huxhux

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

tai sao danh doi cuoc song de lay nhung cai bao nylong

Túi xốp (túi nylon) đang là đề tài nóng bỏng của các nhà hoạt động môi trường và những ai quan tâm đến các vấn đề bảo vệ và phát triển cuộc sống. Đặc biệt là sau năm 2007 đình đám với chiếc túi “I’m not a plastic bag!”, thì đề tài về túi xốp (plastic bag) càng trở nên gần gũi và hiện thực với teen.

Toàn Cảnh Cuộc Sống Của Túi Xốp Ngày Nay:

Ngày mới ra đời, túi xốp được xem là cứu tinh cho công việc mua sắm, giúp người mua bớt khệ nệ khuân vác lỉnh kỉnh. Nhưng nay nó lại bị con người tìm mọi cách thay thế, từ bỏ. Vì vài phút tiện lợi mà đánh đổi bằng hàng trăm năm tồn tại dai dẳng trong môi trường, đầu độc chính những người đã làm ra nó, thì đúng là một cái giá quá đắt.   

Mỗi năm có từ 500 tỉ đến 1 tỉ tỉ túi nilon được sử dụng và vất bỏ trên khắp thế giới. Có nghĩa là trong vòng một phút thì có hơn 1 triệu túi nilon “bay bay” vào môi trường. Nhưng chỉ từ 0,6-1% túi plastic được tái sử dụng.

Một chiếc túi xốp ngốn tối thiểu 1000 năm để phân hủy sinh học. Nhưng thay vì chờ đợi 1000 năm, túi xốp sẽ bị quang hủy ra thành những phần tử nhỏ hơn, là những chất độc thấm vào đất và nguồn nước. Tệ hơn, những chất độc từ túi xốp sẽ tham gia vào mạng lưới thức ăn giữa các sinh vật, khi chúng vô tình bị các con vật nhai phải.

Thông thường, một chiếc túi xốp sẽ tự do tự tại ngoài không gian như bay bay trong gió, bám vào cành cây, bơi bơi giữa biển … trong 20 năm trước khi bị đất cát chôn vùi hay dìm xuống đáy biển.

Mỗi năm có khoảng 100 ngàn rùa biển, cá heo và các sinh vật biển khác bị chết do tưởng nhầm túi xốp là đồ ăn.

Túi xốp nhẹ nên dễ bị gió thổi bay đến những khu vực địa lý khác nhau như sông, biển, núi, rừng, thành thị. Do vậy mà phạm vi gây ô nhiễm của nó lan rộng.

Nhận thức được tầm nguy hiểm của những chiếc túi xốp mỏng tang, nhiều chính quyền, tổ chức kinh doanh và xã hội đã dùng tầm ảnh hưởng của mình để báo động cho mọi người biết cái hại to lớn của những chiếc túi bé nhỏ. Úc, Bangladesh, Ireland, Ý, Nam Phi, Đài Loan và Ấn Độ đã có những hành động cụ thể để cấm hay hạn chế việc lạm dụng túi xốp. Như tại Ireland, từ tháng 3-2002, người tiêu dùng phải trả 20 cent cho mỗi chiếc túi xốp, điều này giúp giảm 90% số túi xốp sử dụng tại Ireland. Thành phố San Francisco (Mỹ) đang nghiên cứu thông qua luật cấm sử dụng túi xốp trong các cửa hàng rau quả và hiệu thuốc. Tại Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1-6-2008, tất cả các siêu thị và cửa hàng sẽ không còn dùng túi xốp đựng hàng được bán – Sau khi thanh toán, khách sẽ phải tự mang túi xách đồ của mình về, hay phải bỏ thêm tiền mua túi xốp. Thậm chí, người dân sẽ bị phạt nếu vất túi xốp bừa bãi nơi công cộng, các phương tiện giao thông công cộng, máy bay và sân bay.

Các công ty và tổ chức kinh doanh trên thế giới cũng thêm yếu tố “xanh” vào các chiến dịch marketing của mình, nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường, cũng như lấy lòng các tổ chức phi chính phủ. Cụm cửa hàng trang trí nội thất IKEA giảm giá cho các khách không lấy túi xốp khi mua hàng trên khắp nước Mỹ. Tại Thái Lan, cụm trung tâm mua sắm ZEN giảm giá 15-30% cho những khách hàng dùng túi xách của mình để chất đồ mua được.

Và tất nhiên, thời trang, một trong những ngành công nghiệp có ảnh hưởng lên con người nhất, không thể nằm ngoài vòng xoay môi trường. Chiếc túi “I’m not a plastic bag”, món phụ kiện nổi bật nhất năm 2007, đã giúp teen chú ý đến vấn đề môi trường nhiều hơn và sâu rộng hơn, khi nó trở thành món phụ kiện mà teen phải mua cho bằng được. Nhưng …

… Liệu “I’m Not A Plastic Bag” Chỉ Là Một Mốt Ngắn Hạn?

Mẹ đẻ của món phụ kiện đình đám nhất năm 2007, chiếc túi “I’m not a plastic bag”, là nhà thiết kế danh tiếng Anya Hindmarch, người hai lần được tạp chí Glamor chọn làm nhà thiết kế phụ kiện của năm. Những sản phẩm của Anya Hindmarch có giá từ 500 đến 5000 bảng Anh. Nhưng chiếc túi “I’m not a plastic bag” thì chỉ có 5 bảng. Vì đây là thành quả từ sự hợp tác giữa Hindmarch và NGO có tên “We are what we do”. Chiếc túi vải này ra đời để cổ súy mọi người cắt giảm bớt việc tiêu dùng túi nylon cực độc cho môi trường. Nó lại được các “sao” bự Keira Knightley, Lily Cole, Jessica Alba, chị em Olsen, Reese Witherspoon … xách “diễu hành” trước ống kính paparazzi nên càng thêm nổi tiếng và hấp dẫn. Các teen girl, các quý cô, ai cũng muốn có một cái vì nó là thành phẩm của nhà thiết kế nổi tiếng, nó là mốt, nó thể hiện mình quan tâm đến môi trường, và vì … Jessica Alba cũng có một cái!

Ăn theo chiếc túi vải đình đám này là sự xuất hiện của hàng loạt những chiếc áo slogan kêu gọi trả lại màu xanh cho môi trường. Nhưng những ai đeo túi “I’m not a plastic bag”, mặc áo slogan ủng hộ việc bảo vệ môi trường có thật sự đang suy nghĩ và hành động vì màu xanh thiên nhiên? Hay chỉ là đang chạy theo mốt cho bằng chị bằng em? Ngoài việc mặc áo, dùng túi để thể hiện mình đang “truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường”, người mặc đã có những hành động cụ thể có ích nào cho môi trường sống, như nói không với việc dùng túi xốp, nhét tất cả mọi thứ mua được vào cái túi “I’m not a plastic bag”? Hay chiếc túi “I’m not a plastic bag” vẫn hiên ngang du hành khắp phố trên những chiếc xe “uống” xăng ào ạt, thả vô vàn khí độc vào không khí và người lái xe thì vất ê hề trên đường những chiếc túi xốp đủ màu sắc và kích cỡ?

Túi xốp đang góp phần “đục dũa” môi trường sống, khiến nước sạch hiếm đi, không khí nóng và bụi hơn, các loài sinh vật chết dần đi gây mất cân bằng sinh thái. Bạn nghe rất nhiều lời cảnh báo, chiếc túi xách “I’m not a plastic bag” mang theo bên mình cũng nhắc nhở bạn hàng ngày, hàng giờ về tác hại của những chiếc túi nylon mỏng mảnh. Nhưng tâm lý chung là khi xài một chiếc túi xốp, bạn sẽ nghĩ chỉ một chiếc thôi thì có thấm vào đâu và cứ hết lần này lần khác du di cho việc bản thân gây ô nhiễm môi trường. Cứ du di hết lần này đến lần khác, bạn quay lại với việc nói “có” với túi xốp. Nghĩa là: những quan tâm của bạn đến môi trường hiện nay chỉ là ngắn hạn, là một mốt. Y hệt như việc chiếc túi “I’m not a plastic bag” là một mốt. 

Con người chúng ta đã thất bại trong việc tìm kiếm một hành tinh có sự sống khác để di dân. Mặt Trăng, Sao Hỏa đều không phù hợp. Chúng ta và các thế hệ sau phải bám trụ vào Trái Đất. Nếu cứ “xài túi xốp ngày nào, hay ngày ấy” như hiện nay thì con người đang tự đánh mất cơ hội sống cuối cùng cho chính mình. Tái sử dụng túi xốp làm túi rác, hạn chế dùng túi xốp mới, mua túi vải lớn đựng đồ … những hành động đơn giản này có thể cứu vãn Trái Đất. Tại sao lại đánh đổi cuộc sống để lấy những cái bao nylon?

Lịch Sử Của Túi Xốp:

1957 – Túi xốp đầu tiên được sản xuất ra, dùng để bọc bánh mì sandwich.

1966 – 25-30% túi bọc bánh mì làm từ plastic.

1969 – Thành phố New York bắt đầu dùng túi plastic để đựng rác.

1977 – Các siêu thị bắt đầu có “nhúc nhích” về những ảnh hưởng tiêu cực của túi plastic lên môi trường. Túi giấy rõ ràng xanh hơn, nhưng lại đắt hơn.

1994 – Đan Mạch là nước đầu tiên đánh thuế lên việc sử dụng túi nylon.

1996 – Trên 80% túi đựng hàng hóa trên thế giới được làm ra từ plastic.

Dùng Túi Xốp, Bạn Đang Góp Phần:

1. Ăn Mòn Tài Nguyên Thiên Nhiên. Những chiếc túi plastic đang được sử dụng đều được làm ra từ polyethylene. Chất liệu này là kết quả hóa học của việc pha chế dầu thô và khí thiên nhiên – hai nguyên liệu “mẹ” đều là tài nguyên không thể phục hồi, một khi đã khai thác thì lượng dự trữ trong tự nhiên chỉ mất dần đi, không thể có thêm. Sử dụng túi xốp , nghĩa là bạn đang góp tay rút ruột quả đất, khiến nó mất cân bằng hóa học. Mà túi xốp thì đa phần bạn chỉ dùng một lần, xách đồ từ cửa hàng về là bạn quẳng nó ngay.

2. Tiêu Diệt Sự Sống Của Động Vật, Sinh Vật Biển và Cây Cỏ. Túi xốp hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới, không chỉ ở thành thị hay nơi có người sinh sống. Theo chân du khách, những cơn gió và những dòng chảy, túi xốp “di cư” đến các khu rừng tự nhiên hoang sơ, các dãy núi tuyết, Nam Cực và Bắc Cực, và cả đáy đại dương. Túi xốp bị các sinh vật tưởng nhầm là đồ ăn và vô tư … xực. Túi xốp làm tắc các dòng nước, ứ đọng tạo môi trường cực thuận cho rác rến hội tụ gây ô nhiễm nặng.

3. Kiến Tạo Ra Những “Vật Thể Lạ” Trong Tự Nhiên. Túi xốp hiện rất “sum sê” trong môi trường, là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước, bãi biển và các vùng đất trống. Tại Trung Quốc, túi xốp “phấp phới” trên khắp các con phố lớn nhỏ, nên được gọi là “Ô Nhiễm Trắng” (White Pollution). Tại Nam Phi, những vùng nông thôn nhiều túi xốp rác vất vưởng đến mức người ta gọi nó là … Quốc Hoa (National Flower). Một vài vùng ở châu Phi, con người còn thu thập túi xốp để “may” thành túi xách, nón mũ và nhiều món trang trí khác.

4. Làm Tăng Giá Hàng Hóa. Trong hóa đơn mua hàng, chắc chắn tìm đỏ con mắt cũng chẳng thấy đề giá của (những) chiếc túi xốp. Nhưng cửa hàng chẳng hề hào phóng tặng không túi xốp cho bạn. Giá của nó đã được tính dồn trọn gói, rồi chia ra cho từng món hàng “hứng chịu” ngay trước khi từng món hàng được niêm yết giá – có nghĩa là bạn cũng đã trả tiền cho chiếc túi xốp mình đem về rồi đấy. Vậy, nếu cửa hàng “bán” túi xốp công khai và nếu bạn chọn không dùng, chẳng phải giá mua hàng sẽ giảm sao?

NGỌC BÍCH

 P.S. Hãy xem đoạn phim sau về hiện trạng túi xốp trên toàn thế giới. Không nặng nề đâu

thien ha de nhat my nhan

Thời phong kiến, cánh cửa đến với quyền lực trong xã hội của phụ nữ rất hẹp. Gần như chỉ có một con đường: nhập cung và tìm trăm phương ngàn cách được gặp vua, được sủng ái, được làm hoàng hậu. Đó là một con đường dài, lắm trắc trở và đòi hỏi sự phù trợ của rất nhiều may mắn. Nhưng không ít mỹ nhân đã làm được. Họ không chỉ mê hoặc được một vị vua, mà còn làm khuynh đảo luôn cả một đế chế, một triều đại.

Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân chưa hẳn đã xinh đẹp nhất tam cung lục viện. Chỉ mặt hoa da phấn, dáng ngọc thướt tha thì đâu đủ để khiến đức vua chồng phớt lờ 3000 cung nhân khác, dành trọn trái tim cho mình. Các mỹ nhân đệ nhất phải biết “bày trò” xung quanh vẻ đẹp ma mị của mình để giữ vững ngôi vị:

1.    Nụ cười hồng nhan diệt quốc:

Nàng Bao Tự, vương hậu nước Chu xinh đẹp tuyệt trần nhưng lại không thích cười. Bất chợt vui vẻ trong lòng, nụ cười làm nàng tăng mười phần xinh đẹp. Bao Tự đặc biệt thích nghe tiếng xé lụa. Vua nảy ra ý huy động hàng chục xe lụa trắng để cung nữ xé cho nàng nghe giải sầu và nhoẻn nụ cười hiếm hoi. Quá quắt hơn, một lần, vua cho đốt lửa hiệu báo động quân xâm lược, khiến lính tráng xếp hàng sẵn sàng, rồi tẽn tò ngẩn người vì chẳng có ai. Nhìn ngàn vạn binh lính áo giáp chỉnh tề, ngựa thắng yên cương sẵn sàng phải lủi thủi quay về như những con rối, Bao Tự cười lớn làm nhà vua đắc ý.

Bao Tự ghét cười hay không, mãi mãi là một nghi vấn. Nhưng chắc chắn gương mặt lạnh băng và cách thức “ban ơn” nụ cười đã giúp nàng thành bá chủ hậu cung. Khi các nữ nhân khác ai cũng ra sức chiều chuộng, vua bảo cười là cười, bảo khóc là khóc thì nàng trở thành một “mục tiêu hấp dẫn”. Nam giới thích chinh phục, thích đương đầu với khó khăn. Họ có thể làm mọi cách để khiến người phụ nữ của mình xiêu lòng, nếu nàng (vờ như) còn xa tầm với, còn lạnh nhạt. Thậm chí họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để đạt mục tiêu, để tận hưởng cảm giác chiến thắng, mà có biết đâu là bản thân đã trở thành nô lệ cho ái tình, cho người yêu.

Đừng 100% chiều lòng người đàn ông của mình. Hãy để anh ấy tự nguyện chiều lòng bạn.

2.    Tài trí mỹ nhân:

Từ tài nhân (cấp bậc nhỏ bé trong thứ hạng của các cung tần mỹ nữ) từng bước từng bước lên hoàng hậu, rồi trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong 5000 năm lịch sử Trung Hoa phong kiến, Võ Tắc Thiên chỉ dựa 1 phần vào sắc đẹp và 9 phần vào tài trí. Chính sự thông minh, quyết đáo mới là nét quyết rũ mê hoặc nhất, mang đến quyền lực vô biên cho nàng. Khi còn sống, vị vua chồng nhiều lần đã ngán ngại tham vọng của vợ, e sau này sẽ để lại họa mất nước cho con. Nhưng Võ Tắc Thiên quá tài giỏi, một tay sắp đặt chính sự êm xuôi nên vua chẳng thể phế bỏ, bởi đã quá lệ thuộc vào cái đầu của nàng.

Một phụ nữ vừa có nhan sắc, vừa có cái đầu dễ càng khiến đàn ông điên đảo. Mối liên hệ giữa hai người lúc này không còn đơn giản là yêu đương, mê hoặc. Khi người phụ nữ đã “nhúng tay” vào gần như tất tật mọi khía cạnh cuộc sống của người đàn ông, thì chỉ một phút vắng mặt cũng có thể khiến anh ấy rối bong trong chính những sinh hoạt ngày thường của mình. Tất nhiên, cần khéo léo ngụy trang thâm ý của mình. Nếu bộc lộ nguyên hình “nữ Hitler” thì sẽ phản tác dụng. Chẳng ai muốn bị quản thúc, đặc biệt là đàn ông.

Với phụ nữ, trí thông minh là một loại sắc đẹp.

3.    Nước mắt điểm trang:

Dương Quý Phi mê ăn vải. Nhưng vải là loại trái cây có tính nóng, ăn quá nhiều dẫn đến nhiệt. Một lần, sau nhiều ngày chén vải no nê, nàng bỗng nhăn nhó ôm miệng vì đau. Nàng đau đến phát khóc, giọt nước mắt cứ nấn ná trên đuôi mắt. Trước cảnh ấy, vua chồng tuy bối rối chẳng biết làm sao, nhưng lại vỗ tay khen nàng quyến rũ vô cùng. Hiệu quả mê hoặc của nước mắt đỉnh đến mức phụ nữ dân gian còn dùng một giọt nhựa trong suốt gắn vào đuôi mắt, giả vờ như sắp khóc, gọi là “Lệ trang”.

Nước mắt phụ nữ chính là yếu điểm của đàn ông. Và nước mắt cũng chính là báu vật phụ nữ được ban tặng. Đàn ông thường không giỏi bộc lộ cảm xúc, đặc biệt rất ít khi nhỏ nước mắt thành giọt, cho nên với họ, nước mắt mang một ý nghĩa cực kỳ bí ẩn.

Nữ tính là lợi thế trời ban. Đôi khi những điều rất đơn giản với phụ nữ như đau thì khóc, ngượng thì ửng mặt … lại có sức mê hoặc vô cùng to lớn. Bởi cánh đàn ông không hành xử như thế nên họ tò mò và bị cuốn hút.    

4.    Hữu tự nhiên hương:

Không bôi nước hoa, không thoa hương liệu, không xông trầm hương, thân thể Hương Phi tiết ra thứ mồ hôi thơm như hoa ngọc lan, là thứ nước hoa tự nhiên chỉ riêng nàng có, bạc vạn cũng chẳng mua được. Bên nàng lúc nào cũng sướng mũi, nên chẳng trách mà hoàng đế cứ quẩn quanh.

Bàn về nhan sắc thì Hương Phi chưa chắc nổi bật nhất hậu cung, nhưng nàng may mắn có “điểm nhấn” là mùi thơm tự nhiên. Và nàng biết dùng điều đặc biệt nhất về mình để quyến rũ hoàng đế. Cung nữ và thái giám ca tụng mùi hương phát ra từ nàng khắp tam cung lục viện. Nàng còn học các bài múa để có thể vừa múa vừa tỏa hương kêu ong gọi bướm…

Mỗi phụ nữ đều có nét quyến rũ cho riêng mình. Cần minh mẫn nhận biết điều đặc biệt về bản thân để phát huy. Muốn được ai đó yêu thương và thấu hiểu, bạn cần phải thấu hiểu và yêu thương chính mình trước.

nen xu sao vs idea

Cứ ăn cắp ý tưởng thoải mái, nếu bạn thích. Phim ảnh, âm nhạc, tranh ảnh, thơ ca, kiến trúc, những giấc mơ, thiên nhiên, các cuộc nói chuyện, bảng hiệu giao thông… Bạn có thể lấy bất cứ đặc điểm nào từ những nguồn này để khai triển thành một ý tưởng hoàn toàn mới. Ý tưởng mới là nền tảng cho tác phẩm mới. Quan trọng không phải là bạn lấy ý tưởng từ đâu ra, mà bạn có thể đưa tác phẩm của mình bay cao, bay xa được bao nhiêu.

1.    Không Nhận Khen, Chỉ Nhận Chê.

Khi bạn test ý tưởng của mình bằng cách hỏi những người xung quanh “Thấy ý tớ thế nào?” hay “Nó ok chứ?”, thường câu trả lời nhận được chẳng bao giờ là 100% chân thật. Những người biết-phép-tắc-xã-hội sẽ hiếm khi vùi dập thẳng tay sự hào hứng hiện rõ mồn một trên gương mặt bạn bằng những góp ý thẳng thừng, vạch rõ những bất khả thi trong sáng tạo của bạn. Ý tưởng dù vô cùng bất ổn hay có tiềm năng… trở thành vô dụng, người được hỏi chỉ mỉm cười khen qua loa, hoặc nói những câu vỗ về ngọt ngào mà họ chắc mẩm bạn muốn nghe. Và bạn thường chỉ nghe những gì mình muốn. Bạn tiếp nhận lời góp ý và phân tích theo chiều hướng tích cực, khen ngợi mà bản thân trông đợi. Vì thế có khi bạn vô tình bỏ qua lời chê được ẩn giấu khéo léo trong câu góp ý nhẹ nhàng.

Bạn hỏi như thế nào thì sẽ nhận được câu trả lời như thế ấy. Nếu bạn thật sự muốn kiểm tra khả năng sống sót của idea, hãy hỏi thẳng: Nó có điểm gì dở không? Làm sao để nó tốt hơn? Có thể biến chuyển nó theo chiều hướng nào?

2.    Đừng Dấm Dúi Ý Tưởng Của Mình.

Vào một thời khắc đặc biệt, não của bạn “sáng đèn”. Một ý tưởng vĩ đại ra đời. Bạn cho rằng mình thậm chí có thể thay đổi cuộc sống của nhân loại bằng idea này. Nó quá quý báu, do vậy bạn lo sợ kẻ khác sẽ xem trộm, cướp trắng bản phác thảo ý tưởng đi. Bạn ôm chặt nó trong vòng tay, bí mật và lầm lũi tìm cách thực hiện, chẳng bao giờ hé miệng bày tỏ, thảo luận với ai. Đây là cách nhanh nhất giúp cho idea của bạn … thiu và có khi chẳng bao giờ trở thành thực tế được!

Nếu chia sẻ và cho đi tất cả những suy nghĩ và ý tưởng mình có, bản thân bạn sẽ chẳng còn lại gì để “làm vốn”. Đây là điều tốt. Bạn sẽ buộc phải chăm chỉ hoạt động, giao tiếp và quan sát nhiều hơn để tìm ra những nguồn sáng tạo mới. Trí não và cảm xúc của bạn sẽ được thay mới liên tục. Và những idea mới hay ho hơn sẽ ra đời. Cho đi càng nhiều, nhận lại sẽ càng nhiều.

3.    Ý Tưởng Đến Từ Nơi Nơi & Nó Không Có Bản Quyền.

Bạn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết một vấn đề? Hãy thư giãn và nhìn ra cửa sổ. Một cánh chim đang bay, một bông hoa phất phơ trong gió, một người mẹ đang đẩy xe cho con … Biết đâu những nét nhỏ nhắn, vô tư của cuộc sống có thể khơi gợi trí sáng tạo của bạn. Cuộc sống chính là cái thư viện phong phú nhất, nơi bạn có thể tìm kiếm mọi câu trả lời cho các vấn đề của mình. Isaac Newton cũng nhờ một quả táo “bụp” xuống đầu để nghĩ ra Định Luật Vạn Vật Hấp Dẫn đấy thôi.

Ý tưởng là kho kiến thức mở – ai cũng có thể sử dụng. Trừ khi được thể hiện bằng các công cụ hữu hình như văn bản, nốt nhạc, tranh vẽ … thì ý tưởng chỉ là một suy nghĩ. Không ai đủ thẩm quyền để bảo vệ bản quyền cho một suy nghĩ. Đơn giản vì nhiều người trong cùng thời điểm có thể suy nghĩ giống nhau. Ngoài ra, một ý tưởng sáng lên trong đầu bạn thường được được kích thích từ những gì bạn tiếp xúc hàng ngày, như một bộ phim, một cuốn sách, bài báo hay cảnh sinh hoạt của những người xung quanh à Nó đâu phải là sản phẩm do bạn nặn ra từ A đến Z. Do vậy đừng ích kỷ đòi hỏi được đóng dấu bản quyền lên idea. San sẻ nó với mọi người để họ giúp bạn làm đầy đặn, hoàn chỉnh và ứng dụng nó

4.    Ý Tưởng Nằm Lì Trên Giấy Là Một Ý Tưởng Chết.

Một tờ giấy ghi nghệch ngoạc ý tưởng mà mãi nằm “đóng bụi ho khan” trên bàn thì là vô dụng, chỉ chờ ngày được bay véo vào thùng rác! Độ hữu dụng của ý tưởng được đánh giá bằng bao nhiêu phần trăm thành công khi nó được áp dụng vào thực tế. Ý tưởng là nền tảng để thực hiện một tác phẩm, một công việc, một project. Nó không phải là tác phẩm nghệ thuật để trưng bày và ngắm nghía.

Có thể kinh phí thực hiện ý tưởng sẽ rất lớn. Hay ý tưởng quá phức tạp à cách thực hiện sẽ là khó kinh khủng. Nhưng trở ngại càng lớn thì bạn càng biết sức mình đến đâu. Đừng e ngại nếu điều bạn nghĩ ra là mới toanh, trước nay chưa từng có ai thực hiện. Vì không có thứ gì tương tự như idea của bạn đang tồn tại trong thực tế nên bạn không thể làm phép so sánh hay ước lượng độ thành công. Hãy mạo hiểm.Nếu như hãng máy tính Apple năm 2001 không mạo hiểm tung ra iPod thì ngày nay, iPod đã không là một phần cuộc sống của teen khắp thế giới.

5.     Có Một Rổ Idea Không Phải Lúc Nào Cũng Tốt.

gio phuong bac trong toi

Hơn mười năm trước, có một cô bé theo gia đình rời Hà Nội vào Nam. Ngày quay về, trong cô, nắng phương Nam đã nhiều hơn gió phương Bắc. Hà Nội của cô gái mười tám tuổi giờ là chuỗi những kỉ niệm không liền mạch, những hình ảnh không rõ nét. Với cô, Hà Nội không là vẻ thơ mộng hồ Tây, không là nét duyên dáng hồ Gươm. Cũng không là “những phố dài xao xác hơi may” tựa hồn thơ lãng mạn Nguyễn Ðình Thi. Hà Nội, Hà Nội là vị ngọt bùi của xôi xéo, xôi khúc, là vị nửa chua nửa ngọt của ô mai. Là cái ran rát khi trúng đạn hạt cây cơm nguội trong trò chơi súng pắc. Là hương hoa sữa ngọt ngào. Là cậu hàng xóm ngày xưa.

Hà Nội sáng đầu đông tuyệt đẹp! Nắng nhẹ, trời trong, không khí mát lành. Thật thú vị khi đến Hà Nội lúc mùa đông bắt đầu phủ chiếc áo choàng lạnh giá lên khắp mọi ngõ ngách thủ đô. Không hiểu do cái lạnh ẩm tự nhiên rất dễ chịu hay sự thích thú, háo hức khiến lòng tôi vô cùng sảng khoái?

Mặc vội chiếc áo lạnh, vơ lấy cái khăn bông, tôi sập cửa phòng, “bắn” ra phố. Dù ngày nhỏ đã thuộc từng ngõ ngách lối đi; nhưng phố cổ mà giờ tôi nhớ, tôi biết chỉ là hình ảnh dãy nhà cổ xưa nhỏ bé trên tivi, là những con phố có tên bắt đầu bằng chữ Hàng. Thế thôi! Hàng Bạc, Hàng Trống, Hàng Gai… cứ như là mê cung. Đâu đâu cũng đông, đâu đâu cũng tấp nập. Tấm bản đồ đã ươn ướt mồ hôi tay, mà tôi vẫn lạc. Thuê một chiếc xích lô chạy lòng vòng khắp các phố, sẵn tôi nhờ bác lái xe làm hướng dẫn viên. Quan sát cuộc sống từ trên xích lô hết sức thú vị. Mọi hình ảnh không lướt qua quá nhanh như khi ngồi trên ô tô hay xe máy, lại có thể bao quát hết khung cảnh xung quanh, lại không… mỏi chân nữa. Những ngôi nhà với nét kiến trúc đầu thế kỷ hai mươi, những quán cà phê theo phong cách châu Âu cổ điển, những cửa hiệu trang trí bắt mắt… đã “nuốt gọn” của tôi hơn ba tiếng đồng hồ. Nhưng, dường như chiều nay trôi qua nhanh quá!

Ðắm mình trong ánh chiều vàng của buổi cuối ngày, thủ đô thật lãng mạn. Dẫu đang phát triển chóng mặt, Hà Nội vẫn là chính mình như hàng thế kỷ trước, là chốn thanh bình, yên ả cho những kẻ sĩ đi tìm nàng thơ, là nơi nương náu của những tâm hồn mệt mỏi vì cuộc sống xô bồ.

Thả bộ lang thang, tôi tần ngần trước một cây sấu. Liệu có phải cái cây năm xưa tôi đã “nguyền rủa” suốt mấy ngày liền, đã nằng nặc đòi bố thuê người cưa đi? Ngày ấy, Hà Nội tháng 6 đang là mùa sấu, những quả sấu chín vàng có sức hấp dẫn thật mạnh. Kỉ niệm của lần leo trèo ấy là vết sẹo dài hai phân và cục u trên trán khiến cái trán tôi do gen di truyền vốn đã cao nay còn dồ thêm ra, trông rất bướng. Rồi công viên Ba Ðình những đêm trung thu; hồ Thiền Quang mùa hè hái phượng… Tất cả như thước phim quay ngược hiện lên trong tâm trí tôi, rõ nét một cách kỳ lạ. Dường như tôi lại đang sống lần nữa với cảm giác khoái trá khi trộm được hoa, sợ hãi khi bị chó rượt hay tức tối khi quả sấu xa tầm với. Ôi Hà Nội của tôi, tuổi thơ của tôi!

Nhâm nhi ly cà phê sáng trong Highland, mắt tôi “đuổi bắt” cầu Thê Húc thoáng ẩn, thoáng hiện sau màn sương sớm. Không rực rỡ, hoa lệ. Không ồn ào, náo nhiệt, Hà Nội đẹp một cách bình dị và tĩnh lặng, nhưng rất cuốn hút. Vừa nhìn, vừa nghe, vừa thở, tôi cảm nhận được một Hà Nội rất đặc biệt – cùng một thời gian, cùng một địa điểm mà như đang mở ra hai không gian riêng biệt: Tôi ngồi đây bên hồ Gươm, bên những nhành liễu đu đưa trước gió, một vẻ đẹp thanh tao, thoát tục; trong khi chỉ cách tôi chừng mươi thước, một ngày mới đã bắt đầu, mọi người lại bị hút vào những bận rộn, những lo toan.

Nhìn từ cửa kính xe buýt, Hà Nội thật hiện đại và rộng lớn. Khác hẳn một Hà Nội nhỏ bé, cổ kính, “bó chặt” trong khu phố cổ như tôi vẫn thường hình dung. Phố Giảng Võ, Kim Mã đông đúc những cao ốc, chúng xếp hàng dãy, đều đặn và ngay ngắn như những con rô bô chờ xuất xưởng. Những con đường vắng lặng nơi khi xưa tôi vẫn thường chạy chơi, bây giờ ồn ào, tấp nập những dòng người, dòng xe. Thấp thoáng đâu đó, những cô gái gánh hoa rảo bước khắp phố phường…

Xe ngang Quán Sứ, ngang hàng cây sữa bắt đầu rụng lá. Tự nhiên tôi thèm khát một nhành sữa nở giữa mùa đông. Tôi không bao giờ quên được mùi hương rất lạ của loài hoa ấy, loài hoa không bày bán ở bất cứ hàng hoa nào. Bạn có thể chưng cúc, hồng, hoàng lan, dạ hương tùy thích, nhưng nếu “cố chấp” bẻ một nhành sữa đem vào giữa bốn bức tường thì chắc chắn sẽ bị choáng ngay bởi hương ngọt đặc đến nồng nặc của nó. Hoa sữa là vậy, nó không thể là sở hữu của riêng ai nhưng mỗi người con Hà Nội khi đi xa đều mang theo mùi thơm của loài hoa ấy, loài hoa đã làm nên một Hà Nội thứ hai – Hà Nội ở trên không.

Rời xe buýt, tôi nán lại khá lâu tại bến chờ, cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Hà Nội được bao phủ bởi một màn âm thanh phong phú, tiếng còi xe, tiếng người gọi nhau, tiếng quảng cáo từ những chiếc loa… Nhưng tuyệt nhiên không có âm thanh đó, âm thanh vang vọng mãi trong kí ức tuổi thơ của tôi. Leng keng… leng keng… leng keng…, tiếng chuông xe điện. Ngày ấy, tầm năm sáu giờ chiều, những người đi xe điện từ Cửa Nam đến Chợ Hôm hẳn ai cũng quen mặt cha con tôi – người đàn ông bế đứa bé ba tuổi, đút từng thìa cơm. Ngày ấy, tôi chỉ chịu ăn khi nghe tiếng leng keng… leng keng… leng keng…

Cầm bao kem Tràng Tiền trên tay, tôi vừa háo hức vừa ngạc nhiên. Thật lạ, kem cây để trong bao giấy lại không bị chảy. Càng lạ hơn, trời mùa đông lạnh mười mấy độ mà rất nhiều người mua kem, họ dựng xe đứng ăn kín cả một góc lề đường. Có một thời tôi đã nghĩ kem Tràng Tiền là món ngon nhất trên đời, vì ngày đó, với lương tháng chỉ sáu mươi ba đồng của mẹ thì kem quả thật là một món xa xỉ.

Tối cuối cùng ở lại Hà Nội, tôi lang thang trong thành phố đến tận khuya, một mình. Loanh quanh ở khu phố cổ, rồi tôi mua mấy chiếc bánh rán ra bờ Hồ ngồi. Tháp Rùa sáng đèn rực rỡ, như là mặt trăng vậy, ánh điện nhiều màu phản chiếu xuống mặt nước, lấp lánh như những ngôi sao. Hà Nội lung linh, huyền ảo tựa bầu trời đêm. Vừa đếm từng viên gạch lát trên hè phố Tràng Tiền, tôi vừa thích thú ăn cây kem thứ tư. Càng ăn tôi thấy kem càng ngọt, ngọt ngào như những kỉ niệm ngày thơ vậy. Ngày xưa sao trôi qua nhanh quá?! Lúc đó tôi còn quá nhỏ để biết rằng những giây phút ấy đẹp đẽ biết bao. Những tháng ngày không bao giờ trở lại. Bây giờ, tôi cố gắng không để phí một khoảnh khắc nào, tôi muốn thu cả Hà Nội vào tâm trí mình, từng góc phố, từng gương mặt.

Ðêm, Hà Nội lạnh và im ắng. Từ một góc phố xa nào đó chợt vang lên “Ai cháo nóng khôônnngggg…”. Tiếng rao nhanh chóng tan biến vào màn đêm tĩnh mịch nhưng đã khiến tôi sực tỉnh, cô bé Hà Nội ngày xưa trong tôi sực tỉnh. Ngày ấy, mỗi tối tôi đều đem theo tiếng rao của ông bán bánh giò, bánh chưng vào giấc ngủ. Tôi đã mơ được ăn thật nhiều bánh, tôi đã mơ có thể mua giúp ông thật nhiều để ông sớm về nhà, ngoài trời lạnh thế kia! Ðã lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe những tiếng rao hàng ấy, những tiếng rao đã trở thành một phần của Hà Nội. Có người nói tiếng rao ở đâu mà chẳng như nhau, nhưng tôi nghĩ họ đã lầm. Khí hậu Sài Gòn dễ chịu hơn Hà Nội, trời không quá nóng cũng chẳng quá lạnh; những người gánh hàng rong nơi đây tuy vất vả, cực khổ xoay sở với cuộc sống nhưng chưa bao giờ chịu cảnh gió bấc, mưa phùn lang thang ngoài phố khuya kiếm miếng ăn. Thử nghĩ xem, trong đêm đông, ngoài cửa gió như đang tát vào những cành khô không lá, khi bạn đang êm ấm thì đâu đó văng vẳng một tiếng rao “Sắn nóng đây”, có ai mà không khỏi chạnh lòng. Tiếng rao ngày ấy, tiếng rao hôm nay…, tôi thiếp đi tự lúc nào.

Trước khi ra sân bay, xe dừng lại ở ngôi nhà trên phố Hàng Bông, nơi tôi đã sống những năm tháng đầu đời. Tôi thấy mình thật tệ, đáng ra đây phải là nơi tôi đến thăm đầu tiên khi trở về Hà Nội, thế mà bây giờ tôi lại sắp đi. Nhưng nếu không có số nhà thì tôi cũng chẳng nhận ra, mọi thứ đã thay đổi nhiều, hay vì ký ức của tôi quá mờ nhạt? Cánh cửa, cầu thang, ban công, tất cả đều rất lạ, rất khác. Tôi chỉ nhớ khoảng sân nhỏ nơi bố tôi nuôi gà, những con gà đáng thương bị tôi giành mất phần ăn. Không biết khoảng sân ấy giờ có còn? Ðứng trước nơi mình đã từng gắn bó, tự nhiên tôi nhớ những lần cạy cửa trốn nhà đi chơi. Vui đáo để! Nhìn sang ngôi nhà bên cạnh, giờ này chắc anh, người cùng tôi trốn nhà trèo cây ngày đó vẫn đang ngủ ngon. Chào anh nhé, lát nữa anh dậy thì em đã ở rất cao và rất xa rồi! Chào mi nhé, nhà cũ!

Giữa mùa đông, có một cô gái rời Hà Nội trở vào Nam. Nhìn bầu trời Hà Nội cao xanh qua khung cửa kính, cô cảm thấy mình đang ra đi chứ không phải trở về. Hành trang theo cô về phương Nam nắng ấm không chỉ có bánh cốm, ô mai. Cô gói ghém cả những cơn gió đông se buốt, những mái ngói đỏ rêu phong, những gánh hàng rong thân quen đến lạ. Ngày trước, cô bé sáu tuổi khi xa Hà Nội đã thầm hứa sẽ không bao giờ quên nơi này. Nhưng cô bé đã quên, quên lời hứa ấy. Hôm nay, cô gái mười tám không hứa hẹn điều gì vì cô biết Hà Nội chính là một phần con người cô, đã ngủ yên rất lâu, bây giờ mới tỉnh dậy. Cô sẽ trở về!

bien cha. troi con

Tôi mở cửa sổ, nhìn bầu trời đêm Bangkok bao la. Những tòa cao ốc vẫn óng ánh đèn và xe hơi vẫn nườm nượp trên dãy cao tốc trước mặt. Bất giác, tôi đưa tay lên cao, chẳng rõ bản thân muốn làm gì. Không viễn tưởng thèm hái một ngôi sao. Cũng không toan tính bắt chút không khí vào đùa chơi trong lòng bàn tay.

Tôi nhìn chằm chặp đôi tay mình mảnh dẻ. Bàn tay tôi nhỏ nhắn như tay em bé gái, “đôi tay ếch con” như ngày bé cha mẹ vẫn gọi yêu. Cả bàn tay mềm mịn tưởng không xương, chẳng lấm dù là một vết chai của việc cầm bút. Ai từng nắm tay, bắt tay tôi đều ấn tượng rằng tôi rất sướng: đôi tay chẳng động việc gì.

Ngắm tay mình kiêu sa giữa trời, tôi nhớ đôi tay cha to lớn, khô ráp, đen nắng, sần chai – dấu tích mà thời gian cũng không làm phai được từ chuỗi tháng ngày ông lênh đênh biển cả. Tôi nợ đôi tay ấy quá nhiều. Thế nhưng số lần – đếm được bằng đầu ngón tay – tôi nắm đôi tay ấy lại vào những ngày mà nó giằng co giữa nóng lạnh của sự sống và cái chết. Tôi không mảy may chuyện mình nên nắm tay cha khi tay ông còn ấm áp.

Lần cuối chạm tay cha, khi luồn tay mình vào bàn tay ông đã cứng, tôi biết chắc một điều: từ giây phút ấy trở đi, mỗi lần mân mê đôi tay mình công chúa, tôi sẽ hối hận. Sách vở, lời hay ý đẹp từ internet khuyên tôi quên chuyện buồn mà vui sống. Tôi chỉ cười nhạt. Những ai tin lời hoa mỹ đó, chỉ vì họ chưa đến lúc nghiệm ra rằng trong cuộc đời, mỗi người chắc chắn sẽ sống cùng ít nhất một nỗi day dứt. Quên đôi khi là bất khả thi. Ký ức chỉ tạm lắng và khi gặp một hình ảnh, một sự vật nhang nhác, nó sẽ khơi lại.

Tôi, đáng thương và đáng trách thay, ân hận không chỉ một nỗi.

Tôi đã luôn nung nấu viết một tiểu thuyết về cha – tuổi thơ cô đơn, tuổi trẻ xa xứ, cuộc đời ngang dọc nhiều miền đất và đại dương. Tôi đã định dành cho ông bất ngờ to lớn. Tôi đã nghĩ mình còn ối thời gian.

Khi tôi bắt đầu viết về ông – lúc này đây – thì món quà đã thành lời tạm biệt. Những câu chuyện trong đầu tôi bỗng dưng không liền mạch, không phiêu lưu, không lãng mạn như từng ngẫm nghĩ. Chỉ có những khoảnh khắc rất thật về cha mà trí nhớ tôi, một cách bí hiểm, đã chọn lưu lại.

1. Tôi ghét biển. Biển đem cha đi mãi suốt những ngày tôi bé con. Nên theo góc độ nào đó, biển đã nuốt mất một phần tuổi thơ của tôi vào bụng.

Vài tháng sau khi tôi chào đời, cha bắt đầu đi tàu. Những chuyến buôn bán vượt đại dương không cho phép cha chứng kiến tôi thực hiện cú lẫy đầu tiên và nghe tôi bi bô “ba ba…”. Khi cất tiếng gọi cha lần đầu, tôi nói đã sõi lắm rồi. Sau những chuyến hải trình kéo dài hàng tháng trời, có khi ngót nghét cả năm, cha luôn đem về cho tôi cơ số quà bù đắp thương nhớ. Sinh ra thời đất nước chỉ vừa mở cửa, nhưng tuổi thơ tôi đầy ứ những hộp sữa bột ngoại, những lon nước trái cây đắt đỏ, búp bê mặc váy ren hồng biết đi biết hát, máy bay điều khiển từ xa… Còn nhiều nhiều nữa những thứ mà trẻ con ngày ấy chẳng biết là có trên đời để mà tưởng tượng, thèm muốn. Nên theo góc độ nào đó, biển đã cung phụng cho ấu thơ tôi được vạn phần sung sướng.

Dù thế, tôi vẫn ghét biển.

2. Cha lên bờ khi tôi 8 tuổi. Vốn quen cha chỉ ở nhà dăm ba tháng mỗi năm, nên việc ông có mặt trong tất cả bữa ăn gia đình gây cho tôi chút lạ lẫm ban đầu. Từ một món thực phẩm theo mùa như bánh trung thu, ông trở thành cơm bữa. Cái trầm trồ nghe chuyện về bến cảng, chim âu, cổ tích các loài cá và những vùng đất lạ mòn vẹt dần khi đêm nào cha cũng kể. Cái nô nức của một chiều tan học thấy cha đón ở cổng trường cũng lụi tàn nhanh. Mỗi ngày mỗi gặp, có lẽ vì thế mà tôi càng ít gần ông. Đôi mắt của con bé 8 tuổi chỉ mới biết ưa thích những thứ hiếm lạ, chứ nào hay việc tìm kiếm, trân trọng điều quý báu ẩn giấu trong những cái quen thuộc.

Từ ngày cha thôi đi tàu, mùa Hè nào gia đình tôi cũng đi nghỉ mát ở biển. Cha hào hứng ra mặt ngay từ phút hành lý được chất lên xe, và càng gần đến biển tinh thần ông càng phấn chấn. Đến nơi, cha ùa ra tắm biển trước các con, dẫu Mặt Trời treo bỏng rát trên đỉnh đầu. Tôi nhận ra, cha dành cho biển một thứ tình cảm khá phức tạp và vĩ đại. Một khối lòng trộn lẫn yêu đương đôi lứa, thân thuộc anh em và kính trọng hàm ơn. Ánh mắt ông nhìn biển… Da diết và bỏng cháy. Êm đềm và tha thiết. Thuộc về và ngưỡng vọng.

Tôi hy vọng sau này mình cũng có thể nhìn một điều gì đó trong cuộc sống này bằng ánh mắt như thế.

3. Ngày nhỏ, cứ đi tắm biển là tôi phăm phăm cùng chiếc phao ra xa thật xa, mặc kệ hôm ấy biển động sóng cao đến đâu. Máu liều thủy thủ của cha có lẽ đã di truyền vào cô con gái.

Nhưng từ năm 10 tuổi, tôi mất hứng thú với việc tắm biển, nếu không muốn nói là hoảng sợ. Năm đó, tôi sém chết đuối khi sa chân vào một hố lốc xoáy gần bờ. Lúc lặn ngụp trong hốc nước cao quá đầu, tôi vẫy vùng để ngoi lên nhưng lòng chẳng thoáng chút sợ chết. Tôi nhớ rõ như thế. Tôi biết cha – một thủy thủ, một tay bơi cự phách – sẽ cứu. Và ông đã đến nhấc bổng tôi lên, nâng chặt trong đôi tay rắn chắc.

Bá cổ cha, hổn hển thở vì sặc nước, một niềm tin, một cảm giác an toàn đã đến trong tôi và ở lại suốt nhiều năm sau này: dù bất cứ chuyện tồi tệ gì xảy đến, dù sai phạm gì, tôi vẫn luôn có cha nâng đỡ. Dù tôi chạy đi xa như thế nào, vẫn luôn có một vòng tay để ùa về, rồi vùi chặt trong đó.

4. Có một lần dạo biển cùng cha, tôi chẳng nhớ rõ khi ấy mình bao nhiêu tuổi, còn rất bé hay đã dậy thì, ông đã nhìn về phía những con sóng đang đạp nhau vào bờ và nói: “Bầu trời của đàn ông ngày càng rộng. Bầu trời của phụ nữ ngày càng hẹp. Nhưng con, hãy đi thật xa vào, con gái!”.

Ý nghĩa câu nói đấy, đến tận ngày nay tôi vẫn còn chút mơ hồ. Những người cha thường mong con gái sống an nhàn, yên lắng và hạnh phúc. Nhưng cha tôi dường như đã lái tôi sang một con đường rộng, nhiều màu nhưng cũng hứa hẹn không ít trồi sụt. Cha lạ. Mà có lẽ ông không lạ. Ông chỉ là đã nhìn thấu con người tôi từ lúc ấy.

Và ngay giây phút đó, câu nói ấy đã khiến tôi ngước lên bầu trời, mơ ước và quyết định hòa làm một: Tôi sẽ đi thật xa, sẽ nhìn thế giới thật nhiều, nhưng sẽ bằng một con đường khác với cha. Tôi sẽ kiến tạo con đường riêng của mình để có được một tâm hồn giàu có như ông.

5. May mắn (cho xã hội) là tôi đã chẳng thể thành bác sĩ, nếu không tôi hẳn đã là một tay lang băm cự phách. Hay có khi tôi đã chán ghét trường Y, ruồng rẫy cái ước mơ một-thời-rất-lớn mà dở dang việc học.

May mắn là cha đã nhận ra tôi không hợp làm bác sĩ, bằng mọi cách ngăn cản. Khá ngược đời so với nhiều bậc cha mẹ tìm mọi cách tống con vào trường Y vì sang, vì tương lai sáng lạn.

Thật ra, nếu ép thân cố gắng, tôi cũng có thể thành một bác sĩ giỏi. Nhưng tôi vốn không có tố chất của một bác sĩ tốt – Điều này phải nhiều năm sau tôi mới đủ can đảm thừa nhận. Một bác sĩ giỏi mà không tốt thì đại họa! May mắn là cha đã nhận ra! Con cái khi bị cha mẹ can ngăn chuyện gì thường cố chấp, càng lao đầu làm theo ý mình để chứng tỏ bản thân. Cái tự ái trẻ con khiến con cái quên rằng những đôi mắt được thời gian tôi luyện có khả năng nhìn sâu và nhìn xa hơn. Vì vậy, chỉ một lần cũng được, trước khi quyết định đời mình, hãy lắng nghe cha mẹ. May mắn là tôi đã làm như thế.

Tôi yêu và tận hưởng cuộc sống mình hiện tại nhiều vô đối. Nhiều đến mức tôi quên mất đã có thời mình học ngày học đêm để đậu y khoa. Nhiều đến mức tôi không nhớ cả lý do mình khoái thành bác sĩ. Khi bản thân nhận ra chẳng thể nhớ được điều gì đã gieo mầm ước mơ, tôi chắc chắn ước mơ đó chỉ như cú say nắng đầu đời. Đẹp nhưng chóng phai.

Thật ra lúc đó tôi đã toan dọn khỏi nhà, làm mình làm mẩy để được toại ý. May mắn là cha đã kể cho tôi nghe một câu chuyện…

Năm ấy, cha sang Nga du học, nung nấu thành giáo viên Vật lý. Nhưng cuối cùng, ông chuyển sang Hàng hải vì đất nước cần nhân lực ngành ấy. Đến khi về nước, ông trở thành giảng viên dạy trong trường Hàng hải. Rồi các con ra đời, ông bỏ công việc ổn định, theo thuyền vượt ngàn dặm đại dương kiếm tiền nuôi con.

Mơ ước thưở thanh niên của cha – ông từ bỏ, tái theo đuổi, rồi lại từ bỏ. Để tôi được sinh ra và lớn lên trong sung sướng. Để giờ đây tôi có thể theo đuổi bất kỳ ước vọng nào bản thân nghĩ tới.

Mơ ước thưở thanh niên của cha – tôi đã nhớ về nó suốt trên con đường của mình, mỗi khi tôi mệt lả và muốn từ bỏ. Tôi được bọc trong may mắn, khi có một người hy sinh ước mơ cá nhân, cho tôi được tự chủ sống như mình thích. Nên tôi chỉ có thể đi, không thể dừng. Nên tôi có quyền ngã, nhưng bắt buộc phải biết đứng dậy.

6. Cha ốm, lần thứ hai.

Ông nằm yên trên giường, mắt khép hờ, mặt đượm đầy mệt mỏi. Tôi đưa tay vuốt làn tóc bạc mỏng mảnh trên đầu ông, chợt thấy là lạ. Cũng phải vài năm rồi tôi mới nhìn cha kỹ đến thế. Ông già đi quá nhiều so với hình ảnh mà tôi luôn giữ trong đầu. Tôi nhìn và bỗng nghĩ… Những nếp nhăn, những vết sẹo, những vết chai trên người cha – mỗi vết đều mang một câu chuyện. Những câu chuyện trải dài từ thưở ấu thơ ở làng quê nghèo, sang tuổi niên thiếu trên nước Nga trắng tuyết, sang tuổi trẻ bôn ba biển cả… Tôi rất tò mò, nhưng chẳng hiểu sao lại không thể hỏi thành lời khi cha tỉnh dậy. Tôi chỉ lén nhìn mà tưởng tượng về những dấu vết cuộc sống đã đi qua đời ông, những sự kiện đã dần hun đúc nên con người ông.

Khi thiêm thiếp trên giường, trong giấc mơ lúc ốm, trong giấc mơ lúc biết mình gần đất hơn trời, cha đã nghĩ gì? Những khoảnh khắc nào của cuộc đời đã tái hiện lại trong chuỗi ký ức chập chờn ấy?

Cha thiêm thiếp trên giường. Tôi bỗng thấy xa lạ và xấu hổ. Cha – người mà tôi nghĩ mình thân quen nhất, hóa ra tôi lại chẳng mấy thấu hiểu.

7. Cha ốm, lần thứ ba.

Bác sĩ bảo ông không qua khỏi hai ngày. Nhưng ông đã hôn mê gần một tháng trước khi vĩnh viễn lìa xa tôi.

Tôi đã không khóc quá nhiều trong những ngày tang ma. Tôi đã không khóc khi nhớ về ông. Tôi chỉ luôn rối trong ngàn ngàn câu tự hỏi: Vì sao ông lại cố gắng kéo dài sự sống, bất chấp lục phủ ngũ tạng đều mệt nhoài? Là ông muốn sống, dù chỉ đời thực vật gắn liền máy thở? Là ông chuẩn bị tâm lý cho tôi, phải khi chắc rằng tôi sẽ được định tâm và định thần, không quỵ ngã thì ông mới rời đi? Hay là cá tính ngoan cường không khuất phục của một thủy thủ đã ăn sâu vào máu thịt, buộc ông chống chọi đến cùng?

Mãi mãi chỉ là những câu tự hỏi.

Mãi mãi tôi sẽ luôn tự nhủ rằng mình sẽ kiên cường đến phút cuối bất chấp con đường mình đi gập ghềnh thế nào. Cuộc sống quý lắm. Một người sống trên đời là vì mình, và không chỉ vì mình.

8. Cha mất. Gần 3 tuần sau, tôi chuyển sang Bangkok làm việc. Người trợn mắt trách tôi vô tâm, vô cảm, cha vừa mất mà đã “hồi phục” chóng vánh để tìm một chân trời mới. Người hiểu tôi hơn thì thở dài, cứ khuyên tôi khóc đi cho nhẹ lòng, đừng cố ép mình tươi tỉnh, cứng rắn.

Tôi chẳng tìm thấy một cái cớ nào để bưng mặt khóc mãi. Nhớ một người, có nhất thiết phải sầu não? Thương một người, cố nhất thiết tỏ ra mặt cho ngàn vạn người khác xem?

Cha mất. Tôi đi. Đã đến lúc công chúa rời chiếc lồng son và để cuộc đời đánh đập đôi chút. Đã đến lúc đôi tay mềm như bún của tôi xây xát đôi chút.

Tôi đang đi những bước đầu tiên trên con đường chỉ có một hướng tiến-về-phía-trước. Tôi đang học cách chịu trách nhiệm 100% với cuộc đời của mình. Cha không còn là bình phong cho những sự vụ rắc rối tôi gây ra. Cha không còn lặng lẽ chờ tôi trong phòng khách tối đèn, chỉ an tâm đi ngủ khi tôi mò về nhà – thường rất muộn, sau hàng giờ dài miệt mài làm việc và bù khú bạn bè.

Tôi đang đi với một nụ cười. Vì cha yêu nụ cười tôi. Vì cha là một tia nắng ấm áp luôn tỏa sáng dẫn đường cho cô con gái rượu.

9. Một mình trên chuyến bay rời Việt Nam. Một mình trên bầu trời. Tôi nhìn những tảng mây ú nụ, xốp bồng rất dễ thương bên ngoài cửa sổ, bất chợt vui thích trong ý nghĩ rằng biết đâu “thiên thần papa” của tôi đang ngáy khò khò trên một đám mây to xinh nào đấy. Có khi tôi đã lướt qua ông mà không thể thấy.

Trên đùi tôi để mở cuốn album hình của ông xa xưa trong một mùa nước Nga phủ tràn tuyết trắng. Những tấm hình lẩn khuất một chuyện tình…

Ngoài mẹ tôi, tôi chưa từng biết đến những chuyện tình – một phần tuổi trẻ đa sắc của ông. Tôi tưởng tượng… rồi bỗng tay nắm lấy tay mình. Nhất định một ngày, tôi sẽ tìm thấy một bàn tay khác để sưởi. Nhất định một ngày, tôi sẽ tay trong tay một người nào đấy cùng bước trong cuộc sống này. Nhất định một ngày, cha tôi sẽ yên lòng rằng cô con gái nhỏ của ông sẽ không một mình lang thang bầu trời.

- PLOY -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro