Hình ảnh con Sông Đà hung bạo hiểm ác

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi nhắc đến cây bút tài hoa, uyên bác của nền văn học Việt Nam người ta không thể không nhớ đến Nguyễn Tuân. Nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, chính vì thế ông đã bị thu hút bởi vẻ đẹp kì vĩ nơi núi rừng Tây Bắc. Cùng với tình yêu thiên nhiên và khác khao được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời. Bài tùy bút "Người lái đò sông Đà” được sáng tác vào năm 1958 và được in vào tập “Sông Đà” năm 1960. Trong chuyến đi thực tế tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn không chỉ thỏa mãn khát khao xê dịch mà chủ yếu là tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên cùng "thứ vàng mười đã qua thử lửa" nơi tâm hồn con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng. Mà đặc biệt ở đây là tính hung bạo và hiểm ác của con Sông Đà.

Mở đầu bài là lời đề từ:
“Chúng thủy giai đông tẩu
   Đà giang độc bắc lưu”

Khẳng định nét độc đáo của dòng sông Đà: Mọi con sông đều chảy về hướng Đông, chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc Khẳng định cá tính độc đáo của Nguyễn Tuân trong dòng sông văn chương. Sông Đà là con sông bắt nguồn từ Trung Quốc. Toàn chiều dài dòng sông là 883 nghìn thước mét, phần chảy vào lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 500 cây số lượn rồng rắn.

Sông Đà được nhà văn xây dựng thành một "nhân vật" có mặt suốt từ đầu đến cuối thiên tùy bút, tạo nên giá trị độc đáo của tác phẩm này. Dưới ngòi bút tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà không còn là một con sông vô tri, vô giác, mà là một "nhân vật" có cá tính, có tâm trạng, có hoạt động thật phong phú và phức tạp. Con Sông Đà được viết hoa cả hai yếu tố, càng tô đậm hơn sự đắm say và tình yêu của Nguyễn Tuân thiên nhiên và đất nước.

Con Sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả khi hung bạo là kẻ thù số một sẳn sàng cướp đi mạng sống con người, có tâm địa độc ác như mụ dì ghẻ. Để khắc họa tính cách của sông Đà, tác giả đã dựng lại khúc sông nguy hiểm. Đó là "Những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy lúc đúng ngọ mới có mặt trời". Cách so sánh vị thế hiểm trở trên tạo được ấn tượng khá đậm nét về vách đá dựng đứng với độ cao hun hút khôn cùng. "Có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hấu". Vì thế, dòng chảy của con sông bị thu lại rất hẹp: hẹp đến mức đứng bên này hờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Nhà văn chẳng những sử dụng thị giác, mà còn kết hợp sử dụng các giác quan khác với những so sánh thật mới mẻ và táo bạo. Vách thành dựng đứng gợi lên sự hiểm trở, hùng vĩ, lòng sông hẹp lại gián tiếp gợi được sức chảy ghê gớm, dữ dằn của thác lũ.

Tính chất hung bạo còn thể hiện qua cái dữ dằn của sóng nước. Dường như chúng phối hợp với nhau một cách chặt chẽ để tăng thêm sức mạnh uy hiếp, đe dọa con người: "Quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy". Ở đây, cấu trúc trùng điệp được tác giả sử dụng và tăng tiến, tạo nhịp điệu khẩn trương, dồn dập, gấp gáp như sự chuyển động của gió to và sóng lớn.

Hung bạo hơn nữa là những cái hút nước khủng khiếp: "Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bêtông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu". Vì nước bị hút quá mạnh nên phát ra những âm thanh được nhân cách hóa như "Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc" do nước bên trong và ngoài cống chênh nhau quá nhiều, phát ra tiếng kêu ặc ặc ghê sợ. Để tô đậm thêm sự nguy hiểm của cái hút nước, nhà văn đã phối hợp giữa "tả" và "kể", ở đây, yếu tốtự sự góp phần quan trọng kích thích trí tưởng tượng của người đọc.

Sông Đà còn hung bạo ở những thác nước. Tuy rằng sông Đà có trên dưới 73 con thác, nhưng tác giả không tập trung miêu tả con thác nào, mà diễn tả về đặc tính của nó. Nhiều thác nước như bày sẵn thế trận, sẵn sàng chặn đánh, tiêu diệt người lái đò, lái mảng, đặc biệt đối với những ai xuôi dòng, ở những nơi này, sông Đà được mô tả như có cả một bầy thủy quái vừa hung hăng, bạo ngược, vừa nham hiểm, xảo quyệt. " Tiếng nước thác nghe như oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo", "nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng". Thác nước càng được nhân thêm sức mạnh, sức công phá, nhân thêm mối nguy hiểm đối với nhà đò vì sự góp mặt của hàng ngàn tảng đá to, nhỏ.

Mỗi hòn đá được khắc họa như một quái vật từ ngàn năm vẫn kiên trì mai phục ở nơi đây để bày thạch trận trong lòng sông. Mỗi lần thấy một con thuyền nào nhô vào đường ngoặt sóng là chúng lập tức nhổm cả dậy để vồlấy thuyền: "Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết ăn sống cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn". Tác giả đã dựng dậy và thổi sự sống vào cho những hòn đá vô tri giác, khiến người đọc hình dung chúng cũng táo tợn, hung bạo như một lũ giặc điên cuồng: "Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hìn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến". Dưới ngòi bút của người nghệ sĩ ngôn từ, vẻ đẹp man dại, sức mạnh huyền bí của sông Đà đã hiện ra ở nhiều góc độ khác nhau. Đấy chính là tiềm năng to lớn của Đà giang khi nó được con người chinh phục.

Tác giả đã dùng kiến thức về quân sự, võ thuật, thể thao, thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, thậm xưng để làm nổi bật cái nham hiểm, xảo quyệt của sông Đà. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, con sông Đà hung bạo, tàn ác không khác gì “kẻ thù số một” của con người.

Tóm lại, bằng một tình yêu thiên nhiên đất nước thiết tha, bằng tài năng của một nghệ sĩ ngôn từ đích thực, đến Nguyễn Tuân, có lẽ lần đầu tiên con sông Đà của Tổ quốc đã bước vào văn học với vẻ dữ dội, hùng vĩ, hoang sơ nhưng cũng chứa chan thơ mộng, trữ tình của nó. Thì ra, với tác giả Người lái đò sông Đà, thiên nhiên cũng chính là một sản phẩm nghệ thuật vô giá, thiên nhiên luôn làm cho con người bị hấp dẫn, mê say.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#songda