Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngôi mộ mới đắp của mẹ nằm khuất sau dãy mộ khang trang, dưới bóng cây bàng thưa thớt lá. Tấm bia đá nâu sẫm khắc rõ họ tên, năm sinh, năm mất của bà.

Ba mươi chín tuổi.

Sống chỉ ba mươi chín năm trên đời - quá ngắn ngủi, thế nhưng mẹ lại đánh mất mười bảy năm nữa trong mệt mỏi, muộn phiền, vì tôi. Mười bảy năm lần mòn trôi qua, cho đến ngày đời mẹ chấm dứt...

Mà còn chấm dứt trong đau đớn...

Đến giây phút này, tôi mới chấp nhận sự thật rằng, tôi đã mất mẹ rồi. Dượng là kẻ giết mẹ, còn tôi dẫn mẹ đến cái chết.

Nỗi đau khiến tôi như mê man đi. Trong vô thức, ký ức cũ về mẹ chợt hiện lên thật rõ ràng.

* * *

Năm mười một tuổi, buổi tối sau đám tang em trai, mẹ ôm tôi trong lòng, ngồi khóc thật lâu.

Ba mất. Gia đình kiệt quệ. Ba người còn lại bám víu vào nhau, sống qua ngày. Chị em tôi vừa là gánh nặng, vừa là chỗ dựa của mẹ. Mẹ chịu cực khổ trăm bề vì hai đứa, thế đấy. Nhưng ông trời lại nhẫn tâm cướp đi em tôi, thằng bé bảy tuổi vô tư, vui vẻ, thương mẹ và chị. Nó bị cướp đi một cách tàn khốc trớ trêu cùng cực: chết vì không tiền chữa bệnh.

Đó là nỗi đau mà tôi chắc rằng đến ngày nay mẹ vẫn hằng kinh sợ. Đêm ấy, giữa cái buốt lạnh từ những cơn gió thấm sương đêm thổi qua tấm vách rệu rã, trên một chiếc giường mà từ giờ chỉ còn hai người ngủ, trong lòng một người đàn bà khốn khổ đương run rẩy vì những tiếng khóc không đủ sức bật ra, tôi đã nghe mẹ nói một câu, mà bản thân tôi mãi mãi không bao giờ quên đi được:

"Giang ơi, mẹ thương con nhiều lắm... Mai mốt không được bỏ mẹ lại như em con! Mẹ không cho..."

Những đêm mơ màng, tôi thoáng cảm nhận được cái hôn nhẹ nhàng mẹ đặt trên tóc tôi. Đôi khi là những lời thì thầm khẽ khàng. Và tôi nhớ vòng tay mẹ ấm áp, nhớ câu hát ru dịu dàng, nhớ tấm lòng yêu thương của bà.

Từng ký ức, từng ký ức một hiện về, như từng nhát dao cứa vào tim tôi.

* * *

Biết rằng mẹ đã mất, tôi không thể làm gì hơn. Nhưng ít ra cũng không nên khóc than tuyệt vọng mãi như vầy.

Chiều muộn, từng cụm mây đen tụ lại phủ kín bầu trời, báo hiệu cơn cuồng phong sắp đến. Tôi đứng dậy, bất chợt một cơn đau vang dội trong bụng khiến tôi khuỵu xuống, thở dốc.

Có khi nào...?

Tôi lo lắng đảo mắt xung quanh, không có ai khác ở đây ngoài tôi. Làm sao bây giờ?

Tôi nghiến răng chống hai tay xuống đất, cố đứng thẳng người dậy. Bước thêm mấy bước nữa, cơn đau lại đến. Tôi siết chặt vạt áo trong tay.

Gần ra đến lộ, mưa bắt đầu rơi nặng hạt, người tôi thoáng chốc ướt sũng. Cơn đau dần dữ dội hơn, đau đến không thể chịu được.

Đau, đau, đau...

Cơ thể yếu ớt của tôi không thể chống chịu cơn đau này thêm nữa. Cuối cùng, tôi ngã xuống lề đường, nằm bất động trên đất, bỏ cuộc.

Ở một nơi xa xăm huyền bí nào đó, mẹ nhẹ mỉm cười với tôi. Phép lạ bỗng đến khiến người tôi như nhẹ hẫng đi.

* * *

Tôi tỉnh giấc vì cơn đau buốt giá.

Trước mắt tôi là màu trắng tinh khiết, xung quanh cũng vậy. Trắng. Rất trắng, rất mờ ảo. Tôi không biết mình đã tỉnh thật chưa, hay vẫn còn trong mơ.

Tiềm thức tỉnh dậy, tôi dần nhớ ra vài thứ. Tôi cố cử động nhưng tứ chi tê dại, bèn bất lực nhìn xuống bụng mình.

Bụng tôi đã nhỏ lại, cơn đau cũng từ da thịt nơi đó lan ra. Tôi sinh rồi sao? Mà còn là sinh mổ?

Vậy là đang ở bệnh viện.

Vết thương chợt nhói lên khiến tôi nhíu đôi mày lại.

Đau đớn, mơ màng, tê dại, mệt mỏi. Tôi khó chịu đến cực điểm, muốn tìm lại giấc ngủ. Nhưng một ý nghĩ thoáng qua làm tôi suýt ngồi bật dậy.

Con tôi đâu?

Tôi cố mở hai con mắt nặng trĩu nhìn quanh. Cả căn phòng trắng tinh chật hẹp chỉ có một mình tôi. Tôi đã sinh rồi sao vẫn chưa thấy con? Bao giờ tôi mới được gặp con? Bác sĩ, y tá đâu, sao không có ai thế này? Định kêu lên một tiếng nhưng quá đau, tôi lại nằm im.

Ít phút sau, cửa phòng mở ra, một bác sĩ tầm ba mươi đi vào. Anh ta tiêm cho tôi một mũi thuốc, vừa thay bình nước biển mới, vừa nói: "Ba hôm trước tôi tìm thấy cô ngất ở trên đường, đang có dấu hiệu chuyển dạ nên liền đưa tới đây. Chúc mừng cô đã sinh được một cặp song sinh trai gái. Hai đứa nhỏ rất khoẻ mạnh, không có vấn đề gì. Giờ cô đang được chăm sóc đặc biệt, nên đợi chừng nào bình phục rồi thì sẽ được gặp con."

Sinh đôi một trai một gái ư? Hai đứa con tôi còn đang rất khoẻ mạnh? Tôi có nằm mơ không? Thật... hạnh phúc quá! Tôi nở nụ cười tuy yếu ớt nhưng lòng reo vang mừng vui không ngớt.

Bác sĩ tiếp: "Cô thấy sao rồi? Gia đình cô đâu để tôi giúp cô liên lạc?"

Niềm vui vừa chớm lên đã vụt tắt ngay khi chợt nhắc đến mẹ. Nụ cười lịm dần... Tôi hít vào một hơi, vết mổ đau như sắp nứt toác, nghèn nghẹn mà rằng: "Mẹ... tôi... mất rồi..."

Bác sĩ đâm bối rối, "Thôi... Thôi được rồi, tôi không hỏi gì nữa đâu. Cô nghỉ ngơi cho khoẻ đi nhé. Tôi sẽ hỏi lại sau. Giờ tôi đi thăm bệnh nhân khác."

Dứt lời anh ta liền ra khỏi phòng, đóng cửa. Chỉ còn tôi nằm yên ở lại, với cơn đau.

* * *

Khoảnh khắc lần đầu tiên được gặp con sau hơn ba ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, đã trở thành hồi ức tuyệt đẹp, suốt đời này tôi mãi khắc ghi.

Cô y tá nhẹ nhàng bế hai đứa bé đặt vào lòng tôi.

Hai đứa bé kháu khỉnh, khoẻ mạnh, dường như biết tôi là mẹ; chúng ngoan ngoãn nằm trong lòng tôi, thôi khóc và mỉm cười.

Hai đứa giống nhau như đúc; đứa con trai ra chiều lanh lợi, đứa con gái bụ bẫm dễ thương.

Đây là con tôi!

Một cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng lan toả khắp trong lòng tôi, không thể nói thành lời. Tôi hôn tay con trai, hôn trán con gái. Tôi mỉm cười rạng rỡ, nụ cười hai con cũng càng sâu hơn.

Vậy, từ đây, tôi không bao giờ cô đơn trên cõi đời này nữa. Tôi đã là mẹ của hai bé con này. Bao nhiêu nỗi lo phiền nhọc nhằn ngày xưa, mọi đau thương trong quá khứ chợt vụt tan đi hết. Hai đứa nhỏ kháu khỉnh đáng yêu này là cả thế giới của tôi. Không từ ngữ nào có thể diễn tả được niềm vui của tôi khi ấy. Tôi yêu hai con, sánh bằng trời xanh biển rộng, như khi xưa mẹ yêu thương tôi.

Bằng tất cả khả năng và sức lực bản thân, tôi sẽ cố gắng sống thật tốt, để chăm sóc, nuôi nấng các con nên người, dõi theo con lớn khôn từng ngày, và mãi trân trọng từng phút giây được ở bên các con.

Cảm ơn Trời Phật từ bi ban cho con hai thiên thần nhỏ này. Trên trời cao linh thiêng, xin mẹ hãy phù hộ con nhé, mẹ.

* * *

Sau gần một tuần nằm bẹp dí trên giường bệnh, đến khi nghe thông báo tiền viện phí, tôi thiếu điều lăn bịch xuống đất. Cuối cùng, tôi đành vay ngân hàng để trả tiền.

Xuất viện rồi, phải mất đến nửa tháng sau tôi mới bình phục hoàn toàn, lại trở dậy đi tìm việc làm. Cuộc sống của tôi bắt đầu gặp nhiều khó khăn hơn kể từ khi có hai đứa nhỏ. Mới đầu còn đau yếu chưa đi làm nhiều được, để có tiền mua sữa và quần áo cho con, tôi phải đem cầm đi hầu hết tất cả những gì mà mẹ tôi để lại.

Về sau tôi cố gắng làm thật nhiều việc bù lại, kiếm thật nhiều tiền để lo cho con mọi thứ thật tươm tất đủ đầy. Buổi sáng tôi làm ở một quán ăn nhỏ xíu trong xóm chài. Gần trưa liền ra chợ cá quét rác, chiều tối thì làm ở nhà hàng gần nội thành. Có lúc nghĩ lại, tôi thấy mình giống mẹ ngày xưa: quá nghèo khổ phải làm lụng luôn canh. Tuy tôi cũng biết chút chữ nghĩa, nhưng vì học hành chẳng tới đâu, thành ra vô dụng cả.

Trong thời gian này, may mắn nhờ có dì Hai trong xóm tốt bụng giúp tôi trông chừng bọn trẻ khi tôi đi làm. Dì goá chồng, chỉ có một đứa con trai, nhưng anh ta mới lớn đã lên thành phố lăn lộn tìm việc, bỏ dì cô đơn ở lại. Có lẽ vì vậy mà dì rất thương hai đứa con tôi, như con cháu mình.

Sau cả ngày làm việc mệt nhọc, tôi lại được trở về với hai con. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười của con, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc, dù có phải khổ cực hơn nữa cũng không sao cả. Những khi mệt mỏi muốn buông xuôi, các con là nguồn động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục cố gắng. Ngay cả khi ngủ thiếp đi, sự hiện diện của hai đứa trẻ vẫn tồn tại trong mỗi giấc mơ tôi.

Hai đứa, con trai tên Thiên Minh, con gái là Thiên Tâm. Tôi đặt tên giữa là "Thiên", mong con mai sau có cả bầu trời tương lai rộng mở. "Minh" là ánh sáng, "Tâm" là tình cảm, hy vọng khi chúng lớn khôn, tương lai sẽ tươi sáng như ánh dương, có lòng yêu thương chân thành.

Tôi dõi theo con lớn lên từng ngày. Một tuổi chúng bắt đầu tập đi. Đi đứng quen dần, chúng càng hiếu động, bắt đầu đi lòng vòng trên giường, quanh quẩn trong phòng, rồi sau thoả sức chạy khắp nhà. Tối nào về cũng thấy dì Hai đuổi theo chúng đến mệt phờ.

Minh luôn thích cầm đồ đạc đập phá cho đã đời, làm hỏng một đống đồ chơi. Tâm ngoan hơn, chỉ đi tới đi lui trong nhà, nghiêng đầu nghiên cứu mọi thứ. Nhà nghèo không có tivi, hai đứa đều không biết phim ảnh là gì, chỉ quây quần bên nhau chơi mấy món đồ rẻ tiền tôi mua, chơi nhà chòi, đóng giả vợ chồng, làm bác sĩ... Đôi khi cãi nhau chí choé, có lúc cười hi hi ha ha, hoặc là khóc tới mắt mũi lem nhem. Từng lúc ngắm con, tôi thấy thật vui vẻ. Tôi yêu con nhiều lắm, dù phải làm bất cứ điều gì để con hạnh phúc, kể cả phải hy sinh thân này, tôi cũng cam lòng... Thật sự như vậy.

Thời gian trôi đi thật nhanh, rất nhanh, chúng đã ba tuổi. Vì nhà không có tiền, tôi không gửi chúng đến nhà trẻ. Tôi xin nghỉ làm ở nhà hàng, dành thêm thời gian cho hai đứa. Rảnh rỗi buổi chiều, tôi thường dắt hai đứa ra biển chơi. Minh thích đi dọc bờ cát, nhặt vỏ ốc vỏ sò, có lúc lấn lướt tới mặt nước, reo hò phấn khích khi sóng biển phả vào chân. Tâm hay đi lẩn quẩn trên bờ, ngồi tựa vào những tảng đá nhìn ra biển xa, giống tôi. Mỗi buổi chiều lại thảnh thơi, yên bình trôi qua. Và tôi thường nghĩ rằng, sẽ tốt biết bao nhiêu nếu cả đời này mãi được như thế.

Hai đứa trẻ lớn lên rất hiểu chuyện, dường như biết mình nghèo nên không đòi đồ chơi như mấy nhóc khác. Cả hai đều thích vẽ, có khi ngồi lặng bên nhau hàng giờ để tô màu một bức tranh. Vì không có nhiều giấy, chúng vẽ xong lại lật sang mặt sau vẽ tiếp. Ban đầu chỉ là những vệt màu nguệch ngoạc không rõ hình thù, nhưng càng về sau, tranh vẽ càng đẹp. Minh ước được làm hoạ sĩ. Còn Tâm, một lần nọ thấy người ta đàn piano rất hay, nó bèn bảo tôi: "Sau này con học đàn làm nhạc sĩ!"

Căn nhà nhỏ trống trải, u ám trước kia giờ như sống lại, không khí ấm áp như ánh mặt trời chiếu rọi, trong nhà tôi luôn tràn ngập những tiếng cười vui vẻ của hai đứa trẻ.

Cuộc sống của ba mẹ con tôi trôi qua thật nhẹ nhàng. Hai năm sau, Thiên Minh và Thiên Tâm cũng đã năm tuổi. Tôi hạnh phúc khi bên tôi lúc nào cũng có các con như thế này; dù cuộc sống có vất vả hơn trước rất nhiều, nhưng đối với tôi, như thế là quá đủ rồi. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là khi mỗi sáng thức dậy, được nhìn thấy gương mặt nhỏ nhắn của bọn trẻ còn đang say ngủ, tự tay làm những món mà chúng yêu thích, được ngắm vẻ mặt vui sướng của chúng lúc được mua thêm đồ chơi. Từng giây phút ở bên con, thật sự rất quý giá.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro