11.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi được sắp xếp vào trong phòng của Mỹ nghỉ ngơi. Còn Dũng phải để đồ ngoài phòng khách. Trong này mọi thứ ngăn nắp sạch sẽ. Chắc dì dọn dẹp mỗi ngày. Tôi lại thấy rờn rợn, một cảm giác không đúng đắn cứ trào lên: Mỹ đáng lý đang ngồi trên cái giường chứ không phải tôi. Sự gai xương sống này thậm chí còn tăng khi dì còn bảo là cứ tự nhiên, hãy coi như ở nhà.

Căn phòng nhỏ thôi – dù có phòng riêng như thế này ở quê cũng tương đối hiếm; Một chiếc giường sắt lót nệm, một cái bàn học, trên đấy có sách có vài khung hình, một vài áp phích dán tường - chắc là từ cái thời mà nó đọc Hoa Học Trò chưa gỡ xuống; Tủ đầu giường với cái đèn ngủ con. Một căn phòng bình thường cho một cô gái bình thường. Nhỏ hơn phòng cũ của tôi ở nhà nhưng vẫn thoải mái gấp trăm lần cái phòng trọ bề bộn trên Sài Gòn.

Dẫu vậy, tôi vẫn cảm thấy có một mùi bụi cũ kĩ phảng quanh đây. Hay là do thiếu hơi người? Nhớ năm đấy hai đửa ngủ chung chiếc giường nhỏ này, giờ thì khoảnh khắc sao xa xôi quá. Tôi ngẩn ngơ một tẹo, rồi mau chóng thay đồ.

Có tiếng gõ cửa.

"Là anh, Dũng đây."

Tôi tần ngần một chút rồi nói vọng ra:

"Chuyện gì thế anh?"

"Anh có thể vào không?"

Dũng nói khẽ, như thể đang thì thầm. Tôi đáp ngay:

"Không được, em đang thay đồ."

"Anh...Anh chỉ muốn nhìn phòng Mỹ mà thôi."

Tôi tặc lưỡi, nói:

"Chốc nữa đi."

Tiếng chân xa dần.

Tôi lắc đầu nguầy nguậy, tự hỏi bản thân vốn có phải trước giờ Dũng như vậy. Thật sự thì anh ấy chẳng ở đâu trong cuộc đời tôi - chỉ liên quan có Mỹ thôi. Nhưng rốt cuộc thì hai chúng tôi phải dính với nhau. Anh ta như thế nào, tính cách ra sao sao mày không bao giờ nói cho tao biết hả Mỹ? Tao đang chịu đựng với ổng đủ kiểu rồi đấy!

Hay vốn trước giờ Dũng như vậy mà Mỹ không nói?

Câu hỏi trên làm tôi rùng mình, rồi nhanh tay nhanh chân thay đồ. Ra ngoài thì chẳng thấy ai. Vừa hay có tiếng cổng mở không lẫn vào đâu được ấy mở ra, rồi tiếng xe máy đi mất hút. Có lẽ là dì đi chợ. Tôi ra đến cửa thì nghe thấy âm thanh Dũng đang thao thao:

"Dạ thưa bác tụi con quen biết từ hồi đại học. Ngỏ lời yêu được ba năm nay rồi. Mỹ dễ thương, nhiệt tình lại ân cần gần gũi nên ai cũng mến em ấy hết. Con thì từ mến thành yêu từ lúc nào mà không biết..."

Một cuộc gặp không nên xảy ra trong hoàn cảnh này. Dù vậy tôi quay vào chỗ bộ bàn khách, để những người đàn ông tâm sự với nhau. Mật khẩu wifi vẫn như cũ . Trong lúc chờ kết nối thì tôi thấy trên băng ghế dài đối diện là cái balo to đùng của Dũng. Hình như có một cái gì đấy lòi ra, trông giống như được làm từ kim loại. Tôi chăm chú. Một cán dao ư? Nhưng để làm gì? Ngoài sân vẫn văng vẳng tiếng những giới thiệu chuyện tình của Dũng và Mỹ.

Có tiếng chân từ dưới bếp. Quay vội lại tôi thấy bác đang cầm trên tay một cốc thủy tinh.

"Con uống gì không?"

"Dạ được rồi. không sao đâu. Ủa mà cháu tưởng bác đang ở ngoài trò chuyện với anh Dũng?"

Tiếng nói ngoài sân tắt từ lúc nào. Bác nhìn mông lung ra cửa, nói:

"Đúng, nhưng quên mất vụ lấy nước ra cho nó uống nên bác vào trong."

Tôi gật gật. Chẳng biết phải nói gì thêm nên đành im lặng. Bác đi ngang qua, rồi dường như tan vào ánh nắng trước sân đương rực rỡ. Tim tôi đột ngột đập chậm một nhịp.

Bố có lẽ bằng tuổi bác, nhỉ?

Lắc đầu nguầy nguậy, tôi tập trung vào chuyện quan trọng. Khỉ thật, sáng nay chẳng có mấy thông báo mới. Cũng chẳng có bình luận nào trong vidoe về việc sẽ đi tìm hiểu ngọn ngành của tôi. Lượt xem của nó chỉ vượt mốc một ngàn một chút. Nhưng tôi có thể khai thác gì đây? Kiểu này bác sẽ không nói thêm gì cả. Vậy chỉ còn có thể hỏi thăm dì và lục lọi căn phòng của Mỹ nhằm tìm manh mối. Thêm nữa cần ra hồ để theo dõi thực địa.

Bất giác tôi nhìn lên ảnh thờ. Lần trước xuống đây tôi có thấy rồi. Đó là một cậu nhóc, chắc chưa học hết tiểu học. Nụ cười vô cùng hồn nhiên kia phải chịu những nhang khói. Tôi không dám hỏi, nhưng mối nghi hoặc trong lòng đinh ninh đấy là em trai của Mỹ. Nếu không nhầm nó có đứa hình gia đình rất cũ để trên bàn học - Bốn người, một gia đình hạnh phúc. Có lẽ là vậy. Tay vẫn cầm cái điện thoại, tôi bắt đầu quay.

"Chào các bạn. Là mình Bích Thủy đây. Mình đang ở nhà của Mỹ. Một căn nhà bình thường nơi làng quê yên tĩnh. Có tin được không khi khung cảnh thanh bình như thế này lại đầy những bi thương. Mình hi vọng các bạn nếu ai có thông tin gì hãy báo về cho nhà chức trách. Và hãy gửi lời động viên đến cho mình để mình chuyển lời cho gia đình nhé."

Tôi hít một hơi thật sâu, rồi vào phòng Mỹ. Tay vẫn giữ vững camera. Bên trong sáng đèn, ánh huỳnh quang cũ ám một lớp mỏng lên mọi vật khiến cho nhữntg hình ảnh thu được trông u ám. Tôi không rõ tại sao mình lại quay những cảnh này. Thậm chí còn chưa tìm ra cái gì hay ho ở đây cả. Nhưng thôi có tư liệu rồi biên tập sau. Lời lẽ cũng tự nhiên bị nghẹt nơi đầu lưỡi. Chỉ còn tiếng thở bò trườn khắp bốn bức tường. Tôi im lặng nhìn đâu quay đấy làm chứng. Nhưng ngó qua ngó lại mọi thứ chẳng khác gì ấn tượng ban nãy. À cái bàn học có tấm hình cũ trong kí ức: Khung ảnh bằng gỗ ép, lòi ra những vụn bên trong. Màu đã phai hết cả.

Tôi cầm nó lên. Một gia đình nhỏ bốn người trông thật vui vẻ hạnh phúc dù gương mặt hơi cứng, vận trang phục gọi là nhìn vào biết hồi đầu thiên niên kỷ. Dẫu vậy vẫn rõ cái ấm áp và vui vẻ của bác, cái nhân hậu của dì, lẫn sự tỉnh rụi và vô ưu của Mỹ. Gương mặt này hai chục năm không đổi nhỉ? Tôi nhìn mà phì cười. Và rồi trái tim chùng xuống khi thấy cậu trai đang nhăm nhở. Chính giữa bức hình có nếp gắp làm xấu nó hẳn đi.

Tôi đồ rằng bức hình đã ở đây lâu lắm rồi. Chuyển chế độ quay phim thành chụp ảnh, tôi lia máy một chút. Sau đó nhìn lại kết quả trên điện thoại. Ngồi thừ xuống ghế trước bàn học, tôi thừ người chăm chăm vào tấm hình.

Bản thân cũng từng có một gia đình như vậy.

Tôi thở dài. Lần trước xuống đây lo ăn chơi đùa giỡn và toàn bàn chuyện phiếm nên tôi chẳng để ý kĩ bức hình này trừ việc cười vào mặt Mỹ. Nhưng giờ ở khoảng cách gần như thế này, đầu tôi bật ra bao nhiêu là câu hỏi: Hồi học sinh nó như thế nào? Tuổi thơ nó ra sao? Vì sao em nó mất mà nó chẳng chịu nói với ai cả? Tại sao tôi là bạn nó mà nó chẳng chịu chia sẻ? Tôi cá thậm chí Dũng còn chẳng hay. Tôi vốn đã quen biết ít, giờ những người mà tôi tưởng là thân thuộc, là hiểu rõ nhưng thật ra chẳng biết cái gì về họ.

Chỉ còn có thể thở dài mà thôi.

Ngay lúc đấy, dường như ngoài kia có những ồn ào. Là giọng đàn ông. U ám sầu muội lần trong những giận dữ. Tôi vội chạy ra, không quên bật chế độ máy quay. Ra đến gần ngưỡng cửa thì nghe rõ mồn một giọng của bác:

"Tôi không quan tâm cậu quan hệ gì với con gái của tôi hay mục đích đến đây là gì! Tôi chỉ muốn nói rằng việc tìm con Mỹ tôi không cần cậu xía vào! Cậu có hiểu không? Đùng đùng ở đâu ra nhận là người yêu con gái tôi. Ai biết cậu có ý định gì?"

"Nhưng thưa bác con..."

"Tạm thời cậu cứ ở đây đến trưa đi, rồi tôi đãi cơm trưa. Nhưng nhà tôi sẽ không chứa cậu đâu."

"Con còn đưa bác coi hình cơ mà. "

"Mấy hình Facebook Face biếc đây ai biết mày làm gì? Có hắc hiếc gì không? Công nghệ giờ hiện đại lắm. Mà mày đừng dụ tao. Trên cái Facebook của con Mỹ nó chưa bao giờ nhắc gì đến mày."

"Nhưng rõ ràng con về với Thủy, bạn của Mỹ. Chính nhờ Thủy con mới biết nhà ấy chứ. Bác nghĩ xem sao Thủy lại đưa địa chỉ nhà bạn của mình lung tung cho người lạ được? Vì con là người yêu của Mỹ nên Thủy mới đồng ý chỉ đường." – Mặt Dũng đầy khẩn khoản. Lần đầu tôi thấy con người ấy lại trong yếu đuối và vụn vỡ đến vậy.

Bác lúc này mặt đỏ gay, chống hông hít thở thật sâu, rồi lấy lại được chút bình tĩnh mà tiếp tục:

"Con Mỹ chưa bao giờ nói với tôi hay mẹ của nó rằng nó có người yêu cậu hiểu không? Cậu chưa bao giờ tồn tại trước ngày hôm nay. Cái khoảnh khắc cậu đứng trước cổng ngôi nhà này, của cái gia môn bất hạnh này là lúc tôi mới biết có một người như cậu xuất hiện trong đời con gái tôi. Cậu hiểu không? Nếu Mỹ đã cho rằng cậu không đủ quan trọng để giới thiệu hay ít nhất nói cho chúng tôi biết, nói cho những người mà nó thương nhất, thì tại sao tôi phải quan tâm đến những nỗ lực từ cậu tìm kiếm nó khi nó mất tích?"

Tôi lặng người ở cửa, cố gắng lấy rõ cảnh này. Dũng bất lực cúi gằm mặt, đứng đó trong cái bóng cây đang phủ xuống. Vài vạt nắng đâm xuyên những tầng lá, chiếu sáng gương mặt đương sửng cồ của bác. Trông như thể mặt nước đương sôi ùng ục. Bác cứ xoáy ánh mắt của mình Dũng, còn anh thì bất động như tượng đá. Mãi anh mới lắp bắp được:

"Dạ. Con hiểu rồi. Hãy coi như con là một người dưng thấy mình thấy người hoạn nạn..."

"Cảm ơn."

Bác cắt ngang. Tôi đơ ra, rồi cũng thấy có gì đấy thay đổi. Thấy anh đang tiến vào nhà, tôi vội lùi lại, cất cái điện thoại đi. Bác nhìn theo, vẫn giữa những nét hằn học trên gương mặt chợt lắm vết chân chim. Dũng sượt qua người tôi, không nói không rằng gì cứ thế xách ba lô lên mà leo lên xe, mở cổng – vẫn âm thanh thiếu dầu ấy vang lên – rồi rú ga chạy đi.

Được vài phút thì tôi có tin nhắn.

"Cập nhật tình hình cho anh."

Bố Mỹ vẫn đang ngồi trên ghế đá, nhìn xa xăm.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro