hinh thuc, nguon, chuc nang, lienhe, PL

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hình thức, chức năng, các mối liên hệ, nguồn của pháp luật.

I. Hình thức của pháp luật.

1. Khái niệm hình thức của pháp luật.

- Hình thức của pháp luật là khái niệm dùng để chỉ ranh giới tồn tại của pháp luật trong hệ thống các quy phạm xã hội, là các hình thức biểu hiện ra bên ngoài của pháp luật, đồng thời đó cũng là phương thức tồn tai, dạng tồn tại thực tế của pháp luật.

- Hình thức của pháp luật chỉ có giá trị khi nó có khả năng phản ánh nội dung và các dấu hiệu thuộc về bản chất của pháp luật, tức phản ánh được tính giai cấp, tính quy phạm phổ biến, tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức, tính được đảm bảo bằng nhà nước.

- Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, đặc điểm cụ thể của từng xã hội, của mỗi nước mà nhà nước chấp nhận và thừa nhận hình thức pháp luật này hay hình thức pháp luật khác.

- Hình thức pháp luật có 2 dạng: hình thức bên trong và hình thức bên ngoài.

2. Hình thức bên trong.

Bao gồm: các nguyên tắc chung của pháp luật, hệ thống pháp luật, ngành luật, chế định pháp luật và quy phạm pháp luật.

- Các nguyên tắc chung phổ biên của pháp luật là những cơ sở xuất phát điểm cho phép mỗi công dân, cũng như cơ quan xây dựng và áp dụng pháp luật tự xử sự trong trường hợp cần có 1 hành vi pháp lý tương ứng với hoàn cảnh (Ví dụ: để làm luật, để áp dụng pháp luật, để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân).

- Các nguyên tắc pháp luật có thể được quy định trong pháp luật,nhưng cũng có thể không được quy định trực tiếp trong pháp luật mà tồn tại trong học thuyết pháp lý, trong thực tế đời sống chung của mọi người, được vận dụng như những phương châm chỉ đạo chung trong quá trình áp dụng pháp luật. Những nguyên tắc nổi tiếng như: được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, dân chủ, công bằng, bác ái...

- Trong phạm vi 1 quốc gia có 1 hệ thống pháp luật. Trong hệ thống pháp luật ấy có các ngành luật, trong các ngành luật có các chế định pháp luật, trong các chế định pháp luật có các quy phạm pháp luật.

- Ngành luật là 1 hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh 1 lĩnh vực quan hệ xã hội nhất định với những phương pháp điều chỉnh nhất định. 2 yếu tố quan hệ xã hội và phương pháp điều chỉnh là 2 yếu tố để phân biệt ngành luật này với ngành luật khác, trong đó yếu tố lĩnh vực quan hệ xã hội tức đối tượng điều chỉnh giư vai trò chủ đạo. Ví dụ: ngành luật dân sự, ngành luật hình sự...

- Chế định pháp luật là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội cùng loại trong cùng 1 ngành luật. Ví dụ: Luật dân sự có các chế định: quyền sở hữu, quyền thừa kế....

- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận. Quy tắc xử sự chung ở đây có nghĩa là quy tắc xử sự cho tất cả các chủ thể pháp luật: các công dân, cơ quan, tổ chức. Quy phạm pháp luật gồm: giả định, quy định và chế tài.

3. Hình thức bên ngoài của pháp luật (nguồn của pháp luật).

- Khi nói đến hình thức bên ngoài của pháp luật là nói đến sự biểu hiện ra bên ngoài của nó.

- Nguồn pháp luật bao gồm: tập quán pháp, tiền lệ pháp, Văn bản pháp luật, những quy định của luật tôn giáo (ví dụ: luật hồi giáo). ở 1 số nước người ta còn coi học thuyết khoa học pháp lý cùng là nguồn pháp luật.

+ Tập quán pháp là những tập quán lưu truyền trong xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị đã được nhà nước thừa nhận, làm cho chúng trở thành những quy tắc xử sự chung và được nhà nước đảm bảo thực hiện. Đây là hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được sử dụng nhiều trong nhà nước chủ nô và phong kiến, trong nhà nước tư sản hình thức này vẫn được sử dụng nhất là những nước có chế độ quân chủ, nhưng ở phạm vi hẹp hơn so với các thời đại trước.

+ Tiền lệ pháp là các quyết định của cơ quan hành chính hoặc xét xử được thừa nhận là khuôn mẫu để giải quyết những vụ tương tự. Hình thức này được sử dụng trong các nước chủ nô, sử dụng rộng rãi trong các nước phong kiến và hiện nay chiếm một vị trí quan trọng trong pháp luật tư sản, nhất là ở Anh, Mỹ. ở không ít các quốc gia các quyết định, các văn bản của tòa án tối cao về những vụ việc mà sự áp dụng pháp luật gặp khó khăn (do không có quy định pháp luật hoặc các quy định pháp luật đã quá lạc hậu) đã trở thành khuôn mẫu để các tòa án giải quyết các vụ việc tương tự sau đó. Các quyết định, các văn bản đó là án lệ.

+ Văn bản quy phạm pháp luật: là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, trong đó quy định những quy tắc xử sự chung (có tính quy phạm phổ biến đối với tất cả các chủ thể pháp luật, được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội). Văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: văn bản luật và văn bản dưới luật. Từ khi nhà nước tư sản ra đời thì Hiến pháp trở thành văn bản pháp luật cơ bản nhất của nhà nước. Sau Hiến pháp đến các văn bản luật và văn bản dưới luật. Các văn bản quy phạm pháp luật nói chung đều được ban hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bổ sung theo một trình tự nhất định và chứa đựng những quy định cụ thể, tức là quy phạm pháp luật.

- Mỗi hệ thống pháp luật, người ta có quan niệm riêng của mình về nguồn của pháp luật , về giá trị của từng loại nguồn.

Hệ thống pháp luật trên thế giới: HTPL lục địa, HTPL Anh- Mỹ (common law), HTPL tôn giáo.

+ Những nước theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, nguồn pháp luật chủ yếu có giá trị nhất chính là các văn bản pháp luật: các bộ luật, đạo luật, nghị định...

+ HTPL Anh- Mỹ: nguồn quan trọng nhất và giá trị nhất là án lệ. Là luật án lệ nên các quy phạm trong luật Anh- Mỹ là một phần cơ bản của bản án hay quyết định của tòa án cấp trên.

+Quy phạm theo luật Châu Âu lục địa chính là những quy tắc xử sự chung có tính khái quát và trìu tượng cao được chứa đựng trong các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

+ HTPL Anh - Mỹ: quy phạm được gắn liền với tình tiết của một vụ án cụ thể đưa ra áp dụng tương tự cho các vụ án sau này.

+ ở 1 số nước theo đạo hồi, người ta lại coi kinh Coran như 1 loại nguồn chủ yếu của pháp luật.

- ở nước ta, tập quán pháp hoặc còn gọi là luật tục chưa được nhà nước coi như 1 loại nguồn của pháp luật. Các cơ quan pháp luật không được sử dụng các tục lệ ở các địa phương, của các dân tộc khác nhau để giải quyết những tranh chấp, những vụ án dân sự, hình sự cụ thể. Kết quả là 1 số quyết định, bản án của tòa án hoặc không phát huy được hiệu lực pháp lý,hoặc bị phản ứng mạnh từ phía nhân dân địa phương, hoặc nói chung là không được thi hành đầy đủ. Điều này đặt ra cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nghiên cứu thấu đáo vấn đề luật tục để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp.

Còn về án lệ, trong thời gian mới giành chính quyền , ở nước ta, bên cạnh các văn bản của Chính phủ, nó đã từng được coi là 1 loại nguồn quan trọng của pháp luật. Tuy nhiên, càng về sau án lệ không được cọi trọng nữa. Khi nhà nước khẳng định trong Hiến pháp nguyên tắc:" khi xét xử thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" cũng có nghĩa là không coi án lệ là nguồn của pháp luật. Tuy nhiên trong thực tế, nước ta vẫn còn án lệ nhưng theo 1 cách khác. Tòa án nhân dân tối cao vẫn thường làm công tác tổng kết việc giải quyết 1 số loại vụ việc để từ đó đề ra đường lối hướng dẫn cách giải quyết những vụ việc tương tự cho các tòa án địa phương. Có thể coi đây là 1 biến dạng của án lệ.

II. Chức năng của pháp luật:

- Chức năng của pháp luật là những mặt, những phương diện chủ yếu của pháp luật, thể hiện bản chất và giá trị xã hội của pháp luật.

- Pháp luật có 2 chức năng chủ yếu: chức năng điều chỉnh và chức năng giáo dục (tác động vào ý thức con người).

+ Chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật: thực hiện theo 2 hướng chính: 1 mặt pháp luật ghi nhận các quan hệ chủ yếu trong xã hội, mặt khác pháp luật phải bảo đảm cho sự phát triển của các quan hệ xã hội.

Nói cách khác, pháp luật vừa làm nhiệm vụ "trật tự hóa" các quan hệ xã hội, đưa chúng vào những phạm vi khuôn mẫu nhất định, vừa tạo điều kiện cho các quan hệ xã hội phát triển theo chiều hướng mong muốn.

Chức năng điều chỉnh của pháp luật đươc thực hiện thông qua các hình thức: quy định, cho phép, ngăn cấm, khuyến khích, quy định quyền và nghĩa vụ qua lại giữa các bên.

+ Chức năng giáo dục của pháp luật: được thực hiện thông qua sự tác động của pháp luật vào ý thức và tâm lý con người. Con người hiểu được rằng xã hội, nhà nước cần anh ta phải xử sự như thế nào khi ở hoàn cảnh mà pháp luật mô tả và nếu không xử sự như thế thì phải chịu những hậu quả bất lợi như thế nào.

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành (hoặc thừa nhận) và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội, là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm tạo ra trật tự và ổn định trong xã hội.

III. Các mối liên hệ của pháp luật.

1. Pháp luật và kinh tế.

- Pháp luật là yếu tố của kiến trúc thượng tầng xã hội. Pháp luật sinh ra trên cơ sở hạ tầng và được quy định bởi cơ sở hạ tầng. Trong mối quan hệ pháp luật- kinh tế thì các điều kiện kinh tế không chỉ là nguyên nhân trực tiếp quyết định sự ra đời của pháp luật mà còn quyết định tòan bộ nội dung và sự phát triển của nó.

- Sự phụ thuộc của pháp luật vào kinh tế thể hiện:

+ Cơ cấu kinh tế, hệ thống kinh tế quyết định cơ cấu của hệ thống pháp luật.

+ Tính chất của các quan hệ kinh tế, của cơ chế kinh tế quyết định tính chất của các quan hệ pháp luật, mức độ, phương pháp điều chỉnh của pháp luật (ví dụ: trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chỉ cần phương pháp điều chỉnh hành chính- mệnh lệnh, nhưng trong kinh tế thị trường thì lại cần các phương pháp tự do thỏa thuận, bình đẳng, cùng có lợi...).

+ Các tổ chức và thiết chế pháp lý( cơ quan lập pháp, các thủ tục pháp lý) chịu ảnh hưởng quyết định từ phía chế độ kinh tê.

- Pháp luật tác động ngược trở lại với kinh tê.

+ Pháp luật tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế, đến cách tổ chức và vận hành của toàn bộ nền kinh tế, cũng như bên trong của nền kinh tế nếu nó được xây dựng phù hợp với quy luật kinh tế- xã hội.

+ Pháp luật kìm hãm sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, hoặc 1 trong các yếu tố hợp thành của hệ thống kinh tế nếu nó không phù hợp với các quy luật kinh tê- xã hội.

+ Pháp luật kích thích kinh tế phát triển ở 1 số mặt nhưng lại kìm hãm sự phát triển của nó ở 1 số mặt khác. Đây là điều xảy ra đối với pháp luật trong thời kỳ quá độ, trong những bước chuyển.

2. Pháp luật và chính trị.

- Mối quan hệ pháp luật và kinh tế là mối quan hệ gián tiếp. Pháp luật phản ánh các yêu cầu của nền kinh tế thông qua chính trị. Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế trong các mối quan hệ qua lại giữa các tầng lớp, giai cấp, dân tộc trong hoạt động của nhà nước. Chính trị gắn chặt với lợi ích kinh tế và nhu cầu phát triển của kinh tế. Pháp luật muốn phản ánh kinh tế, tác động đến kinh tế phải tiếp thu các yếu tố chính trị.

- Pháp luật vừa là biện pháp, phương tiện để thực hiện chính trị của giai cấp cầm quyền , vừa là hình thức biểu hiện của chính trị, ghi nhận yêu cầu, nội dung chính trị của giai cấp cầm quyền.

- Mối liên hệ pháp luật- chính trị biểu hiện tập trung trong mối quan hệ giữa đường lối, chính sách của đảng cầm quyền và pháp luật của nhà nước. Đường lối chính trị của đảng cầm quyền có ý nghĩa chỉ đạo trong việc xây dựng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Pháp luật làm cho đường lối, chính sách của đảng thành ý chí chung, thành ý chí nhà nước.

3. Pháp luật và nhà nước.

- Nhà nước và pháp luật là 2 yếu tố của kiến trúc thượng tầng, đều là phương diện của quyền lực chính trị, cùng phát sinh, tồn tại, phát triển và tiêu vong. Nhà nước là tổ chức của quyền lực chính trị, pháp luật là tổng hợp các quy tắc xử sự chung của tòan xã hội.

- Nhà nước phụ thuộc vào pháp luật. Ngược lại, pháp luật cũng lệ thuộc vào nhà nước và không tồn tại được nếu thiếu nhà nước.

- Nhà nước thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật. Pháp luật là công cụ trong tay nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội: quyền lực dựa trên cơ sở pháp luật, được thực hiện thông qua pháp luật và bị hạn chế bởi chính pháp luật (quan niệm nhà nước pháp quyền). Trong mối liên hệ nhà nước và pháp luật, không thể coi nhà nước cao hơn pháp luật, nhà nước ban hành pháp luật thì nhà nước có quyền quyết định sử dụng hoặc không sử dụng pháp luật, cần thấy sự lệ thuộc vào nhà nước của 2 yếu tố thuộckiến trúc thượng tầng này:

+ Pháp luật có vai trò to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của nhà nước.

+Nhà nước đề ra pháp luật thì chính nhà nước phải nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật trong tổ chức và hoạt động của mình, không được chà đạp pháp luật.

+ Pháp luật do nhà nước bàn hành và cũng chính nhà nước bằng nhiều biện pháp khác nhau đã đảm bảo cho pháp luật được thực hiện trong cuộc sống.

4. Pháp luật và các quy phạm xã hội khác.

- Để điều chỉnh các quan hệ xã hội, xã hội loài người đã dùng những quy phạm xã hội: quy phạm đạo đức, tập quán, tôn giáo, quy phạm pháp luật... Quy phạm pháp luật chỉ là một trong nhiều loại quy phạm xã hội dùng để điều chỉnh quan hệ xã hội.

- Khác với các quy phạm xã hội khác, quy phạm pháp luật chỉ tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp và sự hình thành, tồn tại và phát triển của quy phạm pháp luật luôn gắn liền với nhà nước. Pháp luật có thuộc tính riêng để phân biệt với quy phạm khác(3 thuộc tính).

- Pháp luật là 1 yếu tố điều chỉnh không thể thiếu được trong 1 nước, 1 xã hội phân chia giai cấp.

- Không nên tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, phải đánh giá đúng vai trò của nó và biết kết hợp sử dụng nó với các quy phạm xã hội khác để điều chỉnh các quan hệ xã hội có hiệu quả nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro