he thong nhung quan diem, tu tuong cua nguyen ai quoc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HCM

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc có thể tóm tắt thành một hệ thống luận điểm sau đây:

Một là, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường của cách mạng vô sản. Từ đầu những năm 20 thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: Chủ nghĩa đế quốc là một con đỉa hai vòi, một vòi bám vào chính quốc, một vòi bám vào thuộc địa. Muốn đánh bại chủ nghĩa đế quốc, phải đồng thời cắt cả hai cái vòi của nó đi, tức là phải kết hợp cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa; phải xem cách mạng ở thuộc địa như là "một trong những cái cánh của cách mạng vô sản"; mặt khác, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.

Hai là, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Nguyễn Ái Quốc đã sớm khẳng định: muốn giải phóng dân tộc thành công "trước hết phải có đảng cách mệnh", "Đảng có vững cách mệnh mới thành công", "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt" - đó là chủ nghĩa Lênin.

Ba là, cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp đoàn kết của toàn dân trên cơ sở liên minh công-nông. Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc "là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một, hai người", vì vậy phải đoàn kết toàn dân, "sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền". Nhưng trong sự tập hợp đó, phải nhớ "công-nông là người chủ cách mệnh"... "công-nông là gốc cách mệnh".

Bốn là, cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là một luận điểm mới và sáng tạo của Hồ Chí Minh. Trong phong trào cộng sản quốc tế lúc bấy giờ đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc trực tiếp vào thắng lợi của cách mạng vô sản chính quốc. Do nhận thức được thuộc địa là một khâu yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, do đánh giá đúng đắn sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ngay từ năm 1924, Người đã sớm cho rằng cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước. Đây là một cống hiến rất quan trọng vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, đã được thắng lợi của cách mạng Việt Nam chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.

Năm là, cách mạng giải phóng dân tộc phải được thực hiện bằng con đường bạo lực, kết hợp lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang của nhân dân. Ngay từ năm 1924, trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ, Nguyễn Ái Quốc đã nói đến khả năng khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương. Theo Người, "Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương... phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng...".

Đảng ta ra đời là kết quả của sự chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của đồng chí Nguyễn ái Quốc và các đồng chí tiền bối của Đảng. Đồng chí Nguyễn ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Việt Nam. Người đã kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để tổ chức ra Đảng ta. Người đã vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin, đề ra đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, vạch ra cương lĩnh cách mạng của Đảng một cách đúng đắn ngay từ đầu. Nhờ đó mà Đảng sớm trở thành một lực lượng chính trị vững mạnh và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hơn 60 nǎm qua, lịch sử Việt Nam ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Vai trò đó không ngừng được mở rộng và nâng cao, vượt qua mọi sự chống phá của kẻ thù và sự tranh chấp của những thế lực đối lập.

Việc Đảng ra đời và xác lập vai trò lãnh đạo cách mạng là điều tất yếu, khách quan, phù hợp với quy luật của thời đại và điều kiện hiện thực của Việt Nam. Sự phù hợp với quy luật của thời đại được chứng minh bởi vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân mà đội tiên phong của nó là Đảng Mác- Lênin. Còn điều kiện hiện thực của Việt Nam được nhận thức qua phân tích tính chất, đặc điểm xã hội Việt Nam; tình hình và thái độ các giai cấp, tầng lớp xã hội; từ đó thấy những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội và đòi hỏi khách quan của lịch sử đối với giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng - đội tiên phong của giai cấp.

Để xây dựng Đảng vững mạnh, ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng phải thật trong sạch. Sức sống, sự lớn mạnh của Đảng phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc đã chứng minh: bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì Đảng vững mạnh, lãnh đạo cách mạng thành công; còn nếu xa rời quần chúng, không được quần chúng tin tưởng, ủng hộ thì sẽ suy yếu, giảm sút sức chiến đấu và có khi vấp phải thất bại. Muốn vững mạnh, muốn được quần chúng tin tưởng, ủng hộ, Đảng phải luôn trong sạch!

Là người lãnh đạo cách mạng, Đảng đề ra đường lối, chiến lược đưa nhân dân ta đấu tranh giành thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Là đảng cầm quyền, Đảng chịu trách nhiệm về mọi mặt đời sống của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.

Bác cho rằng, từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng, do vậy, “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Muốn thế, Đảng phải trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Quan điểm cách mạng đó là nguyên nhân, là nguồn gốc sâu xa tạo nên sức mạnh của Đảng để Đảng lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vĩ đại. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Một Đảng trong sạch vững mạnh để cho dân tin yêu phải gồm những đảng viên trong sạch, có lý tưởng, đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vì đảng viên chính là cầu nối giữa Đảng với dân. Là “đầy tớ” của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải tận tụy phục vụ nhân dân, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân. Vì sao vậy? Vì nhân dân theo Đảng làm cách mạng trước hết là do lợi ích thiết thân của chính họ. Đảng được dân tin và một lòng theo Đảng vì trong bất cứ hoàn cảnh nào Đảng cũng toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết và trước hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#boboca