1. Khởi đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trường Sơn hôm nay mưa về, bầu trời có chút âm u. Từng cụm mây đen lớn cuộn nằm trên đỉnh núi là thế, nhưng những hạt mưa thì cứ keo kiệt rơi xuống.
Chậm rãi chậm rãi.
Muốn mưa mà mưa không được, muốn tạnh cũng tạnh chẳng xong.
Dưới làng nhỏ chân núi, cụ Nguyễn Thị Huê run rẩy vá áo. Chiếc áo bộ đội đã cũ nát, loang lổ không đều màu giờ đây chằng chịt vết khâu vá.
Cụ nhìn xa xa định bụng :" Mưa như ri thì thấm tháp vô mô được. Mấy ả làm răng mà ruộng đồng ra thóc ra thác cho mấy anh mấy chú hành quân he?"
Đoạn, cụ quay sang đứa cháu nội duy nhất đang bóc hạt sen, cất giọng hỏi:
- " Gạo nì, rứa tà nghe nói thằng Duy Rười hay qua chơi với mi đó nơ, hắn đi lính rồi à?"
Cô Minh Phương nghe nội hỏi mà lòng nao nao, chẳng hiểu sao cô thấy buồn. Chỉ khẽ "dạ nội" một tiếng. Duy vốn là bạn học cùng trang lứa với cô. Nhà ở làng Rười nên ai cũng quen gọi Duy Rười. Anh giác ngộ được lí tưởng cách mạng từ bé, hâm mộ những bậc cha chú chiến đấu quên mình nơi chiến trường rộng lớn trải dài Bắc Nam nên chỉ mới tròn 18 tuổi anh đã xin vào quân. Dựa vào tài trí mà được phân hẳn vào quân khu chính. Ngày trước khi lên đường, Duy hẹn Phương ra bãi bồi ngày bé hay cùng tụi sáp sáp trong xóm đánh trận giả, đỏ mặt mà nhét vào tay cô một cây trâm tóc. Anh lắp bắp ngượng ngùng:
- " Ph..Phương.. tui đi lính rứa rồi. Em ở nhà nguyện ý chờ tui không?"
Minh Phương lúc ấy tròn 17 tuổi, khuôn mặt thiếu nữ mịn màng, xinh đẹp như đoá hoa ban rừng. Cô nắm cây trâm gỗ trong tay, không đính hột xoàn, kim cương sang quý như mấy mụ bợm đế quốc cô hay nghe ông Bảy  Nam kể. Đơn giản khắc một đoá hoa ban và một đoá hoa khác trông rất lạ mắt, đoá hoa đó mãi đến sau này khi cô gia nhập đội thanh niên xung phong, trên đường hành quân qua Tây Bắc mới biết đó là hoa Mường Lát, biểu tượng cho cái đẹp vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ. Cô ôm trâm vào lòng, lại nhìn tay Duy dính đầy dằm gỗ, bị đâm đến sưng cả 9 ngón, chắc hẳn Duy phải chuẩn bị gấp gáp lắm để kịp ngày. Phương khác Duy, ông nội Phương vốn là lính trinh sát, từ nhỏ Phương đã được ông rèn luyện thành một tính cách mạnh mẽ, tự tin. Nên cô không giống những thiếu nữ khác giờ phút được bày tỏ đều ngại đến đỏ rát cả mặt. Phương cười mỉm, giọng nữ êm ái trả lời:
- " Chừ Duy đi, biết khi mô Duy về? Lỡ Duy không về thì lại muộn màng Phương à? Tình cảm của Duy cất đây hí. Phương không trả lời vội. Có dịp gặp lại Duy, Phương trả lời sau nghen."...
Quay lại với hiện tại, Phương có chút hối hận ảo não. Một năm ni cứ nghĩ mãi, làm giá chi cho cao chừ ngồi nhớ hắn mà ri đây.
Phương sàng hạt sen, nhìn mây đen trên đỉnh Trường Sơn đã dần tan ra. Cô bới 3 vốc gạo vào sân sau nhà thổi củi nấu cơm, miệng ngâm nga hát :" Khói lam chiều thay người gửi lời thương, anh nhận được không nhận được không..."
__________
Cùng lúc đó ở phía bên kia Trường Sơn, một tiểu đội nhỏ tụ tập dưới tán cây rừng, balo dắt nào là cây, nào là lá để ngụy trang hành quân. Trong balo nặng trĩu là áo quần, tăng võng, áo mưa thô, vài kí gạo. Bên ngoài treo thêm xoong chảo, cuốc xẻng. Hai bên túi rộng một bên là nhật kí, lưu bút người nhà. Một bên là bịch đạn, dao lê được bọc kĩ. Thoạt nhìn đồ sộ nhưng lại được sắp xếp gọn gàng sạch sẽ. 
-"A ui a ui!! Cha mạ mi đau nghe Duy!"
Trên đất là một anh bộ đội trẻ ngồi chồm hổm, tay che cái trán sưng vù. Trước mặt có một đốm lửa nhỏ còn lờn vờn hai tia khói. Đoạn, anh bừng bừng lửa giận quay ngoắt lại nhìn cặp giò cao cao bên cạnh. Chủ cặp giò kia quả thật rất cao. Khuôn mặt đẹp như tạc tượng. Hoà nhã ấm áp nhưng không mất vẻ nghiêm chỉnh của người lính. Giờ phút này đang nhìn đầu xỏ gây chuyện, nhịn cười hỏi:
-" Đồng chí Trung, đồng chí có biết đồng chí vừa làm cái chi không?"
Trung là tên anh chàng được phân nấu bếp, bình thường nhanh nhảu tháo vắt, nhưng hôm nay lại lơ đãng đến lạ.
Trung im lặng, ức thì ức thế nhưng cãi sao được. Vừa nãy nếu không nhờ Duy "trưởng" nhanh tay lẹ mắt dập khói thì chẳng biết máy bay dò thám Mỹ đã ném bao nhiêu quả bom xuống mảnh rừng này. Trong quân đội bấy giờ, khẩu hiệu "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" đang được đề cao lên tất cả. Đào bếp Hoàng Cầm là điều kiện tiêu chuẩn bắt buộc khi nấu cơm. Lãng đãng thế nào Trung lại để lửa bén vào lá khô rừng khiến khói lên nghi ngút. Anh rầu rĩ:
-" Biết thưa tiểu đội trưởng."
-" Thôi, đồng chí đi quan sát đi. Để đó tui với Sự nấu cho. Nhanh nhanh mà còn tiến ra Bắc cho kịp chỉ thị, tui mới nhận được thư của quân khu trưởng, nói chiến trường Việt Bắc đang thiếu người trầm trọng , điều tiểu đội mình qua gấp đó." Ánh mắt Duy sáng như sao, miệng cười hăng hái nói. Sức trẻ mà được đi cống hiến thì anh lấy làm vui sướng, hạnh phúc lắm.
-" Tiểu đội trưởng hiền rứa, mai mốt mà anh lấy ai, e chị dâu sướng lắm."
Trên mỏm đá nhấp nhô, Minh, em út của tiểu đội ngồi cười khoe hàm răng sáng bóng, tay tập trung tháo giày rũ cát. Minh vốn là cậu ấm của nhà quan Huế. Từ bé sống sung mặc sướng nhưng vì tâm hồn hướng về cách mạng, về người lính chiến, cậu lén bỏ nhà đi. Vốn chữ nhiều lại yêu văn thơ. Minh trở thành một đồng chí nhỏ chuyên ghi chép lại sinh hoạt của tiểu đội. Ngẫu hứng còn sáng tác thi ca nhạc hoạ để cả đội cùng thư giãn mà hát trên đường hành quân.
Duy nghe Minh nói tới chị dâu không khỏi miên man nhớ về thôn nhỏ ở Huế. Nơi có người con gái anh thương. Ôi! Mái tóc dài thơm hương quế, dáng người liễu yếu đào tơ ấy đã chiếm trọn tâm anh. Rồi Duy đặt tay lên ngực mình, kéo một góc khăn tay ra hôn nhẹ. Đó là chiếc khăn Phương tự thêu tặng sinh nhật anh tròn 18. Chiếc khăn anh trân quý hơn cả bản thân mình.
Bỗng, núi rừng im lặng đột nhiên rộ lên tiếng chạy lạc của thú hoang, tiếng xôn xao của chim cói đầu mùa xen lẫn tiếng phành phạch giòn giã giục mạng của máy bay trinh sát. Mỹ tới.
Giữa âm thanh hỗn tạp đó, tiếng thét hoảng hốt lớn đến xé họng của một anh bộ đội vang lên, anh vừa chạy vừa điên cuồng quơ tay ra hiệu di quân:
-" Có bom!! Tiểu đội chú ý có bom!!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro