HÀNG XÓM !

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngôi nhà hai tầng bên sát cạnh nhà tôi vừa mới xây xong. Tôi không còn nhìn thấy những người thợ ra vào từ đó bấy lâu nay nữa. Mỗi khi thức khuya làm bài tập, tôi cũng không còn nghe thấy tiếng chan chát của kim loại lệch kệch phát ra từ phía bên trong ngôi nhà đó nữa. Mọi thứ dường như đã được hoàn thiện tươm tất. Việc cuối cùng chỉ còn đợi chủ nhà mang đồ đạc của họ đến và trở thành hàng xóm mới của nhà tôi mà thôi...

Nhưng rồi, mọi chuyện không chóng vánh như tôi đã nghĩ. Con mắt của tôi bắt đầu tò mò cuốn về phía cánh cổng của ngôi nhà đó mỗi khi đi học về. Hai tháng trôi qua và chẳng có ai đến nhận ngôi nhà đó cả. Ban đầu, tôi nghĩ rằng sẽ có một gia đình nhỏ như gia đình tôi dọn vào căn nhà ấy, nhưng không phải. Có vẻ như họ chỉ xây nên như thế và không có ý định cư ngụ tại đây. Thế nên, ngôi nhà ấy cứ ở trong trạng thái im lìm như vậy suốt chừng ấy thời gian. Mẹ tôi nói có lẽ họ đang tìm người đến thuê căn nhà đó, còn bố tôi thì phì cười khi nghe bà nói thế. Ông bảo rằng họ sẽ chẳng kiếm được ai thuê ngôi nhà đó cả. Ông còn nói, chỉ có những kẻ lá gan to bằng trời hoặc mắt nhắm mắt mở mới đến thuê cái chỗ như thế. Hoặc có thể lắm, họ sẽ phải rao một cái giá rẻ mạt rồi bán nó đi càng sớm càng tốt. Hả? Bởi vì sao ư? Bởi vì... khu dân cư mà gia đình tôi đang ở đây... vốn có rất nhiều quỷ không đầu hiện hình hằng đêm. Chúng hay đứng tại các góc tối ở các con hẻm và chờ trực những kẻ lang thang về đêm đi ngang qua. Chúng thích nuốt trọn hết tim gan của họ bằng cái miệng nhơ nhuốc máu xòe ra ở chiếc cổ trắng bệch của mình. Vào những đêm không rình bắt được con mồi nào, chúng sẽ lẻn vào những ngôi nhà có người ở quanh đó và ăn những miếng mồi tươi sống ấy cho đến khi dạ dày cuả chúng thỏa mãn thì thôi.

Đấy chính là lí do vì sao... mà vào hai ngày trước đây... có rất nhiều cái lưỡi đỏ lè bay lơ lửng quanh bàn học của tôi như vậy...

Tôi nói đùa đấy! Hì! Tôi nói đùa đấy!

Làm gì có chuyện ma quỷ. Tôi chỉ bịa ra để hù dọa mọi người thôi. Vì sự vắng lặng của căn nhà đó thu hút nhiều sự hiếu kỳ của bọn trẻ con trong khu phố, nên tôi mới vẽ chuyện ra để hù bọn nhóc. Thật ra... chẳng có chuyện như thế đâu.

- Anh Tân xấu xí! – Đám nhóc đột nhiên đồng loạt xô tôi ngã lăn ra đất.

Lưng tôi trải dài trên sân cỏ ẩm ướt. Lớp cát đen bẩn được dịp bám đầy trên chiếc áo đồng phục trắng tinh của tôi. Tôi điên tiết lập tức bật dậy quát đám nhỏ:

- Đẩy anh ngã rồi bảo anh xấu à? Xem ra bọn mày này càng lớn... càng ranh ma hơn con quỷ nhà anh rồi. Áo này mẹ anh mới giặt rồi phơi khô hôm qua cho anh, chúng mày làm cái gì thế này?? Ây da... Cùi chỏ chảy máu rồi đây này!

- Ai bảo... ai bảo... ai bảo anh hù chúng em phát khiếp... Anh Tân ác quá đi!

Thằng Hân 7 tuổi liền đứng ra trước hét dội lại về phía tôi. Đám nhóc đứng cạnh nghe thế cũng hùa theo rồi kết luận tôi là đại ác ma của bọn chúng ngày hôm đó. Tôi liền túm lấy lưng áo của thằng Hân và nhấc nó lên cao. Tôi nhếch mép hỏi nó:

- Ai dạy mày nói người khác ác thế? Coi phim siêu nhân nhiều quá rồi đọc luôn kịch bản với anh mày hả?

- Bỏ em xuống ngay! Bỏ em xuống! – Thằng Hân lập tức khóc thét ầm ĩ cả lên.

- Ê... ê... - Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn nó. – Anh... anh... anh đã làm gì mày?

Thằng nhóc mặc kệ tôi nói gì. Nó gân cổ gào rất lớn. Nhiều người đi đường khi nghe thấy tiếng hét của thằng nhỏ liền cau mày trừng mắt nhìn về phía tôi. Thấy vậy, tôi nhanh chóng thả thằng bé xuống rồi khuỵu xuống vỗ lưng dỗ dành nó:

- Lạy các siêu nhân... Anh thua rồi! Bó tay chịu trói rồi! Đại ác ma hôm nay thua các siêu nhân rồi đấy! Thua rồi... Thua rồi... Đừng khóc nữa... Con trai gì mà... hay mít ướt thế không biết?!

Thằng Hân liếc nhìn tôi với ánh mắt đầy căm phẫn. Đôi môi mỏng dính của nó đã ngậm đầy hai hàng nước mắt. Tôi lặng người nhìn thằng nhỏ. Gương mặt của nó méo xệch và sưng phồng lên như kiểu bị sốt ban. Nó vừa khóc nấc vừa huơ tay đánh lên đầu tôi loạn xạ:

- Ghê quá đi... Đừng có kể mấy chuyện ma... Ghê lắm... Sợ lắm... Hu hu...

Đám nhóc còn lại thấy thằng Hân khóc lớn như thế, cũng quay ra khóc hùa theo nó. Đâm ra, tôi tự dưng bị một giàn đồng ca lè nhè của chúng vây lấy ăn vạ. Những người lớn quanh đó thấy con cái của họ đang đứng khóc cạnh tôi liền vội lao đến chộp lấy con họ và ném về phía tôi cái ánh nhìn đề phòng. Tôi phì cười rồi đưa tay đập mạnh vào trán mình, thầm kêu khổ:

- Con nít chúng mày bây giờ... đáng sợ quá đi! – Rồi tôi hét vào đám trẻ con còn sót lại. – Chúng mày về nhà hết đi! Không thì lát nữa... quỷ không đầu đến xơi thịt đấy! TA LÀ QUỶ KHÔNG ĐẦU ĐÂY!!!!

- Nói dối! Nói dối!

Đám nhóc đồng loạt hét về phía tôi rồi ném liên tục một loạt mưa sỏi vào tôi. Tôi choáng váng lùi ra sau để tránh nhưng vẫn không thoát được vòng vây dữ dội ấy. Bọn nhóc cứ theo đà mà tiến tới tấn công tôi. Càng nghe thấy tôi oai oái kêu đau, chúng nó càng cảm thấy phấn khích và ném nhiều sỏi hơn nữa. Vì quá kinh sợ,tôi quay ra sau toan vùng thoát thì lại ngã bổ nhào vào vũng bùn. Đó là một cú ngã sấp nên gương mặt điển trai đáng thương của tôi cũng tiếp đất "an toàn" lên thứ chất lỏng đen ngòm ấy. Miệng tôi vừa ho ra đất vừa quát lớn về phía đám trẻ con ngỗ nghịch đó:

- Bọn chúng mày có thôi không hả??? Tao là quỷ không đầu đây!!! Tao phải ăn hết chúng mày!!! ĂN HẾT CHÚNG MÀY!!!

Tôi gầm lên như một con thú hung tợn. Lớp bùn đen dính trên mặt tôi khiến cho tôi càng giống một con quỷ vừa biến hình hơn. Khi trông thấy bộ mặt bùn đất gớm ghiếc của tôi, đám nhóc liền thét lên kinh hãi. Chúng nó cắm đầu cắm cổ chạy tán loạn vào các ngõ ngách. Kẹo bánh mà tôi phát cho hôm nay cũng lộp cộp rơi khỏi cặp sách của bọn chúng. Những vỏ kẹo lấp lánh đầy sắc màu cứ thế rải ngổn ngang trên những con hẻm sâu hun hút. Chúng khiến tôi nhớ đến tuổi thơ ngày xưa của mình. Hồi đó, tôi cũng hay được mọi người cho kẹo. Chính vì gương mặt bầu bĩnh, xinh xắn của tôi vào lúc ấy đã thu hút bao sự ngưỡng mộ của người lớn, nên họ đã cho tôi rất nhiều kẹo. Tôi đã thưởng thức rất nhiều , rất nhiều loại kẹo ngon trên đời. Tôi biết tất cả hãng kẹo bán ở ngoài chợ qua bộ sưu tập vỏ kẹo của mình. Tôi có thể nói chính xác viên kẹo bất kì nào đó có mùi vị thế nào, tôi đã ăn được bao nhiêu viên như thế, cái nào theo tôi là ngon hơn. Tôi có thể trả lời tất tần tật các câu hỏi đặt ra, miễn là chủ đề của chúng... đều về kẹo.

Kết quả là sau đó, tôi đã thay răng sớm hơn bố mẹ tôi mong đợi.

- Anh Tân?! Anh Tân không sao chứ? Anh không sao chứ?

Thằng Hân đưa tay áp vào má của tôi rồi dùng tay áo của nó chùi đi lớp bùn bẩn đang sắp khô dần. Bộ áo siêu nhân này của nó đang mặc là món quà tôi tặng nó nhân dịp sinh nhật vừa rồi. Thực ra chiếc áo này vốn dĩ là quà sinh nhật của tôi năm 8 tuổi. Tôi không mặc nó vì màu sắc của nó không giống như màu của những vỏ kẹo. Nó xám xịt và không sặc sỡ. Bây giờ tôi đã 15 tuổi. Dù gu thẩm mỹ của tôi đã đổi khác, nhưng chiếc áo này cũng chẳng thể mặc vừa nổi nữa. Vì nó trông còn mới, nên tôi quyết định tặng cho thằng Hân. Tôi cứ đinh ninh là nó sẽ mặc vừa, nhưng ai dè chiếc áo lại trở nên thùng thình đối với một thằng nhóc có vóc hình nhỏ thó như nó.

Thấy tiếc cho chiếc áo mới cho đi, tôi đẩy thằng bé sang một bên, cộc cằn nói lớn:

- Thằng này hôm nay giỏi nhỉ? Ném đá cả vào anh mày nữa sao?

- Em đâu có ném đâu! Chúng nó tự ném đấy chứ!

- Còn cãi à? Rõ ràng anh thấy mày ném mà. – Tôi chỉ tay vào bả vai trái của mình. – Đây này, mày ném anh chỗ này này. Ây da... Đau quá đi!!! – Tôi rên rỉ.

Thằng Hân liền đứng bật dậy, nhíu mày nhìn tôi giận dữ:

- Anh Tân ác! Ác quá! Ác quá!

Tôi tròn mắt nhìn thằng nhỏ:

- Ác?! Mày ném anh rồi bảo anh ác?

Thằng Hân phản ứng lại ngay. Nó nói lớn hơn:

- EM KHÔNG CÓ NÉM MÀ!

Đôi mắt của nó ngấn đỏ rồi tuôn dài hai hàng nước mắt. Nó lấy tay lên lau đi nước mắt. Lớp bùn trên gương mặt tôi cũng vì thế mà chuyển lên gương mặt ngây thơ của đứa trẻ. Thằng nhóc chẳng nhận ra điều đó. Nó không biết trông nó cũng đang nhơ nhuốc giống một thằng hề như tôi. Tôi thần người nhìn thằng nhỏ một lúc rồi phì cười. Thấy tôi cười nhạo, thằng bé không thèm nói với tôi nữa. Nó liền quay đi rồi chạy về phía con hẻm số 2 hướng về nhà. Đó cũng là con hẻm hướng về nhà của tôi. Chúng tôi đúng ra... chính là hàng xóm của nhau...

***

Hôm nay, trời đổ mưa lớn. Mẹ rối rít gọi tôi phụ bà thu đống quần áo đang phơi khô ngoài ban công. Tôi chạy ra tháo nhanh từng chiếc kẹp mắc ở trên cao cho bà. Mặc dù bố mẹ tôi đều không có được chiều cao lí tưởng như tôi, nhưng con trai của họ lại được hưởng gen di truyền đó từ ông nội của nó. Ông của tôi hồi đấy là người cao nhất làng. Ông đi đến đâu, ai cũng phải đứng lại ngước nhìn vì chiều cao đáng nể đó của ông. Bố tôi tự hào về chiều cao của tôi lắm. Ông nghĩ tôi sau này sẽ trở nên giỏi giang hơn ông. Ông đặt rất nhiều niềm tin lên tôi vì điều đó. Còn mẹ tôi lại khác, bà lại cảm thấy xót xa khi mỗi lần thấy tôi nhích lên từng centi như thế. Đơn giản vì khi tôi càng cao lên, người của tôi càng gầy hơn, và mẹ tôi lại không thích sự ốm yếu đó ở tôi. Bà luôn nghĩ tôi sẽ không khỏe. Vì thế, bà cố gắng nấu cho tôi rất nhiều món ngon. Tôi ăn tất cả các món ăn của bà nấu, nhưng chiều cao của tôi lại không ngừng thắng thế. Rốt cuộc, mẹ tôi vẫn cứ lo.

- Đống quần lót của bố trên đó nữa!!! Lấy nhanh nhé Tân!!

Mẹ tôi vừa ôm đống quần áo nặng trịch trên tay vừa hối hả lao vào bên trong. Tôi nhanh kéo mớ quần lót của bố xuống rồi thầm nghĩ trong đầu. Có lẽ, lần sau tôi nên treo thấp hơn cho mẹ. Một hạt mưa chợt vô tình nhỏ thẳng vào mắt tôi. Tôi giật mình liền lập tức quay đi dụi mắt. Bất chợt lúc đó, tôi lòa nhòa thấy có bóng người trong màn mưa trắng xóa ở phía dưới ban công. Bọn họ đang tiến vào căn nhà bỏ trống bên cạnh. Tôi tò mò rướn mình ra khỏi thành ban công và dõi theo bọn họ. Tôi nhận ra đó là hình dáng của bốn người riêng biệt. Có thể đây là một gia đình giống như gia đình ba người của tôi. Họ gồm hai vợ chồng, và hai cô con gái lớn nhỏ. Nước mưa cứ thế trôi như suối trên gương mặt của tôi. Tôi không để ý đến điều đó mà cứ đứng cười tủm tỉm một mình. Cuối cùng thì... hàng xóm mới của tôi... đã đến!

- Hân ơi! Xuống mở cửa cho anh mày đi!

Tôi ngửa cổ lên gọi tên thằng nhóc. Tôi thấy cái đầu tí hon của nó lộ ra ngoài của sổ phòng học. Trông thấy tôi, nó vẫy tay ra hiệu rồi quay nhanh vào trong nhà. Dù đứng trước cổng nhà thằng bé, nhưng tôi vẫn nghe thấy rõ tiếng bước chân của nó lao vội vã xuống dưới cầu thang. Mỗi lần có tôi sang nhà chơi, là nó mừng thế đấy. Thực ra, nhà của nó cũng chẳng xa xôi gì. Ngôi nhà của nó ở ngay sát cạnh nhà tôi. Ngôi nhà là căn hộ cuối cùng của con hẻm cụt này. Những dãy nhà ở đây đều phải đối diện với lưng sau của dãy nhà song song trước mặt. Vì thế, nhà thằng Hân chỉ có mình nhà tôi là hàng xóm.

- Anh Tân lên lầu đi! Hôm nay cô mới tặng em đĩa siêu nhân coi hay lắm!

Thằng bé mở cửa ra chào tôi bằng một nụ cười tươi rói. Tôi cũng cười đáp lại nó nhưng không được tự nhiên cho lắm. Tôi đang tính rủ thằng bé đi thả diều, thì không ngờ nó lại đang có hứng thú với mấy bộ phim siêu nhân. Đành chiều thằng bé, tôi để nó kéo tay mình vào trong nhà. Mẹ của thằng Hân trông thấy tôi liền mỉm cười trìu mến nói:

- Tân đến rồi đó à! Thi cuối kì xong chưa cháu?

Tôi cúi chào bà ấy rồi đáp:

- Thi xong hết rồi cô ạ. Nghe thấy Hân cũng vừa nhận bằng khen xong, nên con qua đây chơi với em.

Mẹ của thằng bé dúi vào tay tôi một đĩa hạt dẻ còn thơm nóng. Bà nhìn tôi với một ánh mắt vô cùng yêu mến rồi vỗ nhẹ lên vai tôi nói nhỏ:

- Nhờ cháu cả đấy, Hân nó được cô giáo khen suốt thôi. Cô chú nói gì nó cũng chẳng nghe. Âý mà nói anh Tân bảo thế, nó nghe lời lắm đấy. Hì hì.

Tôi quay sang nhìn thằng Hân. Nó đang huơ đĩa siêu nhân mới được tặng cho ra khoe cho tôi xem. Tôi đưa tay ra hiệu cho nó lên lầu để cùng xem. Thằng bé thích thú liền một mạch lao nhanh lên phía trên. Tôi đi theo tiếng gọi í ới của nó. Giọng nói của nó cũng chẳng khác trước là bao. Nó vẫn cứ trong vắt như dạo trước. Tôi luôn tự hỏi đến khi nào, tôi mới có thể nghe thấy chất giọng đàn ông mới mẻ kia của nó. Nếu như ngày đó tới, khoảng cách giữa tôi và nó chắc chắn sẽ khác trước. Tôi đang sắp sửa có cảm giác như mình sắp thành chú của thằng bé luôn rồi đây.

- Hay không anh Tân? Siêu nhân đẹp quá đi. Em muốn mặc áo siêu nhân quá.

Tôi vừa ngáp dài vừa xoa đầu thằng nhỏ nói:

- Ừ... Hay lắm đó nhóc. Cô giáo em biết lựa phim quá.

- Anh Tân thích siêu nhân nào? – Thằng Hân tò mò nhìn tôi.

Tôi càng ngáp dài hơn nữa rồi đáp đại:

- Cái con màu đỏ ấy. Trông có vẻ mạnh lắm. Đánh quái vật một nhát chết luôn còn gì...

Hân nghe thế liền vỗ tay thích thú. Thằng bé chỉ tay vào màn hình rồi nói:

- Thế thì em thích siêu nhân màu vàng.

Tôi phì cười nhìn thằng nhỏ:

- Mày thích màu đỏ thì cứ nói là thích đi. Anh nhường màu đỏ cho mày đấy. Anh thích con màu vàng.

Nghe tôi nói thế, thằng Hân nghiêng đầu nhìn tôi bằng một dấu chấm hỏi. Đôi mắt tròn xoe của nó ánh lên như hai viên ngọc trai đen bóng hướng về phía tôi. Tôi nhận ra mái tóc đinh mà tôi cắt cho một tháng trước giờ đã dài phủ kín hai bên tai của thằng bé. Những sợi tóc mềm mượt của nó như đang ôm chầm lấy các ngón tay to dài của tôi. Màu tóc ánh nâu như cánh gián đó cùng đôi mắt đượm buồn phía trên gương mặt của Hân chợt khiến tôi có cảm giác lạ lẫm. Tôi chưa bao giờ thấy thằng bé có vẻ mặt mang theo suy nghĩ nội tâm như thế này cả. Nói cách khác, nó chẳng bao giờ nhìn tôi lâu mà không nói năng gì thế này.

Lát sau, nó lí nhí nói trong miệng:

- Anh Tân thích con màu đỏ đi. Em... thì... con màu vàng.

Rồi tôi phá lên cười. Tôi choàng tay quanh cổ thằng bé rồi kéo về phía mình. Người của thằng nhóc nhẹ bẫng. Nó cũng đã 10 tuổi rồi. Tôi cảm giác như nó chẳng lên cân tẹo nào suốt 3 năm nay. Cuối tuần tôi hay dẫn nó sang nhà tôi ăn đồ của mẹ tôi nấu. Mẹ tôi toàn nấu những loại món ăn đến cả kiến cũng phải tăng trọng... thì tại sao?

Tôi nhìn thằng nhóc đang cố gắng cục cựa trong tay của mình rồi tự hỏi trong đầu. Mặc dù tôi đã bồi bổ cho nó đến thế rồi, vậy mà nó cũng không mập ra được chút nào hay sao?

- Bỏ em ra anh Tân!!! Khó thở quá!!! Bỏ ra!!

Tôi buông thằng Hân và nhận ra bộ mặt tím tái của nó. Vì mải suy nghĩ nên tôi cũng quên mất tay mình đang quấn chặt lấy cổ thằng bé. Chắc nó sợ tôi phát khiếp mất thôi.

- Không cho anh Tân thích con màu vàng! Không cho!

Nhận ra vết hằn của các ngón tay trên cổ của Hân, tôi đưa tay toan xoa lên cổ thằng nhóc thì nó rụt người lại. Thay vì sợ sệt, nó nhìn tôi bằng ánh mắt giận dữ. Tôi cao giọng lên với thằng bé:

- Lại đây cho anh xem cổ đi! Mấy con siêu nhân tí nữa nói sau! Lại đây xem xem nào!!

Thằng Hân giằng ra bĩu môi phụng phịu:

- Không được thích con màu vàng. Không cho thích con màu vàng.

Tôi đành thuận theo thằng bé mà dỗ dành nó:

- À... ừ... Anh thích con màu đỏ. Anh thích con màu đỏ. Con màu vàng không mạnh bằng con màu đỏ. Con màu vàng là con gái hay mít ướt quá. Con màu đỏ hoành tráng, dũng cảm. Chà chà... con màu đỏ oai hơn nhiều... Oai hơn con màu vàng của Hân nhiều... chà chà... Anh thích con màu đỏ...

Thằng Hân cứ nghe tôi dỗ dành nó. Tôi cảm giác như nó chẳng bỏ sót một câu chữ nào phát ra từ miệng của tôi cả. Đôi mắt của thằng bé cứ đăm đăm nhìn vào tôi. Tôi xoa dầu lên cổ thằng bé. Nó chẳng kêu tiếng nào cả. Loại dầu gió này bắt đầu nóng ran ở các đầu ngón tay của tôi rồi. Thật lạ là thằng nhóc chẳng kêu ca gì cả.

Tôi đóng nắp chai dầu lại rồi khen thằng nhỏ:

- Hân dũng cảm đó nha. Siêu nhân vàng tuy yếu hơn siêu nhân đỏ nhưng mà dũng cảm ghê lắm đó. Dũng cảm là quái vật chết hết. Quái vật... sợ chết hết!!

Vừa nói, tôi vừa nhe răng ra cười như một ông cụ non. Thằng Hân không nói chuyện với tôi nữa. Nó mở đầu máy rồi cất đĩa siêu nhân đi. Nó cũng chẳng chào tôi lấy một tiếng lễ phép như dạo trước nữa. Nó rời khỏi phòng rồi đóng sầm cửa lại phía sau lưng. Bất giác, sự ra đi của nó lúc đó... khiến tôi có cảm giác hụt hẫng và trống trải. Cảm giác ấy không được thoải mái cho lắm.

***

Tôi bắt đầu bấm chuông cửa căn nhà kế bên. Một bạn nữ trắng trẻo, xinh xắn bước đến mở cánh cổng. Bạn ấy nhìn tôi mỉm cười thân thiện. Mái tóc đen nhánh của bạn ấy hôm nay xõa dịu dàng xuống hai bên vai. Nó trông rất hợp với sự giản dị và thuần khiết vốn có ở bạn ấy. Thấy tôi không nói năng gì, bạn ấy đưa tay lên che miệng cười khẽ. Lúm đồng tiền cuốn hút của bạn ấy lần nữa lại đập vào con tim ngơ ngàng của tôi những nhịp điệu hỗn loạn.

- Hôm nay mình và cả nhà phải đi chơi xa rồi. Mình không đi thả diều với bạn được rồi.

Tôi lúng túng đưa khung diều ra sau lưng rồi lắp bắp đáp lại:

- À... không phải đâu... Mình vừa đi thả diều về thôi. Chỉ là tiện đường... đi ngang qua bấm cửa để... để...

Bạn nữ ấy hơi quanh mặt đi cười tủm tỉm. Hai bên má thoáng ửng hồng lên. Tim tôi vì thế mà càng đập rộn ràng hơn.

- Lần sau... bạn đừng bấm cửa lung tung nữa. Bố mẹ mình không thích đâu. Khi nào rảnh, mình... sẽ bấm cửa bên nhà bạn.

Nói rồi, bạn nữ ấy ẩn mình đằng sau cánh cửa. Tôi vì quá đỗi vui sướng nên cứ đứng bất động ở đấy rất lâu. Lần đầu tiên trong những lần tỏ tình trước đây của tôi, cô bạn nữ xinh xắn ấy cuối cùng cũng đã nhận lời kết thân với tôi. Tôi mừng như sắp phát khóc tại chỗ. Tôi cứ đứng như thế mà không hay biết thằng Hân đang chọi sỏi lên đầu mình. Cho đến viên sỏi cuối cùng, là cái viên duy nhất ném trúng mắt của tôi, tôi mới xù lông lên điên tiết rượt theo thằng nhỏ. Thằng nhỏ vừa chạy vừa hét to:

- Anh Tân có bạn gái rồi!!!! Anh Tân có bạn gái rồi!!!

Thằng bé hét to quá. Nó khiến cho mặt tôi đỏ bừng cả lên. Tôi không rượt theo nó nữa. Nó quay lại nhìn tôi cười tươi rói:

- Xong rồi nhé. Đi thả diều thôi anh Tân!!

Tôi đưa tay ra hiệu cho thằng bé lại gần rồi ôm chầm lấy nó mừng rỡ. Nước mắt tôi tuôn ra không ngừng rồi thỏ thẻ vào tai thằng nhỏ:

- Đệ đệ tốt của anh. Giỏi lắm. Cừ lắm... siêu nhân vàng.

Thằng Hân cũng quàng tay ôm lấy cổ tôi. Nó biết rất rõ tại sao tôi lại khen nó nhiều đến thế. Nếu không nhờ nó đưa thư của tôi cho cô bạn xinh xắn, chắc còn lâu cô bạn ấy mới chịu mở cửa cho một tên si tình nhút nhát như tôi.

- Hì hì... hôm nay anh khao nhóc đi uống bia. Chịu không?

Đôi mắt của thằng Hân sáng lên nhìn tôi. Nó cũng rất hứng thú với lời đề nghị không tồi đó. Thế là tôi kéo nó ra ngay tiệm tạp hóa và gọi cho nó một lon bia. Tôi nháy mắt với bà chủ tạp hóa. Bà ấy hiểu ý của tôi rồi xoay vào bên trong lấy lon bia theo yêu cầu. Thằng Hân háo hức nhìn tôi trả tiền cho bà ấy rồi đón lấy lon bia từ tay tôi. Tôi giúp nó tháo ống hút ra rồi cắm vào lon bia. Nó ngậm ống hút rồi ừng ực uống. Tôi xoa đầu nó hỏi:

- Bia ngon không?

Nó nhe răng ra cười. Đôi mắt của nó típ lại như hai cánh bồ câu. Kẽ răng của nó ngấn đầy chất sữa trắng đục. Nó gật đầu lia lịa rồi tấm tắc khen "lon bia" trên tay:

- Bia anh Tân mua là ngon nhất!

Tôi nhìn nó phì cười. Điệu bộ của nó hiện tại làm tôi nhớ đến lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Hôm đó, tôi đang đi bộ về nhà. Nói đúng hơn là chiếc xe đạp của tôi đã bị xẹp lốp. Tôi phải vác cái vật thể cồng kềnh ấy về đến nhà. Tôi bắt gặp Hân tại đầu hẻm nhà mình. Lúc đó, trời đang mưa tầm tã. Thằng bé run cầm cập thu mình vào một chậu cây kiểng lớn như một chú chuột nhắt lạc đàn. Tôi tiến lại hỏi han thằng bé thì chẳng thấy nó nói năng gì. Nó chỉ khóc thôi. Thấy người thằng bé nóng ran, tôi lập tức quẳng xe đạp xuống rồi cõng nó về nhà mình. Mẹ tôi chườm mát cho thằng Hân suốt 3 tiếng đồng hồ liền. Đến lúc thằng bé tỉnh dậy, nó chẳng dám bắt chuyện với ai trong gia đình chúng tôi cả. Nó cũng không nhớ địa chỉ nhà nó là ở đâu. Bố mẹ tôi đành ra đồn công an. Còn tôi thì ở nhà một mình với thằng bé.

- Khác! Khác!

Tôi giật mình nghe thấy tiếng ngọng nghịu của thằng bé nói với tôi. Thằng bé nhìn tôi bằng đôi mắt khẩn thiết. Tôi đoán là nó đang nói đến chữ "khát". Nghĩ thế, tôi bèn lục trong tủ lạnh nhà mình rồi lấy cho nó một hộp sữa Yomilk. Tôi đổ sữa ra ly cho thằng bé. Nó đón lấy ly sữa từ tôi rồi uống ừng ực. Nó uống như một tên bợm nhậu chính hiệu. Dòng nước trắng đục liên tục chảy dày xuống khóe miệng của thằng nhỏ khiến tôi có tưởng tượng như thế. Tôi bèn trêu nó:

- Uống bia ngon không nhóc?

- Bi... bi... bi... bia... a? – Thằng bé bập bẹ theo lời tôi.

- Ừ... bia... Bờ i a ia... Bờ ia BIA! – Tôi chỉ nó đánh vần.

Thằng bé chắc thấy tôi chu mỏ trong ngộ nghĩnh. Nó nhe răng ra cười với tôi. Chính những hàm răng đều đặn lẫn với màu của sữa ấy làm tôi nhớ mãi. Vị hàng xóm nhỏ này của tôi đúng là không đơn giản gì mà tôi quen biết được. Tôi đã phải mời cả "bia" mới kết thân được với nó đấy.

- Sau này... nếu không phải là bia của anh Tân từng mua, ai mời cũng không được uống đó, nghe chưa?

Tôi vừa dắt thằng Hân đi ra bãi đất thả diều vừa dặn dò thằng bé. Thằng bé cùng lúc cũng đã hút cạn hết lon sữa. Nó gật đầu lia lịa đáp lại với tôi:

- Dạ! Chỉ uống bia của anh Tân thôi!

Bóng của hai chúng tôi, một lớn, một bé, đều trải ra bất tận trên con đường dài. Bóng của thằng Hân cứ hiếu động không ngừng bên cạnh tôi. Bóng của tôi thì vẫn trầm lặng dõi theo bóng của nó. Tuy chúng tôi không giống nhau về tính cách, tuổi tác thì cách khá xa nhau, nhưng cả hai chúng tôi đều có một điểm chung nhất.

- Diều của em bay cao hơn diều anh Tân rồi nàyyyyy.....!!!!

Chất giọng trong vắt muôn thuở của thằng Hân hòa vào ngọn gió lộng. Tôi xoay vài vòng nới dài dây diều của mình rồi tiếp tục đấu khẩu với thằng bé:

- Nhìn lại đi nhóc. Diều của anh mày cao hơn rồi nhé!!!

Rồi dây diều của tôi bị đứt. Ngọn gió ở trên cao cùng sự hiếu thắng của tôi quá lớn so với sức chịu đựng của nó. Thằng Hân thấy tôi đứng ngơ ngác nhìn về phía con diều vừa bị hạ bệ. Nó bèn chạy đến dúi vào tay tôi con quay của nó. Tôi lặng người nhìn thằng bé rồi mỉm cười với nó:

- Cảm ơn nhé... hàng xóm.

Đôi mắt trong veo của thằng bé cứ thế đăm đăm nhìn vào nụ cười của tôi. Đúng thế đấy, tuy tôi và nó không có nhiều điểm tương đồng, nhưng cả hai chúng tôi... đều là hàng xóm tốt của nhau...

***

Tôi thở dài thườn thượt nhìn lên trần nhà. Không biết tôi đã đếm bao nhiêu vòng quay của cánh quạt trên đó rồi mà vẫn chưa thấy chán. Thằng Hân cứ kéo tay tôi không ngừng và đòi tôi ra ngoài chơi với nó. Tôi giằng ra rồi quát khẽ thằng bé:

- Đừng có phá anh mày. Anh mày đang điên đầu lắm đây...

Thằng Hân liền hỏi tôi ngay:

- Anh Tân gặp chuyện gì thế? Sao hôm nay... anh Tân buồn thế?

Tôi lại thở dài rồi nói với thằng nhóc:

- Cô gái bên cạnh đó nhóc à... cô ấy đang gặp chuyện buồn. Mẹ của cô ấy không thương cô ấy. Mẹ cô ấy thương em gái cô ấy hơn. Cô ấy bị đối xử như thế, anh thấy thương cho cô ấy...

Thằng Hân bỗng sùy một tiếng. Tôi giật mình quay ra nhìn nó. Lần đầu tôi thấy nó ném cho tôi cái bộ mặt khinh khỉnh như thế. Tôi chỉ là đang nói bâng quơ cho bản thân mình nghe thôi. Không ngờ thằng nhóc đứng đấy nghe và hiểu được. Nó nhìn tôi rồi lắc đầu tặc lưỡi như một người khá rành chuyện. Tôi càng giật mình hơn khi sau đó nó đột nhiên vỗ lên vai của tôi rồi nhếch mép cười nói:

- Ông anh à... con gái tốt sẽ không ghét mẹ và em gái mình đâu. Phải như anh trai đây này, thế mới ra dáng anh chị lớn chứ!

Dứt lời, thằng Hân bỏ tôi một mình ở phòng khách nhà nó rồi ra phía sân sau tưới cây trong vườn. Một lần nữa, nó lại khiến tôi thêm một phen đờ đẫn dõi theo sau lưng nó. Năm nay, nó cũng đã 13 tuổi rồi. Giọng của nó tuy vẫn chưa vỡ, nhưng đầu óc của nó đã khác trước. Nó giờ đã biết dạy luôn cả tôi rồi cơ đấy!

***

Tôi chia tay với cô gái hàng xóm ấy. Mối quan hệ của chúng tôi kéo dài suốt 5 năm trời cuối cùng cũng đã kết thúc. Lí do chia tay cũng đã quá quen thuộc đối với cả hai chúng tôi. Tôi đáng lẽ ra nên dứt khoát từ trước. Cô gái ấy tuy xinh xắn nhưng không được nhiều điểm tốt như tôi mong đợi. Chúng tôi luôn cãi vã nhau về sự bấp bênh đó. Càng ở gần cô ấy, tôi càng nhận ra được sự ích kỷ trong cô gái đó càng trở nên lấn át hơn. Sự thông cảm, nhún nhường của tôi cuối cùng cũng đã đến điểm giới hạn. Cô ấy chấp thuận lời chia tay của tôi không chút đắn đo. Cả gia đình của cô ấy đồng thời lúc đó cũng có ý định chuyển đi. Mọi thứ lúc đó đột nhiên biến mất thật chóng vánh trước mắt tôi. Tôi cảm giác như bản thân mình vừa đối diện phải một cơn cuồng phong dữ dội nào đó. Nó cuốn đi tất cả mọi thứ của tôi ngay khi tôi vừa đưa ra quyết định chia tay ấy...

Rồi tôi cảm thấy áp lực. Tôi nổi giận với mọi thứ. Mẹ tôi đành phải lặng im trước cơn thịnh nộ vô lí của tôi. Bố tôi thì lại không chấp nhận điều đó. Ông đuổi tôi ra khỏi nhà. Ông từ mặt tôi và không muốn tôi quay trở lại nhà nữa. Mẹ tôi đã gào khóc van xin cả tôi và ông. Nhưng máu nóng của tuổi trẻ bồng bột trong tôi đã sôi đến đỉnh điểm vào lúc ấy. Năm 23 tuổi, tôi cầm duy nhất tấm bằng đại học mà bố mẹ đã bỏ bao côn sức để giúp tôi đạt được rồi đi khỏi. Lúc đó, tôi thật là một thằng con đê tiện. Tôi không chào bố mẹ tôi lấy một tiếng. Cả đến giờ cũng vậy, tôi cũng không quay về để hỏi han họ. Sau 6 năm xa nhà, tôi sống như một kẻ vô tâm, lạnh lùng và chỉ biết cắm đầu vào công việc. Tôi dùng số tiền mình làm được mua hai căn hộ chung cư trống liền nhau. Vì căn hộ tôi mua nằm ở cuối dãy và hướng ra ban công, nên không có hàng xóm nào bên cạnh của tôi cả.

Cuộc sống đơn thân của tôi cũng bắt đầu từ đó. Không còn hàng xóm.

Cho đến một ngày, tôi bỗng gọi điện cho mẹ tôi và hỏi han bà. Mẹ tôi vui mừng khôn xiết khi nghe thấy giọng nói của tôi. Giọng nói của bà ấy bắt đầu khàn đục và nói không ra chữ. Hình như đã lâu lắm rồi, bà ấy không nói chuyện với ai. Tiếng Việt của bà phát âm ngượng ngạo cả lên.

- Về... về đi con... - Mẹ tôi nức nở. – Bố... bố... bố đang ốm nặng lắm...

Nghe mẹ tôi nói thế, tôi tức tốc về nhà ngay. Bố tôi... thực ra chẳng sao cả. Ông vẫn còn mạnh khỏe lắm. Cái tát rùng mình mà ông ấy vả vào đứa con trai hỗn xược của mình cũng đã đủ minh chứng rằng ông ấy hiện vẫn còn rất khỏe. Mẹ tôi níu tay bố tôi lại và nài nỉ ông ngừng tay. Đầu gối của tôi vẫn dính chặt trên sàn. Tôi cúi mặt xuống ăn năn trước bố mẹ. Tôi thấy mình đáng lẽ ra phải quỳ tại đó lâu hơn nữa. Tôi đã để cho hai người già như bọn họ phải sống lủi thủi một mình trong căn nhà lạnh lẽo này suốt thời gian dài như vậy. Đáng lẽ ra, tôi phải bị trừng phạt gắt gao hơn thế nữa. Nhưng cơn giận nhất thời của bố tôi đã không cho tôi quỳ lâu thêm. Bố mẹ tôi trông thấy tôi lành lặn trở về thế này. Ông bà cảm thấy đã rất an ủi trong lòng. Cả hai người quây quanh tôi bằng một danh sách những câu hỏi đã nghĩ đến suốt 6 năm nay. Tôi trả lời hết. Tôi kể hết cho bố mẹ tôi biết về những gì tôi đã làm. Bố tôi nở nụ cười mãn nguyện. Mẹ tôi thì suýt xoa miết đôi bàn tay chai sần của tôi. Bà khóc không ngừng. Tôi và bố không thể dỗ được bà ấy. Chúng tôi đành lặng nhìn bà ấy khóc.

- Hân? Hân tí hon ngày xưa ấy... nó sao rồi mẹ?

Mẹ tôi lắc đầu buồn bã nói:

- Hân ấy hả... Từ hồi con bỏ đi đến giờ... Gia đình Hân nó cũng chuyển đi định cư ở Pháp 1 năm sau đó. Mẹ cũng mất liên lạc với gia đình ấy rồi.

Tôi vừa gặm ổ bánh mì mẹ tôi vừa kẹp cho vừa lẩm bẩm trong miệng đăm chiêu:

- Đi rồi sao? Cứ thế đi luôn rồi sao? Tại sao chẳng viết thư để lại gì cho anh mày vậy...?

- Thư à? – Mẹ tôi đột nhiên cắt ngang. – Hân hình như có gửi thư cho anh nó đấy!

Tôi giật mình suýt phun mẩu bánh mì ra ngoài. Tôi tròn mắt nhìn mẹ:

- Nó... nó... nó... để lại thư... thật sao?

Mẹ tôi gật đầu nhưng cau mày lại suy ngẫm:

- Mẹ cũng không nhớ rõ đã để nó ở đâu nữa. Bức thư đó lâu lắm rồi.

Tôi lập tức vùng mình đứng dậy rồi níu chặt lấy vai mẹ mình nói:

- Mẹ kiếm bức thư ấy cho con nhé. Mẹ nhớ rồi kiếm nó hộ con nhé. Có thể Hân nó sẽ ghi số liên lạc của nhà nó bên đấy. Mẹ nhớ kiếm ra bức thư ấy nhé.

Mẹ tôi phì cười. Bà tự dưng trêu tôi:

- Cái thằng này mới về chưa đấm bóp gì cho mẹ, mà bắt mẹ bỏ công đi kiếm cho mày à? Ôi cha cái thằng trời đánh!!!

Tôi sung sướng ôm chầm lấy bà như một đứa trẻ 2 tuổi vừa lạc mẹ. Tôi gọi tên bà không ngừng và bà cũng thế. Đã lâu lắm rồi, tôi không được ngửi thấy hương bồ kết trên mái tóc mềm mượt này của bà. Nó thật là một hồi ức rất đẹp và quý giá... Chí ít, tôi cũng đã nhận ra được điều đó không quá trễ.

Tôi quyết định vẫn ở riêng với bố mẹ. Thay vào đó, tôi luôn đến thăm ông bà vào những dịp cuối tuần. Tôi dẫn họ đi đến nhiều nơi hơn và đáp ứng tất cả sở thích của họ. Lắm lúc, tôi vẫn chưa thấy thế là đủ. Tôi bắt đầu lao vào những chiến dịch làm tăng ca để kiếm thêm nhiều tiền hơn nữa. Tan sở vào lúc tối mịt bỗng dưng trở thành lịch sinh hoạt quen thuộc của tôi.

Cảm thấy để căn hộ bên cạnh trống thật vô nghĩa, mẹ tôi khuyên nên liên hệ với công ty nhà đất và để cho họ xử lí phần công việc còn lại nếu như tôi quá bận rộn. Gía bán của căn hộ cũng không quá tệ so với dự đoán của tôi. Có lẽ vì chẳng có ai ở đấy nên căn hộ trông vẫn còn khá mới so với các hộ xung quanh. Tôi không rõ là ai sẽ dọn đến vì tiền nhà tôi nhận được là của từ nhân viên bên phía công ty trung gian ấy. Vả lại, công việc của tôi cũng mỗi lúc một bận rộn hơn, nên tôi cũng chẳng quan tâm đến những chuyện lặt vặt xung quanh ấy làm gì nữa.

Không biết tự bao giờ, từ "hàng xóm" ấy... đã biến mất khỏi từ điển trong đầu của tôi rồi...

***

Hôm đó, chung cư của tôi mất điện. Trời lại khá nóng nực. Tôi không thể ngủ tiếp được nếu như không có máy điều hòa hoạt động. Vì quá bức bối, tôi bật dậy rồi mò mẫm trong tủ lạnh lon bia còn sót lại của mình rồi đem ra ngoài ban công uống. Ánh trăng tối nay sáng hơn tôi tưởng. Tôi nhìn rất rõ được nhãn hiệu của lon bia trên tay mình. Nó không phải là hãng tôi thích. Có lẽ vì đi làm quá mệt mỏi, tôi đã vớ nhầm cái lon bia cùng màu của hãng khác ném vào giỏ hàng của mình. Cuộc sống độc thân này bắt đầu khiến tôi chán nản. Lắm lúc tôi hay có một ao ước rằng sẽ có một cánh tay vô hình nào đó đến giúp cho tôi. Tất nhiên không phải là bố mẹ của tôi. Giờ đã đến phiên tôi phải giúp cho bọn họ. Tôi còn có thể đòi hỏi gì hơn ở họ chứ?

- Anh à... Tôi là phụ nữ mang thai đấy! Anh làm ơn tắt thuốc lá dùm đi!

Tôi giật mình quay ra sau. Một cô gái mặc bộ pijama màu trắng hồng cũng có dáng hình cao gầy giống như tôi đang phàn nàn về điếu thuốc nghi ngút trên tay tôi. Đôi mắt của cô ấy khá mệt mỏi nhìn chằm chằm vào tôi. Hình như cái nóng của đợt cúp điện này cũng vừa phá tan giấc ngủ của cô ấy. Trông cô ấy có vẻ thực sự phát ốm vì điếu thuốc, nên tôi lập tức tắt khói thuốc ngay. Tôi xin lỗi cô gái nhưng cô ấy chỉ đáp lại tôi một cái ngáp dài. Cô ấy tựa lên lan can rồi rướn cổ đón những ngọn gió mát hiếm hoi ở trên cao.

Thấy cô gái trông còn rất trẻ, tôi bèn tiến lại bắt chuyện:

- Cô ở cùng tầng này sao? Cùng với gia đình à?

Cô gái quay sang tôi cộc cằn nói:

- Bộ trông tôi giống người có gia đình lắm hay sao hả?

- Chứ không phải cô vừa bảo mình mang th... - Tôi tròn mắt kinh ngạc.

Cô gái gác một tay lên vai tôi rồi sặc cười nói:

- Này nhóc con! Chị bảo thế để mày tắt thuốc đi! Biết điều thì đừng để chị mày nổi giận nghe chưa? Chị mày ghét nhất là mấy thằng vừa uống bia vừa hút thuốc. Trông như mấy tên vô công rồi nghề ngoài đường ấy. Chướng mắt lắm!

- Nhóc... nhóc... nhóc con?! Cô em gọi tôi là cái gì cơ??? Nhóc con?!!! – Tôi trừng mắt nhìn cô ả giận dữ. – Cô em trông thua tuổi hơn tôi đấy có biết không hả? Cái gì cơ? Gọi tôi là "nhóc con" hả? Trẻ con thời nay... hỗn đến thế rồi cơ à?

Cô ả gác nốt cánh tay bên kia lên vai phải của tôi rồi đổ người về trước. Ả rướn sát lại gương mặt tôi và bắt đầu hạ giọng thì thào. Lúc này, tôi mới nhận ra được mùi rượu nồng nặc tỏa ra từ miệng của ả:

- Nhóc con hỗn láo! Chị mày nói mà còn cãi à! Chị mày không tha cho đâu... Híc...

Rồi cả người của cô ả đổ nhào về phía tôi. Tôi cũng ngã lăn ra đất cùng cơ thể nặng như tấn của ả. Ả cắn vào bả vai của tôi khiến tôi thét lên đau đớn. Những người ở trong những căn hộ gần đó lập tức ùa ra ngoài khi nghe thấy tiếng thét thảm thiết của tôi. Khi trông thấy cảnh tượng nam nữ sấp ngửa của cả hai chúng tôi trên đất, bọn họ ném vào tôi bằng ánh nhìn kì dị rồi bước thẳng ngay luôn vào trong nhà. Mặc cho tiếng minh oan của tôi cố réo rất to sau đó, bọn họ vẫn đóng cửa im lìm xem tôi như một tên bệnh hoạn nửa đêm nào đó. Không còn cách nào khác, tôi đành phải một mình loay hoay với cô ả. Dạo này do làm việc quá sức, nên sức khỏe của tôi cũng không còn tốt như trước. Tôi không còn đủ sức cho những công việc khuân vác thông thường nữa. Ngay cả chuyện cơ thể cô ta nặng hay nhẹ hơn đối với người bình thường, tôi cũng không thể nhận biết được nữa. Đối với tôi, cô ta thật như hai con voi cộng lại.

- Chết tiệt thật. Khi không lại có của nợ này trước nhà mình là sao?! – Tôi nhìn cô ả gầm gừ. – Chị hai à, nhà chị ở đâu thế?

Cô ta nằm bất động. Có vẻ như rượu đã dẫn cô ta vào giấc ngủ tự lúc nào rồi. Tôi gọi cô ta đến khản cả cổ nhưng chẳng thấy cô ta mảy may phản ứng lại. Hết cách, tôi đành lôi cô ta vào trong nhà. Thật là khéo sau đó, bóng đèn phòng tôi cũng tự dưng bật sáng. Tôi kéo cô ta lên chiếc ghế đệm dài trong phòng khách của mình. Cô ta bắt đầu nôn thốc tất cả thức ăn trong ngày vào người của tôi. Còn tồi tệ hơn nữa là vào đống tài liệu quan trọng của tôi cho ngày làm việc ngày mai. Lúc đó, tôi chỉ biết thầm kêu khổ vì đã lỡ vác cái của nợ này vào nhà. Tôi đắn đo một lúc rồi mới gọi điện cho mẹ. Tôi chở bà đến căn hộ của mình rồi để bà giúp cô ta thay đồ. Còn tôi thì lúi húi lau chùi cái ghế sofa mới mua của mình. Vừa lau tôi vừa lẩm bẩm chửi rủa cô ả không ngớt. Tôi không nhớ rõ tôi đã chửi những gì, nhưng câu cuối cùng của tôi là oán thầm đến đấng sinh thành của cô ả. Có lẽ họ nên quản cô ta kĩ hơn một chút. Con gái gì mà uống rượu lè nhè hơn cả đàn ông. Thật sự chẳng ra thể thống gì cả.

Một tiếng sau đó, mẹ tôi bước ra khỏi phòng ngủ của tôi. Thay vì là bộ mặt mệt mỏi rệu rã, bà ấy nhìn tôi với vẻ mặt vô cùng giận dữ. Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra ở trong đó mà khiến bà ấy giận dữ đến vậy. Bà ấy thường là người lành tính và ít giận dữ nhất trong gia đình tôi. Nói đúng hơn, từ lớn đến bé, tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà ấy giận dữ như thế này bao giờ cả. Thấy bà như thế, tôi bèn gặng hỏi:

- Có... có... có chuyện gì thế mẹ? Cô gái điên khùng ấy... vừa làm gì mẹ hả?

Mẹ tôi càng nhìn tôi giận dữ hơn nữa. Bà ấy cao giọng lên chỉ trích tôi:

- Con làm cái gì thế hả? Hàng xóm của mình mà cũng không biết nữa hay sao? Cô gái này ở ngay bên cạnh căn hộ phòng của con. Chiếc khóa phòng bên cạnh ở ngay túi áo cô ấy đây này. Con không biết gì mà con lớn tiếng chửi người khác nữa hay sao? Con bắt nạt bố mẹ, vô tâm với bố mẹ đã đành. Vậy mà mọi người khác sống xung quanh con cũng không quan tâm nữa hay sao? Mày làm sao để cô gái yếu ớt này như vậy? Mày sống vô tâm như thế từ bao giờ hả???

- Mẹ... mẹ đang nói cái gì thế? Mẹ đâu có bao giờ giận dữ với con như thế...

Tôi kinh ngạc nhìn gương mặt đỏ như gấc của mẹ tôi. Bà ấy dường như chẳng nghe muốn nghe tôi nữa. Bà ấy vẫn cao giọng quát xa xả vào mặt tôi:

- Thằng trời đánh kia! Nằm úp xuống đất cho mẹ ngay! Hôm nay mẹ không dạy mày nên người, mẹ làm gì còn mặt mũi mà gặp ông bà mày dưới đó chứ?! Ông mày kì vọng vào mày, phù độ cho mày cao ráo, đẹp trai, học giỏi ra như thế. Âý mà mày thành một đứa như thế này đó hả? Sống ích kỷ chỉ biết cho mình mình thôi đó hả???

Tôi lập tức trấn an mẹ:

- Mẹ à... nhỏ tiếng một chút thôi... Hàng xóm họ mà nghe thấy...

- HÀNG XÓM?! Mày còn nhớ đến hai chữ "hàng xóm" nữa hả? – Mẹ tôi vẫn lớn tiếng. – Mày thử tả cho mẹ xem hàng xóm của mày mặt mũi thế nào hả? Tả cho mẹ nghe xem nào?

- Mẹ à...! Con đã 28 tuổi rồi! Mẹ làm sao thế?– Tôi xuống nước nài nỉ bà.

- Nằm xuống ngay cho mẹ! Nằm xuống ngay cho mẹ!! – Mẹ tôi vẫn tiếp tục gắt gỏng.

Thấy tình hình căng thẳng như thế, tôi đành nằm sấp xuống sàn cho mẹ tôi dùng thước đánh mạnh lên mông mình. Mẹ tôi lúc đó hình như thực sự rất giận dữ với tôi. Bà ấy đánh đau lắm, không hề có chút nương tay cho đứa con trai cưng bao lâu nay của mình. Tôi mím môi thật chặt để không lộ ra sự đau rát đó. Mẹ tôi càng nện lên tôi nhiều hơn. Bà đánh cho đến khi thấm mệt. Còn tôi thì nằm vật ra đất ngất lịm. Cơ thể tôi hình như đã quá kiệt sức rồi. Tôi chẳng còn hay biết chuyện gì xảy ra sau đó nữa. Mẹ tôi chắc hẳn đã có một phen thót tim vì tôi vào lúc đó. Tôi cảm thấy thật có lỗi với bà...

***

Cuối cùng, tôi cũng đã bị đuổi việc. Không phải vì tôi lười biếng hay có thái độ bất kính gì ở công sở mà bị giáng cho cái quyết định như thế. Tôi đã ôm công việc của quá nhiều người trong công ty. Bọn họ ban đầu vì nhường chúng cho tôi nên đã bị sếp lớn rầy la. Sếp phản ánh về cách làm việc thiếu hiệu quả của tôi và ra quyết định đuổi tôi thẳng cổ ra khỏi bộ máy của ông ấy. Tôi cũng chẳng dám nói thêm điều gì nữa, chỉ đành bưng cái mông vẫn còn ê ẩm của mình mà rời khỏi đó. Mẹ tôi sau đó gọi điện đến và hỏi thăm cô hàng xóm bên cạnh căn hộ nhà tôi. Tôi cũng nói qua loa với bà là cô ấy ổn. Nhưng mẹ lại không đơn giản như tôi đã nghĩ. Bà đoán được tôi đang nói dối bà. Bà còn dọa sẽ đến đánh tôi một trận bạt mạng nữa giống như kì trước. Nghe thấy thế, tôi kinh hãi nên đành miễn cưỡng gõ cửa nhà cô gái bên cạnh. Tôi đoán cô ấy vẫn còn ở nhà vào lúc sáng sớm thế này.

Cô gái đó mở cửa chào tôi như mới lần đầu tiên gặp mặt. Tôi đứng ngỡ ngàng nhìn cô ấy mà không biết nên nói tiếp câu gì. Trông cô ấy hôm nay rất khác so với tưởng tượng trong đầu của tôi. Cô ấy ăn mặc khá chỉnh tề trong bộ vest công sở của nữ. Mùi nước hoa dịu dàng từ cô ấy áp nhẹ lên khứu giác của tôi khi vừa mới mở cửa. Tóc của cô ấy thắt bím lại thành một dây dài và điệu đà hệt như của mẹ tôi vậy. Cô ấy chỉ trang điểm nhẹ trên gương mặt thon dài của mình nhưng trông vẫn rất mộc mạc và cuốn hút hơn bao cô gái với lớp phấn dày cộm mà tôi hay bắt gặp ở nơi làm việc của mình. Có lẽ vì đêm hôm đụng phải cô gái này quá tối, nên tôi đã không nhìn thấy rõ được diện mạo của cô ấy.

- Có chuyện gì thế hở anh hàng xóm?

Cô gái bắt đầu lên tiếng hỏi tôi trước. Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn cô ấy:

- Cô biết tôi là hàng xóm sao?

Cô gái nhìn tôi phì cười nói:

- Có ai mà không biết chứ? Anh nổi tiếng nhất cái chung cư này rồi còn gì?

Nghe thế, tôi càng kinh ngạc hơn nữa:

- Cái gì? Tôi... t... t... tôi nổi tiếng á?

Cô gái gật gù nhìn tôi bảo:

- Mọi người ở đây bảo anh hay gom rác vứt hộ cho họ vào những buổi sáng sớm và còn trông nom nhà cửa cho họ rất tốt vào những hôm họ vắng nhà nữa. Những người già ở đây còn khen anh hay giúp họ khuân vác đồ đạc. Và cả bọn trẻ con nữa chứ, tụi nó bảo rất thích những viên kẹo của anh lẫn cả những bài thuyết trình của anh về chúng nữa đấy.

- Ồ... họ kể ... họ kể với cô... như vậy sao? - Tôi chợt lúng túng, liền đưa tay ra gãi sau gáy – Thế họ... còn nói gì nữa hay...?

- Tôi phải đi có chuyện gấp rồi. Anh có chuyện gì mà gõ cửa phòng tôi thế?

Tôi đứng thần người nhìn cô gái. Lâu lắm rồi tôi chưa nhìn thấy nụ cười thân thiện này. Nhất là nụ cười của những người hàng xóm. Tôi trước đây thường rất hay bắt gặp những nụ cười này đáp lại về phía mình. Nhưng bấy năm nay, tôi lại không nhìn chúng nữa. Tôi ít nhìn thẳng vào gương mặt của những người hàng xóm của mình. Tôi không quan tâm họ đang cau có hay đang mỉm cười với tôi nữa. Tự dưng hôm nay khi thấy cô gái này mỉm cười với mình, tôi bất giác có cảm giác hưng phấn lạ kì.

- Không có gì đâu... Tôi chỉ muốn rủ cô qua bên nhà tôi ăn bữa tối hôm nay thôi. Chẳng là cô dọn đến đây đã lâu... mà tôi vẫn chưa có chào hỏi cô một chữ gì ra hồn. Cô... cô sẽ qua chứ?

Cô gái nghiêng mình đeo túi lên vai rồi đáp lại ngay:

- Được thôi. 6 giờ chiều nay là tôi xong việc rồi. Tôi sẽ qua phụ anh nấu nên đừng có mà giành nấu sớm đấy nhé.

Cô gái khép cửa lại sau lưng rồi đưa tay lên chào từ biệt tôi. Tôi bất chợt gọi giật lại để hỏi tên cô ấy. Cô ấy chỉ nói vẻn vẹn với tôi một cái tên đơn điệu:

- Duyên! Tên của tôi là Duyên! – Rồi cô nhoẻn miệng cười.

Tôi đờ đẫn nhìn theo bím tóc đen bóng của cô ấy đu đưa ở phía sau lưng. Nó thật trông giống như một dây thừng tinh quái. Hình như lúc ấy... sợi dây đó đang cố trói cái sợi dây duyên phận của cả tôi và của cái cô gái cũng cùng cái tên "Duyên" ấy lại vậy. Thật sự rất là kì diệu. Tôi cứ dõi theo cô gái cho đến khi cô ấy khuất hẳn xuống dưới những bậc thang bộ. Trái tim tưởng chừng đã hóa đá lại quậy phá lồng ngực của tôi thêm một lần nữa. Tự nhiên, tôi bỗng thấy luồng không khí tôi hít vào hôm nay... có một vị ngọt lạ kì. Nó giống như một vị ngọt mà tôi đã từng nếm, nhưng lại theo một khẩu vị mới.

***

Cô ấy không qua nhà tôi như đã hẹn. Thức ăn tôi nấu trên bàn đều đã nguội hết cả. Tôi sốt ruột bước đến cửa nhà cô ấy gõ cửa. Trong nhà không có tiếng động nào cả. Hình như cô ấy vẫn chưa về nhà.

Tôi đành quay vào trong nhà rồi mở ti vi lên xem thời sự. Tôi chỉnh âm lượng rất nhỏ để có thể nghe được tiếng mở ổ khóa nhà cô ấy. Chương trình ti vi cứ thế liên tục chuyển sang màu này rồi đến màu khác. Tôi chẳng nghe gì từ đó cả. Tôi cứ mải tập trung lắng nghe những tiếng động phát ra từ bên ngoài. Được 15 phút như thế, tôi sốt ruột tắt hẳn luôn âm thanh của tivi rồi im lặng lắng nghe. Khoảng chưa đầy 10 phút sau đó, tôi tắt luôn cái tivi rồi vơ lấy chiếc bật lửa cùng điếu thuốc lá đi ra ngoài. Tôi ra đó đứng hút và đợi cô gái tên Duyên ấy. Nhưng đến lúc tôi hút hơn nửa bao rồi, tôi vẫn chưa thấy cô gái ấy trở về. Đồng hồ của tôi tít lên một âm báo hiệu điểm 11 giờ tối.

Sau đó, vì quá lo lắng, sốt ruột, nên tôi liền lao ra chỗ thang bộ rồi chạy xuống lầu dưới. Tôi chẳng biết mình nên chạy đi đâu tìm cô gái đó nữa. Tôi cứ chạy theo linh tính mách bảo. Tôi rẽ trái rồi rẽ phải tại các ngóc ngách quanh khu phố nhưng vẫn không tìm thấy cô ấy ở đâu cả. Không hiểu sao tôi cứ có linh cảm chẳng lành cho cô ấy. Ngay từ lần đầu tiên gặp cô gái ấy trong tình trạng say khướt như thế. Tôi đã cảm thấy có chút gì đó bất ổn ở cách sinh hoạt của cô ấy rồi. Trời đã tối thế này mà chưa về nhà. Liệu cô ta có thể ở đâu chứ?

Tôi cốc mạnh vào đầu mình rồi thầm rủa bản thân. Đáng lẽ sáng sớm nay, tôi đã nên hỏi số điện thoại của cô ấy rồi. Nếu lúc này có thể liên lạc, tôi có thể sẽ tìm được cô ấy ngay thôi. Chứ không phải chạy đôn chạy đáo kiếm tìm như thế này.

Tôi vừa thở hồng hộc vừa chạy tìm cô gái ấy trong bất lực. Mồ hôi trên trán túa ra khiến cho cặp mắt của tôi bỗng cay xè. Tôi rút di động ra khỏi túi rồi bấm lên bàn phím loạn xạ. Chẳng hiểu sao tôi lại bất giác bấm vào số điện thoại chợt hiện lên trong trí nhớ của mình. Tôi không biết tại sao tôi lại gọi vào số điện thoại đó nữa. Nhưng tự dưng tôi lại muốn như thế. Trong lúc tinh thần bấn loạn, tôi chợt nhớ đến nó. Điều này giống hệt như cái lúc một đồng nghiệp trong công ty của tôi qua đời vậy. Cậu ấy ở xa nhà nên đã nhờ tôi, người ngồi cùng bàn làm việc với cậu ấy, chuyển đến gia đình cậu những lời nhắn nhủ cuối cùng trước khi cơn đau tim thắt nghẹt sự sống của mình lại. Trước khi gọi cho bố mẹ của cậu ấy, tôi đã gọi cho bố mẹ của mình. Nhờ thế mà tôi đã gặp lại họ. Nói đúng hơn, tôi đã luôn muốn như thế. Tôi luôn muốn được gặp lại họ....

- A lô? – Giọng một cô gái trẻ đáp lại phía đầu dây bên kia.

Tôi trùng người xuống khi nghe thấy tiếng nói lạ lẫm đó. Nhưng tôi vẫn hỏi:

- Có thằng Hân ở nhà không ạ? Tôi... tôi... tôi là hàng xóm trước đây của cậu bé. Không biết... cậu bé có ở nhà không ạ?

Cô gái bên phía đầu dây đáp lại:

- Anh nhầm số rồi! Ở đây chẳng có cậu bé nào tên Hân cả...

Tôi lập tức cắt ngang:

- Không thể nào. Cậu bé chắc chắn vẫn còn ở đó. Tôi không bao giờ quên cái số điện thoại này cả. Chắc chắc đây là nhà của cậu bé! Cậu bé Hân chắc chắn còn ở đó. Nó không thể đi đâu hết nếu như anh Tân của nó vẫn chưa về...

Cô gái đầu dây bên kia tỏ ra hơi chút khó chịu:

- Này! Anh kia! Anh nhầm số rồi đấy! Tôi không biết cậu nào tên Hân hay Hận gì đó hết. Gọi lần nữa là tôi kêu công an đấy nhé. Nghe rõ chưa?

Rồi phía đầu dây bên kia nói xong liền lập tức cúp máy xuống. Tôi gọi lại, nhưng họ không bắt máy nữa. Tôi lại gọi thêm lần nữa, nhưng vẫn là một hồi chuông reng ngang qua tai bất tận. Cuối cùng, tôi bèn chuyển sang bấm một số điện thoại khác.

- A lô? – Lại giọng của một cô gái trẻ khác nhận cuộc gọi của tôi.

Tôi lập tức hỏi ngay:

- Mỹ Duyên có nhà không? Cô ấy có ở nhà không vậy? Tên tôi là Nhật Tân. Tôi từng là bạn trai của cô ấy. Cô ấy hiện tại... có ở nhà không vậy?

Cô gái kia có vẻ như biết điều gì đó. Cô ấy chậm rãi hỏi tôi:

- Anh... anh ... anh là Tân? Anh.. anh là... là... bạn trai của Duyên sao?

Tôi mừng rỡ thốt lên:

- Đúng rồi! Chính là anh! Chính anh, Tân đây... Có phải em đó không Duyên... có phải em đang nghe máy đó không Duyên?

Cô gái nghe thấy tôi nói thế liền vội vã cúp máy ngay. Tôi gọi lại cho cô ấy rất nhiều lần sau đó nhưng cô ấy vẫn không chịu bắt máy. Cuối cùng, tôi đành đút cái di động đã hết pin của mình vào túi quần rồi cuốc bộ về nhà. Tôi đi ngang qua phòng của Duyên nhưng vẫn chưa thấy cô ấy về.

Tôi đành ngồi bệt xuống đất rồi tựa lên bức tường ở lan can mà thiếp đi lúc nào không biết. Tôi cứ nằm vật ra đất như thế cho đến sáng. Khi thức giấc, tôi thấy đôi dép của Duyên đã ở trước cửa nhà. Tôi không dám đánh thức cô ấy vì cô ấy còn về muộn hơn cả tôi hôm qua. Nghĩ thế, tôi đành mở cửa đi vào trong nhà toan tắm rửa cho tinh thần sảng khoái. Ai dè vừa bước vào nhà, tôi đã nghe tiếng chuông điện thoại bàn của mình đang reo lên inh ỏi. Tôi vội nhấc máy lên và nhận ra tiếng gắt gỏng của mẹ:

- Cái thằng này! Mày tính không muốn nhận mặt mẹ nữa hay sao? Tại sao di động cứ tắt máy suốt. Điện thoại bàn thì gọi mãi không bắt?!!

Tôi uể oải đáp lại:

- Mẹ à... di động của con hôm qua hết pin. Con cũng không ở trong nhà nên làm sao biết mẹ gọi được?

Mẹ tôi lại hầm hầm nói:

- Hôm qua đi những đâu mà không ở nhà? Hàng xóm bên cạnh nhà mình bảo mày làm phiền họ suốt đêm qua đấy! Sao mày có thể gọi nhầm rồi nói lung tung thế hả?

Tôi bắt đầu cảm giác không mấy thuận tai mỗi khi mẹ bắt đầu xưng hô "mày tao" như thế với tôi. Tôi cảm thấy bà ấy tự dưng trở nên vô lí thái quá. Tôi đã 28 tuổi rồi và cũng nhận thức và kiểm soát được những hành động của tôi như bao người khác rồi. Tại sao mẹ lại trở nên quá khích với tôi như thế? Nghĩ rồi, tôi cúp máy ngay. Tôi rút luôn dây điện thoại và chẳng muốn nhận thêm một câu mắng vốn vô cớ nào của mẹ tôi nữa. Có khi, tuổi già đã khiến bà ấy trở nên nhạy cảm quá đáng như thế biết không chừng.

Thế rồi, tôi bắt đầu hâm lại đồ ăn mà tôi đã nấu hôm qua. Đây là bữa sáng thịnh soạn nhất so với những bữa sáng độc thân thường nhật của tôi. Nó có đầy đủ những món ăn mà tôi yêu thích từ hồi bé. Mặc dù là đều đồ hâm lại, nhưng tôi ăn tất cả chúng rất ngon lành. Chúng khiến tôi nhớ đến vị mặn của mồ hôi trên tay mẹ tôi. Nó đậm đà và thuần khiết hệt như một thứ tình cảm đẹp đẽ, một thứ tình cảm của sự sẻ chia và đồng cảm. Dù tôi đang giận bà nhưng mỗi khi nghĩ đến thứ bài học vô hình vô thanh mà bà đã dạy cho tôi này, tôi lại bất giác không kìm được nước mắt của mình. Tôi vừa ăn, vừa khóc thương cho bản thân. Tôi hối tiếc về những người hàng xóm yêu quý hồi đó của tôi. Sự ích kỷ và sự vô tâm quá thể của tôi đã đẩy tất cả bọn họ xa rời khỏi cuộc đời mình. Vì thế mà tôi đã không còn cơ hội nào để tìm gặp lại họ được nữa. Và cả họ, có lẽ bây giờ cũng đã không còn nhớ đến tên hàng xóm xấu xí như tôi nữa rồi.

Tôi vội gạt ngay đi nước mắt khi nghe có tiếng gõ cửa bên ngoài. Tôi mở cửa thì nhận ra đó là Duyên - cô gái ở căn hộ bên cạnh tôi. Cô ấy đang ôm trên tay một tấm chăn dày cộm. Hai mắt cô ấy thâm quầng và sưng to lên như vừa trải qua một đêm không ngủ. Tôi tưởng cô ấy vừa bước ra khỏi giường mà chưa tỉnh rượu nên mở rộng cửa cho cô ấy bước vào căn hộ của mình. Tôi cũng chẳng hỏi han xem cô ta có cảm thấy khó chịu ở đâu hay không. Tôi tự dưng thấy chán ngán với túyp con gái hay về nhà muộn trong tình trạng say xỉn thế này rồi. Thời gian của tôi chẳng bao giờ có thể bắt kịp với lịch sinh hoạt bất ổn đó của cô ta cả. Nếu cô ta cảm thấy mệt, cô ta có thể vào nhà tôi mà nôn mửa cho đỡ bẩn nhà mình. Bản thân tôi, chỉ có thể là một anh hàng xóm tốt bụng đến như thế là cùng. Cô ta cũng nên tự biết lo lắng cho bản thân mình thì hơn.

- Tôi khát quá! Tôi muốn uống bia! Anh có bia hay không?

Tôi quay sau nhìn cô ta rồi phì cười. Cô ả rõ ràng qua đây để kiếm chút bia rượu vào người đây mà.

- Ê này... Tôi đang hỏi anh đấy!! Nhà anh có bia hay không thế??? – Cô gái gắt gỏng.

Tôi chỉ tay vào tủ lạnh rồi điềm tĩnh nói chuyện với cô ả:

- Trong đấy đấy, tiểu thư cứ uống bao nhiêu tùy thích. Thiếu thì bảo tôi xuống siêu thị mua thêm cho. Uống cho đến khi nào mục người ra thì thôi, nhé?!

Tôi nháy mắt với cô ả rồi bước vào phòng tắm. Tôi huýt sáo rồi toan cởi bỏ chiếc quần tây jean mặc suốt đêm qua của mình ra khỏi. Chiếc di động tôi để quên trong túi quần lúc đó đột nhiên rơi một tiếng cộc xuống đất. Tôi nhấc nó lên và đưa tay ấn vào các bàn phím kiểm tra xem nó hỏng hóc gì hay không. Những con số đột nhiên đập vào mắt của tôi. Tự dưng trong đầu tôi hiện lên hai con số 5 và số 7 trên bàn phím. Hình như tối hôm qua, tôi đã lầm lẫn lựa chọn sai giữa hai con số này. Tôi đã ấn số 5 thay vì ấn số 7, và ấn số 7 thay vì ấn số 5 thì phải...?

Mấy giây sau đó, tôi vội lập tức lao ra ngoài. Tôi tiến đến chiếc điện thoại bàn rồi gấp rút ấn những con số trên đó. Ống nghe chẳng có tín hiệu gì cả. Tôi gập máy xuống rồi ấn lại lần nữa. Nhưng tôi vẫn chẳng nghe thấy tín hiệu nào cả.

- Dây cắm rút mất rồi kìa nhóc! – Cô gái chợt lên tiếng.

Tôi chẳng quan tâm cô ả đang xưng hô với tôi theo cái cách gì nữa. Tôi làm theo tiếng nói của ả như một cái máy. Tôi bấm nhanh các con số vừa nãy một lần nữa. Tiếng chuông bên đầu đây bên kia bắt đầu đổ vang. Tim tôi bắt đầu đập mỗi lúc lúc một nhanh hơn. Cô gái kia lại tiếp tục lên tiếng:

- Ê nhóc... sao nhóc bảo là có b...?

- CÂM MỒM!!!

Tôi lập tức quát lớn vào cô ả. Cô ta giật mình nhìn tôi kinh ngạc rồi không dám thốt lên một lời nào nữa. Giọng của mẹ tôi cuối cùng cũng vang lên ở đầu dây bên kia. Tôi lập tức hỏi dồn bà:

- Ai... là ai... là người hàng xóm nào... người hàng xóm nào đã nói cho mẹ biết...?

- Hỏi mẹ để làm gì? Chẳng phải vừa nãy cậu ngắt máy không thèm nghe nữa hay sao?

- Con biết sai rồi. Mẹ có thể nói cho con ngay được chứ?! Mẹ nói cho con được chứ?!

- Cái thằng dở hơi này... sao mày tự dưng hỏi mẹ như thế? Chẳng phải đã quá rõ còn gì? Mày không hay chuyện thì sao gọi cho mẹ làm gì?

- Mẹ à... mẹ đang nói gì thế? Sao không trả lời câu hỏi của con? Người hàng xóm mà than phiền đến mẹ sáng nay... Họ là ai thế?

Tôi nghe thấy tiếng thở dài của mẹ tôi bên kia đầu dây. Mãi tới một lúc im lặng sau đó, bà mới nói với tôi một câu như thế này:

- Dù có không gặp nó đến 20 năm trời đi chăng nữa, mẹ cũng không không quên được từng nốt ruồi, từng vết nám trên gương mặt của nó. Tại sao mới chỉ có 6 năm không gặp, con lại không thể nhận ra nó như thế vậy hả Tân?

Tôi đưa mắt nhìn về cánh tủ lạnh mở toang của mình. Ở đó, tôi đã để một dãy 10 lon bia hiệu Heineiken mới mua tối hôm qua để đãi cô Duyên hàng xóm. Tôi lẩm nhẩm đếm từng chiếc lon trên ấy. Vẫn còn đủ 10 lon bia tại đó, vẫn chưa ai lấy của tôi đi một chiếc lon nào cả. Tôi lập tức quẳng tai nghe xuống đất rồi lao nhanh ra khỏi cửa. Tôi thấy Duyên đang đứng tại phía lan can trước cửa phòng cô ấy và khóc nức nở. Cô ấy vừa khóc vừa ghì chặt vào lòng chiếc chăn toan sẽ đắp lên tôi vào sáng sớm nay. Nhưng tôi đã thức giấc trước khi cô ấy kịp làm điều đó.

- Thằng Hân này... - Tôi nghẹn ngào nói. - thấy anh Tân mà mày không chào hỏi gì hả?

Cô gái bật khóc lớn hơn:

- Em đã lớn đến chừng này... anh còn gọi em là thằng nữa hay sao?

Tôi tiến đến gần hơn rồi hạ giọng hỏi dồn cô gái:

- Người hôm qua nhấc máy... là em đúng không? Là em đúng không... Hân? Em đã không chuyển đi khỏi đó phải không... Hân? Là em đã bảo mẹ anh nói dối phải không? Tại sao không muốn anh gặp mặt em?

Cô gái quay sang nhìn tôi với ánh mắt đầy oán trách:

- Tên của em là Duyên. Tại sao anh cứ gọi cái tên Hân mãi thế?

Nghe thế, tôi lập tức mừng rỡ ôm chầm lấy cô gái. Cô ấy gắng đẩy tôi ra xa nhưng không cách gì vùng thoát khỏi cánh tay dài ngoằng và cứng cáp ấy của tôi cả. Tôi ôm chặt cô ấy vào lòng mình rồi thì thào với cô ấy cùng niềm vui sướng tột độ:

- Lâu lắm rồi không gặp em... Xin chào nhé... hàng xóm! Xin chào nhé... hàng xóm... của anh.

Cô ấy lại cắn vào bả vai của tôi lần nữa. Nhưng lần này, tôi chẳng cảm thấy đau gì cả. Cô ấy chỉ đang cắn yêu tôi mà thôi. Thằng bé Hân... giờ đã không còn giận tôi nữa rồi. Chúng tôi cuối cùng cũng vẫn là hàng xóm của nhau. Tuyệt thế đấy, cuối cùng chúng tôi cũng vẫn là hàng xóm thân thiết của nhau. Và hơn nữa, có lẽ sẽ mãi mãi vẫn là như thế, mãi mãi, cũng sẽ vẫn là như thế...

(06 - 07 - 2011)

Kim D-cb

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro