Bài làm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: Bác Hồ đã dạy rằng:

" Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. "

Suy nghĩ của em về vấn đề trên.

Dàn bài chi tiết:

I/ Mở bài:

Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận:

- Tri thức là chìa khoá kỳ diệu đễ dẫn chúng ta đến cánh cửa của sự thành công. Tuy nhiên, phương pháp học tập đúng đắn mới là quan trọng.

- Bác Hồ cũng đã có lời dạy ý nghĩa: "Học phải đi đôi... không trôi chảy" (bắt buộc phải trích đề)

II/ Thân bài:

a) Giải thích:

"Học" là gì?

- Học là quá trình khám phá, tìm hiểu, đón nhận và tiếp thu những cái mới.

- Học là mở mang trí tuệ, là lĩnh hội, trau dồi những tinh hoa tri thức.

- Học nhờ các lời giảng dạy của thầy cô truyền tải, ở bạn bè đồng trang lứa và kể cả ở môi trường sống xung quanh ta.

"Hành" là gì?

- Hành là quá trình vận dụng, đưa những kiến thức có được vào thực tiễn cuộc sống.

- Hành là thực hành, ứng dụng những lý thuyết vào công việc để hoàn thành một cách hiệu quả và chất lượng.

⇨ "Học" và "hành" có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít.

"Đi đôi" là gì?

- Là đi cùng nhau, tương xứng, đồng bộ với nhau.

- Là hai vật hay hai người đi sóng bước bên cạnh nhau.

⇨ "Học đi đôi với hành" thêm ý nghĩa - có học là đồng thời phải có hành.

"Học mà không hành thì học vô ích. " là gì?

- Nghĩa là dẫu có học chăm chỉ, miệt mài nhưng không biết cách áp dụng lý luận vào thực hành thì những kiến thức sẽ dần dần bị mai một và trở nên lãng phí, vô ích.

" Hành mà không học thì hành không trôi chảy. " là gì?

- Có nghĩa nếu chúng ta không có kiến thức, công thức mà bắt tay vào thực hiện sẽ khó mà thuận lợi, suôn sẻ.

b) Phân tích lý giải:

- Vì sao "học phải đi đôi với hành"?

- Vì sao "học mà không hành thì học vô ích"? (dẫn chứng, minh hoạ cụ thể)

→ Học là một quá trình vô cùng quan yếu vì nhờ có lý thuyết thì việc ứng dụng vào thức tế sẽ không bị lóng ngóng, sai sót.

→ Học giúp ta sở hữu lượng thông tin, hiểu sâu biết rộng để tự tin thực hiện, hoàn tất các dự án, thiết kế trong tương lai.

- Vì sao "hành không học thì hành không trôi chảy"? (dẫn chứng, minh hoạ cụ thể)

→Thực hành là để kiểm tra chắc chắn lại kiến thức đã học, để lấp đầy những lỗ hổng tri thức mà ta cần bù đắp.

→ "Hành" giúp chúng ta kiện toàn khả năng, năng lực của bản thân mang lại nhiều lợi ích cho việc học.

c) Dẫn chứng cụ thể:

- "Trăm hay không bằng tay quen."

- Một nghìn lần thí nghiệm của Thomas Edison.

- "Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ thực tiễn là lý luận suông." (Chủ tịch Hồ Chí Minh)

- Nấu ăn cần có công thức, kiến thức cơ bản thì mới có thể chế biến, hoàn thành một phần ăn đậm đà, ngon miệng.

d) Bàn bạc mở rộng:

- Phê phán một bộ phận trong xã hội vẫn chưa đề cao phương châm "học đi đôi với hành", chỉ biết bầu bạn với những quyển sách dày mà ngần ngại thực hành.

- Lật ngược vấn đề:

+ Bài học nhận thức phấn đấu học tập tốt. Bên cạnh đó cần luyện rèn các kỹ năng mềm và đạo đức.

+ Trở thành công dân tốt. Phấn đấu cho tương lai, cho sự nghiệp.

III/ Kết bài:

Khẳng định lại suy nghĩ về vấn đề cần bàn bạc.

- Lời dạy của Bác Hồ ngày càng được khẳng định, đã và đang trở thành một phương pháp học tập quý giá.

Lưu ý:

1) Dành cho những bạn cần chính xác Đề 2 trong bài viết số 6:

→ Ở phần Mở bài, các cậu sẽ dẫn dắt vào đề, trích đề, chuyển ý dựa trên lời La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp trong bài tấu "Bàn luận về phép học".

→ Ở phần Thân bài, hoàn toàn có thể giữ nguyên các ý chính (bao gồm Giải thích, Phân tích lý giải, Dẫn chứng mở rộng). Tuy nhiên, nên trích một số lời và dẫn chứng trong bài ra giải thích thêm. Bên cạnh đó, nên khẳng định lại mối quan hệ giữa "học" và "hành" dựa trên bài tấu.

→ Ở phần Kết bài, khẳng định tầm quan trọng của học và hành. Nhưng bắt buộc là Từ bài "Bàn luận về phép học" của Nguyễn Thiếp.

* Nói chung, thân bài không có gì thay đổi. Chỉ là cần dẫn dắt dựa trên bài tấu chứ không phải lời dạy của Bác Hồ.

2) Văn nghị luận cần thêm yếu tố tự sự và biểu cảm. Không nên xưng "tôi", thay bằng "ta" hoặc "chúng ta" thì hơn.

3) Nhắc nhở thêm một lần nữa là Trích đề rất quan trọng!

4) Giọng văn và kiến thức trình bày, bàn luận cần mang màu sắc chính trị - xã hội.

5) Thân bài nên chia ít nhất thành 3 đoạn. Càng có nhiều ý tưởng và dẫn chứng cụ thể, mới lạ (không lan man) thì càng ấn tượng và nhấn mạnh hơn.

Bài viết:

Tri thức là chìa khóa kỳ diệu để dẫn chúng ta đến cánh cửa của sự thành công. Tuy nhiên, phương pháp đúng đắn trong học tập mới có thể góp phần giúp con đường kiến thức của toàn nhân loại được mở rộng. Để nhấn mạnh và để mọi người hiểu biết hơn về tầm quan trọng của vấn đề này, Bác Hồ cũng đã có một lời dạy ý nghĩa: "Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy". Vậy, chúng ta cần phải hiểu thế nào cho thấu đáo về lời dạy này?

"Học" là quá trình khám phá, tìm hiểu, đón nhận và tiếp thu những cái mới, những kiến thức đã được đúc kết trong sách vở nhằm nâng cao trình độ học vấn của bản thân. Là nắm vững những lý luận, lý thuyết về nhiều lĩnh vực, nhiều môn học khác nhau. "Học" là mở mang trí tuệ, mở mang sự hiểu biết, là lĩnh hội, trau dồi những tinh hoa của cuộc sống và của kho tàng kiến thức mênh mông. "Học" còn là một hành trình chinh phục những kinh nghiệm từ thế hệ cha anh đi trước, từ thực tiễn theo từng bước đổi mới, phát triển của xã hội. Chúng ta có thể học nhờ các lời giảng dạy, thông điệp truyền tải của thầy cô giáo, học ở bạn bè đồng trang lứa, học ở sách vở, ở báo chí, kể cả là trong môi trường sống xung quanh ta. Nhờ có "học", chúng ta có thể góp nhiều ích lợi vào sự nghiệp, hoạt động trong tương lai phía trước. Tuy nhiên, học chỉ là dựa trên lý thuyết, là những câu chữ trên các mặt giấy, là cách làm, là phương pháp, là lý luận. Còn "hành" là cả một quá trình vận dụng, đưa những kiến thức đã tiếp thu được trong quá trình học vào thực tế hằng ngày. "Hành" là thực hành, ứng dụng những lý thuyết ấy vào đời để hoàn thành một công việc nào đó một cách hiệu quả. Vì vậy, "học" và "hành" có mối quan hệ rất mật thiết, chặt chẽ với nhau. Học với hành tuy hai mà là một. Học và hành không thể tách rời mà phải luôn đồng hành song song cùng nhau.

"Đi đôi" nghĩa là đi cùng nhau, là tương xứng, đồng bộ với nhau, là hai người hay hai vật sóng bước sát bên cạnh nhau. Từ đây, ta có thể nhận thấy câu "học đi đôi với hành" thêm ý nghĩa - có học thì đồng thời phải có hành. Đã có học thì phải có hành, có hành thì phải có học. "Học" và "hành" luôn xuất hiện trên cùng một con đường học tập, trong cùng một quá trình rèn luyện và hướng đến một mục đích tươi đẹp. "Học" và "hành" từ lời dạy của Bác Hồ mà thêm nhiều sự liên kết, gắn kết. "Học mà không hành thì học vô ích" nghĩa là dẫu có chịu khó tìm tòi, hỏi han để nâng cao vốn hiểu biết mà không thể sử dụng chúng thì việc học cũng trở nên phí hoài, vô ích. Tiếp theo, "hành mà không học thì hành không trôi chảy" có nghĩa nếu ta chẳng có chút kiến thức nào thì việc thực hành cũng sẽ rất khó khăn, khó mà suôn sẻ, thuận lợi. Vậy, "Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy" đã cho chúng ta hiểu khái quát về tầm quan trọng về một phương pháp học tập đúng đắn. Đó là, học và hành luôn phải kề vai sát cánh, cả hai quá trình luôn cần phải kết hợp xen kẽ với nhau để mọi người có thể chiếm lĩnh đỉnh cao của tri thức.

Ngày nay, dù lợi dạy hữu ích này của Bác Hồ đã được đông đảo mọi người biết đến nhưng việc thực hiện được thì chỉ là một phần nhỏ. Khi còn ngồi ghế nhà trường, lượng kiến thức cơ bản cung cấp cho ta là khổng lồ cùng theo đó là những bài học mới lạ từ cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, chúng đều là lý thuyết, lý luận bằng câu chữ. Nếu chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà chẳng biết cách để hướng chúng đến những hoạt động thực tế, ta sẽ không thể nhận lại cho mình những điều thành công hay tốt đẹp. Một người dù thông minh đến thế nào, dù luôn tự hào với những điểm số cao ngất ở trường lớp, dù luôn tỏ vẻ bản thân am hiểu mọi điều nhưng những gì họ nắm có lẽ chỉ là một giọt nước nhỏ bé giữa biển khơi tri thức mênh mông. Giỏi lý thuyết không có nghĩa là giỏi thực hành. Vì thế, để rèn luyện, để hoàn thiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, chúng ta cần phải chăm chỉ, siêng năng, cố gắng hơn. Trau dồi, tìm hiểu thêm những phương pháp học tập để có thể vừa "học" mà vừa "hành". Thực hành là để kiểm tra chắc chắn lại những kiến thức đã học, để lấp đầy những lỗ hổng tri thức mà ta cần bù đắp. Trong quãng thời gian đi học, việc thực hành chính là những bài tập củng cố nội dung bài học hay bài tập về nhà. Đó là phương pháp "học đi đôi với hành" mà chúng ta thường xuyên áp dụng để nắm bắt rõ hơn về cách thức vận dụng lý thuyết vào thực tế. Chúng ta cần phải thực hành khi học bởi cốt lõi chủ yếu của "hành" là kiểm định lượng kiến thức được truyền thụ đến mỗi người. Thực hành còn giúp ta kiện toàn khả năng, năng lực của bản thân và tạo ra những điều mới mẻ, sáng tạo vượt bậc. Như vậy, việc đưa tri thức vào công việc để hoàn thành chúng là một giải pháp rất đúng đắn mang lại nhiều lợi ích cho việc học tập hơn.

Trong thực tế cho thấy rằng, giữa một người đã có kinh nghiệm từng trải, có một ít khoảng thời gian thử việc trước đó và một người chỉ có học vấn tốt nhưng không biết làm gì đi xin việc thì khả năng người thứ nhất trúng tuyển là cao hơn. Người chỉ biết học mà không chịu thực hành thì nắm được nhiều tri thức nhưng những tri thức ấy không gắn liền với lao động sản xuất hay sinh hoạt thường ngày. Họ hiểu nhiều, biết rộng nhưng làm việc còn vụng về, lúng túng gây ra nhiều sai sót, thậm chí là tổn thất, thiệt hại to lớn. Người lao động xưa đã tích lũy và từng quan niệm rằng: "Trăm hay không bằng tay quen". Họ đề cao vai trò của thực hành và cho rằng lý thuyết hay không bằng thực hành giỏi. Từ đây, ta cũng nhận thấy được tiềm năng quan trọng của việc ứng dụng những lý luận khô khan vào mọi công việc quanh ta là rất lớn. Tuy nhiên, xã hội đang trên đà phát triển, nhận thức về mối liên kết giữa lý thuyết và thực hành cũng có nhiều cải tiến. "Học" và "hành" giờ đây đã đi đôi, chúng đều có mỗi ý nghĩa riêng biệt, tốt đẹp khác nhau và không thể tách biệt. Nhà bác học Thomas Edison để có được sự thành công rực rỡ mà được nhiều người trên thế giới công nhận và ngưỡng mộ cho đến ngày nay, ông đã phải miệt mài thí nghiệm lên đến một nghìn lần để rút kinh nghiệm từng ngày. Sau vô số lần kiên nhẫn thực hành thử nghiệm, Edison đã nổi tiếng với phát minh vĩ đại góp ích cho toàn nhân loại. Quả thực, "hành" là vạch đích của "học", là kết quả mà "học" muốn định hướng đến. Khi đã tiếp thụ kiến thức mà tư tưởng, suy nghĩ thấp kém vẫn không chịu thực hành thì lượng kiến thức ấy sẽ dần bị mai một, sẽ trở nên vô nghĩa và việc học không còn tác dụng nữa. Ta kết luận được rằng, nếu con người ta "học" mà không "hành", nếu nắm vững kiến thức mà thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng thực tiễn thì sẽ làm việc khó mà thành công, cũng như sẽ trở thành con người vô dụng. Vì lẽ đó, ta càng hiểu nhiều hơn về việc "học mà không hành thì vô ích".

Thực hành cho ta nhiều kinh nghiệm thực tế, nắm bắt và hiểu rõ hơn về phương cách hoàn thành công việc. Thế nhưng, nếu bắt tay vào làm việc hay thực hiện một thí nghiệm thì kiến thức là thiết yếu hơn tất thảy. Nếu chúng ta "hành" mà không có lý luận dẫn lối, không có kinh nghiệm đúc kết thì việc áp dụng tri thức vào đời sống, sự nghiệp hay lao động sản xuất đều sẽ gặp nhiều trở ngại và lóng ngóng. Như vậy, học tập cũng là một quá trình rất quan trọng cần được để tâm nhằm phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó, ta mới có thể sở hữu được lượng thông tin, hiểu biết sâu rộng để tự tin thực hiện, hoàn tất cũng như xây dựng những thiết kế, kế hoạch, công việc, dự án trong tương lai. Xác định được điều quan yếu song song với thực nghiệm là học, ta cần phải tìm tòi, học hỏi nhiều hơn vì hiện nay có rất nhiều sự đổi mới, cả trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và trong tư duy suy nghĩ của mỗi con người. Lý luận cốt nhằm nâng cao, cải thiện tư tưởng, năng lực hiểu biết và biến đổi những thứ ấy sang kỹ năng. Kỹ năng nhờ lý luận sách vở mà ta có được sẽ góp phần không nhỏ để chúng ta nảy ra tư duy sáng tạo đột phá, khám phá ra những cách thức giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Sau nhiều lần đưa kiến thức vào thực tế thành công, ta sẽ rút ra được vô vàn những bài học và kinh nghiệm bổ ích. Kinh nghiệm có được qua quá trình "học" và "hành" là vốn quý bởi nó chính là sản phẩm đúc kết từ thực tiễn đầy sống động, phong phú. Lý thuyết từ việc học là sự tổng hợp chặt chẽ của mọi kết luận mà ta đã được tham khảo qua. Lý thuyết có được là từ tổng kết trí tuệ thực tiễn, được vận dụng vào thực tiễn và rút ra được tự thực tiễn. Nhiều năm tháng trôi qua, lý thuyết cơ bản sẽ được sửa đổi, bổ sung tiến bộ hơn để nó thêm chuẩn xác, phù hợp với thực tiễn. Ta có thể nhận thấy rằng, kiến thức là vô bờ, không có giới hạn. Do đó, trau dồi, trang bị đủ đầy tri thức là một việc làm cốt yếu và luôn luôn cần thiết. Nếu làm việc mà không có hiểu biết thì chính là làm việc mù quáng. Cũng vì thế mà những người làm việc không có sự chỉ đạo của lý thuyết thường xuyên mắc lỗi, sai lầm và đó là nguyên nhân dễ dàng dẫn đến sự thất bại lớn. Tương tự khi nấu ăn, để làm nên món ăn hấp dẫn, ngon miệng chúng ta cần công thức. Công thức ở đây chính là sự hiểu biết, thông tin, lý thuyết của ta. Dựa trên nền tảng của công thức cơ bản ấy, ta có thể biến tấu, chế biến thành một phần ăn với gia vị đậm đà, mới mẻ, bắt mắt hơn ban đầu. Còn nếu chúng ta không có kỹ năng, kinh nghiệm mà đã vào bếp thì sản phẩm tạo ra có nguy cơ thất bại, hư hỏng rất cao. Vậy, lời dạy "Hành mà không học thì hành không trôi chảy" đã biểu hiện rõ ràng ý nghĩa của nó. Nếu "hành" mà không "học" thì dễ mắc sai phạm và tự bản thân trở thành người phá hoại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã viết: "Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ thực tiễn là lý luận suông". Giống như mỗi khi chúng ta học tiếng Anh. Ngoài việc học thuộc từ vựng mỗi ngày, học những điểm ngữ pháp thường dùng thì ta còn phải bắt đầu "hành". Luyện nghe, luyện nói chính là thực hành. Nếu không học từ, ta sẽ không biết gì để nói. Nhưng nếu như không nói, không luyện tập, vốn tiếng Anh mà ta đã học sẽ trở nên vô ích, uổng phí và dần phai nhạt. Có thể nói, Bác Hồ là một tấm gương sáng vô cùng tiêu biểu với phương châm "học đi đôi với hành". Nhờ có sự chăm chỉ học tập, tìm tòi và nỗ lực tập luyện, Bác đã biết rất nhiều ngoại ngữ và sử dụng không đơn thuần để nói trong giao tiếp mà còn để viết báo, viết văn một cách thành thạo. Hay một ví dụ khác, để một điều dưỡng thấp kém trở thành bác sỹ, anh ta phải miệt mài đèn sách ròng rã nhiều năm, qua bao nhiêu khó khăn thì cánh cổng thành công mới mở ra cho anh ấy được. Ta có thể kết luận, lý luận soi sáng từng bước đi cho quá trình thực hành. Để thực hành từ đó mà bổ sung, hoàn thiện cho lý thuyết. Cuối cùng, thực hành hay lý thuyết, "hành" hay "học" đều biểu diễn được giá trị đặc biệt và ưu thế của nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi người.

Trên thực tế, nhiều học sinh sinh viên đã sai lầm trong những phương pháp học tập từ trước đến nay. Do họ chỉ biết bầu bạn cùng những quyển sách dày với hàng loạt những kết luận dài dòng mà không bao giờ suy tính đến việc đưa những kết luận ấy ứng dụng vào đời sống của mình. Có lẽ còn nhiều bộ phận trong giới trẻ chưa nắm bắt và hiểu rõ về tầm quan yếu của phương châm hữu ích này nên họ còn xem nhẹ, lơ là. Và với tâm lý rụt rè, sợ làm sai, lười biếng hoạt động đã dẫn đến tình trạng học sinh sinh viên thời này chưa thực hiện được đúng đắn lời dạy hiệu quả của Bác. Là một học sinh, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh, có trách nhiệm với việc học của mình. Siêng năng học hỏi để hiểu rõ và khi đã hiểu rõ bài học là phải ứng dụng ngay vào bài thực hành trong thực tiễn. Tuyệt đối không học vẹt, học tủ, tránh việc học nhưng không hiểu gì. Khi học xong nên ôn tập, củng cố lại kiến thức và làm các dạng bài tập vận dụng để ghi nhớ lâu, nhớ sâu về nội dung bài vừa học. Chúng ta nhất định phải biết kết hợp chặt chẽ, khăng khít giữa học và hành. Không những thế, ta cũng cần phải rèn luyện kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao, bồi dưỡng các môn học với nhiều dạng bài tập, thí nghiệm hơn và quan trọng luyện rèn nhân cách tốt đẹp. Chúng ta phải trở thành người có ích cho tương lai sự nghiệp của bản thân và tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc ta thêm tươi đẹp, hùng mạnh.

Hiện nay, đất nước Việt Nam ta đang thời kỳ đẩy mạnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa, các công cuộc đổi mới ngày càng phức tạp và nhanh chóng. Vì vậy, việc học tìm ra lý luận, thực hành của thế hệ trẻ và tất cả mọi người trong xã hội càng trở nên đặc biệt quan trọng. Chúng ta cần phải học hành, học hành bằng bất kỳ cách nào, học bằng mọi giá. Lời dạy của Bác Hồ ngày càng được khẳng định, đã và đang là một phương pháp học tập quý giá để chúng ta tiến đến một tương lai tươi sáng rực rỡ ở phía trước.

Hết.




Mong rằng có thể giúp các cậu tham khảo để có ích cho việc học. Chúc mọi người làm bài và học tập tốt!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro