.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện kể về hành trình đánh nhau của tôi với căn bệnh khi đi bệnh viện khoảng một tuần. Ngày đầu tiên khi đến, đó là khi tôi sắp bước đến tuổi 18, có lần tôi bị sốt xuất huyết. Sốt vừa cao, vừa khó ăn khó uống, nước cam tôi cũng chẳng chịu nốc, cháo tôi cũng chẳng chịu ăn chỉ ngủ qua ngày cho xong. Thế là tôi bị ba mẹ đem đến cái bệnh viện, ban đầu tôi mệt lắm có nhận thức được quái gì đâu, vừa đến bệnh viện tôi chết ngất ở đó, để bố mẹ lôi tôi đi lấy phòng rồi mới ngủ. Mở mắt ra là ngày đầu tiên ở bệnh viện của tôi, một buổi sáng đầu tuần lạ lẫm với nơi vô cùng mới. Giường nệm trắng, phòng nhiều người và trên hết nhà vệ sinh vô cũng ghê sợ, thứ đã ám ảnh tôi những ngày đầu. Ngày đầu tiên, tôi phải đi lấy mẫu máu vì dù gì người bệnh như tôi mà không xét nghiệm thì có họa xảy ra mất, lúc tôi đi, tôi vui lắm cơ mà lúc về người tôi dẻo mềm hết sức như cọng bún, về đến phòng thì được bón cho ăn, cho uống. Chỉ khổ phải nằm rồi truyền bao nhiêu là nước rồi kim tiêm chống ói vào người, tôi mệt lắm chứ, còn chẳng đi đứng nổi, chả ăn được đâu vào đâu cả. Đỉnh điểm nhất là khi được bón ăn lẫn uống, bụng tôi đâm... "dở chứng", lúc đi thì phòng bệnh tôi phải qua một hành lang nhỏ bên phải là vườn hoa xum xuê úa sắc. Đến cái nhà vệ sinh thì nó vừa hôi, vừa dơ như chẳng ai thèm dọn, đã thế lavabô còn chẳng có, chỗ ngồi lên bồn cầu càng không. Cái đèn thì cứ chớp tắt chớp tắt ban ngày tôi không nói nhưng đến đêm sợ lúc nó tắt thấy bóng ai bên ngoài chắc tôi chết ngất ở trỏng luôn. Cùng buổi chiều hôm ấy, khi giải quyết xong xuôi dưới "địa ngục trần gian" ấy, tôi trông thấy một cô gái dáng người mảnh, hơi gầy, mái tóc nâu sẫm và làn da trắng ngồi ngắm hoa, cô gái ấy nhìn dễ thương lắm, ngồi đó mãi cứ nhảy nhót rồi hái hoa lên xem. Chỉ đến khi tôi dán mắt vào cô ấy đủ lâu để quên mất, cô ấy đang nhìn chính mình.
- Chào đằng ấy, sao đằng ấy nhìn mình dữ thế?
Bất giác bị hỏi tôi cuống quýt lên ngại ngùng.
- À, mình chỉ đang "ngắm hoa" thôi.
- Xì, thế đằng ấy nay bao tuổi rồi- Cô ấy hỏi tôi giọng hớn hở lắm.
- Nay tớ được 17.
Nói đến thế, mặt cô ấy cười mỉm đắc ý bảo tôi rằng:
- Thế từ này gọi mình bằng "chị" nhé, chị lớn hơn em tận 2 tuổi đó.
- Trời có hai tuổi thôi mà.
Trông chị ta mặt dỗi lắm khi tôi không chịu gọi chị, nhưng mà... cũng phần nào dễ thương lắm. Đó là buổi đầu tiên ở bệnh viện của tôi, giường cứng, nhà vệ sinh tồi tàn và trên hết là cô bạn gái mới. Buổi tối đến, nơi mà cây lá xào xạc ngoài vườn những ông những bà nói chuyện rồi đến tiếng em bé khóc. Mọi thứ luôn bên tai tôi chẳng sao quen nổi, đèn bệnh viện vẫn luôn mở sáng, đêm đến mà tôi cứ tưởng trời vẫn còn sáng, còn mơ. Thế là hầu như ban tối ngày đầu tiên là thế, tôi chẳng sao quen được không khí này nên tôi vẫn chằn trọc mãi chẳng ngủ cho đến tận tờ mờ sáng. Trời vẫn mang chút miên mang của màn đêm nhưng những cô y tá đã đến, họ đo nhiệt cho tôi, phát thuốc rồi dẫn tôi đi lấy máu xét nghiệm. Lần đầu đi lấy máu tôi xuýt ngất, có lẽ vì cơ thể tôi yếu nên vừa rút kim lấy máu ra là người tôi lạng quạng như sắp rớt, mẹ phải chạy vội đi mua bánh trái cho tôi. Lấy máu, uống thuốc và ăn sáng xong là khoảng thời gian tôi chơi, tôi nghịch. Lúc này, tôi đi thăm quan khắp khu bệnh viện nơi tôi ở, bệnh viện này có tới 3 khu lớn: đầu tiên là khu trung tâm, là nơi tiếp nhận bệnh nhân, các em nhỏ và người lớn bị bệnh. Sau khu trung tâm này được chia thành 2 bên: bên phải là khu nội và trái là khu ngoại. Khu nội là nơi dành cho những ai bị thương trong và khu ngoại là nơi dành cho những ai bị thương ngoài, mẹ tôi bảo thế. Mỗi lần tôi lấy máu và ăn xong trưa và chiều tôi đều mang theo cây nước biển xách nó đi khắp nơi, nào là sảnh trung tâm nào là khu nghỉ dưỡng và thể dục của các ông bà rồi đến cái vườn thuốc của bệnh viện. Tại vườn thuốc ấy có những cây lạ hoắc, có cây xum xuê, cũng có cây như cái bụi màu xanh màu đỏ nhìn thích mắt lắm. Nhưng thích mắt nhất chắc là loài "cây" màu nâu đang ngồi ngắm cỏ dại hơn, tôi không biết chị ta bị sao hay có nặng không, chỉ biết nhìn rất...đẹp. Tôi cứ nhìn lén một lúc rồi lấy hết can đảm cũng tiến lại bắt chuyện.
- Chào chị nhé.
Trông thấy tôi, mặt chị ta hoang mang dữ lắm nhưng mà tôi cũng không biết tại sao lại như vậy.
- Ơ thằng nhóc, em đi đâu đây.
- Đi dạo, bộ em không được à, mà em thua chị có 2 tuổi vầy mà bị bảo là thằng nhóc.
Bị nói là "thằng nhóc" tôi đâm cọc, dù gì năm sau tôi cũng học 12 cũng gọi là biết tí mùi đời vậy mà chị ta nỡ lòng nào gọi tôi như thằng bé còn hôi sữa.
- Hì hì, thôi lại đây ngồi chơi với chị nè.
Giờ tôi mới chú ý, mấy thằng bị bệnh cỡ tôi chỉ cần mặc đồ thường, lấy máu và xét nghiệm là đủ. Còn chị ấy, phải mặc một bộ đồ màu trắng, quần dài và một chiếc vòng tay cùng đôi dép quai màu xanh biển. Tôi không biết chị bị bệnh có nặng không, tại vì hầu hết chỉ những cô y tá hoặc những bệnh nhân nặng lắm mới phải thay đồ như thế. Chiều hôm ấy hầu hết tôi dành thời gian cho chị ấy, đi cùng chị ấy đến hết vườn cây, hết vườn lại đến những khu khác cứ đi dạo qua, dạo lại một hồi.Bỗng bàn tay ấy nắm chặt lấy bàn tay tôi, mặt mang một nụ cười mỉm nhìn tôi với vẻ phúc hậu lắm.
- Chị dẫn em đến một nơi chỉ chị biết thôi nhé!
- Dạ, vâng ạ.
Tôi chỉ đáp thế rồi lẳng lặng theo sau, bàn tay ấy hơi ấm đã vơi đi chút nhưng vẫn mang cảm giác mềm mại của một người thiếu nữ, chị ấy dẫn tôi ra sau chỗ để xe cấp cứu của bệnh viện, nơi đó là một khu vườn hoa, một vườn hoa cỏ đẹp lung linh tươi màu xuân sắc đến tôi.
- Đẹp không?
Tôi bị hỏi khi đang cảm nhận cái xuân sắc ấy, cái màu xanh lam nhạt hoa cỏ vươn lên tận tim tôi bồi hồi và xao xuyến.
- Dạ đẹp lắm ạ
- Ừ, chị biết mà hì hì.
Hai đứa tôi nắm tay nhau, đi trong những bụi cây, cỏ may bám đầy quần chị và tôi, những cọng cây xấu hổ, những túm cỏ hoa đâu đâu cũng thấy một màu xanh nhạt và màu cỏ sơ xác. Tụi tôi chỉ chơi thế rồi mỗi người về phòng của chính mình, tôi có biết chị cũng ở khoa nội bên tôi nhưng chị ở tận tầng 2 và chị bị chứng viêm phổi và xương thủy tinh nên rất khó để phẫu thuật... Từ lúc tôi biết được những căn bệnh quái ác tồn đọng trong người chị, cái nhà vệ sinh không còn làm tôi buồn bực nữa. Lần này tôi chỉ biết ngắm ra khu vườn nhỏ, nhớ đến hình bóng cô gái chơi với những bông cỏ một mình, điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Đêm đó có lẽ vắng đi những tiếng khóc, tiếng trò chuyện hay chỉ đơn giản là tôi không cảm nhận được, chỉ đơn giản là trong lòng tôi giờ đang có cô gái nào khác, tôi không ngủ được. Ngày thứ ba đến, cũng là khi tiết trời còn tờ mờ sáng, cô y tá đã đến, cô ấy đo huyết áp cho tôi đồng thời lại dẫn tôi đi. Cũng như lần trước tôi vẫn chưa quen với việc này nên khi lấy xong, tôi cũng mệt mỏi đến độ phải nằm ra dãy ghế hồi sức một lúc, chỉ là không mệt như hôm qua. Khác với hôm qua, lần này tôi đã biết được phòng chị ấy vì thế nên tôi xuống căn tin bệnh viện, mua bát cháo gói mang lên phòng chị ấy luôn. Chị ta ở cùng phòng với một bà lớn tuổi bị chứng rối loạn tiêu hóa và một thằng bé bị thủy đậu trông tội lắm, cả người cứ sức thuốc tím li ti vào chỗ và trông mệt mỏi hết sức. Tôi chỉ mua mỗi một bát cháo và...1 cái muỗng thế nên người nghĩ theo hướng tích như tôi sẽ được gọi là hôn gián tiếp, còn nếu nghĩ theo hướng tiêu cực thì tôi phải ăn chung với người bị viêm phổi. Tôi ngồi lên chiếc giường ga trắng ấy, tay bưng tô cháo để lên chiếc tủ sắt và kéo vội cây treo bịch nước biển đang cắm vào cổ tay chị, nhẹ nhàng đến rồi đỡ chị dậy. Chúng tôi cứ thế, ngày ngày hết đút cho nhau ăn lại chạy nhảy trong cánh đồng cỏ ấy. Hôm ngày thứ tư kéo đến, cây lá như xào xoạc, tiết trời như trở lạnh hơn, hoa cỏ như se lại ôm lấy lẫn nhau trong cái buổi trời ấy, trời xuân sắp trở đông, cây lá như mất màu còn chị ta cứ như thêm màu sắc trong mắt tôi, chị ấy cứ ngồi đấy, ngắm nghía những bông cỏ trên tay. Bất chợt, chị gọi tôi lại bên.
- Em ngồi xuống đây đi.
- Dạ, đợi em xíu
Tôi cũng đáp lời, ngồi bệt xuống kề chị ấy, mái tóc tỏa hương thảo theo lối gió, nắng nhẹ đáp lên tóc chị đẹp lung linh. Bàng quàng, bỡ ngỡ khi chị đặt lên tôi một chiếc vòng cỏ, chiếc vòng mang một màu sắc xuân được đan tay một cách khéo léo và tỉ mỉ như chứa đựng tình cảm dành cho tôi.
- Cho em nè!
- Nhưng chị làm cực lắm mà, chị mang mới đẹp-mặt tôi đỏ hoe trước chiếc vòng chị tặng, miệng ấp úng nhìn chị cười gượng.
- Em cứ mang đi, nào chị làm thêm cái nữa rồi mình cùng đeo.
Vừa nói, chị vừa cười với tôi. Khi chị cười giống như nắng đầu mùa ôm lấy tôi nhẹ nhàng. Từ ngày tôi gặp chị, cuộc sống tôi bỗng nhẹ tênh. Cây thôi đua mình mà chỉ rì rào theo lối gió, mây cứ lẳng lặng trôi một màu. Từ ngày được gặp chị ấy, giống như tôi được mở lòng hơn cảm nhận với xung quanh. Ngày trước, tôi chỉ biết lăm le làm đồ án, làm xong thì ngủ qua ngày, mỗi ngày như thế với tôi thật tẻ nhạt. Còn bây giờ, cuộc sống như là món quà, như là thứ tôi phải cảm nhận nó như một lẽ tự nhiên vầy. Ngày thứ năm, hôm nay tôi không qua chị ấy, vì chị bảo chị cần xét nghiệm. Nên hôm nay chỉ có một mình tôi lang thang khắp bệnh viện, tiện kể về phòng tôi, phòng tôi chỉ cách căn phòng bệnh dành cho phạm nhân có vài mét. Đúng rồi! là căn phòng bệnh cho người phạm tội, lúc tôi đi thăm quan mọi cửa sổ phòng hay cửa sổ thông gió đều có hàng rào sắt bao lại như cầm tù. Có lần tôi lén nhìn qua, chỉ thấy một bóng người là con trai, chú ấy đang nằm võng và đọc báo. Kề bên căn buồng ấy có một cây thuốc, tôi đánh giá nó là cây thuốc đẹp nhất. Dáng nó cong cong, hoa lá tỏa ra trông rất vui mắt chỉ là tôi không dám lại gần  để xem mà chỉ dám từ xa nhòm vào. Mẹ tôi kể, mỗi lần chữa bệnh cho phạm nhân phải có đến 3-4 người vào cùng lúc vì ai cũng sợ, đến khi khám xong thì họ khóa lại buồng luôn nên tôi chỉ nhìn được dáng người chứ chẳng có dịp trông trực tiếp. Có lẽ chú ấy giống như mối nguy hiểm đối với tụi con nít vì hễ lại gần là bị người lớn dọa ngay, mỗi lần như thế chúng nó khóc không ngớt báo hại tôi chẳng ngủ cho được.Còn về phần tôi, hiện giờ tôi không cảm thấy sợ chút nào vì đã có lần, khi tôi đi ngang qua cái vườn cây thuốc tôi nghe thấy tiếng kêu như thể gọi mình lại.
- Nhóc, lại đây.
Tôi giật bắn mình, quay đi quay lại xem tiếng kêu từ đâu đến. Thì mới biết nó phát ra từ trong buồng giam phạm nhân, chú ấy kêu tôi lại nhưng vì lúc đó tôi đâm sợ nên chỉ dám tiến có mấy bước. Thấy tôi nhát cáy, chú ấy la lớn:
- Chụp nè nhóc.
Tôi làm theo lời nói, bắt được một cục kẹo chắc từ những năm 90 lạ hoắc nhưng rồi trong lòng tôi đâm lẫn lộn, tự hỏi làm sao chú có kẹo hay sao lại cho mình. Tôi cứ thế vừa nghĩ vừa chạy đi nhưng cũng không quên quay lại với vẻ mặt thích thú.
- Cháu cảm ơn chú ạ.
  Ngày thứ sáu, chắc cũng là ngày buồn nhất. Ngày mà tôi đi khắp nơi, từ phòng chị đến những vườn hoa cỏ. Sáng sớm dậy, tôi vẫn phải đi xét nghiệm xem bệnh tình mình có trở nặng không, khi mọi việc xong xuôi hết tôi liền ra căn tin, vẫn mua một bát cháo nóng hổi mang lên tầng hai để gặp chị. Nhưng thứ trước mắt tôi chỉ là khung cảnh vắng hoe, bà già lớn tuổi và thằng bé bị thủy đậu vẫn ở đó nhưng chỗ của chị giờ chỉ còn là cái giường mất ga và tủ sắt để trống. Mọi thứ như đường đột với tôi, mang theo tô cháo về phòng ăn vội rồi đi khắp nơi, từ khuôn viên, sảnh chờ cho đến cánh vườn nơi tôi gặp chị. Những nơi ấy giờ chỉ còn vương lại chút hương thảo nhưng người thì tôi chẳng thấy đâu, chỉ tự hỏi "ngày hôm nay sao trôi nhanh một cách lạ thường?" Mọi thứ như nhạt màu hơn khi vắng bóng chị, đến cả tôi còn chưa kịp trò chuyện nhiều với chị mà tại sao lại đường đột như thế. Cả buổi chiều ấy tay tôi nắm chặt chiếc vòng hoa, cứ thế mang đi khắp nơi, cỏ rơi vương vãi khắp nơi tôi bước đi. Cỏ may bám đầy gấu quần tôi, hoa thì vươn ra đầy sảnh, chỉ có tâm hồn tôi là đang chết lặng. Tối đến, tôi cứ suy nghĩ. Ánh đèn bệnh viện bầu bạn cũng tôi, những bản nhạc buồn vang lên trong tâm trí tôi, tiếng dế tiếng cóc nhái ngoài vườn như bừng tôi tỉnh giấc. Ngày xưa tôi sợ ban đêm lắm, sợ vì khi không ngủ được ma quỷ sẽ bắt tôi đi. Giờ tôi cũng sợ ban đêm, sợ sau buổi đêm ấy mọi người sẽ thay đổi, mọi người...sẽ bỏ tôi lại. Ngày thứ bảy, những ngày này tôi đều phải đi xét nghiệm, nhưng cũng với giấy báo xét nghiệm, tôi được xuất viện. Buổi sáng khi tôi chẳng thể ngủ về đêm trước, người tôi như thiếu máu vì chứng mất ngủ nhưng tôi vẫn phải lên xét nghiệm, bác sĩ cứ rút từng ống máu trên tay tôi để lại những vết máu loang lỗ. Còn chị ấy thì rút thẳng máu từ trong tim tôi, để lại một lỗ hổng vô cùng lớn. Tôi đi xung quanh lần cuối, để nhớ lại những gì mình đã từng cùng chị đi qua, chỉ biết âm thầm xin lỗi vì chiếc vòng tôi đã lỡ làm nó tung tóe mất. Tôi đi để lại một nhành hoa nơi chị hay ngắm những bông cỏ, cũng để lại thư tay nhưng tôi đoán nó sẽ mục rữa theo ngày, tôi chỉ biết để lại kỉ niệm ở lại. Buổi trưa hôm ấy, ba tôi đến để làm thủ tục xuất viện cho tôi, trên băng ghế nhựa ánh mắt tôi cứ hướng đến cánh đồng cỏ lau, cánh đồng chứa đựng những lời chưa nói. Sau lưng ba tôi về nhà, tôi cứ nghĩ khi về mình sẽ được chào đón vui nhộn lắm chứ, tôi cứ nghĩ chị sẽ nhìn theo tôi vẫy tay chào và cười mỉm chứ, tôi cứ nghĩ... à thì thôi, dù sao cũng chẳng thể gặp lại.

Tôi được nghe kể rằng hôm ấy, chị chuyển viện. Chị có để lại bức thư trong ngăn bàn sắt, nhưng chắc lúc đó tôi đâm giận mà không xem. Phải đến lúc lớn tôi mới biết được lá thư ấy và cả thông tin liên lạc. Chị vẫn khỏe, chỉ là lời nói mong dành cho nhau đã phai theo những bông hoa mùa xuân khi ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro