TẬP 37

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tập 37

Chào tất cả quí vị. Chúng ta xem câu kinh văn tiếp theo: "đạo nhân thiện, tức thị thiện, nhân tri chi, dũ tư miễn". "Đạo nhân thiện, tức thị thiện", khi mọi người nghe được nhiều sự hành trì của thiện nhân và phong cách của họ ắt hẳn trong lòng mỗi người đều sanh khởi tâm muốn học theo, chắc chắn như vậy. Vì "nhân chi sơ, tánh bổn thiện", tôi tin rằng trong mấy ngày này nhất định có người đã học được "dũ tư miễn" và thực hành theo đó.

Từ trên nét mặt của chư vị có thể nhìn ra được có pháp hỷ, pháp hỷ này tuyệt đối không phải do đọc kinh mà có, mà do có thực hành trong cuộc sống. Nên đạo nhân thiện này rất tốt, vì càng khiến được nhiều người đạt được lợi ích. Thế nên hiện nay tên tuổi của chú Lô đã lan rộng ra toàn Trung quốc, đây cũng là kết quả tôi thực hành Đệ Tử Quy, gọi là "đạo nhân thiện, tức thị thiện, nhân tri chí, dũ tư miễn". Thế nên chúng ta cũng phải rất dụng tâm, ghi nhớ trong đầu những phong cách tốt này, lúc nào cũng có thể nói với người khác, khiến họ đều có thể có đối tượng để học tập. Thậm chí từ đó tìm được phương pháp tốt.

"Dương nhân ác, tức thị ác, tật chi thậm, họa thả tác". Khi chúng ta đi nói lỗi của người khác, nếu như đối phương biết được có thể họ sẽ cảm thấy rất khó chịu. Quý vị nghị luận sau lưng, nói chuyện thị phi của họ, phê bình họ bằng những ngôn ngữ không hay, cho nên trong lòng họ giống sẽ "nhớ" quý vị như khắc vào trong xương trong cốt của họ, lúc nào cũng nghĩ đến báo thù quý vị. Đây đều là hành động theo cảm tính, thế nên ta không nên "dương nhân ác", trái lại, rất có thể sẽ trở thành địch nhân với nhau. Mười người bạn không chê là nhiều, nhưng một kẻ địch có thể khiến quý vị phiền phức đến chết.

Chúng ta giữ tâm nhân hậu, không khởi xung đột với người khác. Giả như khi người khác có điều thiện chúng ta không xưng dương, nhưng có một chút bất thiện thì lập tức tuyên truyền khắp nơi. Như vậy không chỉ làm tổn giảm phúc phần của mình, mà tội lỗi lớn nhất là làm ảnh hưởng nếp sống của đoàn thể và xã hội. Nếu như mỗi người đều không nói điều thiện của người khác, đều chỉ tuyên truyền điều ác của người, như vậy sẽ tạo thành vấn đề lớn cho xã hội, giữa người với người sẽ phân tranh không ngừng. Thế nên chúng ta cũng phải suy nghĩ đến ngôn ngữ cũng như cử chỉ của một người, đều đang ảnh hưởng như thế nào đến nếp sống của toàn thể xã hội. Tội lỗi này không đơn thuần chỉ là một người, còn có thể kết tội với toàn xã hội, thế nên ngôn ngữ không thể không cẩn trọng.

"Thiện tương khuyên, đức giai kiến, quá bất quy, đạo lưỡng khuy". "Thiện tương khuyên", bài học trước đây chúng ta cũng đề cập đến, thiện trước cần phải phân biện thiện thật thiện giả, thiện đúng thiện sai, còn có rất nhiều phán đoán. Trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn nói, khi quý vị phán đoán chính xác mới có thể đi khuyên, nếu không đến lúc đó thị phi đều không phân rõ ràng, như vậy lợi ích cũng không đến được với tha nhân. Người xưa đối diện với điều thiện của người khác, hoặc là nghe đến ngôn ngữ hành vi thiện, họ dùng thái độ như thế nào để tiếp nhận?

Khổng Tử tán thán Nhan Uyên rằng: "đắc nhất thiện tắc quyền quyền phục ưng, nhi phất thất chi hỷ". Tức là chỉ cần Nhan Uyên nghe đến một điều thiện, lập tức từng giờ từng phút để trong lòng, nhất định phải thực hành. Thế nên chỉ cần nhắc đến hiền đức, Khổng Tử đều trực tiếp nói đến "hữu Nhan hồi giả háo học". Đối với người học trò như Nhan Uyên, Phu tử vô cùng hoan hỷ, cũng vì ông ta học tập rất chắc chắn. Chỉ cần lời thầy nói ra là điều thiện thì ông ta từng phút từng giây ghi nhớ, không quên thực hành. Khi mà chúng ta có thái độ học tập điều thiện như thế, tự nhiên có thể "đức giai kiến".

Trong thời cổ đại, tất cả những người làm quan, chúng ta đều xưng họ là quan phụ mẫu, vì sao gọi là quan phụ mẫu? Ví dụ một vị huyện lệnh, ông và toàn nhân dân tiếp xúc rất mật thiết, mà phương châm giáo dục và nội dung giáo dục của toàn huyện, đều là do huyện trưởng phụ trách. Nên ông ta cũng có trách nhiệm giáo dục tốt nhân dân huyện này, có thể dùng thái độ thương dân như con, nên cũng gọi là quan phụ mẫu. Đương nhiên người lãnh đạo của những địa phương này, họ cũng phải thực hành "thiện tương khuyên, đức giai kiến", khiến cho nếp sống toàn xã hội ngày càng tốt hơn.

Hiện nay chúng ta làm quan có thái độ này chăng? Vẫn có, chúng ta phải ẩn ác dương thiện, nhưng vì sao tỷ lệ không cao như trước đây. Điều này cũng không thể trách họ, vì chúng ta đã sai, chúng ta không đem Đệ Tử Quy nói với họ. Hiện nay chủ nghĩa công lợi rất thịnh, nên trọng lợi khinh nghĩa. Chỉ cần họ có cơ duyên học được Đệ Tử Quy, có thể thức tĩnh được lương và tâm trách nhiệm làm quan của họ.

Vào thời đại nhà Tùy có một thư sinh tên Tân Công Nghĩa, họ này hơi hiếm. Chư vị, người cha này đặt tên này có hay chăng? Ông ta đặt tên này, con ông tuyệt đối không thể làm gian phạm, vì mỗi ngày người ta đều gọi anh ta là Công Nghĩa, toàn thân anh ta nhất định đều là chánh khí bừng bừng. Thế nên ba tôi đặt tên này cho tôi, tôi không thể không có lễ phép. Nên khi anh ta đến vùng Mân Châu, nay là Cam Túc, làm thứ sử, ở đó có một phong tục, chính là chỉ cần trong nhà có người nhiễm dịch bệnh liền vứt bỏ họ, khiến họ tự sinh tự diệt. Khi anh ta đến đó cảm thấy phong tục này quá ư là tiêu cực, điều này làm đánh mất toàn bộ hiếu và nghĩa. Thế nên anh ta chủ động đem tất cả những người bệnh bị vứt bỏ hai bên đường về nha môn của mình để chăm sóc, cũng như mời đến rất nhiều bác sĩ đến trị liệu. Đợi đến khi những người bệnh này hồi phục hoàn toàn, liền mời người nhà họ đến đón về. Khi đón thì anh lại nói với họ: "tôi tiếp xúc với ba của quý vị lâu như vậy, quý vị xem tôi cũng đâu bị bệnh". Những người làm con này nghe đều cảm thấy rất hổ thẹn.

Lấy đức để thức tĩnh lòng hổ thẹn của nhân dân và thay đổi hoàn toàn nếp sống không có hiếu nghĩa này, nên người ở đó đều xưng anh ta là từ mẫu, xem anh ta như người mẹ vậy. Vị từ mẫu này không chỉ cứu vãn sức khỏe của người thân họ mà còn cứu vãn điều gì? Là lương tâm của mỗi người. Lương tâm của con người mà mất đi thì cho dù mạng vẫn còn nhưng chỉ là cái xác không hồn. Vậy nên người xưa thà chết chứ không chịu làm trái đạo nghĩa.

Trong môn học mấy ngày này cũng đưa ra không ít trường hợp. Như trước đây cũng đề cập đến một đứa bé tên Dữu Cổn, không bằng lòng vứt bỏ anh mình, nên tự mình ở lại, còn tất cả người trong thôn lạc đều ra đi, một mình nó chăm sóc anh trai. Kiết nhân thiên tướng, sau đó anh trai khỏe lại. Đây đích thực là "tinh thành sở chí, kim thạch vi khai", thế nên "thiện tương khuyên" mới có thể "đức giai kiến".

Khi chúng ta đều có thể "nhân hữu đoãn, thiết mạc yết. Nhân hữu tư, thiết mạc thuyết", như vậy có thể hình thành một phong cách rất an tường, lại có thể "đạo nhân thiện, tức thị thiện, nhân tri chi, dũ tư miễn". Một đoàn thể nếu có thể hòa thuận vui vẽ, đoàn thể này nhất định rất hưng thịnh. Chúng ta sống trong đại chúng, cần phải dĩ hòa vi quý, sau đó khi cần khuyên điều gì phải nắm bắt cơ hội, phải "dương thiện ư công đường, quy quá ư tư thất", cũng phải để ý đến thể diện người khác.

Chúng ta xem câu kinh văn tiếp theo, cùng nhau đọc nó một lượt. "Phàm thủ dữ, quý phân hiểu, dữ nghi đa, thủ nghi thiểu. Tương gia nhân, tiên vấn kỷ, kỷ bất dục, tức tốc kỷ. Ân dục báo, oán dục vọng, báo oán đoản, báo ân trường".

"Phàm thủ dữ, quý phân hiểu", thủ và dữ này tức là ví dụ khi trong nhà hoặc gia tộc đang chia đồ, chúng ta cũng phải xem tình huống mà định. Khi đối phương hơi khó khăn, chúng ta nên cho nhiều hơn, còn mình lấy ít lại. Mỗi một con người có thái độ lễ nhường này, như vậy nếp sống của gia đình luôn được thông cảm, luôn luôn nhường nhịn lẫn nhau, mà không tranh giành lẫn nhau.

Khi gia đình có sự ôn hòa này, nhất định toàn thể gia tộc đều được hưng thịnh. Nhưng chỉ cần vướng vào sự tranh đoạt, như trước đây chúng ta cũng đề cập đến "cư gia giới tranh tụng". Giả dụ như vì phân chia không công bằng, đến lúc tố cáo lên pháp viện, có thể đều không có kết quả tốt, thậm chí còn để lại tấm gương tiêu cực cho con cháu. Đến lúc đó dù có gia đình bạc triệu cũng sẽ mất tất cả, nên cố gắng hết sức có thể khiến chúng ta biết nhường nhịn.

Vào thời nhà Chu cũng vì Thái Bá và Trọng Ung, đem thiên hạ nhường cho em mình, nhường lại cho cháu mình. Cũng đã tạo nên cho nhà Chu của họ hưng thịnh suốt 800 năm, cũng khiến cho nhân dân cả nước khởi tâm học theo tinh thần hiếu để. Thật ra con người đều rất sợ nhường, cảm thấy sau khi nhường chính mình sẽ như thế nào? Ắt không còn gì.

Con người không thể chỉ nhìn trước mắt, khi quý vị nhường là đã thành tựu đức hạnh, thành tựu sự êm ấm của gia đình, mà nhường cũng tích lũy phúc phần cho chính mình. Khi quý vị có nhiều phúc phần như vậy, sau này tự nhiên có sự hồi báo, "thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân", đây là đạo lý xưa nay chưa từng thay đổi. Nên con người không thể tùy thuận phiền não để ứng phó mọi việc, không thể tùy thuận tập tánh của mình được mà phải tùy thuận thiên lý, tùy thuận nhân tâm để làm.

"Phàm thủ dữ, quý phân hiểu, dữ nghi đa, thủ nghi thiểu. Tương gia nhân, tiên vấn kỷ, kỷ bất dục, tức tốc kỷ." Khi chúng ta không muốn người khác phê bình chúng ta, hũy nhục chúng ta hoặc là tổn thương chúng ta. Chúng ta đều không muốn người khác đối đãi với chúng ta như vậy, chúng ta đồng lý, "nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý", cũng không nên tổn thương, không nên phê bình, không nên chỉ trích người khác mà nên dùng tấm lòng này để thông cảm người khác.

Trong Liên Bích, Càn Long hoàng đế đề cập đến "nguyện thiên hạ ông cô, xã tam phần ái nữ chi tình, nhi ái tức. Vọng thế gian nhân tử, dĩ thất phần thuận thê chi ý, nhi thuận thân". Câu đối liễn này rất có triết lý nhân sinh, làm chúng ta bớt suy nghĩ thật nhiều. Chúng ta xem câu thứ nhất, "nguyện thiên hạ ông cô" là chỉ cha mẹ chồng. Vì thiên cổ có một mâu thuẫn hơi khó giải quyết, là mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu. Sự tranh chấp này vì không đọc Đệ Tử Quy, "tương gia nhân, tiên vấn kỷ". Vì con dâu cũng là con gái của người khác, nên có thể dùng ba phần tình cảm yêu thương con gái để đối với con dâu, như vậy tin rằng tuyệt đối không xảy ra xung đột với con dâu.

Thật ra người này thật sự rất kỳ lạ, ví dụ mẹ rất giận chồng mình làm biếng, không làm việc nhà cũng không giúp đỡ, như vậy bà có giận chăng? Bà rất giận. Nhưng bà nói với con trai mình, con chỉ cần học thật tốt là được, ngoài ra con không cần quan tâm. Bà đang tạo ra một nam nhân khiến một người phụ nữ khác tức giận, có chăng? "Tương gia nhân, tiên vấn kỷ", rất nhiều người không biết vì sao đối với con dâu họ lại rất nghiêm khắc? Vì họ cũng từng trải qua như vậy, có thể bà mẹ chồng trước đó cũng không tốt với họ. Nhưng, thứ mà mình không muốn thì đừng đem cho người khác. Chúng ta từng nghèo khổ, khi nhìn thấy người nghèo phải quan tâm gấp bội mới đúng.

"Vọng thế gian nhân tử, dĩ thất phần thuận thê chi ý nhi thuận thân". Thông thường có một số nam nhân sau khi cưới vợ, lời nói của ai có giá trị? Nên thái độ này cần phải thảo luận, vì khi quá thân thường hay hành động theo cảm tính. Đối với sự được mất trong cách làm của họ, rất có thể đều không nhìn thấy rõ ràng. Giả dụ nghe lời vợ không gần gũi cha mẹ, thì bại tướng của họ đã lộ. Vì con cái họ tất nhiên không học được hiếu đạo, như vậy trong đời này dù họ có cố gắng đến đâu, rốt cuộc chỉ là công dã tràng. Vì vậy không nên dùng tình cảm để xây dựng cuộc đời, thông thường đều thiệt thòi lớn, phải dùng điều gì? Dùng lý trí để ứng đối.

Hiện nay thường nói nào là IQ, nào là EQ, nào là CQ, còn có HQ, đây là thứ của ngoại quốc. Nghĩa là họ dùng thứ đơn giản như thế nào? Họ không phức tạp, họ không có bản quyền để lấy. Thật ra rất nhiều đạo lý chỉ có một, nói thành nhiều cái, chúng ta không biết nắm bắt theo phương hướng nào. Như thế nào là EQ? EQ là Daniel Goleman viết, cái gì là EQ? Tình thương là chỉ số năng lực khống chế cảm xúc. IQ gọi là gì? Là trí thương tức là chỉ số thông minh.

Hai thứ này phân như thế nào? Biết nói lời đường mật gọi là tình thương, phải chăng? Như thế nào gọi là trí thương? Trí lực tốt gọi là trí thương. Đây là hai thứ khác nhau ư? Ví dụ có một người nam nghĩ rằng tôi rất lý trí, tôi phải nỗ lực kiếm tiền, nên không có thời gian gần gũi con cái, tôi phải ngủ ở công ty, vậy thì anh ta có lý trí chăng? Có không? Anh ta vỗ ngực tự hào và nói rằng tôi gắng sức là vì gia đình. Nghe ra thì hình như rất có lý trí, nhưng lý trí ở đâu? Lý trí ở đây là nên khiến cho nhân sinh phát triển một cách toàn diện.

Quý vị nói người này rất giàu tình cảm, thương con cái hết mình, việc gì cũng không cho con làm, như vậy gọi là tình thương ư? Yêu như vậy cũng chính là hại. Trong tình cảm của quý vị không có trí, thì đó gọi là lạm dụng tình cảm. Trong trí của quý vị không có tình, đó gọi là gì? Gọi là bạc tình. Rất nhiều doanh nhân sự nghiệp rất lớn, nhưng vợ con đi đâu? Đến vợ con cũng nói tạm biệt họ, nhưng họ không biết vì sao vợ con bỏ mình, có hạng người này chăng? vì vợ con cảm thấy nói họ cũng không thông suốt.

Vậy như thế nào là tình? Thế nào là trí? Người có chân tình tất có chân trí, người có chân trí tất có chân tình, tình trí không hai mới là chân tình chân trí, nên rõ ràng là một chân tâm thật sự, lại đem nó nói quá nhiều, khiến chúng ta không biết kéo sợi dây nào lại. Thế nên chú Lô mỗi tuần dù bận đến đâu, đều kiên trì vào chủ nhật nhất định cùng đi ăn cơm với gia đình. Thử hỏi đây là tình thương hay là trí thương? Đúng vậy, vì đối với vợ con có tình cảm chân thành, có lý trí thật sự, chú mới có thể gạt bỏ mọi khó khăn để xây đắp gia đình mình. Chúng ta học tập những đạo lý này của thánh hiền, những thái độ làm người này mới gọi là chân tình, chân nghĩa, chân trí để sống hoàn thiện một đời.

Chư vị, quý vị cảm thấy tôi tình thương tốt hay trí thương tốt? Vậy chúng ta hãy tự tìm đáp án cho câu hỏi trên. Vẫn là y pháp không y nhân, cố gắng theo học Đệ Tử Quy, Tứ Thư, không nên đi sâu vào những danh từ chuyên môn này, sẽ không nhảy ra được. "Tương gia nhân, tiên vấn kỷ, kỷ bất dục, tức tốc dĩ". Có phần lý trí này để thông cảm với cảm nhận của người khác, sẽ không cưỡng ép người khác.

Chúng ta xem tiếp câu sau, "ân dục báo, oán dục vong". "Ân dục báo" này, thật ra làm một người có thể không quên ân đức, không quên cha mẹ, không quên sư trưởng, không quên ân đức của mọi người đối với họ, tinh thần sinh hoạt của họ nhất định rất hoàn mãn. Thế nên căn bản hạnh phúc của một người, chính là trong yêu thương và cảm ân. Khi họ hiểu được yêu, biết cách bỏ công sức, họ sẽ nhận được giá trị của chính mình, nên mới nói cho có phước hơn nhận.

Chúng ta thấy rất nhiều người làm tình nguyện viên, mỗi ngày đều luôn tươi cười. Quý vị xem cư sĩ Hứa Triết đã 106 tuổi, tôi từng gặp được bà cụ, khi ở Cao Hùng. Lúc bà cười thật ra không có gì khác biệt với trẻ em, đúng là một trái tim màu hồng.

"Ân dục báo, oán dục vọng", bà lúc nào cũng nghĩ đến có thể giúp đỡ người khác, đây là sống trong tâm trạng của sự thương người. Khi một người lúc nào cũng nhớ ơn, họ đang sống trong tâm cảnh báo ân. Khi con người đang báo ân, nội tâm của họ cảm thấy vô cùng phong phú. Như tôi hơn một năm nay, cũng đi qua rất nhiều nơi, cuối cùng cũng có một chút an ủi, cảm thấy trong đời mình rất may mắn, có thể theo cô Dương, theo chú Lô, theo sư trưởng của tôi, theo giáo huấn của các bậc thánh hiền. Tôi là người rất may mắn, nên cũng hy vọng làm một chút việc có thể khiến họ hoan hỷ.

Hơn một năm nay, tuy rất bận rộn, nhưng trái lại tinh thần ngày càng tốt. Nên sống trong sự biết ơn đích thực không giống nhau, khi quay đầu nhìn lại đoạn đường mình đã đi qua, cảm thấy còn có một chút cảm giác dồi dào. Tôi nhớ có một lần cô Dương cho tôi một bao thư, trên đó viết: thầy Thái à, thầy vất vả quá. Khi tôi xem xong liền rơi nước mắt, vì đời này có thể được may mắn như vậy, có thể đi trên con đường phát triển truyền thống văn hóa, cũng là nhờ cô Dương thành tựu cho tôi. Mà trên con đường này, tuy cô không ở bên cạnh tôi, nhưng từng chút từng chút đều rất quan tâm tôi. Nếu không phải cô Dương đành lòng để tôi lại ở Hải Khẩu, tôi sẽ không có cơ hội rèn luyện này. Vì cô Dương đã đem việc hoằng dương truyền thống văn hóa làm trách nhiệm của mình, nên rất nhiều việc đều do cô quyết định. Đem rất nhiều nguyên cảnh phát triển của thời kỳ trước đều quy hoạch thật tốt, tôi chỉ là người làm công tác giảng dạy mà thôi, còn những an bài về sau cô Dương cũng luôn luôn nghĩ cho hàng vãn bối chúng tôi.

Thế nên tôi có thể theo học tập những bậc thiện tri thức này, ân đức này mỗi niệm không bao giờ quên. Để hồi báo các bậc trưởng bối này, phương thức tốt nhất là gì? Y giáo phụng hành. Nên tôi tặng lễ vật cho chú Lô, có thể chú cũng không thiếu. Quan trọng nhất là chú có thể thấy hàng vãn bối chúng tôi, có thể nghe giáo huấn từ nơi chú để lập thân hành đạo, như vậy mới đem đến cho chú an ủi lớn nhất. Thế nên chúng ta lúc nào cũng phải nhớ ân phụ mẫu, lúc nào cũng nhớ ân sư trưởng, lúc nào cũng phải nhớ ân chư vị thánh hiền của mấy ngàn năm nay. Vì vậy mỗi lần tôi xem Câu Chuyện Đức Dục đều khóc không dừng được, giống như bậc thánh triết này đã soi sáng tâm tôi.

Hôm đó tôi đang xem Tổ Tốn đem tất cả những người trong thôn làng cùng đi tỵ nạn, mấy trăm người ông đều chăm sóc. Tự mình thì đi bộ, còn tất cả xe ngựa đều nhường cho người khác. Những gì ông làm khiến các vị trưởng bối trong làng đều nói: Chúng ta tuy tuổi tác đã cao, nhưng đến lúc già còn có thể gặp được Tổ Tốn, gặp được bậc cha mẹ tái thế này, chết cũng không hối tiếc. Tôi đọc đến đây rất cảm động.

Trong xã hội hiện nay, thiếu sót nhất là gì? Chính là sự yêu thương, sự săn sóc. Khi chúng ta chịu theo đuổi chư vị thánh triết này, tin rằng cũng sẽ diễn xuất ra một màn kịch hay như Tổ Tốn vậy. Các bậc thánh triết soi sáng tâm chúng ta, chúng ta nhất định phải học tập theo họ, "ân dục báo, oán dục vọng". Người và người khó tránh khỏi phát sinh xung đột. Nhưng trước đây chúng ta cũng có nói đến "người đáng ghét nhất định có điểm đáng thương", họ cũng là chưa học cách làm người mới phát sinh xung đột với chúng ta. Mình cần phải phản tĩnh trước, nếu mình không sai, phải tiến thêm bước nữa là bao dung người khác. Quý vị không nên đem sai lầm của người khác để trong lòng mình, đó chính là lấy vật dơ nhất của người khác để ở trong tâm linh trong sáng nhất của mình, đó là việc ngu muội nhất.

Khi chúng ta chịu tha thứ cho người khác, đúng ra chính là tha thứ cho chính mình. Khi quý vị mỗi ngày đều đem lỗi lầm người khác để trong lòng mình, như vậy quả thật không dể chịu. Nên phải không nhớ điều ác cũ, không oán người ác. Đối với những xung đột đã phát sinh, chúng ta không nên để mãi trong lòng. Vì khi quý vị để oán hận trong lòng, đối phương có cảm nhận được chăng? Có thể chăng? được chăng? Có thể. Quý vị xem khi quý vị có oán khí, có biểu hiện ra trên mắt chăng? Có biểu cảm chăng? Nhất định có, "Thành ư trung, hình ư ngoại". Tâm không thành, đương nhiên cũng biểu hiện ra bên ngoài.

Khi quý vị không buông được oán hận này, quan hệ giữa hai người nhất định ngày càng xa, như vậy cũng không tốt, vì dù sao thì cũng phải sáng tối sống bên nhau. Hoặc là thường ở trong công ty, đều phải gặp nhau. Khi hai người không thể tiếp nhận lẫn nhau, rất có thể ảnh hưởng đến sự hài hòa của cả gia đình hay một đoàn thể, sao lại phải khổ như vậy?

Tôi có một vị trưởng bối, vì ông rất có tài hoa, nên trong công ty rất nhiều việc đều nhờ ông làm. Vì thể hiện rất tốt, nên ông ta đạt được rất nhiều phần thưởng, và vô tình đã tạo nên sự đố kỵ cho các đồng sự khác. Vị trưởng bối này nói, làm cho người khác đố kỵ là quang vinh, vì có bản lĩnh mới bị người khác đố kỵ, nên không cần nỗi giận. Tiếp theo ông ta lại nói, có một người bạn phê bình ông rất nghiêm trọng, nhưng ông cũng không để trong lòng. Không ngờ người bạn này có một việc mà không ai muốn giúp đỡ, đúng lúc vị trưởng bối này có năng lực này, nên đã chủ động giúp anh ta. Khi làm ra động tác này, đối phương như thế nào? Rất hổ thẹn, hổ thẹn đối với những việc mình làm trước đây, sau đó hai người này trở thành bạn tốt, "oan gia nên giải không nên kết". Mà sau khi thật sự kết giao, mới thấu hiểu được một người thường phê bình người khác, chính là nội tâm không bình lặng.

Tâm họ vì sao không bình lặng? Có thể trong quá trình trưởng thành, hoặc là gia đình hiện tại khiến tâm họ không sao lắng đọng được. Đều là do nội tâm có rất nhiều đau khổ mà không loại trừ được. Nhờ vị trưởng bối này của tôi không có tâm địa như anh ta, lại chủ động giúp đỡ anh ta, tình nghĩa này hóa giải được trở ngại đó. Tiến thêm bước nữa có thể dẫn dắt và giúp đỡ anh ta trong quan niệm tư tưởng. Thế nên chúng ta có duyên thiên lý đến tương hội, bất luận là thiện duyên hay ác duyên, chỉ cần tâm chúng ta giữ được sự bình đẳng, từ bi, tin rằng mặc dù ác duyên cũng sẽ chuyển thành thiện duyên. Vì vậy phải làm được oán thân bình đẳng, thật sự làm được oán thân bình đẳng, mới khiến người khác tâm phục khẩu phục.

Chúng ta xem câu thành ngữ này, để ai trước tiên? Oán. Oán thân bình đẳng, thế nên phải mở rộng tâm mình, "ân dục báo, oán dục vong". Thật ra chúng ta rất nhiều chấp trước, chỉ cần một niệm chuyển, lập tức từ chấp trước trở thành trí tuệ. Vậy nên con người cần phải thay đổi ý niệm, chúng ta nên cảm tạ người tổn thương mình, vì họ đã rèn luyện tâm trí của chúng ta. Cảm tạ người lừa gạt chúng ta, vì họ làm tăng tiến kiến thức của chúng ta. Cảm ơn người làm chướng ngại chúng ta, vì họ làm năng lực chúng ta mạnh mẽ hơn. Cảm ơn người vứt bỏ chúng ta, vì họ hướng dẫn chúng ta biết cách độc lập.

Cuộc đời quý vị có thể nương tựa vào ai cho đến khi già? Không thể. Nương tựa ở đây không phải nương tựa trên mặt nhục thể. Một người phải có trưởng thành về tâm trí, suốt cuộc đời của quý vị điều cần phải nương tựa nhất, chính là trí tuệ chân thật của mình. Nên cảm tạ người khiển trách chúng ta, người mắng chửi chúng ta, vì họ làm tăng trưởng định tuệ của chúng ta. Thế nên "phụ mẫu giáo, tu kinh thính. Phụ mẫu trách, tu thuận thừa". Đây không chỉ là cha mẹ, mà tất cả mọi người, khi họ khiển trách chúng ta, chúng ta đều có thể khiêm tốn rửa tai lắng nghe. Như vậy đạo đức học vấn của quý vị đều đang nâng cao.

Khi một người thay đổi một niệm, tất cả phiền não đều có thể biến thành trí tuệ. Cũng do quý vị có thể chuyển được những người tổn thương, lừa gạt, những người chướng ngại quý vị, đột nhiên đối với quý vị như thế nào? Rất kinh ngạc. Thêm bước nữa là rất khâm phục quý vị, người ta có thể đạt đến trình độ tu dưỡng này, rốt cuộc quý vị đã học với ai? Như vậy quý vị có thể đem Đệ Tử Quy giới thiệu cho họ. Chúng ta phải dát vàng lên trên mặt của các bậc thánh hiền, chứ đừng không chịu đựng được, rồi trở thành một kiểu kiến thức như họ. Cuối cùng đối phương lại nói: Còn nói là học Đệ Tử Quy cái gì? Như vậy thì quả thật rất phiền phức, vậy nên oán cần phải quên.

"Báo oán đoản, báo ân trường". "Báo ân đoản" không phải là báo thật sự, là đem ý niệm oán hận này nhanh chóng chuyển đổi. "Báo ân trường", trường không phải là chỉ thời gian, là chỉ sự trường cữu. Làm sao có thể báo hết được ân cha mẹ, làm sao có thể báo hết được ân đức sư trưởng. Chúng ta đối với những ân đức này đều phải cúc cung tận tụy đến chết mới thôi. Khi tôi nói câu này, quý vị có đột nhiên lóe sáng chăng? Vì lúc học cao trung tôi lóe sáng hai lần, đã nói với chư vị rồi đúng không?

Lần đầu tiên là nghe Nhạc Dương Lâu Ký của Phạm Trọng Yêm. "Trước là lo nỗi lo của thiên hạ, sau mới vui cái vui của thiên hạ", nghe như vậy đột nhiên tôi lóe ánh sáng khoảng năm đến mười giây, rồi lại tiếp tục hôn trầm, vì tôi đối với thể văn cổ không thông suốt lắm. Và khi đang học Xuất Sư Biểu, đột nhiên nhìn thấy câu này của Khổng Minh "cúc cung tận tụy đến chết mới thôi", đột nhiên trong đầu lại lóe ánh sáng. Nhưng ánh sáng này phải duy trì lâu dài mới được, nên gặp được giáo huấn của thánh hiền không nên bỏ lở. Tôi thật sự không thể bỏ lỡ, bỏ lỡ rất khó chịu, quanh lại một vòng phải hơn mười năm. Tuy lúc đó mới mười mấy tuổi, nhưng thanh niên mười mấy tuổi còn "vi phú tân từ cưỡng thuyết sầu", còn phải nắm bắt rất nhiều cảm nhận đau khổ, vì không hiểu sự lý. Nên hát những bài tình ca đó, cũng hát một cách đau khổ vạn phần. Không ai hướng dẫn, nên tuổi xuân tốt đẹp như thế đều lãng phí hết.

Thế nên con người đều có nhân duyên, có nhân duyên rất sâu với những bậc thánh nhân này. Nên tôi nói với các bạn, tôi nói giả như có đời trước, tôi nhất định làm binh sĩ bưng cơm giúp Khổng Minh. Vì nhìn thấy thừa tướng ăn ngày càng ít, nên rất đau lòng. Khi tôi xem Tam Quốc Diễn Nghĩa, thấy Khổng Minh cầm viết cũng không vững, sĩ binh bưng cơm cho ông ăn, ông cũng không ăn, tôi xem đến cảnh tượng đó cảm thấy rất thương tâm. Nên các bậc thánh nhân, dùng chân thành của họ diễn ra những màn kịch hay nay, chúng ta nhất định phải cố gắng học tập họ, đây là "báo ân trường". Vì có những ân đức này, mới có thể khiến nhân sinh của chúng ta đi đến một phương hướng tốt đẹp như thế, chỉ cần không có họ sẽ không có chúng ta. Giữ được thái độ như thế, chúng ta sẽ tận tâm tận lực làm tròn bổn phận của mình, khiến những người có ân với chúng ta đều có thể hoan hỷ thấy chúng ta trưởng thành và nhìn thấy cuộc đời của chúng ta.

Chúng ta đọc câu kinh văn tiếp theo. "Đãi tỳ bộc, thân quý đoan, tuy quý đoan, từ nhi khoan. Thế phục nhân, tâm bất nhiên, lý phục nhân, phương vô ngôn". "Đãi tỳ bộc, thân quý đoan", chúng ta giải thích rộng hai chữ tỳ bộc này. Ví dụ trong gia đình chúng ta có một số nhân công, đều coi như là trong phạm vi này. Đương nhiên họ bỏ sức lực của mình ra, chúng ta cũng nên tôn trọng công sức của họ.

Khi trong nhà có người làm, cũng nên dạy con cái đối đãi với những người làm này như trưởng bối. Không nên để con cái từ nhỏ đã coi thường người khác, như vậy không thể kiến lập tâm bình đẳng, tâm cung kính cho chúng được, nên phải cẩn thận. Cho dù là tài xế lái xe, bọn trẻ cũng phải xưng họ là gì? Là chú, là bác để không mất sự cung kính. Có thể ở trong một gia đình, đều là nhân duyên khó được, chúng ta đều phải thông cảm nhiều và chăm sóc lẫn nhau.

Ví dụ sắp đến tết, phần lớn dâu, con, cháu đều trở về. Hiện nay vì rất nhiều phụ nữ đều làm công chức, nên bình thường họ cũng rất bận rộn. Vì bận rộn cũng đã rất mệt, thật không dể mới được nghĩ tết, trở lại phải như thế nào? Càng mệt. Thậm chí lượng công việc đó còn nhiều hơn bình thường đi làm. Cho dù chúng ta làm mẹ chồng, cũng phải có sự đồng tình với nỗi vất vả của dâu con. Không thể nói cô ta là dâu con thì phải làm, cũng phải nhìn tình huống mà định đoạt.

Ví dụ bây giờ muốn nhờ người nấu cơm giao thừa cũng rất phương tiện, giả dụ con dâu rất mệt, thì nên kêu vài món cơm canh để cùng nhau đoàn viên, như vậy mọi người đều rất nhẹ nhàng thoải mái. Con dâu cũng cảm thấy, người mẹ chồng này thật biết nghĩ cho mình. Quý vị thương họ, họ sẽ thương yêu quý vị. Người biết thương người liền được người thương, người biết kính người khác thì được người khác kính yêu. Thật ra sự giao tiếp hòa hợp giữa người với người có khó chăng? Đâu đến nỗi quá phức tạp, chỉ là chúng ta quá để tâm đến chuyện vụn vặt. Đương nhiên khi mẹ chồng làm ra những việc rất thông cảm cho con dâu, người con dâu cũng nên như thế nào? Miệng phải ngọt một chút.

Quý vị đang đi bên ngoài, đúng lúc mẹ chồng cũng ở đó, quý vị liền nói với những người thân bạn bè này, mẹ chồng tôi thật tốt, đều giúp tôi làm như vậy, như vậy, như vậy. Mẹ chồng nghe được sẽ như thế nào? Rất vui, đây gọi là một câu nói ngọt ngào. Mọi người đều nói tốt với nhau sẽ hoan hỷ lẫn nhau, giúp đở lẫn nhau.

Tiết học hôm nay chúng ta tạm dừng ở đây, cám ơn mọi người.

Hết tập 37

w


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro