hiệu quả phòng ngừa tội phạm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

VẤN ĐỀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM

LÊ NGUYÊN THANH*

*ThS. luật học, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề

Phòng ngừa tội phạm là hoạt động có tổ chức, có mục đích, có sự đầu tư nhằm hạn chế sự hình thành và phát triển của tội phạm. Thời gian qua, phòng ngừa tội phạm ở Việt Nam cũng được xây dựng thành các chương trình, kế hoạch cụ thể bên cạnh các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Cũng như bất kỳ loại hoạt động nào khác, phòng ngừa tội phạm cần được đánh giá hiệu quả sau khi đã triển khai thực hiện. Việc đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm sẽ góp phần hoàn thiện hoạt động phòng ngừa tội phạm trong tương lai, xác định trách nhiệm của các chủ thể trong suốt quá trình phòng ngừa tội phạm và hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, về mặt lý luận, cho đến nay vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm, do đó tổng kết thực tiễn phòng ngừa tội phạm đôi khi có những đánh giá thiếu thuyết phục hoặc có sự ngộ nhận trong việc đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Đó cũng là lý do để chúng tôi bàn về việc đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong bài viết này. Để đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm trước hết cần xác định những tiêu chí đánh giá và các phương pháp đánh giá.

2. Các tiêu chí đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm

Hiệu quả phòng ngừa tội phạm chỉ có thể khẳng định được khi so sánh tình hình tội phạm ở hai thời điểm trước và sau khi tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm, đồng thời so sánh với mục tiêu ban đầu đặt ra. Trong khoa học về phòng chống tội phạm, tình hình tội phạm được nhận thức thông qua các khía cạnh lượng-chất của nó và được đặc trưng bởi những thông số cụ thể. Do đó, tiêu chí đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm tại một địa bàn, trong một khoảng thời gian nhất định cũng được xác định, so sánh trên cơ sở các thông số của nó. Các tiêu chí này có thể được xem xét độc lập nhưng khi đánh giá cuối cùng về hiệu quả phòng ngừa tội phạm cần xem xét chúng trong mối liên hệ với nhau.

2.1 Các tiêu chí về lượng

Có sự giảm dần về số lượng vụ phạm tội và người phạm tội.

- Số vụ phạm tội giảm: Có nghĩa là sau khi tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm thì tổng số vụ phạm tội của các loại tội phạm xảy ra trên thực tế giảm. Nếu tổng số vụ phạm tội xảy ra trên thực tế giảm thì rõ ràng là phòng ngừa tội phạm đã đạt được hiệu quả nhất định. Lưu ý là số vụ phạm tội thực tế xảy ra (bao gồm tội phạm rõ và tội phạm ẩn) khác với số vụ phạm tội đã bị phát hiện, xét xử và thống kê (chỉ là tội phạm rõ) - là một bộ phận trong cấu trúc về thực trạng tình hình tội phạm. Do đó không thể chỉ dựa vào số lượng vụ phạm tội được các cơ quan tố tụng thống kê trong quá trình giải quyết vụ án hình sự để đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Số liệu thống kê sẽ có ý nghĩa đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm đối với những tội phạm có độ ẩn thấp (như các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người,...). Nếu như những loại tội phạm có độ ẩn cao (như các tội phạm tham nhũng,...), thì hiệu quả phòng ngừa tội phạm thể hiện trước hết ở tỷ lệ ẩn của loại tội phạm này giảm, có nghĩa là đã kiểm soát được thực trạng của nó, sau đó mới xem xét số vụ phạm tội thực tế giảm.

- Số người phạm tội giảm: Số người phạm tội bao giờ cũng lớn hơn số vụ phạm tội. Một vụ phạm tội có thể có nhiều người tham gia (đồng phạm). Nếu số người phạm tội giảm (tiệm tiến đến số vụ phạm tội), chứng tỏ tình hình tội phạm không quá phức tạp, thì có thể khẳng định phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Nếu số vụ phạm tội giảm nhưng số người phạm tội tăng gấp nhiều lần thì chưa thể khẳng định hiệu quả của hoạt động phòng ngừa tội phạm. Do đó, trong chính sách hình sự và thực tiễn phòng chống tội phạm thường quan tâm đấu tranh với những tội phạm có nhiều đồng phạm phức tạp, tội phạm có tổ chức.

2.2 Các tiêu chí về chất

Có sự giảm bớt tính chất nguy hiểm của tình hình tội phạm.

Tính chất của tình hình tội phạm được đánh giá ở nhiều khía cạnh, cụ thể cần xem xét các tiêu chí sau:

- Giảm dần tỷ trọng các loại tội phạm (hoặc tội phạm) nguy hiểm và phổ biến. Cơ cấu tình hình tội phạm bao gồm nhiều loại tội phạm (hoặc tội phạm) hợp thành, nhưng tính chất của nó thường bị chi phối bởi các loại tội phạm nguy hiểm và phổ biến. Những tội phạm nguy hiểm cho xã hội được hiểu là những tội phạm có khả năng gây ra những thiệt hại lớn cho xã hội, như các tội phạm tham nhũng, các tội phạm về ma túy, các tội phạm xâm phạm phụ nữ, trẻ em,... mà pháp luật hình sự thường quy định áp dụng các loại hình phạt nghiêm khắc. Những tội phạm này đồng thời có tính phổ biến, vì nó xảy ra hầu khắp các địa bàn và thường xuyên ở các thời kỳ. Nếu sau khi tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm, tỷ trọng những loại tội phạm nguy hiểm và phổ biến giảm dần trong cơ cấu tình hình tội phạm, điều đó cho phép hiểu tính chất của tình hình tội phạm giảm bớt tính chất nguy hiểm và khẳng định phòng ngừa tội phạm đạt được hiệu quả.

- Khuynh hướng chống đối xã hội giảm dần tính chất nguy hiểm. Khuynh hướng chống đối xã hội của tội phạm cũng thể hiện tính chất của tình hình tội phạm. Ở những thời kỳ khác nhau, khuynh hướng chống đối xã hội của tình hình tội phạm có thể thay đổi. Nó được biểu hiện ở tầm quan trọng của các quan hệ xã hội mà tội phạm gây ra thiệt hại. Nếu các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người, các tội xâm phạm quyền sở hữu,... giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu tình hình tội phạm sau khi tiến hành các hoạt động phòng ngừa tội phạm, điều đó cũng có nghĩa phòng ngừa tội phạm đạt được hiệu quả. Ngoài ra, khuynh hướng chống đối xã hội của tội phạm còn được thể hiện ở phương thức, thủ đoạn phạm tội như khuynh hướng sử dụng bạo lực, khuynh hướng sử dụng vũ khí, khuynh hướng phạm tội dã man, các thủ đoạn phạm tội nguy hiểm, tinh vi,... Do đó, khi đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội cũng cần cân nhắc các tiêu chí này.

- Giảm tỷ trọng các tội phạm mới, các trường hợp tái phạm tội, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện, tội phạm do cán bộ, đảng viên thực hiện. Phòng ngừa tội phạm phải hướng đến hạn chế sự phát triển tội phạm mới, hạn chế tỷ lệ tái phạm tội nhằm thu hẹp dần đối tượng phòng ngừa tội phạm. Nếu như trong cơ cấu tình hình tội phạm, bên cạnh các các tội phạm "truyền thống" chưa loại bỏ được, lại xuất hiện thêm tội phạm mới, đồng thời những người đã từng phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm do công tác giáo dục, cải tạo không đạt được mục đích thì không thể khẳng định được hiệu quả phòng ngừa tội phạm.

Kết quả phòng ngừa tội phạm cũng không chấp nhận sự gia tăng tình trạng phạm tội của người chưa thành niên, vì người chưa thành niên là thế hệ tương lai của đất nước, được ưu tiên chăm sóc, giáo dục. Nếu tỷ trọng người chưa thành niên phạm tội chiếm tỷ trọng cao, rõ ràng phòng ngừa tội phạm chưa đạt được hiệu quả.

Cán bộ, đảng viên phải là những người có phẩm chất tốt. Trước hết cán bộ, đảng viên là những người lãnh đạo hoặc tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống tội phạm. Nếu đối tượng này phạm tội phổ biến thì tình hình tội phạm có tính chất nguy hiểm cao, gây ra thiệt hại lớn cho các quan hệ xã hội. Do đó, khi đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm cũng cần xem xét chỉ số tình hình phạm tội do cán bộ, đảng viên thực hiện.

- Giảm dần chỉ số về sự thiệt hại của tình hình tội phạm. Tính chất nguy hiểm của tình hình tội phạm còn được thể hiện ở những thiệt hại do tình hình tội phạm gây ra. Sự thiệt hại được biểu hiện ở những thiệt hại thể chất, vật chất, tinh thần và trật tự của các quan hệ xã hội. Chỉ số thiệt hại được đánh giá cụ thể như số lượng người chết, tỷ lệ thương tật, mất sức lao động; trị giá tài sản bị mất, bị hư hỏng, bị hủy hoại và những chi phí cho việc sửa chữa, khắc phục; thiệt hại về uy tín, danh dự, tình cảm; sự mất ổn định các quan hệ xã hội. Nếu sau khi tiến hành các hoạt động phòng ngừa tội phạm, số vụ phạm tội giảm nhưng chỉ số thiệt hại tăng thì vẫn chưa thể kết luận phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Do đó hiệu quả phòng ngừa tội phạm phải được thể hiện ở sự giảm bớt những thiệt hại do tình hình tội phạm gây ra.

2.3 Một số tiêu chí khác

- Địa bàn phạm tội, lĩnh vực phát sinh tội phạm có sự chuyển hóa tốt. Tình hình tội phạm gắn liền với yếu tố không gian (địa bàn, lĩnh vực). Có những địa bàn, lĩnh vực phạm tội là "điểm nóng" của tình hình tội phạm. Ví dụ trong thời gian qua nổi lên tình hình phạm tội ma túy ở Nghệ An, tình hình phạm tội xâm phạm tình dục người chưa thành niên ở một số tỉnh miền Tây Nam bộ, tình hình phạm tội có tính chất xã hội đen ở Hải Phòng, ở TP Hồ Chí Minh, ở Khánh Hòa, tình trạng mua bán trái phép nhỏ các chất ma túy ở phường Cầu Kho, quận 1, TP. Hồ Chí Minh,... Hoặc có những lĩnh vực "nóng" của tình hình tội phạm như lĩnh vực xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, thuế, nhà đất,... Nếu kết quả phòng chống tội phạm đi đến "bình thường hóa" các địa bàn, lĩnh vực trên (có sự chuyển hóa theo hướng tích cực) thì phòng ngừa tội phạm cũng được coi là có hiệu quả.

- Chi phí cho công tác phòng chống tội phạm thấp nhưng đạt kết quả cao. Có nghĩa là phòng ngừa tội phạm đạt được kết quả tốt nhưng chi phí cho hoạt động này tiết kiệm. Nếu bỏ ra một khoảng kinh phí lớn đầu tư cho hoạt động phòng chống tội phạm nhưng kết quả thu được không xứng đáng với sự đầu tư thì hoạt động phòng ngừa tội phạm vẫn chưa có hiệu quả. Xuất phát từ tiêu chí này, khi kế hoạch hóa công tác phòng ngừa tội phạm, cần tính toán mức đầu tư hợp lý, tương xứng với tầm vóc của kế hoạch và mục đích phòng ngừa tội phạm được đặt ra. Tiêu chí này ràng buộc các chủ thể phòng ngừa tội phạm có trách nhiệm hơn trong công tác phòng chống tội phạm đồng thời tránh được sự lãng phí, hình thức.

3. Nguyên tắc và phương pháp đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm

3.1 Các nguyên tắc đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm

- Nguyên tắc khách quan. Phòng ngừa tội phạm do con người thực hiện và cũng chính con người đánh giá nó. Do đó để có những kết quả đánh giá chính xác đòi hỏi có sự tuân thủ nguyên tắc khách quan. Tức là tôn trọng sự thật khách quan của nó, không tưởng tượng, không thêm bớt hay suy diễn khi đánh giá. Nguyên tắc này chống lại các bệnh thành tích, ảo tưởng, gian dối. Để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc này cần có sự tham gia của tổ chức, đơn vị độc lập khi tiến hành đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Nếu được như thế thì bài học rút ra từ việc tổng kết thực tiễn phòng ngừa tội phạm sẽ có giá trị khoa học.

- Nguyên tắc toàn diện. Có nhiều nội dung và tiêu chí để đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Do đó khi tiến hành đánh giá cần cân nhắc toàn diện ở tất cả các khía cạnh có liên quan. Có thể xem xét từng nội dung độc lập, đồng thời có những đánh giá tổng quát, không quá nhấn mạnh tiêu chí này, xem nhẹ tiêu chí khác. Ví dụ không nên quá coi trọng số liệu thống kê về số vụ phạm tội bị phát hiện, xử lý giảm, vì còn phụ thuộc vào tỷ lệ ẩn của tình hình tội phạm, chỉ số về người phạm tội hoặc mức độ gây ra thiệt hại,... Tuy nhiên cũng cần xác định các tiêu chí cơ bản để có đánh giá chính xác. Nguyên tắc này chống lại cách tư duy phiến diện, một chiều khi đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm.

- Nguyên tắc cụ thể hóa. Tình hình tội phạm là hiện tượng xã hội, hoạt động phòng ngừa tội phạm cũng mang tính xã hội, do đó nó có tính trừu tượng và rất khó đánh giá. Tuy nhiên khi đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm cần cố gắng lượng hóa hoặc chi tiết hóa các nội dung. Nguyên tắc cụ thể hóa đòi hỏi những nội dung đánh giá rõ ràng, các số liệu chứng minh cụ thể đã được thu thập chính xác và xử lý có tính khoa học. Nguyên tắc này đảm bảo các nhận định có tính thuyết phục cao, tránh cách đánh giá chung chung, như "nhìn chung phòng ngừa tội phạm đạt được hiệu quả nhất định", "tình hình tội phạm có giảm", "tình hình tội phạm giảm chưa cơ bản, chưa vững chắc", "tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp",...

3.2 Các phương pháp đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm

Để đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm cần có những phương pháp, đó là tổng hợp các cách thức được sử dụng để xử lý các thông tin nhằm đưa ra nhận định mang tính đánh giá. Có thể có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng trong đó có những phương pháp quan trọng như sau:

- Phương pháp phân tích. Là việc mổ xẻ chi tiết các vấn đề có liên quan đến hoạt động phòng ngừa tội phạm, từ đó có thể đánh giá được hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Các nội dung cần phân tích bao gồm: Phân tích tình hình tội phạm, như phân tích các thông số về vụ phạm tội, người phạm tội, mức độ thiệt hại, các đặc điểm tội phạm học của tình hình tội phạm,...; phân tích các hoạt động tổ chức, triển khai và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm theo chương trình, kế hoạch được xây dựng,...

- Phương pháp so sánh. Là việc so sánh các vấn đề có liên quan đến hoạt động phòng ngừa tội phạm, từ đó có thể rút ra các kết luận mang tính đánh giá. Các nội dung so sánh bao gồm: so sánh các thông số tình hình tội phạm ở các giai đoạn trước và sau khi tiến hành hoạt động phòng ngừa tội phạm (như thực trạng, động thái, cơ cấu và sự thiệt hại); so sánh thông số tình hình tội phạm thống kê được từ hoạt động điều tra, xét xử với các số liệu, tài liệu khác có liên quan, như số liệu điều tra xã hội học, số liệu xử phạt vi phạm hành chính về cùng một loại hành vi, số liệu của các cơ quan bảo hiểm, thanh tra, thuế, hải quan, quản lý thị trường,... để đánh giá mức độ ẩn của tình hình tội phạm, mức độ kiểm soát tình hình tội phạm cũng như khả năng hạn chế sự phát triển của tình hình tội phạm; so sánh hiệu quả áp dụng giữa các biện pháp và hiệu quả hoạt động phòng ngừa của các chủ thể,...

- Phương pháp tổng hợp. Đó là việc khái quát hóa toàn bộ các nhận định độc lập sau khi phân tích, so sánh từng nội dung, từng tiêu chí cụ thể. Phương pháp tổng hợp giúp cho quá trình đánh giá tránh khỏi sự phân tán, rời rạc và thiếu trọng tâm. Các nội dung tổng hợp được đặt trong một hệ thống cấu trúc có mối liên hệ qua lại, trong đó xác định những nội dung cơ bản chi phối nhận định chung. Ví dụ mối liên hệ và sự tương quan giữa tội phạm rõ và tội phạm ẩn trong cấu trúc về thực trạng tình hình tội phạm; mối liên hệ giữa số vụ phạm tội và số người phạm tội, giữa tỷ trọng tội phạm nghiêm trọng và tội phạm ít nghiêm trọng, giữa tình hình tội phạm và sự thiệt hại, giữa mức độ ngăn ngừa tội phạm và sự đầu tư kinh phí, công sức; mối liên hệ chung giữa các yếu tố đó. Từ đó có thể đánh giá chung về hiệu quả phòng ngừa tội phạm.

Để có thể phân tích, so sánh, tổng hợp khi đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm cần có sự phối hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học có liên quan như thống kê, phiếu điều tra xã hội học, phỏng vấn, sử dụng kiến thức chuyên gia,...

4. Các chủ thể đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm

Là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Thông thường có các loại chủ thể như sau:

- Các cơ quan chức năng, như Ban chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch phòng ngừa tội phạm, các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng ngừa tội phạm. Hoạt động đánh giá này thường biểu hiện ở các hoạt động sơ kết, tổng kết thực tiễn phòng ngừa tội phạm.

- Các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, như các viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy. Hoạt động đánh giá này gắn liền với các công trình nghiên cứu khoa học, các hội thảo khoa học chuyên ngành về phòng ngừa tội phạm.

Tóm lại, hiệu quả phòng ngừa tội phạm và đánh giá hiệu quả phòng ngừa tội phạm đang là một "khoảng trống" trong lý luận. Nếu được quan tâm nghiên cứu chắc chắn sẽ gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới, góp phần hoàn thiện lý luận về phòng ngừa tội phạm nói chung đồng thời định hướng cho hoạt động thực tiễn./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro