Kẹo Lạc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Cụ Phương là người lớn tuổi nhất thôn Giang. Cụ cũng chẳng nhớ mình đã sống được bao nhiêu năm, chỉ nhớ là cụ nếm qua cái mùi chiến tranh hai lần rồi. Thời đấy người ta nghèo lắm, cái củ khoai chống đói đã quý hóa lắm rồi. Nhà cụ Phương còn nghèo hơn thế. Người cụ gầy tong teo, da nhợt nhạt lộ hết cả xương ra dĩ vì ngày cụ chỉ ăn một lần, mà cụ ăn cám, thứ cám lợn thừa cụ xin về để ăn. Hàng xóm thấy cụ tội nghiệp, thường mang ít đồ sang biếu cụ. Cụ Phương tính hiền lắm, cụ cũng tốt bụng nên trong cái cảnh cơm không đủ ăn, người ta vẫn sẵn sàng sẻ chút của cho cụ.

Cụ có thằng con trai tên Thạnh, cụ có mỗi thằng đấy thôi nên cụ xót nó lắm. Áo quần cụ có được bao nhiêu đâu, mà cứ đông về cụ đưa nó mặc hết, nên cứ mỗi lần trời trở lạnh là cụ ốm li bì mấy tháng liền, đến khi ấm trời mới khỏi dần. Thôn Giang bảo cụ mạng lớn, cẩn thận hưởng hết thọ con cháu.

- Xì, ai đùa mà ác nhơn quá!


Cái giọng lảnh lảnh này không nhầm vào đâu được của con Quỳnh, con này xinh nhất thôn, mà láo lắm. Nó thích ngồi nghe mấy bà buôn chuyện rồi chen ngang vào, bị chửi mấy lần vẫn không chừa.

- Không gánh nước cho mẹ đứng đây hóng chuyện, chốc tao bảo mẹ gõ u đầu!

- Biết rồi, lắm mồm.


Bị dọa, Quỳnh xì một tiếng rồi xách thúng nước ngúng nguẩy bỏ đi. Con ranh.


Quỳnh thích nghe chuyện, đặc biệt là chuyện về nhà cụ Phương. Nó chưa gặp nhà cụ lần nào, nhà nó ở đầu xóm còn cụ thì ở tít tận đằng đuôi, thế nó càng tò mò hơn về cái bà cụ thọ nhất thôn đấy. Phần vì nó nghe kể anh Thạnh đẹp trai lắm. Thiếu nữ mà, ở cái độ 14 15 thì đứa nào cũng si mê cái tình thế thôi. Nó cứ lăm le đoạn giếng đầu làng để gặp anh Thạnh, chứ con này lười lắm, đời nào nó đi gánh thùng nước nặng trịch giữa cái tiết trời oi bức như này. Thế mà cả tháng rồi chẳng thấy mặt anh Thạnh của nó đâu, con này đâm ra chán. Mấy đứa bạn cứ xúm lại trêu khiến nó cáu lên, nổi máu sĩ.


- Tao chán anh Thạnh rồi. Thạnh đấy còn chẳng xứng rửa chân cho tao. Nhà thì còn chẳng có bữa ăn tử tế, đồn thế chứ ai biết đẹp hay như ma đói.

Cái đanh đá cay nghiệt của con này không phải thói lạ, mẹ nó đánh mãi không sửa, hôm nay cuối cùng nó cũng nếm mùi. Nó cứ đứng đấy ra oai với lũ bạn, chẳng hay sau lưng mình có thêm bóng người. Một đứa trong đám nhận ra, hoảng hốt bụm miệng con Quỳnh lại. Nó hất phăng tay con kia ra, chưa kịp mắng thì sau lưng có giọng trầm trầm.

- Tôi có làm gì đâu mà Quỳnh mắng tôi thế?


Lạy hồn con Quỳnh giật thót, nó quay phắt người. Chưa gặp lần nào nhưng qua lời nó chắc chắn đây là con cụ Phương. Nó thầm rủa cái mồm mình trong lòng, mặt cúi gầm xuống đất không dám hó hé một từ. Canh me bao ngày không thấy, hôm nay mới buột mồm tí lại bị người ta nghe được, oái oăm thế không chứ.

Nó cứ đứng đấy, im phăng phắc, cho đến một đoạn nó đánh bạo ngẩng đầu lên thì anh Thạnh đi từ lúc nào rồi. Mấy đưa kia cũng rén lắm, cả đám làm trò đà điểu vục đầu như nó. Cho đến khi ngồi ở nhà rồi Quỳnh vẫn chưa hoàn hồn. Một cảm giác tội lỗi tột cùng dấy lên trong lòng nó, mà cũng vì điều đó mà nó không nhận ra điều bất thường. Quỳnh muốn đến nhà xin lỗi anh Thạnh lẫn cụ Phương, nhưng nó không dám, nó sợ bị đánh đuổi về, bị mắng rồi bị cả xóm lôi ra làm trò cười. Mà không xin lỗi người ta thì nó cứ bứt rứt. Thạnh nói đúng, anh có làm gì nó đâu mà mắng anh, nó còn sỉ nhục anh thậm tệ thế để thể hiện cái oai của mình. Thế là cả tối đó Quỳnh lại chăm đột xuất, nó làm hết việc dưới sự bất ngờ của anh chị trong nhà. Nó làm như thế cứ tưởng là bố mẹ sẽ bỗng dưng thấy yêu nó hơn, thực chất là lòi mặt chuột ra thôi. Đúng như cả nhà dự đoán, sau bữa cơm con này cứ đeo mẹ nó, nhằng nhặc đòi bà đi cùng mình. Hỏi thì nó cứ ấp a ấp úng, sau mới vỡ ra nó đi sỉ nhà cụ Phương. mẹ nó cho ngay cú gõ xoáy trán.

 Sáng hôm sau con Quỳnh với mẹ nó mang túi gạo nhỏ sang nhà biếu cụ Phương để tỏ lòng xin lỗi. Cụ hiền, nên chẳng để bụng.

- Cô này bé mà mồm lưỡi không đùa được đâu.

 Bà trêu nó thế, mà mặt con Quỳnh biến đổi xanh đỏ tím như tắc kè hoa. Nó xin phép ra đồng xem thả diều cho người lớn nói chuyện, thật ra là tránh mặt cho bớt ngại.

Buổi sáng thì làm gì ai chơi thả diều, ra đến đồng rồi Quỳnh mới thấy cái lí do của nó thật ngớ ngẩn. Nhưng lỡ ra đến đây rồi thì xem người ta thu hoạch cũng vui mắt. Bây giờ là đầu tháng chín, cả cánh đồng phủ màu vàng ươm, cái mùi thơm của hạt lúa chín xộc vào mũi khiến người ta vô cùng dễ chịu. Thôn Giang là vùng sản xuất cung cấp gạo lúa cho những nơi khác, dân thôn Giang sợ nghèo không sợ đói. Có mỗi nhà cụ Phương đói, vì cụ không có mảnh ruộng nào, cái ăn mặc trong nhà dựa vào mấy đồng tiền làm thuê ít ỏi của thằng Thạnh.

 Đang thả hồn theo hương thì chợt Quỳnh thấy bóng anh nào quen quen, nhìn kĩ mới thấy, cái anh Thạnh ''không xứng rửa chân cho nó'' đây mà. Quỳnh nhìn thấy anh, nó hí hửng định tới bắt chuyện thì chợt nhớ ra chuyện hôm qua, chưa kịp quay đầu thì anh Thạnh bắt gặp ánh mắt nó. Con Quỳnh vẫn giữ ánh mắt với anh, mà trong lòng nó hoảng lắm rồi, nó muốn vắt chân chạy nhưng chân nó cứng đờ. Con này láo, nhưng mà nhát cáy.

Thạnh chỉ đứng nhìn nó một chốc rồi lại cúi xuống gặt lúa, không gọi nó lại hay chạy vồ đến như Quỳnh tưởng, anh chẳng làm gì cả. Nhưng sao trông mắt anh có vẻ buồn. Phút ấy chẳng biết con Quỳnh lấy đâu ra cái can đảm, nó cắn răng đi đến chỗ anh Thạnh, móc đâu ra trong túi cái kẹo lạc đưa anh

 - Đây, cho Quỳnh xin lỗi.

Anh Thạnh nhìn cái hành động của nó mà cảm thấy buồn cười. Nó đứng trên bờ đưa anh cái kẹo, mặt quay lui sau không dám nhìn, tay thì nắm như muốn bóp vỡ viên kẹo đến nơi.

 - Thôi Quỳnh cứ cầm đấy, tôi không xứng ăn kẹo của Quỳnh.

Con Quỳnh nghe thế thì cuống cả lên, nó tưởng anh dỗi thật, ú ớ lắp bắp một hồi chẳng nói được câu nào nên hồn. Bí quá chẳng biết làm thế nào, nó nhét cục kẹo vào miệng anh rồi xịt khói chạy đi mất. Anh Thạnh cũng vì hành động này của nó mà đứng như trời trồng một lúc lâu. Sau cái hôm đấy, liên tiếp mấy ngày liền con Quỳnh thó cái xe đạp thằng Bá nhà bên đạp xuống cuối thôn, bảo là ''xuống thăm mẹ chồng tương lai''. Mấy đứa bạn nó nghe thế cười nắc nẻ.

- Hôm trước mày mắng người ta như thế, người ta chưa đánh là may, lại còn mẹ chồng tương lai. Gớm!

- Chúng mày không biết thì đừng có nói bậy. Nói cho một bí mật, tao với anh Thạnh hôn nhau rồi.

 Lời vừa thốt ra khiến cả bầy đồng thanh ồ lên, đứa nào đứa nấy đều mắt chữ A mồm chữ O nhìn nó. Con Quỳnh thấy thế thì khoái lắm, nó vòng các bạn xúm lại tỏ vẻ thần bí rồi bắt đầu kể.

- Hôm đấy tao sang nhà anh Thạnh xin lỗi, tao thấy không có gì thể hiện nỗi lòng nên mới đút anh cục kẹo lần trước bố tao lên xã mang về cho. Cục kẹo đấy quý lắm, cả tuần tao lôi ra liếm có vài cái, thế mà giờ tao cho ảnh hết. Ảnh cảm động quá nên ôm tao hôn mấy phát liền.

 Con Quỳnh này thì cũng chỉ có thế, được cái điêu toa bốc phét là tài.

- A! Cục kẹo lạc mày quý như vàng! Bố mày mang về từ mấy tháng trước, mày cất trong túi áo, nó hỏng lâu rồi con rồ ạ!

 Quỳnh đang phổng mũi trước ánh mắt cảm thán của lũ bạn thì một đứa đột nhiên ré lên. Ra là hôm đấy anh Thạnh đứng đực mặt ra không phải vì ngại ngùng, mà do kẹo nhão nhoẹt lại còn có kiến. Cố lắm anh mới nuốt được hết cục kẹo đấy.

Quỳnh sầm mặt phủi đít đi, mặc mấy đứa sau lưng cứ thi nhau há há hố hố. Nó sang thăm anh Thạnh của nó.

 Anh Thạnh của nó chẳng biết đi đâu, nhà tối om. Nó đứng bên ngoài đập cửa mãi một hồi mới thấy cụ Phương ra mở cửa, cụ bảo anh lên huyện từ sáng hôm qua rồi. Quỳnh tưởng cục kẹo hỏng của nó làm anh bị đau bụng, phải đi khám trên huyện, nó lo sốt vó. Cụ Phương thấy nó đứng đực mặt ra đấy thì mời nó vào nhà uống nước. Nó vào uống nước thật, một hơi liền 3 4 cốc nước. Nhà cụ Phương đâu có thừa tiền mua lá trà đãi khách, cụ rót nước lọc thôi. Do con này chạy chân hồng hộc xuống đây nên đuối thế. Cụ nghe nó kể thì mới cười, con Quỳnh nghĩ bụng chắc do nó kể thật, chứ nó mà chém gió có khi cụ lôi gậy ra phang vỡ đầu nó rồi. Nhưng chốc cụ Phương lại trầm mặt. Cảm xúc thất thường này của cụ khiến con nhỏ như ngồi trên đống than. Cụ bảo anh Thạnh lên huyện không phải để khám, anh vẫn mạnh khỏe bình thường, con Quỳnh chưa kịp thở phào thì câu tiếp theo của cụ như sét đánh ngang tai nó. Thạnh lên huyện là lệnh cấp trên, anh phải theo trai tráng trong thôn tham gia chiến tuyến chống giặc. Hóa ra trong lúc người ta tưởng hòa bình đã được gây dựng, thì lũ ác ôn khát máu vẫn tung hoành. Bọn Mĩ đánh đến miền Trung rồi, những nơi khác phải lập tức chi viện. Chiều nay sẽ có lệnh cho người dân sơ tán, chuẩn bị tinh thần đánh giặc. Bọn nó tấn công bằng máy bay, mưa bom đột ngột khiến chính quyền không kịp trở tay, miền Trung chịu thiệt hại vô số kể.

Có lẽ vì đã trải qua hai lần đất nước bị xâm lược nên lúc kể, cụ Phương chẳng có gì gọi là hốt hoảng sợ hãi. Nhưng con Quỳnh thấy người cụ run lên. Nói cho con Quỳnh biết về tình hình nguy cấp của nước ta xong, cụ quay sang kể chuyện về nhà mình. Mà cụ có kể về mình đâu, cụ kể mỗi về anh Thạnh thôi. Cụ kể cho con Quỳnh nghe, mà như kể cho chính bản thân mình. Bởi trải qua hai lần chiến tranh, nên cụ biết sự khốc liệt trên chiến trường. Chồng cụ chính là một thương binh, và cả nhà cụ đều bị giặc giết. Vậy nên nghe tin thằng Thạnh phải ra chiến trường, cụ Phương như sụp đổ, cụ nhốt mình trong nhà cả ngày. Bảo sao mới một thời gian mà trông cụ mất sức sống hẳn. Quỳnh thấy giọng cụ run run nghẹn ngào, cụ khóc.

 - Sao cụ không xin chính quyền người ta miễn giảm cho anh Thạnh hở cụ? Nghe bảo người mù cũng được miễn giảm, cụ bảo anh bôi vôi vào mắt, thà mù còn hơn chết mất xác.

- Không được! Thằng Thạnh, thà chết không toàn thây, chết mất xác trên chiến trường thì đó cũng là vinh dự của nó. Bảo vệ đất nước là sứ mệnh của chúng ta, không kể xuất thân, chỉ cần Tổ quốc gọi ta luôn sẵn sàng. Thứ sống trốn chui trốn lủi như chuột chính là loại người đáng khinh! Thạnh nhất quyết sẽ không làm việc hèn hạ như vậy, đã mù mắt còn tắt cả lương tâm!

Cụ Phương nghe con Quỳnh nói thế thì giận đỏ mặt, giọng cụ trở nên đanh thép và bỗng chốc Quỳnh thấy thân hình cụ to lớn đến lạ. Con Quỳnh cũng bị lời lẽ của cụ làm cho xúc động, nó cảm cái tinh thần dũng cảm yêu nước của nhà cụ. Dường như, trong lòng cô thiếu nữ này, có một thứ gì đó đang le lói chớm nở.

 Có lẽ cảm thấy bản thân hơi cứng ngắc, cụ an ủi Quỳnh.

- Thôi cũng chẳng còn sớm, con về đi. Hai hôm nữa thằng Thạnh phải vào miền Trung rồi, trước khi đi cụ bảo nó sang chào con.

 Con Quỳnh nghe thấy thế cũng ngậm ngùi đi về. Nó còn lễ phép đóng cửa giúp cụ, không ngúng nguẩy hất mặt đi như trước.

Có một điều con Quỳnh không nhận ra dù điều đó diễn ra thật đột ngột và nhanh chóng, nó trưởng thành rồi.

 Chiều tối hôm sau đúng như lời cụ Phương, anh Thạnh lên nhà tìm nó. Lần này thì con Quỳnh không còn cuống cuồng như trước nữa, nó kéo anh ra sau vườn ngồi ngắm trăng. Hôm nay nó yên lặng đến lạ. Nó cứ ngồi cạnh anh, mặt ngẩng lên nhìn vầng trăng khuyết mà chẳng nói câu nào.

Anh Thạnh nhận ra điểm khác thường này của nó, nhưng anh không nói gì, vì tự anh cũng biết lí do. Xung quanh chỉ có tiếng dế kêu và ếch ộp, cả hai đều muốn thời gian ngưng động lại mãi ở khoảnh khắc này.

 - Này, sao ở cái lần gặp đầu tiên anh lại biết tên em?

Sực nhớ ra cái gì đó, Quỳnh mở lời trước, phá đi sự im lặng giữa hai người.

- Quỳnh không biết à? Tôi đi ngang cứ nghe người ta bảo nhà ông Lương có cô con đỏng đảnh lắm, nghe mãi rồi tự dưng thấy thích, mấy ông bà bảo cô con đấy thường múc nước ở giếng đầu làng vào buổi chiều, thế là tôi cũng gắng đem thúng lên tận đầu làng để gánh nước, rồi đứng nhìn cô ấy múc nước. Hỏi người ta bảo tên Quỳnh.

Con Quỳnh lại im lặng.

- Anh thích em à?

- Quỳnh xinh mà. Xinh nhất thôn này, à không, xinh nhất thế giới này luôn.

 Anh Thạnh lờ đi câu hỏi của nó, nhưng lời khen của anh như khẳng định thêm suy đoán trong đầu con Quỳnh.

- Anh Thạnh chỉ được cái dẻo mồm thôi. Anh thấy em xinh, tại anh chỉ thích em, chứ mấy bà chê em xấu như quỷ!

Thạnh cứng người, chợt anh quay sang trông mặt con Quỳnh. Hai mắt nó xưng húp, mặt giàn dụa nước mắt. Giọng nó cứ run run nỉ non, ra là nó khóc từ ban nãy đến giờ. Nó ôm chặt anh Thạnh, dúi đầu vào cái lồng ngực ấm nóng của anh mà khóc thật to, bao nhiêu nước mắt nước mũi nước dãi trây hết vào áo, nhưng anh không đẩy nó ra, anh càng ôm nó chặt hơn. Con Quỳnh cứ vậy mà gào khóc suốt đêm, anh Thạnh cũng ôm nó cả một đêm. Nó kể cho anh nó thích anh như nào, nó cảm thấy hối hận thế nào sau khi mắng oan anh rồi còn cả những rung động nhẹ nhàng trong lòng nó. Nó kể, anh nghe, cho đến khi con Quỳnh mệt lả thiếp đi đã là canh ba, anh bế nó vào phòng rồi lẳng lặng về nhà, thu dọn đồ đạc và gửi lời biệt cho mẹ mình.

Quỳnh sau khi thức dậy, cặp mắt nó như bị ong chích, không mở ra được, phải đến tầm chiều mới đỡ sưng hơn tí. Nó thấy trên bàn có cục kẹo lạc và một mẩu giấy.

  ''Quỳnh, anh thích em không phải vì nghe các ông bà kể chuyện. Anh thích em từ cái hồi ba năm trước, lúc thấy em cầm cục đá bảo vệ cu Bá khỏi đám chó dữ ấy, anh thích cái tính cách đấy của em, chứ không phải vì em xinh. Chuyến này đi anh không biết bao giờ trở lại, có khi không bao giờ trở lại. Trước khi đi, biết được lòng Quỳnh anh đã mãn nguyện lắm rồi. Quỳnh đừng thương anh nữa, thương anh, Quỳnh lỡ đời mình đó. Anh nghe nói Quỳnh thích kẹo lạc, kẹo lần trước Quỳnh cho anh bị hỏng, nhưng anh thấy đó là cục kẹo ngon nhất anh từng ăn, anh tặng Quỳnh viên kẹo to hơn, Quỳnh ăn, rồi đừng khóc nữa nhé.
Kí tên: Thạnh.''


 Con Quỳnh đọc xong, lại một phen khóc nấc. Nó bóc vỏ kẹo, viên kẹo lạc này không giống viên lần trước nó ăn. Ngọt hơn, nhưng cũng có vị mặn, vị chát. Nó ngồi ăn cục kẹo, mà trông thương vô cùng, còn đâu con Quỳnh xấc láo ngày xưa.

Anh Thạnh đi được ba năm. Không một mảnh thư gửi về, cả thôn ai cũng tin anh đã hi sinh. Có người tiếc cho cái tuổi hai bốn xuân xanh của anh, tiếc cho nhà cụ Phương chịu cảnh kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh. Cụ Phương vẫn không có cảm xúc gì, vẫn tỏ vẻ bình nhiên như thường, nhưng cụ xanh xao và hốc hác quá, cặp mắt phúc hậu của cụ đã mất đi đốm sáng trong đó. Cụ vẫn cười nói với láng giềng, nhưng trông cụ chẳng khác gì cái xác.

 - Có thư gửi, gửi cho cô Quỳnh con ông Lương!

Quỳnh bây giờ đã là một cô thiếu nữ mười tám, như đóa hoa nở rộ. Cô nhóc tì quậy phá xưa nay đã là nàng thơ của biết bao chàng.

 Cô chạy ra nhận thư, hồi hộp cẩn thận bóc bao thư. Hóa ra là thư hỏi cưới của nhà phú ông thôn bên. Cô thất vọng vò nát bức thư vào thùng rác. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu, Quỳnh trải qua cái cảm giác hụt hẫng này. thư gửi cho cô nhiều vô kể, mà cái bức thư cô mong ngóng nhất lại chẳng thấy đâu. Ba năm qua Quỳnh thay đổi rất nhiều, duy chỉ có tấm lòng cô dành cho anh Thạnh vẫn nguyên vẹn. Ai cũng khuyên cô theo lời anh, chấm dứt mối tương tư này đi. Nhưng chuyện yêu đương đâu phải trò con nít, nói cắt đứt là xong? Huống chi Quỳnh còn yêu anh bằng cả lòng mình. Cô không tin anh đã chết, nhưng cũng chẳng nghi ngờ nếu bảo anh không còn ở chốn dương gian. Tuy vậy thì có sao chứ? Khi ngã xuống, trong tim anh có Quỳnh vậy nên cho đến khi nào Quỳnh còn sống, trong tâm trí cô chỉ duy nhất mang hình bóng anh.

Tám năm sau khi anh Thạnh đi. Cụ Phương mất vào tháng trước, cụ không bệnh, chỉ là ngủ một giấc rồi đi, thanh thản và nhẹ nhàng, nhưng đâu ai biết khoảng thời gian trước đó là những ngày tăm tối nhất của cụ. Cụ Phương như được giải thoát, vẻ mặt lúc ra đi của cụ mới thật an tĩnh và nhân hậu. Thôn dân giúp cụ tổ chức lễ tang, đắp mộ. Kháng chiến thành công nên dân thoát cảnh đói nghèo, lễ tang cụ tổ chức to lắm. Mà trong thôn, không ai biết tuổi thật của cụ, nên người ta chỉ viết mỗi tên và hai cái chiến tranh cụ từng trải, cụ kể thế chứ cũng chẳng nói tên đợt chiến tranh nên người ta cũng bí nốt. Trong đám tang của cụ, có một cô gái luôn ở bên quan tài túc trực, tiếp khách. Thôn dân nói đấy là con dâu của cụ.

 - Liên đoàn bốn nghe lệnh, ba ngày sau đến Sài Gòn tham chiến.

Cô gái cất đi bộ đàm của mình, rồi cắm trước mộ cụ Phương một cây nhang sau đó lên xe rời đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro