Thiên thứ tư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Lòng từái (L'amour)

Trong những đức hạnh cần phải có, lòng từ-ái quan trọng hơn hết vì khi nó nẩy nở lớn lao, mạnh mẽ, nó thâu phục tất cả đức hạnh khác, và nếu những đức hạnh khác kia mà thiếu lòng từ-ái, thì chẳng đủ vào đâu cả. Người ta thường coi lòng từ ái như là một nguyện vọng mãnh liệt làm cho ta thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, để hợp nhứt cùng Thượng-Đế. Nhưng nếu giải thích như thế là xen vào đó tánh ích kỷ, và đúng nghĩa chỉ có một phần thôi. Đó không phải là nguyện vọng mà lại là một Chí nguyện, một quyết định. Muốn có hiệu lực, chí nguyện đó phải thấm nhuần trọn vẹn lòng con, không để chỗ hở cho một tình cảm nào khác. Nói cho đúng, đó thật là chí nguyện muốn được hợp nhứt với Thượng-Đế, chẳng phải để xa lánh mọi nỗi buồn chán và đau khổ ở đời, mà hầu để giúp Thượng Đế và làm y như Ngài vậy, vì con rất kính yêu Ngài. Bởi vì Thượng-Đế vốn Từ-Bi, cho nên muốn hiệp nhứt với Ngài, con phải hoàn toàn nhơn từ và hoàn toàn vô tư lợi.

Trong đời sống hằng ngày, lòng từ ái có hai nghĩa: một là phải cẩn thận tránh làm cho loài sanh vật đau khổ, hai là phải chờ đón mọi dịp để giúp đời.

Trước hết, đừng làm đau khổ ai cả. Có ba tội gây đau khổ cho đời hơn những tội khác: tội thứ nhứt là Nói-hành, tội thứ nhì là Hung-ác, tội thứ ba là Mê-tín dị-đoan, bởi đó là những tội trái nghịch với lòng từ-ái. Người nào muốn (thành kính và) yêu thương Đức Thượng-Đế thì phải tránh ba tội đó mãi mãi.

Sự nóihành (La médisance)

Thử xem sự nói nhảm, nói hành, tai hại thế nào. Nó khởi đầu bằng những ác ý, như thế là phạm một tội trọng rồi; vì mọi người mọi vật đầu có chỗ tốt và chỗ xấu. Chúng ta có thể tăng cường điều tốt hay điều xấu, bằng cách nghĩ tưởng đến chúng; và, như thế là chúng ta có thể thúc đẩy hoặc làm chậm trễ sự tiến-hoá. Chúng ta có thể vâng lời đức Thượng-Đế hay là chống lại Ngài. Nếu con nghĩ tưởng tới chỗ xấu của một người khác, thì cùng một lúc con làm ba điều quấy:

Một là: con gieo rắc quanh vùng con ở, những tư tưởng xấu chớ chẳng phải tư-tưởng tốt, thế thì con thêm điều khổ não cho đời.

Hai là: nếu người nào đó có tật xấu như con nghĩ tưởng, thì con bồi dưỡng và tăng cường tật xấu đó: tức là con làm cho huynh đệ của con càng thêm xấu, thay vì thêm tốt. Nhưng thường thường không phải người đó xấu thật, tại con lầm tưởng đó thôi; trong trường hợp này, tư tưởng xấu của con xui dục va làm quấy, bởi va chưa an lành, con sẽ làm cho va giống theo ý tưởng xấu của con.

Ba là: Con phát sanh trong tâm trí con đầy những tư tưởng xấu, chớ chẳng phải tư tưởng tốt; và do đó, con làm ngưng trệ bước tiến hoá của con, và con phơi bày trước các Đấng có cặp mắt thánh một tâm trạng xấu xa, bỉ ổi chớ chẳng tốt tươi đẹp đẽ chút nào.

Gây bao nhiêu tai hại cho mình và cho người, kẻ nói hành cũng chưa vừa lòng, và còn lôi cuốn nhiều người khác phạm vào tội lỗi của nó làm. Nó hăm hở kể cho họ nghe chuyện hung ác của nó tưởng tượng để họ tin; đó rồi chúng xúm nhau phao truyền một đợt tư tưởng xấu vô trí người bị nói hành, một nạn nhơn đáng thương hại. Và hằng ngày chẳng phải một người làm như vậy mà cả ngàn người nói hành (nói xấu) đều làm y như vậy (thì tai hại biết bao nhiêu).

Bây giờ con đã bắt đầu thấy tội nói hành đê hèn, và ghê tởm đến mức nào chưa? Tuyệt nhiên con chớ nên phạm tội đó. Nhứt định con đừng nói xấu một người khác, và nếu nghe nói xấu ai, con nên nhỏ nhẹ (hiền hoà) đưa ra ý kiến: "Việc đó có thể không đúng sự thật, mà nếu có thật đi nữa, xin nhơn từ đừng nói đến."

Điều hungác (La cruauté)

Sự hung ác có hai cách: cố ý hoặc vô ý. Cố ý làm điều ác là định tâm làm cho một sanh vật đau đớn – tội này nặng nhất, hơn tất cả tội, chỉ có yêu quái mới dám làm, chớ con người không nên làm.

Có thể con sẽ bảo rằng: làm người ai lại làm ác như vậy được. Nhưng mà nhiều người đã thường làm ác và lại còn làm ác hằng ngày nữa chớ. Nhiều quan tòa trong tòa án Công-giáo thuở xưa (Inquisiteurs) đã bạo ác; nhiều người có đạo đã phạm tội ác để bênh vực tôn giáo mình; các nhà giải phẫu mổ xẻ thú vật còn sống; nhiều thầy giáo thường đánh đập học trò. Những người này, để bào chữa tội ác của họ, nói rằng: họ y theo tục-lệ; nhưng một tội ác, chẳng vì lẽ có nhiều người y theo tục lệ mà gây ra, lại mất tánh cách tội ác được. Luật nhơn-quả không thể vì tục-lệ mà tránh khỏi được, mà quả báo do sự bạo ác gây ra lại càng nặng nề hơn các tội khác. Riêng ở xứ Ấn-Độ thói hung ác không thể tha thứ được, vì mọi người đều biết bổn phận mình không nên làm ai đau khổ cả. Nghiệp báo của tội ác cũng không dung thứ những ai, viện lẽ thể thao, vui tay giết hại các loài sanh linh của Thượng-Đế tạo ra.

Thầy biết con sẽ không làm ác như vậy được,vì lòng yêu kính Đức Thượng-Đế, nên khi gặp dịp con sẽ phản kháng ngay. Nhưng mà trong lời nói cũng có những lời hung ác như trong việc làm, người nào nói ra một lời cố ý mạ nhục, cũng phạm tội ác vậy. Điều này con cũng sẽ không phạm; nhưng đôi khi, một lời nói vô ý cũng tai hại như một lời nói hung dữ. Vậy con cố tránh sự vô ý làm ác.

Nghiệp ác vô ý đó thường sanh ra vì thiếu suy nghĩ. Một người tham lam bỏn xẻn chẳng hề nghĩ tới nỗi khổ do y gây ra cho kẻ khác, bằng cách trả tiền công quá hẹp, hoặc để vợ con bữa đói bữa no. Có kẻ chỉ nghĩ về sự vui riêng của mình, và để được thỏa mãn, y ít quan-tâm đến những linh-hồn và thể-xác bị y phá hoại. Lại có người vì muốn tránh vài phút bực mình, không phát tiền công thầy thợ cho đúng ngày, không nghĩ đến nỗi khổ mà va gây ra cho thầy thợ. Có biết bao nhiêu sự đau khổ gây ra bởi tánh vô tư lự của mình, quên nghĩ đến việc của mình có quan hệ đối với kẻ khác. Nhưng luật Nhân-quả chẳng hề quên báo ứng, dầu con người không nhớ đến nó. Nếu con muốn bước vào Đường-Đạo thì con phải nghĩ đến hậu quả của những việc con làm, vì sợ e vô ý phạm tội hung ác.

Sự mê tíndị đoan (La superstition)

Mê-tín dị-đoan là một tai hại lớn khác, nó đã gây ra những bạo ác khủng khiếp. Kẻ nào đã làm nô lệ cho thói dị-đoan thì khinh khi những người khôn ngoan hơn mình, và cố lôi cuốn họ làm y như mình. Con hãy nghĩ đến cảnh sát hại thú-vật rùng rợn do sự mê-tín đòi hỏi, giết thú vật để tế lễ; và còn một thứ mê-tín khác ác hại hơn nữa, nó làm cho con người tưởng rằng cần phải ăn cá thịt mới sống được. Con hãy nghĩ đến những nỗi đau khổ mà sự mê-tín gây ra cho các hạng dân bị áp bức ở xứ Ấn-Độ yêu quí của chúng ta, và xét coi sự mê-tín đó nảy sanh ra biết bao điều tàn nhẫn, trong hạng người đã biết rõ bổn phận của họ là phải tôn trọng tình huynh-đệ.

(Trớ trêu là) do sự mê-tín ám ảnh và xúi dục, người ta đã phạm nhiều tội ác, lại cho là họ nhơn danh Đức Thượng-Đế Đại-Từ Đại-Bi mà làm. Vậy hãy coi chừng kỹ-lưỡng đừng bỏ sót một mảy may dị-đoan nào trong tâm trí con cả. Con phải lánh xa ba tội trọng đó, vì chúng nó là những tội trái nghịch với lòng từ ái, có thể chận đứng hết các sự tiến hoá của con. Chẳng những lánh dữ mà còn phải tích cực làm lành. Con phải đầy nhiệt tâm phụng-sự, đến đỗi không hề bỏ qua một cơ hội nào có thể giúp đỡ mọi loài ở chung quanh con; chẳng những giúp đỡ mọi người mà luôn cả cầm thú và cỏ cây nữa. Phải giúp đỡ trong công việc nhỏ nhen hàng ngày cho quen tay, để sau này có cơ hội lớn lao mới không bỏ qua được. Vì nếu con khao khát hợp nhứt với Đức Thượng Đế, đó chẳng phải là vì con, mà là để trở thành một vận hà (Canal) để cho nguồn từ ái của Ngài ban rải đến các đàn em của con. Người đã nhập Đạo rồi không sống riêng cho mình mà chỉ một lòng lo cho kẻ khác; người ấy quên mình mới giúp đời được. Người là cây bút trong bàn tay Đức Thượng-Đế, nhờ đó mà tư-tưởng của Đức Thượng-Đế được tuôn xuống phàm trần và nếu không có người làm trung-gian, thì điều ấy không thể phô diễn ra được. Đồng thời, người cũng là một bó đuốc linh-động rọi khắp Thế-gian ánh sáng Từ-Bi của Đức Thượng-Đế, tràn ngập tâm hồn người.

Có khôn ngoan ta mới giúp đời được, có chí khí ta mới điều khiển được sự khôn ngoan, có từ-ái mới phát sanh chí khí; đó là những đức hạnh mà con phải có. "BI-TRÍ-DŨNG" (AMOUR-SAGESSE-VOLONTÉ) là ba Trạng-thái hay là TAM-HỒN của Đức Thượng-Đế và nếu các con muốn được làm tôi cho Đấng Chí Tôn thì bổn phận của con là phải biểu lộ ba ĐẠI HẠNH "BI-TRÍ-DŨNG" ở cõi trần.

I

Chờ nghe lời dạy của Thánh Sư,

Rình dò ánh sáng huyền linh,

Lắng tai để nhận rõ mạng lịnh của Ngài,

Ngay giữa cuộc cạnh tranh.

II

Chủ ý đến mọi dấu hiệu rõ của Ngài,

Hiện lên trên đám đông bao la vô tận,

Nghe lời Ngài khẽ nhủ,

Xuyên qua tiếng hát vang rền của thế nhân.

___

I

Attendant la parole du Maitre,

Guettant la lumieøre cacheùe.

Ecoutant pour saisir ses ordres,

Au milieu meâme de la bataille.

II

Attentif à son moindre signe,

Au dessus de l'immense foule.

Entendant son leùger murmure,

A travers les chants bruyants de la terre.

Đạo Huynh Bạch Liên lấy nghĩa tám câu chữ Pháp đặt ra một bài tứ tuyệt như dưới đây:

Đạo không rời bước chẳng lìa mình,

Chí sá phồn hoa cảnh sắc thinh,

Chăm chỉ xem qua từng nét dấu,

Nghe Thầy dạy dỗ chữ đinh ninh.

Bạch Liên


Tư tưởng có hình dạng (forme), có sức mạnh (force)..., nó súi dục và cảm hóa người rất dễ dàng.

Bắt buộc phải mổ xẻ xin nhơn từ chích thuốc tê cho nó không đau đớn

Như đi săn bắn

Mua dâm, hiếp dâm, tà dâm

Bi – Trí – Dũng

BI: Đại-Từ, Đại-Bi, Bác-Ái (AMOUR)

TRÍ: Minh-Triết, Trí-Huệ Sáng-Suốt, Quán Thông Vũ Trụ (SAGESS)

DŨNG: Đại-Hùng, Đại-Lực, Đại-Chí (VOLONTE)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro