HỆ THỐNG NHÂN VẬT TRONG RỪNG XÀ NU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có thể nói Nguyên Ngọc là một Tố Hữu trong văn xuôi, cũng như Phạm Tuyên là Tố Hữu trong âm nhạc. Cùng có tài, cùng dâng hiến trọn vẹn tài năng của mình cho đất nước, cho Đảng, vậy mà số phận của mỗi người khác nhau biết bao. Âu đó cũng là lẽ đời. Tố Hữu viết:

Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí chung câu quân hành

Ta cũng gặp ý tưởng đó trong Rừng xà nu, một truyện ngắn rất hay của Nguyên Ngọc thời chống Mỹ. Bao lớp cha con nối nhau đánh giặc, bảo vệ cán bộ của Đảng. Nói như cụ Mết: “Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn”. Mỹ Diệm treo cổ anh Xút lên cây vả đầu làng. Anh Xút chết, anh Quyết thay. Nối tiếp anh Quyết là Tnú. Cũng như Mai chết thì có Dít lớn dậy. Dít là Chính trị viên xã đội. Cô giống hệt Mai. Đến nỗi ngồi trước Dít mà Tnú bàng hoàng như ngồi trước Mai. Rồi ông già Tâng, bà Brôi, chị Blom, anh Bre. Rồi cả thằng bé Heng Tnú gặp ở đầu con nước nữa. Thằng bé có tí tuổi đầu mà đã như một anh giải phóng quân với khẩu súng dài đeo chéo vai. Mấy thế hệ cha con cùng đánh giặc. Đứng đầu là ông già Mết, một nhân vật rất lạ. Ông chính là linh hồn của làng Xô man, cũng là linh hồn của cái truyện ngắn này. Ông già Mết là nhân vật có thật. Nguyên Ngọc giữ nguyên tên. Và cũng y hệt như trong truyện, ở ngoài đời, ông Mết là ngọn cờ tập hợp dân chúng. Ông thông minh, dũng cảm, chỉ huy đánh giặc rất tài. Người ta đã tính phong danh hiệu Anh hùng cho ông. Nhưng khi xét, lại thấy ông là tầng lớp trên, nên không thể phong được. Thực ra, cái chức Già làng là dân tín nhiệm mà suy tôn thôi, chứ đâu phải chức sắc quan cách gì. Hàng ngày, ông vẫn cởi trần đóng khố, ăn đói mặc rét như bất cứ người dân nghèo nào ở làng Xô man. Tnú cũng là nhân vật có thật. Tên thực của anh là Đề. Nhưng để tên Đề thì nghe như một người Kinh. Chẳng Tây Nguyên chút nào. Nguyên Ngọc đổi thành Tnú. Tnú theo tiếng Ba na có nghĩa là người dũng sĩ. Đúng là Lớp cha trước, lớp con sau, mấy thế hệ nối tiếp nhau đánh giặc, bảo vệ buôn làng, bảo vệ Đảng. Nguyên Ngọc còn trung thành với ý tưởng này ngay cả trong từng đoạn văn tả cảnh rừng xà nu: “Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”...Rồi Nguyên Ngọc còn cho cả ông già Mết nói với Tnú: “Mày có đi qua rừng xà nu gần con nước lớn không? Nó vẫn sống đấy. Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!”. Khi kết truyện, Nguyên Ngọc vẫn nhắc lại ý tưởng này, mà không ngại bị lặp: “Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu gần con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương, đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất mà đã nhọn hoắt như những mũi lê. Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp nhau, chạy đến tận chân trời...”

Truyện của Nguyên Ngọc hầu hết là thế. Ông ca tụng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ông rất gần với Tố Hữu và Phạm Tuyên. Và cũng như Tố Hữu và Phạm Tuyên, bút pháp ông nhất quán, trước sau như một, không thay đổi, không quay quắt. Trong khi đó, có không ít cây bút chuyển hướng, hoặc thay đổi cách tiếp cận hiện thực để thu hút sự chú ý của bạn đọc. Trước viết người tốt việc tốt thì sau viết người xấu việc xấu. Nguyên Ngọc không thế. Suốt đời dường như ông chỉ viết truyện người tốt việc tốt. Ngay cả khi dựng nhân vật tiểu thuyết, ông cũng tựa trên những con người có thật, những sự kiện có thật ở ngoài đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro