"Hàng ký gửi" trên trời rơi xuống

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giống như sản phẩm trên thị trường hàng hóa, nhân sự ký gửi cũng có nhiều loại. Phổ biến hơn cả là loại "hàng" không đáp ứng đòi hỏi công việc nhưng cơ quan, đơn vị phải cắn răng nhận vào.

Tuần trước trên chuyên mục này, tác giả Nguyễn Quang Thiều đã điểm huyệt một vấn đề nhạy cảm là hiện tượng chạy chức chạy quyền trong đời sống xã hội của chúng ta. Đó là bài viết bàn về chuyện... vĩ mô. Còn tuần này, xin được nói về chuyện... vi mô, mức độ thấp hơn nhưng cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa thân quen thường thấy.

Không biết ai đó đã sáng tạo ra cụm từ "hàng ký gửi" mang đầy phong cách kinh tế thị trường khi nói về những nhân sự trên trời rơi xuống, dễ dàng vượt qua rào cản tuyển dụng để một sớm một chiều hóa thân thành người trong cuộc của một cơ quan, một doanh nghiệp.

Giống như sản phẩm trên thị trường hàng hóa, nhân sự ký gửi cũng có nhiều loại. Phổ biến hơn cả là loại "hàng" không đáp ứng đòi hỏi công việc nhưng cơ quan, đơn vị phải cắn răng nhận vào. Đây thường là những mặt hàng kém chất lượng.

Loại thứ hai là hàng tương đối có chất lượng mà chưa có thương hiệu, chỉ thỉnh thoảng nơi sử dụng gặp may mới vớ được, nhưng rất ít.

Loại thứ ba là hàng có chất lượng rồi nhưng muốn mượn con đường đi tắt đón đầu để nhanh chóng ngồi vào vị trí cao hơn ở nơi khác. Nhận loại hàng này có khi được lợi về sau bởi đây thường là hàng hiệu, tức loại nhân sự vừa có thế lực vừa được bảo đảm về chính trị. Nơi gửi thường là từ trên ép xuống qua con đường trực tiếp là người đứng đầu cơ quan, hoặc qua một cuộc phỏng vấn tuyển dụng chiếu lệ. Trong chừng mực thì đây là loại hàng quý mà không hiếm, dây mơ rễ má với người có chức quyền, khiến lãnh đạo cơ quan khó lòng từ chối.

Ở một số doanh nghiệp, mặt hàng này khá phổ biến vì không thuộc dạng bị bế tắc về công ăn việc làm, mà chấp nhận làm hàng ký gửi để có nơi rèn luyện thử thách hoặc để tiến thân theo con đường đã được lập trình "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Hàng ký gửi này thường đi từ vị trí một nhân viên bình thường rồi nhanh chóng trở thành một phó giám đốc, bước đệm chuẩn bị trở thành người đứng đầu đơn vị kinh doanh.

Tác động của hàng ký gửi thường mang dấu ấn tiêu cực nhiều hơn tích cực. Nhẹ nhàng là trường hợp các cậu ấm cô chiêu cậy thế cậy quyền, vừa gây khó khăn cho người quản lý nghiêm túc, vừa làm tổn thương đến văn hóa đơn vị phải dày công mới có được. Nặng nề hơn là lấy gốc gác ra mà hù dọa sếp: đừng quên chỉ một lời tâu bẩm của tôi là ghế của sếp có nguy cơ phải lung lay! Hàng ký gửi quá nhiều trong một cơ quan, đơn vị có khi lại xảy ra tình trạng lôi kéo phe nhóm, phe anh Hai kình địch với phe anh Bảy, bằng mặt mà không bằng lòng.

Về cái lợi cái hại của hàng ký gửi, suy cho cùng thì cũng tùy theo loại hàng và sự linh hoạt của người sử dụng. Thông thường cơ quan đơn vị nào hoạt động tốt cũng là nhờ đặt nhân sự đúng từng vị trí. Nhận hàng ký gửi kém chất lượng vào, lại đặt không đúng chỗ thì sẽ làm cho bộ máy chậm lại, điều này thường xảy ra ở khu vực nhà nước.

Nhưng nếu biết tận dụng thì hàng ký gửi có thể mang được lợi ích cho đơn vị. Chẳng hạn như trường hợp một doanh nghiệp ngành dược nước ngoài nhận hàng ký gửi là con của một giám đốc Sở Y tế vào vị trí marketing, đã tạo được rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong các thương vụ làm ăn, từ giấy phép nhập hàng đến tổ chức phân phối. Cũng như nếu có doanh nghiệp hoan hỷ nhận hàng ký gửi là con của một cán bộ quyền cao chức trọng trong ngành thuế vào làm kế toán trưởng, thì khỏi cần phải tìm hiểu chúng ta cũng biết vì sao. Tuy nhiên, loại hàng ký gửi như vậy thường dễ "hoàn thành nhiệm vụ lịch sử" khi chỗ dựa không còn. Thế cho nên phát huy được hiệu quả hàng ký gửi hay không là do tài ứng phó và những mối quan hệ của các sếp, kể cả việc đẩy được hàng ký gửi đi một cách nhẹ nhàng cũng là cả một nghệ thuật.

Đôi khi hàng ký gửi cũng bị hàm oan, khi được cân nhắc lên vị trí phù hợp nhờ chứng minh được năng lực của mình, nhưng vẫn bị mang tiếng "chẳng qua do là hàng ký gửi". Thế là nảy sinh mặc cảm và không ít người đã ra đi vì mang nặng mặc cảm ấy.

Cho dù sử dụng hàng ký gửi tốt hay xấu thì nhìn chung đây cũng là một tệ nạn giết chết tính minh bạch, phá vỡ các tiêu chí công bằng của hệ thống tuyển dụng nhân sự và trong sâu xa làm cản trở con đường đi của nhà nước pháp quyền.

Nhưng liệu có triệt tiêu được tệ nạn này không? Khó lắm, bởi đây là một biểu hiện của chủ nghĩa thân quen vốn có thiên hình vạn trạng. Đã có bài học kinh nghiệm từ nước láng giềng. Ba năm trước đây, Trung Quốc từng ban hành một loạt qui định nhằm hạn chế tình trạng nhờ vả, gửi gắm người thân của các quan chức vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nhưng rồi kết quả đâu lại vào đấy, may lắm cũng chỉ giảm bớt được phần nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#matbao6