Hồ Chí Minh toàn tập - P1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HỒ CHÍ MINH

SỰ PHÁ SẢN CỦA CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP (14-5-1924)

Việc thay đổi mới đây của chính phủ Poăngcarê đã không khỏi có những vang dội sang các thuộc địa. Nước Pháp luôn luôn tự cho mình là một cường quốc thực dân số một biết cách thực dân. Ngay cả ông Anbe Xarô cũng vậy, ông ta luôn luôn khoe mình là người Pháp số một biết cách khai thác thuộc địa. Để làm công việc khai thác ấy, ông ta đòi phải có 4 tỷ phrăng. Để tìm cho ra món tiền ấy, ông ta đã viết một cuốn sách dày những 674 trang. ấy thế mà vị bộ trưởng vĩ đại ấy lại vừa bị đuổi ra khỏi đảng của ông ta vì ông ta đã bỏ phiếu cho quan thầy là Poăngcarê. Rồi cái ông Poăngcarê bạc bẽo này cũng lại vừa mới đuổi vị bộ trưởng vĩ đại ấy ra khỏi chính phủ nốt. Thế là vị bộ trưởng vĩ đại ấy bị cách tuột hết cả, chẳng được một tý nào, cũng chẳng khai thác được thuộc địa nào của ông ta. Thay thế ông ta là một anh lính, xin lỗi, một "đại tá không tên tuổi". Việc cách chức này một lần nữa lại chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản.

Trong khi chờ đợi một cái gì tốt đẹp hơn, dân Pháp mỗi năm phải nộp hơn 237.000.000 phrăng (ngân sách năm 1923) cho Bộ Thuộc địa của họ, hơn 1.172.186.000 cho các đội quân thuộc địa và những khoản chi phí ở Marốc, tổng cộng là 1.409.186.000 phrăng.

Thế là mỗi người Pháp - bất luận giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ - đều bị bắt buộc mỗi năm phải đóng hơn 36 phrăng cho cái quỹ "Sứ mệnh khai hoá". Để làm lợi cho ai? Cố nhiên không phải là để làm lợi cho người đóng thuế và càng không phải là làm lợi cho nước Pháp. Lát nữa, chúng tôi xin chứng minh điều đó.

Thí dụ, năm 1922, tổng giá trị thương nghiệp của các thuộc địa Pháp là 4.358.105.000 phrăng, trong đó:

2.104.458.000 về nhập khẩu và

2.253.646.636 về xuất khẩu.

Trong tổng số đó, doanh số giữa nước Pháp và các thuộc địa của nó chỉ có 1.585.000.000 phrăng, còn doanh số giữa các thuộc địa với nước ngoài lại lên tới 2.666.739.000 phrăng.

Những con số về Đông Dương lại còn hùng hồn hơn nữa.

Trong số 5.484 chiếc tàu đăng ký ở các cảng Đông Dương và đã chở vào 7.152.910 tấn hàng, chỉ có 779 tàu Pháp với 1.464.852 tấn so với 787 tàu Anh với 1.575.079 tấn!

Năm 1921, trong tổng giá trị hàng nhập khẩu là 807.729.362 phrăng, nước Pháp chỉ chiếm có 247.602.029 phrăng.

Cả nước Pháp và các thuộc địa khác của nó chỉ xuất khẩu có 169.147.115 phrăng trong tổng giá trị hàng xuất khẩu là 1.284.003.885 phrăng.

Phải chăng là làm lợi cho dân bản xứ? Sau đây các bạn sẽ biết.

Năm 1923, Đông Dương xuất khẩu:

1.439.995 tấn gạo

622.035 tấn than đá

65.413 tấn xi măng

61.917 tấn ngô

312.467 tạ cá

27.690 tấn kẽm

19.565 gia súc

7.927 tấn đường

6.860 tấn dừa

46.229 tấn cao su

7.150 tấn cây có chất nhuộm

3.617 tấn bông

30.760 tạ hạt tiêu

21.492 tạ đỗ

2.609 tấn da

12.798 tạ mây

12.319 tạ sơn

8.499 tạ cà phê

6.084 tạ chè

480.833 kg quế

117.241 kg dầu hồi

17.943 kg tơ lụa

Vậy mà, các bạn có biết phần của người bản xứ trong việc buôn bán khổng lồ về sản phẩm do đất đai và lao động của họ sản xuất ra là bao nhiêu không ? Phần của dân bản xứ vẻn vẹn có 542 thuyền buồm trọng tải 12.231 tấn mà thôi!

Sau cái nhìn bao quát trên, chúng ta có thể kết luận rằng chế độ thực dân Pháp chỉ làm lợi cho một bọn đầu cơ, cho những tên chính khách bất lương và vô tài ở chính quốc, cho bọn buôn rượu và thuốc phiện, cho lũ con buôn vô liêm sỉ và bọn lý tài xấu xa.

Bạn muốn có thêm bằng chứng ư? Nhà Ngân hàng Đông Dương:

Năm 1876 chỉ có 24 triệu phrăng vốn kinh doanh, thế mà 1885 đã có 145 triệu phrăng vốn kinh doanh.

1895 - 222 triệu phrăng

1905 - 906 triệu phrăng

1917 - 2. 005 triệu phrăng

1921 - 6.718 triệu phrăng

Còn tiền lãi của nó thì đã từ 126.000 phrăng năm 1876 lên tới 22.854.000 phrăng năm 1921!

Những món lãi ấy chui vào túi ai?

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 26, ngày 14-5-1924.)

----------------------------

NÔNG DÂN BẮC PHI (1924)

Trong số các dân tộc sống ở Bắc Phi, chỉ người Bécbe biết đến nguyên tắc tư hữu nhưng họ chỉ là thiểu số chiếm khoảng một phần ba số dân Angiêri và khoảng ba phần 14 đất đai có thể canh tác được ở thuộc địa này.

Quan hệ ruộng đất của người Tuynidi, người Arập Angiêri và người Marốc nói chung dựa trên cơ sở chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ: Theo kinh thánh đạo Ixlam, ruộng đất thuộc về Trời, và con người chỉ có quyền sử dụng những gì mà anh ta có thể lấy từ đó bằng lao động của mình. Như vậy, ruộng đất là sở hữu của công xã và không bị trưng thu. Mỗi người đều được nhận một mảnh đất và được sử dụng toàn bộ sản phẩm của mảnh đất đó. Nhưng anh ta không được mua ruộng của người khác. Không được bán đất của mình. Người giữ ruộng đất đó chết đi thì ruộng đất lại trở thành sở hữu của công xã. Phương thức sở hữu tập thể đó được gọi là "ácsơ" ở Angiêri, "habu" ở Tuynidi và Marốc.

Chế độ thuộc địa của Pháp đã phá vỡ tính tập thể của dân bản xứ và thay vào đó bằng sự cướp đoạt trắng trợn.

Tiếp theo bạo lực và tàn phá thường mở đầu cuộc xâm lược, những người nông dân Bắc Phi bắt đầu thấy mình bị những kẻ du đãng, phiêu lưu và cho vay nặng lãi, tóm lại, là toàn bộ cặn bã của chính quốc tiến công. Bọn thực dân, rốt cuộc là kẻ chiến thắng và những người dân bản xứ phải ngoan ngoãn phục tùng chúng và nhường đất cho chúng.

Năm 1848, Angiêri lần đầu tiên chịu sức ép của cuộc tiến công kiểu ấy của những kẻ đi khai hoá. Đó là 13.500 kẻ khốn cùng đã đe doạ thành phố Pari và những người mà các xưởng máy thủ đô không chứa nổi. Ngoài chi phí đi đường và nơi cư trú không mất tiền, họ còn được nhận gia súc, tiền ứng trước, hạt giống, công cụ lao động và từ 4 đến 12 hécta đất lấy của những người nông dân Angiêri.

Sau năm 1870, những người Andátxơ di cư cũng đóng vai trò thực dân đó. Tất nhiên, họ đáng được trọng thị hơn những người đầu tiên, nhưng họ cũng không kém nguy hiểm hơn đối với nông dân bản xứ, vì toàn bộ ruộng đất mà họ được chia là lấy của nông dân địa phương. Tiếp theo đó, ngày càng nhiều bọn thực dân tham lam, lên đường đi tìm hạnh phúc trên sự phá sản của những người Arập.

Dân thuộc địa bị phá sản bằng nhiều cách: do "luật pháp" hành chính của Chính phủ bảo hộ, do những hành động cá nhân của bọn địa chủ và hoạt động của những nhóm người bản xứ đã trở thành chỗ dựa của chế độ thuộc địa.

Chỉ riêng ở Angiêri và Tuynidi, chế độ thuộc địa chính thức đã lấy cắp của nông dân bản xứ khoảng: 1 triệu 600 nghìn hécta đất nguyên của nông dân sử dụng, 2 triệu 700 nghìn hécta rừng công, 800 nghìn hécta đất công.

Nước Marốc mới bị chia cắt không lâu, đã bị cướp 545 nghìn hécta ruộng đất.

Sự cướp đoạt những người bản xứ diễn ra nhanh đến chóng mặt và với những quy mô khủng khiếp.

Năm 1870, 500 nghìn hécta đất của dân thuộc địa bị tịch thu cùng một lúc. Từ năm 1895 đến 1910, 192 nghìn hécta đất của Angiêri chuyển sang tay người Pháp. Từ 1919 đến 1923, chế độ thuộc địa đã chiếm của dân Marốc 72.700 hécta.

Để chiếm đất, chế độ thuộc địa Pháp lúc thì sử dụng mánh khoé, lúc thì dùng vũ lực. Người Bécbe và người Arập Angiêri bị dồn tới vùng núi và triền đồi. Và lãnh thổ được tước đoạt kiểu ấy khỏi những người chủ hợp pháp, rơi vào tay những tên thực dân châu Âu.

Đối với người Tuynidi, người ta thường sử dụng những mánh khoé kiểu như sau: 25 khu ruộng của người Tuynidi làm thành một habu tập thể. Những người nông dân canh tác đất đai ấy được hưởng một phần mùa màng, phần khác dành cho phúc lợi xã hội, giáo dục, xây nhà, phương tiện thông tin và những xí nghiệp có ý nghĩa tập thể khác nhau.

Habu tập thể không thể được sử dụng cho cá nhân, nhưng có thể được chuyển từ một xí nghiệp tập thể sang xí nghiệp khác, vì đó là do lợi ích công cộng. Về sau Phủ toàn quyền cứ lấy cớ dùng cho lợi ích công cộng mỗi khi cần lấy đất của người bản xứ cho bọn chủ đồn điền. Một thí dụ: một nhà báo và chủ đồn điền, khi thấy người dân bản xứ từ chối bán đất cho hắn, mà hắn lại muốn mua cho mình, liền đến nhờ bạn - là viên công sứ tỉnh ấy. Tên này liền ra ngay một sắc lệnh trưng thu đất ấy cho lợi ích công cộng, đuổi người dân bản xứ ra khỏi mảnh đất ấy và chuyển cho người bạn của mình.

Chế độ thuộc địa ấy đem lại lợi ích gì cho những người nông dân nghèo Pháp? Không! Chỉ có những tên chính khách bẩn thỉu, những bọn con buôn tham lam và tư bản lớn được lợi mà thôi.

Những công ty đồn điền lớn chiếm những khu đất đai mênh mông, không phải nhằm làm cho nó sản sinh, mà chỉ với mục tiêu đầu cơ. Ngày lại ngày, chúng làm cho dân bản xứ phá sản, nuốt tươi những tên thực dân nhỏ và đánh lừa ngay cả Chính phủ. Thí dụ: Công ty Giơnevơ chiếm hơn 20.000 hécta; công ty Habra và Máctơ: 24.000 hécta; công ty Pháp - Angiêri: 90.000 hécta; công ty toàn Angiêri: 10.000 hécta; công ty Mácxây: 100.000 hécta.

Ở Tuynidi, 55 chủ đồn điền Pháp chiếm 355.000 hécta đất, 30 chủ đồn điền khác chiếm 160.000 hécta rừng.

Công ty thương mại điền địa chiếm phần lớn đất miền Cadablanca, Rabát và Madagan. Tiếp theo là Tổng công ty Pháp ở Marốc. Công ty này mua của dân bản xứ mỗi hécta giá từ 20 đến 30 phrăng và sau một thời gian ngắn bán lại với giá 1.000 và 1.200 phrăng trong một vài tháng lãi tới 858.000 phrăng mà lúc đầu số vốn là 1 triệu và mới chỉ sử dụng một phần tư số vốn đó.

Một nghị sĩ Quốc hội Pháp được nhượng mỏ quặng sắt ở Khamri. Ông ta bán lại cho một công ty để khai thác với giá 10 triệu phrăng. Những người nông dân bản xứ có đất đai thuộc khu mỏ ấy, chỉ được lĩnh 112,5 phrăng một năm tiền cho thuê đất.

Một luật sư Pháp giao cho nhân viên của mình mua đất để làm tài sản riêng với giá 20 phrăng. Đất ấy nằm giữa habu công cộng. Biết rằng đất đai ở đó không có ranh giới rõ rệt, người phục vụ pháp luật của chúng gây ra những chuyện khó khăn và lôi cuốn những người nông dân vào quá trình kiện tụng rất tốn kém về phân định ranh giới. Đắt đến nỗi những người nông dân nghèo cuối cùng phải bán lại đất của mình vì việc kiện tụng đã làm tốn 11.000 phrăng. Ông luật sư với sự giúp đỡ của hai mươi phrăng và một chút giả dối, trở thành người chủ cả một làng, và những người nông dân còn cảm thấy hạnh phúc, vì không bị đuổi khỏi mảnh đất ấy và được để lại làm việc với tư cách là người nô lệ.

Những trường hợp tương tự như vậy thường thấy ở các thuộc địa và chúng tôi còn có thể đưa ra nhiều thí dụ nữa, không kém phần bê bối.

Những tên địa chủ biết rõ là, dân bản xứ luôn luôn lo sợ bị trưng thu. Vì vậy, khi nào họ muốn chiếm đất, họ sử dụng luật về trưng thu như một con ngoáo ộp. Dân bản xứ tất nhiên muốn bán đất của mình với giá rẻ mạt, còn hơn là để cho chính quyền hành chính bỗng chốc làm mình phá sản.

Bọn địa chủ thỉnh thoảng dùng "các điểm chiến lược". Chúng đặt tay vào những nơi có thể xây dựng các công trình Nhà nước: nhà ga, đường sá, kho tàng và chợ. Khi chính quyền muốn xây dựng một trong những công trình ấy, nó phải trả toàn bằng vàng, vì nó có thể trưng thu và đuổi dân bản xứ, nhưng không dám sờ đến sở hữu của bọn thực dân.

Và như vậy, bọn đầu cơ vơ vét cả hai tay.

Tình cảnh nông dân các thuộc địa đó như thế nào? Thật là khủng khiếp. Khó có thể nói được rằng ai trong số họ: người An Nam ở Đông Dương, người da đen ở Cônggô hay là Xênêgan, hay là người bản xứ ở Bắc Phi - bị bóc lột nhiều hơn.

Giữa những người ấy có một cái chung:

1- Tất cả họ bị dồn đến tình cảnh con vật thồ.

2- Họ không chỉ bị những kẻ chiến thắng bóc lột, mà còn bị những người bản xứ bóc lột nữa: những kẻ chơi trội, những tên kẻ cướp mà nếu thiếu những kẻ này thì không thể có sự đô hộ nào của nước ngoài.

Các viên chức, quan lại, bọn tư sản mới và bọn người bản xứ cho vay nặng lãi kết thúc công việc ăn cướp của bọn người da trắng, và nông dân nếu thoát được ách bọn này thì lại rơi vào tay bọn khác.

Bị đuổi khỏi những đồng ruộng được tưới nước trù phú, sống chen chúc ở những đồng bằng chật chội và những vùng rừng núi xơ xác, nông dân những thuộc địa đó sống trong cảnh khốn cùng ghê gớm. Những người nào trong số họ còn lại một mẩu đất con nào thì cũng nhanh chóng bị tước đoạt lâu dài. Tỷ suất cho vay bằng tiền cũng như bằng hiện vật có tính ăn cướp không thể tưởng tượng được: từ 20 đến 200% (người châu Âu cho vay lấy lãi 20%, người Do Thái 35%, người Kabin 75%, người Môdabít 80% và ở nơi hẻo lánh tới 200%). Kiểu ăn cướp đó gọi là ranhia. Do tỷ suất lãi quá cao, người nông dân không bao giờ trả xong nợ. Lúc đó, người cho vay lãi đến chiếm ruộng và trở thành camétxát, còn người chủ cũ thành camét. Camét tiếp tục cày cấy mảnh đất của mình, nhưng phải nộp người chủ mới bốn phần năm mùa màng.

Tệ cướp bóc thuộc địa làm tất cả mọi thứ để làm cho người nông dân không thể sống nổi. Lấy cớ lập tín dụng nông nghiệp, thật sự chỉ phục vụ bọn giàu có, bụng phệ, chính quyền lại còn đặt thêm mức phụ thu 10% đối với người vay tiền, riêng không có khoản đó mức vay lãi đã quá nặng. Rừng là sở hữu của Nhà nước và những người đốn củi bị dồn vào cảnh chết đói. Những người chăn nuôi không có đồng cỏ, buộc phải bán gia súc đi và hoàn toàn phá sản. Việc chăn nuôi bị đánh thuế, mỗi đầu con vật chăn nuôi của người dân bản xứ phải nộp thuế nửa phrăng đến một phrăng Pháp.

Những người dân miền núi, bị các dinh cơ Nhà nước vây quanh, mà ranh giới thì rất tuỳ tiện, sống nghẹt thở. Nếu trong rừng trẻ con đi trên đường sắt hoặc con cừu chạy qua ranh giới là lập tức bị lôi thôi và bị nộp phạt. Năm 1909, ở Angiêri có 28.527 vụ phạt xâm phạm rừng, trong đó có 13.451 vụ lấy cỏ và 7.098 vụ lấy gỗ. Năm 1910, người Angiêri nộp 540.000 phrăng tiền phạt vì những việc đó.

Chưa hết. Người nông dân Bắc Phi còn phải đi canh gác rừng cho chủ đồn điền, diệt châu chấu trên đồng ruộng của người châu Âu, khuân vác không công cho bọn quan lại, công chức, làm nghĩa vụ cảnh sát để bảo vệ những bất động sản của bọn bóc lột và áp bức.

Bị tệ cho vay nặng lãi đè nén; bị những tệ nạn xã hội làm kiệt sức: năm 1907, ở thành phố Cadablanca chỉ có sáu quán rượu, năm 1913 có 161 quán rượu, nhà cải tạo, bệnh giang mai, bệnh ho lao cũng phát triển như thế; bị kiệt quệ vì nạn khổ sai liên miên; bị nạn đói thường xuyên làm mất sức, các bạn Bắc Phi đang ở trên con đường ngắc ngoải. Nạn tử vong cao là một bằng chứng. Người Bắc Phi sẽ biến khỏi mặt đất, nếu giai cấp vô sản giác ngộ không đến cứu họ khỏi nền "văn minh" quái vật.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Tạp chí Quốc tế nông dân, tiếng Nga, số 3 và 4 năm 1924.)

----------------------------

THƯ GỬI BAN CHẤP HÀNH QUỐC TẾ CỘNG SẢN (11-4-1924)

Các đồng chí,

Những thuộc địa của Pháp nói chung và Đông Dương nói riêng ít được biết đến trong giới vô sản và cộng sản. Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp rất ít được thông tin về những gì xảy ra ở những thuộc địa đó. Cục thông tin của đảng cần phải được thành lập. Còn như ở đây, chúng tôi tuyệt đối không có gì.

Nếu chúng ta muốn hoạt động một cách có ích về vấn đề thuộc địa thì nhất thiết phải bắt liên lạc với các thuộc địa đó.

Về phần Đông Dương, từ lúc tôi tới Mátxcơva đã có quyết định rằng sau 3 tháng lưu lại ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để tìm cách liên lạc với đất nước tôi. Bây giờ đã là tháng thứ chín tôi lưu lại và tháng thứ sáu tôi chờ đợi, vậy mà việc lên đường của tôi chưa được quyết định.

Tôi nghĩ là không cần thiết phải nói ở đây về những phong trào cách mạng và dân tộc chủ nghĩa, trước kia hoặc gần đây; về sự tồn tại hoặc không tồn tại của các tổ chức công nhân, của những hoạt động khuấy phá của các hội bí mật và các hội thảo, vì tôi không có ý định đệ trình với các đồng chí một luận cương, và chỉ muốn nêu cho thấy sự cần thiết đối với chúng tôi là phải nghiên cứu TẤTCẢ một cách chính xác, và phải tạo ra cái gì đó nếu chưa có gì.

Vậy chuyến đi sẽ là một chuyến đi để khảo sát và nghiên cứu. Tôi sẽ phải cố gắng:

A- Thiết lập những quan hệ giữa Đông Dương và Quốc tế Cộng sản.

B- Thông báo cho Quốc tế Cộng sản về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của thuộc địa này.

C- Tiếp xúc với các tổ chức đang tồn tại ở đó, và

D- Tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.

Tôi hành động thế nào để hoàn thành nhiệm vụ này? Trước hết tôi phải đi Trung Quốc. Tiếp đó hướng sự hoạt động theo những khả năng sẽ xuất hiện.

Số tiền cần thiết cho sự ăn ở của tôi sẽ là bao nhiêu? - Hẳn là tôi sẽ phải đổi chỗ luôn, duy trì những mối liên hệ với các giới khác nhau, trả tiền thư tín, mua những ấn phẩm nói về Đông Dương, tiền ăn và tiền trọ, v.v., v.v.. Tôi tính rằng, sau khi tham khảo ý kiến các đồng chí người Trung Quốc phải có một ngân sách xấp xỉ 100 đôla Mỹ mỗi tháng, không kể hành trình Nga - Trung Quốc (vì tôi không biết giá vé).

Tôi hy vọng rằng những điều trên sẽ có thể dùng làm cơ sở để các đồng chí thảo luận về việc cử tôi đi Viễn Đông.

NGUYỄN

(Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu lại Viện Hồ Chí Minh.)

----------------------------

CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC PHÁP DÁM LÀM NHỨNG GÌ ? (2-4-1924)

Những người Ấn Độ, vì chỉ phạm có mỗi một cái tội là đấu tranh giành độc lập cho đất nước của mình, đã bị cảnh sát của đức vua Anh truy nã. Một vài người trốn sang những nhượng địa Pháp ở Ấn Độ. Họ tính là sẽ được hưởng đạo luật cư trú. Nhưng nhà cầm quyền thực dân Pháp vừa trục xuất họ.

Không phải là lần đầu tiên đế quốc Pháp đồng loã với bọn đế quốc khác và có những hành động bỉ ổi như thế. Trong chiến tranh, khi những người da đen châu Phi đang hy sinh thân mình trên đất Pháp để bảo vệ "văn minh", "nhân đạo", thì Pháp thông đồng với ý để cấm những người dân Tơripôli đang bị bọn kẻ cướp ý lùng bắt, không cho trốn sang lãnh thổ Tuynidi. Việc đó xảy ra như sau:

Trong cuộc chiến tranh vì công lý, một hôm có chừng một nghìn người Tơripôli gồm người già, đàn ông, đàn bà, trẻ em, đuổi đàn mục súc gầy còm của họ cùng chạy sang lánh nạn ở Tuynidi. Tới biên giới, quân đội Pháp đã dùng súng liên thanh chặn đường họ. Những người lánh nạn đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan thảm thiết này: để cho lính Pháp tàn sát hay lui vào sa mạc Xahara để rồi chết đói chết khát ở đó. Họ đành phải theo con đường thứ ba. Họ nằm cả xuống cát và chết dần chết mòn ở đó, trước mắt đội quân biên phòng của chúng ta.

Tấn thảm kịch đó, bà Clerơ Giêniô đã thuật lại trong báo Universel như sau:

"Những sĩ quan của chúng ta dùng ống nhòm để theo dõi cái chết ngắc ngoải dần mòn của những con người sơ khai ấy, những con người mà các nước latinh đã đem những ân huệ của văn minh lại cho họ. Những trẻ thơ chết trước tiên, dưới bầu sữa đã cạn của mẹ chúng. Chẳng bao lâu những người đàn bà cũng gục xuống. Rồi đến lượt những người già lão, thân hình đã gầy rạc như những bộ xương, bị cát phủ kín. Sau thì cả đàn ông cũng chết nốt. Khi người ta tưởng rằng tất cả đoàn "người nổi loạn" đó đã chết cả rồi, thì bác sĩ Natan và bác sĩ Côngxây nhận thấy vài em gái bé hình như hãy còn động đậy bên cạnh những cái xác của cha mẹ chúng đã chết cứng. Đêm đến, hai bác sĩ đến gần các em, thì nhận thấy quả thật những em bé mặc quần áo sặc sỡ và đáng yêu đó, những ngày đầu vô tư lự vẫn còn nhảy nhót vui tươi, lúc đó chỉ còn thở thoi thóp. Sau khi giấu những em bé đó vào trong xe cứu thương, hai ông rất sung sướng đã cứu cho các em sống lại, và xúc cảm trước nỗi đau khổ côi cút và vẻ đáng yêu của các em, hai bác sĩ đã giữ những em gái nhỏ đó lại để giúp việc cho mình - đó là những kẻ sống sót duy nhất trong đoàn hơn một nghìn người dân Tơripôli".

Câu chuyện thê thảm kể lại đó không phải là của một nhà nữ cách mạng nào đâu.

Chủ nghĩa đế quốc Pháp quả là không hề ngần ngại nhúng tay vào những tội ác bỉ ổi nhất.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Đông Dương)

(Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 20, ngày 2-4-1924)

----------------------------

Gửi đồng chí Pêtơrốp, Chủ tịch Ban Phương Đông (3-1924)

Các đồng chí thân mến,

Tôi đã nhận được bức tối hậu thư của Sở quản lý nhà giục phải trả 40 rúp 35 côpếch về chỗ ở của tôi, không có thì tôi sẽ bị đưa ra toà.

Tôi phải cho đồng chí biết rằng:

1- Trong những tháng, tháng mười hai, tháng giêng và tháng hai tôi thuê phòng số 176, ở đây bao giờ cũng có 4 và 5 người thuê. Ban ngày thì tiếng ồn liên tục ngăn trở tôi làm việc. Ban đêm tôi bị rệp ăn thịt, không cho tôi nghỉ ngơi.

Vì vậy tôi không muốn trả 5 rúp về tiền thuê nhà để tỏ sự phản đối.

2- Từ tháng ba, tôi nhận một phòng nhỏ, rất nhỏ. Sở quản lý nhà buộc tôi gánh 13 rúp 74 cho tháng ba, và 11 rúp 61 cho những tháng sau.

So sánh không gian hẹp và trang bị nội thất quá đơn sơ với các phòng khác rộng hơn nhiều, tiện nghi hơn, có nhiều đèn, điện thoại, tủ, ghế bành dài, phòng tắm, v.v. và tiền thuê thoả đáng thì giá mà người ta muốn buộc cho tôi là hoàn toàn đáng công phẫn.

3- Vì vậy tôi xin đồng chí vui lòng làm một cuộc điều tra. Và sau cuộc điều tra đó, với mọi quyết định của mọi toà án, tôi tuân theo tinh thần của đồng chí về công bằng và bình đẳng.

Chào cộng sản.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Thư đánh máy, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.)

----------------------------

Đông Dương và Thái Bình Dương (1)

Lò lửa của cuộc chiến tranh thế giới sắp tới - Nước Pháp muốn khai thác các thuộc địa - Các thuộc địa Pháp sống lay lắt như thế nào - Người An Nam bị bóc lột nặng nề thêm.

Mới thoạt nhìn, thì dường như vấn đề Đông Dương và Thái Bình Dương không liên quan gì đến công nhân châu Âu. Nhưng nếu người ta nhớ lại rằng:

a) Trong thời kỳ cách mạng, các nước Đồng minh không tấn công được nước Nga từ phía Tây, đã tìm cách tấn công từ phía Đông. Thế là các cường quốc ở Thái Bình Dương, Mỹ và Nhật, đã cho quân đội đổ bộ lên Vlađivôxtốc, đồng thời nước Pháp cũng gửi những đạo quân người Đông Dương sang Xibêri để giúp bọn bạch quân.

b) Hiện nay, tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ nhân công rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính người bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó. Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản đó. Cho nên các đồng chí Nga cần phải biết rõ tất cả lực lượng và tất cả các mánh khoé trực tiếp hay gián tiếp của đối thủ của mình.

c) Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh.

Xem thế thì ta thấy rõ rằng vấn đề Thái Bình Dương là vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến.

*

Muốn xây dựng lại nước Pháp đã bị cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa tàn phá, Bộ Thuộc địa Pháp đã thảo một dự án khai thác các thuộc địa. Dự án đó nhằm khai thác những tài nguyên của các nước thuộc địa để làm lợi cho chính quốc. Cũng dự án ấy nói rằng Đông Dương phải giúp đỡ các thuộc địa khác ở Thái Bình Dương đẩy mạnh sản xuất của họ lên, để làm cho cả các thuộc địa đó cũng trở thành "có ích" cho chính quốc. Nếu dự án được thực hiện, thì nhất định là Đông Dương sẽ lâm vào tình trạng giảm sút dân số và bần cùng.

Thế nhưng, mới đây, mặc dầu bị dư luận An Nam phản kháng, Hội đồng chính phủ Đông Dương cũng đã nhất trí tán thành dự án ấy. Muốn hiểu rõ sự nhất trí đó có giá trị đến đâu, thì cũng cần biết rằng Hội đồng đó gồm có Toàn quyền Đông Dương, Tướng tổng tư lệnh quân đội Đông Dương và độ ba chục viên chức cao cấp người Pháp, cộng thêm năm viên quan lại bản xứ do viên Toàn quyền nặn ra. ấy thế mà tất cả các ngài ấy lại cho rằng họ thay mặt cho cả Đông Dương và hành động vì lợi ích của nhân dân An Nam! Các bạn hãy tưởng tượng mà xem, người étxkimô (1) hay người Dulu (2) mà lại quyết định vận mệnh của một dân tộc châu Âu!

*

Theo sự thú nhận của các nhà cầm quyền thì các thuộc địa ở Thái Bình Dương đương lâm vào tình trạng suy tàn, và chỉ sống - nếu như thế mà có thể gọi được là sống - một cuộc sống càng ngày càng lụn bại đi. Sự thật thì trong một thời gian ngắn, các đảo đông dân cư, đã hoàn toàn thưa hẳn đi vì rượu cồn và lao dịch. Quần đảo Máckidơ (1) , trước đây 50 năm, đông đến 20.000 người, mà bây giờ chỉ còn có 1.500 người yếu đuối và thoái hoá. Trong vòng 10 năm, dân số đảo Tahiti (2) giảm đi 25%. Trong số những dân cư đang chết dần chết mòn đi như thế, chủ nghĩa đế quốc Pháp lại còn cướp đi hơn 3.500 người để làm bia đỡ đạn cho chúng. Thật khó mà tưởng tượng được tình trạng tàn lụi của một giống người lại nhanh đến như thế. Nhưng đó lại là một sự thật mà người ta có thể thấy được ở nhiều thuộc địa. (ở các miền thuộc Cônggô, trong vòng 20 năm, dân số từ 40.000 người đã giảm xuống chỉ còn 30.000. Đảo Xanh Pie (3) và Micơlông (4) , năm 1902 có 6.500 dân, đến năm 1922, thuộc địa này chỉ còn có 3.900 người mà thôi, v.v.).

Hầu hết các đảo ở Thái Bình Dương thuộc Pháp đều được nhượng cho các công ty khai khẩn đồn điền. Các công ty này tước đoạt ruộng đất của người bản xứ và bắt họ làm như nô lệ vậy. Đây là một thí dụ chứng tỏ rằng người ta đối xử với công nhân bản xứ như thế nào. 200 người chuyên mò ngọc trai đã bị các hãng Pháp ở châu úc bắt ép đưa đi các đồn điền cách quê hương của họ đến 800 hải lý... (Thật không khác đưa thợ may đi làm mỏ). Họ bị dồn xuống một chiếc thuyền buồm nhỏ chỉ vừa chỗ cho 10 người và không có qua một phương tiện nào phòng lúc đắm thuyền. Họ bị đưa ngay xuống thuyền không kịp nhìn mặt vợ con nữa. Suốt hai năm ròng, những người công nhân khốn khổ ấy bị đầy đoạ trong các trại của công ty. Nhiều người bị đối xử tàn tệ. Nhiều người đã vì thế mà chết.

Các bạn hãy cộng thêm vào sự bóc lột vô nhân đạo ấy sự tồi tệ của bọn vô lương mà đế quốc Pháp giao cho cai trị các đảo đó, thì các bạn sẽ thấy tất cả cái tốt đẹp của chế độ bóc lột và áp bức đang đưa các nước bị chiếm làm thuộc địa ở Thái Bình Dương đến chỗ chết và diệt vong.

*

Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc đã tiến tới một trình độ hoàn bị gần như là khoa học. Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác. Sau hết, nó dựa vào những người vô sản ở các thuộc địa để thống trị những người vô sản da trắng. Chiến công đáng buồn của người Xênêgan là đã giúp bọn quân phiệt Pháp giết hại anh em của mình ở Cônggô, Xuđăng, Đahômây (1) , Mađagátxca. Người Angiêri đã sang đánh Đông Dương. Người An Nam thì sang đóng đồn canh phòng ở châu Phi, vân vân và vân vân. Trong cuộc đại chiến, hơn một triệu nông dân và công nhân thuộc địa đã bị đưa sang châu Âu để chém giết nông dân và công nhân da trắng. Vừa rồi, người ta đã đem lính người bản xứ bao vây lính Pháp ở miền Ruya, và phái lính pháo thủ thuộc địa đi dẹp những người Đức bãi công. Non một nửa quân đội Pháp là người bản xứ, ước chừng 300.000 người.

Ngoài việc dùng các thuộc địa về mặt quân sự như vậy, chủ nghĩa tư bản còn sử dụng các thuộc địa để bóc lột về mặt kinh tế bằng những cách thật tinh vi. Người ta thường thấy rằng những vùng nào ở Pháp và những nghề nào đó mà tiền công bị hạ xuống, thì trước đó thế nào cũng có việc tăng thêm nhân công thuộc địa. Người bản xứ đã được dùng để phá các cuộc bãi công. Hiện nay chủ nghĩa tư bản dùng một thuộc địa này làm công cụ để bóc lột một thuộc địa khác, đó là trường hợp Đông Dương và Thái Bình Dương.

*

Mặc dầu các nhà cầm quyền khua chiêng gõ trống để lừa gạt người ta, nhưng sự thật thì Đông Dương đã kiệt quệ rồi. Suốt trong những năm 1914-1918, người ta bắt gần mười vạn người An Nam (con số của nhà cầm quyền là 97.903 người) phải bỏ ruộng vườn để sang châu Âu. Mặc dầu thiếu người sản xuất, Đông Dương cũng đã buộc phải gửi đi 500.000 tấn ngũ cốc để góp phần bảo vệ những kẻ áp bức mình. Những công trái Chiến thắng đã bòn rút đi hàng trăm triệu phrăng. Mỗi năm, người An Nam đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để nộp khoảng chừng 450.000.000 phrăng hầu hết chỉ để nuôi béo bọn ăn bám. Ngoài ra, họ lại còn phải gánh những khoản chi tiêu rất lớn về quân sự mà Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gọi một cách văn hoá là "khoản đảm phụ của dân con".

Chính ở cái xứ đã bị bóp nặn, gầy còm trơ cả xương ra này, bây giờ người ta lại còn sắp bòn rút đi hàng bao nhiêu triệu bạc và hàng bao nhiêu vạn người nữa (bắt đầu, người ta bắt đi 40.000 người) để thoả mãn túi tham không đáy của bọn chủ đồn điền và tham vọng cá nhân của một bầy chính khách vô liêm sỉ.

Làm đồi truỵ tất cả nòi giống An Nam bằng rượu và thuốc phiện, chưa đủ. Mỗi năm bắt đi hàng 4 vạn người "tình nguyện đầu quân" để đem lại vinh quang cho chủ nghĩa quân phiệt vẫn chưa đủ. Biến một dân tộc 20 triệu người thành một cái kho thuế lớn, cũng vẫn chưa đủ. Người ta còn sắp tặng thêm cho chúng tôi chế độ nô lệ nữa kia đấy.

*

Những hành động đế quốc chủ nghĩa ấy không những chỉ nguy cho riêng vận mệnh của giai cấp vô sản Đông Dương và Thái Bình Dương, nó còn nguy cho cả vận mệnh của giai cấp vô sản quốc tế nữa. Nhật Bản chỉ huy các trạm điện báo ở đảo Yáp. Mỹ chi tiêu hàng bao nhiêu triệu đôla để cải tiến các ổ súng đại bác trên các tàu chiến ở Thái Bình Dương. Anh sắp biến Xanhgapo thành một căn cứ hải quân. Pháp thấy cần phải thiết lập một hệ thống thuộc địa ở Thái Bình Dương.

Sau Hội nghị Oasinhtơn (44) , việc tranh giành thuộc địa ngày càng trở nên gay gắt hơn. Bọn đế quốc ngày càng trở nên điên cuồng hơn; những cuộc xung đột chính trị ngày càng trở nên không thể tránh khỏi. Những cuộc chiến tranh đã từng nổ ra vì vấn đề ấn Độ, châu Phi và Marốc. Những cuộc chiến tranh khác sẽ có thể nổ ra vì vấn đề Thái Bình Dương, nếu giai cấp vô sản không cảnh giác.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, số 18, ngày 19-3-1924.)

----------------------------

Thư gửi Chủ tịch Quốc tế Cộng sản (15-3-1924)

Mátxcơva, ngày 15 tháng 3 năm 1924

Kính gửi đồng chí Dinôviép, Chủ tịch Quốc tế thứ ba,

Đồng chí thân mến,

Đã hơn một tháng nay, tôi xin đồng chí vui lòng tiếp để tôi có thể thảo luận với đồng chí về tình cảnh những thuộc địa của Pháp. Cho tới nay, tôi vẫn chưa được trả lời. Hôm nay, tôi xin mạn phép nhắc lại sự thỉnh cầu đó, và xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em.

NGUYỄN ÁI QUỐC

( Thư đánh máy tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.

Phân bộ Pháp, số 33 Quốc tế Cộng sản.)

----------------------------

Thư gửi cho một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản (5-2-1924)

Đồng chí thân mến,

Tôi quê quán ở Đông Dương và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Chính với tư cách đó mà tôi mạo muội cảm ơn đồng chí về sự chú ý của đồng chí đến vấn đề thuộc địa tại Đại hội Liông.

Mặt khác, tôi sẽ sung sướng vì được thảo luận với đồng chí về vấn đề thuộc địa nếu đồng chí vui lòng cho gặp.

Do mũi và các ngón tay bị lạnh cóng khi tang lễ đồng chí Lênin, tôi không thể đi làm việc ở Quốc tế Cộng sản, vậy nên tôi sẽ rất cảm ơn, nếu đồng chí vui lòng trực tiếp viết thư cho tôi đến địa chỉ sau:

Khách sạn Luých, số 176

Đồng chí thân mến, xin gửi đồng chí lời chào cộng sản anh em.

5/2/24

(Thư viết tay, tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.)

----------------------------

Ông Anbe Xarô và Bản tuyên ngôn nhân quyền (1-1924)

Chính vì quyền con người mà hàng triệu con người đã bị giết hại trong thời đại chiến. Cái quyền mà họ đã hy sinh vì nó, cùng với những xác chết thảm thương của họ, nay bị vùi sâu vào lãng quên.

Hồi đó, các chính khách còn gào to hơn cả tiếng đại bác cho khắp bốn phương gầm trời nghe: quyền! quyền! quyền! Nhưng lập tức, sau khi cuộc chém giết đã chấm dứt, lập tức sau khi tai hoạ đã qua, thì không còn ai nghe thấy nói đến cái con vật ấy nữa. ở Vécxây, ở Giơnevơ, ở Bulônhơ cũng như ở Oasinhtơn quyền con người đã được thay thế bằng than đen, than đá, dầu hoả, thuộc địa.

Một cái quyền khác ra đời, dưới một dạng khác, còn xấu xa hơn, ghê tởm hơn: quyền của kẻ mạnh. Bằng cái quyền này người ta muốn huỷ diệt nước Nga cách mạng. Bằng cái quyền này người ta muốn biến nước Đức thành một nghĩa địa và một bãi hoang. Bằng cái quyền này người ta tìm cách chia nhau Trung Quốc. Và cũng bằng cái quyền này người ta dìm thật sâu những dân các thuộc địa vào vòng nô lệ, những thuộc địa, vì bảo vệ quyền con người, đã cống hiến 978.000 con em mình, trong số đó 340.000 đã bỏ mình trên chiến địa, những thuộc địa mà người ta bòn rút đến tận xương tuỷ để "vãn hồi sự thịnh vượng của mẫu quốc", những thuộc địa mà ngày nay người ta còn lấy đi 300.000 con em trẻ trung nhất, trụ cột cường tráng nhất, để làm mồi dự trữ cho đại bác trong cuộc chiến tranh rồi sẽ tới vì quyền con người.

Dù rằng sự thực đau lòng như vậy, nhưng thế giới rồi cũng quen đi với cái triết lý, cái tính trì độn vốn dĩ, mỗi khi người ta khuấy lên cái tư tưởng định mệnh của nó. Đã thế, ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, lãnh tụ bảo vệ quyền người bản xứ ở thuộc địa, lại còn, với cái giọng lưỡi bất khả tri của ông vừa xới lên cái tính cuồng tín của bọn "mọi" của ông. Muốn cho bài diễn văn của ông ở Trường thuộc địa được nổi lên hơn nữa sau khi đã biểu diễn vẫn những múa may kịch tính của ông, vẫn cái ngôn phong kêu và rỗng tuếch của ông, vẫn những sáo ngữ cũ rích lặp đi lặp lại của ông nó đi đến chỗ (...) (1) của những kẻ bóc lột và áp bức tương lai ở các thuộc địa. Bản Tuyên ngôn nhân quyền, nhà ảo thuật tu từ học này, hôm đó, chắc là đã hoàn toàn loạn thần kinh.

Trước ông và cũng như ông thôi, người ta đã từng che đậy những tội ác, những vụ xoáy, những vụ tàn sát dưới cái áo khoác khai hoá hay dưới danh nghĩa quyền con người, nhưng người ta còn làm những việc đó với một sự dè dặt nào đó, với một chút liêm sỉ nào đó. Đằng này cái con người của rượu và thuốc phiện ấy, cái ô che cho những băng của Phuốc và của Bôđoanh ấy, trơ trẽn tuyệt vời, lại đã nói đến bản văn thiêng liêng nhất, cao quý nhất của Đại cách mạng Pháp. Không còn là một sự giả nhân giả nghĩa nữa. Đây là một tội đại bất kính.

............................................. (2) .

Nghĩ cho lung, có khi tôi đã mắc sai lầm không nhận ra tấm lòng cao cả và tinh thần quảng đại của ngài Bộ trưởng của chúng ta. Biết đâu đấy, khi nhắc lại Bản tuyên ngôn đã làm cho Cộng hoà Pháp bất tử, ông Anbe Xarô lại chả muốn dùng một chiến thuật đường vòng để nhắc nhở dân chúng các thuộc địa trở về với những nghĩa vụ chân chính của mình? Từ đại lộ Thiên Văn Đài không chừng ngài có ý định, qua lời nói hùng mạnh của mình, kêu gọi những dân tộc thuộc địa hãy đi theo vết chân vinh quang của tổ tiên ngài mà chiến đấu, như tổ tiên ngài đã chiến đấu cho công cuộc giải phóng mình và cho quyền con người của mình. Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức.

Tự do, chống áp bức, đó là những điều mà ngài bộ trưởng muốn làm cho "những người anh em da mầu của ngài" hiểu, những người anh em này tuy đang bị một đế quốc ghê tởm nhất áp bức một cách tàn tệ nhất, nhưng vẫn còn cứ lịm đi trong một giấc mê man triền miên.

Chúng ta, những người con của các thuộc địa, chúng ta sẽ là những tên thật hèn nhát, nếu chúng ta không nhất tề đáp ứng lời kêu gọi của "ông anh cả của chúng ta": có tôi đây!

N

(Báo Le Paria, số 22, tháng 1-1924.)

----------------------------

Phong trào công nhân ở Viễn Đông (25-1-1924)

Ôxaca là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của nước Nhật, không bị thiệt hại gì trong nạn động đất vừa qua. Tai hoạ của những người Nhật khác đã tạo nên hạnh phúc cho bọn chủ nhà máy ở thành phố này, hiện nay chúng đang phát tài chưa từng thấy. Thế mà tiền lương của công nhân vẫn giữ nguyên như mức trước khi xảy ra tai hoạ đó, mặc dù giá sinh hoạt đã tăng lên không kém phần nhanh chóng, ảnh hưởng nặng nề đến túi tiền ít ỏi của công nhân. Bị lâm vào tình cảnh không thể chịu nổi ấy và trước sự từ chối của bọn chủ không chịu thực hiện những yêu sách cải thiện đời sống, công nhân các xưởng bông vải đã đình công từ cuối tháng 11.

Các yêu sách nêu ra là:

1. Tăng lương thêm 20%;

2. Giảm giá những thực phẩm do nhà máy cung cấp;

3. Cải thiện nhà ăn và buồng tắm;

4. Trả nửa lương cho các công nhân vì ốm đau không đi làm được;

5. Thu nhận lại những công nhân vừa mới bị đuổi.

Trước đây ít lâu, công nhân các công ty "Gai Viễn Đông" và "Nagôxai" do đình công mà đã được tăng lương. Công nhân ở công ty "Xensu" cũng đã được tăng lương ngay sau khi gửi bản quyết nghị đình công cho ban giám đốc. Các công ty khác thì chống lại. Họ lấy cớ rằng, tuy có rất nhiều đơn đặt hàng đấy, nhưng họ cũng không được lời lãi gì nhiều lắm, vì giá nguyên liệu đã tăng lên; và nói rằng mặt khác, vì không có đủ bông xơ nên họ chẳng chút gì lo ngại đình công cả.

Thực ra, họ đang sợ cuống lên. Họ đã cho cảnh sát địa phương, đồng thời gọi cả cảnh sát ở các thành phố lân cận đến đóng ngay trong thành phố. Họ đã cho bắt tổng thư ký Liên đoàn lao động và một số lớn cán bộ cùng những người đi biểu tình để hòng làm yếu phong trào. Mưu toan của bọn chủ chẳng đạt kết quả gì, vì cuộc đình công vẫn được lãnh đạo kiên quyết như hôm mới đầu, và công nhân thì quyết tâm đấu tranh đến cùng.

Anh em thợ điện và thợ máy đã tuyên bố đình công hưởng ứng. Công nhân các công xưởng nhà nước hứa sẽ dùng đủ mọi cách để ủng hộ các đồng chí của họ đang đấu tranh. Được ủng hộ như thế, nên những người đình công đều hết sức hăng hái và tin chắc sẽ nhất định thắng lợi.

Trong cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động ở Viễn Đông, có những chuyện thú vị mà ở phương Tây người ta sẽ không hiểu được, nhưng ở đây lại là những chuyện hoàn toàn có thực. Chẳng hạn như, muốn ngăn cản không cho công nhân liên kết với các đồng chí của họ đang đấu tranh, công ty Kisioađa đã cho khoá chặt các cửa ra vào. Nhà máy Cơnaoađa chế tạo các máy điện, không thể thoả thuận được với công nhân viên của họ về vấn đề công sá, nên đã quyết định cho nghỉ việc. Nhưng trước khi thải công nhân, nhà máy đó đã trả họ đủ bốn ngày công và tiền phụ cấp trong hai tuần!

Đình công chống chế độ quân phiệt.

Để phá vỡ tổ chức của công nhân vừa mới gây dựng lên, bọn chủ các hầm mỏ ở Suicaosun (Trung Quốc), đã cho điều binh lính của tướng Chao đến. Bọn này vừa tới nơi là chiếm đóng ngay câu lạc bộ của công nhân. Để chống lại hành động bạo ngược đó, ba nghìn thợ mỏ đã tự động đình công. Họ bao vây bọn lính và tìm cách tước vũ khí của chúng. Bọn lính nổ súng, làm bị thương nhiều người đình công. Tình hình đã diễn ra quá ý muốn của bọn chủ và chúng hiện đang ra công dàn xếp cho ổn.

Nhưng anh em thợ mỏ đã trả lời rằng họ chỉ trở lại làm việc khi nào những người bị nạn đã được bồi thường và các yêu sách của họ - gồm 9 điều - đã được thoả mãn.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Báo La Vie Ouvrière, ngày 25-1-1924)

----------------------------

Tình cảnh nông dân Trung Quốc (4-1-1924)

Trung Quốc căn bản là một nước nông nghiệp, 85% số dân là nông dân. Có thể chia họ ra làm bốn hạng: địa chủ hạng lớn, địa chủ hạng vừa, người có ít ruộng đất, bần nông và cố nông.

Trong nước có từ 250 đến 300 đại địa chủ hạng lớn có hơn 10.000 mẫu (1) ruộng đất. Phần nhiều là những quan to hay quý tộc. Chừng độ 30.000 địa chủ có hơn 1.000 mẫu và 300.000 có hơn 100 mẫu.

Địa vị xã hội của những người chủ sở hữu nhỏ có từ 10 đến 100 mẫu thì khá phức tạp và thay đổi luôn. Cũng có chừng ấy ruộng đất, một người nông dân có thể là kẻ bóc lột, là người bị bóc lột, hoặc là "trung gian".

Nếu gia đình có khá đông người để cày cấy lấy ruộng đất, thì người nông dân đó trở thành lớp "trung gian".

Nếu gia đình neo người, người nông dân đành buộc phải cho thuê rẽ số ruộng đất mà anh ta không thể làm được; thế là anh trở thành kẻ bóc lột.

Nếu gia đình quá đông người mà muốn đủ chi dùng, thì ngoài ruộng đất của mình ra, người nông dân còn bắt buộc phải thuê thêm ruộng đất của người khác; thế là anh ta bị vô sản hoá và chuyển thành người bị bóc lột.

Theo tài liệu của Bộ Canh nông, thì năm 1918 có 43.935.478 gia đình ở trong tình trạng không ổn định đó.

Có hai lối lấy tô: tô đong và tô rẽ. Theo lối thứ nhất, người có ít ruộng đất hay người bần nông lĩnh canh ruộng và đóng một số tiền tô nào đó trong một thời gian nhất định. Nếu được mùa thì người lĩnh canh cũng chẳng được dôi ra là bao, vì người chủ ruộng tính rất sát và không bao giờ chịu thiệt cả. Trái lại, nếu mất mùa, thì người lĩnh canh bị hoàn toàn phá sản, còn người chủ thì chẳng mất gì cả.

Với lối lấy tô rẽ, người chủ ruộng thu từ 35 đến 50% hoa lợi của mỗi vụ.

Vì chế độ ruộng đất Trung Quốc là chế độ phân tán từng mảnh, cho nên hầu hết tất cả mọi người nông dân dù nghèo đến đâu đi nữa thì trước kia cũng đều có được một mảnh đất để có thể "kiếm lấy nén hương cúng tổ tiên". Song, ngày nay, rất nhiều người tuyệt đối không có gì, thậm chí không có lấy "một miếng đất để cắm dùi" nữa. Họ chỉ có hai cánh tay không thôi. Muốn kiếm lấy bát cơm, họ đi ở hay đi làm mùa. Những người đi làm mùa không có công xá nhất định, cũng không có việc làm thường xuyên: hết vụ gặt, họ ra thành thị làm hay đi chài lưới. Những người lớn đi ở thì hằng năm kiếm được một số tiền tính ra khoảng từ 25 đến 40 đôla, cơm nuôi và áo mặc; các trẻ em đi ở chăn trâu bò thì được từ 3 đến 5 đôla một năm.

Sự thâm nhập của chủ nghĩa tư bản nước ngoài làm mất thăng bằng giá cả giữa các hàng chế biến và nông sản phẩm. Người nông dân luôn luôn bắt buộc phải bán rẻ thóc lúa hay khoai của họ để mua những dụng cụ hiện nay đắt hơn trước kia rất nhiều. Chủ nghĩa tư bản cũng làm cho người chủ ruộng mất cái đầu óc tập truyền và gia trưởng và đem thay bằng tính hám lợi rất dữ tợn. Cố noi theo gương các đồng nghiệp của chúng ở thành thị, bọn địa chủ tìm cách để ngày càng nắm độc quyền ruộng đất. Nhiều công ty khai khẩn đã được thành lập, bao gồm những đất đai vô cùng rộng lớn, và hất một số lớn tiểu nông ra ngoài. Những công ty như Công ty hữu hạn Phulilan có hơn 300.000 mẫu ruộng đất.

Lụt lội, bão táp, nạn đói, nội chiến đều gây ra cảnh cùng khổ cho nông dân.

Bọn quan liêu tham nhũng của chế độ quan lại cũng chịu phần trách nhiệm gây ra cảnh đói khổ ấy. Chính phủ đã lập những trạm thí nghiệm để tìm cách cải tiến nông nghiệp. Những cơ quan ấy vừa thành lập ra là đã trở ngay thành những miếng phó mát cho bọn quan lại, chứ không phải là những cơ quan để phục vụ nhân dân.

Một tai hoạ khác nữa là chủ nghĩa quân phiệt. Tất cả bọn tướng tá lớn nhỏ, kiểu Napôlêông, đều làm giàu cho bản thân họ, làm giàu cho bè đảng và cho bọn tay chân của họ, bằng mồ hôi nước mắt của nông dân là những người hàng năm phải đóng vào khoảng 225.000.000 đôla. Sưu thuế đè lên người tiểu nông nặng nề hơn bọn giàu có, vì bọn này phần nhiều là viên chức và bạn bè của bọn viên chức.

Sau hết, phương pháp làm việc cổ sơ và nền giáo dục lạc hậu lại còn làm cho đời sống của quần chúng cần lao càng thêm cực khổ. Năm 1918, hơn 15.500.000 nông dân và thợ thuyền đã bỏ nông thôn ra thành thị, làm cho số người bị bóc lột và đạo quân thất nghiệp ở thành thị tăng lên.

Muốn xoá bỏ tất cả những điều đó, các đồng chí Trung Quốc của chúng ta phải tiến hành mạnh mẽ một cuộc vận động khẩn trương để giáo dục quần chúng, làm cho quần chúng thấy thật rõ sức mạnh của mình, quyền lợi của mình, và có đủ khả năng thực hiện được khẩu hiệu "Tất cả ruộng đất về tay nông dân".

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Báo La Vie Ouvrière, ngày 4-1-1924)

----------------------------

Tình cảnh nông dân An Nam (4-1-1924)

Người An Nam nói chung, phải è cổ ra mà chịu những công ơn bảo hộ của nước Pháp. Người nông dân An Nam nói riêng, lại càng phải è cổ ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách thảm hại hơn: là người An Nam, họ bị áp bức; là người nông dân, họ bị người ta ăn cắp, cướp bóc, tước đoạt, làm phá sản. Chính họ là những người phải làm mọi công việc nặng nhọc, mọi thứ lao dịch. Chính họ làm ra cho lũ người ăn bám, lũ người lười biếng, lũ người đi khai hoá và những bọn khác hưởng mà chính họ thì lại phải sống cùng khổ trong khi những tên đao phủ của họ sống rất thừa thãi; hễ mất mùa thì họ chết đói. Đó là vì họ bị ăn cắp khắp mọi phía, bằng mọi cách, do các quan cai trị, do bọn phong kiến tân thời và Nhà thờ. Xưa kia, dưới chế độ An Nam, ruộng đất chia thành nhiều hạng tuỳ theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, tất cả những cái đó đều thay đổi. Khi cần kiếm tiền các quan cai trị người Pháp chỉ việc bắt thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt. Thế là người dân cày An Nam buộc phải nộp thuế cho đám ruộng của mình nhiều hơn số họ thu hoạch được.

Như thế vẫn chưa hết. Người ta còn tăng diện tích ruộng đất một cách giả tạo bằng cách rút ngắn đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên, nơi thì một phần ba, nơi thì hai phần ba. Điều đó chưa đủ để thoả mãn lòng tham không đáy của Nhà nước bảo hộ cứ mỗi năm lại tăng mãi thuế lên. Thí dụ, từ năm 1890 đến năm 1896, thuế đã tăng gấp đôi. Từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên một nửa và cứ như thế mà tăng lên mãi. Người An Nam cứ chịu róc thịt mãi như vậy và các quan lớn bảo hộ nhà ta thì quen ăn bén mùi cứ tiếp tục giở trò xoay xở mãi.

Có khi, tệ độc đoán đi đôi với tệ cướp đoạt. Thí dụ năm 1895, viên công sứ một tỉnh ở Bắc Kỳ đã tước mất của một làng nọ hàng bao nhiêu hécta ruộng đất để đem cấp cho một làng khác, là một làng theo đạo Kitô. Những người mất ruộng khiếu nại thì người ta bắt bỏ tù. Các bạn đừng tưởng chế độ cai trị vô liêm sỉ ấy chỉ có như thế thôi. Người ta còn bắt những kẻ xấu số bị mất ruộng phải nộp thuế cho mãi đến năm 1910, mặc dù ruộng đất của họ đã bị tước đoạt từ năm 1895!

Hết các quan cai trị ăn cắp, đến bọn chủ đồn điền ăn cắp. Người ta cấp cho người Âu những đồn điền nhiều khi vượt quá 20.000 hécta; mà những người Âu này thì ngoài cái bụng phệ và cái màu da trắng ra, không có mảy may kiến thức gì về nông nghiệp và kỹ thuật.

Những đồn điền ấy phần nhiều được lập ra bằng lối ăn cắp hợp pháp hoá. Trong thời kỳ xâm lược, người dân cày An Nam, cũng như người Andátxơ năm 1870, đã bỏ ruộng đất của mình lánh sang những vùng còn tự do. Khi họ trở về thì ruộng đất của họ đã "thành đồn điền" mất rồi. Hàng bao nhiêu làng đã bị tước đoạt đi như thế, và người bản xứ lâm vào cảnh phải lao động cho bọn chúa phong kiến tân thời, bọn này chiếm đoạt có khi đến 90% thu hoạch.

Lấy cớ khuyến khích việc khai khẩn thuộc địa, người ta miễn thuế điền thổ cho rất nhiều chủ đồn điền lớn.

Đã được không ruộng đất rồi, bọn chủ đồn điền lại còn được không, hoặc gần như được không cả nhân công nữa. Bọn quan cai trị cung cấp cho họ một số tù khổ sai làm không công, hay dùng uy quyền của chúng để mộ cho bọn chủ đồn điền những nhân công làm việc với một đồng lương chết đói. Nếu những người An Nam đến không đủ số hoặc họ không bằng lòng thì người ta liền dùng đến vũ lực; bọn chủ đồn điền liền bắt bọn hương lý, nện vào cổ họ, hành hạ cho đến khi những kẻ khốn khổ này chịu ký giấy cam đoan nộp đủ số nhân công cần thiết mới thôi.

Bên cạnh cái thế lực phần đời ấy còn có những đấng cứu thế phần hồn nữa, các đấng này trong khi truyền bá đức nghèo cho người An Nam, cũng không quên tìm cách làm giàu bằng mồ hôi và máu của người bản xứ. ở Nam Kỳ, chỉ riêng Hội Thánh truyền giáo cũng đã chiếm 1/5 ruộng đất trong vùng. Mặc dầu trong kinh Thánh không có dạy, song thủ đoạn chiếm đoạt những đất đai này cũng thật rất giản đơn: đó là thủ đoạn cho vay nặng lãi và hối lộ. Hội Thánh lợi dụng lúc mất mùa để cho nông dân vay tiền và buộc họ phải cầm cố ruộng đất. Vì lợi suất tính theo lối cắt cổ, nên người An Nam không thể trả nợ đúng hạn; thế là tất cả ruộng đất cầm cố bị rơi vào tay Hội truyền giáo.

Các quan cai trị cả lớn lẫn bé, được nước mẹ giao vận mệnh xứ Đông Dương cho, nói chung đều là những bọn ngu xuẩn và đểu cáng. Hội Thánh chỉ cần nắm được trong tay một vài giấy tờ bí mật, thuộc đời riêng, có tính chất nguy hại đến thanh danh, địa vị của các quan, là có thể làm các quan hoảng sợ và phải chiều theo ý họ muốn. Chính vì thế mà một viên toàn quyền đã nhường cho Nhà chung 7.000 hécta ruộng đất sa bồi của những người bản xứ, ấy thế là những người bản xứ này trở thành những người đi ăn xin.

Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa, kể cả chế độ thuế muối; rằng người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Báo La Vie Ouvrière, ngày 4-1-1924)

----------------------------

Phong trào công nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ (1-1-1924)

Với lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đáng khâm phục, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đã xé tan cái hiệp ước Xevơrơ (42) ghê tởm và giành lại được nền độc lập của mình. Họ đã đánh bại bọn đế quốc cùng lập mưu với nhau, và lật đổ ngai vàng của bọn vua chúa. Từ một nước kiệt quệ, bị chia cắt, giày xéo, họ đã dựng lên một nước cộng hoà thống nhất và mạnh mẽ. Họ đã làm xong cuộc cách mạng của họ. Nhưng, cũng giống như tất cả các cuộc cách mạng tư sản, cuộc cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có lợi riêng cho một giai cấp: giai cấp có của.

Giai cấp vô sản Thổ Nhĩ Kỳ, người đã đóng góp rất nhiều vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thì từ bây giờ đã thấy bắt buộc phải tiến hành một cuộc đấu tranh khác: cuộc đấu tranh giai cấp.

Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp công nhân của Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhiều trở lực. Ở Thổ Nhĩ Kỳ không có những công đoàn giống như ở phương Tây. Ở đây chỉ có những nghiệp đoàn, hoặc những hội tương tế tập hợp công nhân cùng ngành, sinh sống trong cùng một thành phố. Còn công nhân các ngành khác nhau trong cùng một thành phố và công nhân cùng ngành trong các thành phố khác nhau thì không có liên hệ gì với nhau. Tình hình đó làm trở ngại mọi hoạt động chung và có hiệu quả.

Mặc dù như vậy, suốt năm vừa qua người ta cũng đã nhiều lần thấy những hoạt động sôi nổi của công nhân. Nhiều cuộc bãi công đã nổ ra ở Côngxtăngtinốp, ở Sừng Vàng (1) , ở Aidin, v.v.. Công nhân in, công nhân đường sắt, nhân viên thương thuyền, công nhân các kho dầu lửa và các xưởng chế rượu bia đã tiến hành đấu tranh. Đã có tới một vạn công nhân tham gia phong trào. Sau những kinh nghiệm này, công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã hiểu rằng muốn thắng lợi thì họ cần phải có tổ chức và kỷ luật.

Đại hội Côngxtăngtinốp thành lập hội Biếclích2)

Mới đây, một đại hội công nhân đã được triệu tập ở Côngxtăngtinốp. Hai trăm năm mươi đại biểu tham gia đại hội. Họ thay mặt cho 19.000 công nhân Côngxtăngtinốp, 15.000 công nhân mỏ than ở Dônggunđắc và 10.000 người lao động cả các mỏ chì có bạc ở Balyacaraiđin.

Đại hội đã quyết định tập hợp 34 Đécnếch (3) hiện có thành một Biếclích, tức là một liên minh. Nghị quyết mạnh dạn đó đã làm cho chính phủ phải sợ hãi không dám công nhận Biếclích. Nên chú ý là thái độ của chính phủ đối với công nhân đã thay đổi nhiều. Khi chiến tranh kết thúc, khi vấn đề đặt ra là phải đuổi cổ những người nước ngoài thì chính phủ luôn luôn tỏ ra dễ dãi với công nhân, nhưng khi đụng đến vấn đề tổ chức công nhân thì chính phủ tỏ ra cũng phản động như tất cả mọi chính phủ tư bản chủ nghĩa khác. Do đó, sự phủ quyết của chính phủ không làm ai ngạc nhiên cả. Vả lại, mọi người biết rằng từ khi ký hoà ước Lôdannơ (43) thì bọn tư bản Thổ Nhĩ Kỳ đã ăn cánh với bọn tư bản nước ngoài, - bọn này sau khi đã tàn sát hàng vạn người Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ khổ sở nhưng vẫn không đặt được ách thực dân lên Thổ Nhĩ Kỳ, thì nay lại xâm nhập một cách hoà bình vào đất nước Trăng lưỡi liềm. Việc chính phủ từ chối không công nhận tổ chức Biếclích, chẳng khác nào một nụ cười duyên dáng dùng để khuyến khích giới tài chính quốc tế mà ba phần năm là nguồn gốc Pháp.

Nhưng giai cấp vô sản Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến được một bước đầu tiên. Nhất định họ sẽ còn tiến nữa.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Báo L'Humanité, ngày 1-1-1924)

----------------------------

Tình hình ở Trung Quốc (4-12-1923)

Cương lĩnh của các sinh viên cách mạng

Nguyên nhân của tình hình tồi tệ hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều. Trước hết Trung Quốc bị yếu vì sự mâu thuẫn giữa miền Bắc và miền Nam. Sau đó, tính chất thủ cựu của chủ nghĩa nghị trường bắt chước theo kiểu phương Tây và tham vọng mù quáng cá nhân của chủ nghĩa quân phiệt biểu hiện ở mức độ này hay mức độ khác dựa vào nước ngoài đang phá hoại Trung Quốc. Và cuối cùng là do những cường quốc tư bản chủ nghĩa từng phút một, cố ý gây ra sự rối loạn bên trong để kìm hãm thậm chí cả những cải cách không đáng kể.

Thế nhưng rất may mắn là tiếng vang của Cách mạng Nga hình như đã thức tỉnh thế hệ mới của Trung Quốc. Lực lượng trẻ mới ra đời có đầy nhiệt tình và sức sống. Điều này thể hiện đặc biệt rõ rệt nhất là Hội sinh viên cách mạng. Hội có khoảng 100 nghìn hội viên trong cả nước Trung Hoa. Hội xuất bản nhiều tờ báo, mỗi tỉnh có một hoặc hai tờ. Năm 1919, Hội đã khuyên đoàn đại biểu Trung Quốc từ chối ký Hiệp ước Vécxây. Đó là những người tham gia việc tổ chức tẩy chay Nhật Bản. ở Bắc Kinh, sinh viên đã thiêu huỷ những lâu đài xa hoa của hai bộ trưởng bán cho tư bản Nhật, buộc những người này từ chức và có những lời cảnh cáo xác đáng trước đối với họ. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ tư, Hội đã thông qua cương lĩnh chính trị, mà những điểm cơ bản của nó là:

Chính sách đối nội. Nghị viện và chính phủ phải thực hiện trung thực ý chí của nhân dân.

Hoàn toàn tự do tổ chức, hội họp, ngôn luận và báo chí.

Quyền đình công cho công nhân.

Địa vị độc lập của toà án.

Quan hệ quốc tế. Quyền tự quyết của các dân tộc.

Đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

Vấn đề phụ nữ. Bình đẳng về giáo dục chính trị và kinh tế cho cả nam và nữ. Thi hành hệ thống trường học thống nhất - tức là thành lập các trường học trong đó con trai và con gái cùng học.

Trả công như nhau cho lao động như nhau.

Quyền nghỉ ngơi và tiền trợ cấp cho trường hợp đau ốm và sản phụ.

Hội ủng hộ tất cả các yêu sách của công nhân.

Hội có mục đích: ủng hộ tất cả những yêu sách và mọi phong trào cách mạng của nông dân, công nhân và tiểu thương.

Hội kêu gọi tất cả nhân dân lao động và sinh viên tiến hành một cuộc tuần hành chung toàn quốc để tưởng nhớ những người công nhân đường sắt bị tướng Ngô Bội Phu giết chết trong thời gian đình công trên đường sắt Bắc Kinh - Hán Khẩu(1) . Hội coi việc giúp đỡ công nhân nạn nhân của cuộc đấu tranh, là nghĩa vụ của mình, vạch trần và lên án trước toàn quốc hành động tội ác của chính phủ và bè lũ quân phiệt của nó trong thời gian đình công.

Chúng ta cũng nói thêm là Liên đoàn sinh viên còn yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng khôi phục quan hệ với nước Nga.

NGUYỄN ÁI QUỐC

(Báo L'Humanité, ngày 4-12-1923.)

----------------------------

Nhật Bản (9-11-1923)

HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

Những biến cố gần đây đã làm cho cả thế giới chú ý đến Nhật Bản. Người ta nói nhiều về sức mạnh công nghiệp của Nhật, về việc phát triển kinh tế trước kia và sau này của nó. Mọi người biết rằng chủ nghĩa tư bản Nhật đạt được mức phát triển như vậy trong vòng 20-25 năm; để đạt được mức phát triển ấy, các bạn đồng nghiệp của nước Nhật ở phương Tây đã mất tới trên 100 năm.

Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nhật, các tổ chức công nhân cũng phát triển với những nhịp độ nhanh chóng. Bên cạnh phong trào vô sản, các phong trào khác có tính chất cách mạng cũng lan rộng. Đó là phong trào Eta. ở đế quốc Mặt trời mọc có một loại dân nổi tiếng dưới cái tên Eta. Về bề ngoài thì Eta không khác gì những người Nhật khác. Nhưng có một câu chuyện hoang đường là người Eta xuất thân từ những bộ lạc nô lệ xưa kia từ nước ngoài kéo vào. Vì vậy, cho nên hiện nay người ta lại đối xử với họ giống như đối xử với tổ tiên họ. Họ buộc phải sống trong những vùng dành riêng cho họ, nơi mà không bao giờ người Nhật được lui tới. Họ không có quyền giao thiệp với nhân dân Nhật. Họ chỉ có quyền quan hệ với người Nhật với tư cách là những người hầu hạ. Họ nhận làm những công việc nặng nhọc và bẩn thỉu nhất. Bẩn thỉu, thấp hèn - đó là người Eta. Người Nhật không được lấy phụ nữ người Eta. Nói tóm lại là họ không có một chút quyền hạn xã hội gì, và số phận của họ làm cho người ta nhớ đến số phận của những đám người "Suđra" ở ấn Độ hay những người da đen ở châu Phi. Người Eta có 3 triệu người. Do ảnh hưởng của những người vô sản đã giác ngộ, những người Eta bắt đầu được thức tỉnh và có tổ chức. Họ thành lập một hội lấy tên là "Xuikhây" ("Bình đẳng"). Mọi người nhiệt tình xin vào hội và năm ngoái hội nghị toàn quốc đầu tiên của hội này được triệu tập. Có 2.500 đại biểu từ khắp nơi trong nước về dự hội nghị. Hội nghị đã nêu khẩu hiệu: "Hoàn toàn bình đẳng". Phương châm của hội nghị: "Việc giải phóng Eta là sự nghiệp của chính người Eta". Những tổ chức tự do và của chính phủ lo lắng trước việc xuất hiện một lực lượng mới nên định nắm lấy nó dưới sự bảo hộ của mình. Nhưng họ đã không thành công.

Trong khi tất cả các cánh cửa đều đóng chặt trước mắt họ, thì những người công nhân Eta lại được những người công nhân Nhật có tổ chức đón tiếp một cách hết sức thân tình dựa trên sự bình đẳng hoàn toàn. Họ đã hiểu rõ được sự đón tiếp đó. Vì vậy ngày nay, khi từ chối mọi sự quan tâm giúp đỡ của những người tự do và của chính phủ, những người Eta thực hiện sự nghiệp chung cùng với giai cấp công nhân Nhật Bản. Phong trào lúc đầu với tư cách là cuộc đấu tranh của lớp người riêng lẻ thì hiện nay đã trở thành cuộc đấu tranh giai cấp.

Trước khi khai mạc đại hội trong năm nay, những người Eta đã ra một bản kêu gọi "Gửi tất cả những dân tộc ít người, tất cả những người lao động - nạn nhân của tư bản thế giới và chủ nghĩa đế quốc". Trong lời kêu gọi có nói về những nỗi đau khổ đã trải qua và về sự viển vông của những cải cách mà chính phủ đã đưa ra, có nhấn mạnh việc "những người Eta sẵn sàng sát cánh cùng giai cấp công nhân Nhật làm cách mạng xã hội và giải phóng tất cả những người bị bóc lột". Trong cương lĩnh hành động của họ có những điểm đặc trưng chứng tỏ hội có nghị lực và tính kiên quyết:

A. Từ chối sự giúp đỡ từ thiện trong đó có sự giúp đỡ của chính phủ.

B. Đào tạo cán bộ cho những hoạt động tích cực.

C. Thành lập các công đoàn của nông dân.

D. Thành lập các chi bộ của hội cho phụ nữ và thanh niên.

E. Thành lập các thư viện, báo chí và các cơ quan báo chí khác để phổ biến giáo dục và tuyên truyền tư tưởng bảo vệ quyền lợi của những người Eta.

G. Đòi tự do hoàn toàn về chính trị và kinh tế cho những người Eta.

Bây giờ chúng ta chuyển sang một lực lượng cách mạng khác - nông dân Nhật.

CÔNG NHÂN NÔNG NGHIỆP

Khi nói về công nhân nông nghiệp ở Nhật Bản thì cần phải nghiên cứu các tổ chức công nhân nông nghiệp ở phương Tây để so sánh.

ở châu Âu có 1.517.000 công nhân nông nghiệp có tổ chức, trong đó 919.000 người tham gia Quốc tế Amxtécđam (39) và 598.000 người tham gia Quốc tế đỏ của các công đoàn. ở nước Nga có 270.000 công nhân nông nghiệp có tổ chức được thống nhất trong 8.000 nhóm công đoàn, tham gia vào trong 87 tổ chức công đoàn.

Nông dân Nhật chia làm bốn loại:

1. Dixacunô hay những người sở hữu, loại này có 172.241 hộ.

2. Dixacunô loại hai, hay những người sở hữu nhỏ, - 1.507.341 hộ.

3. Khandixacunô: nửa chủ, nửa thợ, - 2.244.126 hộ.

4. Côxacunin, hoặc những người tá điền, - 1.557.847 hộ.

Từ năm 1916 đến năm 1922 số lượng Dixacunô đã tăng thêm 7.035 hộ, còn Côxacunin, - thêm 32.858 hộ do sự phân hoá hai nhóm trung gian. Điều đó khẳng định lại một lần nữa tính chất đúng đắn của học thuyết Mác về sự thu hút và vô sản hoá các tầng lớp trung gian.

Tổ chức công nhân nông nghiệp của Nhật được thành lập cách đây mới được ba năm, nhưng nó phát triển nhanh và được củng cố. Có hai công đoàn: công đoàn phía Đông và công đoàn phía Tây. Công đoàn phía Đông có trung tâm của mình là Tôkiô, còn phía Tây là Ôxaca và Côbê. Tất cả có 85 chi nhánh các công đoàn, 196 nhóm, tổng cộng tất cả 120 nghìn đoàn viên. Năm 1922 ở công đoàn phía Đông có 15 nghìn đoàn viên, còn công đoàn phía Tây 91 nghìn. Năm nay họ có 18 nghìn đoàn viên công đoàn phía Đông và 102 nghìn đoàn viên công đoàn phía Tây, có nghĩa là số lượng của họ tăng lên 14 nghìn trong một năm. Điều đó có nghĩa là ở Nhật Bản đang xảy ra một quá trình phát triển ngược lại với quá trình phát triển của các tổ chức công nhân nông nghiệp ở các nước châu Âu (trừ Đức và Nga), nơi có số lượng hội viên đang giảm xuống chứ không tăng lên.

Như chúng ta đã thấy ở trên, công đoàn phía Tây có số lượng nhiều hơn nhiều công đoàn phía Đông, nhưng nhờ tinh thần tiên tiến của các đoàn viên của mình và nhờ họ có nghị lực nên công đoàn phía Đông có ảnh hưởng lớn hơn công đoàn phía Tây. Hầu như công đoàn phía Đông bao giờ cũng là người đề xướng ra cuộc đấu tranh chống lại chủ.

Đặc điểm "chính trị - địa lý" ấy có thể thấy cả trong những công nhân công nghiệp. Công đoàn phía Tây ôn hoà, có số lượng đông bị lôi kéo theo đuôi công đoàn phía Đông tiên tiến có số lượng ít.

Những yêu sách cơ bản của công nhân nông nghiệp là xã hội hoá tất cả đất đai canh tác, sách lược phổ biến nhất của cuộc đấu tranh là không đi làm trong thời gian thu hoạch mùa màng. Năm 1920 đã ghi nhận lại được 408 cuộc đình công, và năm 1922 - lên tới 1.398.

Vào tháng 1 đã có quyết định thống nhất hai công đoàn này, Công đoàn mới được gọi là "Nikhơnnôminkhai". Việc thống nhất này làm cho giai cấp vô sản nông nghiệp ở Nhật Bản tăng thêm sức mạnh và là một mối lo ngại lớn đối với bọn chủ.

N.A.Q.

(Báo La Vie Ouvrière, ngày 9-11-1923.

In trong sách: Hồ Chí Minh, Những bài viết và nói chọn lọc, tiếng Nga, Nxb. Chính trị quốc gia, Mátxcơva, 1959, tr73-76.

Dịch theo bài in trong sách Những bài viết và nói chọn lọc. )

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro