9.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi tôi trở lại cửa hàng với quần áo đầy đủ thì Dũng đang chờ sẵn với đồ phượt. Anh ngồi cái xe mà tôi thỉnh thoảng thấy trên Facebook Mỹ trong những hình hai người đi chơi. Ngồi lên yên thì một cảm giác mơ hồ kì lạ ập đến khi đáng lý Mỹ là người ngồi chỗ này trong chuyến đi về quê gặp bố mẹ nó để giới thiệu Dũng làm tôi rùng mình..

Dũng nói, dường như những cơn gió đêm khuya cố bạt lời anh:

"Ngồi cho chắc vào. Không ngủ được đâu."

Tôi gật đầu. Thảng trong đấy những đượm buồn vô hình. Chợt nhớ ra bản thân cần thêm cảnh quay, tôi vội rút ra cái điện thoại trước khi Dũng rồ ga. Nhưng nhanh quá! Mái tóc xơ rối này bập bềnh, phản chiếu lại những ánh đèn đường buồn chán. Một cách quán tính tôi ôm eo Dũng nhưng rồi khi tốc độ ổn định, tôi vội buông ra. Mà cái xe này lại thiết kế nâng yên sau cao một cách nực cười khiến tôi cứ chúi về phía trước và cứ cạ phần ngực lên lưng Dũng mỗi lần anh dừng lại. Thôi chắc không sao.

Tôi đồ đây sẽ là một chuyến đi ngắn nên không chuẩn bị nhiều lắm: Laptop, điện thoại, cục sạc, quần áo sạch cho hai ngay ngày và một ít đồ cá nhân nên balô cũng nhẹ. Thêm cả quyển Sapien để có gì trả cho nó. Chứ mà mang nhiều hơn có khi tôi bị kéo giật ra sau bởi cách chạy xe bạt mạng này! Trong thành phố mà Dũng bỏ qua gần chục cái đèn đỏ! Chạy làn xe tải trên quốc lộ! Ôi khỉ thật. Tôi chống tay ra sau hết nổi, buộc phải vịn hông Dũng như bám lấy phao cứu sinh.

Ra khỏi thành phố chúng đi tiếp khoảng ba tiếng nữa. Nhà cửa thưa dần càng khiến Dũng tăng tốc độ. Tôi thì cứ nhắm tịt mắt lại, cầu trời anh đủ tỉnh táo. Gương mặt kia dấu đằng sau cái mũ bảo hiểm ba phần tư đang trông thế nào? Có đang mím chặt môi hay cắn răng chịu đựng niềm đau trong lòng? Mắt có đang nhòe lệ bởi những cảm xúc trào dâng?

Năm ấy với Mỹ tôi chẳng buồn để ý cảnh vật ra sao, thậm chí chẳng thèm quay chúng lại mà chỉ tán gẫu không thôi. Do vậy giờ bản thân đang ở đâu tôi không xác định được. Ừ thì có địa chỉ đấy, nhưng đấy chỉ là đích. Còn việc người lạ - dù là người yêu của một người bạn không quá thân – đi đường nào đến đấy, hay thậm chí là có thật sự đang chạy đến đấy hay không là một chuyện khác.

Chợt anh dừng lại khiến tôi đập cả người vào tấm lưng to bè trước mặt. Vẫn còn choáng váng, tôi nói:

"Sao vậy?"

"Ăn chút gì đã."

Có ánh sáng bên tay phải. Tôi nhìn sang thì thấy một chòi lá cũ kĩ dựng tạm bợ trước một căn nhà cấp bốn: Bức tường đằng sau quầy con bục ra; Nhựa của bàn ghế sờn và phai màu - Không ai đón khách; Ánh đèn bóng chữ U yếu ớt xua đuổi bóng tối; Sương đêm vắt ngang một làn mỏng. Anh cứ thế tấp vào, rồi xuống xe – Tôi vẫn ngồi im. Anh vào quán – tôi dõi theo, rồi cũng theo bước. Tiếng giày của hai người kéo trên sàn bê tông cũ nghe buốt lỗ tai.

"Chào. Anh chị dùng gì?"

Tôi bất giác giật mình. Một giọng nam đều đều, chậm rãi như cách thời gian vốn luôn trôi qua ở cái chốn này phát ra từ sau quầy. Nhìn cậu khiến tôi bất giác rờ hai con ốc nhồi dưới mắt vì sợ mình trông như vậy. Quán nhỏ, chưa đến chục bàn xếp thành hai dãy men theo rìa đối diện nhau. Mỗi bàn còn có một cái võng dựng theo những cột gỗ lẫn sắt cũ kĩ. Dũng lựa một góc ngồi, rồi hút thuốc. Tàn đỏ rực trong đêm. Cậu phục vụ lặp lại:

"Anh chị dùng gì?"

Tôi bối rối. Quầy chưng ra những vỏ chai cũ, phai màu nhưng vẫn có thể đọc được nhãn hiệu. Bịch cà phê nằm trong cái bao ni lông được xé nham nhở, đổ tràn xung quanh. Thậm chí tôi vẫn còn đứng tần ngần giữa quán! Dũng nói:

"Một tô mì đi. Gói thuốc nữa."

"Chị dùng gì?"

Cái giọng ấy khiến tôi gai người, nổi da gà. Cố gắng không vấp, tôi đáp:

"Cho... Cho chị một mì luôn đi. Đừng bỏ tương hay ớt."

Cậu lẳng lặng gật đầu, rồi mở cửa đi vào nhà trong. Không gian kia nuốt chửng người thanh niên vào bóng tối. Bàn ông địa bên ngoài phủ đầy bụi, bát nhang đầy chân nhang, trong khi đó chén nước thì cạn, lăn lóc.

Tôi ngồi diện Dũng. Hai người cách nhau một sảnh. Anh đang lan man, nhìn những làn khói tản. Màn đêm tịch mịch lạ thường. Xung quanh chỉ toàn rừng với đất trống –tạo thành những mảng đen đặc, cấm cửa ánh trăng. Mọi thứ dường như chậm lại. Tôi ngáp dài. Chỉ còn hai người, tính ra là xa lạ, ở chốn khỉ ho cò gáy này. Chợt Dũng nói, âm vang xa xa theo từng làn khói:

"Này Thủy?"

"Sao anh?"

"Em nghĩ mối quan hệ giữa anh với Mỹ như thế nào?"

Tôi chớp chớp mắt một chút, rồi nhìn ra bóng đen vô cùng ngoài kia, nói thảng:

"Em nghĩ là tốt."

"Mỹ có hay nói gì về anh không? Tốt xấu gì cũng được."

"Em không nghĩ nó nói gì nhiều. Thật ra em còn nghĩ em còn không đủ thân với nó để nó kể về anh."

Dũng cười nhạt.

"Ít nhất em còn biết nhà Mỹ để chỉ anh." – Anh tiếp.

"Thôi coi nào. Có lẽ nó chỉ chờ dịp để dẫn anh về giới thiệu. Em nghĩ nó còn chờ anh hỏi cưới mà."

"Ba năm đấy em. Ba năm ấy mọi chuyện đều êm đềm. Quá êm đềm là đằng khác. Em có nghĩ rằng có gì đó xảy ra mà anh không biết không? Này Thủy. Thủy! Nhìn sang đây coi!"

Tôi giật mình như thỏ nghe tiếng sói. Nhưng rồi cũng quay sang. Tóc gáy tôi tưởng hẳn cao gấp đôi. Xa thế này tôi chịu không biết Dũng đang nghĩ gì trừ việc thấy mắt anh đang bị phủ lên một vùng tối, gường mặt thì bị khói thuốc che mờ. Đóm cũng tàn, trông yếu ớt như làn chỉ hi vọng cho Mỹ.

Đột nhiên tôi thấy mình thật ngu ngốc khi đến nơi này.

Ở thành phố dù ít nhất người ta bảo thiếu tình người nhưng vẫn còn có người, còn ở đây có ai để kêu cứu nhỡ có chuyện?

Vừa lúc ấy có tiếng cửa mở. Cậu phục vụ đi ra với khay thơm lừng. Đồ ăn giúp không khí dịu lại. Xì xụp. Tôi cắm đầu ăn, mặc kệ cảm giác khó chịu đang lớn dần lên ở trong lòng. Cậu thanh niên đứng sau quầy hỏi chuyện:

"Anh chị đi đâu?"

Tôi đang nuốt vội để trả lời cho phải phép thì Dũng nói:

"Đến xã..."

"À còn hơn mười phút chạy xe nữa thôi. Em đoán hai người không phải dân địa phương?"

Tôi gật đầu, còn Dũng đáp cụt: "Ừ."

Chợt nảy ra một ý, tôi lật đật lấy điện thoại ra quay lại cuộc trò chuyện này. Suốt quãng đường đi chẳng có thêm tư liệu gì cả mà cứ căng người ra sợ tai nạn giao thông. Xong tô mì, tôi bắt đầu:

"Em tên gì?"

"Cần gì biết tên một kẻ vô danh chốn heo hút này? Mà chị quay hắn chi vậy?"

Cậu cười. Nụ cười mỏi mệt hằn vết chim ri. Khóe miệng đơ ra như tôi mỗi lần cười khi đứng quầy ở chỗ làm.

"Không sao. Chị là Thủy. Xã có cái hồ đúng không? Một cái hồ đầy sương?"

Cậu phục vụ trở nên phi cảm xúc trong một khắc, như thể câu hỏi ấy là một thứ không được chờ đợi đột nhiên xuất hiện. Nhưng rồi cậu cũng vui vẻ trả lời:

"Đúng, có một cái hồ như vậy sâu trong xã. Vụ mù sương như em không rõ lắm. Nhưng có tin đồn là vậy thật."

"Vậy còn mấy vụ mất tích, em có biết thông tin gì không?"

Cậu lắc đầu, chống cằm. Rồi gõ gõ mặt quầy. Âm thanh đều đều như tiếng gõ mõ. Tôi tặc lưỡi, cảm ơn rồi cất điện thoại đi. Chợt cậu phục vụ lên tiếng.

"Thông tin thì em không có. Nhưng..."

"Nhưng sao? Từ từ để chị lấy điện thoại ra."

Cậu thở dài, nhìn vào camera. Đôi mắt sâu hoắm lại. Khi thấy tôi đã xong việc chuẩn bị, cậu nói:

"Người ta biến mất. Không rõ tại sao. Tối hôm trước còn ở nhà thì sáng hôm sau biến mất rồi. Ngẫu nhiên lắm. Không phân biệt già trẻ lớn bé. Có khi một hôm hai, ba người mất tích đồng loạt. Có khi mấy tháng chẳng có gì xảy ra."

"Không có thủ phạm?"

"Không có thủ phạm. Cái chốn này bắt cóc người ta làm gì? Ờ thì chị có thể nói là do ít người nên dễ hành sự. Nhưng tại sao phải là ở đây? Bắt bán sang Trung Quốc? Chi cực vậy."

Tôi liếm đôi môi khô rang của mình. Có gì đấy không đúng. Nếu nạn nhân đều là những cô gái giống Mỹ tôi không nói rồi, nhưng theo cậu này thì rõ ràng có cái gì đấy khuất tất cần được điều tra thêm. Cậu đã thôi nhìn vào camera từ lúc nào mà hướng ra vùng tối đen kịt trước quán. Nhưng cậu vẫn nói:

"Em không rõ nữa. Từ lúc những vụ mất tích diễn ra, em đã suy nghĩ nhiều hơn. Chẳng hạn như mình ở đây để làm gì? Chờ người qua mỗi đêm trên con đường chẳng có ma nào đi này cho đến cuối đời ư? Em muốn lên Sài Gòn. Em muốn học đại học. Em muốn đi phượt. Em muốn được vui được chơi như những người bạn khác nhưng em bị buộc ở đây như một con chó trông nhà. Cứ lầm lũi đứng bán qua ngày. Chẳng có gì giải trí trừ cái điện thoại ngu si mua được mấy năm từ thời nhà còn khấm khá chút đỉnh...

"Em không nghĩ hai nguồi hiểu nổi cảm giác ấy đâu."

Cậu không nhìn ai trong hai chúng tôi cả. Cứ như thể đang nói chuyện với một người nào đó rất quan trọng với bản thân mình đang ở trước mặt. Mắt cậu đỏ lên, và rồi cứ thế lệ tuôn. Nhưng chỉ một giọt. Tôi lặng lẽ nhìn màn hình, phóng đại lên để lấy được trọn vẹn cảm xúc của cậu. Sao nó nao lòng quá! Tính ra số tôi vẫn may chán. Dường như tiết trời lạnh hơn đôi phần khiến tôi khẽ rùng mình.

Tất cả chìm vào im lặng.

Tôi cất điện thoại đi, mắt vương nơi cậu vài giây rồi quay sang Dũng thì thấy anh đã ngủ rồi.

Thôi thì cứ làm một giấc.

Trùm cái khoác lên người, tháo giày, tôi nằm thẳng người lên võng. Chợt nhận ra nãy giờ quay nhiều nhưng không đưa nó lên đâu cả, tôi nói với:

"Này em ơi. Mật khẩu wifi của mình là gì?"

"Em ơi?"

"Đâu rồi?"

Tôi nhỏm dậy. Cửa dẫn vào nhà đã mở. Tặc lưỡi, tôi nhẩm trong bụng thôi làm một giấc tính tiếp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro