hanjieun - du thao ATVSTP

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Các ý kiến đóng góp của người dân về dự thảo Luật an toàn thực phẩm (dự thảo ngày 24/8/2009) thông qua website "ý kiến nhân dân về dự án luật, pháp lệnh" tập trung vào 8 vấn đề sau đây:

1. Về đăng kí quảng cáo thực phẩm (Điều 27)

Điều 27 quy định tất cả các quảng cáo thực phẩm phải được đăng ký trước với Bộ Y tế. Một số ý kiến góp ý cho rằng sẽ là không thực tế khi yêu cầu mọi quảng cáo thương mại mới trên truyền hình hoặc trên các báo phải đăng ký, và yêu cầu phải đăng ký từng biển quảng cáo sẽ được treo trên cửa sổ nhà hàng. Vì thế cần có thêm quy định bổ sung để làm rõ nội dung quản lý được nêu trong Điều luật này. Có một số ý kiến cho rằng thay vì đăng ký trước tất cả các quảng cáo thì nên quy định thẩm quyền cho Bộ Y Tế trong việc cấm các quảng cáo gian lận vì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, Điều 27 quy định đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm hơi dài và thiếu tính thực tế. Những thông tin chi tiết như thành phần chính và hàm lượng của sản phẩm có thể gây ảnh hưởng tới bí quyết kinh doanh của nhà sản xuất.

2. Về vấn đề ghi nhãn thực phẩm (Điều 29, 30)

Thứ nhất, các điều 29, 30 quy định đối với thực phẩm biến đổi gen hoặc nguyên liệu thực phẩm biến đổi gen phải ghi rõ trên nhãn dòng chữ "Thực phẩm biến đổi gen" hoặc "Biến đổi gen" bên cạnh thành phần có gen bị biến đổi. Tuy nhiên, dự thảo lại không đưa ra quy định chi tiết về thực phẩm biến đổi gen như quy định của các nước khác, và cũng không thiết lập một ngưỡng đối với thành phần biến đổi gen trong thực phẩm. Việc quy định ngưỡng là rất quan trọng bởi vì chúng sẽ hỗ trợ thương mại và giảm đáng kể chi phí kiểm tra nguyên liệu GM trong thành phần thực phẩm. Các quốc gia trên thế giới đều sử dụng cách xác định dựa trên vết biến đổi gen. Cụ thể là nếu vết biến đổi gen trong thành phẩm ít hơn một ngưỡng nhất định (thường là 5%) thì sản phẩm không phải ghi nhãn biến đổi gen. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng cần bổ sung vào điều luật nội dung này.

Thứ hai, điểm c khoản 1 Điều 29 quy định về việc ghi nhãn đối với phụ gia thực phẩm còn chưa rõ ràng. Nếu quy định phải ghi thông tin trên nhãn về liều lượng sử dụng và hướng dẫn sử dụng để áp dụng cho mọi trường hợp sử dụng chất phụ gia thì sẽ thiếu tính thực tế.

3. Về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu (Mục 1 Chương V)

Theo các ý kiến đóng góp, dự thảo cần quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về vấn đề an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu thay vì chỉ có 3 điều trong Dự thảo (Điều 31, điều 32, điều 33) bởi lẽ kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu, chính là bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam. Đây cũng đồng thời là hàng rào hợp pháp nhằm giảm bớt thực phẩm nước ngoài tràn vào cạnh tranh đối với hàng thực phẩm sản xuất trong nước.

Quy định tại Điều 31 còn chưa rõ ràng về việc liệu có phải tất cả các thực phẩm nhập khẩu đều phải được đăng ký bản công bố hợp quy trước khi được đưa ra thị trường hay không. Theo Điều 9, chỉ có 'thực phẩm đã qua chế biến' nội địa mới phải đăng ký bản công bố hợp quy. Nếu Điều 31 được áp dụng rộng cho một loạt các sản phẩm hơn phạm vi áp dụng của Điều 9 thì sẽ dẫn đến vi phạm nghĩa vụ đối xử quốc gia của WTO. Theo nguyên tắc đối xử quốc gia của WTO, các quy định đối với sản phẩm nhập khẩu không được khắt khe hơn các quy định đối với sản phẩm nội địa.

4. Truy nguyên nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn (Điều 44)

Dự thảo luật yêu cầu các nhà sản xuất và chế biến phải thực hiện một cơ chế truy nguyên nguồn gốc. Song các yêu cầu cụ thể là gì và các yêu cầu đó áp dụng với những đối tượng nào lại không được dự thảo Luật quy định rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc không nên quá mang tính quy tắc và phải tạo điều kiện sao cho cả các hồ sơ đơn giản trên giấy tờ cũng như trên máy tính có thể đáp ứng được yêu cầu đó. Yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc trong dự thảo hiện tại có vẻ như quá mang tính quy tắc khi quy định rằng việc truy nguyên nguồn gốc phải "căn cứ vào mã số ghi trên sản phẩm và hồ sơ lưu." Các yêu cầu cụ thể này không phù hợp cho từng kiểu nhà sản xuất và từng loại sản phẩm. Trong điều kiện kinh doanh nhỏ lẻ, ví dụ chăn nuôi lợn ở Việt Nam hiện nay, chỉ có 6% theo mô hình công nghiệp việc truy ra nguồn gốc là rất khó khăn (cùng lắm là có thể truy ra sản phẩm đó được sản xuất ở tỉnh nào). Do đó, nên thận trọng chú ý lộ trình thực hiện nếu không sẽ đưa ra một quy định thiếu tính khả thi. Một số ý kiến cho rằng nên quy định về vấn đề này trong các văn bản dưới luật hoặc tách thành một mục độc lập với tiêu đề "Thực hiện mã hoá và truy suất nguồn gốc sản phẩm".

5. Về quản lí nhà nước về an toàn thực phẩm (Điều 52, 53)

Đa số ý kiến cho rằng, phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm như trong Dự thảo Luật an toàn thực phẩm có thể gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Có 3 bộ chính và các bộ khác có liên quan có thẩm quyền đối với một hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngành Y tế đã quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm hơn 40 năm, đã có mạng lưới, cơ sở vật chất, hệ thống văn bản pháp quy, quy trình giám sát, kiểm tra ... Bây giờ giao nhiệm vụ quản lý hầu hết các sản phẩm cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và hai ngành này bắt đầu từ đầu sẽ rất khó khăn và tốn kém. Cách chia phạm vi như vậy gây chồng chéo và cũng có thể bỏ sót nội dung quản lý. Ngoài ra, Điều 53 quy định chưa rõ ràng trách nhiệm cụ thể của từng Bộ ngành là như thế nào. Có ý kiến đề xuất nên hợp nhất lại thành một cơ quan chuyên môn đủ năng lực chuyên sâu, tiết kiệm được chi phí, tránh phình bộ máy nhà nước như mô hình FDA của Mỹ.

6. Về cách thức xác định trách nhiệm đối với vấn đề an toàn thực phẩm

Một số ý kiến đánh giá dự thảo luật chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Trong nhiều trường hợp, dự thảo mới chỉ diễn đạt một cách chung chung. Điều này có thể ảnh hưởng tới tính khả thi của Luật. Nhiều quy định về trách nhiệm không rõ về chủ thể. Nếu như tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm thì không đúng, ví dụ như sử dụng thực phẩm quá hạn thì chỉ những người sử dụng hoặc sử dụng cho người khác mới phải chịu trách nhiệm.

7. Về vấn đề xử phạt

Hình thức xử phạt chưa được nhấn mạnh trong dự thảo Luật. Nhiều ý kiến đề xuất nên mạnh dạn thay đổi bằng cách thêm một chương về xử phạt vào Luật. Ở các nước phát triển, Luật về an toàn thực phẩm đều kèm theo hình thức xử phạt cụ thể. Thậm chí có thể xử phạt hình sự, tránh tình trạng mức phạt quá nhẹ, phạt xong đâu lại vào đấy như hiện nay.

8. Về định nghĩa ngày hết hạn (Điều 6 và điều 45)

Thuật ngữ 'sản phẩm hết hạn sử dụng' được quy định trong Điều 6 (nghiêm cấm sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng) và Điều 45 (yêu cầu thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng). Tuy nhiên thuật ngữ 'sản phẩm hết hạn sử dụng' hay 'ngày hết hạn' không được định nghĩa trong dự thảo Luật.

Một số ý kiến khuyến nghị rằng định nghĩa 'ngày hết hạn' và các thuật ngữ có liên quan được đưa vào trong Luật và các định nghĩa này nên phù hợp với Tiêu chuẩn Codex 1

Trừ khi dự thảo luật này quy định rõ ràng hơn bằng cách đưa ra một số định nghĩa dựa trên Codex, nếu không có thể xảy ra nguy cơ thanh tra thực phẩm sẽ đánh đồng "ngày hết hạn" với "tuổi thọ tối thiểu" mà thường được biết đến với cụm từ "dùng tốt nhất trước ngày." Nếu sự nhầm lần này xảy ra thì một thực phẩm chưa được coi là mất an toàn có thể sẽ bị thu hồi và tiêu hủy.

*

* *

Trên đây là tổng hợp các nội dung góp ý của công chúng vào dự án Luật an toàn thực phẩm thông qua trang web: Ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh.

Các ý kiến này có thể được tham khảo trực tiếp tại địa chỉ:

Ý kiến nhân dân về các dự án luật: http://duthaoonline.quochoi.vn

Xin trân trọng cảm ơn!

DỰ LUẬT AN TOÀN THỰC PHẨM: CHẶT MÀ KHÔNG CHẶT

Y Nhung

Đã qua 14 lần chỉnh sửa, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng dự thảo luật an toàn thực phẩm đã đưa ra không ít quy định vừa thừa lại vừa thiếu.

Dự thảo luật an toàn thực phẩm gồm 11 chương 64 điều, do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, sáng 10/9 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến, tại Hà Nội. Theo dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến vào kỳ họp thứ sáu tới đây.

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của luật quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn về thực phẩm; thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; kiểm soát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ứng phó, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thẩm quyền, hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.

Theo ý kiến chung của nhiều đại biểu, dự thảo luật này có những vấn đề đã được quy định quá chi tiết, trong khi nhiều vấn đề khác vẫn còn bỏ ngỏ.

Thạc sỹ Trần Thị Quang Hồng, Viện Khoa học pháp lý cho rằng: Quy định tại Mục 5, Chương III về các điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố như: Phải xa cống rãnh, bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm; dụng cụ chứa đựng thực phẩm phải được rửa sạch, khử trùng trước khi sử dụng; có phương tiện che nắng, che mưa, bụi bẩn và côn trùng... là không cần thiết.

Bà Hồng phân tích: Thức ăn đường phố là một vấn đề xã hội. Ở góc độ pháp lý việc kinh doanh thức ăn đường phố hay thức ăn trong các nhà hàng khách sạn đều là kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn. Việc kinh doanh này đều phải tuân theo các điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chế biến sẵn.

Trên thực tế thức ăn đưòng phố cũng chỉ là một loại hình trong các khâu phân phối thực phẩm. "Nếu đã đưa thức ăn đường phố vào luật thì còn nhiều vấn đề khác cũng phải nêu như an toàn thực phẩm tại các bếp ăn công nghiệp, trường học...", ông Trần Đáng, Nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tán đồng với ý kiến trên.

Bên cạnh đó, chủ thể của các hành vi bị nghiêm cấm như: sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng phương tiện bị ô nhiễm, phương tiện đã vận chuyển các chất độc hại để vận chuyển thực phẩm... lại không nêu rõ là những đối tượng nào. Điều này sẽ khiến khó áp dụng hoặc tạo ra sự tùy tiện khi triển khai trên thực tế.

Ngoài ra, trách nhiệm của những người cung cấp, chế biến thực phẩm cho người khác không vì mục đích lợi nhuận chẳng hạn như khi biết con gà bị bệnh vẫn mang cho người khác ăn sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào... chưa hề được nói tới.

Ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thuỷ sản Việt Nam lại góp ý ở một khía cạnh khác: Việt Nam đã là thành viên của WTO, theo đó khi xây dựng luật mà luật đó có ảnh hưởng đến quan hệ thương mại quốc tế thì phải đảm bảo được các nguyên tắc công khai, khách quan, công bằng và hài hoà.

Như vậy, các quy định được áp dụng đối với thực phẩm sản xuất trong nước cũng sẽ được áp dụng đối với thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, các quy định trong dự thảo luật này lại chủ yếu hướng tới yêu cầu việc sản xuất, chế biến thực phẩm phải an toàn mà chưa quan tâm nhiều tới làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ cho người dân.

Ông Cương dẫn ra: để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới đã quy định khi xuất khẩu nông sản sang nước họ phải đạt các yêu cầu này, quy định kia... Giám tiếp đã khiến các nước muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường của họ phải nâng cấp nhà xưởng, bỏ chi phí để kiểm định... Như vậy, các chi phí đầu vào sẽ tăng lên làm giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm.

Trong khi đó, các quy định đối với thực phẩm nhập khẩu trong dự thảo luật này của nước ta hết sức sơ sài (với 3 điều, chiếm 1,5 trang A4). Ông Cương nói một cách hình ảnh, chúng ta phải chải chuốt, complê, càvạt để đi vào nhà người khác còn nhà mình lại không hề có hàng rào, mọi người có thể tuỳ ý ra vào.

Ngoài các đóng góp trên, ông Trần Đáng còn có thêm gợi ý, trong luật này cũng nên có một chương để quy định về các tiêu chí đối với thực phẩm chức năng.

Hiện nước ta có 500 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và khoảng hơn 1.500 sản phẩm đang được lưu hành. Với các tác dụng như: kéo dài tuổi thọ, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ làm đẹp... ước tính khoảng 30% dân số nước ta đã và đang sử dụng những sản phẩm này.

Thực phẩm chức năng là sản phẩm đặc thù là nằm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm. Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia đều đã ban hành luật riêng đối với sản phẩm này. Ở nước ta chưa thể ra một luật riêng đối với thực phẩm chức năng thì trong luật này cũng nên có một chương để quy định về các tiêu chí đối với thực phẩm chức năng; phân loại thực phẩm chức năng; điều kiện để thực phẩm chức năng được lưu hành, thử nghiệm thực phẩm chức năng trên người... để có cơ sở pháp lý cho việc quản lý.

Nguồn: VNeconomy, 11/09/2009 10:46 (GMT+7)

Dự án Luật an toàn thực phẩm: Quản lý thức ăn đường phố - Phân cấp cho địa phương

"Thực phẩm là sản phẩm hàng hóa đặc thù, có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và phát triển giống nòi nên cần thiết phải quản lý chặt chẽ".

GS. Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) của Quốc hội, nhấn mạnh như thế khi thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội đọc thẩm tra dự án Luật An toàn thực phẩm.

Chưa có số liệu giám sát ngộ độc thực phẩm

UBKHCN&MT nhận xét: Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong giai đoạn 2004-2008 cho thấy việc cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện ATVSTP còn bất cập, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện ATVSTP trung bình cả nước chỉ đạt 11,6%. Nếu quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện ATVSTP như đã làm sẽ gây ách tắc, khó khăn cho cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Do đó, UBKHCN&MT đề nghị việc quản lý sản xuất kinh doanh thực phẩm nên theo tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng. Theo đó, thực phẩm thông thường như lương thực, đường, bánh kẹo..., quản lý điều kiện sản xuất kinh doanh trên cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Còn thịt, rau quả tươi sống, sữa, thủy sản..., ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các cơ sở sản xuất kinh doanh loại thực phẩm này phải có giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP cấp. Ngoài ra, để quản lý hiệu quả, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSTP.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu trong trình bày dự án Luật ATTP cho biết, chưa có số liệu giám sát ngộ độc thực phẩm do chưa có hệ thống giám sát đến cơ sở nên chưa có báo cáo đầy đủ. Còn theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, ở VN, số người ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm lên khoảng 8,2 triệu người. "Đến nay, ở VN, ngộ độc thực phẩm mãn tính và mối liên quan giữa thực phẩm và các vấn đề sức khỏe, phát triển giống nòi vẫn chưa có đủ khả năng để đánh giá" - Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết.

Xuất phát từ thực tế này, dự án luật dành hẳn một mục quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thức ăn đường phố. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, sản xuất chế biến thủ công, quy mô gia đình nên các cơ sở chế biến thức ăn đường phố khá phổ biến, phần lớn chưa bảo đảm ATVSTP. Về quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, Ủy ban cho rằng dự thảo Luật cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động SX-KD thức ăn đường phố. Trong dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý ATTP đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm ATTP.

Loại hình kinh doanh thức ăn đường phố phụ thuộc và chịu tác động rất lớn của tập quán ăn uống và điều kiện kinh tế từng địa phương. Số cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn đường phố rất lớn trong khi lực lượng thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Vì vậy, cần có quy định theo nguyên tắc phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

Quản lý thực phẩm biến đổi gen

Thực phẩm biến đổi gen mặc dù còn mới, đang gây tranh cãi trên thế giới nhưng cũng cần sớm đưa vào dự luật. UBKHCN&MT nhận định quản lý thực phẩm biến đổi gen là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Hiện chưa có kết luận khoa học về tác hại của loại thực phẩm này, tuy vậy, thế giới hiện có 2 quan điểm về quản lý thực phẩm biến đổi gen.

Các nước EU quản lý chặt chẽ, thực phẩm có tỉ lệ nguyên liệu biến đổi gen trên 0,9% đều phải ghi nhãn; một số nước như Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc thì tỉ lệ này dao động từ 1%-5%. Riêng các nước Mỹ, Arhentina, Canada, Malaysia, Philippines..., có quan điểm không ghi thực phẩm biến đổi gen trên nhãn.

Trước sự lựa chọn này, cơ quan thẩm tra nghiêng theo hướng thực phẩm biến đổi gen phải ghi trên nhãn khi vượt giới hạn tỉ lệ quy định và giao Chính phủ quy định cụ thể mức giới hạn tỉ lệ nguyên liệu biến đổi gen trong thực phẩm.

YHTH

Theo SK&ĐS

Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm: Chờ sự rõ ràng của Luật

14:19:00 31/7/2009

Cho dù trong những năm gần đây có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm được ban hành nhưng những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực này lại không hề giảm. Nhiều người đang kỳ vọng vào Luật An toàn thực phẩm, dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội vào tháng 10 tới, và nếu được thông qua thì người dân sẽ được bảo vệ và cơ quan quản lý cũng dễ thực hiện được nhiệm vụ của mình.

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quản lý chồng chéo

Ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: hiện nay, có đến 5 Bộ chịu trách nhiệm chính trong chuỗi cung cấp thực phẩm, đó là: sản phẩm từ đồng ruộng sau sơ chế do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Quá trình chế biến sản phẩm tại nhà máy do Bộ Công Thương; Công nhận quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học- Công nghệ; Giám sát đưa hàng vào lưu thông do Hải quan và Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cũng đã phát sinh nhiều mâu thuẫn trong quá trình phối hợp liên ngành này.

Riêng số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do cấp Trung ương ban hành là 337 nhưng số văn bản có sự chồng chéo cũng tới 48 loại. Nhận định của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: trong 10 năm qua, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là một trong những vấn đề phức tạp và khó quản lý nhất. Khâu vướng mắc chính là không thể phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc phối hợp quản lý lĩnh vực này. Cũng từ lý do có quá nhiều cơ quan quản lý mà chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm lại ngày càng có dấu hiệu bị vi phạm.

Theo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay mỗi năm nước ta sản xuất 11,5 triệu tấn rau các loại, nhưng diện tích đủ điều kiện để trồng rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% diện tích rau cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%.

Kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả tại các chợ đầu mối, các siêu thị, các vùng sản xuất tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận trong năm 2008 cho thấy, trong 412 mẫu rau các loại được kiểm tra, phát hiện 48 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 11,65%), 1 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng Endosunfal (chiếm 0,2%); trong 99 mẫu quả được kiểm tra có 15 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép (chiếm 15,15%). Bên cạnh đó, số lượng cơ sở giết mổ đạt tiêu chuẩn ngày càng giảm, cụ thể là giai đoạn 2004 - 2006 có 61,8 cơ sở giết mổ đạt yêu cầu nhưng đến giai đoạn 2007 - 2008 thì số cơ sở đạt tiêu chuẩn giảm xuống còn 51,8%. Báo cáo giám sát cũng cho biết, một số hoóc môn tăng trưởng như Salbutamol và Clenbuterol là chất cấm sử dụng do có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng vẫn còn tồn dư trong thịt.

Theo ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề gây nhiều tranh cãi từ nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Làm thế nào để giảm bớt đầu mối quản lý trong lĩnh vực này và xác định rõ phân công quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các bộ, ngành và trách nhiệm để tránh tình trạng chồng chéo trong quản lý dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc quản lý đang gây đau đầu cho các bộ, ngành.

Phân công rõ ràng

Trong hội thảo chuyên đề "Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm" phục vụ xây dựng Luật an toàn thực phẩm vừa được tổ chức, Bộ Y tế đề xuất phân công lại nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm giữa các Bộ, ngành. Theo đó, Chính phủ sẽ thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác có trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; Ủy ban nhân dân các cấp thì thực hiện việc quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương. Cụ thể: Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý quá trình chế biến, kinh doanh thực phẩm trong nước, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đã qua chế biến (trừ thực phẩm tươi sống).

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý xuyên suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đối với thực phẩm tươi sống sản xuất trong nước và thực phẩm tươi sống nhập khẩu, còn các thực phẩm khác thì Bộ chỉ quản lý khâu sản xuất thực phẩm ban đầu và sơ chế. Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra thực phẩm lưu hành trên thị trường. Nhằm hạn chế tối đa sự chồng chéo trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, đặc biệt giữa ngành y tế và nông nghiệp, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm ban hành danh sách cụ thể 37 loại thực phẩm tươi sống, bao gồm các loại rau củ quả, thịt gia cầm tươi sống, thịt gia súc tươi sống, thủy sản tươi sống và trứng tươi sống.

Theo TS. Lê Minh Hồng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường, Văn phòng Quốc hội: dù phân công rõ ràng đến đâu thì khoảng giao thoa giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp trong quản lý thực phẩm cũng khó xóa bỏ, bù lấp được. Do đó, việc phân công trách nhiệm càng rõ ràng càng cần thiết, song cũng cần có những giải pháp linh hoạt, chẳng hạn có những sản phẩm thực phẩm chỉ nên giao cho một ngành quản lý từ đầu đến cuối. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng: nhiều ngành quản lý một miếng xúc xích mà vẫn không ổn!

Duy Minh

Nguồn:

http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/quan-ly-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-cho-su-ro-rang-cua-luat/32/0/18977.star

AN TOÀN THỰC PHẨM

THÁCH THỨC DOANH NGHIỆP VÀ KHÁCH HÀNG

Tấn Lộc

Những cảnh báo liên tục về chất lượng và nguy cơ sức khỏe trong thời gian gần đây đã khiến các nước phải đặt lại vấn đề kiểm tra tính an toàn của sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu.

Từ những đôi giày ủng hoặc ghế salon gây dị ứng cho đến melamine tìm thấy trong sữa và thực phẩm chế biến từ sữa..., những vụ việc này buộc Liên minh châu Âu và Mỹ phải tăng cường việc kiểm tra tính an toàn của sản phẩm tiêu dùng xuất xứ từ Trung Quốc.

Nhưng không chỉ có "made in China" liên quan, sau khi người ta phát hiện các nút bấm trong thang máy bị cũng nhiễm xạ do nguyên liệu nhập từ Ấn Độ. Và những vấn đề an toàn này không chỉ đến từ các nước mới nổi, theo tờ Le Monde. Mới đây Ailen đã buộc phải thu hồi thịt heo bị nhiễm dioxin, một hóa chất cũng được tìm thấy trong phômai nổi tiếng Mozzarella ở Ý vào cuối tháng 3 năm nay.

Theo nghiên cứu của công ty chuyên ngành EcoVadis, trong số hơn 300 nhà cung cấp của 12 tập đoàn đa quốc gia của Pháp, 52% các nhà gia công đặt tại các nước đang phát triển bị xem là có rủi ro và 9% ở mức rủi ro rất cao. Việc đánh giá này bao gồm các tiêu chí về môi trường, xã hội, đạo đức và quản lý dây chuyền cung ứng của hãng gia công. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có đến 42% các nhà cung cấp ở các nước phát triển bị đánh giá có rủi ro và 2% rủi ro rất cao.

Tuy nhiên, ông Pierre-Francois Thaler, đồng sáng lập viên của EcoVadis nhấn mạnh rằng tất cả các nhà cung cấp có rủi ro không hẳn nằm ở các nước có rủi ro. "Rủi ro có mức độ yếu hơn trong các dòng sản phẩm được quy định nghiêm ngặt và có trị giá gia tăng cao như phát triển hàng điện tử. Ngược lại, tỷ lệ rủi ro rất cao trong những lĩnh vực như sản phẩm khuyến mãi vốn được sản xuất ở các nước có giá nhân công rẻ và được các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ của châu Âu nhập về", ông giải thích.

Với việc toàn cầu hóa và chuyển giao sản xuất sang các nước có lương nhân công rẻ và dễ dãi về những quy chuẩn xã hội và môi trường, các doanh nghiệp phương Tây đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc quản lý nguồn cung sản phẩm. Ở đây không chỉ là vấn đề an toàn, mà nó còn liên quan đến niềm tin của người tiêu dùng.

Do sợ ảnh hưởng đến hình ảnh công ty và bị thúc đẩy bởi trào lưu phát triển bền vững, các doanh nghiệp đưa vào trong hợp đồng kinh doanh những hiến chương xã hội và môi trường. Họ giám sát kỹ các nhà gia công bằng cách tự thực hiện kiểm toán hoặc nhờ công ty khác làm việc này.

Ở Alstom, lãnh đạo tập đoàn ký với khách hàng các hiến chương cam kết tuân thủ các tiêu chí phát triển bền vững, đồng thời bắt các nhà cung cấp cũng phải tôn trọng các tiêu chí này. "Chúng tôi có thể bị khách hàng kiểm toán, nhưng chúng tôi cũng làm thế đối với nhà cung cấp", ông Stéphane Le Corre, giám đốc chiến lược, cải tiến và mua bán của Alstom giải thích. Từ hai năm nay, tập đoàn này đã đưa các tiêu chí trên vào trong việc đánh giá chất lượng và kiểm tra các nhà gia công. Các điều kiện mua hàng bao gồm một hiến chương cam kết tôn trọng thực hiện luật và các quy định, không được sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo tự do hội đoàn, không làm ô nhiễm... Việc không tuân thủ hiến chương này sẽ dẫn tới việc hủy hợp đồng. Và Alstom đã phải làm như thế nhiều lần, không chỉ ở Trung Quốc, Ấn Độ, mà cả các nước thuộc Đông Âu vốn cũng có không ít chuyện về quản lý sản xuất và môi trường.

Trong thực tế, các êkíp kiểm tra chất lượng của Alstom tiến hành kiểm toán nếu có nghi ngờ về một nhà cung cấp hoặc sản phẩm không phù hợp, chẳng hạn có chứa những chất bị cấm, bằng cách cho điểm số từ 1 đến 5. Nếu điểm số là 4, nhà cung cấp đó phải cam kết thực hiện cải tiến theo đúng quy định và lịch trình cụ thể. Nếu bị cho điểm số 5, xem như doanh nghiệp đó bị loại trừ khỏi hợp đồng. "Trong trường hợp như vậy, chúng tôi không gặp khó khăn trong việc áp dụng nguyên tắc, bởi người mua hàng của chúng tôi thường bị sốc với những gì họ nhìn thấy và trong thâm tâm, họ đã loại trừ doanh nghiệp này. Đó là những gì mà chúng tôi yêu cầu họ: không có doanh nghiệp trách nhiệm nếu không có người lao động trách nhiệm", ông Le Corre kết luận.

Để tránh các sự cố, cần phải đi tìm những nhà sản xuất tốt nhất, hoặc nếu có thể là ở những quốc gia an toàn nhất. Đó là điều mà tập đoàn sản xuất phômai Bel cố gắng thực hiện khi mua nguyên liệu ở các địa phương cho các nhà máy ở châu Âu và Mỹ. "Cẩn thận hơn, chúng tôi tránh cung ứng hàng ở một số nước, kể cả ở châu Âu, nhằm thoát khỏi nguy cơ gian lận có tổ chức", ông Stéphane Paillot, giám đốc mua hàng của Bell nói. "Các nhà cung cấp nguyên liệu bơ và sữa bột cho chúng tôi được kiểm toán trước khi được chứng nhận đúng chuẩn, và tất cả các lô hàng dùng cho sản xuất đều được kiểm tra vi khuẩn. Chúng tôi muốn đảm bảo có thể lần ra đường đi của sản phẩm và cấu thành của nó".

Tuy nhiên, càng lần sâu vào dây chuyền sản xuất, càng khó theo dõi được nguồn gốc của thành phần cấu tạo và nguyên liệu. "Chuyện làm ăn giữa Trung Quốc và châu Phi vẫn là một lỗ đen về phương diện xã hội và môi trường", phó giám đốc Sylvain Guyoton của EcoVadis giải thích. "Chúng tôi gửi cho nhà cung cấp các bản câu hỏi và yêu cầu họ cung cấp các chứng thực cho các câu trả lời. Ở Trung Quốc, dù các biện pháp thực hiện nội bộ của nhà cung cấp đôi khi rất tốt, nhưng chúng tôi không hề nhận được bằng chứng đáng tin nào về tiêu chí kiểm tra của nhà cung cấp về dây chuyền cung ứng của họ đối với châu Phi hoặc Mỹ La tinh". Và như vậy, vẫn còn phải lấp đầy nhiều khoảng trống của cái gọi là phát triển bền vững.

Nguồn: TBKTSG Online (GMT+7)

Quốc hội thảo luận về dự án Luật An toàn thực phẩm: Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý

Chiều 26-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Thống nhất cao về sự cần thiết phải có văn bản pháp quy điều chỉnh vấn đề có liên quan đến ATTP, các đại biểu tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về nội dung của luật, trong đó vấn đề cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước được nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Võ Thị Dễ (Long An) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, trong đó phải thể hiện được vai trò "nhạc trưởng" trong quá trình quản lý chất lượng ATTP. Đại biểu Võ Thị Dễ đề xuất, vai trò "nhạc trưởng" có thể giao cho Bộ Y tế, song cũng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trong việc quản lý khâu sản xuất thực phẩm) và Bộ Công thương (trong quản lý nhập khẩu, lưu thông thực phẩm).

Đồng tình về việc luật cần phân định rõ trách nhiệm của bộ, ngành trong việc quản lý ATTP, nhưng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề xuất nên giao cho Bộ Khoa học - công nghệ chịu trách nhiệm chính, bởi Bộ này có hệ thống cơ quan quản lý đến từng địa phương, trong khi Bộ Y tế có quá nhiều phần việc phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đề xuất trên, các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Trần Văn Bản (Bình Định) và một số đại biểu khác còn có thêm đề xuất về việc thành lập cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP là Ủy ban Quốc gia về ATTP, như mô hình của một số nước.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng nêu thực trạng và bày tỏ thái độ lo lắng về chất lượng của các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, thực phẩm khai thác ngoài tự nhiên (không phải do nuôi trồng). Đánh giá về vấn đề này, các đại biểu cho rằng để kiểm soát hết các hoạt động này với lực lượng thanh tra, kiểm tra như hiện có là nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, đại biểu Hoàng Thị Tuân (Bắc Giang), Võ Thị Dễ (Long An) cho rằng cần phân cấp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cho chính quyền địa phương. Cũng nhằm "giảm tải" cho các cơ quan chức năng, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Trần Văn Bản (Bình Định) đề xuất, luật cần định hướng về việc xã hội hóa công tác bảo đảm vệ sinh ATTP, thông qua hoạt động của các hội, hiệp hội nghề, với những cam kết cụ thể về chất lượng sản phẩm - thực phẩm, có sự kiểm tra, công bố. Cách làm này còn được cho là có thể bảo vệ chính các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi có những thông tin thất thiệt, bất lợi về hàng hóa của đơn vị mình. Luật ATTP cũng phải có quy định cụ thể về thực phẩm chức năng, tránh sự nhập nhèm giữa thực phẩm và thuốc, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định), Hoàng Thị Tuân (Bắc Giang) nêu rõ, nếu cơ sở sản xuất đăng ký sản phẩm thực phẩm chức năng thì phải chứng minh được các chỉ số tính năng (về độ dinh dưỡng, tác dụng đối với sức khỏe...) và đã là thực phẩm chức năng thì không được bày bán trong các hiệu thuốc, tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng... Ngoài ra, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng khung chế tài cụ thể xử lý các vi phạm trong lĩnh vực ATTP để đủ sức răn đe, bởi như đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nêu, mức phạt hiện nay còn quá nhẹ, trung bình xử phạt hành chính 180 nghìn đồng/1 vụ vi phạm về ATTP.

http://dnhn.vn, cập nhật thứ sáu, 27/11/2009-8:37 am

An toàn vệ sinh thực phẩm: Ưu tiên hàng đầu ở nhiều quốc gia

Không phải tự nhiên mà các quốc gia đều coi an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu bởi thực tế, đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến cả hệ thống kinh tế mà còn tác động đến sức khỏe toàn xã hội và mỗi cá nhân.

Những ví dụ từ Trung Quốc và Mỹ

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, thời gian gần đây Trung Quốc liên tục phải đối mặt với vấn đề ATVSTP. Nổi bật là vụ "sữa bẩn" của tập đoàn Tam Lộc và một số nhà sản xuất sữa khác trong năm 2008, khiến hàng trăm ngàn trẻ em Trung Quốc bị sạn thận, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Đây là một trong những lý do khiến Trung Quốc ban hành Luật an toàn thực phẩm. Bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.6 vừa qua, Luật đề ra những hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn đối với những đối tượng vi phạm, đề ra một khuôn khổ pháp lý mới chặt chẽ hơn nhằm tăng cường giám sát chất lượng thực phẩm. Rút kinh nghiệm từ những vụ bê bối gần đây như vụ "sữa bẩn" nhiễm melamine gây chấn động thế giới, luật mới cấm toàn bộ các hóa chất và phụ gia thực phẩm thiếu an toàn. Các nhà sản xuất sẽ phải ghi đầy đủ các chất phụ gia đã sử dụng trên nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng bị cấm quảng cáo hiệu quả chữa bệnh của sản phẩm.

Cũng theo luật mới, người tiêu dùng được nhận bồi thường gấp 10 lần số tiền họ bỏ ra khi mua phải thực phẩm kém chất lượng. Hệ thống giám sát mới cũng được áp dụng mà theo đó, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm quốc gia sẽ thay thế cơ quan y tế trong việc giám sát các nhà hàng, tiệm ăn. Giấy phép cấp cho các nhà hàng, tiệm ăn mới mở sẽ chặt chẽ hơn giấy phép vệ sinh thực phẩm hiện nay.

Mỹ cũng mạnh tay không kém với vấn nạn này. Nhằm ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn E.coli và salmonella trong thực phẩm, chính quyền sẽ giám sát khâu chế biến thực phẩm, áp dụng thêm các tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt đối với một số loại thực phẩm như trứng, thịt gia cầm, thịt bò, đồng thời kiểm tra mức độ đảm bảo vệ sinh tại các cơ sở chế biến. Ngoài ra, để tăng cường khâu giám sát sẽ có thêm một chức danh "Phó ủy viên" trong Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc (FDA) chuyên trách về an toàn thực phẩm.

LHQ và nhiều quốc gia khác cũng đã vào cuộc. Cách đây 3 tháng, LHQ đã ban hành các quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong số hơn 30 quy định mới về vệ sinh an toàn thực phẩm, có quy định ngăn ngừa ô nhiễm nấm Ochratoxin A ở cà-phê, một loại nấm có nguy cơ gây ung thư; quy định về phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ hình thành acrylamide trong quá trình chế biến khoai tây. Một số quy định khác bao gồm hướng dẫn việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella và một số khuẩn khác trong đồ ăn sẵn cho trẻ nhỏ; quy định về thử khuẩn và giám sát môi trường đối với thực phẩm ăn liền; quy định về hàm lượng tối đa melanine có trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi...

Thách thức vẫn còn đó

Tại Indonesia, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, Hội người tiêu dùng nước này công bố kết quả đợt kiểm tra mới đây cho biết, có tới 30% trong số 28 mẫu thực phẩm chế biến được đem đi kiểm nghiệm có chứa các thành phần gây hại cho sức khỏe con người như chất Melamin.

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền, các cơ quan giám sát ATVSTP của Mỹ nhận định tình hình an toàn thực phẩm của Mỹ ít có tiến bộ. Theo Tiến sĩ Robert Tauxe thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch của Mỹ (CDC), vấn đề an toàn thực phẩm của Mỹ đang "giậm chân tại chỗ" và cần có thêm những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng thực phẩm bị nhiễm khuẩn ở Mỹ.

CDC cho biết năm ngoái có 18.499 vụ nhiễm độc thực phẩm được xác nhận tại 10 bang ở Mỹ, ảnh hưởng đến 46 triệu người tức là tương đương 15% dân số Mỹ. Đối chiếu với các số liệu của ba năm trước đó, từ 2005 đến 2007, các chuyên gia y tế nhận thấy không có sự thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ dân chúng Mỹ bị ngộ độc thực phẩm trong những năm qua.

Cũng phải nói thêm rằng nước Mỹ cũng đã từng hứng chịu những hệ quả từ sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2006, Mỹ đã thu hồi hàng tấn rau bi-na từ các cửa hàng và siêu thị sau khi các mẫu thử cho thấy loại rau này có chứa vi khuẩn gây chết người. Sau đó, năm 2008, Chính phủ Mỹ cũng buộc phải thu hồi hạt tiêu và cà chua trên thị trường do lo ngại nhiễm khuẩn salmonella. Trong 2 tháng đầu năm 2009, bơ lạc bị nhiễm khuẩn salmonella đã khiến hàng trăm người bị ngộ độc và 9 trường hợp tử vong.

Chính vì vậy, chính quyền tính toán việc áp dụng các quy định mới về an toàn thực phẩm sẽ làm giảm 60% số ca ngộ độc và tiết kiệm cho ngành y tế khoảng 1 tỷ USD.

Vì sao không thể ngăn chặn ?

Đây là điều không dễ lý giải. Cho dù cuộc chiến vệ sinh ATTP thường diễn ra ở những quốc gia tiên tiến nhất. Theo ông John Spink thuộc Trung tâm chính sách an toàn thực phẩm của Trường đại học bang Michigan, hàng giả, hàng rởm, hàng không đảm bảo ATVSTP là một vấn đề nhức nhối trong ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu, với giá trị thực phẩm "rởm" ước chừng khoảng 50 tỷ USD mỗi năm. Nhưng con số này cũng chỉ chiếm 10% trong tổng số trị giá giao dịch hàng rởm và sẽ còn tiếp tục tăng cao do giá lương thực có xu hướng leo thang.

Trong khi cần thắt chặt các quy định và hệ thống thanh tra ở nhiều nước, vụ đậu phộng có chứa độc tố do một công ty của Mỹ phân phối thời gian qua cho thấy ngay cả những hệ thống an toàn thực phẩm bậc nhất cũng không thể kiểm soát hoàn toàn tình hình. Mấu chốt nằm ở lợi nhuận. Một vấn đề nữa cần quan tâm, là tăng cường hệ thống giám sát. Theo đánh giá, hệ thống giám sát hiện nay quá dàn trải, nên các cơ quan chức năng khó có thể trao đổi thông tin và cùng phối hợp giải quyết các khó khăn.

Trong khi chờ các giải pháp, các chuyên gia cảnh báo các vụ việc vi phạm ATVSTP sẽ lại tái diễn, thậm chí có nguy cơ bùng phát mạnh hơn khi thế giới chưa có nhiều các quy định nghiêm ngặt để xử lý tình trạng này.

Hiện Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đang phát triển một hệ thống dò tìm các kiện hàng thực phẩm "có nguy cơ nhất" và bắt đầu cử thanh tra viên giám sát các cơ sở sản xuất. Cơ quan này cũng thành lập các văn phòng ở Trung Quốc, ấn Độ, Trung Đông và châu âu nhằm thiết lập các chuẩn mực tốt hơn và phát triển hệ thống cảnh báo nhanh toàn cầu trong trường hợp tái diễn tình trạng mất an toàn thực phẩm.Nguồn: NĐB

http://vfa.gov.vn cập nhật ngày 2/12/2009

Quản lý an toàn thực phẩm cần có chế tài đủ mạnh

(26/11/2009 9:49:26 PM)

Theo nhiều đại biểu, chế tài mạnh sẽ giúp hạn chế những vi phạm về ATTP đang có chiều hướng gia tăng hiện nay do chúng ta còn xử phạt quá nhẹ với những hành vi vi phạm này

Chiều nay (26/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường, cho ý kiến vào dự án Luật An toàn thực phẩm và Luật Người khuyết tật. Đây là hai dự án Luật được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Phân cấp mạnh cho UBND các cấp trong quản lý nhà nước về ATTP

Từ thực tế hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố là rất lớn, trong khi đó lực lượng thanh tra, kiểm tra còn yếu và mỏng, đại biểu Hoàng Thị Tuân (đoàn Bắc Giang) đề nghị nên giao việc quản lý thức ăn đường phố cho cấp huyện quản lý, còn dịch vụ thức ăn đường phố thì giao cho UBND cấp xã quản lý. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của UBND các cấp trong hoạt động quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa phương. Về quản lý bếp ăn tập thể, đại biểu Hoàng Thị Tuân nhất trí với ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN-MT) cho rằng, dự thảo Luật cần có mục hoặc điều quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về vấn đề trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cũng cho rằng, nếu dự thảo Luật không quy định cụ thể thì Luật cũng chỉ là luật ống, luật khung khó có hiệu quả trong thực tế cuộc sống. Đại biểu đề nghị, dựa trên quy trình lưu thông của hàng hoá, thực phẩm để nghiên cứu, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng đề nghị, ngoài những quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước, Luật cũng nên quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về vệ sinh ATTP.

Đại biểu Hoàng Thị Tuân cũng cho rằng, trong dự thảo đã quy định về quyền và trách nhiệm của các cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh. Do vậy, dự thảo Luật cũng nên có quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong việc cùng với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện chế tài xử lý vi phạm của chúng ta còn thiếu và mức xử phạt cũng quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Nếu không có các chế tài cụ thể về xử lý các vi phạm thì sẽ dẫn đến tình trạng việc tuân thủ Luật không cao, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không sợ bị phạt và việc tái phạm, vi phạm sẽ gia tăng. Đại biểu Hoàng Thị Tuân đề nghị đưa thêm 1 chương vào dự thảo Luật, theo đó có thể xử phạt hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng, tránh tình trạng xử phạt quá nhẹ như hiện nay không đủ sức răn đe.

Mạnh Hùng-Thanh Hà

(Nguồn: http://vovnews.vn)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hoaianh