Ham doi thiet giap ham Nhat trong WW2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đặt hàng: tháng 6 năm 1937

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Yamato

Xưởng đóng tàu: Mitsubishi tại Nagasaki

Đặt lườn: 29 tháng 3 năm 1938

Hạ thủy: 1 tháng 11 năm 1940

Hoạt động: 5 tháng 8 năm 1942

Bị mất: Bị đánh chìm ngày 24 tháng 10 năm 1944 tại biển Sibuyan ( 12°50′N 122°35′E)[1]

Xóa đăng bạ: 31 tháng 8 năm 1945

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 68.200 tấn;

72.800 tấn (tối đa)

Chiều dài: 263 m (863 ft) chung

256 m (840 ft) mực nước

Mạn thuyền: 38,9 m (127 ft 10 in)

Tầm nước: 11 m (36 ft) khi đầy tải

Lực đẩy: 12 nồi hơi Kanpon

4 turbine hơi nước

150.000 mã lực (110 MW)

4 chân vịt ba cánh đường kính 6,0 m

Tốc độ: 50,86 km/h (27,46 knot)

Tầm xa: 13.000 km ở tốc độ 30 km/h

(7.200 hải lý ở tốc độ 16 knot)

Quân số: 2.399

Vũ khí: tháng 8 năm 1942 :

9 × pháo 460 mm (18,1 inch) (3×3)[2]

12 × pháo 155 mm (6,1 in) (4×3)

12 × pháo 127 mm (5 inch) (6×2)[2]

24 × súng phòng không 25 mm (8×3)[2]

4 × súng phòng không 13 mm (2×2)[2]

tháng 10 năm 1944:

9 × pháo 460 mm (18,1 inch) (3×3)[3]

6 × pháo 155 mm (6.1 inch) (2×3)[3]

12 × pháo 127 mm (5 inch) (6×2)[3]

130 × súng phòng không 25 mm (32×3, 34×1)[4]

4 × súng phòng không 13 mm (2×2)[3]

Vỏ giáp: 650 mm phía trước tháp súng[3]

410 mm (16 in) vỏ giáp hông[3]

200 mm (8 in) sàn tàu trung tâm[3]

226,5 mm (9 in) sàn tàu phía ngoài[3]

Máy bay: 7 máy bay, 2 máy phóng

Musashi (tiếng Nhật: 武蔵, Vũ Tàng), tên được đặt theo tên một tỉnh cũ của Nhật Bản, là một thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế Chiến II, và là soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản. Nó là chiếc thứ hai trong lớp Yamato, và nó cùng với chiếc tàu chị em với nó, chiếc Yamato, là những thiết giáp hạm lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo, [5] với trọng lượng rẽ nước khi đầy tải lên đến 72.800 tấn và được trang bị chín khẩu pháo 460 mm (18,1 inch).Được chế tạo từ năm 1938 đến năm 1941 và được chính thức đưa ra hoạt động vào mùa Hè năm 1942, Musashi phục vụ như là soái hạm của các Đô đốc Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Yamamoto Isoroku và Mineichi Koga trong năm 1943. Trong suốt năm 1943, Musashi hầu như ở lại các cảng chính tại Truk, Kure và Brunei, di chuyển nhiều lần giữa các căn cứ này đối phó các cuộc không kích của Mỹ. Musashi bị máy bay Mỹ đánh chìm vào ngày 24 tháng 10 năm 1944 trong trận chiến vịnh Leyte.

Thiết kế và chế tạo

Musashi là chiếc thứ hai trong lớp thiết giáp hạm hạng nặng Yamato,[6] được Hải quân Đế quốc Nhật Bản thiết kế vào năm 1937.[4] Musashi và những con tàu chị em với nó được chế tạo với khả năng có thể đối địch cùng một lúc với nhiều tàu chủ lực đối phương, như là một phương thức bù trừ cho sự yếu kém của Nhật Bản về tiềm năng sản xuất công nghiệp không thể so được đối với Hải quân Hoa Kỳ.[7] Với mỗi chiếc tàu chiến lớp Yamato với trọng lượng rẽ nước trên 70.000 tấn, người ta kỳ vọng vào hỏa lực cực mạnh của Musashi cùng các tàu chị em với nó thể vượt qua sức mạnh công nghiệp của Hoa Kỳ.[6]Lườn của chiếc Musashi được đặt vào ngày 29 tháng 3 năm 1938 tại xưởng tàu của Mitsubishi ở Nagasaki, và được đặt tên là "Thiết giáp hạm Số 2".[4] Trong suốt quá trình chế tạo, những tấm bạt lớn được treo lên và những nhà xưởng được sắp đặt có dụng ý ngăn trở người bên ngoài nhìn thấy được việc chế tạo.[3] Việc ngụy trang này có hiệu quả đến mức Tòa Lãnh sự Mỹ ở phía đối diện bên kia vịnh nơi chiếc Musashi được chế tạo đã không hề biết đến sự hiện diện của nó trong quá trình chế tạo.[3] Vì kích cỡ vĩ đại của con tàu, ụ tàu tại Nagasaki và các thiết bị chế tạo đã phải được cải tiến đáng kể để phù hợp với thân chiếc Musashi.[8] Musashi được hạ thủy vào ngày 1 tháng 11 năm 1940, và Thuyền trưởng (sau này là Phó Đô đốc) Kaoru Arima được chỉ định làm Sĩ quan Trang bị trưởng đầu tiên của con tàu.[4]

Vũ khí trang bị

Dàn pháo chính của chiếc Musashi bao gồm chín khẩu pháo 460 mm (18,1 inch) Kiểu 94, cỡ nòng pháo hải quân lớn nhất từng được trang bị trên một tàu chiến.[9] Mỗi khẩu dài 21,1 m (69 ft 3 in), nặng 147,3 tấn và có khả năng bắn các đầu đạn nổ hoặc xuyên thép đi xa 42 km (26 dặm).[10]Pháo hạng hai của nó gồm có: 12 pháo 155 mm (6,1 inch) bố trí trên bốn tháp pháo ba nòng (một phía trước, hai ở giữa và một phía sau tàu)[9] và 12 pháo 127 mm (5 inch) bố trí trên sáu tháp súng đôi (ba chiếc mỗi bên ở giữa tàu).[9] Thêm vào đó, Musashi còn trang bị 24 súng phòng không 25 mm (1 inch) chủ yếu được bố trí ở giữa tàu.[9] Khi được cải tạo vào năm 1944, cấu trúc pháo hạng hai của nó được chuyển thành 6 pháo 155 mm (6,1 inch),[11] 24 pháo 127 mm (5 inch)[11] và 130 súng phòng không 25 mm (1 inch)[11] nhằm chuẩn bị cho những trận đọ súng hải chiến tại Nam Thái Bình Dương.[4]

Lịch sử hoạt động

1942: Đưa vào hoạt động - Thử nghiệm

Vào ngày 5 tháng 8 năm 1942, Musashi được đưa vào hoạt động tại Nagasaki, và Arima Kaoru được chỉ định làm Thuyền trưởng; nó gia nhập Đội Thiết giáp hạm 1 cùng những chiếc Yamato, Nagato và Mutsu cùng ngày hôm đó.[4] Từ ngày 3 đến ngày 28 tháng 9 năm 1942, Musashi được trang bị dàn hỏa lực hạng hai, bao gồm 12 pháo 127 mm (5 inch), 36 súng phòng không 25 mm (1 inch) và bốn súng máy hạng nhẹ 13,2 mm, cùng các thiết bị radar bổ sung.[4]Trong suốt tháng 10 và tháng 11, Musashi thực hiện các chuyến đi thử và thực tập tác xạ tại vùng biển gần Kure.[12] Vào tháng 12 năm 1942, sau các đợt thực hành máy bay cùng tàu sân bay Zuikaku, Musashi được công bố đi vào hoạt động.[4]

1943: Soái hạm của Hạm đội Liên hợp

Vào ngày 18 tháng 1 năm 1943, Musashi rời Kure hướng đến đảo san hô Truk, và đến nơi bốn ngày sau. Sang ngày 11 tháng 2 năm 1943, Musashi thay thế cho chiếc thiết giáp hạm chị em với nó Yamato để trở thành soái hạm của Hạm đội Liên hợp dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Yamamoto Isoroku.[4] Ngày 1 tháng 4 năm 1943, Yamamoto rời khỏi chiếc Musashi và bay đến Rabaul thuộc quần đảo New Britain để đích thân chỉ đạo chiến dịch I-Go, cuộc không kích của quân Nhật tại quần đảo Solomon.[13] Mười lăm ngày sau, do giải mã được các bức điện nhờ hệ thống Ultra, máy bay Mỹ đã tổ chức phục kích và Yamamoto bị giết khi máy bay của ông bị bắn rơi đang khi trên đường từ New Britain đến Ballale thuộc Bougainville.[13] Vào ngày 23 tháng 4 năm 1943, di hài của Yamamoto sau khi hỏa táng được đưa đến Truk và được đặt trong cabin của ông trên chiếc Musashi, nơi các sĩ quan của Hạm đội Liên hợp đến kính viếng lần cuối.[13]Ngày 17 tháng 5 năm 1943, đáp trả lại việc quân Mỹ chuẩn bị tấn công vào đảo Attu, Musashi cùng với hai tàu sân bay hạng nhẹ, hai tàu tuần dương và chín tàu khu trục, được bố trí đến khu vực Bắc Thái Bình Dương.[4] Khi không gặp được lực lượng đối phương, Musashi di chuyển về Nhật Bản để đưa di hài Đô đốc Yamamoto về Kure vào ngày 23 tháng 5 nhằm chuẩn bị cho việc an táng theo nghi lễ cấp quốc gia[14] Liền ngay sau đó, Musashi gia nhập một lực lượng lớn hơn đáng kể nhằm phản công hạm đội Mỹ ngoài khơi Attu. Tuy nhiên, do Attu thất thủ trước khi lực lượng Hải quân Nhật có thể tập trung đầy đủ, kế hoạch phản công bị hủy bỏ và Musashi quay trở về Nhật Bản.[4]Ngày 24 tháng 6 năm 1943, trong khi đang được đại tu và sửa chữa tại Yokosuka, Musashi được Nhật Hoàng Hirohito và các tướng lãnh hải quân cao cấp đến viếng thăm.[4] Được chuyển đến Kure ngày 1 tháng 7 năm 1943, Musashi vào ụ tàu cùng ngày hôm đó. Từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 7, Musashi được nâng cấp các thiết bị kiểm soát hỏa lực và radar. Sau nhiều lần di chuyển giữa các căn cứ trong vùng biển nhà, Musashi lên đường ngày 31 tháng 7 đi đến Truk, và đến nơi sáu ngày sau.[4]Ngày 18 tháng 9 năm 1943, Musashi rời Truk cùng ba thiết giáp hạm khác nhằm phản công các đợt không kích của Hải quân Mỹ nhắm vào các đảo Eniwetok và Brown.[15] Bảy ngày sau, hạm đội quay trở về Truk mà không bắt gặp được lực lượng đối phương. Sang tháng 10, do những nghi ngờ về một kế hoạch của Mỹ không kích lên đảo Wake, Musashi dẫn đầu một hạm đội lớn dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Mineichi Koga: ba tàu sân bay, sáu thiết giáp hạm và mười một tàu tuần dương nhằm đánh chặn lực lượng Mỹ. Sau khi không bắt gặp được lực lượng đối phương, hạm đội quay trở về Truk ngày 26 tháng 10 năm 1943.[4] Suốt thời gian còn lại của năm 1943, chiếc thiết giáp hạm ở lại vũng biển san hô Truk, nơi mà vị thuyền trưởng đương nhiệm được thăng chức và Thuyền trưởng Asakura Bunji tiếp nhận quyền chỉ huy chiếc Musashi vào ngày 7 tháng 12 năm 1943.[4]

1944: Chiến đấu và bị mất

Musashi ở lại Truk cho đến ngày 10 tháng 2 năm 1944, khi nó quay về Yokosuka cùng ba tàu nhỏ. Ngày 24 tháng 2, Musashi rời Yokosuka cùng hai tiểu đoàn đặc biệt Lục quân Nhật với quân trang để đi đến Palau.[4] Cùng ngày hôm đó, trên đường đi, nhóm chiến đấu của Musashi gặp phải một cơn bão làm cuốn trôi phần lớn hàng tiếp liệu chất trên sàn chiếc thiết giáp hạm.[4] Musashi đi đến Palau ngày 29 tháng 2 năm 1944, và ở lại căn cứ này cho đến hết tháng tiếp theo. Ngày 29 tháng 3 năm 1944, đề phòng cuộc không kích của quân Mỹ xuống hòn đảo này, Musashi rời khỏi Palau dưới sự che khuất của bóng đêm.[4] Ngay sau khi rời khỏi Palau, Musashi và các tàu hộ tống bị tàu ngầm Mỹ Tunny tấn công với sáu quả ngư lôi nhắm vào chiếc thiết giáp hạm.[16] Nhờ các tàu hộ tống phát hiện các đợt sóng ngư lôi, Musashi đã có thể né tránh được năm trong số sáu quả ngư lôi. Một quả đã đánh trúng gần mũi tàu, khiến ngập nước phòng dò âm dưới nước và thiệt mạng 18 người.Ngày 3 tháng 4, Musashi về đến Kure để sửa chữa. Từ ngày 10 đến ngày 22 tháng 4 năm 1944, Musashi được sửa chữa và nâng cấp, được trang bị radar mới, các đường ray thả mìn sâu và nâng cấp khả năng phòng không.[4] Khi nó rời ụ tàu ngày 22 tháng 4, dàn pháo hạng hai của Musashi bao gồm sáu khẩu 155 mm (6.1 inch), 12 khẩu 127 mm (5 inch), 130 khẩu phòng không 25 mm và bốn súng máy 13 mm.[4]

Tháng 5 năm 1944, Musashi rời Kure đi đến Okinawa, rồi đi đến Tawitawi cùng với Hạm đội 2 Nhật Bản dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Jisaburo Ozawa. Ngày 10 tháng 6 năm 1944, Musashi rời Tawitawi hướng đến Biak với ý định phản công cuộc đổ bộ của lực lượng Mỹ xuống hòn đảo này.[17] Hai ngày sau, khi Ozawa nhận được tin tức về cuộc tấn công của Mỹ xuống Saipan, Hạm đội 2 chuyển hướng từ Biak đến quần đảo Mariana.[17] Trong trận chiến biển Philippine, Musashi hộ tống các tàu sân bay nhanh của Hạm đội 2 Nhật Bản.[18] Tiếp theo sau thất bại tai hại của Nhật trong trận đánh này với hai tàu sân bay và khoảng 450 máy bay bị mất, Hạm đội 2 quay trở về Nhật Bản. Vào ngày 10 tháng 7 năm 1944, Musashi rời Okinawa đi Singapore cùng chiếc tàu chị em với nó Yamato.Vào ngày 18 tháng 10 năm 1944, Musashi gia nhập lực lượng hạm đội chính Nhật Bản tại Brunei để chuẩn bị cho Chiến dịch Sho-1, một cuộc phản công được hoạch định chống lại cuộc đổ bộ lên đảo Leyte của quân Đồng Minh.[19] Kế hoạch của Nhật bản dự định sử dụng lực lượng tàu sân bay của Đô đốc Ozawa để nhử lực lượng tàu sân bay Mỹ ở phía Bắc đảo Leyte, khiến cho lực lượng trung tâm của Phó Đô đốc Takeo Kurita có thể tiến vào vịnh Leyte và tiêu diệt lực lượng đổ bộ của Mỹ ở đảo này.[19] Nhằm mục đích này, năm thiết giáp hạm, kể cả chiếc Musashi, và mười tàu tuần dương hạng nặng rời Brunei ngày 20 tháng 10 hướng đến Philippines.[4]Không lâu sau khi lực lượng rời khỏi Brunei, hai tàu ngầm Mỹ đã phóng ngư lôi và đánh chìm hai tàu tuần dương hạng nặng của Kurita, kể cả soái hạm của Kurita là chiếc Atago; buộc Kurita phải chuyển cờ hiệu của mình sang chiếc Yamato.[20] Sang ngày 24 tháng 10 năm 1944, trong khi đang di chuyển ngang qua biển Sibuyan, lực lượng trung tâm của Kurita chịu đựng một cuộc không kích nặng nề của lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay Mỹ gồm năm đợt riêng biệt.[21] Khởi đầu trận chiến, phi công Mỹ từ các tàu sân bay, chủ yếu là từ Essex, Franklin và Intrepid, tập trung xoáy vào điểm yếu của chiếc Musashi là khiếm khuyết ở vỏ giáp gần mũi con tàu, và đã gây hư hỏng nặng cho con tàu trong ba đợt tấn công đầu tiên, khiến tốc độ của con tàu bị giảm xuống còn 18 km/h (10 knot).[21] Khi mọi sự đã trở nên rõ ràng là con tàu không thể chịu đựng thêm hư hỏng, thuyền trưởng chỉ huy tàu là Chuẩn Đô đốc Inoguchi dự định làm mắc cạn con tàu tại một hòn đảo lân cận.[22] Tuy nhiên, Musashi bị chìm vào lúc 19 giờ 36 phút[4] sau khi bị áp đảo với 17 quả bom và 9 quả ngư lôi trúng đích.[22] Có 1.023 người trong tổng số 2.399 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng, số còn lại được các khu trục hạm Nhật cứu vớt nhiều giờ sau đó.[22] Mười tám máy bay Mỹ đã bị mất trong trận tấn công này.

Đặt hàng: 1913

Lớp tàu: lớp thiết giáp hạm Ise

Xưởng đóng tàu: Kawasaki Heavy Industries

Đặt lườn: 10 tháng 05 năm 1915

Hạ thủy: 12 tháng 11 năm 1916

Hoạt động: 15 tháng 12 năm 1917

Bị mất: Bị đánh đắm bởi không kích ngày 28 tháng 7 năm 1945. Được tháo dỡ tại chỗ năm 1947

Xóa đăng bạ: 20 tháng 11 năm 1945

Các đặc tính chung (ban đầu)

Lượng rẽ nước: 29.980 tấn (chuẩn);

36.500 tấn (đầy tải)

Chiều dài: 208,18 m (683 ft)

Mạn thuyền: 28,65 m (94 ft)

Tầm nước: 8,74 m (28 ft 8 in)

Lực đẩy: Turbine Brown-Curtiss, 4 trục,

45.000 mã lực (33,2 MW)

Tốc độ: 42,6 km/h (23 knot)

Tầm xa: 17.900 km ở tốc độ 26 km/h

(9.680 hải lý ở tốc độ 14 knot)

Quân số: 1.360

Vũ khí: 12 x pháo 356 mm Kiểu 41 (6 x 2)

20 x pháo 140 mm Kiểu 41

8 x pháo DP 80 mm

6 x ống phóng ngư lôi 53cm

Các đặc tính chung (sau khi tái cấu trúc năm 1944)

Lượng rẽ nước: 35.350 tấn (chuẩn);

38.676 tấn (đầy tải)

Chiều dài: 219,62 m (720 ft 6 in)

Mạn thuyền: 33,83 m (111 ft)

Tầm nước: 9,03 m (29 ft 7 in)

Lực đẩy: Turbine Kampon, 4 trục

80.000 mã lực (60 MW)

Tốc độ: 45 km/h (24,5 knot)

Tầm xa: 17.600 km ở tốc độ 29,6 km/h

(9.500 hải lý ở tốc độ 16 knot)

Quân số: 1.463

Vũ khí: 8 x pháo 356 mm (14 inch) Kiểu 41 (4 x 2)

16 x pháo DP 127mm (5 inch)

31 x súng phòng không ba nòng 25 mm Kiểu 96

11 x súng phòng không nòng đơn 25 mm Kiểu 96

6 x 28 ống phóng rocket phòng không 120 mm

Vỏ giáp: mực nước 305 mm

sàn tàu 55+30 mm

tháp chỉ huy 356 mm

tháp súng 305 mm

Vũ khí điện tử: 1 x radar Kiểu 21

2 x radar Kiểu 22

Máy bay: 3 (ban đầu)

22 (sau khi tái cấu trúc)

Ise (tiếng Nhật: 伊勢 ), là chiếc dẫn đầu của lớp Ise gồm hai chiếc thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, từng tham gia hoạt động tại mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến II. Nó được đặt tên theo tỉnh Ise, một tỉnh lâu đời của Nhật Bản, ngày nay là một phần của tỉnh Mie.

Thiết kế và chế tạo

Ban đầu được lên kế hoạch như chiếc thứ ba trong lớp Fusō, các kinh nghiệm có được trong việc chế tạo những chiếc thuộc lớp Fusō đã chỉ ra một số vấn đề về thiết kế, bao gồm vũ khí trang bị yếu và bảo vệ kém, buộc phải thiết kế lại và xếp thành một lớp mới.

Ise được đặt lườn tại xưởng tàu của hãng Kawasaki Heavy Industries ở Kobe vào ngày 5 tháng 5 năm 1915, được hạ thủy ngày 12 tháng 11 năm 1916, và hoàn tất vào ngày 01 tháng 12 năm 1917. Nó được phân về Căn cứ Hải quân Kure.

Lịch sử hoạt động

Các hoạt động ban đầu

Được hoàn tất quá trễ không thể tham gia phục vụ trong Thế Chiến I, vào những năm đầu thập niên 1920, Ise tham gia nhiều chuyến đi tuần tra ngoài khơi bờ biển Siberia và các vùng biển phía Bắc hỗ trợ cho Cuộc can thiệp Siberia chống lại lực lượng Hồng quân Bolshevik.Vào ngày 4 tháng 12 năm 1922 tại cảng Yokohama, Ise đón tiếp trọng thể một phái đoàn từ Anh Quốc trong đó có Hoàng tử xứ Wales (sau này là Vua Edward VIII) và người anh em họ sau này sẽ là Lord Mountbatten. Từ giữa những năm 1920 cho đến cuối những năm 1930, Ise chủ yếu hoạt động tuần tra ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.Trong những năm 1928- 1929, Ise được cải tạo tại xưởng hải quân Kure, khi cột buồm phía trước của nó được nâng cao theo kiểu đặc trưng "tháp chùa" tương tự như của chiếc thiết giáp hạm Haruna. Ống khói phía trước được gắn thêm một nắp cong, và một bệ phóng dành cho thủy phi cơ Yokosuka E1Y2 Kiểu 14 được trang bị bên trên nóc tháp súng số 5. Sau đó, trong những năm 1930-1931, những đèn pha tìm kiếm bổ sung được trang bị thêm và một sàn tàu phía sau được thiết kế để chứa những thủy phi cơ.Tuy nhiên, một đợt nâng cấp hoàn chỉnh hơn được thực hiện từ ngày 20 tháng 11 năm 1931 đến ngày 10 tháng 2 năm 1932 tại xưởng hải quân Kure, bao gồm việc cắt ngắn phần bên trên của cột buồm chính, thay thế tất cả các khẩu pháo phòng không 76 mm 3 inch/40 bằng tám khẩu pháo phòng không Kiểu 89 127-mm/40 bố trí thành bốn tháp súng đôi; và bổ sung thêm bốn khẩu Vicker Kiểu 40 mm AT/AA trên hai tháp đôi. Hai khẩu pháo hạng hai 140 mm (5,5 inch) trên sàn tháp chỉ huy phía trước được tháo bỏ và một máy phóng cùng một cần cẩu máy bay được trang bị ở phần đuôi tàu. Vào ngày 14 tháng 5 năm 1933, một máy phóng thứ hai và ba thủy phi cơ Kiểu 90 được bổ sung.Từ ngày 1 tháng 8 năm 1935, Ise được đưa vào ụ tàu tại xưởng hải quân Kure để thực hiện một đợt tái cấu trúc và hiện đại hóa rộng rãi. 24 lò đốt hỗn hợp được tháo dỡ và thay thế bằng tám lò đốt dầu Kampon kiểu mới và các turbine hộp số Kampon cũng được trang bị. Tốc độ tối đa được nâng lên đến 47 km/h (25,4 knot) (đạt được tốc độ 25,21 knot khi chạy thử). Ống khói phía trước được tháo bỏ và đuôi tàu được kéo dài thêm 7,6 m (25 ft). Đai giáp chống tàu ngầm được bổ sung và sáu ống phóng ngư lôi của nó được tháo bỏ. Góc nâng của dàn pháo chính trên chiếc Ise (ngoại trừ tháp pháo số 6 tận cùng phía sau) được tăng lên đến 43 độ. Hai khẩu súng 140 mm (5,5 inch) được tháo bỏ. Góc nâng của các khẩu pháo hạng hai được gia tăng từ 20 độ lên 30 độ nên tầm bắn cũng được cải thiện từ 15,8 km lên 19,1 km. Bốn khẩu phòng không Vicker 40 mm được thay thế bằng mười khẩu phòng không Kiểu 96 25 mm nòng đôi. Máy phóng máy bay kiểu cũ được thay thế bằng máy phóng Kure Loại 2 và sàn tàu để chứa máy bay được kéo dài thêm. Việc tái cấu trúc được hoàn tất vào ngày 27 tháng 3 năm 1937.

Khởi sự chiến tranh tại Thái Bình Dương

Cho dù có những nỗ lực nâng cấp và hiện đại hóa, Ise vẫn bị xem là lạc hậu vào lúc bắt đầu chiến sự tại Thái Bình Dương do tốc độ tương đối chậm, thành phần thủy thủ đoàn đông, và tiêu hao nhiều nhiên liệu, nên chưa bao giờ tham chiến như một thiết giáp hạm thực sự. Ise từng tham gia vào trận tấn công Trân Châu Cảng, và khởi hành từ Hashirajima đi đến tận quần đảo Bonin nhằm săn đuổi, nhưng đã không thể bắt kịp, lực lượng tàu sân bay Mỹ đã tung ra cuộc không kích Doolittle ngày 18 tháng 4 năm 1942.Đến tháng 5 năm 1942, Ise gặp một tai nạn khiến phòng máy số 2 bị ngập nước. Trong khi sửa chữa, Ise được trang bị thêm một trong những radar thử nghiệm đầu tiên của Hải quân Nhật là Kiểu 21.

Tái cấu trúc thành tàu sân bay lai

Để bù đắp phần nào những thiệt hại đối với lực lượng tàu sân bay trong trận Midway, Hải quân Đế quốc Nhật Bản vạch ra kế hoạch chuyển đổi những chiếc thiết giáp hạm thuộc lớp Ise thành những tàu sân bay hạm đội có thể mang được 54 máy bay mỗi chiếc. Kế hoạch này bị hủy bỏ đơn giản là do không có đủ thời gian và nguồn lực cần thiết; và một ý niệm về một chiếc thiết giáp hạm lai tàu sân bay được chấp nhận. Ise trở vào ụ tàu, và các tháp súng số 5 và số 6 ở phía sau được tháo dỡ thay thế bằng một sàn chứa máy bay và bên trên có một sàn đáp dài 70 m và một thang nâng hình chữ "T". Sàn đáp này đủ dài để có thể phóng máy bay, nhưng không đủ cho chúng hạ cánh. Thiết kế dự định một kho chứa máy bay có thể chứa 9 chiếc bên trong, và 11 chiếc khác bên trên sàn đáp và hai chiếc trên mỗi máy phóng; tuy nhiên sau đó người ta nhận ra rằng chỉ cần một động cơ máy bay trục trặc là có thể phá hỏng mọi chuyện. Để ngăn ngừa tắc nghẽn, sàn đáp được trang bị hai đường ray, 12 bệ xoay, các xe đẩy và các bộ gá cố định. Hai máy phóng Kiểu 11 dài 25 m được gắn trên các trụ chống cao bên mạn phải và mạn trái phía trước sàn đáp. Một cần cẩu thu lại được cũng được trang bị bên mạn trái phía sau. Sàn đáp mới được phủ một lớp bê tông dày 200 mm để bù trừ cho tình trạng mất thăng bằng phát sinh do tháo dỡ các vũ khí trang bị ở phía đuôi. Một lớp bê tông dày 1 m cũng được đổ chung quanh bánh lái chính và bánh lái phụ, và một lớp vỏ giáp ngang dày 150 mm cũng được bổ sung.Vũ khí phòng không của nó cũng được cải tiến để chống đỡ lại các cuộc không kích. Tám khẩu pháo DP nòng đơn 127 mm được thay thế bằng tán khẩu nòng đôi. Số khẩu pháo phòng không Kiểu 96 25 mm từ 20 khẩu được tăng lên 57 (19 tháp súng ba nòng). Một bộ radar dò tìm trên không Kiểu 21 và hai bộ radar dò tìm mặt nước Kiểu 22 cũng được trang bị. Sau khi được cải tạo, Ise có thể mang theo 22 máy bay. Các phương án tác chiến hình dung Ise sẽ đi theo cùng Lực lượng Đặc nhiệm tàu sân bay (Kido Butai) và sẽ tung ra 11 máy bay ném bom bổ nhào Yokosuka D4Y2 Suisei ("Judy") và 11 thủy phi cơ Aichi E16A Zuiun ("Paul") có khả năng tấn công bổ nhào để bổ sung cho lực lượng tấn công gồm 44 máy bay ném bom của Lực lượng đặc nhiệm. Những chiếc Suisei sẽ phải hạ cánh trên những chiếc tàu sân bay thông thường hoặc các căn cứ trên đất liền, trong khi các thủy phi cơ E16A có thể trở lại tàu sau khi hạ cánh xuống mặt nước gần con tàu rồi được cần cẩu vớt lên. Số máy bay phối thuộc cho Ise cuối cùng bao gồm 14 chiếc E16A và 8 chiếc D4Y2.Công việc cải tạo chính thức hoàn tất vào ngày 8 tháng 10 năm 1943; tuy nhiên do công việc huấn luyện phi công mới chỉ có thể hoàn tất vào mùa Thu năm 1944, Ise chưa bao giờ được sử dụng như một tàu sân bay trong bất kỳ một chiến dịch nào. Máy bay của nó thường đặt căn cứ trên đất liền, và Ise tiếp tục được sử dụng thuần túy như một thiết giáp hạm trong lực lượng hộ tống.Ise thực hiện một chuyến đi đến Truk trong tháng 10 năm 1943, vận chuyển một đơn vị của Sư đoàn 52 Lục quân Nhật Bản cùng các tiếp liệu đến đó.Trong một đợt cải tạo tại Kure vào tháng 5 năm 1944, nó được bổ sung thêm 47 súng phòng không Kiểu 96 25 mm (12 tháp ba nòng và 11 nòng đơn), nâng tổng cộng lên đến 104 khẩu; và nó cũng được trang bị hai bộ thu phát IFF Kiểu 2 để phân biệt bạn hay thù. Đến tháng 7, hai bộ radar dò tìm trên không Kiểu 13 và một bộ phát hiện radar E27 được trang bị. Từ cuối tháng 9 năm 1944, sáu dàn phóng rocket phòng không 127 mm 30 nòng được bổ sung thêm. Loại rocket này được trang bị đầu đạn gồm mảnh đạn cháy và một kíp nổ định thời gian.

Trận chiến vịnh Leyte và sau đó

Ise bị thiệt hại nhẹ trong trận chiến mũi Engaño, trong đó các xạ thủ trên chiếc Ise bắn rơi năm trong số mười máy bay ném bom bổ nhào tấn công nhắm vào nó, và chỉ bị hư hại nhẹ trên tháp pháo số 2. Việc yểm trợ phòng không của Ise tỏ ra không hiệu quả, và trong quá trình trận đánh, máy bay của Hải quân Mỹ đã đánh chìm các tàu sân bay Zuikaku, Zuihō và Chitose cùng tàu khu trục Akizuki. Về cuối trận đánh, trong đợt tấn công thứ tư, Ise bị 85 máy bay ném bom bổ nhào tấn công. Với 34 quả bom ném suýt trúng đích, thành tàu của Ise gần mực nước bị vỡ khiến các buồng đốt bên mạn trái bị hư hại; một quả bom làm hỏng máy phóng bên trái, và có khoảng năm thủy thủ thiệt mạng cùng 71 người bị thương.Sau khi quay về Nhật Bản, từ ngày 29 tháng 10, các máy phóng ở phía sau được tháo dỡ để cải thiện góc bắn cho các tháp súng số 3 và số 4.Ise được gửi về phía Nam đến Lingga và Singapore vào đầu năm 1945 để tham gia Chiến dịch Kita. Khi gần đến Singapore, Ise bị hư hại nhẹ bởi một thủy lôi. Trong chiến dịch Kita, Ise, chiếc Hyuga chị em với nó, và chiếc tàu tuần dương Oyodo được chất đầy những nguyên liệu chiến lược đang rất cần thiết trong chiến tranh (dầu mỏ, cao su, thiếc, kẽm và thủy ngân) cùng di tản hơn 1.150 nhân viên từ các giếng dầu quay trở về Nhật Bản. Ise quay trở về đến Moji an toàn vào ngày 19 tháng 2 năm 1945, sau khi lẫn tránh được sự săn đuổi của 23 tàu ngầm Đồng Minh trên đường đi.

Vai trò cuối cùng

Từ ngày 25 tháng 2 năm 1945 cho đến khi Nhật Bản đầu hàng, Ise ở lại căn cứ Kure, không nhiên liệu và không máy bay, và được sơn ngụy trang một màu xanh ô-liu loang lổ. Việc ngụy trang này tỏ ra không có tác dụng đối với máy bay của Lực lượng Đặc nhiệm TF 58; khi vào ngày 19 tháng 3 năm 1945, hơn 240 máy bay đã tấn công vào Kure, và Ise bị đánh trúng hai quả bom. Được xếp hạng lại thành một tàu dự bị cấp 4 vào ngày 20 tháng 4, Ise được kéo về Ondo Seto (giữa Kure và Kurahashijima) để phục vụ như một pháo đài phòng không nổi. Nó lại bị tấn công một lần nữa vào ngày 24 tháng 7 bởi 60 máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Ranger, những quả bom đã đánh trúng mũi tàu bên mạn phải, sàn tàu chính, tháp súng số 3 và cầu tàu, giết chết Thuyền trưởng Mutaguchi, các sĩ quan chỉ huy khác và khoảng 50 thủy thủ. Vào ngày 28 tháng 7, một cuộc tấn công khác lại được tung ra nhắm vào Ise, và nó bị đánh trúng năm quả bom 450 kg (1000 lb) ném ra từ những máy bay F4U Corsair của tàu sân bay USS Hancock, và mười một quả bom từ những máy bay khác của Lực lượng Đặc nhiệm TF-58. Ise bị nghiêng qua mạn phải và bị chìm trong vùng nước nông tại tọa độ 34°15′N 132°31′E. Nó được gạch tên khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 20 tháng 11 năm 1945.Phần thân tàu dưới nước của Ise được để yên một thời gian cho đến khi nó được tháo dỡ mà không được trục vớt bởi xưởng hải quân Kure và xưởng tàu Harima Zosen từ ngày 09 tháng 10 năm 1946 đến ngày 4 tháng 7 năm 1947.

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Nagato

Xưởng đóng tàu: Xưởng đóng tàu Yokosuka

Đặt lườn: 1 tháng 6 năm 1918

Hạ thủy: 31 tháng 5 năm 1920

Hoạt động: 24 tháng 10 năm 1921

Bị mất: Bị đắm sau một vụ nổ, ngày 8 tháng 6 năm 1943

Xóa đăng bạ:

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 42.850 tấn

Chiều dài: 221,03 m (725 ft 2 in)

215,79m (708 ft) lúc hạ thủy

Mạn thuyền: 34,59 m (113 ft 6 in)

29m (95 ft) lúc hạ thủy

Tầm nước: 9,50 m (31 ft 2 in)

Lực đẩy: Turbine hơi nước, 4 trục

80.000 mã lực (60 MW)

Tốc độ: 50 km/h (27 knot)

Tầm xa: 10.200 km ở tốc độ 30 km/h

(5.500 hải lý ở tốc độ 16 knot)

Quân số: 1.368

Vũ khí: pháo 406 mm (16 inch)8

pháo 140 mm (5,512 (sau đó tăng lên 18) inch)

8 pháo phòng không

Cho đến 98 súng phòng không 25 mm

Vỏ giáp:

Máy bay: 3

Mutsu (tiếng Nhật: 陸奥), được đặt tên theo tỉnh Mutsu, là chiếc thiết giáp hạm thứ hai thuộc lớp Nagato của Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Được đưa vào hoạt động năm 1921, nó bị chìm sau một vụ nổ vào ngày 8 tháng 6 năm 1943.

Thiết kế và chế tạo

Mutsu được đặt lườn tại Xưởng hải quân Yokosuka vào ngày 1 tháng 6 năm 1918, được hạ thủy vào ngày 31 tháng 5 năm 1920, và hoàn tất vào ngày 24 tháng 10 năm 1921.

Lịch sử hoạt động

Mutsu đã cùng các thiết giáp hạm Yamato và Nagato, tàu sân bay Hosho, tàu tuần dương Sendai, chín tàu khu trục và bốn tàu phụ trợ hình thành nên lực lượng đổ bộ của Đô đốc Yamamoto Isoroku trong trận Midway vào tháng 6 năm 1942.Mutsu chịu đựng một vụ nổ bi thảm tại hầm đạn số 3 ở khoảng cách 3 km phía Bắc đảo Oshima vào ngày 8 tháng 6 năm 1943. Cho dù nguyên nhân trực tiếp của vụ nổ này không bao giờ có thể chứng minh được, chính phủ Nhật Bản cho rằng đó là do "sự can thiệp của con người". Vụ nổ mạnh đến mức ngay lập tức làm vỡ đôi ngay phần đuôi tàu phía trước tháp súng số 3, gây ngập nặng các buồng đốt và phòng máy chính. Phần phía trước dài 163 m (535 ft) bị lật úp sang mạn phải và chìm gần như ngay lập tức với thiệt hại nhân mạng lên đến 1.100 sĩ quan và thủy thủ, kể cả 140 giáo viên và học viên của một nhóm huấn luyện hàng không đang ở trên tàu trong một đợt tham quan thực tập. Phần đuôi bị chổng lên và tiếp tục trôi trong gần 12 giờ trước khi bị chìm cách vị trí đắm trước hàng trăm mét về phía Nam. Chỉ có 350 người sống sót được cứu vớt.Hạm đội Nhật nhanh chóng được huy động để rà soát vùng vịnh nhỏ bé này nhằm phát hiện tàu nổi hay tàu ngầm đối phương, nhưng đều không tìm thấy. Sau khi thực hiện chiến dịch giải cứu, và mọi nỗ lực trục vớt chiếc Mutsu đều tỏ ra vô vọng, số nhiên liệu dầu đốt quý báu được bơm ra khỏi con tàu, và các quả đạn cũng được vớt. Mutsu nghỉ yên dưới lòng biển trong hơn 25 năm.Giữa những năm 1970 và 1978, xác tàu đắm này là mục tiêu của nhiều cuộc khảo sát và trục vớt. Một phần lớn của thân tàu được vớt lên, cùng với mỏ neo, chân vịt, bánh lái, các kkhẩu pháo chính, trọn phần đuôi tàu và trọn tháp súng số 4. Nhiều hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Lưu niệm Mutsu ở Tôwa Chô. Tháp súng số 4 nguyên vẹn được trưng bày tại Học viện Hải quân trước đây ở Etajima, trong khi một khẩu pháo hạng hai 140 mm được trưng bày tại Bảo tàng Yasukuni ở Tokyo. Một khẩu pháo 406 mm (16 inch) được trưng bày tại Bảo tàng Khoa học hàng hải, Shinagawa, Tokyo.Hiện tại, phần còn lại của thân chiếc Mutsu nằm lật úp với mạn phải hướng lên trên một góc 45o ở độ sâu 41 m (134 ft) dưới mặt nước, và điểm nông nhất là ở độ sâu 16,7 m (55 ft).

Đặt hàng: 1911

Lớp tàu: Lớp tàu chiến-tuần dương Kongō

Xưởng đóng tàu: Xưởng đóng tàu Yokosuka

Đặt lườn: 4 tháng 11 năm 1911

Hạ thủy: 21 tháng 11 năm 1912

Hoạt động: 4 tháng 8 năm 1914

Bị mất: Bị đánh đắm tại đảo Savo vào ngày 13 tháng 11 năm 1942

Xóa đăng bạ:

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 36.600 tấn

Chiều dài: 222 m (728 ft 4 in)

Mạn thuyền: 31 m (101 ft 8 in)

Tầm nước: 9,7 m (31 ft 10 in)

Lực đẩy: Turbine hơi nước, 4 trục

Tốc độ: 55,5 km/h (30 knot)

Tầm xa: 18.520 km ở tốc độ 26 km/h

(10.000 hải lý ở tốc độ 14 knot)

Quân số: 1.360

Vũ khí: 8 × pháo 356 mm (14 inch) (4×2)

16 × pháo 155 mm (6,1 inch) (8×2)

8 × pháo DP 127 mm (5 inch) (8×1)

cho đến 118 × súng phòng không 25 mm

Hiei (tiếng Nhật: 比叡) là một thiết giáp hạm thuộc lớp Kongō của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, được đặt tên theo đỉnh núi Hiei ở phía Đông Bắc Kyoto. Trước năm 1940, nó được xếp loại như là một tàu chiến-tuần dương; và sau khi được hiện đại hóa thành một thiết giáp hạm và tham gia Thế Chiến II, nó bị đánh chìm trong trận Guadalcanal năm 1942.

Thiết kế và chế tạo

Hiei được đặt lườn bởi hãng Yokosuka Kaigun Kosho vào ngày 4 tháng 11 năm 1911, được hạ thủy vào ngày 21 tháng 11 năm 1912 và hoàn tất vào ngày 4 tháng 8 năm 1914. Cho đến tận năm 1931 nó được xếp loại như một tàu chiến-tuần dương.Sau khi Thế Chiến I kết thúc, các nồi hơi của nó được nâng cấp để có tốc độ nhanh hơn và được bổ sung thêm đai giáp để phòng vệ chống ngư lôi tốt hơn. Kongō và Hiei tương đối nhanh so với một chiếc thiết giáp hạm, vì chúng có thể theo kịp các đội đặc nhiệm tàu sân bay, mà cả hai chiếc thường đi kèm theo. Tuy nhiên, thiết kế tương đối cũ làm cho chúng không hiệu quả để chống lại máy bay, và cả hai đều không được trang bị radar tầm soát trên không.

Lịch sử hoạt động

Từ năm 1932 đến năm 1940, Hiei trở thành một tàu huấn luyện theo những điều khoản của Hiệp ước Hải quân London. Nó được tháo dỡ một phần vũ khí và vỏ giáp (tháp súng phía sau và vỏ giáp bên hông). Tốc độ của nó cũng bị giảm đi.Sau khi được hiện đại hóa vào năm 1940, vũ khí và vỏ giáp được tái trang bị; và Hiei cũng được hiện đại hóa giống như những chiếc còn lại trong lớp Kongō, và lại trở thành một thiết giáp hạm. Hiei có nét độc đáo hơn những chiếc tàu chị em với nó, vì trong những năm trước chiến tranh, nó là chiếc tàu được Nhật hoàng Hirohito (Showa) chọn lựa để đi duyệt Hạm đội Liên Hợp trong các buổi duyệt binh. Nó còn được trang bị một thượng tầng kiến trúc và cột buồm hiện đại hơn, được lựa chọn để thử nghiệm thiết kế cột buồm mới dạng "tháp" mà sau này sẽ trở thành đặc trưng của lớp Yamato mới.[1]Hiei đã đi cùng với Lực lượng Đặc nhiệm tàu sân bay trong cuộc tấn công vào hạm đội Mỹ tại Thái Bình Dương tại Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941; đã giúp đánh chìm chiếc tàu khu trục Edsall vào ngày 1 tháng 3 năm 1942; cùng với Lực lượng Đặc nhiệm tàu sân bay tham gia trận Không kích Ấn Độ Dương chống Hạm đội Viễn Đông Anh Quốc trong tháng 4 năm 1942; hộ tống cho lực lượng đổ bộ trong trận Midway vào tháng 6 năm 1942, tham dự trận Đông Solomons vào tháng 8 năm 1942 và trận chiến quần đảo Santa Cruz vào tháng 10 năm 1942.Trong trận hải chiến Guadalcanal vào ngày 13 tháng 11 năm 1942, Hiei đặt dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Nishida Masao và mang cờ hiệu của Phó đô đốc Abe Hiroaki, được giao nhiệm vụ cùng chiếc thiết giáp hạm Kirishima nhiệm vụ đánh phá sân bay Henderson nhằm vô hiệu hóa nó. Bị đánh chặn bởi một lực lượng đặc nhiệm tàu tuần dương Hoa Kỳ, nó trúng phải 30 phát đạn pháo 203 mm (8 inch) từ các tàu tuần dương San Francisco và Portland, cùng nhiều phát đạn 127 mm (5 inch) từ các tàu tuần dương phòng không và tàu khu trục. Hệ thống kiểm soát hỏa lực cho dàn pháo chính và pháo hạng hai của nó bị đánh hỏng, cấu trúc thượng tầng bị bốc cháy và 188 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. Quan trọng hơn cả là hệ thống lái của nó cũng bị hư hại khiến nó không thể rút lui trong đêm đó.Từ tảng sáng, nó bị tấn công liên tục bởi máy bay ném ngư lôi Grumman Avenger TBF của Thủy quân Lục chiến cất cánh từ sân bay Henderson Field; những chiếc Avenger và máy bay ném bom bổ nhào Douglas Dauntless SBD từ tàu sân bay Enterprise, và máy bay ném bom B-17 Flying Fortress của Liên đội Ném bom hạng nặng 11 của Lục quân cất cánh từ Espiritu Santo. Hiei chịu đựng tổng cộng 70 đợt tấn công khi nó tìm các rút lui, và nó tiếp tục chịu thiệt hại bởi bom và ngư lôi đến mức phải ra lệnh bỏ tàu. Cuối cùng vẫn không rõ là nó đã chìm do các đợt không kích sau cùng hay do thủy thủ đoàn tự đánh đắm, vì không có tàu chiến Nhật hay Mỹ nào chứng kiến những giây phút sau cùng của nó.[2]

Đặt hàng: 1912

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Ise

Xưởng đóng tàu: Mitsubishi

Đặt lườn: 16 tháng 5 năm 1915

Hạ thủy: 27 tháng 1 năm 1917

Hoạt động: 30 tháng 4 năm 1918

Bị mất: Mắc cạn tại vùng nước nông ngày 27 tháng 7 năm 1945

Được vớt lên và tháo dỡ 2 tháng 7 năm 1946-4 tháng 7 năm 1947

Xóa đăng bạ: 20 tháng 11 năm 1945

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 38.872 tấn

Chiều dài: 219,62 m (720 ft 6 in)

Mạn thuyền: 33,8 m (110 ft 11 in)

Tầm nước: 9,14 m (30 ft)

Lực đẩy: 80.640 mã lực

Tốc độ: 46,3 km/h (25 knot)

Quân số: 1.463

Vũ khí: Ban đầu :

12 × pháo 356 mm (14 inch)/45 cal.

16 × pháo 140 mm (5,5 inch)/50 cal.

8 × pháo DP 127 mm (5 inch)/50 cal.

20 × súng phòng không 25 mm

Máy bay: 22 (sau khi tái cấu trúc)

Hyūga (tiếng Nhật: 日向), được đặt tên theo tỉnh Hyūga trên đảo Kyūshū, là một thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản thuộc lớp Ise.

Thiết kế và chế tạo

Hyūga được đặt lườn bởi Mitsubishi vào ngày 6 tháng 5 năm 1915, được hạ thủy vào ngày 27 tháng 1 năm 1917 và hoàn tất vào ngày 30 tháng 4 năm 1918. Thoạt đầu nó được thiết kế như chiếc thứ tư trong lớp Fusō, nhưng được thiết kế lại đáng kể nhằm khắc phục các thiếu sót.

Lịch sử hoạt động

Hyūga được nâng cấp đáng kể và cấu trúc lại từ năm 1926 đến năm 1928 và từ năm 1934 đến năm 1936. Sau hậu quả thảm hại của trận Midway, Hải quân Nhật xem xét kế hoạch chuyển đổi tất cả các thiết giáp hạm, ngoại trừ hai chiếc lớn nhất là Yamato và Musashi, thành những tàu sân bay. Cuối cùng, do không đủ thời gian và nguồn lực, Hải quân quyết định chỉ cải tạo những chiếc thiết giáp hạm cũ nhất và ít hữu dụng nhất thành tàu sân bay lai. Hyūga được chế tạo lại tại Xưởng hải quân Sasebo từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 1 tháng 10 năm 1943. Hyūga và chiếc tàu chị em Ise được tháo dỡ hai tháp pháo 356 mm (14 inch) phía sau (nặng 864 tấn mỗi cái) và các tháp súng (nặng 800 tấn mỗi cái). Chúng được thay thế bằng một sàn đáp nhỏ và sàn chứa để có thể phóng một phi đội máy bay. Để bù trừ cho trọng lượng bị mất và cũng để duy trì chiều cao của trọng tâm con tàu, sàn đáp được phủ một lớp bê tông dày 200 mm (8 inch). Nó cũng được trang bị một thang nâng máy bay.Vũ khí phòng không cũng được bổ sung để tăng cường khả năng chống đỡ các cuộc không kích. Lực lượng máy bay phối thuộc bao gồm 14 chiếc máy bay ném bom bổ nhào Yokosuka D4Y và 8 chiếc thủy phi cơ Aichi E16A đều được phóng lên bằng máy phóng, nhưng chỉ có thể hạ cánh trên các tàu sân bay thông thường hoặc các căn cứ trên đất liền. Chúng sẽ được đưa trở lên tàu bằng cần trục. Vì việc sản xuất máy bay đã sụt giảm đáng kể vào lúc đó, Hyūga chưa bao giờ chở đủ số lượng máy bay như được trù định.Hyūga tham gia trận đánh mũi Engaño vào tháng 10 năm 1944 dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Kusagawa Kiyoshi. Sau khi sống sót và quay về chính quốc, nó bị máy bay Mỹ từ các tàu sân bay Essex, Ticonderoga, Randolph, Hancock, Bennington, Monterey và Bataan tấn công tại Nasake-jima, phía Nam Kure, từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 7 năm 1945 và thủy thủ đoàn của nó đã cho con tàu mắc cạn tại vùng nước nông.[1]Nó được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 20 tháng 11 năm 1945. Từ ngày 2 tháng 7 năm 1946 đến ngày 4 tháng 7 năm 1947, nó được trục vớt và tháo dỡ bởi ụ tàu Kure của xưởng Harima Zosen.

Đặt hàng: 1911

Lớp tàu: Lớp tàu chiến-tuần dương Kongō

Xưởng đóng tàu: Mitsubishi

Đặt lườn: 17 tháng 3 năm 1912

Hạ thủy: 1 tháng 12 năm 1913

Hoạt động: 19 tháng 4 năm 1915

Bị mất: Bị đánh đắm sau trận Hải chiến Guadalcanal vào ngày 15 tháng 11 năm 1942

Xóa đăng bạ:

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 36.600 tấn

Chiều dài: 222 m (728 ft 4 in)

Mạn thuyền: 31 m (101 ft 8 in)

Tầm nước: 9,7 m (31 ft 10 in)

Lực đẩy: Turbine hơi nước,

4 trục

Tốc độ: 55,5 km/h (30 knot)

Tầm xa: 18.500 km ở tốc độ 26 km/h

(10.000 hải lý ở tốc độ 14 knot)

Quân số: 1.360

Vũ khí: 8 × pháo 356 mm (14 inch) (4×2)

16 × pháo 155 mm (6 inch) (8×2)

8 × pháo DP 127 mm (5 inch) (8×1)

cho đến 118 × súng phòng không 25 mm

Vỏ giáp:

Máy bay:

Kirishima (tiếng Nhật: 霧島) là một thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản thuộc lớp Kongō từng hoạt động trong Thế Chiến II và bị đánh chìm trong trận Hải chiến Guadalcanal. Tên của nó được đặt theo tên một ngọn núi ở ranh giới giữa tỉnh Miyazaki và Kagoshima ở Kyūshū

Thiết kế và chế tạo

Thoạt đầu được thiết kế như một tàu chiến-tuần dương, Kirishima được đặt lườn bởi Mitsubishi tại Nagasaki vào ngày 17 tháng 3 năm 1912, được hạ thủy vào ngày 1 tháng 12 năm 1913, và được đưa vào hoạt động ngày 19 tháng 4 năm 1915. Từ năm 1933 đến năm 1934, nó được tái cấu trúc tại Xưởng hải quân Kure thành một "thiết giáp hạm nhanh", với lượng rẽ nước nặng hơn 4.000 tấn so với thiết kế ban đầu.

Lịch sử hoạt động

Vị thuyền trưởng chỉ huy đầu tiên trong giai đoạn Thế Chiến II là Yamaguchi Jihei, nguyên là chỉ huy trưởng tàu tuần dương hạng nặng Takao, sau đó được thăng lên Chuẩn Đô đốc, và sau này được thăng lên Phó Đô đốc. Nó được bố trí đến Đội Thiết giáp hạm 3 dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Gunichi Mikawa cùng với những con tàu chị em Hiei, Kongō và Haruna.Vào ngày 26 tháng 11 năm 1941 Kirishima đi cùng với Lực lượng Đặc nhiệm Tàu sân bay ("Kido Butai") tham gia vào cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Cùng với hầu hết các tàu trong Lực lượng Đặc nhiệm, nó quay về căn cứ hải quân tại Kure vào ngày 24 tháng 12. Từ đây, hạm đội khởi hành đi đến căn cứ hải quân tại Truk, rồi tiếp tục đến khu vực Nam Thái Bình Dương để hỗ trợ cho việc tấn công chiếm đóng Rabaul và Kavieng.Kirishima đã cùng với Hiei hộ tống Lực lượng Tấn công Tàu sân bay thực hiện cuộc không kích vào Darwin, Australia vào ngày 19 tháng 12 năm 1942. Nó cũng tham gia trận chiến biển Java vào ngày 1 tháng 3, tấn công các tàu bè Khối Đồng Minh thời Đệ Nhị Thế Chiến trong Trận không kích Ấn Đô Dương từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 4, và trong bi kịch của trận Midway từ ngày 4 đến ngày 4 tháng 6 năm 1942.Trong Đội Thiết giáp hạm 11, Kirishima và Hiei tham gia Trận chiến Đông Solomon vào ngày 24 tháng 8 và trận chiến Santa Cruz vào ngày 26 tháng 10.Vào ngày 15 tháng 11 năm 1942, Kirishima đối đầu cùng các tàu chiến Mỹ trong trận Hải chiến Guadalcanal. Trong khi đang gây được một số thiệt hại cho chiếc thiết giáp hạm USS South Dakota, nó đã không nhận biết chiếc Washington đang ở khoảng cách 7,3 km (8000 yard). Chiếc Washington nhanh chóng nả 75 quả đạn pháo 406 mm (16 inch) nhắm vào Kirishima, trong đó 9 quả trúng đích, cùng nhiều quả đạn 127 mm (5 inch). Cấu trúc thượng tầng của Kirishima ngập tràn trong lửa và chiếc tàu chiến bắt đầu xoay vòng tại chỗ và mất kiểm soát. Chỉ huy tàu buộc phải cho đánh đắm, thủy thủ đoàn được cho chuyển sang một chiếc tàu khu trục, và cho mở van Kingston để đánh đắm tàu. Kirishima bị chìm ở phía Đông Bắc đảo Savo.[1]Năm 1992, nhà hải dương học Robert D. Ballard tìm thấy xác chiếc Kirishima ở độ sâu 1.220 m (4.000 feet), nằm lật úp với mũi tàu và phần chóp đuôi tàu bị cắt rời ra.

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Fusō

Xưởng đóng tàu: Xưởng đóng tàu Kure

Đặt lườn: 11 tháng 3 năm 1912

Hạ thủy: 28 tháng 3 năm 1914

Hoạt động: 18 tháng 11 năm 1915

Bị mất: Bị đánh chìm tại eo biển Surigao ngày 25 tháng 10 năm 1944

Xóa đăng bạ: 31 tháng 8 năm 1945

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 39.154 tấn

Chiều dài: 213 m (698 ft)

Mạn thuyền: 30,61 m (100 ft 5 in)

Tầm nước: 9,68 m (31 ft 9 in)

Lực đẩy: 24 nồi hơi, 4 trục, turbine Brown-Curtis

40.000 mã lực

Tốc độ: 46 km/h (25 knot)

Tầm xa: 14.800 km ở tốc độ 26 km/h

(8.000 hải lý ở tốc độ 14 knot)

Quân số: 1.400

Vũ khí: 12 × pháo 356 mm (14 inch)

16 × pháo 152 mm (6 inch),

8 × pháo DP 127 mm (5 inch),

cho đến 95 × pháo phòng không 25 mm

cho đến 10 × súng phòng không 13 mm

Fusō (tiếng Nhật: 扶桑, một tên cũ của Nhật Bản), là một thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, là chiếc dẫn đầu của lớp thiết giáp hạm mang tên nó. Nó bị đánh chìm trong trận chiến eo biển Surigao ngày 25 tháng 10 năm 1944.

Mục lục

Thiết kế và chế tạo

Fusō được đặt lườn bởi xưởng Kaigun Koshō tại Kure vào ngày 11 tháng 3 năm 1912, được hạ thủy vào ngày 28 tháng 3 năm 1914 và được hoàn tất vào ngày 18 tháng 11 năm 1915. Các tháp pháo chính 14 inch (356 mm) của nó được bố trí theo kiểu không chính thống 2-1-1-2 (cùng với chiếc thiết giáp hạm chị em với nó Yamashiro có tháp pháo thứ ba quay ngược lại so với chiếc Fusō) và một ống khói tách việc bố trí tháp pháo giữa. Cách bố trí như vậy không hoàn toàn thành công khi phần cần bọc vỏ giáp phải kéo dài một cách không cần thiết và các khẩu pháo giữa gặp khó khăn trong việc ngắm mục tiêu. Tuy nhiên, dáng thân tàu tương đối tốt của nó cho phép Fusō đạt được tốc độ 23 knots (43 km/h) khi hoàn tất.

Lịch sử hoạt động

Thế chiến I và những năm giữa hai cuộc chiến

Fusō không tham gia vào các hoạt động chính yếu trong Thế Chiến I, do phần lớn lực lượng Hải quân Nhật chỉ tham gia hộ tống cùng các hoạt động khác không đòi hỏi sử dụng các tàu chiến tuyến. Giữa hai cuộc thế chiến, như những thiết giáp hạm Nhật Bản khác đang hoạt động, Fusō và Yamashiro được cải biến đáng kể. Thân chiếc Fusō được kéo dài thêm 7,6 m (25 ft), các ống khói đôi được nhập lại, 24 lò đốt hỗn hợp than được thay thế bởi sáu lò đốt dầu Kampon, và tháp chỉ huy của con tàu được bổ sung thêm một cách đáng kể để tạo ra dáng "tháp chùa" vốn đặc trưng cho các tàu chiến Nhật Bản vào thời đó. Vỏ giáp bảo vệ được tăng cường một cách đáng kể cả về số lượng lẫn cải tiến về chất lượng, đặc biệt là bên trên hầm máy và bên dưới mớn nước, một biện pháp dựa vào kinh nghiệm chống ngư lôi của các tàu chiến chủ lực Anh Quốc (ví dụ như, chiếc HMS Marlborough hầu như bị đánh chìm chỉ với một quả ngư lôi Đức duy nhất ngay sau trận Jutland). Các cải tiến bao gồm đai giáp dày hơn tại phòng máy ở giữa tàu, được thực hiện bằng cách mở rộng các khu vực đó sau khi các lò đốt nguyên thủy được thay thế, và việc bồ̉ sung thêm một đai giáp chống ngư lôi. Những chiếc thuộc lớp Fusō có thể đạt được tốc độ 25,4 knot vào lúc các cải tiến trên được hoàn tất, một bằng chứng hiển nhiên cho hiệu quả của các buồng đốt được cải tiến triệt để trong những năm 1930.Cho dù có những cải tiến như vậy, Hải quân Nhật vẫn xem những thiết giáp hạm thuộc lớp Fusō được bảo vệ không đủ và quá chậm để có thể sử dụng hữu ích, nên Fusō và Yamashiro đều được giữ lại ở vùng biển nội địa Nhật Bản như một lực lượng dự bị chiến lược (mà rốt cuộc tỏ ra hoàn toàn không cần thiết) vào lúc diễn ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng và ít lâu sau đó, chủ yếu được sử dụng cho các nhiệm vụ huấn luyện.

Thế Chiến II

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau Fusō được huy động vào các nhiệm vụ tác chiến. Nó đã tham gia săn đuổi nhưng không bắt kịp lực lượng tàu sân bay Mỹ đã tung ra cuộc không kích Doolittle vào ngày 18 tháng 4 năm 1942; đã hộ tống cho lực lượng tấn công quần đảo Aleut cùng lúc với trận Midway vào tháng 5 năm 1942; đã vớt được 353 người còn sống sót sau vụ nổ chiếc thiết giáp hạm Mutsu tại Hashirajima vào ngày 8 tháng 6 năm 1943; và tham gia vào việc tăng cường cho Truk vào tháng 8 năm 1943 và Biak vào tháng 6 năm 1944.Vào tháng 10 năm 1944, dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Ban Masami, Fusō được phối thuộc vào Lực lượng phía Nam của Đô đốc Shoji Nishimura trong trận Hải chiến vịnh Leyte. Trong trận chiến eo biển Surigao ngày 25 tháng 10 năm 1944, lúc 03 giờ 09 phút nó bị bắn trúng một hoặc hai ngư lôi phóng ra từ chiếc tàu khu trục Mỹ Melvin và bị bốc cháy. Nó rút lui khỏi trận chiến, nhưng đến 03 giờ 45 phút, hầm đạn của tháp pháo C hoặc Q (hay có thể là cả hai) phát nổ và nó bị cắt làm đôi. Phần mũi tàu bị đánh chìm bởi hỏa pháo của tàu tuần dương Louisville trong khi phần đuôi của nó bị chìm ngoài khơi đảo Kanihaan. Những người còn sống sót trên mặt nước đã từ chối không để được vớt lên, nên chỉ có rất ít hoặc không có ai trong số 1.400 thành viên thủy thủ đoàn sống sót. Có thể nó là chiếc tàu chiến lớn nhất bất kể quốc gia nào từng bị đánh chìm với toàn bộ thủy thủ đoàn trong suốt Thế Chiến II. Nó được xóa khỏi Danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 31 tháng 8 năm 1945.

Đặt hàng: 1911

Lớp tàu: Lớp tàu chiến-tuần dương Kongō

Đặt lườn: 17 tháng 1 năm 1911

Hạ thủy: 18 tháng 5 năm 1912

Hoạt động: 16 tháng 8 năm 1913

Bị mất: Bị đánh chìm ngày 21 tháng 11 năm 1944 tại eo biển Đài Loan

Xóa đăng bạ: 20 tháng 1 năm 1945

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 36.600 tấn

Chiều dài: 222 m (728 ft 4 in)

Mạn thuyền: 31 m (101 ft 9 in)

Tầm nước: 9,7 m (31 ft 10 in)

Lực đẩy: Turbine hơi nước, 4 trục

Tốc độ: 55 km/h (30 knot)

Tầm xa: 18.520 km ở tốc độ 26 km/h

(10.000 hải lý ở tốc độ 14 knot)

Quân số: 1.360

Vũ khí: 355 mm 8 × pháo Vickers 355 mm (14 inch) (4×2)

16 × pháo 152 mm (6 inch) (8×2)

8 × pháo 127 mm (5 inch) DP (8×1)

Cho đến 118 × pháo phòng không 25 mm

Kongō (tiếng Nhật: 金剛, Kim Cương) là chiếc tàu chiến-tuần dương đầu tiên của Hải quân Đế quốc Nhật Bản thuộc kiểu siêu-Dreadnought, là chiếc dẫn đầu của lớp Kongō bao gồm những chiếc Hiei, Kirishima và Haruna. Nó được nâng cấp thành một thiết giáp hạm trong những năm 1930 và hoạt động trong nhiều trận hải chiến lớn trong Thế Chiến II trước khi bị đối phương đánh chìm vào năm 1944.

Thiết kế và chế tạo

Năm 1908, việc Hải quân Hoàng gia Anh đưa vào hoạt động chiếc tàu chiến-tuần dương HMS Invincible trang bị tám pháo 304 mm (12 inch) đã khiến cho mọi tàu chiến của Hải quân Nhật Bản trở nên lạc hậu, kể cả những chiếc đang được thiết kế. Để đáp trả, Nhật Bản đã thông qua đạo luật Bành trướng Hải quân Khẩn cấp năm 1911, cung cấp ngân quỹ cho việc thiết kế và chế tạo một thiết giáp hạm và bốn tàu tuần dương bọc thép. Thiết giáp hạm được chế tạo là chiếc Fusō, trong khi chiếc tàu chiến tuần dương đầu tiên là chiếc Kongō.Kongō là chiếc tàu chiến chủ lực cuối cùng của Nhật Bản được chế tạo tại nước ngoài bởi hãng Vickers, Anh Quốc. Kongō là tác phẩm của nhà thiết kế chính của Vickers, Sir George Thurston. Không bị các ràng buộc về đặc tính thiết kế chặt chẽ của Hải quân Anh, ông đã tạo nên một tàu chiến tốt và cân bằng tuyệt hảo, trang bị tám khẩu pháo chính cỡ nòng 355 mm (14 inch). Đặc tính chủ yếu của lớp Kongō là tất cả các tháp pháo chính đều được đặt ở phía trước hoặc sau, loại bỏ tháp súng giữa vốn có tầm bắn kém.Kongō được đặt lườn vào ngày 17 tháng 1 năm 1911, được hạ thủy vào ngày 18 tháng 5 năm 1912 và sau khi hoàn tất được đưa về Nhật Bản vào ngày 16 tháng 8 năm 1913. Được đặt tên theo núi Kongō ở tỉnh Osaka, Kongō là tàu chiến đầu tiên trên thế giới trang bị pháo chính cỡ nòng 355 mm (14 inch)[1].Giữa hai cuộc đại chiến, Kongō được Hải quân Nhật cải tạo triệt để hai lần. Vào năm 1929, họ không thể chế tạo thêm thiết giáp hạm do những giới hạn theo tỉ lệ 5:5:3 quy định bởi Hiệp ước Hải quân Washington. Do đó Kongō và các tàu chị em với nó được tăng cường thêm vỏ giáp ngang nặng và đai chống ngư lôi, cũng như các trang bị để mang theo ba thủy phi cơ Kiểu 90 loại 0. Tất cả 36 nồi hơi kiểu Yarrow được tháo bỏ thay thế bằng 10 nồi hơi kiểu mới. Vào ngày 31 tháng 3 năm 1931 việc cải tạo được hoàn tất và chiếc Kongō được xếp lại lớp thành một thiết giáp hạm.Nhật Bản rút khỏi Hiệp ước Hải quân Washington vào năm 1933, và đến năm 1935 bắt đầu cải tạo lớp tàu Kongō một lần nữa. Đuôi tàu được kéo dài thêm 7,6 m (25 ft). Kongō được nâng cấp với các nồi hơi Kampon đốt bằng dầu và các turbine Parsons. Một máy phóng và các đường ray cũng được trang bị dành cho ba chiếc thủy phi cơ Nakajima E8N1 Kiểu 95 ("Dave") và Kawanishi E7K1 Kiểu 94 ("Alf"). Việc cải tạo năm 1935 nâng tốc độ tối đa của con tàu lên 55 km (30 knot) và chúng được xếp lại lớp thành những thiết giáp hạm nhanh. Việc cải tạo được hoàn tất vào ngày 8 tháng 1 năm 1937.Vì Kongō và các con tàu chị em với nó nguyên là những tàu chiến-tuần dương được chế tạo cho tốc độ, chúng trở thành những thiết giáp hạm duy nhất có thể theo kịp các tàu sân bay nhanh của hạm đội. Điều này làm cho chúng trở thành những tàu hộ tống nặng hoàn hảo cho những chiếc tàu sân bay vốn bắt đầu được đưa vào phục vụ như những lực lượng tấn công chủ yếu của Hải quân Nhật.

Phục vụ trong Thế Chiến II

Kongō tham gia Thế Chiến II dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Koyanagi Tomiji. Vào ngày 1 tháng 8 năm 1941 nó được bố trí vào Đội Thiết giáp hạm 3 của Hạm Đội1 tại Hashirajima trong vịnh Hiroshima, cùng với các thiết giáp hạm Hiei, Kirishima và Haruna. Ngày 29 tháng 11 năm 1941, nhóm thứ hai của Đội Thiết giáp hạm 3 bao gồm Kongō và Haruna được phân về Hạm đội 2 của Đô đốc Kondo Nobutake, nhóm nòng cốt của Lực lượng Phía Nam (Malay) cùng với Đội Tàu tuần dương 4: các tàu tuần dương Atago, Maya và Takao cùng tám tàu khu trục. Lực lượng này di chuyển về hướng Makung, Pescadores, và đến ngày 2 tháng 12, họ đi đến Makung và được nhận được chỉ thị rằng chiến sự sẽ xảy ra vào ngày 8 tháng 12.Vào ngày 4 tháng 12 năm 1941, nhóm nòng cốt khởi hành đi về phía biển Nam Trung Quốc nhằm hỗ trợ từ xa cho lực lượng tấn công. Trưa ngày 9 tháng 12, lực lượng này đang di chuyển ở vùng biển Đông Nam Đông Dương gần quân đảo Poulo Condore khi tàu ngầm I-65 nhìn thấy một lực lượng hải quân Anh Quốc đang di chuyển về hướng Tây Bắc. Đó chính là Lực lượng Z dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Sir Tom S. V. Phillips, đang rời Singapore để đánh chặn lực lượng Nhật Bản đổ bộ vào Malaya. Lực lượng Z bao gồm hai tàu chiến chủ lực là chiếc thiết giáp hạm hiện đại Prince of Wales và chiếc tàu chiến tuần dương thời Thế Chiến I Repulse và một tàu khu trục hộ tống.Nhóm nòng cốt tiến ra để đối đầu cùng Lực lượng Z trongmột trận giáp chiến ban đêm, nhưng đã không thể gặp được đối thủ cho dù hai lực lượng chỉ cách nhau 8 km (5 dặm). Cuối ngày hôm đó, nhóm và các tàu chiến khác vốn tham gia vào cuộc tìm kiếm đã rời đi sau khi nhận được tin các tàu chiến Anh đã bị đánh chìm bởi đợt không kích của 88 máy bay ném bom và ném ngư lôi cất cánh từ Sài Gòn và Thủ Dầu Một, Đông Dương thuộc Pháp.Lực lượng Phía Nam trãi qua hai tháng tiếp theo sau yểm trợ một số chiến dịch: hỗ trợ đoàn tàu vận tải thứ hai đến Malaya phía Đông Bắc đảo Natuna Besar; hỗ trợ cuộc đổ bộ lên vịnh Lingayen, Philippines; và hỗ trợ từ xa trong khu vực Palau cho các cuộc không kích vào đảo Ambon ở Đông Ấn thuộc Hà Lan. Ngày 21 tháng 2 năm 1942, nhóm nòng cốt đi đến vịnh Staring gần Kendari, Celebes và gặp gỡ Lực lượng Đặc nhiệm Tàu sân bay dưới quyền chỉ huy của Phó Đô đốc Nagumo Chuichi, vốn vừa thực hiện cuộc ném bom vào Darwin ngày 19 tháng 2 năm 1942. Bốn ngày sau, nhóm thứ hai của Đội Thiết giáp hạm 3, Atago, Takao và hai tàu khu trục được cho tách khỏi Lực lượng Phía Nam dfưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Kondo để bắt đầu chiến dịch J chiếm đóng Đông Ấn thuộc Hà Lan. Với nhiệm vụ tiêu diệt các tàu bè đối phương đang tìm cách thoát khỏi Java, nhóm đã bắn phá đảo Christmas cách Java 300 km (190 dặm) về phía Nam vào ngày 7 tháng 3 năm 1942. Trên đường quay về vịnh Staring vào ngày 9 tháng 3 tiếp theo sau việc Đông Ấn thuộc Hà Lan đầu hàng, lực lượng của Kondo đã đánh chìm tám tàu Anh, Mỹ và Hà Lan. Từ ngày 10 đến ngày 25 tháng 3, thủy thủ đoàn của Kongō và ba thiết giáp hạm chị em với nó được đưa về hoạt động dự bị để nghỉ ngơi sau ba tháng hoạt động liên tục.Vào ngày 26 tháng 3 năm 1942, Đội Thiết giáp hạm 3 rời vịnh Staring đia ngang qua biển Timor vào Ấn Độ Dương cùng Lực lượng Đặc nhiệm Tàu sân bay: Akagi của Đội tàu sân bay 1, Hiryū và Sōryū thuộc Đội tàu sân bay 2 cùng Shōkaku và Zuikaku thuộc Đội tàu sân bay 3. Trong trận không kích Ấn Độ Dương diễn ra sau đó, quân Nhật đã tấn công lực lượng Anh tại Colombo, Ceylon vào ngày 5 tháng 4 và tại Trincomalee bốn ngày sau đó. Trong trận chiến quanh khu vực Trincomalee, chín chiếc máy bay ném bom Bristol Blenheim thuộc Phi đội XI Không quân Hoàng gia Anh đã tấn công chiếc Kongō nhưng không đánh trúng cú nào. Năm chiếc Bristol đã bị các máy bay Zero thuộc lực lượng tuần tra chiến đấu trên không bắn hạ. Vào cuối các chiến dịch tại Ấn Độ Dương, Kongō quay về Nhật Bản và vào ụ tàu ở Xưởng hải quân Sasebo từ ngày 23 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 để được trang bị lại các khẩu pháo phòng không.

Trận Midway

Ngày 27 tháng 5 năm 1942, Kongō và Hiei rời Hashirajima, được bố trí lại vào Đội Thiết giáp hạm 3, một phần của Hạm đội Đặc nhiệm thứ hai, bao gồm cả năm tàu tuần dương và bảy tàu khu trục, để tấn công đảo san hô Midway. Vào ngày 6 tháng 6, hai ngày sau sự kiện gây choáng váng mất các tàu sân bay Kaga, Akagi, Sōryū và Hiryū trong trận Midway, Đô đốc Isoroku Yamamoto ra lệnh cho Đội Thiết giáp hạm 3 cùng các tàu chiến khác tách khỏi Hạm đội thứ hai tiến lên phía Bắc gặp gỡ Hạm đội Cơ động tàu sân bay thứ hai bao gồm các tàu sân bay Junyō và Ryūjō để tấn công quần đảo Aleut. Sau khi được chiếc Zuikaku tăng cường, lực lượng này di chuyển quãng đường 1.100 km (700 dặm) về phía Nam Kiska nhằm ngăn chặn trước một cuộc phản công của Mỹ mà thực ra đã không được thực hiện.Vào giữa tháng 7, Kongō cùng Haruna thuộc Đội Thiết giáp hạm 3 được tái bố trí đến Lực lượng Tiền phong của Hạm đội thứ hai. Vào ngày 11 tháng 9 năm 1942, Đội Thiết giáp hạm 3 rời Chuuk hướng đến quần đảo Solomon như là một phần lực lượng của Hạm đội thứ hai tháp tùng các tàu sân bay của Hạm đội thứ ba tham gia trận Guadalcanal được khởi đầu bằng việc quân Mỹ đổ bộ lên đảo này vào ngày 7 tháng 8. Ba ngày sau, Kongō bị tám máy bay ném bom hạng nặng tấn công nhưng không chịu thiệt hại nào. Hạm đội được lệnh rút lui về Truk vào ngày 20 tháng 9, nhưng Đội Thiết giáp hạm 3, chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Isuzu và chín tàu khu trục được bố trí vào Lực lượng Đánh phá Khẩn cấp. Kongō và Haruna đã bắn phá sân bay Henderson ở Lunga Point, Guadalcanal bắt đầu vào lúc 01 giờ 27 phút ngày 13 tháng 10 năm 1942. Đội Thiết giáp hạm 3 vượt qua Lunga Point trên một lộ trình hướng ra phía Đông, sử dụng các khẩu pháo chính quay sang mạn phải trước khi quay lại 180o và bắn sang mạn trái trên đường quay lại. Các khẩu pháo 152 mm (6 inch) trên bờ biển đã đáp trả, nhưng chúng không có đủ tầm bắn để có thể bắn trúng các thiết giáp hạm. Kongō đã bắn 104 quả đạn phá 14 inch "Sanshikidan" Kiểu 3 công suất cao nặng 625 kg (1.378 lb), 331 quả đạn xuyên thép 14 inch Kiểu 1 nặng 674 kg (1.485 lb) và 27 quả đạn 6 inch. Đây là lần đầu tiên nó bắn loại đạn Kiểu 3. Hơn 40 máy bay Mỹ trên mặt đất bị mất trong cuộc bắn phá này, và sân bay tạm thời không sử dụng được. Một cuộc tấn công của bốn chiếc PT boat thuộc Hải đội Tàu phóng lôi 3 bị đẩy lui bởi các tàu khu trục hộ tống. Cuộc bắn phá kết thúc lúc 02 giờ 30 phút.Vào ngày 25 tháng 10 năm 1942, Lực lượng Tiên phong của Hạm đội 2 ở cách Espiritu Santo 845 km (525 dặm) về phía Tây Bắc khi nó bị một chiếc máy bay ném bom B-17 thuộc Liên đội Ném bom Hạng nặng 11 đặt căn cứ trên bờ phát hiện. Trong quá trình trận Santa Cruz diễn ra ngày hôm sau, Kongō bị bốn máy bay ném ngư lôi Grumman TBF Avenger xuất phát từ tàu sân USS Enterprise tấn công nhưng không bị thiệt hại. Nó quay về Chuuk, và vào ngày 1 tháng 11, Thuyền trưởng Koyanagi được thăng quân hàm Chuẩn Đô đốc.Tám ngày sau, Đội Thiết giáp hạm 3 rời Chuuk tiến đến Ontong Java phía Bắc Solomon như lực lượng hộ tống cho lực lượng chính. Dự định tìm kiếm và đánh chìm chiếc Enterprise bằng không kích bị thất bại. Trong quá trình trận hải chiến Guadalcanal bắt đầu vào ngày 12 tháng 11, Đội Thiết giáp hạm 3 đã hỗ trợ từ xa cho lực lượng bắn phá tấn công vào sân bay Henderson Field trước khi rút lui vào ngày 15 tháng 11. Vào ngày 16 tháng 12 năm 1942, Thuyền trưởng Ijuin Matsuji tiếp nhận quyền chỉ huy chiếc Kongō trong khi Chuẩn Đô đốc Koyanagi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hải đội tàu khu trục tại Rabaul. Vào ngày 30 tháng 1 năm 1943, một lực lượng đặc nhiệm được thành lập bao gồm các tàu chiến của Hạm đội 2 và Hạm đội 3 di chuyển ở phía Bắc quần đảo Solomon như một lực lượng nghi binh trong khi các tàu khu trục từ Rabaul tiến hành di tản 12.000 binh sĩ khỏi Guadacanal trước khi rút lui về Sasebo.Từ ngày 27 tháng 2 đến ngày 13 tháng 3 năm 1943, Kongō vào ụ tàu để được tăng cường vỏ giáp chung quanh cơ cấu bánh lái, trang bị các vách ngăn kín nước và các bơm nhiên liệu khẩn cấp, và nhiều khẩu pháo thứ cấp 152 mm (6 inch) được thay thế bằng các khẩu pháo phòng không. Các biện pháp này được áp dụng sau việc mất hai chiếc thiết giáp hạm Hiei và Kirishima trong trận hải chiến Guadalcanal. Quay lại khu vực Chuuk ngày 12 tháng 5 năm 1943, Đội thiết giáp hạm 3 và các tàu chiến khác được bố trí vào Lực lượng Đặc nhiệm Attu nhằm đáp trả việc Mỹ tấn công đảo Attu. Một lực lượng mạnh bao gồm ba tàu sân bay được hình thành tại vịnh Tokyo khi tin tức nhận được vào ngày 22 tháng 5 rằng Attu đã thất thủ, và lực lượng đặc nhiệm bị giải tán. Thuyền trưởng Shimazaki Toshio tiếp nhận quyền chỉ huy chiếc thiết giáp hạm vào ngày 17 tháng 7, khi Ijuin được thăng hàm Chuẩn Đô đốc và được chuyển sang làm Tư lệnh Đội tàu khu trục 3 của Hạm đội 2. Cuối tháng 10 năm 1943, một lực lượng bao gồm Đội thiết giáp hạm 3 xuất phát từ Chuuk để đánh chặn một cuộc không kích thứ hai được dự đoán nhằm vào đảo Wake bởi sáu tàu sân bay dưới quyền chỉ huy của Chuẩn đô đốc Alfred Montgomery, nhưng đã không gặp được đối phương.Từ ngày 30 tháng 1 đến ngày 14 tháng 2 năm 1944, Đội Thiết giáp hạm 3 lại vào ụ tàu Sasebo lần nữa để cải tiến các khẩu pháo phòng không. Đầu tháng 3, Đội Thiết giáp hạm 3 đổ quân xuống quần đảo Lingga phía Nam Singapore, trước khi tiến hành đợt huấn luyện kéo dài nhiều tháng. Ngày 11 tháng 5, Đội Thiết giáp hạm 3 di chuyển cùng Hạm đội Cơ động từ Lingga đến Tawi-Tawi ở phía cực Nam Philippines. Vào ngày 13 tháng 6, hiệu lệnh được phát ra để tiến hành Chiến dịch A-Go, vốn được biết đến như là Trận chiến biển Philippine, và Hạm đội Cơ động rời Tawi-Tawi nhưng bị tàu ngầm Redfin trông thấy khi rời nơi bỏ neo. Hạm đội đi đến Guimaras ngày hôm sau và rời Guimaras vào ngày 15 tháng 5 đi qua biển Visayan, bị tàu ngầm Flying Fish phát hiện và hai ngày sau đó lại bị tàu ngầm Cavalla trông thấy trong vùng biển Philippine. Vào ngày 20 tháng 6, Đội Thiết giáp hạm 3 và tàu sân bay Chiyoda bị máy bay ném bom bổ nhào Curtiss SB2C Helldiver và máy bay ném ngư lôi TBF Avenger từ các tàu sân bay Bunker Hill, Monterey và Cabot tấn công. Kongō một lần nữa an toàn trong khi Haruna và Chiyoda bị hư hại trong trận chiến bất hạnh này. Sau đó hạm đội Nhật rút lui về vịnh Nakagusuku, Okinawa.Từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7 năm 1944, Kongō vào ụ tàu Xưởng Hải quân Kure để nâng cấp radar và gắn thêm pháo phòng không 25 mm gồm 12 tháp pháo ba nòng và 40 pháo nòng đơn. Do những sự cải tiến, hệ thống vũ khí hạng hai của nó lúc này bao gồm 8 pháo 152 mm (6 inch) và 6 pháo nòng đôi 127 mm (5 inch) cùng tổng cộng 100 pháo phòng không 25 mm. Sau khi rời ụ tàu, Kongō vận chuyển vũ khí và các đơn vị Lục quân đến vịnh Nakagusuku trước khi quay về Lingga, nơi nó gặp gỡ Haruna. Nó được cải biến lần cuối vào tháng 9 khi được bổ sung thêm 18 khẩu pháo phòng không 25 mm, nâng tổng số pháo phòng không lên 118 khẩu.

Trận chiến vịnh Leyte

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1944, Kongō rời vịnh Brunei, Borneo như là kỳ hạm của Thê đội 2 thuộc Lực lượng "A", một lực lượng đặc nhiệm tấn công dưới sự chỉ huy của Phó Đô đốc Takeo Kurita, được bố trí phía sau Thê đội 1 trong Chiến dịch Shō-1. Lực lượng của Thê đội 2 bao gồm Đội Thiết giáp hạm 3, bốn tàu tuần dương thuộc Đội Tàu tuần dương 7, hai tàu tuần dương thuộc Đội Tàu tuần dương 5 và mười tàu khu trục thuộc Hải đội Tàu khu trục 2 do chiếc tàu tuần dương Noshiro dẫn đầu. Một chuỗi các biến cố sau đó được biết đến dưới tên gọi Trận chiến vịnh Leyte, trong đó lực lượng Nhật Bản chiếm ưu thế áp đảo về số lượng.Ngày hôm sau, Lực lượng "A" bị hai tàu ngầm tấn công trong Trận chiến eo biển Palawan. Hai tàu tuần dương bị đánh chìm, nhưng chiếc Kongō không bị thiệt hại gì. Vào ngày 24 tháng 10 năm 1944, Lực lượng "A" bị hơn 250 máy bay xuất phát từ các tàu sân bay tấn công trong Trận chiến biển Sibuyan. Thiết giáp hạm Musashi bị đánh chìm và chiếc Haruna bị hư hại. Kurita ra lệnh cho Lực lượng "A" rút lui về biển Sibuyan trước khi quay trở lại và tiến qua eo biển San Bernadino.Lúc 00 giờ 30 phút ngày 25 tháng 10 năm 1944, Lực lượng "A" rời khỏi eo biển San Bernadino chuyển hướng về phía Nam tiến đến vịnh Leyte. Năm giờ sau, các quan sát viên Nhật Bản nhìn thấy ba tàu sân bay, ba tàu tuần dương và ba tàu khu trục ở khoảng cách 37 km (23 dặm) và 60 độ bên mạn trái. Đội Thiết giáp hạm 3 được lệnh chuyển sang hướng Đông nhằm cắt đứt đường rút lui, nhưng riêng chiếc Haruna, vì cánh quạt của nó vẫn còn bị hư hại sau Trận chiến biển Philippine, bị tụt lại phía sau. Lúc 05 giờ 58 phút, Lực lượng "A" khai hỏa nhắm vào "Taffy 3" (Đội đặc nhiệm 38.3), bao gồm các tàu sân bay hộ tống St. Lo, White Plains, Kalinin Bay, Fanshaw Bay, Kitkun Bay và Gambier Bay, được bảo vệ bởi ba tàu khu trục và ba tàu khu trục hộ tống.Hai phút sau, Kongō bắt đầu khai hỏa các khẩu pháo chính của nó ở khoảng cách 24 km (15 dặm). Lúc 06 giờ 22 phút, cuộc bắn phá liên tục của những chiếc F4F Wildcat làm hư hỏng kính ngắm của các khẩu pháo chính. Ba phút sau, Kongō bị tấn công bởi hỏa lực từ chiếc tàu khu trục Hoel ở khoảng cách 12 km (8 dặm). Hoel trúng phải một phát đạn 355 mm (14 inch) vào cầu tàu, nhưng đã đáp trả bằng các quả ngư lôi phóng ra ở khoảng cách 8 km (5 dặm). Vào lúc này, Kongō chuyển sang sử dụng hỏa lực các khẩu pháo hạng hai do không thể ngắm các khẩu pháo chính ở khoảng cách gần như vậy. Lúc 06 giờ 30 phút, trinh sát viên trên chiếc Kongō phát hiện bốn quả ngư lôi phóng ra từ chiếc Hoel đang rẽ sóng tiến đến gần; nó phải ngoặc gấp sang mạn trái và cả bốn quả ngư lôi đều bị trượt. Đến 06 giờ 54 phút, tàu khu trục Heermann phóng ba quả ngư lôi nhắm vào Kongō. Chúng đều bị trượt nhưng lại buộc các thiết giáp hạm Yamato và Nagato phải chuyển hướng lên phía Bắc một quãng đường 16 km (10 dặm) cho đến khi các quả ngư lôi hết nhiên liệu. Trong khi đó, đến 06 giờ 55 phút, Kongō đã bắn trúng nhiều phát vào chiếc tàu sân bay hộ tống Gambier Bay.Đến khoảng 08 giờ 00, kính ngắm trên chiếc Kongō được sửa chữa xong và nó hướng các khẩu pháo chính nhắm vào chiếc tàu khu trục hộ tống Samuel B. Roberts. Roberts, vốn đã trúng nhiều phát đạn 203 mm (8 inch), bị hủy diệt bởi một làn mưa đạn pháo 355 mm (14 inch) và bị đắm lúc 09 giờ 12 phút. Đến 08 giờ 13 phút, Kongō tránh được thêm hai quả ngư lôi. Tổng cộng từ 07 giờ 55 phút đến 09 giờ 10 phút, Lực lượng "A" đã cùng nhau đánh chìm tàu sân bay Gambier Bay, các tàu khu trục Hoel và Johnston cùng tàu khu trục hộ tống Samuel B. Roberts.Lúc 08 giờ 25 phút, Kurita ra lệnh cho Lực lượng "A" rút lui về phía Bắc, nhưng đến 10 giờ 20 phút lại cho đổi hướng và tiến đến vịnh Leyte một lần nữa. Trong khoảng thời gian từ 10 giờ 30 phút đến 13 giờ 20 phú́t, các tàu tuần dương Chōkai, Chikuma và Suzuya bị loại khỏi vòng chiến và bị mất sau đó. Trong khoảng thời gian này, từ 12 giờ 28 phút đến 12 giờ 48 phút, Kongō bị khoảng 20 chiếc máy bay ném bom bổ nhào Helldiver từ Đội đặc nhiệm "Taffy 1" tấn công, và có năm quả bom ném suýt trúng đích. Một quả nổ cạnh tàu bên mạn phải làm hư hại vỏ tàu và đai giáp chống ngư lôi, khiến nước biển tràn vào làm nhiễm bẩn các thùng nhiên liệu ở đây. Một quả bom khác làm cong cả hai cánh quạt bên mạn phải. Cuộc tấn công đã giết chết 12 thành viên thủy thủ đoàn và làm bị thương 36 người khác. Một sử gia đã cho rằng Kongō được "sự may mắn che chở".[3]Với lực lượng bị thiệt hại và không thể kiểm soát được chiến thuật, Kurita ra lệnh cho Lực lượng "A" chuyển hướng lần nữa, và đến 21 giờ 00 rút lui ngang qua eo biển San Bernardino. Trong quá trình chiến đấu ngày hôm đó, Kongō đã sử dụng 310 quả đạn 355 mm (14 inch) (99 Kiểu 3 và 211 Kiểu 1), 347 quả đạn 152 mm (6 inch ) (170 Kiểu 0 và 177 Kiểu 4), cùng 2.128 quả đạn 127 mm (5 inch) và 50.230 quả đạn phòng không 25 mm.Ngày hôm sau lúc vào khoảng 08 giờ 00, đang khi ở tại eo biển Tablas, Lực lượng "A" bị 30 chiếc Avenger xuất phát từ các tàu sân bay Wasp và Cowpens tấn công. Chúng được tiếp nối bởi một đợt tấn công khác của khoảng 50 chiếc Helldiver và Avenger xuất phát từ tàu sân bay Hornet, và đánh trúng hai phát vào chiếc thiết giáp hạm Yamato, tàu chiến duy nhất chưa bị hư hại trong các trận đánh trước đó. Lúc 10 giờ 40 phút, khoảng 30 chiếc B-24 Liberator thuộc Quân đoàn Không quân 13 của Không lực Viễn Đông đặt căn cứ tại Morotai bay đến ném bom vào hạm đội. Hai mươi phút sau, 60 máy bay thuộc các đội đặc nhiệm 38.2 và 38.4 lại tấn công, đánh chìm chiếc tàu tuần dương Noshiro. Kongō không bị thiệt hại gì thêm và phần còn lại của Lực lượng "A" quay trở về vịnh Brunei mà không bị thêm sự cố nào khác.

Bị đánh chìm

Kongō ở lại vịnh Brunei cho đến ngày 16 tháng 11 năm 1944, khi 40 máy bay ném bom B-24 và 15 máy bay tiêm kích P-38 của Không lực Lục quân Hoa Kỳ đến tấn công căn cứ tại đây. Hầu hết tàu chiến của hạm đội đã tận dụng thời gian giữa các trận đánh để thực hiện các sửa chữa khẩn cấp. Đến 18 giờ 30 phút, một lực lượng bao gồm chiếc Yamato của Đội Thiết giáp hạm 1, Kongō của Đội Thiết giáp hạm 3 và Nagato vừa được bố trí đến, tất cả đều bị hư hại trong trận chiến ở vịnh Leyte, cùng một tàu tuần dương hạng nhẹ và bốn tàu khu trục theo hộ tống, lên đường quay về Kure để sửa chữa. Haruna, chiếc thiết giáp hạm duy nhất còn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, được tách ra làm hạt nhân của Hạm đội Phía Nam. Thủy thủ đoàn trên cả hai chiếc Kongō và Haruna đều luyến tiếc sự chia tay này, vì hai chiếc tàu chiến kỳ cựu đã luôn ở cùng nhau trong khu vực chiến sự.[3] Tư lệnh của Đội Thiết giáp hạm 3 là Phó Đô đốc Yoshio Suzuki vẫn giữ cờ hiệu của mình trên chiếc Kongō.Ngày 20 tháng 11 năm 1944, lực lượng này đi qua eo biển Đài Loan mà không gặp sự cố, duy trì một tốc độ đều đặn 30 km/h (16 knot) nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Trung tâm của đội hình bao gồm chiếc tàu tuần dương hạng nhẹ Yahagi, tiếp nối bởi các thiết giáp hạm Kongō, Nagato và Yamato đi sau cùng. Các tàu khu trục Isokaze và Yamakaze tuần tra bên mạn trái, trong khi Urakaze và Yukikaze yểm trợ bên mạn phải. Lúc đêm xuống, bầu trời trở nên u ám khi tầm nhìn chỉ còn 1.400 m (1.500 yard) và biển động với gió ngày càng mạnh hơn. Ngay trước nữa đêm, Phó Đô đốc Matome Ugaki được gọi lên cầu tàu chiếc Yamato sau khi tín hiệu radar đối phương được phát hiện ở hướng giữa 0 và 70 độ. Do không biết được nguồn radar phát ra từ máy bay hay tàu ngầm đối phương, sĩ quan chỉ huy của chiếc Yamato là Morishita ra lệnh cho đội hình chuyển sang hướng 050 với việc chạy ngoằn ngoèo ở mức tối thiểu để vượt qua đối phương không rõ mặt. Đội hình chuyển sang hướng mới lúc nữa đêm và bước sang ngày mới, thứ ba 21 tháng 11 năm 1944. Tín hiệu radar không rõ nguồn giờ đây dịch sang mạn trái và tụt lại phía sau khi hạm đội tiếp tục tiến lên. Đến 02 giờ 30 phút, nguồn phát radar được cho là của một chiếc máy bay hơn là tàu ngầm, vốn sẽ đột ngột mất đi nếu con tàu lặn xuống để tấn công.Tín hiệu radar đó thực ra bắt nguồn từ chiếc tàu ngầm Sealion, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Eli Reich. Trong khi tuần tra ngoài khơi mũi cực Bắc của Đài Loan, radar của nó bắt được ba vật thể ở khoảng cách xa đến 40 km (25 dặm), cho dù tín hiệu radar này đã bị Yamato bắt được. Reich thoạt tiên cho rằng Sealion chỉ thấy được sự phản xạ radar của bản thân hòn đảo, nhưng đến 00 giờ 48 phút, radar báo cáo khoảng cách được rút xuống còn 29 km (18 dặm) với "hai mục tiêu lớn cỡ thiết giáp hạm và hai mục tiêu cỡ tàu tuần dương! Hướng đi 060! Tốc độ 30 km/h (16 knot)! Không chạy ngoằn ngoèo!"[3] (chiếc "tàu tuần dương" thứ hai thực ra là một thiết giáp hạm). Sau khi gửi báo cáo tiếp xúc với đối phương về Trân Châu Cảng, Reich quyết định săn đuổi và tấn công trên mặt biển, một quyết định bất thường vì phải đối mặt với nguy cơ bị các thiết giáp hạm tấn công tràn ngập nếu bị phát hiện.Sealion di chuyển hết tốc độ đến vị trí tấn công, và đến 01 giờ 46 phút, ở về mạn trái của hạm đội Nhật Bản trong điều kiện gió ngày càng mạnh và biển động. Màn hình radar cho thấy một đội hình tuần dương-thiết giáp-thiết giáp-tuần dương (thực ra là Yamato), lực lượng này vẫn không chạy ngoằn ngoèo theo hướng 057, và Sealion tiến ra vị trí tấn công lý tưởng nhất lúc 02 giờ 45 phút. Chọn chiếc thiết giáp hạm đầu tiên làm mục tiêu, và nghĩ rằng tín hiệu của những tàu khu trục đi theo hộ tống có thể đã bị che khuất, Reich cài đặt các quả ngư lôi di chuyển ở độ sâu 2,5 m (8 feet) để tận dụng cơ hội đánh trúng thêm các tàu khu trục.Đến 02 giờ 56 phút, Sealion di chuyển theo hướng 168 và bắn ra sáu quả ngư lôi nhắm vào Kongō ở khoảng cách 2.700 m (3.000 yard) trước khi đổi hướng; và bắn thêm ba quả ngư lôi từ các ống phóng phía đuôi tàu vào chiếc thiết giáp hạm thứ hai, Nagato, lúc 02 giờ 59 phút ở khoảng cách 2.800 m (3.100 yard). Sau đó Sealion thoát đi về hướng Tây. Lúc 03 giờ 01 phút, Yamato trông thấy hai quả đánh trúng chiếc Kongō, cho dù Sealion báo cáo đã nghe thấy ba tiếng nổ. Nagato ngoặc gấp sang mạn trái để tránh các quả ngư lôi khác, và một quả thứ hai đã trượt qua nó trước khi trúng phải Urakaze. Lúc 03 giờ 04 phút, quả ngư lôi thứ ba đánh trúng chiếc Urakaze, có thể đã trúng một hầm đạn hoặc một ống phóng ngư lôi, gây ra các vụ nổ thứ phát dữ dội. Bị xé toang ra nhiều mảnh, Urakaze chìm chỉ trong vòng hai phút với tất cả thủy thủ đoàn đều thiệt mạng. Việc mất chiếc Urakaze bên phía mạn phải của chiếc Kongō bị phán đoán nhầm lẫn là cuộc tấn công xuất phát từ hướng Đông, nên Yukikaze tách ra và thả mìn sâu nhằm tiêu diệt tàu ngầm địch.Kongō bị đánh trúng hai quả ngư lôi: một ở phía trước mũi bên mạn trái trúng vào kho chứa dây xích, và một ở giữa chếch về phía sau mạn trái con tàu. Phát đánh trúng thứ hai làm ngập các phòng nồi hơi số 6 và 8, nhưng nó vẫn còn đủ hơi nước để duy trì được tốc độ 30 km/h (16 knot) của cả hạm đội. Tuy nhiên, Kongō bắt đầu bị nghiêng nhẹ qua mạn trái. Tình huống của chiếc Urakaze gây ra sự lẫn lộn; nó biến mất nhanh đến nỗi một số người trong hạm đội không ý thức được rằng nó đã bị mất. Dù sao, tình hình trên chiếc Kongō có vẽ như đã kiểm soát được. Và khi Kongō báo cáo có thể duy trì được tốc độ của hạm đội, quyết định được đưa ra là tiếp tục di chuyển và cố gắng né tránh tàu ngầm. Một số thủy thủ còn quay trở lại giường để tiếp tục giấc ngủ.Đến 04 giờ 05 phút, hạm đội lại bắt đầu phát hiện tín hiệu radar từ chiếc Sealion. Sealion đã không biết rằng Urakaze đã bị đánh chìm và Reich cho rằng các quả ngư lôi cài ở độ sâu thấp có lẽ chỉ gây hại nhẹ cho các thiết giáp hạm. Ông đưa chiếc Sealion lên tốc độ 31,5 km/h (17 knot) để quay lại vị trí tấn công trên mặt biển động mạnh với gió cấp 5 hoặc 6. Hạm đội phát hiện thấy Sealion và bắt đầu chạy ngoằn ngoèo để lẫn tránh vào khoảng 04 giờ 05 phút.Tuy nhiên, Kongō bắt đầu có những vấn đề của chính nó. Quyết định tiếp tục di chuyển với tốc độ của hạm đội đã khiến cho nước tiếp tục tuôn vào phá hỏng các vách ngăn. Sự đối mặt với biển động mạnh cũng làm cho các lổ hổng càng lúc càng bị xé toạc ra lớn hơn. Cho dù các thợ lặn đã tận lực làm việc trong nguy hiểm để sửa chữa các ngăn bị xé ra và ngập nước, Kongō bị buộc phải ngừng chạy ngoằn ngoèo và giảm tốc độ xuống còn 22 km/h (12 knot); vì vậy, nó bị tụt lại ở cuối đội hình trong khi Sealion vẫn đang tiếp tục săn đuổi. Tuy nhiên, sự nghiêng qua mạn trái được kiểm soát ở độ nghiêng 12 độ nên hạm đội vẫn ở tâm trạng lạc quan một cách thận trọng rằng việc kiểm soát hư hỏng đã ngăn được nước tràn vào con tàu. Tuy nhiên, không lâu sau lại có báo cáo về tình trạng ngập nước vẫn tiến triển và con tàu tiếp tục nghiêng đến 14 độ trước khi kiểm soát được. Trong tình trạng bối rối, Thuyền trưởng Shimazaki xin phép được tách khỏi hạm đội tiến đến cảng Keelung cách đó 120 km (65 hải lý). Hamakaze and Isokaze được cho tách ra để hộ tống nó, và hạm đội tách khỏi nhau lúc 04 giờ 40 phút, khi Kongō bị nghiêng 15 độ và duy trì vận tốc 18,5 km/h (10 knot).Thủy thủ đoàn dường như không nhận thức được rằng con tàu đã bị hư hỏng nghiêm trọng, khi Hoa tiêu Trưởng dự đoán rằng con tàu sẽ cập cảng sau sáu giờ nữa. Không lâu sau khi tách khỏi hạm đội, con tàu tiếp tục nghiêng quá 20 độ, và Shimazaki ra lệnh cho mọi người chuyển qua mạn phải vì con tàu khó có thể đi thẳng với độ nghiêng như thế. Tình hình càng thêm xấu đi khi tín hiệu radar bắt nguồn từ chiếc Sealion cho thấy nó đang theo đuổi Kongō thay vì hạm đội chính. Bất chấp điều đó, Sealion không phải là mối nguy hiểm chính. Mười lăm phút sau khi tách ra, Kongō bị nghiêng đến 45 độ. Các phòng máy bắt đầu bị ngập nước, và đến 05 giờ 18 phút con tàu chết đứng giữa biển. Được xác nhận rằng chiếc Kongō trong thực tế đang chìm, và một báo cáo được đưa đến rằng viên Chỉ huy phó Cứu nạn đã tự sát do thất bại của mình, Shimazaki ra lệnh cho mọi người lên trên boong tàu để chuẩn bị bỏ tàu. Lá cờ con tàu được hạ xuống khi mọi người đứng chào, và có lệnh cho di dời bức ảnh của Nhật Hoàng Hirohito.Đến 05 giờ 22 phút, Shimazaki ra lệnh bỏ tàu, và thủy thủ đoàn bắt đầu trèo qua thành tàu nhảy xuống biển. Hamakaze và Isokaze, bất chấp mối nguy hiểm gần kề khi Sealion đang đến gần, tiến sát đến chiếc Kongō bên mạn phải tàu đang nhô cao để cứu vớt các thủy thủ trước khi bị cuốn vào lòng biển cả. Thủy thủ đoàn của chiếc Sealion sững sốt nhìn mục tiêu của mình bất động trên màn hình radar, trong khi thủy thủ đoàn chiếc Kongō trườn ra khỏi thành tàu khi nó bắt đầu lật úp và độ nghiêng tăng lên quá 60 độ. Tai họa xảy ra lúc 05 giờ 24 phút khi các quả đạn 355 mm (14 inch) trong hầm đạn phía trước phát nổ trong bốn vụ nổ khủng khiếp, làm bắn tung các mảnh vỡ và xác người. Reich kể lại rằng "bầu trời được chiếu sáng rực rỡ cứ như là bình minh vào giữa đêm".[3] Hai chiếc tàu khu trục tránh được các mảnh vỡ do thành tàu cao của chiếc Kongō, nhưng vụ nổ đã nhấn chìm phần còn lại của chiếc thiết giáp hạm xuống biển sâu gần như ngay lập tức. Những chiếc tàu khu trục cứu vớt những người còn sống, không để ý rằng Reich đã rời đi tiếp tục săn đuổi những chiếc thiết giáp hạm khác thay vì nhắm vào những chiếc tàu khu trục nhỏ bé. Được sự trợ giúp bởi ánh sáng hừng đông một giờ sau đó, 13 sĩ quan cùng 224 hạ sĩ quan và thủy thủ trên chiếc Kongō được cứu sống. Có khoảng 1250 người thiệt mạng, bao gồm Phó Đô đốc Suzuki và chỉ huy trưởng con tàu là Chuẩn Đô đốc Shimazaki. Bức ảnh Nhật Hoàng đã không thể thu hồi được.Kongō là thiết giáp hạm duy nhất của hải quân Đế quốc Nhật Bản bị tàu ngầm đánh chìm, và là chiếc thiết giáp hạm cuối cùng trong lịch sử bị đánh chìm bởi tàu ngầm. Một việc hy hữu là, một thủy thủ trên chiếc Sealion đã để lại một máy ghi âm bên cạnh máy liên lạc nội bộ của tháp chỉ huy khi nhận được lệnh vào vị trí chiến đấu. Họ đã ghi âm lại được toàn bộ diễn tiến một cuộc tấn công của tàu ngầm vào một tàu chiến, và được tin là cuộc ghi âm duy nhất loại này còn được giữ lại trong Thế Chiến II.[4]

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Nagato

Xưởng đóng tàu: Xưởng hải quân Kure

Đặt lườn: 28 tháng 8 năm 1917

Hạ thủy: 9 tháng 11 năm 1919

Hoạt động: 15 tháng 11 năm 1920

Bị mất: Biị chìm trong Chiến dịch Crossroads thử nghiệm nguyên tử trên đảo Bikini ngày 25 tháng 7 năm 1946.

Xóa đăng bạ: 15 tháng 9 năm 1945

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 32.720 tấn (tiêu chuẩn);

42.850 tấn (đầy tải thời chiến)

Chiều dài: 221,03 m (725 ft 2 in)

215,79m (708 ft) lúc hạ thủy

Mạn thuyền: 34,59 m (113 ft 6 in)

29m (95 ft) lúc hạ thủy

Tầm nước: 9,50 m (31 ft 2 in)

Lực đẩy: Turbine hơi nước,

4 trục, 80.000 mã lực (60 MW)

Tốc độ: 50 km/h (27 knot)

Tầm xa: 10.200 km ở tốc độ 30 km/h

(5.500 hải lý ở tốc độ 16 knot)

Quân số: 1.368

Vũ khí: 8 x pháo 410 mm (16,1 inch)

20 (sau này còn 18) x pháo 140 mm (5,5 inch)

8 x pháo phòng không 127 mm (5 inch)

Cho đến 98 pháo phòng không 25 mm

Máy bay: 3

Nagato (tiếng Nhật: 長門, Trường Môn, tên được đặt theo tỉnh Nagato) là một thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, chiếc mở đầu trong lớp tàu của nó. Nó là chiếc thiết giáp hạm đầu tiên trên thế giới được trang bị pháo chính hạng 16 inch (trong thực tế là 16,1 inch tức 410 mm), và lớp vỏ giáp bảo vệ cùng tốc độ khiến cho nó trở thành một trong những tàu chiến mạnh mẽ nhất vào thời nó được đưa ra hoạt động.Nó là soái hạm của Đô đốc Isoroku Yamamoto trong giai đoạn tấn công Trân Châu Cảng. Trong Thế Chiến II nó chỉ tham gia tác chiến trong một trận chiến duy nhất là Hải chiến vịnh Leyte, do chiến lược của Hải quân Nhật muốn giữ lại các đơn vị chủ yếu làm lực lượng dự bị dành cho các trận chiến quyết định.

Thiết kế và chế tạo

Nagato được đặt lườn tại Xưởng Hải quân Kure vào ngày 28 tháng 8 năm 1917, được hạ thủy vào ngày 9 tháng 11 năm 1919, và công việc chế tạo được hoàn tất vào ngày 15 tháng 11 năm 1920.Nó trãi qua một cuộc cải tiến lớn vào năm 1936, tháo bỏ các nồi hơi đốt bằng than và nâng cấp vỏ giáp cùng các khẩu pháo phòng không.

Lịch sử hoạt động trong Thế Chiến II

Trân Châu Cảng và Midway

Vào lúc bắt đầu Thế Chiến II, Nagato dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Yano Hideo, và cùng với chiếc thiết giáp hạm chị em với nó là chiếc Mutsu hình thành nên Đội Tàu thiết giáp 1. Nagato là soái hạm của Hạm đội Liên Hợp, cắm cờ hiệu của Đô đốc Isoroku Yamamoto. Vào ngày 2 tháng 12 năm 1941, chính chiếc Nagato đã gửi đi bức điện "Niitakayama nobore 1208" (leo núi Niitaka vào lúc 12/08 giờ Nhật Bản) ra hiệu lệnh cho Lực lượng Đặc nhiệm Tàu sân bay tấn công Trân Châu Cảng đánh dấu việc Nhật Bản mở màn chiến cuộc ở Mặt trận Thái Bình Dương.Vào ngày 12 tháng 2 năm 1942, Đô đốc Yamamoto chuyển cờ hiệu của ông sang chiếc thiết giáp hạm mới Yamato.Trong trận Midway, Nagato lên đường cùng với các thiết giáp hạm Yamato và Mutsu, tàu sân bay Hosho, tàu tuần dương Sendai, chín tàu khu trục và bốn tàu hỗ trợ như là lực lượng chính của Đô đốc Yamamoto vào tháng 6 năm 1942 nhưng đã không tham gia tác chiến. Nó quay trở về Nhật Bản cùng với những người trên chiếc tàu sân bay Kaga còn sống sót được cứu vớt.Trong năm 1943 , dưới sự chỉ huy của Thuyền trưởng Hayakawa Mikio, Nagato đặt căn cứ tại Truk trong quần đảo Caroline Islands. Sau cuộc triệt thoái khỏi Truk vào tháng 2 năm 1944, nó đặt căn cứ tại Lingga gần Singapore.

Trận chiến biển Philippine và Hải chiến vịnh Leyte

Vào tháng 6 năm 1944 nó tham gia vào Chiến dịch A-Go, một cuộc tấn công vào lực lượng Đồng Minh trong quần đảo Mariana. Trong trận đánh biển Philippine diễn ra vào ngày 19 tháng 6 năm 1944, nó bị máy bay Mỹ tấn công nhưng không bị thiệt hại.Vào tháng 10 năm 1944, nó tham gia vào chiến dịch Shō-1 tấn công lên lực lượng đổ bộ Đồng Minh lên đảo Leyte. Vào ngày 24 tháng 10 năm 1944 trong trận chiến biển Sibuyan, Nagato bị nhiều đợt máy bay ném bom bổ nhào Mỹ tấn công. Lúc 14 giờ 16 phút, nó trúng phải hai quả bom được ném bởi máy bay từ các tàu sân bay Franklin và Cabot. Quả bom thứ nhất làm vô hiệu hóa một số khẩu đội pháo và gây hư hại cho lổ hút gió của nồi hơi số 1, làm ngừng một trục mất 25 phút cho đến khi lổ hút gió được dọn sạch. Quả bom thứ hai đánh trúng nhà ăn và phòng liên lạc vô tuyến phía trước, giết chết 52 người và làm bị thương 106 người khác. Vào ngày 25 tháng 10, lực lượng chính của Hạm đội Cơ động Nhật Bản vượt qua eo biển San Bernardino và hướng đến vịnh Leyte. Trong trận Samar, Nagato đối đầu cùng các tàu sân bay hộ tống và các tàu khu trục thuộc Đội Đặc nhiệm 77.4.3 Mỹ. Lúc 06 giờ 01 phút nó khai hỏa vào tàu sân bay hộ tống St. Lo, lần đầu tiên nó sử dụng các khẩu pháo chính lên tàu đối phương, nhưng bị trượt. Lúc 06 giờ 54 phút, tàu khu trục Heermann phóng một loạt ngư lôi nhắm vào chiếc thiết giáp hạm Haruna; những quả ngư lôi trượt khỏi chiếc Haruna nhưng lại hướng đến Yamato và Nagato đang chạy cùng hướng. Hai chiếc thiết giáp hạm bị buộc phải tạm ngưng tác chiến quay đầu về hướng Bắc một quãng 16 km (10 dặm) cho đến khi các quả ngư lôi hết nhiên liệu. Khi quay trở lại, Nagato tiếp tục giáp chiến cùng các tàu sân bay hộ tống Mỹ, bắn 45 quả đạn 410 mm (16,1 inch) và 92 quả đạn 140 mm (5,5 inch).Lúc 09 giờ 10 phút Đô đốc Takeo Kurita ra lệnh cho hạm đội kết thúc cuộc tấn công và hướng lên phía Bắc. Đến 10 giờ 20 phút ông lại ra lệnh cho hạm đội lại hướng về phía Nam, nhưng vì hạm đội phải chịu đựng những đợt không kích ngày càng căng thẳng, ông lại ra lệnh rút lui vào lúc 12 giờ 36 phút. Đến 12 giờ 43 phút Nagato bị đánh trúng trước mũi hai quả bom nhưng thiệt hại không nghiêm trọng.

Lịch sử hoạt động

Đang khi rút lui trong ngày 26 tháng 10 hạm đội Nhật Bản tiếp tục chịu đựng các trận không kích liên tục. Nagato bị máy bay ném bom bổ nhào từ tàu sân bay Hornet tấn công, và trúng phải bốn quả bom khiến 38 người chết và 105 người bị thương. Trong ngày hôm đó nó đã bắn 99 quả đạn 410 mm (16,1 inch) và 653 quả đạn 140 mm (5,5 inch).Ngày 25 tháng 11 năm 1944 Nagato về đến Yokosuka để sửa chữa. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và vật liệu khiến cho nó không thể được đưa vào phục vụ trở lại, và đến tháng 2 năm 1945 nó được tái bố trí làm tàu phòng thủ duyên hải. Vào tháng 6 năm 1945, số pháo hạng nhì và pháo phòng không được tháo đem lên bờ. Vào ngày 18 tháng 7 năm 1945 nó bị tấn công tại Yokusuka bởi máy bay tiêm kích-ném bom và máy bay ném ngư lôi từ các tàu sân bay Essex, Randolph, Bennington, Shangri-La và Belleau Wood, bị trúng phải ba quả bom, trong đó một quả đã rơi trúng cầu tàu giết chết sĩ quan chỉ huy là Chuẩn Đô đốc Otsuka Miki.

Thử nghiệm nguyên tử trên đảo san hô Bikini

Vào ngày 30 tháng 8 năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, Nagato là chiếc thiết giáp hạm Nhật bản duy nhất còn sống sót. Các thủy thủ Mỹ từ chiếc USS Horace A. Bass (LPR-124) đã chiếm giữ và điều khiển con tàu.Vào tháng 3 năm 1946, nó được mang đến đảo san hô Bikini để tham gia chiến dịch Crossroads, một loạt các thử nghiệm bom nguyên tử. Trên chuyến hải hành cuối cùng này, nó được chỉ huy bởi Thuyền trưởng W. J. Whipple và một thủy thủ đoàn Hải quân Hoa Kỳ khoảng 180 người. Nó đang ở trong tình trạng rất kém đến mức nó phải được kéo vào đảo san hô Eniwetok để được sửa chữa khẩn cấp.Trong thử nghiệm thứ nhất mang tên Able, một vụ nổ nguyên tử trên không trung vào ngày 1 tháng 7 năm 1946, nó ở cách tâm vụ nổ khoảng 1.500 m (1.640 yard) và chỉ bị thiệt hại nhẹ. Tuy nhiên, trong thử nghiệm thứ hai mang tên Baker, một vụ nổ dưới nước vào ngày 25 tháng 7 năm 1946, nó bị hư hỏng nặng, và sau đó bị lật úp và chìm năm ngày sau đó.

Lá cờ của Nagato

Lá cờ hiệu Hải quân Nhật Bản trên chiếc Nagato đã được một sĩ quan chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ giữ. Nó được con gái của ông đưa ra trong một chương trình đánh giá cổ vật mang tên Nandemo Kanteidan[1], và được trình chiếu trên TV Tokyo vào tháng 9 năm 2005. Lá cờ hiệu đã được ước định giá là 10 triệu yen. Sau khi chương trình kết thúc, vị khách mời của chương trình Kouji Ishizaka đã mua lại lá cờ với giá trên và tặng lại cho Bảo tàng Thiết giáp hạm Yamato ở Kure, Hiroshima vào tháng 9 năm 2006.[2]

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Fusō

Xưởng đóng tàu: Xưởng đóng tàu Yokosuka

Đặt lườn: 20 tháng 11 năm 1913

Hạ thủy: 3 tháng 11 năm 1915

Hoạt động: 31 tháng 3 năm 1917

Bị mất: Bị đánh chìm ngày 25 tháng 10 năm 1944 trong trận đánh eo biển Surigao

Xóa đăng bạ:

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 39.154 tấn (ban đầu)

Chiều dài: 213 m (698 ft)

Mạn thuyền: 30,6 m (100 ft 5 in)

Tầm nước: 9,7 m (31 ft 9 in)

Lực đẩy: Bốn trục turbines, 24 nồi hơi công suất 40.000 mã lực (ban đầu)

Bốn trục turbines, 6 nồi hơi công suất 75.000 mã lực (sau cải biến).

Tốc độ: 46 km/h (25 knot)

Tầm xa: 14.800 km ở tốc độ 26 km/h

(8.000 hải lý ở tốc độ 14 knot) khi được chế tạo.

Quân số: 1.400

Vũ khí: 12 x pháo 355 mm (14 inch)

16 pháo 152 mm (6 inch)

8 pháo 127 mm (5 inch)

cho đến 92 pháo phòng không 25 mm

cho đến 16 × pháo phòng không 13 mm

Yamashiro (tiếng Nhật: 山城, Sơn Thành) là chiếc thiết giáp hạm thứ hai thuộc lớp Fusō của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, và đã bị đánh chìm năm 1944 trong Thế Chiến II.

Thiết kế và chế tạo

Là chiếc thiết giáp hạm thứ hai thuộc lớp Fusō, Yamashiro được đặt lườn tại Xưởng hải quân Yokosuka vào ngày 20 tháng 11 năm 1913, được hạ thủy vào ngày 3 tháng 11 năm 1915, và được đưa vào hoạt động ngày 31 tháng 3 năm 1917. Nó là chiếc tàu chiến Nhật đầu tiên được trang bị một máy phóng để phóng máy bay. Con tàu được đặt tên theo tỉnh nơi có thành phố Kyoto.Chiếc Yamashiro được cải tạo lại từ tháng 12 năm 1930 đến tháng 3 năm 1935. 24 lò đốt Mijabara dùng than ban đầu với tổng công suất 24.000 mã lực được thay thế bằng sáu lò đốt dầu Kanpon tổng công suất 75.000 mã lực. Nó được trang bị thêm đai giáp chống ngư lôi, làm gia tăng chiều ngang mạn tàu từ 28,7 m (94 ft) lên 30,6 m (100 ft 5 in). Đuôi tàu được kéo dài thêm 7,3 m (24 ft) để cải thiện tỉ lệ tương xứng và phục hồi tốc độ bị mất. Vỏ giáp sàn tàu được làm dầy thêm đến tổng cộng 180 mm (7 inch) trên cả ba sàn tàu. Góc nâng của các khẩu pháo chính được gia tăng từ 30 độ lên 43 độ. Ống khói phía trước được tháo bỏ, nhưng được phục hồi lại và cải tiến sau đó. Chiếc Yamashiro có điểm hơi khác biệt so với chiếc tàu chị em Fusō trong cách sắp xếp các tháp pháo; bằng cách thay đổi "góc chết" của tháp pháo "C" từ phía trước ra phía sau, dành chỗ trên sàn tàu cho cấu trúc thượng tầng lớn hơn. Nó còn được bổ sung tám khẩu pháo phòng không hạng nặng 127 mm/40 (5-inch), bố trí thành cặp mỗi bên cầu tàu phía trước và phía trên sau tháp chỉ huy.

Lịch sử hoạt động

Trong trận chiến eo biển Surigao ngày 25 tháng 10 năm 1944, sau khi các tàu chiến khác bị hư hại, Yamashiro quyết định xung trận và tiến thẳng vào đội hình các thiết giáp hạm Mỹ, lúc này đã xoay ngang chặn theo kiểu "hình chữ T" cổ điển rồi dội xuống Yamashiro nhiều quả đạn pháo 14" và 16", hủy hoại nó trong vòng ít hơn 30 phút. Yamashiro' cuối cùng bị đánh chìm bởi ngư lôi phóng từ một tàu khu trục Mỹ khi nó tìm cách rút lui khỏi chiến trường, với rất ít người còn sống sót. Các cuộc điều tra sau đó kết luận rằng đó là chiến công của tàu khu trục USS Melvin.

Đặt hàng: tháng 3 năm 1937

Lớp tàu: Lớp thiết giáp hạm Yamato

Xưởng đóng tàu: Xưởng hải quân Kure[1]

Đặt lườn: 4 tháng 11 năm 1937[1]

Hạ thủy: 8 tháng 8 năm 1940[1]

Hoạt động: 16 tháng 12 năm 1941[1]

Bị mất: Bị đánh chìm ngày 7 tháng 4 năm 1945 ở phía Bắc Okinawa

( 30°22′N 128°04′E)[2]

Xóa đăng bạ: 31 tháng 8 năm 1945

Các đặc tính chung

Lượng rẽ nước: 65.027 tấn (tiêu chuẩn)[3];

71.659 tấn (đầy tải)[3]

Chiều dài: 263 m (863 ft) chung

256 m (840 ft) mực nước[3]

Mạn thuyền: 36,9 m (121 ft) [3]

Tầm nước: 11 m (36 ft)[3]

Lực đẩy: 12 nồi hơi Kanpon

4 turbine hơi nước [3]

150.000 mã lực (110 MW)

4 chân vịt ba cánh[3]

Tốc độ: 50 km/h (27 knot) [3]

Tầm xa: 13.000 km ở tốc độ 30 km/h

(7.200 hải lý ở tốc độ 16 knot) [3]

Quân số: 2.500-2.800[3][4]

Vũ khí: 1941 :

9 × pháo 460 mm (18,1 inch) (3×3)[3]

12 × pháo 155 mm (6,1 in) (4×3)

12 × pháo 127 mm (5 inch) (6×2)[3]

24 × súng phòng không 25 mm (8×3)[3]

4 × súng phòng không 13,2 mm (2×2)[3]

1945:

9 × pháo 460 mm (18,1 inch) (3×3)[5]

6 × pháo 155 mm (6.1 inch) (2×3)[5]

24 × pháo 127 mm (5 inch) (6×2)[5]

162 × súng phòng không 25 mm (32×3, 34×1)[6]

4 × súng phòng không 13,2 mm (2×2)[5]

Vỏ giáp: 650 mm phía trước tháp súng[7]

410 mm (16 in) vỏ giáp hông[7]

200 mm (8 in) sàn tàu trung tâm[7]

226,5 mm (9 in) sàn tàu phía ngoài[7]

Máy bay: 7 máy bay, 2 máy phóng[7]

Yamato (tiếng Nhật: 大和; phiên âm Hán-Việt: Đại Hòa), tên được đặt theo tỉnh lâu đời của Nhật Bản tỉnh Yamato, là một thiết giáp hạm của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Thế Chiến II, và là soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản. Nó là chiếc dẫn đầu trong lớp thiết giáp hạm mang tên nó. Yamato, cùng với chiếc tàu chị em với nó là Musashi, là những chiếc thiết giáp hạm lớn nhất và nặng nhất từng được chế tạo,[8] với lượng rẽ nước lên đến 72.800 tấn khi đầy tải, và được trang bị dàn pháo chính gồm chín khẩu với cỡ nòng lên đến 460 mm (18,1 inch).Được chế tạo từ năm 1937 đến năm 1940 và được chính thức đưa vào hoạt động vào cuối năm 1941, Yamato đã phục vụ như là soái hạm của Đô đốc Isoroku Yamamoto trong suốt năm 1942, lần đầu tiên hoạt động như một thành phần của Hạm đội Liên hợp trong trận Midway vào tháng 6 năm 1942. Trong suốt năm 1943, Yamato liên tục di chuyển giữa các căn cứ Truk, Kure và Brunei để đối phó lại các cuộc không kích của Mỹ xuống các hòn đảo căn cứ Nhật Bản. Lần duy nhất mà Yamato nả các khẩu pháo chính của nó xuống tàu chiến đối phương là trong trận chiến ngoài khơi Samar vào tháng 10 năm 1944, nhưng nó được chỉ thị phải rút lui sau khi các đợt tấn công của các tàu khu trục và máy bay trên các tàu sân bay hộ tống gây hư hại cho ba tàu tuần dương hạng nặng. Yamato bị đánh chìm vào tháng 4 năm 1945 trong Cuộc hành quân Ten-Go.

Thiết kế và chế tạo

Thiết kế

Yamato là chiếc dẫn đầu trong lớp "thiết giáp hạm hạng nặng" của nó,[9] được Hải quân Đế quốc Nhật Bản thiết kế vào năm 1937.[6] Lớp thiết giáp hạm này được thiết kế để có thể giáp chiến với nhiều mục tiêu đối phương cùng một lúc, một giải pháp bù trừ cho tiềm năng công nghiệp yếu kém của Nhật Bản so với Hải quân Hoa Kỳ.[10][11] Cùng với những tàu chiến lớp Yamato mỗi chiếc có lượng rẽ nước trên 70.000 tấn, họ hy vọng rằng hỏa lực mạnh mẽ của những thiết giáp hạm được chế tạo sẽ bù đắp cho sức mạnh công nghiệp Hoa Kỳ.[3]

Chế tạo

Lườn của chiếc Yamato được đặt tại xưởng hải quân Kure vào ngày 4 tháng 11 năm 1937 trong một ụ tàu được thiết riêng đặc biệt. Trong suốt quá trình chế tạo, những tấm bạt lớn được căng ra ngăn cản sự quan sát việc chế tạo tại Kure từ mọi phía.[5] Do kích cỡ khổng lồ của con tàu, đã phải thiết kế riêng những cần cẩu có khả năng nâng được 150 và 350 tấn, được chế tạo để sử dụng trong việc đóng tàu.[5] Yamato được hạ thủy vào ngày 8 tháng 8 năm 1940, và Đại tá Hải quân (sau này là Phó Đô đốc) Miyazato Shutoku là vị chỉ huy đầu tiên của con tàu.[6]

Vũ khí trang bị

Dàn pháo chính của Yamato bao gồm chín khẩu pháo 460 mm (18,1 inch); là loại pháo hải quân có cỡ nòng lớn nhất từng được trang bị cho tàu chiến.[12] Mỗi khẩu pháo dài 21,13 m (69 ft 4 in), nặng 147,3 tấn, có khả năng bắn đầu đạn miểng hay đạn xuyên thép đi một khoảng cách 42 km (22,6 hải lý).[13] Dàn pháo hạng hai bao gồm 12 khẩu 155 mm (6,1 inch) bố trí thành bốn tháp súng ba nòng (một phía trước, một giữa, hai phía sau tàu),[12] và 12 khẩu 127 mm (5 inch) bố trí thành sáu tháp súng nòng đôi (ba chiếc mỗi bên hông giữa tàu).[12] Thêm vào đó, Yamato còn trang bị 24 pháo phòng không 25 mm (1 inch), chủ yếu được bố trí ở giữa tàu.[12] Khi được tái trang bị vào năm 1944, cấu hình pháo hạng hai của nó được thay đổi thành 6 khẩu pháo 155 mm (6,1 inch),[14] 24 khẩu 127 mm (5 inch),[14] và 162 súng phòng không 25 mm (1 inch),[14] nhằm chuẩn bị cho những cuộc hải chiến tại khu vực Nam Thái Bình Dương.[4]

Lịch sử hoạt động

1942: Chạy thử máy và các hoạt động ban đầu

Ngày 16 tháng 12 năm 1941, Yamato được chính thức đưa vào hoạt động tại Kure, Đại tá Hải quân (sau này là Phó Đô đốc) Gihachi Takayanagi nhận chức chỉ huy con tàu; nó gia nhập cùng các thiết giáp hạm đàn em Nagato và Mutsu trong thành phần Hải đội Thiết giáp hạm 1 cùng ngày hôm đó.[6] Vào ngày 12 tháng 2 năm 1942, Yamato trở thành soái hạm của Hạm đội Liên hợp Nhật Bản dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Isoroku Yamamoto.[6] sau các chuyến đi chạy thử máy và tập trận, Yamato được đánh giá có khả năng hoạt động và hoạt động toàn phần vào ngày 27 tháng 5 năm 1942, và được bố trí đến lực lượng thiết giáp hạm của Yamamoto tham gia trận Midway.[15] trong rận chiến then chốt này, Yamamoto nắm quyền chỉ huy chung lực lượng tấn công từ cầu tàu chiếc Yamato.[15] Tiếp theo sau thất bại của lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay Nhật với bốn tàu sân bay hạm đội và 332 máy bay bị mất, Yamato và lực lượng tàu chiến chủ yếu buộc phải rút lui về Hashirajima.[6]Vào ngày 17 tháng 8 năm 1942, Yamato rời Kure di chuyển đến Truk. Mười một ngày sau, tàu ngầm Mỹ Flying Fish nhìn thấy chiếc Yamato và đã bắn bốn quả ngư lôi nhắm vào chiếc thiết giáp hạm, nhưng không có quả nào trúng đích, và Yamato về đến Truk an toàn cuối ngày hôm đó.[6] trong suốt giai đoạn diễn ra Chiến dịch Guadalcanal, Yamato ở lại Truk vì việc tiêu hao nhiều nhiên liệu của nó làm cho việc sử dụng nó trong Chiến dịch quần đảo Solomon kém hiệu quả.[4] Đến tháng 12 năm 1942, Đại tá Hải quân (sau này là Chuẩn Đô đốc) Chiaki Matsuda tiếp nhận quyền chỉ huy chiếc Yamato.[6]

1943: Di chuyển giữa các căn cứ

Vào ngày 11 tháng 2 năm 1943, Musashi thay thế cho Yamato làm soái hạm cho hạm đội Liên hợp. Yamato, lúc đó bị thủy thủ đoàn trên các tàu tuần dương và tàu khu trục tại khu vực chiến sự Nam Thái Bình Dương dèm pha là "Khách sạn Yamato", ở lại Truk cho đến tháng 5 năm 1943, khi nó khởi hành đi Yokosuka rồi sau đó đến Kure.[6] Trong chín ngày, Yamato vào ụ tàu để bảo trì và sửa chữa tổng quát. Nó lại vào ụ tàu trong tháng 7 để tái trang bị và nâng cấp dàn hỏa lực phòng không, giáp bảo vệ cho dàn pháo hạng hai và hệ thống điều khiển bánh lái. Đến tháng 8, Yamato quay trở lại Truk, tham gia một lực lượng đặc nhiệm Nhật Bản lớn đối phó các đợt không kích của Mỹ xuống các đảo san hô Tarawa và Makin. Đến tháng 11 năm 1943, Yamato lại tham gia một lực lượng lớn hơn đáng kể: sáu thiết giáp hạm, ba tàu sân bay và mười một tàu tuần dương, để đáp trả đợt không kích của Mỹ xuống đảo Wake. Trong cả hai dịp này, họ đã không tìm thấy lực lượng đối phương và sau đó rút lui về Truk.[6]Sang tháng 11 năm 1943, Hải quân Nhật quyết định sử dụng Yamato và Musashi như những tàu vận chuyển, do khả năng chở tải rộng rãi và vỏ giáp bảo vệ chắc chắn.[16] Ngày 23 tháng 12, trong khi vận chuyển binh lính cùng tiếp liệu đến quần đảo Admiralty, Yamato cùng nhóm đặc nhiệm của nó bị tàu ngầm Mỹ Skate đánh chặn. Skate bắn một loạt bốn ngư lôi nhắm vào chiếc Yamato, trong đó hai quả đánh trúng mạn phải gần tháp súng số 3.[17] Những hư hại nghiêm trọng cho đai giáp bảo vệ chống ngư lôi đã khiến ngập nước hầm đạn phía trên của tháp pháo chính sau đuôi, và Yamato bị buộc phải rút lui về Truk để được sửa chữa khẩn cấp.[17]

1944: Chiến đấu

Ngày 16 tháng 1 năm 1944, Yamato về đến Kure để được sửa chữa triệt để, và nó ở trong ụ tàu cho đến ngày 3 tháng 2 năm 1944. Trong thời gian nằm ụ, Đại tá Hải quân Nobuei Morishita, nguyên là Thuyền trưởng chiếc thiết giáp hạm Haruna, tiếp nhận quyền chỉ huy chiếc Yamato.[6] Ngày 25 tháng 2, cả hai chiếc Yamato và Musashi đều được tái bố trí từ Hải đội Thiết giáp hạm 1 về Hạm đội 2. Yamato lại vào ụ tàu để được nâng cấp hệ thống radar và hỏa lực phòng không trong suốt tháng 3 năm 1944,[6] để cuối cùng có một dàn phòng không bao gồm 162 khẩu phòng không 25 mm (1 inch) và 24 khẩu pháo phòng không hạng trung 127 mm (5 inch).[14] Hệ thống radar cũng được nâng cấp bao gồm hệ thống nhận diện hồng ngoại, hệ thống phát hiện máy bay và hệ thống radar kiểm soát hỏa lực.[6] Sau một chuyến đi vận chuyển ngắn đến khu vực Nam Thái Bình Dương trong tháng 4, Yamato khởi hành đi Lingga cùng với Hạm đội Liên hợp của Đô đốc Jisaburo Ozawa.[6] Vào đầu tháng 6 năm 1944, Yamato và Musashi lên đường vận chuyển lực lượng đến Biak nhằm mục đích củng cố lực lượng phòng ngự trên đảo cũng như lực lượng hải quân bảo vệ hòn đảo.[16] Khi những tin tức đến được Ozawa về một lực lượng tàu sân bay Mỹ dự định tấn công quần đảo Mariana, nhiệm vụ trên bị hủy bỏ.[16]Từ ngày 19 đến ngày 23 tháng 6 năm 1944, Yamato hộ tống lực lượng Hạm đội Lưu động của Đô đốc Ozawa trong trận chiến biển Philippine, còn được các phi công Mỹ gọi tên lóng là "Cuộc săn vịt trời Marianas vĩ đại" hay "Trận bắn gà Marianas".[18] Hơn 400 máy bay Nhật Bản đã bị mất trong trận này, cùng với ba tàu sân bay bị đánh chìm bởi tàu ngầm và do không kích.[19] Cơ hội nổ súng duy nhất của chiếc Yamato trong suốt trận đánh trớ trêu thay lại là bắn nhầm vào máy bay Nhật đang quay trở về.[6] Sau trận đánh, Yamato cùng Hạm đội Lưu động rút lui về Brunei để tiếp nhiên liệu và đạn dược.[6]Từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 10 năm 1944, Yamato gia nhập lực lượng trung tâm của Đô đốc Takeo Kurita trong trận chiến vịnh Leyte, trận hải chiến lớn nhất trong lịch sử.[20] Trên đường đi, lực lượng bị tấn công tại eo biển Palawan bởi các tàu ngầm Mỹ Darter và Dace. Chỉ với ngư lôi, chúng vđã đánh chìm các tàu tuần dương Maya và Atago (soái hạm của Kurita), và gây hư hại cho chiếc Takao.[6] Việc này đã buộc Kurita phải chuyển cờ hiệu của mình sang chiếc Yamato. Trong trận chiến biển Sibuyan, Yamato trúng phải ba quả bom xuyên thép từ máy bay của tàu sân bay Essex. Tàu Musashi chị em với nó bị đánh chìm sau khi trúng mười bảy ngư lôi và chín quả bom.[6] Chiều tối ngày 24 tháng 10, lực lượng trung tâm của Kurita băng qua eo biển San Bernardino, và đã tấn công lực lượng yểm hộ nhỏ bé gồm các tàu sân bay hộ tống và các khu trục hạm lúc trời vừa sáng.[21] Lúc mở đầu trận chiến ngoài khơi Samar, Yamato giáp chiến cùng lực lượng tàu nổi đối phương lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong quãng đời hoạt động của nó, bắn trúng đích một tàu sân bay hộ tống, một tàu khu trục và một tàu khu trục hộ tống.[21][22] Sau khi pháo kích trúng đích chiếc tàu sân bay hộ tống Gambier Bay, Yamato phát hiện một loạt các ngư lôi Mỹ đang nhắm vào nó, và chiếc thiết giáp hạm buộc phải quay lui và không thể quay trở lại trận chiến.[6] Sau đó, lực lượng đặc nhiệm ngưng chiến sau khi ba tàu tuần dương hạng nặng bị đánh chìm, trong khi cả lực lượng đặc nhiệm chỉ có thể đánh chìm một tàu sân bay hộ tống và ba tàu khu trục.[22]Sau trận giáp chiến ngoài khơi Samar, Yamato và phần còn lại của Lực lượng A quay trở về Brunei.[23] Ngày 15 tháng 11 năm 1944, Hải đội Thiết giáp hạm 1 bị giải tán, và Yamato trở thành soái hạm của Hạm đội 2.[6] Vào ngày 21 tháng 11, trong khi đi qua biển Đông Trung Quốc trên đường rút lui về căn cứ hải quân Kure,[24] nhóm chiến đấu của Yamato bị tàu ngầm Sealion tấn công, khiến thiết giáp hạm Kongo và nhiều tàu khu trục bị mất.[25] Khi về đến Kure, Yamato được đưa vào ụ tàu để sửa chữa và nâng cấp hệ thống phòng không, khi nhiều súng phòng không kiểu cũ được thay thế. Vào ngày 25 tháng 11, Đại tá Hải quân Aruga Kosaku tiếp nhận quyền chỉ huy chiếc Yamato.[6]

1945: Các hoạt động cuối cùng và bị đánh chìm

Ngày 1 tháng 1 năm 1945, cả Yamato, Haruna và Nagato đều được chuyển sang Hải đội Thiết giáp hạm 1 vừa được tái thành lập; và Yamato rời ụ tàu hai ngày sau đó.[6] Khi Hải đội Thiết giáp hạm 1 bị giải tán một lần nữa vào ngày 10 tháng 2, Yamato được chuyển sang Hải đội Tàu sân bay 1. Vào ngày 19 tháng 3 năm 1945, Yamato chịu đựng một cuộc không kích nặng nề khi máy bay từ các tàu sân bay Mỹ Enterprise, Yorktown và Intrepid tấn công căn cứ hải quân chủ yếu Kure nơi nó đang neo đậu.[26][27] Tuy nhiên, chiếc thiết giáp hạm chỉ bị thiệt hại nhẹ,[26] một phần là nhờ căn cứ được phòng thủ bởi các phi công dầy dạn kinh nghiệm đang làm nhiệm vụ huấn luyện phi công mới, lái những chiếc máy bay tiêm kích mới Kawanishi N1K "Shiden" hoặc "George".[6][27] Dưới sự chỉ huy của Minoru Genda, người từng vạch kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng, sự xuất hiện của những chiếc máy bay tiêm kích này, vốn có tính năng bay ngang bằng hoặc vượt trội hơn kiểu máy bay tiêm kích chủ lực F6F Hellcat của Hải quân Mỹ, đã gây bất ngờ cho những kẻ tấn công, và nhiều máy bay Mỹ đã bị bắn rơi.[27] Hệ thống hỏa lực phòng không dày đặc và lớp vỏ giáp dày bảo vệ sàn tàu trên chiếc Yamato cũng giúp ngăn ngừa những thiệt hại đáng kể cho con tàu. Ngày 29 tháng 3, Yamato bắt đầu nhận đầy đủ đạn dược tiếp liệu nhằm chuẩn bị cho trận chiến ngoài khơi Okinawa mang tên Cuộc hành quân Ten-Go.[6]Cuộc hành quân Ten-Go là một cuộc tấn công tự sát chống lại lực lượng Hoa kỳ ngoài khơi Okinawa bởi Đệ nhị hạm đội bao gồm Yamato, một tuần dương hạm hạng nhẹ và tám tàu khu trục theo hộ tống, được bắt đầu vào ngày 6 tháng 4 năm 1945. Theo dự định của Hải quân Nhật, sau khi xuất phát từ Kure, Yamato sẽ phải tự mắc cạn tại bờ biển gần Okinawa và hoạt động như một pháo đài không thể chìm để dội pháo xuống lực lượng Mỹ trên đảo Okinawa bằng những khẩu pháo hạng nặng 460 mm (18,1 inch) của nó. Yamato chỉ mang theo nhiên liệu vừa đủ để nó đến được Okinawa, vì lượng nhiên liệu dự trữ không đủ để cung cấp cho nó đi đến Okinawa và quay trở về.[28] Trong khi đi ngang qua eo biển Bungo, Yamato và các tàu hộ tống bị các tàu ngầm Mỹ Threadfin và Hackleback phát hiện, cả hai đã thông báo cho Lực lượng Đặc nhiệm TF 58 về vị trí và hướng đi của Yamato.[6][4]Lúc 12 giờ 32 phút ngày 7 tháng 4 năm 1945, Yamato bị tấn công bởi một đợt đầu tiên với 280 máy bay của Lực lượng Đặc nhiệm TF 58, và bị đánh trúng hai quả bom và một quả ngư lôi.[6] Đến 14 giờ 00, hai trong số các tàu khu trục hộ tống cho Yamato bị đánh chìm.[4] Không lâu sau đó, một đợt tấn công thứ hai với sự tham gia của 100 máy bay nhắm vào Yamato và những chiếc tàu hộ tống còn lại. Lúc 14 giờ 23 phút, sau khi trúng phải 10 ngư lôi và 7 bom, hầm đạn phía trước của Yamato phát nổ.[4] Đám khói bốc lên từ vụ nổ cao đến 6,4 km (4 dặm) và có thể trông thấy ở khoảng cách 160 km (100 dặm) từ đảo Kyūshū.[29] Chiếc thiết giáp hạm lớn nhất thế giới đã bị đánh chìm ở tọa độ 30°22′N 128°04′E; và đã có 2.498 người trong tổng số 2.700 thành viên thủy thủ đoàn trên chiếc Yamato thiệt mạng, bao gồm Phó Đô đốc Seiichi Itō, tư lệnh Đệ nhị hạm đội và hạm trưởng Yamato Kōsaku Aruga.[6]

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro