hoa văn trên trống đồng đông sơn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trống đồng Việt Nam có nhiều loại hình, nhưng tất cả đều khởi nguồn từ trống Đông Sơn mà đỉnh cao là sự hoàn thiện kỹ thuật chế tạo là trống đồng Ngọc Lũ. Trống đồng là biểu hiện tập trung nhất những thành tựu trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền uy của một nhà nước được xác lập đầu tiên trên đất nước ta - Nhà Nước Hùng Vương. Trống đồng và những hình khắc họa trên trống đã giúp chúng ta ngày nay hình dung được đôi nét về cuộc sống của người Việt cổ ở thời xa xưa ấy. Hoa văn trên trống đồng có nhiều loại, kiểu bố trí hợp lý trên các phần mặt, tang và thân trống. Nó được các nhà nghiên cứu tìm hiểu, phân tích để làm một trong những cơ sở khoa học trong phân loại trống và khắc họa những nét sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ.

1. Hoa văn trống đồng Đông Sơn 

Các hoa văn trang trí trên trống đồng rất đa dạng, thể hiện nhiều góc cạnh của xã hội thời Cổ Đại trong nền văn hóa Đông Sơn dưới thời Hùng Vương và An Dương Vương. Các hoa văn này xuất hiện trên mặt, tang, thân và ngay cả chân trống đồng, chủ yếu gồm có văn mặt trời, văn kỷ hà, văn tả cảnh sinh hoạt và văn hình động vật., nhà sàn, người giã gạo, chim cò bay, đàn hươu biểu diễn, thuyền ghe và người đánh trống, nhảy múa, đối đáp rất phổ biến, có thể tìm thấy dễ dàng trên nhiều trống đồng ở các vành hình tròn trên mặt, tang và đôi khi trên thân trống. Các hình ảnh đó phát họa một bức tranh đồng quê trong thời kỳ thịnh vượng với chim cò tung bay ngoài đồng ruộng, người dân sinh hoạt với nghề nông trong mưa nắng dưới ánh mặt trời, biết chăn nuôi gia súc, sắn bắn, biết đánh bắt cá tôm, trồng trọt, nhứt là làm vụ lúa theo mùa, biết thu hoạch theo thời tiết và hoan ca chào đón ngày cuối mùa hay chào mừng gạo thóc mới, hò hát giã gạo, nhảy múa dưới trăng. Họ còn biết trao đổi thương phẩm với nhiều bộ tộc, quốc gia láng giềng bằng hàng hải với các ghe thuyền gỗ vượt sông biển. Hoa văn phổ biến nhứt trên mặt trống đồng Đông Sơn là hình các loại chim, người cũng hóa trang chim, đội mũ gắng lông chim, mũi thuyền có mắt chim tròn, cho biết chim là loài vật tổ tôn kính của người Lạc Việt.

Văn mặt trời có nhiều tia ở trung tâm của mặt (nắp) trên hầu hết trống đồng cho thấy người Việt Cổ thờ thần mặt trời và sùng bái thiên nhiên: mặt trời, lữa, nước, đất, gió, sấm sét, núi non… vì các hiện tượng “huyền bí” này giúp họ có được đời sống, sinh hoạt hàng ngày, tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mặt trời cung cấp nguồn năng lượng vô biên để nông dân trồng trọt, nuôi dưỡng, sản xuất và thu hoạch cuối mùa. Dù lúc đó con người chưa có kiến thức khoa học như ngày nay – chưa biết đến hiện tượng quang hợp của các loài thảo mộc – họ cũng nhận thức được nếu không có nguồn ánh sáng họ không thể thực hiện các hoạt động sản xuất lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình, con người và muôn loài không thể tồn tại lâu dài trên quả đất này. Từ ngàn xưa người dân luôn hướng nhìn mặt trời, bầu trời xa xâm để mong đợi mưa gió thuận hòa giúp canh tác thuận lợi, mùa màng tươi tốt; mong chờ trời nắng ráo để hoàn tất thu hoạch cuối vụ mau chóng và đúng lúc.

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

 

Ngoài ra, trống đồng có nhiều vành hoa văn đồng tâm với nhiều hình chim, trong đó chim chân cao mỏ dài và hình hươu chạy theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, biểu lộ hướng trái đất quay từ Tây sang Đông, thể hiện trình độ thiên văn cao của người Việt cổ. Trên hầu hết nhạc khí trống đồng, minh khí đều có hình mặt trời chiếu sáng nằm ở tâm điểm mặt trống, như nói lên tầm quan trọng thiết yếu của vầng thái dương đối với con người nông nghiệp qua thời tiết bốn mùa. Có thể đó là biểu hiện lịch pháp thiên văn cho nền nông nghiệp cổ

Theo hoa văn trên trống đồng, như trống đồng Hoàng Hạ, được một số nhà khảo cổ nghiên cứu và đánh giá là một loại lịch thời Hùng Vương, là bức thiên đồ cho phép xác định được các ngày tiết trong năm. Đó là loại lịch ngày âm, kết hợp chu kỳ mặt trăng và mặt trời, bắt nguồn từ văn hóa Bách Việt, mang đậm nét văn hóa nông nghiệp lúa nước ở phương Nam. Số lượng của các tia, chim bay, hươu, thuyền hầu hết là số chẳn, biểu hiện cư dân thời bấy giờ biết đo đếm. Số tia 12 chiếm đa số liên quan đến số tháng trong năm. Thời Cổ Đại, Ai Cập cũng có bộ lịch giúp hoạt động nông nghiệp ven sông Nile

Hoa văn tả cảnh sinh hoạt của con người trên trống đồng  hình dung nền nông nghiệp thời Cổ Đại khá đa dạng. Các hoa văn người giã gạo,cộng thêm hình ảnh kho chứa, thạp đồng, văn bông lúa, chim cò bay, tượng cóc, hình trâu bò, rắn nước nhứt là người nam và nữ giã gạo , hò hát đối đápđược tìm thấy khá phổ biến trên nhiều trống đồng. Điều đó và sự hiện diện của lưỡi cày đồng thời bấy giờ biểu hiện ngành nông nghiệp lúa nước đã trở nên một nghề chủ yếu cố định của người Việt Cổ trong thời kỳ dựng nước. Nông dân đã sản xuất lương thực dư thừa, nên có các thạp đồng lớn, trống chậu bằng đồng, vựa thóc trong những nhà khá giả. Nhờ nghề trồng lúa nước, người Văn Lang đã định cư, không còn lối sống du canh du mục nữa. Họ đã tụ tập thành từng làng xóm ven sông rạch, biển hồ, vùng đất cao, đồi núi; nhờ đó tổ chức xã hội ngày càng hoàn chỉnh và lớn mạnh, vững chắc; nước Văn Lang đã được hình thành.

Hóa trang cờ bay, khố váy, áo hai vạt ngắn dài của những người giã gạo, vũ công và chiến binh (Hình 9) được khắc trên trống đồng cho thấy nghề dệt vải, trồng cây vải, bố đai, trồng dâu nuôi tầm – nghĩa là công nghệ vải sợi đã phổ biến nhiều nơi trong nước Văn Lang để sản xuất vải sợi làm áo khố che thân, trang trí nội thất, làm cờ xí trong ngày lễ hội, cờ hành quân bảo vệ giang sơn.

Các hoa văn thuyền, thuyền đua, thuyền chiến, xương cá , các loại cá, rắn, nhà sàn, lầu gác (2) cho thấyngành ngư-lâm cũng rất phổ cập trong xã hội thời bấy giờ. Nông dân biết khai thác cây rừng để làm nhà ở, đóng ghe thuyền dùng trong ngư nghiệp, phương tiện di chuyển, các dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, và vũ khí gươm giáo chống xâm lăng. Trong thời Cổ Đại, có thể một phần cư dân không nhỏ chuyên sống với nghề biển, sông hồ. Do đó, họ biết khai thác các chiến thuyền để chống ngoại xâm bảo vệ xứ sở, chuyên nghề đánh bắt cá, ốc sò để làm đa dạng lương thực hàng ngày. Ngành hàng hải cũng phát triển từ thời đó, nhiều trống đồng được tìm thấy ở Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vài nước Đông Nam Á.

Các hoa văn hình động vật như chim bay, chim đậu (trĩ, công, chàng bè, trích…), trâu bò  gà chó, cóc…  trên mặt, tang, thân hoặc chân trống đồng cho thấy nông dân biết thuần dưỡng thú rừng, biết nuôi gia cầm để có thêm thức ăn, nhứt là nghề nông nghiệp dựa vào sức kéo của trâu bò, làm tăng gia sản lượng thực phẩm và nâng cao hiệu năng trồng trọt. Sự phát hiện lưỡi cày đồng và các tượng bò hình khối, hoa văn bò đực cho biết ngành nông nghiệp lúa nước đã phát triển cao. Họ đã biết dùng trâu bò cày xới đất canh tác, nhứt là cày ruộng, xới rẫy, một công việc nặng nhọc đối với con người khi làm việc trong điều kiện trồng lúa ngập nước và trên đất khô ráo cho canh tác các màu phụ. Tượng cóc, cóc giao phối trên trống đồng thể hiện sự mong mỏi của nông dân về mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi.

Con cóc là cậu Ông Trời.

Cóc nghiến răng trời đang nắng thì mưa.

Các hoa văn hươu nai, chim bay, chim đậu, con công, chàng bè, chim trích, cá sấu, chó săn cho thấy cư dân Việt Cổ vẫn còn có một bộ phận không nhỏ còn sống về nghề săn bắn trong rừng núi, vùng sâu vùng xa để có thêm thực phẩm . Họ có đời sống lưu động, làm nghề du canh để có đủ lương thực sinh tồn. Nghề du canh này vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở vùng Tây nguyên Trung phần và thượng du Bắc Bộ.

Các họa tiết độc đáo mô tả hình ảnh vũ công múa hát, hóa trang trong lễ hội, tục đối đáp khắc trên trống đồng, và hoạt cảnh hát hò trong khi chèo thuyền, đánh cá, làm ruộng… . Trong nhà sàn, từng cặp nam nữ ngồi đối diện, lồng tay chân nhau cùng ca hát, đối đáp Còn có tế trời, tế nước trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Các hình ảnh bơi chèo, múa hát, thổi khèn, ngồi đối đáp, ôm cõng nhau…, cho thấy một xã hội ổn định, thịnh vượng và dân tộc còn chất phát, có đầu óc nghệ thuật, hiếu hòa với tín ngưỡng sùng bái thiên nhiên

Ngoài các di vật khảo cổ nêu trên, các hoa văn trống đồng Đông Sơn phản ánh trung thực sinh hoạt vật chất, tinh thần và tình cảm rất sống động của xã hội thời lập quốc trong nền văn hóa Đông Sơn cách nay từ 2.700 đến 1.800 năm. Trong bức tranh lịch sử đó, ngành nông nghiệp gồm cả các khâu nông-lâm-súc-ngư được đúc khắc thể hiện khá rõ ràng qua các hoa văn như người giã gạo, “vựa thóc”, văn bông lúa; các hoa văn thuyền ghe, xương cá, các loại cá, rắn, nhà sàn, lầu gác; các hoa văn hình hoặc tượng động vật như trâu bò, cóc, chó, gà, cò, chim chàng bè, trích…; các hoa văn hươu nai, chim bay, chim đậu. Bên cạnh nghề luyện kim đồng, thau, sắt tinh xảo, nghề nông nghiệp lúa nước đã cung cấp cho cư dân Lạc Việt đầy đủ lương thực, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày trong đời sống kinh tế nông nghiệp phồn thịnh. Các hoa văn còn thể hiện một dân tộc có tinh thần nghệ thuật cao, bản chất hiếu hòa qua các hoa văn người múa hát, đáng trống, thổi khèn, hóa trang người, thuyền đua, sinh họat bơi chèo, ôm cõng nhau, hò hát đối đáp, cờ bay cách điệu … Đồng thời đất nước và dân tộc này cũng luôn luôn đề cao cảnh giác kẻ thù, sự xâm lăng của phương Bắc, qua các hoa văn trang trí chiến thuyền, người lính chiến với mộc, giáo, mát… khắc ghi trên nhiều trống đồng Đông Sơn được phát hiện trong các cuộc khai quật khảo cổ tại các địa bàn lưu vực sông Cả, sông Mã và châu thổ sông Hồng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro