Hết một đời sa mạc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đã hết nửa đời người, mà Bình vẫn chìm đắm trong sự cô đơn, cái thứ cô đơn không phải là không nơi nương tựa, mà thực chất là cô đơn giữa cõi đông người.

Một chàng trai mới ngoài 30 đã nghĩ thể, chỉ bởi vì chàng vẫn vùng vẫy trong con đường là chàng chẳng thể thoát ra. Không có ước mơ, chẳng có hoài bão, đến thói vật dục bình thường cũng chẳng có nốt. Đời chàng đủ phẳng lặng đến chán chết, lại vừa tươi tới mức chẳng cạn màu.

Lang thang bước trên con đường phiêu bạt qua những dãy phố cũ kỹ. Ồ thì cũ kỹ nhưng là cũ vàng cũ bạc ấy. Những mái ngói rêu phong, có phần lở lói, những dãy hẻm chật, sâu thun thút thun thút nhưng đâu ra toàn người là người. Kêu khổ, kêu chật chội ấy mà chẳng ai chịu dời đi cho thoáng, cứ bám lấy cái dãy phố ấy, vì tiền bạc cứ như nước mà trôi hết về chỗ trung tâm ngột ngạt.

Nhưng bởi, Bình của chúng ta có màng gì tới danh lợi nên có để ý gì đâu. Trong trí tưởng của chàng, chỉ có là câu chuyện về đời thơ phiêu bạt, về mây tuyết trăng hoa mà thôi. Mà là mây tuyết trăng hoa trong thơ trong mộng ấy, chẳng phải là cái trăng hoa người ta khéo vẽ vời về đời ong bướm.

Một bước lại một bước, chẳng mấy chốc con đường Cổ Ngư đã hiện ra trước mặt, những cành cây cao thậm cao lả rả quét những trận gió mát rượi vào tâm hồn Bình. Mà Bình thì vẫn chẳng hề tỉnh táo, vẫn như gã say bước giữa sa mạc thị thành. Một quán nước nhỏ, dựng bên bờ Hồ, lại bán ít thuốc lá tân thời.

Khốn nạn cái đời Bình, có bao giờ Bình tơ tưởng tới cái thứ khói ảo diệu ấy đâu, thế mà như ma đưa lối, quỷ dẫn đường, Bình lướt tới hàng nước cất giọng: "Em ơi, cho bao thuốc".

Cô hàng nước dáng người nhỏ nhắn, nhưng trông hơi lam lũ, tất tả chạy từ trong ra, giọng đon đả "Quý anh hút thuốc gì ạ?"

Sững người, chợt như thấy cả nửa đời người trôi qua trước mắt, bình sảng sốt: "Nhi, Nhi có phải không em?"

Cô gái bé xinh chơm chớp hàng mi cong dài cũng đờ ra "Ơ, anh Bình"

Nửa đời người của Bình, cái nửa đời trước vui tươi và ồn ã, vì là có Nhi.

Bình còn nhớ như in, mùi hèm rượu nhà hàng xóm bay qua thơm nức mũi, mùi hoa bưởi quẩn quanh khắp xóm từ nhà Nhi — cô hàng xóm bán rượu. Mà thực đúng ra là oan cho Nhi quá, Nhi chỉ là em của cô hàng rượu mà thôi.

Cô chị ấy, là bạn đồng buôn với mẹ chàng. Cô chị ấy đon đả nhưng cũng rất chân quê, hay giễu đùa Bình với Nhi: "Kìa bà ơi, hay là cho cháu gửi em sang nhà bà nhé'.

Mẹ Bình khi ấy, chỉ bỏm bẻm nhai giầu, cười tươi khoe hàm răng đen đang có phần trắng đi vì tân thời hóa mà bảo: "Phải gió nhà cô, thích thì rước về đi kìa. Ông nhõi là tôi đến là say rồi đó".

Chỉ hơn nhau có vài tuổi, lại ở chốn quê vắng vẻ cuối sông nên hai đứa đồng bạn đến là quấn lấy nhau.

Bao nhiêu trò trẻ con, bao nhiêu thứ mà lũ nhóc vẫn chơi hàng ngày có mặt trong mỗi bữa Nhi và Bình chơi cùng nhau. Nào là đồ hàng các thứ như là người lớn, người ta bắt chước chị người ta, mà vừa đon đả lại đứng đắn nhất mực bán thứ rượu chưng bằng nước lá trên lá mít, lá ổi. Rồi thì người ta bắt chước mẹ người ta, cũng đun nước gội đầu hoa bưởi cho con gái người ta gội đầu.

Ôi nước gội đầu hoa bưởi, đun bởi nước lạnh và trong, chẳng sôi một gợn nào mà giờ nhớ lại Bình lại thấy nó là thơm nhất trần đời. Có phải vì nó thấm hương thơm từ tóc Nhi chăng?

Một năm lại một năm, lớn dần lại lớn dần, nhưng 2 đứa đều chưa đủ lớn để mà lớn, vẫn còn chơi những trò trẻ con và cười sằng sặc đôi bờ giữa gió mát thổi ngút ngàn từ sông. Là trẻ con, nên Nhi không thấy ánh nhìn có phần nào tăm tối của chị, còn Bình thì không thể hiểu nổi cái chép miệng đến là đứt ruột của mẹ, vì là cám cảnh cho cô bán rượu.

Cũng hoa bưởi, cũng sông quê, nhưng không có Nhi thì đời buồn hẳn. Chị Nhi lấy chồng năm trước, theo chồng ngược sông lên quãng khá xa. Mà cũng không biết là với Bình xa hay tuổi thơ ấu thấy xa. Nhưng mà lúc đó sẽ là nửa đời khốn nạn của Bình.

Cái đời trầm luân trong kiếp thi ca, mà chẳng thể bật lấy một gợn sóng thi ca. Những bài thơ viết ra không ai đọc, chán chẳng ai mua. Viết báo tân thời theo lối quốc dân mới cũng chẳng thể đắt hàng.

Và rồi, giữa đời sống trầm lạc ấy, cuộc sống luyện cho Bình những bài thơ bán được nhưng vô hồn, những bài báo ăn theo những câu chuyện giật gân nhưng vô cảm, những bài xã thuyết mạnh miệng kẻ hàn lâm, nhưng chí thì nhút nhát. Ấy, cái đời khốn nạn, nó xô Bình vào và rồi Bình chẳng muốn ra.

Bình vốn cứ nghĩ kiếm đủ sống rồi chàng sẽ khác, sẽ quay trở lại mà viết văn phục vụ cho đời, lên án những bệnh hủ hóa, chào đón những thứ canh tân. Thơ cũng phải mạnh mẽ và hướng đồng bạn tới thế giới tiến bộ, đầy những tương lai tươi sáng.

Nhưng đấy, ở đời ai mà ngờ được cái vòng cơm áo ấy Bình chẳng muốn dứt ra, ra làm gì rồi lạc lõng. Bình có còn là đại biểu của đám bình dân nữa đâu, Bình đâu còn nghèo, để mà thở than những tiếng thở dài của dân thợ thuyền, những kẻ khốn nạn chẳng có nhà mà đi. Ai rồi ở giữa những xa hoa phù phiếm, lại cất tiếng nói của dân lầm than?

Mà chẳng phải có thể trách Bình được, vì đấu tranh làm gì, viết lách cho ai khi mà tới lẽ sống cuộc đời chàng còn chẳng màng đến. Chơi vơi, bế tắc giữa cuộc sống thông thoáng, phong lưu. Có phải đâu Bình không quên được Nhi. Trải qua đủ cả chốn giang hồ, qua tay bao người đẹp, nếm đủ thứ lạc thú mà kẻ giàu xổi nào cũng mong có được. Nhưng xong là xong, hết là hết, những bông hoa qua khỏi Bình thì Bình lại lơ thơ đi một mình giữa những hàng cây mà kiếm chân lý cuộc đời trong vô vọng.

À, đấy là nửa đời khốn nạn trước khi gặp lại Nhi. Vừa gặp lại cô em thơ ấu, lòng Bình đã như sống lại bao ký ức năm tháng cũ, vừa như vẽ ra những khung trời chân chất mà ấm áp. Hai người còn trẻ, có ái tình có căn nhà gần bờ sông, mỗi ngày Bình đi thuyền lên làng trên lấy nước, Nhi ở nhà ủ rượu, những thứ rượu mùi thơm say nồng, cho trai cả tổng say rượu của Nhi.

Nhi bảo, có nước làng bên rượu mới thơm và quyện như thế. Nghe bảo rằng trước có đôi nam nữ vì yêu nhau mà sống chết cự cãi gia đình, rồi thì mấy bữa sau người ta tìm thấy đôi ấy ôm nhau trong giếng. Ai còn dám uống nước giếng ấy nữa, nhưng lạ thay, 2 cái giếng nước của 2 nhà từ đó cứ có mùi thơm luẩn quất, làm gì với nước giếng ấy cũng ngon. Dần dần qua bao đời, 2 giếng nước ở 2 đầu làng vừa bán vừa cho vẫn đắt hàng. Vì thứ nước ấy đồ xôi xôi dẻo, nấu rượu rượu thơm, cái thơm ngất ngây như men say tình ái của đôi trẻ quyện nhau đến mãnh liệt ấy.

Chiều man mát, sau ca nấu rượu khiến đôi má đỏ ửng như ráng chiều hoàng hôn, Nhi lại ra ngồi hóng mát, chờ thuyền chồng về. Bao giờ lấy nước nấu rượu, Bình cũng lấy thêm một ít, chiều về đặt vội nồi lên, còn đi hái hoa bưởi về gội đầu cho Nhi. Là hương thơm từ Nhi, hay hương hoa bưởi, chẳng ai biết được, chỉ biết là Bình say hơn cả rượu của Nhi nữa.

Nhưng cảnh ấy, là ảo hay là thực, là một mộng ước viển vông hay là mối mong ước chân thành. Chẳng biết đâu nhưng Bình dợm bước quay lại mà lòng lâng lâng sung sướng, những mối tình giang hồ, cuộc đời không điểm đến, không một người con gái nào đợi cửa rồi đây là kết cục. Bình có Nhi rồi, Bình nhớ ngay ra căn nhà quê mà mẹ chàng để lại.

Trong cơn gió chiều đã chuyển qua tối, luẩn quất đâu tiếng gọi; "Em ơi, con khóc này. Em cho con bú đi"...

(Hoa với Rượu — Nguyễn Bính)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro