họ nghĩ gì về tôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chào các bạn,

Nhiều người trong chúng ta dành cả ngày để lo lắng “họ nghĩ gì về mình”. Ngồi nói chuyện thì, trước khi nói, lo lắng không biết là nói thế này thì họ nghĩ gì về mình. Trong khi nói thì cố làm cho mọi người cùng bàn biết là mình thông thái. Nói xong rồi, tối nằm ngủ cũng lo lắng không biết là người ta có phục mình không, hay còn người không phục, hay đa số nghĩ là mình nói phét…

Sự thật là, chẳng ai nghĩ nhiều về bạn cả. Mọi người đền bận rộn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về họ, cho nên chẳng ai dư thời giờ nghĩ nhiều về bạn.

Hơn nữa, đừng tốn mỗi giây phút trong đời quan tâm về việc người khác nghĩ gì về mình. Tiếng Anh gọi đó là self absorbed, tức là tư tưởng của mình chìm đắm vào chính mình, hay self centered, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Ngoài tôi chẳng còn ai, chẳng còn gì, đáng quan tâm.

Điều thực sự đau lòng là toàn thể nhân loại chúng ta được giáo dục để xem mình là trung tâm của vũ trụ như thế: Học nhiều cho giỏi, diện vào cho đẹp, nổi tiếng để được nhiều người biết, học giỏi để mai mốt làm lớn, làm việc siêng năng để mai mốt giàu có… Có một mô hình giáo dục nào trên thế giới không nhồi sọ toàn thể trẻ em và người lớn vào “tôi, tôi, tôi, tôi, tôi…” như thế không, các bạn?

Cho nên nếu các bạn sống cả ngày chỉ lo làm sao để người khác phục mình, yêu mình, trọng mình… đó cũng không phải là chuyện lạ. Mọi chúng ta đều là nạn nhân của nền giáo dục “trọng tôi” của con người.

Chuyện lạ là, đại đa số loài người chẳng biết, và cũng chẳng muốn biết, cách thoát ra khỏi cái bẫy giáo dục “trọng tôi” đó. Thực sự là có những cách tư duy khác có rất ít “tôi”, có thể giải phóng chúng ta ra khỏi ngục tù tư tưởng, tung cánh tự do trên khung trời vô tận của tâm trí. Quả thật là đáng thương cho những người không hề biết đến những tư duy giải phóng này!

Điều đầu tiên bạn có thể làm được là chỉ nên quan tâm đến suy nghĩ của thiên hạ khi bạn đang dự tính làm gì đó có thể có ảnh hưởng đến thiên hạ, làm xong rồi thì quên thiên hạ đi. Ví dụ: Khi viết một phản hồi hay một bài để post trên blog, thì để ‎ý đến từ ngữ một chút để thiên hạ không hiểu lầm bạn hay không cảm thấy bạn nhục mạ họ khi đọc bài. Viết cẩn thận xong rồi, post rồi, thì thiên hạ nghĩ gì đó là việc của họ. Khi nào có người hiểu lầm cần giải thích thêm thì hãy tính, từng ngồi đó cả ngày cả đêm thắc mắc không biết thiên hạ có phục tài viết của mình không.

Quy tắc sống là: Đừng quan tâm người khác nghĩ gì về bạn, hãy quan tâm bạn nghĩ gì về người khác. Đây là thần dược để mang tự do đến cho bạn, đưa bạn ra khỏi cái bẫy “trọng tôi” mà bạn đã bị kẹt từ hồi mới sinh ra.

Việc người khác nghĩ về bạn hoàn toàn không quan trọng. Bạn nghĩ gì về người khác mới quan trọng. Suy nghĩ của người khác là chuyện của người khác, bạn chẳng có quyền lực gì. Suy nghĩ của chính bạn về người khác là chuyện của bạn, và bạn có quyền lực 100% trên sự suy nghĩ của bạn.

Bạn nghĩ về người khác với quả tim dịu dàng, yêu ái, khâm phục, đồng cảm? Hay bạn nghĩ về người khác với ganh ghét, giận dữ, nghi ngờ, cạnh tranh, hơn thua?

Điều bạn nghĩ về người khác có thể chẳng liên hệ gì đến tính chất thật của người khác cả, nhưng liên hệ 100% đến chính con người của bạn — người tiểu nhân nghĩ về người khác như là những tiểu nhân, kẻ quân tử nhìn người khác thấy toàn quân tử. Phật nhìn ai cũng thấy Phật, ma nhìn ai cũng thấy ma.

Cho nên, nếu các bạn muốn có được tự do thật sự, vượt thoát được ngục tù tư tưởng mình đã sống từ thời tấm bé, vì hãy bắt đầu quan tâm về tư duy của bạn về những người quanh bạn—đó là một tư duy lấy nhân ái và đồng cảm làm căn bản? hay tư duy đặt trên kiêu căng, cạnh tranh và phán đoán?

Và bạn có thể tự kiểm chứng điều này: Nếu bạn là loại người tối ngày lo lắng người khác nghĩ gì về bạn, thì cái nhìn của bạn về người khác thường rất nhiều phán đoán và nghi ki.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến

© copyright 2010

Trần Đình Hoành

Permitted for non-commercial use

www.dotchuoinon.com

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro