Chương 1: Duyên Phận

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HOA TUYẾT KHÔNG CÒN NỞ
Tác giả: Lưu Nhã Vy
Chương 1: Duyên Phận

Minh Thành và Khách Nhi cùng nhóm bạn của mình bước vào một phòng ăn rất lớn, nó như là một hội trường, ồn ào nhưng không hỗn loạn. Đủ các mầu da, đủ các loại tiếng nói. Tất cả bọn họ cũng đều ở các nước khác mà chạy sang Tây Đức xin tị nạn, đang trong thời gian làm thủ tục giấy tờ tạm trú.
Nhóm người Việt tị nạn này vừa vào trại hồi 5 giờ sáng hôm nay. Tới 7 giờ sáng bọn họ được đưa đi làm một số thủ tục khởi đầu. Hộ chiếu và giấy tuỳ thân phải giao nộp lại cho nhà chức trách. Bọn họ được cấp một loại giấy thông hành tạm thời và phiếu nhận đồ ăn cho một tuần.
Xong mọi thủ tục cũng là buổi trưa, tất cả cũng đã đói mềm người sau một đêm vất vả vượt rừng với bao lo sợ. Phải rồi, họ không dám đi trên đường vì sợ bị bắt, nên tìm cách trốn dưới những cánh rừng mà đi.
Khánh Nhi cùng mấy người lớ ngớ đứng giữa phòng ăn mà chẳng biết làm gì. Minh Thành xăng xái cùng mấy anh lớn tuổi chạy đi thăm thú. Vài phút sau quay lại gọi mọi người vào phòng phía sau của nhà ăn để xếp hàng nhận đồ ăn trưa và nhận gói ăn tối mang theo về phòng.
Trong trại này có các loại phòng. Phòng to có tới hơn chục cái giường tầng. Vậy là phòng đó phải chứa hơn hai chục người. Nam nữ, chủng tộc loạn lên cả. Có một cô gái người Việt bị phân vào một phòng toàn đàn ông da đen. Cô ấy sợ khóc quá trời. Cũng may sau đó có mấy anh lớn tuổi biết English đi giao dịch thoả thuận đổi được cho cô gái sang phòng người Việt.
Có những loại phòng nhỏ tầm 5 đến 6 giường tầng.
Minh Thành, Khánh Nhi cùng hai anh lớn tuổi được phân chung một phòng rất tươm tất. Hai giường tầng vừa đủ cho bốn người, lại có thêm bàn ghế đầy đủ, có cả tivi và giá treo áo cũng có luôn. Chẳng hiểu sao lại may mắn thế. Cả trại làm gì có ai được thế đâu.

Khánh Nhi, một cô gái dưới mắt mọi người xinh xắn và ngốc nghếch. Cô cứ ngây thơ vui vẻ như vậy đối với mọi người. Chỉ có tự mình cô hiểu được vì sao cô sang đây.
Những năm trước 1989 Đông Âu vẫn còn là các nhà nước XHCN. Những nhà nước XHCN Châu Âu luôn có mối quan hệ tốt đẹp với các nhà nước XHCN Châu Á. Những giao hảo tốt đẹp đó tạo điều kiện cho một thành phần người trẻ có lý lịch tốt được thoát ly đất nước mình sang châu Âu du học và hợp tác lao động theo tiêu chuẩn hai nhà nước thông thương. (Người viết thật không muốn đề cấp tới nhóm từ "lao động trả nợ", vì thật sự nó quá thô thiển đi)

Lý Minh Thành và Vạn Khánh Nhi cũng là những thành phần có lý lịch tốt và sạch sẽ của các ông bố bà mẹ đã gây dựng nên.
Lý Minh Thành dưới sự bảo trợ của mẹ, hắn được một tiêu chuẩn đi học nghề tại DDR.
Vạn Khánh Nhi cũng do sự sắp xếp chu toàn của mẹ cô, mà bên trên gửi giấy về chỉ đích danh tên cô sang DDR bồi dưỡng thêm cho tấm bằng cô vừa tốt nghiệp mà còn chưa kịp đi nhận về.

Biến cố mùa thu năm 1989, đồng loạt các nước XHCN Đông Âu đảo chính chuyển đổi chế độ.

Trái đất tuy rộng lớn nhưng đôi khi con đường lại rất hẹp, tạo điều kiện cho oan trái cuộc đời sinh sôi nẩy nở.

Theo đoàn người vượt biên để tránh biến cố. Đoàn người lao sang các nước (Tư bản chủ nghĩa) phía Tây Châu Âu.
Lý Minh Thành đã gặp được Vạn Khánh Nhi trong đoàn người vượt biên đó. Chàng trai trẻ Lý Minh Thành cảm mến cô gái Vạn Khánh Nhi từ ánh mắt đầu tiên. Trong đoàn người vượt biên anh ra sức chăm sóc che chở cho cô gái nhỏ Vạn Khánh Nhi

Tuổi trẻ vô tri, những người trẻ vượt biên này thực sự chưa ý thức được điều họ làm. Đại đa số những người trẻ ngày đó, trước tiên họ đi theo phong trào và cũng là tránh biến cố do dân bản xứ đảo chính gây ra, điều hai, họ chỉ là tò mò muốn xem đất nước tư bản như thế nào. Họ hoàn toàn không ý thức được cuộc vượt biên đó đã đưa cuộc sống họ chuyển hẳn sang một chế độ khác hẳn nơi họ sinh ra và lớn lên, điều đó quả thực đã nẩy sinh những hệ luỵ về sau này. Chỉ một ít số người như Khánh Nhi và một hai anh lớn tuổi trong nhóm hiểu được sự ra đi của họ là gì mà thôi.

Nhóm người vượt biên dừng lại trong một trại xin tị nạn thuộc thành phố trù phú của miền Tây nước Đức. Ở đây nhóm người vượt biên này cũng gặp được thêm vài nhóm nữa cũng tới nhập trại sau một vài hôm.

Những ngày đầu trong trại tị nạn, những nhóm người cùng dân tộc tự tìm đến nhau hội tụ lại rất vui vẻ. Cùng nhau đi xếp hàng nhận khẩu phần ăn. Tụ lại từng nhóm ăn chung như thể đã thân quen từ lâu. Đúng là nơi đất khách mới thấy được những tấm lòng hoà ái đến như vậy.
Chỉ có điều đáng tiếc là câu nói của các cụ "con gà ganh nhau tiếng gáy. Trâu buộc ghét trâu ăn" dường như nó luôn vận vào giống người da vàng mũi tẹt thì phải. Để rồi sau này câu nói của các cụ đã để người Đức tận mục sở thị ra sao. Hồi sau sẽ rõ.

Thời gian trong trại tạm thời này mọi người đoàn kết lắm. Họ chia sẻ nhau những mánh khoé cỏn con rất tận tâm.
Mấy anh lớn tuổi khôn ngoan đã kết thân được với mấy anh phiên dịch là những du học sinh thời Cộng Hoà (thời Việt Nam Cộng Hoà trước năm 75).
Sống lâu ở đây nên các anh du học nay cũng đã là viên chức cho các công sở Đức. Người Việt từ đông Đức sang lúc này cũng không đủ trình độ nghe và nói trong những phiên thẩm vấn. Nên các nhà chức trách cần những anh phiên dịch tới trợ giúp. Mấy anh phiên dịch này đều là người miền Nam, họ rất tốt với những người mới, không phân biệt người Bắc người Nam. Họ cũng chỉ cách cho mọi người mới biết những gì nên hay không nên ở đây. Tây Đức lúc đó khác Đông Đức một trời một vực.
Qua các anh phiên dịch mà nhóm người mới nhập trại này biết được mọi người chỉ ở trong trại khoảng ba tới bốn tuần thôi, sau đó sẽ được phân tách đi các tỉnh để tạm định cư. Các cặp đôi có giấy kết hôn sẽ được ưu tiên có những căn phòng riêng. Còn những người độc thân sẽ tới ở chung nhau.
Nhận được tin các cặp đôi nháo hết lên. Bởi hầu như tất cả bọn họ cũng còn rất trẻ, cũng chỉ mới đang hẹn hò cặp đôi thôi. Thậm chí nhiều đôi cũng mới trên đà cảm mến trong thời gian chung trại này. Nhưng dù sao họ cũng rất sợ bị tách ra mỗi người một nơi, đơn giản chỉ là muốn đi cùng về một nơi.
Bây giờ cũng đã được ba tuần rồi, tính ra thì trong tuần tới mọi người sẽ được phân đi đến các tỉnh để tạm định cư.
Trong nhóm có một cặp anh chị lớn tuổi là anh Hùng và chị Hân, trước khi chạy vượt biên anh chị đã lên sứ quán đăng ký kết hôn.
Lúc này sự đoàn kết tương thân tương ái bùng phát tột bực. Lúc đầu anh chị Hùng Hân cho hai đôi thân thiết đi cùng đoàn mượn giấy đăng ký kết hôn để photo ra làm mấy bản. Bản photo được xoá tên chính chủ và ghi vào đó tên chủ nhân mới.
Hai cặp đôi mang bản photo đi nộp cho các nhân viên văn phòng của trại. Người Đức vốn chân thật, vậy là họ tin luôn những bản photo đó và thể đạt nguyện vọng của hai cặp đôi.
Tới ngày hôm sau nữa rộ lên các cặp đôi đua nhau mượn lại những bản photo và lại tiếp tục photo thành những giấy đăng ký kết hôn để nộp cho văn phòng trại. (Những tờ giấy photo mãi sau này làm cho rất nhiều cặp đôi dở khóc dở cười. Chính quyền sở tại cũng một phen nhức đầu luôn. Đó cũng là chuyện của năm, mười năm sau nữa).

Minh Thành thật sự đã phải lòng Khánh Nhi mất rồi. Nghe thông tin vậy anh cũng rất lo sợ bị tách ra khỏi Khánh Nhi, mỗi người một tỉnh. Buổi tối anh hẹn Khánh Nhi đi dạo rồi thủ thỉ,
- Khánh Nhi, hay là tụi mình cũng làm như mọi người đi. Như vậy sẽ được đi cùng nhau.
Khánh Nhi là một cô gái chân thực và thơ ngây tới ngốc nghếch. Cô không cho thế là đúng, nên nói
- Nhi thật không thích loại giấy tờ giả đó. Vả lại nếu đi định cư mỗi người một nơi, lúc đó đi tàu đến thăm nhau càng vui mà.
Minh Thành buồn xìu xuống
- Anh sợ nếu mình ở xa nhau quá sẽ mất em.
- Bây giờ anh cũng chưa có Nhi mà.
Nếu chỉ một chút thử thách mà anh đã khó khăn rồi, thì dù có ở gần chắc gì anh đã có được Nhi.
Minh Thành thật có chút nản với cô bé này. Trông ngây thơ khờ khạo thế mà cứng cỏi thế không biết. Minh Thành trai phố lớn của thủ đô, trước đây tán gái cũng ngầu lắm. Vả lại con gái thích anh nhiều. Anh thật không nghĩ cô bé này cá tính quá.
Khánh Nhi lại nghĩ khác. Cô chỉ thấy mình còn quá trẻ, thật chưa nghĩ tới vội vàng có bạn trai. Dù cũng có mến và cảm thấy thích thú sự chăm sóc cưng chiều của Minh Thành. Phải rồi còn vài chàng trai chín chắn hơn cũng là người quen của cô cả năm nay vẫn đang si tình cô, họ cũng đang nhập trại ở đây và cũng công khai theo đuổi cô. Nhưng cô vẫn thẳng thắn từ chối sự chăm sóc của họ để đón nhận sự chăm sóc của Minh Thành. Nhưng cô cũng chỉ muốn tạm dừng ở mối quan hệ vậy thôi, đi xa hơn cô chưa nghĩ tới. Một điều Khánh Nhi bận tâm nhiều hơn là mẹ và em của cô, cùng mục đích cô sang đây.
Rồi cũng đến ngày đi định cư.
Tự nhiên duyên số sắp đặt làm sao cho hai cái tên của hai người luôn gắn với nhau trong suốt quá trình làm thủ tục tạm trú. Sự tự nhiên này như bà mai giúp Lý Minh Thành thuận lợi hơn để theo đuổi Khánh Nhi. Ông trời cũng giúp Minh Thành, những chàng trai cũng theo đuổi Khánh Nhi, tất cả bọn họ đều được chuyển đến những tỉnh lị xa hẳn xa với nơi tạm định cư của anh và Khánh Nhi.
Thời gian trôi, sự chân thành và nhiệt tình cuối cùng anh cũng làm cho tảng băng Vạn Khánh Nhi xiêu lòng nhận lời cầu hôn của anh.
Khánh Nhi cũng thật sự động lòng tấm chân tình của Minh Thành mà gác bỏ mục đích ban đầu của cô, là sang Đức tạm thời rồi sẽ tìm cách tiếp tục sang Pháp để tìm người chú. Năm 54 lúc chú mới 15 tuổi theo họ hàng vào Nam. Sau đến tuổi trưởng thành thì chú sang Pháp học, rồi ở lại luôn bên Pháp. Gia đình chỉ biết thông tin như vậy về chú. Khách Nhi từ khi sang tới Đông Đức cô đã đặt một mục tiêu sẽ tìm cách trốn sang Pháp là vậy. Ở Đông Đức đã hơn một năm mà cơ hội trốn vẫn cứ khó hơn lên trời. May sao biến cố xảy ra, cô chớp thời cơ tìm cách đi luôn những đợt đầu tiên của những đợt chạy trốn của người Việt Đông Âu.
Duyên phận để cô gặp Minh Thành, và cô dừng chân lại cho tình yêu đơm hoa kết trái.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro