Không Tên Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu sử dụng vốn của các tổ chức, cá nhân vì thế cũng ngày càng cao đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhiều loại hình tín dụng khác nhau. Song song với các hình thức tín dụng được pháp luật thừa nhận như: tín dụng ngân hàng, thương mại, huy động vốn... tuân thủ theo các quy định của pháp luật thì vẫn còn tồn tại một hình thức tín dụng không được pháp luật thừa nhận thường được gọi là "tín dụng đen". Có thể hiểu, có nguồn gốc từ việc cho vay nặng lãi vốn tồn tại từ bao đời nay, "tín dụng đen" là cụm từ mà người dân thường dùng hiện nay để chỉ các dạng hoạt động tín dụng không qua hệ thống ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng chính thức nào, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép, không tuân thủ và cũng không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào.

Với nhưng ưu thế như: Việc cho vay không chịu các điều kiện, thủ tục thẩm định khắt khe như hệ thống tín dụng ngân hàng mà thường diễn ra nhanh gọn, đơn giản chỉ là sự thoả thuận giữa là bên cho vay và bên vay, đa số trong nhiều trường hợp không có tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay; Lãi suât huy động cao hơn nhiều lần so với lãi suất ngân hàng.... nên vì thế nhiều người dân đã tìm đến "tín dụng đen" thay vì tìm đến ngân hàng. Trên thực tế đời sống xã hội hiện nay, " tín dụng đen" đang ngày càng phát triển mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu rất đa dạng về vốn của mọi tầng lớp trong xã hội.

Tuy nhiên cũng dễ nhận thấy ngay đây là kiểu hình "tín dụng" chủ yếu xây dựng trên lòng tin trong khi các điều kiện ràng buộc rất lõng lẽo nên thường xảy ra nhiều rủi ro, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội mỗi khi "vỡ nợ". Đặc biệt, đây cũng là mảnh đất rất thuận lợi làm phát sinh, phát triển các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, chẳng hạn như: Lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích..v.v.. từ đó gây mất ổn định về an ninh-trật tự đồng thời kèm theo đó đã để lại nhiều hệ luỵ cho xã hội.

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tại Nghệ An tình hình vỡ nợ, vỡ hụi xuất phát từ các đường dây tín dụng đen có nhiều diễn biến phức tạp, gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng, có những thời điểm được ví như cơn bão quét qua gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của người dân, làm cho nhiều gia đình phải rơi vào thảm cảnh. Tính riêng từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện 154 vụ vỡ nợ, vỡ hụi gây thiệt hại 803.828.935.000đ (tám trăm linh ba tỷ tám trăm hai tám triệu chín trăm ba lăm ngàn đồng), xẩy ra tại 14/21 huyện, thành, thị. Qua tập trung nắm tình hình, điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT hai cấp của Công an Nghệ An đã làm rõ các vụ vỡ nợ "ảo", có dấu hiệu phạm tội, kịp thời khởi tố điều tra, bắt giữ các đối tượng là "con nợ" để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt .

Đánh giá chung về loại tội phạm này trong thời gian qua, có thể thấy ngoài những trường hợp tham gia "tín dụng đen" nhưng việc thua lỗ, vỡ nợ xuất phát từ những nguyên nhân khách quan, chẳng hạn như: Thị trường bất động sản đóng băng, các dự án nhà đất không được triển khai, thị trường mất khả năng thanh toán, thị trường vàng, chứng khoán lên xuống bấp bênh...làm cho nhà đầu tư bị thua lỗ nặng; Ngân hàng thực hiện các giải pháp siết chặt tín dụng phi sản xuất của Chính phủ nên các nhà đầu tư phải huy động vốn trong dân để trả vòng quanh cho nhau khiến lãi mẹ đẻ lãi con dẫn đến mất khả năng chi trả rồi vỡ nợ... thì một tỷ lệ không nhỏ các đối tượng đã lợi dụng hoạt động tín dụng đen để thực hiện hành vi phạm tội thông qua việc sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng để huy động vốn rồi chiếm đoạt. Với chiêu thức "lấy mỡ nó rán nó", lấy tiền của người góp sau trả cho người góp trước theo kiểu lấy nợ nuôi nợ và việc đưa trần lãi suất lên cao, trả lãi đầy đủ trong một số tháng ban đầu, các đối tượng phạm tội đã đánh vào lòng tham của người gửi tiền, lôi kéo được nhiều người tham gia, hình thành nên các đường dây "tín dụng đen" hoạt động trong một thời gian dài nhưng khó bị phát hiện, ngăn chặn. Từ thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm này, chúng tôi rút ra cách thức đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt thông thường đều qua các bước sau đây:

Thứ nhất: Các đối tượng bao giờ cũng tìm cách tạo hình ảnh hoành tráng, đánh bóng tên tuổi bản thân để tạo được lòng tin của người dân; Thường núp dưới danh nghĩa các doanh nghiệp lớn, đang đầu tư làm ăn vào nhiều dự án lớn, nhỏ.... Thể hiện mình bằng việc tỏ ra có nhiều mối quan hệ với các quan chức trong tỉnh, trung ương, ở nhà biệt thự, đi xe sang trọng, tiêu xài phóng khoáng... Thậm chí không chỉ dừng ở việc đánh bóng tên tuổi, nhiều cá nhân, tổ chức còn lợi dụng uy tín của chính người thân hoặc của cơ quan đơn vị mình để đem ra đảm bảo trách nhiệm cho các hoạt động huy động vốn.

Thứ hai: Sử dụng chiêu bài lãi suất. Trong điều kiện thực tế, ngay cả những doanh nghiệp làm ăn tốt cũng phải rất nỗ lực mới có thể tạo ra được mức lợi nhuận 20%/năm nhưng lãi suất huy động của các đối tượng phạm tội đưa ra rất cao, không có "trần" hay "sàn" lãi suất nào cả mà hoàn toàn "thuận mua vừa bán". Phổ biến hơn cả vẫn là mức lãi 3.000-5.000đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 200%/năm, cao gấp hàng chục lần lãi suất chính thức của bất kỳ ngân hàng nào và đặc biệt lãi suất tuy rất cao nhưng lại được trả đúng hẹn ở những tháng đầu khiến cho nhiều người tự nguyện tham gia và không quên lôi kéo thêm người khác.

Thứ ba: Khi có trong tay số tiền lớn huy động của người dân, đối tượng phạm tội tìm cách tẩu tán tài sản trước khi bị phát hiện rồi bỏ trốn hoặc nại ra lý do làm ăn thua lỗ bị vỡ nợ để tìm mọi cách "lách luật" cho rằng việc vay mượn chỉ là quan hệ dân sự để che đậy bản chất chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trong những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp còn chủ yếu tâp trung xung quanh vấn đề giải quyết nợ nần giữa chủ nợ và con nợ. Trước nhu cầu về vốn rất lớn, cần vay nóng để đáo hạn ngân hàng,... nên người vay chấp nhận lãi suất cao để thoả thuận được vay không cần có tài sản đảm bảo. Khi những người vay đã mất khả năng trả nợ hoặc vỡ nợ, một số chủ cho vay tiền đã thuê các nhóm côn đồ, đầu gấu thuộc loại đâm thuê, chém mướn, xiết nợ, đòi nợ thuê dùng các thủ đoạn trái pháp luật như: Đánh đập, bắt cóc, đổ chất bẩn hoặc chặt đầu đầu gà, chó ném vào nhà ở, thậm chí dùng cả súng bắn vào văn phòng làm việc của con nợ....nhằm thúc ép buộc người vay phải bán nhà cửa, tài sản để trả nợ. Khi chưa trả được nợ, lại bị đe doạ đến tính mạng nên người vay bỏ trốn thì làm đơn tố cáo người vay tiền có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt rồi gửi đến Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố vụ án để xử lý hình sự. Qua công tác phòng ngừa, điều tra xử lý, từ năm 2011 đến nay Cơ quan CSĐT hai cấp của Công an Nghệ An đã khởi tố 10 vụ - 28 bị can là các đối tượng đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi .

Từ thực tiễn và kết quả đấu tranh như trên, có thể thấy do sớm nhận định và dự báo tình hình hoạt động tín dụng đen nói chung và tình hình tội phạm hoạt động liên quan đến hoạt động tín dụng đen nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu về an ninh trât tự, Công an tỉnh Nghệ An đã quán triệt và triễn khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của Bộ Công an, chủ động tập trung lực lượng, kết hợp triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, có kế hoạch, đối sách phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen phù hợp với từng giai đoạn. Từ đó đã góp phần làm ổn định tình hình, ngăn ngừa phần nhiều tác hại của cơn bão tín dụng đen đang quét qua từng ngõ ngách xóm làng cho đến nơi trung tâm đô thị.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro