trở về nhà vào ngày 6 tháng 9, ghé qua Okinawa, Trân Châu Cảng và vượt kênh đào Panama trước khi về đến Boston vào ngày 17 tháng 10.

Sau chiến tranh

New Mexico được cho ngừng hoạt động tại Boston vào ngày 19 tháng 7 năm 1946, và được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 25 tháng 2 năm 1947. Đến ngày 9 tháng 11 năm 1947, nó được bán cho chi nhánh Lipsett của hãng Luria Bros để tháo dỡ với giá là 381.600 Đô la Mỹ.[4]

"Trận chiến vịnh Newark "

Hãng Lipsett quyết định kéo chiếc New Mexico đến Newark, New Jersey để tháo dỡ; vì nơi đây ở gần các tuyến đường sắt nên là địa điểm lý tưởng để tháo dỡ và chuyên chở sắt vụn. Vào đầu tháng 11 năm 1947, New Mexico khởi hành rời khỏi Boston, được hai chiếc tàu kéo lai dắt. Ngày 12 tháng 11, trong khi ở ngoài khơi bờ biển New York, những chiếc tàu kéo chịu đựng thời tiết xấu và bị buộc phải cắt bỏ dây kéo. Những ngọn đèn đi biển trên chiếc New Mexico tiếp tục được thắp sáng cùng với ba thành viên ở lại trên tàu, nhưng những chiếc tàu kéo nhanh chóng mất dấu con tàu.[5] New Mexico sau đó trôi nổi như một con tàu vô chủ cho đến khi được một máy bay của Lực lượng Tuần duyên trông thấy ngày hôm sau, cách bờ biển 35 dặm. Hai chiếc tàu kéo lại nối được cáp và tiếp tục cuộc hành trình đến ụ tháo dỡ.[4][6]Các quan chức của thành phố Newark quyết định sẽ không chấp nhận bất kỳ con tàu nào khác được tháo dỡ dọc theo bờ biển của thành phố; vì Newark đang thực hiện một kế hoạch làm đẹp bãi biển, và đã dành ra một ngân khoản 70 triệu Đô la cho những công việc cải thiện này.[4] Do đó, thành phố này công bố rằng mọi mưu toan đưa chiếc New Mexico đến Newark sẽ bị ngăn chặn. Hai chiếc tàu chữa cháy của thành phố Michael P. Duffy và William T. Brennan được dành riêng và chuẩn bị sử dụng các súng chữa lửa và vòi phun hoá chất để ngăn chặn Lipsett và New Mexico.[4] Để đối phó, Lipsett tổ chức một lực lượng của riêng họ gồm bốn tàu kéo, và Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ cũng tuyên bố sẽ đảm bảo an toàn cho việc di chuyển chiếc New Mexico, cho phép việc đi vào cảng hợp pháp. Cuộc đối đầu này được báo chí mô tả như là "Trận chiến vịnh Newark". Sự việc càng phức tạp hơn khi Phòng Thương mại thành phố Santa Fe thuộc New Mexico cho biết họ sẽ phản kháng việc Newark "bêu xấu" cái tên của tiểu bang New Mexico qua việc từ chối chấp nhận chiếc thiết giáp hạm.[7]Trong khi New Mexico chờ đợi con nước triều thích hợp để được kéo đi nốt quãng đường còn lại đến Newark, Bộ Hải quân cử Thứ trưởng W. John Kenney đến đàm phán. Sau nhiều buổi họp, ông dàn xếp được một thỏa thuận tế nhị giữa thành phố Newark và Lipsett. Newark sẽ cho phép New Mexico cùng hai thiết giáp hạm khác là Idaho và Wyoming được tháo dỡ tại Newark, nhưng sẽ không có bất kỳ một cơ sở tháo dỡ tàu nào cố định. Lipsett có thời hạn chín tháng để tháo dỡ cả ba chiếc tàu, hoặc sẽ chịu một khoảng phạt 1.000 Đô la mỗi ngày sau khi kết thúc hạn định.[4]Cuối cùng New Mexico cũng đi qua eo Newark vào ngày 19 tháng 11, và được chào đón bởi chính những con tàu chữa cháy của Newark mà trước đó được gửi đi đối phó lại nó. Newark còn tổ chức cho học sinh đến chào mừng tôn vinh chiếc thiết giáp hạm cũ tại bến tàu với một dàn nhạc. Sau đó New Mexico được tháp tùng bởi Idaho và Wyoming, nơi cả ba chiếc cuối cùng được tháo dỡ.[8] Công việc tháo dỡ New Mexico bắt đầu vào ngày 24 tháng 11 và hoàn tất vào tháng 7 năm 1948.[

Mang cờ Hải quân Hoa Kỳ

Tên lóng: "Showboat"

Đặt hàng: 1 tháng 8 năm 1937

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm North Carolina

Xưởng đóng tàu: Xưởng đóng tàu New York

Chi phí: 76.885.750 Đô la Mỹ

Đặt lườn: 27 tháng 10 năm 1937

Hạ thủy: 13 tháng 6 năm 1940

Đỡ đầu: Isabel Hoey

Hoạt động: 9 tháng 4 năm 1941

Ngừng hoạt động: 27 tháng 6 năm 1947

Xóa đăng bạ: 1 tháng 6 năm 1960

Tình trạng: Tàu bảo tàng tại Wilmington, North Carolina

Tặng thưởng: 15 Ngôi sao Chiến đấu

Huy chương Phục vụ Phòng thủ Hoa Kỳ

Huy chương Chiến dịch Hoa Kỳ

Huy chương Chiến dịch Châu Á-Thái Bình Dương

Huy chương Chiến thắng Thế Chiến II

Đơn vị Tuyên dương Tổng thống Philippine

Huy chương Giải phóng Philippine

Huy chương Chiếm đóng Hải quân

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 37.484 tấn (tiêu chuẩn); 44.377 tấn (đầy tải)

Chiều dài: 222,1 m (728 ft 10 in)

Mạn thuyền: 33 m (108 ft 4 in)

Tầm nước: 10 m (33 ft 0 in)

Lực đẩy: turbine General Electric

8 nồi hơi, 4 trục

công suất 121.000 mã lực (88,7 MW)

Tốc độ: 48,1 km/h (26 knot)

Tầm xa: 32.300 km ở tốc độ 28 km/h

(17.450 hải lý ở tốc độ 15 knot)

Quân số: 2.339 (144 sĩ quan, 2.195 thủy thủ)

Vũ khí: 9 × pháo 406 mm (16 inch)

20 × pháo 127 mm (5 inch)/38 mục đích kép,

16 × súng máy 27 mm (1,1 inch); thay bằng súng phòng không 20 mm và 40 mm

Cảm biến: radar CXAM-1[1]

Vỏ giáp: tối đa 406 mm (16 inch)

Máy bay: 3 × Vought OS2U Kingfisher

2 × máy phóng

USS North Carolina (BB-55) là một thiết giáp hạm của Hải quân Hoa Kỳ, là chiếc dẫn đầu trong lớp của nó bao gồm hai chiếc, và là chiếc thiết giáp hạm mới đầu tiên được đưa vào hoạt động sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Chiếc thiết giáp hạm chị em cùng lớp với nó là chiếc USS Washington (BB-56). Nó là chiếc tàu chiến thứ tư của Hải quân Mỹ được đặt cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang Bắc Carolina. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, North Carolina đã tham gia mọi chiến dịch hải quân chủ yếu tại Mặt trận Thái Bình Dương. Nó được cho ngừng hoạt động vào năm 1947, rút khỏi Đăng bạ Hải quân năm 1960, và hiện nay là một tàu bảo tàng tại Wilmington, North Carolina.

Thiết kế và chế tạo

North Carolina được đặt lườn vào ngày 27 tháng 10 năm 1937 tại xưởng hải quân New York và được hạ thủy vào ngày 13 tháng 6 năm 1940; được đỡ đầu bởi Isabel Hoey, con gái Thống đốc bang North Carolina Clyde R. Hoey, và được đưa vào hoạt động tại New York ngày 9 tháng 4 năm 1941 dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng, Đại tá Hải quân Olaf M. Hustvedt. Vì là chiếc thiết giáp hạm nhanh và vũ khí nặng (với dàn pháo chính 406 mm/16 inch) đầu tiên được Hải quân Mỹ đưa vào hoạt động, North Carolina được sự quan tâm đáng kể trong lúc trang bị và chạy thử máy đến mức nó được gán cái tên lóng là "Showboat" (con tàu trình diễn).[2]Vì North Carolina là thiết giáp hạm hiện đại đầu tiên được Mỹ chế tạo sau trên hai thập niên, nó được áp dụng những kỹ thuật đóng tàu mới nhất có được vào thời đó. Trọng lượng rẽ nước tiêu chuẩn bị khống chế ở mức 35.000 tấn do những giới hạn đặt ra bởi cả Hiệp ước Hải quân Washington và Hiệp ước Hải quân London, cũng như mạn tàu không lớn hơn 33,5 m (110 ft) do những cửa mở của kênh đào Panama, và một mớn nước 11,5 m (38 ft) để cho phép con tàu có thể sử dụng tối đa các chỗ neo đậu và các xưởng hải quân sẵn có, con tàu quả là một thách thức lớn cho việc thiết kế.[3]Để giảm trọng lượng, North Carolina được chế tạo bằng cách sử dụng kỹ thuật hàn mới. Sự sắp xếp những máy móc của nó cũng theo cách khác thường bao gồm bốn ngăn chính, mỗi ngăn có hai nồi hơi và một turbin nối trực tiếp với một trong số bốn trục chân vịt của nó. Việc sắp xếp như vậy giúp giảm bớt số cửa mở trong các vách ngăn kín nước và tiết kiệm chỗ được bảo vệ bởi vỏ giáp. Sàn tàu dạng suôn thẳng của North Carolina và cấu trúc có dáng thuôn làm cho nó trông đẹp mắt hơn nhiều so với những thiết giáp hạm trước đây. Tháp chỉ huy phía trước lớn, sắp xếp theo tầng không chia cụm, cấu trúc thượng tầng và thân tàu gọn gàng là một sự đột phá so với cầu tàu kiểu cũ, cột buồm kiểu ba chân nặng nề và các hộc tháp pháo hạng hai dọc theo thân tàu vốn là đặc trưng của những tàu chiến trước nó.[4] North Carolina là một trong số 14 tàu chiến đầu tiên được trang bị radar đời đầu CXAM-1 của hãng RCA.

Lịch sử hoạt động

North Carolina hoàn tất việc chạy thử máy tại vùng biển Caribbe trước khi xảy ra cuộc Tấn công Trân Châu Cảng. Vào đầu năm 1942, North Carolina được dự định sẽ chuyển sang Mặt trận Thái Bình Dương, tuy nhiên nó được giữ lại tại khu vực Đại Tây Dương trong vài tháng phòng ngừa việc thiết giáp hạm Đức Tirpitz có thể chuyển sang tấn công các đoàn tàu vận tải từ Mỹ đến Anh. Cuối cùng, North Carolina cũng nhận được mệnh lệnh bố trí sang Thái Bình Dương vào mùa Hè năm 1942.[5]

Mặt trận Thái Bình Dương, 1942

Sau các đợt thực tập huấn luyện khẩn trương, North Carolina khởi hành đi sang chiến trường Thái Bình Dương. Chiếc thiết giáp hạm đi qua kênh đào Panama vào ngày 10 tháng 6 năm 1942, bốn ngày sau khi trận Midway kết thúc,[6] rồi ghé qua San Pedro và San Francisco trước khi khởi hành đi Trân Châu Cảng.[7] Việc chiếc North Carolina đi đến Trân Châu Cảng vào ngày 11 tháng 7 năm 1942 là một sự kiện nổi bật tại đây: North Carolina là chiếc thiết giáp hạm hoàn toàn mới đầu tiên đi đến Thái Bình Dương kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Theo các thủy thủ tại đây, North Carolina là "thứ đẹp nhất trên đời mà họ từng thấy", và sự xuất hiện của nó tại vùng biển Hawaii đã nâng cao rất nhiều tinh thần của toàn lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương.[8] North Carolina rời Trân Châu Cảng vào ngày 15 tháng 7 cùng với tàu sân bay Enterprise, các tàu tuần dương Portland và Atlanta cùng tám tàu khu trục hộ tống lên đường thực hiện các chiến dịch tại Nam Thái Bình Dương.[9]

Chiến dịch Nam Thái Bình Dương, 1942-1943

North Carolina cùng với hải quân bắt đầu chiến dịch kéo dài "nhảy cóc" qua các hòn đảo tại Nam Thái Bình Dương để giành thắng lợi trước phe Nhật Bản bằng cách đổ bộ lực lượng Thủy quân Lục chiến lên các đảo Guadalcanal và Tulagi vào ngày 7 tháng 8 năm 1942, khởi sự chiến dịch Guadalcanal.[10] Hải đội đặc nhiệm, bao gồm các tàu sân bay Saratoga, Enterprise và Wasp, các tàu tuần dương cùng các tàu hộ tống khác, nhưng chỉ có một chiếc thiết giáp hạm duy nhất, North Carolina.[11] Sau khi hỗ trợ cho chiếc Enterprise trong lực lượng yểm trợ trên không cho cuộc tấn công, North Carolina tiếp tục hộ tống chiếc tàu sân bay trong các chiến dịch bảo vệ các con đường tiếp liệu và liên lạc ở phía Tây Nam Solomons. Các tàu sân bay đối phương bị phát hiện vào ngày 24 tháng 8, và Trận chiến Đông Solomons nổ ra.[12] Lực lượng Mỹ tấn công trước tiên, đánh chìm được chiếc tàu sân bay hạng nhẹ Ryūjō; đòn phản công của quân Nhật cũng không thua kém khi máy bay ném bom và máy bay ném ngư lôi, được máy bay tiêm kích yểm trợ, xông đến Enterprise và North Carolina.[13] Chỉ trong vòng tám phút, North Carolina đã bắn rơi từ bảy đến 14 máy bay đối phương, xạ thủ của nó tiếp tục trực chiến bên cạnh khẩu đội bất kể áp lực của bảy quả bom ném suýt trúng. Một người bị thiệt mạng do hỏa lực càn quét, nhưng bản thân con tàu không bị thiệt hại. Cường độ hỏa lực cao xạ phòng không mạnh mẻ của chiếc thiết giáp hạm sinh ra nhiều khói tới mức chiếc USS Enterprise phải gọi điện hỏi "Anh có bị bốc cháy không vậy?"[14] Khả năng mà North Carolina có thể bảo vệ cho Enterprise luôn bị giới hạn do chiếc tàu sân bay có thể di chuyển nhanh hơn và luôn đi trước chiếc thiết giáp hạm. Enterprise bị đánh trúng ba cú trực tiếp trong khi máy bay của nó gây hư hại nặng cho tàu sân bay Chitose và đánh trúng những tàu chiến khác. Do phía Nhật Bản bị mất khoảng 100 máy bay trong trận đánh này, phía Mỹ đã giành lại được quyền kiểm soát trên không và đẩy lui một đợt tăng viện của quân Nhật đến Guadalcanal.[15]North Carolina giờ đây dùng sức mạnh cuả nó để bảo vệ cho chiếc tàu sân bay Saratoga. Trong những tuần lễ tiếp theo sau hỗ trợ cho lực lượng Thủy quân Lục chiến trên đảo Guadalcanal, hai lần North Carolina bị các tàu ngầm Nhật tấn công. Vào ngày 6 tháng 9, nó cơ động lẫn tránh thành công, né tránh được một quả ngư lôi ở cách 270 m (300 yard) bên mạn trái.[16] Chín ngày sau, 15 tháng 9, khi đang di chuyển cùng với Wasp và Hornet, North Carolina trúng một quả ngư lôi bên mạn trái, 6 m (20 ft) bên dưới mực nước, làm thiệt mạng sáu người. Quả ngư lôi này xuất phát từ chiếc tàu ngầm Nhật I-19, mà những quả ngư lôi cùng trong loạt này cũng đã đánh chìm tàu sân bay Wasp.[17] Công việc kiểm soát hư hỏng thành thạo do thủy thủ đoàn trên chiếc North Carolina thực hiện cùng cấu trúc xuất sắc của con tàu đã giúp cho nó tránh được thảm họa, và sau nhiều phút độ nghiêng 5o6 đã được cân bằng lại thành công. Con tàu tiếp tục trực chiến khi vẫn duy trì được tốc độ 26 knot. [18]Sau khi thực hiện các sửa chữa tạm thời tại New Caledonia, chiếc thiết giáp hạm hướng về Trân Châu Cảng để vào ụ tàu trong một tháng thực hiện sửa chữa các hư hỏng trong chiến đấu, đồng thời cũng để bổ sung thêm các vũ khí phòng không.[19] Sau khi hoàn tất việc sửa chữa, nó quay trở lại hoạt động, bảo vệ cho các tàu sân bay Enterprise và Saratoga cũng như yểm trợ cho việc tiếp liệu và chuyển quân tại Solomon trong năm tiếp theo. Nó quay về Trân Châu Cảng trong tháng 3 và tháng 4 năm 1943 để được trang bị các bộ radar và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, rồi sang tháng 9 lại chuẩn bị cho chiến dịch quần đảo Gilbert.[20]

Chiến dịch Trung Thái Bình Dương, 1943-1944

Cùng với Enterprise hoạt động trong nhóm hỗ trợ phía Bắc, North Carolina rời Trân Châu Cảng ngày 10 tháng 11 năm 1943 để tấn công các đảo Makin, Tarawa và Abemama. Các cuộc không kích bắt đầu vào ngày 19 tháng 11, và trong mười ngày tiếp theo các đợt không kích lớn lao được thực hiện nhằm hỗ trợ cho lực lượng Thủy quân Lục chiến trên bờ trong một trận chiến được xem là đẫm máu nhất tại Thái Bình Dương. Hỗ trợ cho chiến dịch Gilbert và chuẩn bị cho cuộc tấn công lên quần đảo Marshalls, các khẩu hải pháo cỡ lớn của North Carolina đã nả pháo xuống Nauru trong ngày 8 tháng 12, phá hủy các cơ sở sân bay, công sự phòng thủ bờ biển và thiết bị thông tin liên lạc.[21] Cuối tháng đó, chiếc thiết giáp hạm hộ tống cho tàu sân bay Bunker Hill trong nhiệm vụ không kích tàu bè và các sân bay tại Kavieng, New Ireland; rồi đến tháng 1 năm 1944 gia nhập lực lượng tàu sân bay nhanh (Lực lượng Đặc nhiệm 58) do Chuẩn Đô đốc Marc Mitscher chỉ huy tại Funafuti thuộc quần đảo Ellice.[22]Trong chiến dịch tấn công và chiếm đóng quần đảo Marshall, North Carolina phô diễn những chức năng cổ điển của một thiết giáp hạm thực hiện trong Thế Chiến II. Nó bảo vệ các tàu sân bay khỏi các đợt không kích khi thực hiện các cuộc bắn phá chuẩn bị trước đổ bộ, cũng như hỗ trợ hỏa lực gần cho các lượng trên bờ sau khi đổ bộ, bắt đầu bằng các cuộc tấn công lên Kwajalein vào ngày 29 tháng 1. Nó khai hỏa vào các mục tiêu tại Namur và Roi, nơi nó cũng đánh chìm một tàu hàng đối phương trong vũng biển.[23]Sau đó chiếc thiết giáp hạm lại hộ tống các tàu sân bay trong đợt không kích lớn xuống Truk, căn cứ chủ lực của hạm đội Nhật Bản tại Carolines, nơi 39 tàu lớn bị đánh chìm, hư hỏng nặng hoặc mắc cạn không thể hoạt động, và 211 máy bay bị phá hủy cùng 104 chiếc khác bị hư hỏng nặng.[24] Sau đó, nó tham gia đánh trả một đợt không kích nhắm vào các tàu sân bay gần Marianas vào ngày 21 tháng 2, bắn rơi một máy bay đối phương; và ngày hôm sau tiếp tục bảo vệ các tàu sân bay trong các đợt không kích nhắm vào Saipan, Tinian và Guam. Hầu hết thời gian trong giai đoạn này, North Carolina phục vụ như là soái hạm của Chuẩn Đô đốc (sau này l̀a Phó Đô đốc) Willis A. Lee, Jr., tư lệnh lực lượng thiết giáp hạm tại Thái Bình Dương.[25]Đặt căn cứ chính tại Majuro, North Carolina tham gia cuộc tấn công lên Palau và Woleai trong các ngày 31 tháng 3 và 1 tháng 4, bắn rơi thêm một máy bay đối phương trong quá trình tiếp cận. Tại Woleai, 150 máy bay đối phương bị tiêu diệt cùng các cơ sở vật chất trên bờ. Nhiệm vụ hỗ trợ cho việc chiếm đóng khu vực Hollandia (nay là Jayapura) thuộc New Guinea được tiếp nối từ ngày 13 đến ngày 24 tháng 4; rồi sau đó là một đợt không kích lớn khác xuống căn cứ chủ lực Truk trong các ngày 29 và 30 tháng 4, trong đó North Carolina bắn rơi thêm một máy bay đối phương. Tại Truk, những thủy phi cơ của North Carolina được phóng lên để giải thoát một phi công Mỹ bị bắn rơi tại một dãi san hô.[26] Sau khi một chiếc bị lật úp khi hạ cánh, chiếc còn lại đã tìm cách cứu được tất cả mọi người, nhưng không thể cất cánh do quá nặng; khi đó chiếc tàu ngầm Tang đã xuất hiện và cứu được mọi người liên quan. Ngày hôm sau, North Carolina tiêu diệt các khẩu pháo phòng vệ duyên hải, các khẩu đội phòng không và sân bay tại Ponape. Sau đó, nó quay về Trân Châu Cảng để sửa chữa các bánh lái bị hư hại.[27]Quay trở lại Majuro, North Carolina khởi hành cùng với đội đặc nhiệm tàu sân bay Enterprise vào ngày 6 tháng 6 (cũng là ngày D ở Normandie tại Châu Âu) hướng đến quần đảo Mariana. Trong cuộc tấn công vào Saipan, North Carolina không chỉ hỗ trợ phòng không cho lực lượng tàu sân bay như thường lệ, mà còn nả pháo xuống bờ biển phía Tây Saipan bảo vệ các hoạt động quét mìn, cũng như bắn phá cảng Tanapag, đánh chìm nhiều tàu nhỏ đối phương cũng như phá hủy các kho đạn, nhiên liệu và quân nhu. Lúc sáng sớm ngày đổ bộ, 15 tháng 6, hỏa lực phòng không của chiếc thiết giáp hạm đã bắn rơi một trong số hai chiếc máy bay Nhật đã tìm cách lọt qua được hàng rào tuần tra chiến đấu trên không của những chiếc máy bay tiêm kích.[28]Ngày 18 tháng 6, North Carolina rời khu vực quần đảo cùng các tàu sân bay để đối đầu cùng Hạm đội Lưu động 1 Nhật Bản, vốn đã bị tàu ngầm và máy bay trinh sát theo dõi bốn ngày trước đó.[29] Ngày hôm sau khởi đầu Trận chiến biển Philippine, và chiếc thiết giáp hạm được bố trí phía trước những chiếc tàu sân bay. Máy bay Mỹ tuần tra chiến đấu đã thành công trong việc bắn hạ hầu hết máy bay Nhật tấn công trước khi chúng đến được các tàu chiến Mỹ, và North Carolina đã bắn hạ hai trong số những chiếc ít ỏi lọt qua được hàng rào phòng thủ.[30]Trong ngày hôm đó và ngày hôm sau, các cuộc tấn công của tàu ngầm và máy bay, cùng với hỏa lực phòng không dày đặc như của North Carolina, đã hoàn toàn loại trừ được sức mạnh của không lực hạm đội Nhật: ba tàu sân bay bị đánh chìm, hai tàu chở dầu bị hư hại nặng đến mức phải tự đánh đắm, và chỉ còn lại 36 máy bay trong tổng số 430 chiếc có được lúc bắt đầu trận đánh.[31] Sự thiệt hại của phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không cũng khó có thể bù đắp được. Về phía Mỹ, không có chiếc tàu chiến nào bị mất, và tổn thất về nhân mạng của họ cũng ở mức tối thiểu.[32]

Các chiến dịch Tây Thái Bình Dương, 1944-1945

Sau khi hỗ trợ các hoạt động không kích tại quần đảo Mariana thêm hai tuần nữa, North Carolina quay trở về Xưởng hải quân Puget Sound để đại tu. Nó lại gia nhập lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay ngoài khơi Ulithi vào ngày 7 tháng 11 năm 1944 khi một trận bão lớn ập đến lực lượng này.[33] Sau đó lực lượng đặc nhiệm tiến hành không kích khu vực phía Tây đảo Leyte, Luzon và Visayas nhằm hỗ trợ các hoạt động trên đảo Leyte. Trong quá trình thực hiện các hoạt động tương tự vào cuối tháng, North Carolina còn phải chống đỡ các cuộc tấn công tự sát kamikaze lần đầu tiên nhắm vào nó.[34]Trong khi cường độ tác chiến tại Philippine tiếp tục khẩn trương, North Carolina tiến hành hoạt động hộ tống bảo vệ các con tàu sân bay trong khi máy bay của chúng tấn công các sân bay Nhật Bản trên đảo Luzon ngăn chặn sự can thiệp vào các đoàn tàu vận tải đang tiến hành tấn công đổ bộ lên Mindoro vào ngày 15 tháng 12.[35] Ba ngày sau, lực lượng đặc nhiệm lại phải trải qua một cơn bão hung hãn khác, khiến làm lật úp ba tàu khu trục. Giờ đây đặt căn cứ tại Ulithi, North Carolina thực hiện nhiệm vụ hộ tống cho một loạt các cuộc không kích nhắm vào Đài Loan, bờ biển Đông Dương và Trung Quốc, cùng quần đảo Ryukyu trong tháng 1 năm 1945, và các cuộc ném bom tương tự xuống Honshū trong tháng tiếp theo.[36] Hàng trăm máy bay đối phương đã bị tiêu diệt trước khi có thể kháng cự lại cuộc đổ bộ lên Iwo Jima, nơi mà North Carolina tiến hành nả pháo tiêu diệt và bắn pháo hỗ trợ theo yêu cầu của lực lượng Thủy quân Lục chiến trên đảo cho đến ngày 22 tháng 2.[37]Sau đó, North Carolina tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép: bắn pháo và bảo vệ các tàu sân bay, trong chiến dịch tấn công các mục tiêu tại chính quốc Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công Okinawa. Tại đây, vào ngày 6 tháng 4, nó bắn rơi được ba chiếc máy bay tấn công cảm tử kamikaze, nhưng bản thân nó bị bắn trúng một quả đạn pháo 127 mm (5 inch) do tàu bạn bắn nhầm, làm ba người thiệt mạng và 44 người bị thương.[38] Ngày hôm sau diễn ra chuyến đi tuyệt vọng cuối cùng của Hạm đội Nhật, Chiến dịch Ten-Go, khi Yamato, chiếc thiết giáp hạm lớn nhất thế giới, di chuyển về phía Nam cùng các tàu hộ tống. Trong trận chiến diễn ra sau đó, Yamato cùng một tàu tuần dương và một tàu khu trục bị đánh chìm, ba tàu khu trục khác bị hỏng nặng đến mức phải bỏ lại và bị đánh đắm, chỉ còn lại bốn tàu khu trục quay trở về được Căn cứ Sasebo cho dù bị hư hại. Trong ngày hôm đó North Carolina bắn rơi một máy bay đối phương, và nó bắn rơi thêm hai chiếc nữa vào ngày 17 tháng 4.[39]Sau một đợt đại tu tại Trân Châu Cảng, North Carolina lại gia nhập các tàu sân bay, và trong một tháng tiếp theo sau thực hiện ném bom và bắn phá các hòn đảo chính quốc Nhật Bản.[40] Cùng với vai trò bảo vệ các tàu sân bay, North Carolina còn bắn pháo xuống các nhà máy công nghiệp quan trọng tại khu vực chung quanh Tokyo, trong khi các máy bay trinh sát của nó còn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm giải cứu một phi công trên tàu sân bay bị hỏa lực phòng không đối phương bắn rơi trong vịnh Tokyo.[41]North Carolina đã gửi các thủy thủ và phân đội Thủy quân Lục chiến phối thuộc lên bờ tham gia các hoạt động chiếm đóng ban đầu ngay sau khi Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện; và tuần tra dọc theo bờ biển Nhật bản cho đến khi thả neo tại vịnh Tokyo vào ngày 5 tháng 9 để nhận trở lại lên tàu người của nó. Tiếp tục nhận lên tàu những hành khách tại Okinawa, North Carolina lên đường quay trở về nhà, đi qua kênh đào Panama vào ngày 8 tháng 10.[42] Nó thả neo tại Boston ngày 17 tháng 10, và sau một đợt đại tu tại New York, chiếc thiết giáp hạm tiến hành tập trận tại vùng biển ngoài khơi New England và chuyên chở các học viên mới của Học viện Hải quân Hoa Kỳ trong một chuyến đi huấn luyện mùa Hè tại vùng biển Caribbe.[43]

Tàu bảo tàng

North Carolina được cho ngừng hoạt động tại New York vào ngày 27 tháng 6 năm 1947. Được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 1 tháng 6 năm 1960, North Carolina được chuyển cho nhân dân North Carolina vào ngày 6 tháng 9 năm 1961. Nó được mua lại từ Hải quân Mỹ với giá 330.000 Đô la Mỹ nhờ một quỹ được quyên góp bởi các học sinh trong tiểu bang North Carolina.[45] Vào năm 1961 một hạm đội các tàu kéo đã được sử dụng để di chuyển con tàu dài 222 m (728 ft) ngang qua một khu vực sông rộng 152 m (500 ft). Trong khi di chuyển, con tàu đã va chạm phải nhà hàng nổi "Fergus' Ark" gần đường Princess, khiến nhà hàng này bị hư hại nặng và bị buộc phải ngừng hoạt động.[46]Vào ngày 29 tháng 4 năm 1962, chiếc thiết giáp hạm được đặt tại Wilmington, North Carolina như một đài tưởng niệm mọi công dân tiểu bang North Carolina thuộc mọi ngành phục vụ đã ngả xuống trong Thế Chiến II. Đài tưởng niệm được đăng ký hoạt động bởi Ủy ban Thiết giáp hạm USS North Carolina, được thành lập bởi các đạo luật của Tiểu bang North Carolina vào năm 1960; nó hoạt động bằng chính tài sản sở hữu cùng các khoảng tiền quyên góp mà không nhận các khoản ngân sách từ thuế của tiểu bang.[47] Con tàu được công nhận là một Địa điểm Lịch sử Quốc gia vào năm 1986.[48][49]Khách đến viếng thăm Bảo tàng Tưởng niệm Thiết giáp hạm USS North Carolina có thể tham quan sàn chính của con tàu, nhiều phòng bên trong tàu và bên trong một số tháp pháo. Đặc biệt, người ta có thể tham quan một trong số chín thủy phi cơ OS2U Kingfisher hiếm hoi còn sót lại trên khắp thế giới được đặt ở phía đuôi con tàu.[50] Nhiều hoạt động khác nhau đã được tổ chức tại đây, và một số mặt bằng được dành cho thuê để tổ chức những sự kiện đặc biệt. Một Danh sách Danh dự được đặt trong phòng thủy thủ đoàn liệt kê tên mọi công dân North Carolina đã bỏ mình khi phục vụ trong Thế Chiến II. Ngoài ra còn có cửa hàng bán đồ lưu niệm, trung tâm dành cho khách tham quan và khu cắm trại.Vào năm 1999, một cuộc họp mặt được tổ chức trên Đài tưởng niệm Thiết giáp hạm USS North Carolina. Khi đang đứng trên cầu tàu, nơi xảy ra một sự cố bắn nhầm trong quá trình tấn công Okinawa vào ngày 6 tháng 4 năm 1945, cựu chiến binh Richard R. Fox hồi tưởng lại sự kiện và mô tả cho các con gái và cháu gái của mình bằng cách nào ông đã giúp đưa một thủy thủ bị thương nặng xuống bệnh xá. Fox đã không thể biết được liệu người đó có còn sống hay không. Trong khi Fox đang kể chuyện, một cựu chiến binh của USS North Carolina là Richard W. Reed, người đã nghe được câu chuyện, tiến đến gần, ngắt ngang để tự nhận mình chính là người thủy thủ bị thương và ngỏ lời cám ơn. Cả hai người đều không biết về nhau trong hơn nữa thế kỷ.[51]Năm 2005, Tổ chức "The Atlantic Paranormal Society" (TAPS) đã viếng thăm chiếc USS North Carolina để điều tra các báo cáo cho rằng con tàu bị ma ám. Những báo cáo này được đưa ra bởi người trực gác đêm của con tàu, Danny Bradshaw, người trông nom con tàu sau khi nó đóng cửa.[52]Các dự án gần đây được thực hiện nhằm bảo trì con tàu bao gồm việc thay thế sàn tàu làm bằng gỗ Teak. Sau một chuyến viếng thăm của các quan chức Myanmar, khoảng trao tặng hào phóng nhất từng được thực hiện trong lịch sử của Bảo tàng là của Chính phủ Myanmar: hai tàu hàng chất đầy loại gỗ Teak chất lượng hàng đầu thế giới trị giá lên đến 250.000 Đô la, và một khoảng chiết khấu giảm giá đáng kể cho tám tàu gỗ quý giá khác trị giá một khoảng 250.000 Đô la khác, cho phép lót lại toàn bộ sàn tàu với diện tích lên đến hơn một mẫu tây.[53]Nhiều dự án bảo tồn ngắn hạn được vạch ra mà không đòi hỏi phải đóng cửa Bảo tàng. Kế hoạch bảo tồn lớn tiếp theo của chiếc North Carolina là bảo trì thân tàu. Việc này yêu cầu con tàu phải rời Wilmington trong nhiều tháng và được kéo đến ụ tàu phù hợp gần nhất ở Norfolk, Virginia.[54] Việc kéo con tàu vào ụ được dự định thực hiện không sớm hơn năm 2012.

Mang cờ Hải quân Hoa Kỳ

Đặt hàng:

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Nevada

Xưởng đóng tàu: New York Shipbuilding Corporation

Đặt lườn: 26 tháng 10 năm 1912

Hạ thủy: 23 tháng 3 năm 1914

Đỡ đầu: Lorena J. Cruce

Hoạt động: 2 tháng 5 năm 1916

Bị mất: Bị hỏng nặng trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng, được bán để tháo dỡ nhưng bị chìm trong lúc được kéo đi

Ngừng hoạt động: 1 tháng 9 năm 1944

Xóa đăng bạ:

Tặng thưởng: 1 Ngôi sao Chiến đấu

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 27.500 tấn

Chiều dài: 177,7 m (583 ft)

Mạn thuyền: 29 m (95 ft 4 in)

Tầm nước: 8,7 m (28 ft 6 in)

Lực đẩy: Turbine Curtis [1][2][3] công suất 24.800 mã lực[4]

hai trục

Tốc độ: 38 km/h (20,5 knot)

Quân số: Ban đầu: 864 sĩ quan và thủy thủ[5]

Từ năm 1929: 1.398[6]

Vũ khí: 10 × pháo 356 mm (14 inch)/45-caliber (2×3, 2×2)

21 (sau giảm còn 12) × pháo 127 mm (5 inch)/51-caliber (21×1)

8 × pháo phòng không 127 mm (5 inch)/25-caliber (8x1) (bổ sung năm 1929)[7]

2 × ống phóng ngư lôi 533 mm (21 inch)[8]

Vỏ giáp: đai giáp 13,5-8 inch

vách ngăn 13-8 inch

tháp súng 13-18 inch

sàn tàu 5 inch

Máy bay: 3 thủy phi cơ, 2 máy phóng[7]

USS Oklahoma (BB-37), chiếc tàu chiến duy nhất của Hải quân Hoa Kỳ được đặt cái tên này nhằm tôn vinh tiểu bang thứ 46 của Hoa Kỳ, là một thiết giáp hạm thời kỳ Thế Chiến I, và là chiếc thứ hai trong tổng số hai chiếc thuộc lớp tàu này; con tàu chị em với nó là chiếc thiết giáp hạm Nevada.Được đưa vào hoạt động năm 1916, Oklahoma hoạt động trong Thế Chiến I như một thành viên của Đội Thiết giáp hạm 6,[7] bảo vệ các đoàn tàu vận tải Đồng Minh vượt qua Đại Tây Dương. Sau những năm phục vụ tại Thái Bình Dương và Hạm đội Tuần tiểu, Oklahoma được hiện đại hóa từ năm 1927 đến năm 1929. Nó giải cứu công dân Hoa Kỳ và những người tị nạn khỏi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha vào năm 1936; và sau khi quay về bờ Tây Hoa Kỳ vào tháng 8 năm đó, nó phục vụ suốt thời gian còn lại tại Thái Bình Dương. Trong trận tấn công Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941, nó bị đánh chìm bởi bom và ngư lôi thả từ máy bay của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, mang theo nó 429 thành viên thủy thủ đoàn khi nó bị lật úp.Nó được vớt lên vào năm 1943, nhưng không như hầu hết các tàu chiến khác bị hư hại tại Trân Châu Cảng, nó không bao giờ được sửa chữa để quay lại hoạt động. Thay vào đó, các khẩu pháo và cấu trúc thượng tầng của nó được tháo dỡ dùng cho các mục đích khác, còn bản thân Oklahoma cũng bị bán để tháo dỡ. Tuy nhiên nó đã bị chìm trong khi đang được kéo về lục địa vào năm 1947.

Thiết kế và chế tạo

Thiết kế

Oklahoma là chiếc thiết giáp hạm cuối cùng của Hải quân Mỹ được trang bị động cơ hơi nước kiểu ba buồng bành trướng đặt dọc thay cho các turbine hơi nước; kết quả là nó có vấn đề về sự rung động trong suốt quá trình phục vụ.

Chế tạo

Được đặt lường vào ngày 26 tháng 10 năm 1911 bởi New York Shipbuilding Corporation tại Camden, New Jersey, Oklahoma được hạ thủy vào ngày 23 tháng 3 năm 1914, được đỡ đầu bởi Lorena J. Cruce, con gái của Thống đốc tiểu bang Oklahoma Lee Cruce. Nó được đưa vào hoạt động tại Philadelphia, Pennsylvania vào ngày 2 tháng 5 năm 1916 dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Roger Welles.[9]

Lịch sử hoạt động

Giữa hai cuộc Thế Chiến

Oklahoma gia nhập Hạm đội Đại Tây Dương và được đặt căn cứ nhà tại Norfolk, Virginia. Nó thực hiện các khóa huấn luyện cho đến ngày 13 tháng 8 năm 1918, khi nó cùng chiếc tàu chị em Nevada trong nhiệm vụ hộ tống các đoàn tàu vận tải trên các vùng biển Châu Âu. Đến tháng 12 nó nằm trong số những chiếc tàu hộ tống cho Tổng thống Woodrow Wilson sang Pháp, sau đó nó khởi hành ngày 14 tháng 12 hướng về New York rồi tham gia thực tập hạm đội mùa Đông trong vùng biển Cuba. Nó quay lại Brest vào ngày 15 tháng 6 năm 1919 để hộ tống Tổng thống Wilson trên chiếc George Washington quay trở về nhà sau chuyến thăm nước Pháp lần thứ hai, và về đến New York ngày 8 tháng 7.Trong vòng hai năm sau đó, Oklahoma hoạt động trong đội hình Hạm đội Đại Tây Dương, được đại tu và huấn luyện thủy thủ đoàn. Số pháo hạng hai của nó được giảm bớt từ 20 xuống còn 12 khẩu 127 mm vào năm 1918.[10] Đầu năm 1921, nó di chuyển đến bờ Tây Nam Mỹ trong cuộc tập trận phối hợp cùng Hạm đội Thái Bình Dương Dương, và quay lại sau đó tham gia lễ hội Một trăm năm Peru. Nó được chuyển sang hoạt động cùng Hạm đội Thái Bình Dương trong sáu năm, đánh dấu bằng chuyến đi hữu nghị của Hạm độ Thiết giáp hạm đến Úc và New Zealand năm 1925. Gia nhập hạm đội Tuần tiễu vào đầu năm 1927, Oklahoma tiếp tục thực hiện chuyến đi huấn luyện học viên mới vào mùa Hè năm đó, đi đến bờ Đông để đón học viên lên tàu, chở họ qua kênh đào Panama đến San Francisco, và đưa họ quay trở về sau khi ghé qua Cuba và Haiti.

Giải cứu người tị nạn tại Tây Ban Nha

Sau khi được hiện đại hóa bằng việc bổ sung thêm tám khẩu pháo 127 mm (5 inch)/25 caliber[10] tại Philadelphia từ tháng 9 năm 1927 đến tháng 7 năm 1929, Oklahoma gia nhập trở lại Hạm đội Tuần Tiễu và tham gia các cuộc tập trận tại vùng biển Caribbe, rồi quay trở lại bờ Tây vào tháng 6 năm 1930 cho các cuộc thao diễn hạm đội trong suốt mùa Xuân năm 1936. Mùa Hè năm đó, nó mang theo các học viên mới trong một chuyến đi huấn luyện đến Châu Âu và viếng thăm các cảng phía Bắc. Chuyến đi đột ngột bị dừng lại do cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha nổ ra, và Oklahoma buộc phải chuyển hướng đến Bilbao, và đến nơi vào ngày 24 tháng 7 năm 1936 để giải cứu các công dân Hoa Kỳ cùng nhiều người tị nạn khác, và chuyên chở họ đến Gibraltar và các cảng Pháp. Nó quay về Norfolk vào ngày 11 tháng 9, và đi đến bờ Tây ngày 24 tháng 10.Trong bốn năm tiếp theo, Oklahoma hoạt động cùng Hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm các chiến dịch phối hợp cùng Lục quân và huấn luyện cho quân nhân dự bị.

Trân Châu Cảng

Oklahoma đặt căn cứ tại Trân Châu Cảng từ ngày 6 tháng 12 năm 1940 để tuần tra và diễn tập. Nó neo đậu trong hàng thiết giáp hạm dọc theo đảo Ford vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 khi Hải quân Đế quốc Nhật Bản bất ngờ tấn công. Neo đậu dọc theo bên ngoài thiết giáp hạm Maryland, Oklahoma hứng chịu ba quả ngư lôi hầu như ngay lập tức sau khi những quả bom đầu tiên phát nổ. Khi nó bắt đầu bị nghiêng, có thêm hai quả ngư lôi nữa đánh trúng, trong khi thủy thủ của nó bị càn quét khi họ rời tàu. Chỉ 12 phút sau khi trận tấn công mở màn, Oklahoma bị lật úp cho đến khi dừng lại bởi cột buồm của nó chạm đến đáy vịnh, với mạn tàu bên phải còn nổi trên mặt nước.Tuy nhiên, nhiều người trong thủy thủ đoàn đã tiếp tục chiến đấu qua việc trèo lên chiếc Maryland để giúp hoạt động các khẩu đội pháo phòng không. 429 sĩ quan và thủy thủ đã tử trận hay mất tích, cùng 32 người khác bị thương. Trong số những người chết có linh mục Aloysius Schmitt, vị tuyên úy đầu tiên thuộc mọi tín ngưỡng chết trong Thế Chiến II. Nhiều người bị mắc kẹt lại bên trong thân tàu bị lật úp đã được cứu thoát nhờ những hành động giải cứu anh dũng, như trường hợp của Julio DeCastro, một công nhân dân sự của xưởng tàu đã tổ chức một toán cứu hộ và giải thoát được 32 thủy thủ trên chiếc Oklahoma. Tên của một số người tử trận sau đó đã được đặt cho các con tàu mới, như trường hợp của Thiếu úy John England được đặt tên cho chiếc USS England (DE-635) và chiếc USS England (DLG-22).

Việc trục vớt

Công việc trục vớt đầy khó khăn được bắt đầu vào ngày 15 tháng 7 năm 1942 bởi Xưởng hải quân Trân Châu Cảng dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá F. H. Whitaker. Công việc chuẩn bị kéo dài gần tám tháng, trong khi công việc dựng đứng lại con tàu mất trên ba tháng, từ ngày 8 tháng 3 đến ngày 16 tháng 6 năm 1943, và Oklahoma được kéo vào ụ nổi ngày 28 tháng 12. Được cho ngừng hoạt động ngày 1 tháng 9 năm 1944, Oklahoma được cho tháo dỡ pháo và các cấu trúc thượng tầng, và được bán cho hãng Moore Drydock Company tại Oakland, California để tháo dỡ vào ngày 5 tháng 12 năm 1946. Vào ngày 17 tháng 5 năm 1947, trong khi đang được kéo về San Francisco để được tháo dỡ, Oklahoma bị chìm trong một cơn bão ở vị trí khoảng 870 km (540 dặm) ngoài khơi Trân Châu Cảng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro