Hon dao bi mat 1-5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hòn đảo bí mật

Nguyễn Văn Của phỏng dịch

Chương 1: Tai nạn trên không

Hẳn mọi người còn nhớ cơn bão khủng khiếp xảy ra vào năm 1865. Trận cuồng phong đã hoành hành không ngớt từ ngày 18 đến ngày 26 tháng ba và sức tàn phá thật là ghê gớm: khắp châu Mỹ, châu Âu, châu Á, bao trùm cả một vùng rộng một ngàn tám trăm hải lý, kéo dài từ hướng đông bắc tới tận xích đạo.

Hậu quả do bão gây ra thật khủng khiếp. Tàu bè bị sóng đập nát, thành phố bị tàn phá, hàng ngàn người bị những trận lốc xoáy cuốn đi hoặc nhận chìm xuống lòng biển.

Khi trên đất liền và trên biển đang chịu đựng trận thiên tai này thì một thảm kịch không kém phần khủng khiếp cũng đã xảy ra trên không do bão tố gây nên.

Trong những ngày tháng ba năm 1865, trận cuồng phong đã cuốn phăng một quả khí cầu mà trên đó có năm người khách đang viễn du, nhồi nó lên tận đỉnh cột lốc như một quả bóng, rồi xoáy hút nó theo.

Trên giỏ treo của khí cầu có năm người. Ta có thể loáng thoáng nhận ra họ trong làn sương dày đặc quyện lẫn bụi nước đại dương.

Lúc này các nhà du hành đang ở trong giỏ treo của khí cầu không thể biết được họ đã vượt một chặng đường bao xa và khí cầu của họ bị cuốn đi đâu, họ không có một cột mốc nào để xác định vị trí cả. Mãi đến khi khí cầu vùn vụt lao xuống họ mới hay mình đang bay trên những lớp sóng biển hung dữ, và hiểu ra mình đang gặp nguy hiểm chết người.

Nhưng khi họ vứt hết những vật nặng trong giỏ treo của khí cầu như súng đạn, lương thực thì khí cầu lại vọt lên.

Ngày hôm sau, khi bão bắt đầu yên cũng là lúc vỏ khí cầu lại dài ra, co rúm lại và họ xuống liên tục. Rõ ràng là không thể nào giữ cho khí cầu thăng bằng trên cao được nữa, vì nó không còn đủ hơi gas. Thế là cái chết đang sẵn sàng tìm đến họ!

Bên dưới không phải là đất liền, mà là biển cả mênh mông, không có cù lao, không đảo nổi, không một dải đất để neo khí cầu.

Đến hai giờ chiều ngày 24, khí cầu chỉ còn cách mặt đại dương khoảng bốn năm bộ. Đúng lúc ấy một tiếng nói quả cảm vang lên:

- Vứt bỏ hết mọi thứ rồi chứ?

- Chưa! Còn lại vàng, mười ngàn đồng Franc cả thảy! - một giọng nói khác kiên quyết nói.

Ngay tức khắc, chiếc bao tải nặng đựng tiền rơi vụt xuống đại dương.

- Còn vật gì để quẳng đi được không?

- Hết rồi!

- Mọi người hãy bám lấy lưới. Chúng ta sẽ vứt cái giỏ treo xuống biển.

Thật vậy, chỉ còn cách cuối cùng và duy nhất ấy là có khả năng làm cho khí cầu nhẹ bớt mà thôi. Những sợi dây buộc nối vào vành đai lưới đã bị cắt đứt, và đến khi chiếc giỏ tách rời ra, khinh khí cầu bốc lên trên mực nước biển hai ngàn bộ.

Năm nhà du hành leo lên vành đai và bây giờ họ trụ trên các mắt lưới, tay bám chặt vào những sợi dây. Phía bên dưới, đại dương đang gầm thét. Đến bốn giờ chiều, khí cầu chỉ còn cách đại dương năm trăm bộ.

Bỗng con chó mà các nhà du hành mang theo sủa vang. Nó cũng đang ở bên dưới khí cầu, cạnh viên kỹ sư chủ nhân của nó.

- Con Top đã trông thấy cái gì rồi! - một người trong số du khách kêu lên.

Và liền ngay đó có tiếng reo vang:

- Đất liền! Đất liền!

Quả thật, trước mặt các du khách xuất hiện một bờ biển khá cao cách họ khoảng ba mươi hải lý. Muốn đến đó, khí cầu cần bay ít nhất một giờ, với điều kiện là gió không đổi hướng. Nếu hơi gas bị xì hết trước thời hạn đó thì sao?

Thật là một câu hỏi khủng khiếp! Các du khách bất hạnh đã cố phân biệt rõ mặt đất phía bên dưới. Họ không biết đó là đảo hay đất liền. Nhưng dù trước mặt họ là một hòn đảo hoang, thì cũng cần phải đến được đó bằng bất cứ giá nào.

Nửa giờ trôi qua, họ chỉ còn cách mặt đất không quá một hải lý, nhưng hơi gas trong khí cầu hầu như đã cạn kiệt, chỉ còn chút ít ở phần trên. Các du khách bíu chặt vào lưới và trọng lượng của họ quá tải đối với khí cầu.

Vỏ khí cầu bị gấp khúc, gió thổi trôi trên mặt nước như một cái thuyền buồm, chỉ còn cách bờ hai cabeltov nữa thôi. Nhưng bỗng bốn du khách bật lên tiếng kêu, và quả khí cầu bị mất hết sức nâng lại bất ngờ vọt lên cao khoảng một ngàn tám trăm bộ. Đến đây, nó lại sa vào một vùng không khí loãng và bị gió cuốn đi, không phải vào bờ, mà hầu như song song với bờ. Hai phút sau thì gió đổi hướng và quả cầu bị hất lên bờ cát.

Các du khách giúp nhau chui ra khỏi lớp lưới bao quanh họ. Quả khí cầu, sau khi thoát khỏi tình trạng quá tải, vụt bay lên khi gặp cơn gió đầu tiên, rồi biến mất trong bầu trời bao la. Trên giỏ treo của khí cầu trước đó có năm nhà du hành và một con chó, nhưng khi xuống mặt đất chỉ còn có bốn người.

Người thứ năm chắc đã bị sóng cuốn đi mất. Nhờ vậy mà trọng lượng của khí cầu nhẹ bớt khiến nó vọt lên lần cuối cùng và sau vài phút nó bay được vào bờ.

Những người bị tai nạn trên không vừa đặt chân xuống mặt đất, không thấy người thứ năm đâu, đều thốt lên:

- Có lẽ ông ấy tự nguyện rời khỏi khí cầu để cứu chúng ta đấy. Bây giờ thì ông ấy đang ở trên biển và định bơi vào bờ. Phải tìm ông ta!

*

* *

Những người bị trận cuồng phong quẳng lên bờ biển xa xăm nào đó không phải là những nhà du hành chuyên nghiệp hay những người yêu thích du ngoạn trên không. Họ bị bắt làm tù binh trong cuộc nội chiến ở Mỹ và tinh thần dũng cảm chân chính đã thôi thúc họ chạy trốn kẻ thù trong những hoàn cảnh hết sức éo le.

Tháng hai năm 1865, trong một cuộc tấn công của tướng Ulyss Grant vào thành phố Richmond, có một số sĩ quan quân đội ông bị sa vào tay địch và bị giam giữ ở đó. Một trong số những tù binh đáng chú ý nhất thuộc ban tham mưu của tướng Grant tên Cyrus Smith.

Cyrus Smith là người gốc Massachussetts, nghề nghiệp kỹ sư, đồng thời là một nhà bác học giỏi bậc nhất. Nhìn bề ngoài người ta có thể cho ông là người Bắc Mỹ chính thống với dáng vóc mảnh khảnh, thậm chí có phần hơi gầy. Mặc dù chưa quá bốn mươi lăm tuổi, nhưng mái tóc cắt ngắn của ông đã ánh lên những sợi tóc bạc.

Gương mặt của ông làm cho người ta sửng sốt về một vẻ đẹp trang nghiêm và khắc khổ, đôi mắt sáng ngời đầy nghị lực, đôi môi nghiêm nghị ít khi mỉm cười. Nói tóm lại, Cyrus Smith là hình ảnh của một nhà bác học mang tâm hồn của một người lính. Ông thuộc số những kỹ sư mà khi bắt đầu con đường công danh của mình đã tự nguyện cầm búa và cuốc chim. Bởi vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi thấy ông không những có đầu óc cực kỳ sáng suốt và sắc sảo mà ngay cả đôi tay ông cũng rất tháo vát, khéo léo.

Cyrus Smith còn là biểu tượng của lòng dũng cảm. Ông đã bắt đầu cuộc đời của người lính dưới quyền chỉ huy của tướng Grant trong đội quân tình nguyện của bang Illinois, và ở đâu ông cũng đều chiến đấu một cách dũng cảm. Ông tham dự hầu hết các trận đánh cho đến khi bị thương ở Richmond và bị kẻ thù bắt làm tù binh.

Bị quân đội miền Nam bắt giữ ngày hôm ấy còn có một người nổi tiếng nữa, đó chính là Gédéon Spilett, phóng viên của tờ "New York Herald" được biệt phái vào quân đội để theo dõi diễn biến của chiến tranh.

Gédéon Spilett thuộc loại người không bao giờ chịu khuất phục hoàn cảnh. Ông can đảm dấn thân vào nơi trận mạc với mục đích là khai thác được những tin tức chính xác về các sự kiện nóng bỏng và nhanh chóng chuyển chúng về toà soạn của mình.

Là người có nghị lực, năng động và kiên quyết, Spilett từng đi khắp thế giới và làm tốt vai trò của một phóng viên. Bên cạnh đó, ông còn gánh vác sứ mệnh của một người lính, một hoạ sĩ. Với tính năng động, tháo vát của mình, Gédéon Spilett không sợ vất vả, mệt nhọc, nguy hiểm khi muốn tìm hiểu một điều gì đó. Là một trong những nhà quan sát dũng cảm Spilett có thể viết bài dưới làn đạn, sáng tác dưới gầm đại bác. Đối với ông, bất kỳ sự mạo hiểm nào cũng đều là cuộc phiêu lưu hấp dẫn.

Ông ta có mặt trong tất cả các trận chiến và bao giờ cũng xông lên tuyến đầu, một tay cầm súng lục, một tay cầm sổ ghi chép. Và dưới làn mưa đạn, chiếc bút bi trong tay ông cũng không hề run rẩy. Tin tức hay bài vở của ông đều ngắn gọn, chính xác, rõ ràng, ông luôn biết cách trình bày thật rõ ràng một sự kiện quan trọng. Nhân tiện cũng xin nói thêm: ông ta còn là một cây khôi hài.

Gédéon Spilett vóc người cao, chừng bốn mươi tuổi. Đôi mắt linh lợi, tinh nhanh, bình tĩnh và tự tin. Thân hình ông rắn chắc, và được tôi luyện trong những chuyến du lịch khác nhau.

Đã mười năm nay Gédéon Spilett góp phần làm phong phú tờ báo mà anh ta là một trong những ký giả của nó bằng những bài, tin nhanh và những hình vẽ minh hoạ. Ông sử dụng tốt như nhau ngòi bút của nhà báo và cây cọ của một hoạ sĩ.

Cyrus Smith và Gédéon Spilett chỉ biết nhau qua lời kể của người khác. Cả hai được phái đến Richmond. Viên kỹ sư mau chóng được chữa khỏi vết thương và trong thời gian bình phục ông đã làm quen với nhà báo. Họ cảm thấy quý trọng nhau và kết bạn. Chẳng mấy chốc mục đích mà hai người luôn luôn theo đuổi đã kết nối họ lại với nhau. Cả hai người đều chỉ mong muốn một điều là chạy trốn khỏi nơi họ bị cầm tù để trở về với quân đội của tướng Grant và tiếp tục chiến đấu cho sự thống nhất của liên bang.

Đôi bạn quyết định tranh thủ mọi cơ hội thuận lợi để chạy trốn. Mặc dù ở Richmond họ được sống tự do, song thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt, nên việc chạy trốn không thể thực hiện được.

Giữa lúc ấy thì người đầy tớ rất mực trung thành của Smith đã khôn khéo luồn lách tìm được đến chỗ ông ta. Đó là một người da đen, con của những người nô lệ và anh ta cũng là nô lệ. Nhưng Cyrus Smith đã trả tự do cho người da đen ấy. Sau khi được tự do, người nô lệ không muốn từ giã ông chủ của mình. Anh quá yêu quý chủ và sẵn sàng chết vì chủ. Người da đen ấy đã ba mươi tuổi, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát, sáng dạ, nhu mì và bình tĩnh, đôi lúc rất ngây thơ, luôn luôn tươi cười. Anh ta ưa được gọi bằng cái tên thân quen từ bé là Nab.

Sau khi hay tin ông chủ bị bắt làm tù binh, Nab đã không do dự rời ngay Massachusetts, tìm đến Richmond và, bằng đủ mọi mưu kế, hai mươi lần liều mạng mới đột nhập vào được thành phố bị bao vây. Không lời nào có thể diễn tả nỗi niềm sung sướng của Cyrus Smith khi ông trông thấy người bạn hầu của mình, và cả niềm hạnh phúc của Nab khi anh liên lạc được với ông chủ yêu quý.

Cuộc bao vây thành phố vẫn kéo dài, những tù binh khao khát chạy trốn khỏi Richmond để trở lại quân đội của tướng Grant. Trong khi đó, những người lính bị bao vây trong thành phố lại rất muốn rời khỏi Richmond để về với quân đội của phái phân lập. Trong số những người lính ấy có Forster. Đó là một người rất mực trung thành với quân đội miền Nam. Nếu những tù binh của quân đội liên bang không thể thoát khỏi thành phố thì những người lính theo phái phân lập cũng khó mà được tự do, bởi vì quân đội miền Bắc đã bao vây chặt thành phố. Thị trưởng Richmond đã từ lâu mất liên lạc với tướng Lee, mà điều cực kỳ quan trọng là làm sao thông báo cho ông ta biết được tình hình trong thành phố và yêu cầu nhanh chóng điều quân đến cứu viện những người bị bao vây. Thế là Jonathan Forster nảy ra ý định ngồi lên thang của một khí cầu để bay ra khỏi Richmond, vượt qua phòng tuyến của quân đội bao vây để tìm đến ban doanh của quân đội phân lập.

Viên thị trưởng cho phép thực hiện ý đồ ấy. Một quả khinh khí cầu đã được chuẩn bị và giao cho Jonathan Forster sử dụng để hoàn thành một cuộc hành trình trên không với năm người cùng đi.

Chuyến bay được ấn định vào ngày 18 tháng ba, vào ban đêm, khi gió tây bắc bắt đầu thổi. Các nhà du hành dự tính sau vài giờ khinh khí cầu sẽ bay đến văn phòng bộ tham mưu của tướng Lee. Nhưng gió tây nam lại chuyển hướng do sự cố thời tiết. Ngày 18 tháng ba, ngay từ sáng đã thấy dấu hiệu một cơn bão. Và chẳng bao lâu trận cuồng phong đã nổi lên, khiến chuyến bay của Forster phải hoãn lại.

Quả khí cầu bơm đầu hơi gas được đặt tại quảng trường chính của Richmond, sẵn sàng bay đi khi bão yên, cả thành phố đều nóng lòng chờ đợi sự lắng dịu ấy, vậy mà thời tiết vẫn không thấy khá hơn.

Đã qua đêm 18 rạng ngày 19, bão lại càng mạnh hơn. Khinh khí cầu không thể nào bay được.

Ngày hôm ấy, có một người lạ đi trên đường phố và gặp kỹ sư Cyrus. Đó là một thuỷ thủ chừng ba mươi lăm hay bốn mươi tuổi, tên là Pencroff. Vóc người cao lớn, rắn chắc và sạm nắng. Đôi mắt linh lợi, gương mặt hiền hậu. Anh ta gốc quê Bắc Mỹ, đã từng chu du khắp các đại dương, chịu đựng đủ mọi cảnh khốn cùng và cực nhọc. Trải qua nhiều cuộc phiêu lưu lạ thường mà một người ở trên cạn khác nằm mơ cũng không gặp.

Đầu năm 1865, Pencroff từ New Jersey có việc đến Richmond cùng với một chú bé mười lăm tuổi Harbert Brow, con trai người thuyền trưởng quá cố của anh ta. Pencroff yêu chú bé ấy như em ruột. Trước khi thành phố bị bao vây, anh đã không kịp thoát ra khỏi đó. Anh ta thật đau khổ khi thấy mình bị giam hãm ở Richmond. Bây giờ anh chỉ có nguyện vọng là chạy trốn với bất kỳ điều kiện nào. Pencroff nghe nói nhiều về kỹ sư Cyrus Smith. Anh biết rằng con người kiên quyết ấy đang khao khát được tự do. Đến ngày thứ hai của cơn bão, anh đã mạnh bạo đến gặp Smith và hỏi chuyện ông không mà không rào trước đón sau gì hết:

- Thưa ngài Smith, ngài không chán cái thành phố Richmond quỷ quái này sao?

Viên kỹ sư nhìn chằm chằm vào người lạ mặt vừa bắt chuyện với ông, còn Pencroff thì khẽ hỏi thêm:

- Thưa ngài Smith, ngài có muốn chạy trốn không?

- Bao giờ? - viên kỹ sư lên tiếng ngay, và có thể nói chắc chắn rằng câu trả lời ấy đã bật ra từ lưỡi ông một cách vô tình.

Tuy nhiên, sau khi nhìn kỹ vào gương mặt cởi mở của người thuỷ thủ, ông biết mình đang gặp một con người trung thực tìm đến mình để tranh thủ sự đồng tình.

- Ông là ai? - ông hỏi nhát gừng.

Pencroff nói tóm tắt về mình.

- Tuyệt diệu! - Smith nói - Thế ông định trốn bằng cách nào?

- Như thế này! Quả khí cầu hiện giờ là một vật vô tích sự. Dường như nó cố ý chờ đợi chúng ta đấy.

Viên kỹ sư hiểu ý anh ngay. Ông ta khoác tay chàng thuỷ thủ, dẫn luôn về nhà mình.

Pencroff đã kể lại cho Smith nghe kế hoạch của mình. Mọi việc rất đơn giản. Tất nhiên hành động như vậy là quá liều lĩnh, nhưng biết làm sao được! Bão tố rõ ràng là đang hoành hành, gầm thét, nhưng một kỹ sư giỏi giang và dũng cảm như Cyrus Smith sẽ biết điều khiển thành thạo khí cầu. Còn Pencroff trong đời thuỷ thủ của mình, anh đã gặp bão quá nhiều. Nó không có làm anh sợ hãi. Tuy nhiên, nếu biết điều khiển quả khí cầu thì anh ta đã không do dự cho Harbert cùng bay đi lâu rồi.

Cyrus Smith im lặng nghe. Đôi mắt của ông sáng lên. Điều kiện thuận lợi là quả khí cầu này đây. Không lẽ lại bỏ qua cơ hội này. Kế hoạch rất mạo hiểm, nhưng chính vì vậy nó mới hoàn toàn có thể thực hiện được. Mặc dù có lính bảo vệ, nhưng ban đêm họ sẽ lẻn đến khí cầu, chui vào giỏ treo, sau đó cắt đứt các sợi dây cáp neo! Dĩ nhiên, họ có thể mất mạng như chơi.

- Tôi không đi một mình! - kỹ sư vắn tắt kết bằng những điều suy nghĩ của mình.

- Ngài muốn mang theo bao nhiêu người? - chàng thuỷ thủ hỏi.

- Hai. Anh bạn Spilett của tôi và người đầy tớ tên Nab.

- Vậy là ngài có ba người. - Pencroff nhận xét - còn tôi mang theo Harbert nữa. Cộng tất cả là năm người. Khinh khí cầu được chuẩn bị cho sáu người bay.

- Tuyệt lắm! Chúng tôi sẽ bay! - Cyrus Smith thốt lên.

Ông ta nói "chúng tôi" có nghĩa là hứa hẹn thay cho nhà báo Spilett. Thật vậy, Gédéon Spilett là người gan dạ, khi được biết về kế hoạch chạy trốn anh ta hưởng ứng liền.

- Có thể là trước khi trời tối - Pencroff nói - cả năm người chúng ta cùng la cà quanh quả khinh khí cầu, làm bộ như tò mò đứng xem.

- Trước lúc trời tối! - Cyrus Smith khẳng định. - Chúng ta sẽ gặp nhau vào lúc mười giờ. Dù bão chưa tan, chúng ta vẫn cứ bay.

Pencroff tạm biệt kỹ sư Smith và trở về phòng mình, ở đó Harbert Brow đang đợi anh. Chú bé dũng cảm đã biết những ý đồ của người thuỷ thủ và bình tĩnh chờ đợi kết quả công việc của anh với viên kỹ sư.

Smith đi bách bộ hàng giờ trên quảng trường hầu như không một bóng người, vừa đi vừa quan sát quả khí cầu. Pencroff cũng làm như thế, hai tay đút túi quần, anh đi đi lại lại, thỉnh thoảng anh lại ngáp, làm như mình quá bộ đến đây vì không biết làm sao để giết thì giờ. Kỳ thực Pencroff cũng nơm nớp lo vỏ khí cầu bị vỡ tung hoặc giả những sợi dây cáp bị dứt và nó sẽ bay vút lên trời.

Trời bắt đầu tối. Màn đêm buống xuống mịt mùng. Làn sương dày đặc bao phủ trên mặt đất như những đám mây. Trời đổ mưa tuyết, giá lạnh.

Lúc chín giờ rưỡi, Cyrus Smith và những người chạy trốn bí mật đến quảng trường. Trời tối như mực, vì gió đã thổi tắt hết mọi ngọn đèn thắp bằng hơi đốt. Cả đến hình dáng của quả khí cầu to tướng cũng không thấy đâu. Ngoài các bao tải được buộc vào lưới bảo hiểm ra, giỏ treo của khí cầu còn được neo bằng một sợi cáp chắc chắn, luồn vào một cọc sắt chôn xuống đất, hai đầu cáp cột vào chiếc giỏ treo.

Năm tù binh đã gặp nhau ở sát bên chiếc giỏ treo của khí cầu ấy. Không ai trông thấy họ cả, trời tối đến nỗi chính họ cũng chẳng nhìn thấy nhau.

Cyrus Smith, Gédéon Spilett, Nab va Harbert, chẳng nói chẳng rằng trèo lên giỏ treo của khí cầu, còn Pencroff thì lần lượt tháo từng bao tải ra theo sự hướng dẫn của viên kỹ sư. Chỉ sau mấy giây đồng hồ, người thuỷ thủ ấy đã nhập chúng vào với những người bạn của mình.

Bây giờ quả khí cầu chỉ bị một sợi dây cáp níu giữ nữa thôi, và Cyrus Smith sắp điều khiển nó bay lên.

Bỗng lúc ấy có một con chó nhảy vào giỏ treo của khí cầu. Đấy là con Top của viên kỹ sư. Nó đã giằng đứt xích và chạy theo chủ. Sợ con chó sẽ làm tăng thêm trọng tải vô ích, Cyrus Smith định đuổi nó xuống.

- Không sao! Ta mang cả chó theo! - Pencroff nói và quẳng bớt hai cái bao trong thúng ra.

Sau đó anh ta tháo cáp và quả khí cầu vụt bay lên hướng chênh chếch tránh đụng vào hai cột ống khói.

Trận bão đã hoành hành với mức độ dữ dội nhất. Ban đêm, chẳng thể nào nghĩ đến chuyện hạ xuống đã đành, nhưng ngay cả ban ngày thì cũng không thấy gì hết, vì màn sương bao phủ dày đặc. Mãi sang ngày thứ năm, qua một luồng ánh sáng rọi xuyên những lớp mây đen bên dưới khí cầu, đang bị gió xô đẩy với một tốc độ kinh khủng, những người chạy trốn mới nhìn thấy biển.

Trong số năm người, ngày 20 tháng ba ngồi trên khí cầu để trốn đi thì có bốn người vào ngày 24 tháng ba đã bị bão quẳng lên vùng bờ biển hoang vắng, cách Richmond sáu ngàn dặm, còn một người mất tích. Đó là kỹ sư Smith. Những người sống sót lo tìm cách cứu ông - người đã trở thành thủ lĩnh của họ một cách tự nhiên.

Chương 2: Nơi cư ngụ tạm thời

- Tiến lên! - nhà báo kêu to.

Thế là bốn người - Gédéon Spilett, Harbert, Pencroff và Nab - quên cả đói và mệt, lao vào cuộc tìm kiếm người bạn đồng hành của mình.

Chú Nab tội nghiệp đã khóc vì tức giận và thất vọng, anh ta cho rằng mình đã bị mất một vị chủ nhân cao quý nhất trên đời.

Từ lúc Cyrus Smith mất tích đến giờ chưa đầy hai phút, vì vậy những người bạn đi cùng với ông ta, sau khi vào được bờ, vẫn còn có thể hy vọng kịp thời cứu kỹ sư.

- Phải tìm ông ấy! - Nab kêu toáng lên.

- Đúng thế, Nab ạ! - Gédéon Spilett đáp.

Viên kỹ sư đã mất tích ở vùng biển phía bắc, cách nơi những người bị quẳng xuống mặt đất chừng nửa hải lý. Nếu ông ta kịp vào được bãi cát gần nhất có nghĩa là ông đã phải đi được nhiều nhất là nửa hải lý.

Đã sáu giờ chiều. Sương mù dày đặc, trời tối mịt. Những người đào thoát bằng khí cầu bị tai nạn đi về phía bắc, dọc theo bờ phía đông mảnh đất mà số phận đã đẩy họ đến. Đây là vùng đất họ hoàn toàn không quen biết, càng không thể dự đoán vị trí địa lý của nó.

Lúc ấy đoàn du khách mới quanh qua đầu mũi biển và đi tiếp trên nền đất pha cát đá. Nhưng Pencroff nhận thấy bờ biển mỗi lúc một dựng đứng.

- Chúng ta đã lạc vào một hòn đảo nhỏ rồi! - Pencroff nói - Và ta đã đi hết hòn đảo, từ đầu này đến đầu kia.

Ban đêm trời trở lạnh. Những người chạy trốn rủi ro bị tê cóng, nhưng hầu như họ không để ý đến nỗi khốn khổ của mình.

Đêm đầu tiên trôi qua, sang ngày 25 tháng ba, khoảng sáu giờ rưỡi, mặt trời mọc, sương mù mỗi lúc một mỏng hơn. Chẳng bao lâu toàn bộ hòn đảo nhỏ hiện rõ dần. Sau đó, trong màn sương mù hiện ra một vùng biển hình bán nguyệt màu xanh thẫm, phía đông mênh mông, phía tây có bờ dốc đứng thẳng bằng đá hoa cương. Hy vọng bên ấy là vùng đất liền, là nơi cứu thoát, những người khách viễn du đã đợi thuỷ triều xuống, bơi qua eo biển sang đó. Nab và Spilett đi dọc theo bờ biển, tiếp tục tìm kỹ sư Smith.

Harbert định đi cùng họ, nhưng Pencroff ngăn lại:

- Đừng đi chú bé! Anh cần chú chuẩn bị chỗ trú ẩn và kiếm thức ăn. Khi các bạn của chúng ta trở về, họ cần phải được bồi dưỡng.

- Em đồng ý, anh Pencroff. - Harbert đáp.

- Thế thì tốt lắm! - chàng thuỷ thủ khen - Chúng mình mệt rồi, lại bị đói, rét hành hạ. Thành thử, mọi người cần có chỗ ở, lửa và thức ăn. Củi trong rừng chắc là vô khối, ở đó còn có tổ chim. Ta sẽ lấy trứng, vậy là chúng ta chỉ việc kiếm chỗ ở nữa thôi.

Harbert đã để ý thấy một vách đá phủ đầy rong - có lẽ lúc triều lên chúng đã bị ngập dưới biển. Trên những vách đá ấy, xen giữa những đám cỏ biển trơn trượt có rất nhiều sò bám vào. Đó là loài giáp xác ruột mềm có thể ăn được. Harbert lên tiếng gọi Pencroff, anh ta chạy lại ngay.

- Ồ, hến đây rồi! - chàng thuỷ thủ thốt lên - Trong lúc mình chưa kiếm được chim thì đã có thứ này thay cho trứng chim rồi.

- Đây không phải là hến đâu. - Harbert chăm chú quan sát những con sò và nhận xét. - Đây là những con sò.

- Thế thứ này có ăn được không? - Pencroff hỏi.

- Còn phải nói! Thử đi! Ngon cực kỳ.

- Thế thì ta nếm thử con sò xem sao.

Chàng thuỷ thủ có thể hoàn toàn trông cậy vào Harbert. Cậu bé đã tỏ ra rất am hiểm về kiến thức tự nhiên và luôn luôn say mê môn ấy. Người cha quá cố đã hướng dẫn cậu đi vào con đường này và tạo điều kiện cho cậu được học với những giáo sư nghiên cứu tự nhiên xuất sắc nhất của thành phố Boston. Cậu bé thông minh và cần mẫn ấy đã lập tức được các thầy giáo yêu mến.

Pencroff và Harbert ăn thả cửa những con sò hé mở vỏ dưới ánh sáng.

Trong khi đi về phía nam chừng hai trăm bước họ phát hiện ra một khe núi. Nơi đó, đúng như Pencroff nghĩ, có một con sông nhỏ hẹp nhưng đầy nước đang chảy. Bên cạnh một bức tường đá hoa cương dường như bị nứt ra do chấn động địa chất. Cửa khe tạo thành một cái vịnh nhỏ hình tam giác.

- Ở đây có nước, còn đằng kia có củi! - Pencroff thốt lên - Harbert này, thế là bây giờ ta chỉ còn thiếu căn nhà nữa thôi!

Con sông nhỏ nước trong vắt, Pencroff tin chắc rằng nước rút, sóng biển không dâng tới thì nước sông ngọt và có thể uống được.

Cách cửa sông không xa lắm, họ đã tìm được một đống đá tảng xếp chồng rất độc đáo. Những công trình thiên nhiên như thế hiếm khi nào bắt gặp trên những vùng đá hoa cương.

Nghiên cứu "mê cung" ấy, Pencroff và Harbert đã đi khá sâu vào bên trong vách đá theo lối nhỏ rải đầy cát, ánh sáng lọt vào đây qua những khe hở giữa các tảng đá được sắp xếp cân đối một cách kỳ diệu. Tuy nhiên lọt qua các khe không phải chỉ có ánh sáng mà cả gió nữa. Nhưng Pencroff đã quyết định, nếu chặn vài lối, lấy đá bịt các lỗ thì "căn nhà ổ chuột" - như anh ta gọi, - cũng có thể làm nơi trú ẩn được.

- Chỗ ở dễ thương ghê! - Pencroff nói.

Harbert thốt lên:

- Chúng mình lo liệu chốn này sao cho kha khá một chút. Trước tiên ta phải xây một cái lò ở hành lang bên trái và khoét rộng cái lỗ ở trên để cho khói thoát ra.

- Này, chuyện lò xây thì chả khó gì đâu, cậu bé thân mến ạ! - chàng thuỷ thủ nói - Nhưng việc đầu tiên là hãy đi kiếm củi dự trữ đã. Anh nghĩ cành hay củi cũng có ích, ta sẽ dùng nó để che các khe hở lại.

Việc kiếm củi hoá ra rất dễ, thậm chí chẳng cần phải bẻ những cành khô - củi nằm đầy trên mặt đất.

Họ tranh thủ làm một chiếc bè. Một giờ sau họ hoàn thành công việc chất toàn bộ số củi nhặt được lên đó và đẩy bè ra phía bờ sông, đợi khi nước xuống sẽ thả cho bè trôi.

Còn vài giờ nữa nước mới bắt đầu xuống. Để giết thời gian, Pencroff và Harbert đã trèo lên các vách đá và tìm thêm nguồn thức ăn. Trong các hẻm, hốc ở đây có đến hàng trăm loài chim làm tổ, nhiều nhất là loài bồ câu núi.

Pencroff và cậu bé bắt đầu xem xét thật cẩn thận tất cả các hẻm, hốc giữa các tảng đá hoa cương; trong tổ có trứng thật. Họ nhặt vài chục trứng bồ câu, đem bọc vào khăn tay của chàng thuỷ thủ. Sau đó, họ theo sườn núi đi về phía dòng sông, đến chỗ để củi, chuẩn bị thả bè.

Pencroff kiếm dây leo khô, bện thành một sợi dây dài vài sải tay, xong anh buộc nó vào phía sau bè, đầu kia chàng thuỷ thủ dùng tay nắm giữ, còn Harbert thì cầm một cây sào dài đẩy chiếc bè từ bờ ra giữa lòng sông.

Pencroff vừa đi trên bờ, vừa giữ sợi dây cho chiếc bè chở nặng trôi theo dòng nước, khoảng hai giờ sau, chiếc bè về đến cửa sông gần nơi tạm trú của họ.

*

* *

Vừa bốc xong củi trên bè xuống, việc Pencroff quan tâm đầu tiên là biến hẻm đá thành nơi tạm trú hoặc có khả năng sẽ thành nơi trú ẩn lâu dài. Anh che kín các hành lang để khỏi bị những cơn gió lùa vào, Pencroff và Harbert dùng cát, đá, những tấm phên đan bằng cành cây và trét đất sét nhão để bịt chặt các hành lang thông gió, chỉ chừa lại một lối hẹp, ngoằn ngoèo nối với hành lang bên cạnh để làm ống khói, tạo sức hút cho bếp lò. Bây giờ Hang ngụ cư đã có ba, bốn "phòng". Ở đây khô ráo, và có thể đứng thẳng người, ít nhất là trong "phòng" lớn nhất nằm ở chính giữa. Nền đất chỗ nào cũng rải cát mịn.

Công việc sửa sang nơi ở mới đã mau chóng kết thúc. Chỉ còn lại việc đắp lò và chuẩn bị bữa trưa. Họ đã xếp những viên đá thành một cái bếp bên cạnh ống thông khói khuất sâu trong hành lang đầu tiên, phía bên trái. Chàng thuỷ thủ bắt đầu chất củi và các cành khô nhỏ vào bếp lò. Anh ta chưa kịp hoàn tất công việc thì đột nhiên Harbert hỏi:

- Để nhóm bếp và đốt lò sưởi, chúng ta phải có diêm chứ?

- Dĩ nhiên! - Pencroff đáp - Không có diêm, không có đá đánh lửa thì chết mất.

- Hoàn toàn không đâu. Chúng ta vẫn có thể lấy được lửa bằng cách cọ xát những viên đá cứng như những người hoang sơ từng làm ấy! - Harbert không chịu chấp nhận lập luận của Pencroff.

- Không! Tốt hơn hết là nên nhóm lửa bằng diêm. Ủa, hộp diêm đâu rồi?

Pencroff lục tìm hộp diêm trong túi áo bludông mà theo thói thường của người nghiện thuốc lá, không khi nào anh rời xa được. Nhưng chẳng thấy nó đâu cả.

- Tai hoạ thật rồi! - Pencroff nói, bối rối nhìn Harbert - Chắc là nó đã rơi khỏi túi khi bay. Anh đã đánh mất hộp diêm. Còn em cũng không có gì ư, Harbert?

- Không, anh Pencroff. Em không có gì cả!

Chàng thuỷ thủ, và theo sau là Harbert, ra khỏi chỗ ở, Pencroff bực tức lau trán.

Hai người cần mẫn tìm kiếm trên cát và giữa các khe đá bên bờ sông, nhưng vô ích. Cái hộp con bằng đồng mà Pencroff đựng diêm trong đó có lẽ đã mất thật rồi.

Harbert im lặng. Việc mất hộp diêm tất nhiên là một sự kiện đau lòng, nhưng cậu bé hy vọng rằng bằng cách này hay cách khác, thế nào rồi cũng sẽ tìm ra cách lấy được lửa. Nhưng lúc này họ đành phải đợi Nab và nhà báo trở về. Còn đãi họ món sò sống thì chắc chắn họ sẽ không thích.

Đề phòng trường hợp không thể nhóm lửa được, chàng thuỷ thủ và Harbert đã bổ sung thêm số sò dự trữ, sau đó họ im lặng đi về chỗ của mình.

Gần sáu giờ, mặt trời đã khuất sau đỉnh núi cao phía tây. Harbert lững thững đi trên bờ biển, cậu thấy có hai bóng người đi lại, vô cùng mừng rỡ, cậu reo lên báo tin cho Pencroff là Nab và Gédéon Spilett trở về. Nhưng khi chợt nhận ra họ chỉ có hai người!... Tim cậu bé thắt lại với một nỗi buồn khôn xiết.

Sau khi nghỉ ngơi để lấy lại sức, nhà báo cho biết cuộc tìm kiếm Cyrus Smith không đem lại kết quả. Cùng với Nab, anh đã đi dọc bờ biển hơn tám dặm, như vậy là họ đã tìm trong phạm vi rất rộng xung quanh nơi mà viên kỹ sư và con chó Top của ông đã bị mất tích nhưng không mảy may thấy một dấu vết nào về sự có mặt của ông.

- Ôi, tôi kiệt sức rồi! - Nab khẽ nói.

Harbert chạy đến chỗ anh và an ủi.

- Anh Nab. - cậu bé nói - Đừng thất vọng! Thượng đế sẽ trả ông ấy về với chúng ta! Còn bây giờ anh hãy bình tĩnh lại, hãy nghỉ đi, anh bị đói rồi. Hãy bồi dưỡng một chút đi. Em mời anh ăn đấy.

Vừa nói những điều ấy, cậu bé vừa để trước mặt Nab tội nghiệp mấy vốc sò.

Đã nhiều giờ trôi qua, Nab không ăn gì, bây giờ anh lại từ chối dùng bữa. Bị mất ông chủ kính yêu, anh thấy mình không thiết sống nữa!

Còn Gédéon Spilett thì từ tốn ăn không ít những con sò biển rồi nằm trên lớp cát dưới chân một tảng đá. Anh cũng bị kiệt sức lắm rồi, tuy còn bình tĩnh. Harbert bước lại chỗ anh và nói:

- Thưa ông Spilett, cháu và anh Pencroff đã tìm được một nơi tạm trú, ông về đó nghỉ sẽ tốt hơn ở đây nhiều. Đêm đã bắt đầu xuống rồi. Ta đi nào! Ông cần nghỉ ngơi đã! Còn ngày mai chúng ta sẽ tính xem mình nên làm gì.

Nhà báo đứng dậy và Harbert dẫn anh ta về Hang ngụ cư.

Lúc ấy Pencroff đi lại chỗ Spilett và bằng một giọng rất tự nhiên anh hỏi xem anh ta có tình cờ giữ được que diêm nào không.

Nhà báo đứng dậy sờ nắn các túi, nhưng không tìm thấy gì cả. Anh đáp:

- Diêm thì tôi đã từng có đấy, nhưng chắc là tôi vứt đi mất rồi...

Khi ấy Pencroff mới hỏi đến Nab, và cũng được trả lời y như vậy.

Nab đau khổ nhắc lại:

- Giá ông chủ tôi có ở đây thì ông ấy đã biết cách lấy được lửa.

Cả bốn người lặng đi, họ lo lắng nhìn nhau. Harbert là người đầu tiên lên tiếng phá vỡ sự im lặng nặng nề.

- Thưa ông Spilett, ông là người thường hút thuốc. Lúc nào cũng mang diêm theo chứ! Xin ông hãy tìm kỹ cho! Chúng ta chỉ cần một que diêm là đủ.

Nhà báo lục tìm một lần nữa trong các túi áo gilê, túi quần, túi áo măng tô và cuối cùng, đã nắn thấy một que diêm mảnh mai ở dưới lớp áo lót gilê. Anh cảm nhận được que diêm qua lớp vải và dùng mấy ngón tay giữ chặt nó, nhưng không rút ra được.

- Ông hãy để cháu lấy ra nhé? - Harbert nói.

Cậu bé rút que diêm ra khỏi lớp vải lót áo gilê một cách nhanh chóng và nó còn nguyên vẹn. Que diêm chẳng đáng giá là bao trước đây nhưng bây giờ nó rất quý báu đối với họ. Đầu diêm không bị xây xát gì hết.

- Que diêm! - Pencroff kêu lên - Tôi mừng tưởng như có cả một xe diêm vậy!

Điều trước tiên chàng thuỷ thủ khẳng định là que diêm hoàn toàn khô.

Vài giây sau đã nghe thấy tiếng củi kêu lách tách, và trong đêm ánh lửa reo vui vẻ, chàng thuỷ thủ ra sức thổi cho nhúm lửa cháy bùng lên.

- Có thế chứ! - Pencroff kêu lên và đứng dậy - Tôi kiệt sức mất rồi! Chưa bao giờ tôi hồi hộp đến như thế.

Thật là vui sướng khi nhìn thấy ngọn lửa cháy rực trong bếp lò làm bằng mấy viên đá phẳng xếp lại. Khói thoát ra thoải mái qua một đường hẹp, chẳng bao lâu không khí ấm áp dễ chịu lan toả khắp Hang ngụ cư. Chuyện duy trì ngọn lửa tất nhiên là phải chú ý; đó là tất cả tài sản họ có được lúc này; bao giờ họ cũng vùi vài hòn than hồng dưới một lớp tro khô.

Pencroff biết đến năm mươi hai cách làm món trứng, nhưng ở đây anh không được chọn lựa, anh đành phải đem trứng vùi vào tro nóng đến lúc nào chín thì lấy ra.

Vài phút sau, chàng thuỷ thủ mời Gédéon Spilett cùng ăn bữa tối đầu tiên của những người chạy trốn bằng khinh khí cầu và gặp tai nạn. Những quả trứng hoá ra rất ngon và do trứng chứa nhiều chất bổ cần thiết cho con người, nên các vị khách viễn du không may đã được bồi dưỡng tốt và chẳng bao lâu họ cảm thấy khoẻ khoắn ra.

Thế là ngày 25 tháng ba trôi qua. Đêm xuống. Từ bên ngoài vẳng lại tiếng gió hú và tiếng sóng biển dội vào bờ không ngớt. Sóng cuốn xô vào vách đá và thét gào dữ dội.

Sau khi ghi vội vào cuốn sổ tay những sự kiện của một ngày ngụ cư trên vùng đất không quen biết, nhà báo nằm vào một góc hành lang tối và thiếp đi.

Harbert cũng ngủ ngay sau đó. Chàng thuỷ thủ thì "ngủ nửa mắt" bên bếp lò, vì anh không quên nhiệm vụ chất củi vào bếp.

Còn Nab thì suốt đêm lang thang trên bờ biển và gọi ông chủ của mình, mặc dù các bạn anh hết lời khuyên anh nằm ngủ một lát để giữ gìn sức khoẻ.

*

* *

Tài sản của các nhà du hành bị nạn chẳng còn gì ngoài bộ quần áo mặc trên mình. Tuy nhiên, do một sự tình cờ Gédéon Spilett còn giữ được nguyên vẹn chiếc đồng hồ và cuốn sổ ghi chép, không ai giữ được vũ khí, dụng cụ cá nhân, thậm chí một con dao nhíp nhỏ. Các du khách đã vứt bỏ hết mọi thứ ra khỏi giỏ treo để giảm bớt lượng tải của khí cầu khi nó bị mất hơi gas.

Trước khi định cư trên bờ biển các du khách lại cần biết họ bị rơi xuống chỗ nào? Ở vùng này có người sinh sống không? Hay đây là bờ biển hoang?

Một vấn đề quan trọng như thế cần phải được làm sáng tỏ càng sớm càng tốt. Tất cả những phương sách mà các lữ khách của chúng ta có thể thực hiện đều tùy thuộc vào điều ấy.

Để sinh sống tạm thời thì chỗ này có thể cho là tương đối tốt. Lửa nhóm được, giữ lửa bằng cách ủ than hồng dưới lớp tro cũng không khó lắm. Sò trên bờ biển và trứng bồ câu rừng trên các vách núi là nguồn lương thực không bao giờ cạn. Bồ câu lượn hàng trăm con trên bầu trời, có thể dùng gậy hoặc ném đá sẽ giết được vài con. Chắc chắn ở khu rừng bên cạnh có những loại cây ăn quả được. Cuối cùng, ngay sát bên cạnh nơi họ ngụ cư có con sông nước ngọt chảy qua. Nói tóm lại, họ đã quyết định ở lại thêm ít ngày nữa và lo việc chuẩn bị các cuộc thám hiểm nghiên cứu bờ biển và các vùng lân cận.

Sáng ngày 26 tháng ba, sau khi điểm tâm cũng vẫn với trứng chim bồ câu, sò và thêm ít muối mà Harbert tìm được trong một trũng đá. Nab lại ra bờ biển tìm viên kỹ sư, nhà báo trông lửa, còn cậu bé và chàng thuỷ thủ vào rừng săn thú.

Suốt ngày rình rập trong các bụi rậm, Harbert đã ném được một vài con chim zhakamar, và Pencroff bẫy được những con chim tetras. Hai anh em hài lòng thấy mình không đến nỗi trắng tay nên đã nhanh chân trở về nơi ngụ cư làm bữa tối cho cả đoàn.

*

* *

Bảy giờ tối, vẫn chưa thấy Nab trở về. Việc anh ta vắng mặt làm cho Pencroff rất lo lắng. Chàng thuỷ thủ sợ có tai hoạ gì đấy xảy ra với Nab trên vùng đất không quen biết này. Nhỡ chàng Nab tội nghiệp trong khi thất vọng đã gặp chuyện gì đó không may thì sao? Nhưng Harbert lại có những kết luận hoàn toàn khác về sự vắng mặt lâu của Nab. Cậu tin rằng nếu Nab không trở về nghĩa là có điều gì đó đã thôi thúc anh ấy tiếp tục những cuộc tìm kiếm, nghĩa là đã xuất hiện những tình huống nào đó tất nhiên thuận lợi cho Cyrus Smith. Có thể là anh đã gặp được một dấu vết nào đó. Thậm chí anh có thể đã tìm thấy ông chủ của mình.

Harbert suy nghĩ và phát biểu như vậy. Các bạn đồng hành không phản đối cậu bé. Thậm chí nhà báo còn gật đầu tán thành.

Trời tối, thời tiết lại xấu, không thể tìm được Nab, họ thấy tốt hơn hết cứ đợi anh ta ở nơi ngụ cư này. Nếu như sáng ngày hôm sau anh da đen không trở về thì Pencroff cùng Harbert sẽ đi tìm Nab.

Gédéon Spilett đồng ý với ý kiến của chàng thuỷ thủ và khuyên họ không nên tách rời nhau.

Vừa lúc ấy bão táp lại bùng lên...

Sau bữa tối, mỗi người lại vào chỗ góc tối qua họ đã ngủ. Tất nhiên cậu bé Harbert ngủ trước tiên. Cậu ngả lưng ngay cạnh chàng thuỷ thủ. Còn chàng thì nằm bên đống lửa...

Duy chỉ có Gédéon Spilett là không thể chợp mắt được. Anh trách mình tại sao đã không đi cùng với Nab. Những linh tính làm cho Harbert lo âu, giờ đây làm cho chính anh thắc thỏm. Thỉnh thoảng anh không chống đỡ nổi cơn mệt mỏi anh nhắm mắt lại trong giây lát, nhưng ngay lập tức, một ý nghĩ thoáng nảy ra trong đầu đã thức tỉnh anh.

Thời gian cứ trôi đi. Lúc ấy chắc đã hai giờ sáng, Pencroff đang ngủ say, bỗng có ai đó lắc vai anh.

- Ai đấy? - Pencroff choàng dậy...

Nhà báo cúi xuống khẽ nói với anh:

- Hãy lắng nghe, Pencroff, hãy lắng nghe!

Chàng thuỷ thủ chăm chú lắng nghe, nhưng không thấy gì cả ngoài tiếng gió ù ù.

- Anh vừa nghe thấy gì?

- Tiếng chó sủa.

- Tiếng chó sủa à? - Pencroff thốt lên và đứng phắt dậy. - Không phải!... Bão giật đó thôi...

- Nó lại sủa đấy! Anh lắng nghe đã. - nhà báo nói nhanh.

Pencroff để tai lắng nghe và quả thực trong khoảnh khắc lặng gió hình như anh đã nghe thấy tiếng chó sủa từ xa vọng lại.

- Thế nào? - nhà báo thì thào, siết chặt tay Pencroff.

- Đúng, đúng! Đó là tiếng của con Top!

- Con Top! - Harbert vừa thức dậy, nghe vậy kêu lên, và cả ba người từ trong Hang lao ra cửa.

Trong lúc cơn gió ào qua họ không thể nào nói với nhau được điều gì. Chàng thuỷ thủ chỉ biết nắm chặt lấy tay Gédéon Spilett như muốn nói với anh ta: "Hãy đợi nhé!" Rồi chàng biến mất vào trong hang đá.

Lát sau, chàng bước ra, tay cầm một bó củi đang cháy và múa lên trong đêm tối.

Con chó hình như chỉ đợi có tín hiệu ấy: tiếng sủa của nó nghe gần hơn, và chẳng bao lâu nó đã chạy xộc vào lối đi trong hang, Pencroff, Harbert và Gédéon Spilett vội vã đi theo nó...

- Top! Đúng là con Top! - Harbert kêu to.

Nhưng con Top chỉ chạy về đây một mình. Chủ nó lẫn Nab đều không thấy đâu.

Harbert gọi con Top lại, hai tay nắm chặt lấy mõm nó. Được vuốt ve, con chó mừng lắm, nó vươn cổ lên, giụi đầu vào tay cậu bé.

- Một khi đã tìm thấy con chó thì cũng sẽ tìm thấy chủ của nó thôi1 - Gédéon nói.

- Cầu trời phù hộ cho họ! - Harbert hưởng ứng - Chúng ta đi mau lên! Con Top sẽ biết cách dẫn đường.

Pencroff không phản đối cậu bé điều gì. Anh cảm thấy con Top xuất hiện sẽ bác bỏ mọi điều phỏng đoán mơ hồ của anh.

- Lên đường! - anh hô to.

Trong lúc đi đường, khi Harbert nhắc đến cái tên Cyrus Smith, con Top lại sủa gâu gâu, dường như nó muốn cho mọi người biết chủ của nó còn sống.

- Ông ấy còn sống! Đúng như vậy mà, phải không Top? Đúng hả? - Harbert khẳng định với một vẻ xúc động - Ông ấy thoát nạn rồi!

Con chó khẽ rít lên, như khẳng định những điều cậu bé nói. Họ đi tiếp qua những vách đá và dãy núi thấp tiếp tục tìm kiếm suốt đêm.

Sáu giờ, trời sáng hẳn. Mây tan dần. Pencroff và các bạn đồng hành đã đi được gần sáu dặm bờ biển. Giờ đây họ đang đứng trên bờ cát phẳng. Cách đó không xa, phía dưới biển có dãy đá ngầm thoáng nhô trên đầu sóng một chút, nước triều đã dâng đầy...

Bỗng lúc này con chó chạy rối rít, lúc phóng lên trước, lúc quay trở lại. Rồi nó chạy đến chỗ Pencroff, như muốn khẩn nài anh hãy nhanh chân. Đoạn nó rẽ ngoặt sang một bình nguyên. Và, bằng sự nhạy cảm tuyệt vời, không chút do dự nào hết, nó chạy đi giữa các đụn cát.

Tất cả cùng bám sát theo nó... Sau khi từ bờ rẽ theo con đường mà Top hướng dẫn. Đi sâu vào được chừng năm phút, nhà báo và các bạn đồng hành của anh đã đến trước một cái hang không sâu lắm. Con Top dừng lại và sủa inh lên, Spilett, Harbert và Pencroff chui vào trong hang.

Ở đó, Nab đang quỳ gối, cúi mình xuống một người sóng soài trên một vạt cỏ.

Mọi người đều nhận ra người nằm bất động ấy là Cyrus Smith.

Chương 3: Kỹ sư Cyrus Smith

Nab không động đậy. Chàng thuỷ thủ chỉ hỏi anh một lời.

- Sống?

Nab không đáp lại điều gì, Gédéon Spilett và Pencroff lặng người đi. Harbert đứng bên mặt tái xanh, hai tay cậu nắm chặt.

Nhà báo quỳ xuống bên cái xác nằm sóng sượt, phanh quần áo trên người Cyrus Smith ra và áp tai vào ngực ông. Một phút sau - tưởng chừng như lâu lắm - anh mới nghe thấy tim ông đập yếu ớt.

Nab ngẩng đầu lên và ngơ ngác nhìn quanh. Mặt anh mất hết thần sắc - anh trở nên tiều tuỵ và đau khổ quá đỗi. Bởi anh tưởng Cyrus Smith đã chết.

Gédéon Spilett chăm chú nhìn Cyrus Smith hồi lâu, rồi đứng lên nói:

- Còn sống!

Khi ấy, Pencroff quì xuống, áp tai vào ngực Cyrus Smith và cũng nghe thấy tiếng tim ông đập yếu ớt, thậm chí còn cảm thấy hơi thở rất nhẹ của ông nữa.

- Nước! - nhà báo nói ngắn gọn. Harbert lao đi tìm nước. Cách hang chừng trăm bước cậu bé tìm thấy một dòng suối nhỏ trong veo tuôn chảy trên bãi cát. Lúc ấy, cậu bé lấy khăn tay nhúng vào nước và phóng ngay về hang.

May sao, chiếc khăn tay ướt cũng đủ nước để Gédéon thấm nhẹ vào môi Cyrus Smith. Vài giọt nước mát lạnh đã tỏ rõ tác dụng kỳ lạ. Cyrus Smith đã hít thở sâu được và thậm chí định nói điều gì đó.

- Chúng ta sẽ cứu được ông ấy! - nhà báo kêu lên.

Những lời đó lại khơi dậy trong trái tim của Nab niềm hy vọng.

Anh cởi hết áo quần của chủ, xem trên người ông có vết thương nào không. Nhưng không thấy chỗ nào bị xây xát, bầm dập. Mọi người hết sức ngạc nhiên, điều mà họ chắc chắn nhất là sóng biển đã cuốn ông ta qua những dãy đá ngầm, vậy mà người ông ta lành lặn như thể ông ta không hề bị va vào bãi đá kinh khủng ấy. Thậm chí trên tay ông ta họ cũng không thấy vết trầy xước.

Lời giải thích về một sự kiện kỳ diệu nào đó chỉ còn chờ khi nào Cyrus Smith có thể nói được và kể hết những gì đã xảy ra với ông. Còn bây giờ phải làm cho ông sống lại đã. Chàng thuỷ thủ cởi chiếc áo và dùng hết sức mạnh chà lên cơ thể lạnh cóng của Cyrus Smith. Sau khi xoa bóp mạnh, anh làm cho người nạn nhân ấm lên. Ông ta khẽ động đậy được hai tay, hơi thở trở nên đều đặn hơn.

Đến đây Nab đã kể lại việc anh ta tìm thấy chủ như thế nào? Hôm qua, lúc trời tảng sáng, anh ra khỏi nơi cư ngụ và tìm kiếm dọc theo bờ biển phía bắc, rồi anh đến nơi mà hôm trước anh đã đến... Anh ghé mắt nhìn vào từng trũng hẹp giữa các vách đá, chăm chú nhìn lên mặt bãi cát xem có dấu vết nào có thể giúp cho việc tìm kiếm của anh không. Anh xem xét chủ yếu là phần bờ biển không bị ngập nước, bởi vì những nơi thuỷ triều thường lên xuống, nhất định nước sẽ xoá hết mọi dấu vết.

Thế rồi bỗng nhiên hôm qua, gần năm giờ chiều tôi để ý thấy trên cát có những dấu chân người. Nab thay đổi thái độ khi kể lại diễn biến cuộc tìm kiếm và mọi người ai cũng ngạc nhiên.

- Những dấu chân người? - Pencroff kêu lên.

- Vâng! - Nab khẳng định.

- Thế những dấu chân ấy từ đâu đi tới? Từ phía những dải đá ngầm đi lên à? - nhà báo hỏi.

- Không, chỉ từ mép nước trở lên thôi, còn khoảng cách giữa nó và các dải đá ngầm thì chắc là bị nước biển xoá mất rồi.

- Kể tiếp đi, Nab! - Gédéon Spilett nói.

- Khi trông thấy những dấu vết ấy, tôi tưởng chừng như phát điên lên được. Những dấu chân in hình rất rõ và đi về hướng các đụn cát. Tôi chạy về phía đó độ một phần tư dặm. Tôi cứ bám theo dấu chân nhưng cố không giẫm lên chúng. Năm phút sau, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì tôi nghe thấy tiếng chó sủa. Đấy là tiếng của con Top. Và chính nó đã dẫn tôi đến đây với chủ của tôi.

Khi ấy Nab đã nghĩ đến những người bạn của mình. Bên cạnh anh còn có con Top. Anh lại nghĩ, lẽ nào không nên trông cậy vào sự sáng trí của một con chó khôn, một người bạn trung thành như thế? Nab đã mấy lần nhắc đến tên của nhà báo cho nó nghe. Trong số những người bạn đồng hành của viên kỹ sư, con Top biết rõ Gédéon Spilett hơn cả. Sau đó, Nab chỉ tay về phía nam, thế là con chó phóng đi theo dọc bờ biển về hướng ấy...

Các bạn của Nab đã nghe anh kể chuyện với một sự chăm chú căng thẳng. Tuy nhiên, có điều không thể giải thích được là tại sao trên mình Cyrus Smith lại không có một vết xây xát nào, mặc dù ông ấy phải vật lộn hết sức vất vả và cật lực mới có thể thoát khỏi những con sóng bạc đầu sôi sục quanh các dải đá ngầm. Còn một điều khó hiểu nữa là Cyrus Smith trong tình trạng dở sống dở chết như vậy đã làm thế nào để có thể đi được trên một dặm từ bờ biển đến cái hang heo hút giữa các đụn cát?

- Nab này! - nhà báo hỏi - Thế không phải cậu đưa ông chủ cậu lên đây à?

- Không, không phải tôi!

- Như vậy ông Cyrus Smith đã tự đến đây? Mọi sự rõ ràng là như vậy! - Pencroff nói.

- Đúng là như thế, nhưng mà thật khó tin! - Spilett nhận xét.

Điều này chỉ có riêng Cyrus Smith mói giải đáp được. Cần phải đợi khi nào ông ta tỉnh dậy và có khả năng nói chuyện thì mới sáng tỏ. May sao, sự sống đã trở lại với ông. Viên kỹ sư đã cử động được hai tay, rồi lắc đầu nói vài tiếng rời rạc.

Khi thấy những biểu hiện đó, sợ viên kỹ sư mệt. Mọi người ra hiệu cho ông nằm im.

Nhờ sự sặn sóc ân cần của các bạn, Cyrus Smith đã tỉnh lại sớm hơn dự tính. Những giọt nước thấm vào đôi môi khô nẻ của ông đã có tác dụng tốt. Pencroff đã nảy ra một ý nghĩ thật hay là pha thêm vào đó một ít nước thịt ép từ chỗ thức ăn anh mang theo lúc đi đường. Harbert chạy ra bờ biển và mang về hai con sò to. Sau khi chế một thứ chất lỏng tựa như hợp dịch, chàng thuỷ thủ thận trọng rót vào miệng Cyrus Smith vài giọt, và ông ta nuốt lấy nuốt để.

Cuối cùng ông đã mở được mắt ra.

- Ngài Smith! Ngài Smith! - Nab gọi.

Cyrus Smith đã nghe thấy. Ông nhìn vào Nab và Spilett, rồi hai người bạn đồng hành khác của mình - Harbert và chàng thuỷ thủ, và ông bắt tay từng người một cách yếu ớt.

- Đảo hay đất liền? - ông khẽ hỏi.

- Quan tâm đến chuyện ấy làm gì! - không kiềm chế nổi, Pencroff kêu lên - Cốt sao ngài còn sống là được rồi, thưa ngài Smith! Đảo hay đất liền! Rồi ta sẽ biết.

Viên kỹ sư khẽ gật đầu, ông đồng ý với anh ta, và rồi ông thiếp đi.

Gédéon Spilett ở lại trong hang để trông chừng cho Cyrus Smith ngủ, còn ba người kia, theo lời khuyên của chàng nhà báo, họ làm một chiếc cáng dùng để khiêng bệnh nhân về.

Toàn bộ công việc ấy làm họ mất bốn mươi phút, đến khi chàng thuỷ thủ, Nab và Harbert quay lại cửa hang với Cyrus Smith mà Spilett không rời một bước thì đã mười giờ sáng.

Cuối cùng, viên kỹ sư đã tỉnh lại sau một thời gian dài ngất lịm mê man. Trên gương mặt ông trước đó nhợt nhạt như sáp, bây giờ đã thấy ửng hồng. Ông chống khuỷu tay nhổm dậy và nhìn quanh ngơ ngác, như muốn hỏi mọi người ông đang ở đâu.

- Ngài có thể nghe tôi nói được khong? - Spilett hỏi - Hay như vậy sẽ làm ngài mệt?

- Anh nói đi! - kỹ sư đáp.

- Theo tôi, nếu ngài Smith được nếm món thịt tetras chắc ngài sẽ khoẻ hơn đôi chút - chàng thuỷ thủ góp ý - Mời ngài nếm thử đi, ngài Cyrus Smith. Đây là món thịt tetras đích thực đó, - anh nói thêm và đưa cho Cyrus Smith món thịt đông của mình.

Cyrus Smith ăn mấy miếng nhỏ còn các bạn ông lúc này bụng cũng đã đói vội chia nhau ăn nốt chỗ thức ăn còn lại và họ thấy tuy khá là đạm bạc nhưng quả là ngon miệng.

Chàng thuỷ thủ nói:

- Xin thông báo để ngài Smith biết là ở phía nam chúng ta có một căn nhà riêng gồm ba phòng, có đệm cỏ và bếp lò, còn trong kho thì chúng ta có vài chục chú chim mà Harbert bắt được. Cáng đã làm xong, chờ ngài phục hồi sức khoẻ, chúng tôi sẽ đưa ngài về nhà.

- Cảm ơn các bạn! - kỹ sư đáp - Tôi nằm đây một tiếng nữa là có thể lên đường được rồi. Còn bây giờ anh hãy kể mọi chuyện đi nào, Spilett.

Nhà báo thuật lại tất cả những gì xảy ra mà Cyrus Smith không hề hay biết.

- Như vậy có nghĩa là không phải các bạn đã tìm thấy tôi trên bờ. - Cyrus hỏi bằng một giọng yếu ớt.

- Không! - Gédéon Spilett đáp.

- Vậy có nghĩa là không phải các bạn đã đưa tôi vào hang?

- Không.

- Thế từ dải đá ngầm đến đây có xa không?

- Độ nửa dặm biển - Pencroff trả lời - Thưa ngài Smith, ngài lấy làm lạ là không biết ngài đã lên đây bằng cách nào, còn chúng tôi lại càng thấy lạ hơn về chuyện ấy!

- Quả thật, lạ quá chừng! - viên kỹ sư nhận xét.

- Vậy đúng là sóng biển đã ném ngài lên bờ. - Pencroff nói - Và ngài đã có đủ sức để lên được đây, bởi vì Nab đã tìm thấy những dấu chân của ngài trên cát mà.

- Phải... Đúng là phải như thế! - viên kỹ sư đáp, vẻ tư lự - Còn các dấu vết khác trên bờ không?

- Không có lấy một dấu vết nào khác. - nhà báo đáp - Mà nếu như bỗng nhiên có vị cứu tinh bí ẩn nào đấy đã xuất hiện vào giây phút khủng khiếp ấy thì tại sao ông ta lại bỏ mặc kỹ sư sau khi đã cứu kỹ sư thoát khỏi đại dương?

- Spilett thân mến, anh nói đúng. Nab, nghe đây. - kỹ sư nói thêm, nhìn chằm chặp người hầu của mình. - Có thể là do đau buồn mà đầu óc lúc ấy bị choáng váng, và chú đã quên mất... Ừ mà không, thật là một ý nghĩ vô lý... Thế những dấu vết ấy vẫn còn nguyên vẹn chứ? - Cyrus Smith hỏi.

- Vâng, một số dấu vết còn nguyên - Nab trả lời - Đằng kia, bên sườn cồn cát này những dấu vết ấy vì tránh được gió mưa vẫn còn. Còn tất cả những dấu vết khác bị bão xoá mất rồi.

- Pencroff, - Cyrus Smith nói - Anh lấy giùm đôi giày của tôi thử xem chúng có khớp với những dấu in trên cát không?

Chàng thuỷ thủ làm theo yêu cầu của viên kỹ sư. Anh cùng với Harbert đi theo Nab đến chỗ những dấu chân để lại trên cát.

Còn lại một mình với chàng ký giả, Cyrus Smith nói:

- Ở đây đã xảy ra điều gì đó không thể cắt nghĩa nổi!

- Hoàn toàn không thể giải thích được! - Gédéon Spilett thừa nhận.

- Tạm thời ta sẽ không đi sâu vào những điều bí ẩn nữa, Spilett thân mến! Ta sẽ bàn đến chuyện này sau.

Một phút sau Nab và Harbert đã quay lại. Không có điều gì để nghi ngờ cả. Đế giày của Cyrus Smith hoàn toàn khớp với những dấu chân còn in nguyên vẹn trên cát. Vậy là, những dấu vết đó là của ngài Cyrus Smith.

- Thế thì tốt lắm! - viên kỹ sư nói - Tôi đã đi như người mộng du trên cát và con Top đã đưa tôi đến hang này theo linh cảm của nó.

Mọi người tán thành ý kiến của ông.

Họ mang chiếc cáng đã được lót bằng rêu và cỏ đến, đặt Cyrus Smith lên và khiêng ông ra bờ biển. Pencroff cầm đầu cáng trước, còn Nab giữ đầu sau.

Từ đây đến Hang ngụ cư phải mất tám dặm, nhưng vì khiêng bệnh nhân cần đi chậm, không vội vã, và chắc chắn là phải dừng nghỉ thường xuyên, nên họ tính phải sáu tiếng đồng hồ mới về đến nơi.

Đến năm giờ rưỡi chiều toán cáng thương về đến chỗ ngụ cư.

Mọi người dừng lại, hạ cáng xuống đất. Cyrus Smith không thức giấc. Ông ngủ rất say.

Thật xui xẻo cho họ, Pencroff thấy trận bão hoành hành đêm qua đã làm biến đổi hẳn quang cảnh quen thuộc.

Mặt đất ở trước lối ra vào chỗ ngụ cư của họ bị đào xới nát, - chắc chắn là những đợt sóng biển mạnh như trời giáng cũng đã xô đến chỗ các tảng đá này.

Một điều phỏng đoán khủng khiếp thoáng nảy ra trong đầu Pencroff, và anh ta lao vụt đến lối vào hang. Lập tức anh chạy ngay ra và đứng lặng bên cửa hang, hốt hoảng nhìn các bạn... Nơi bếp lò lửa bị tắt. Mặt đất ẩm ướt biến thành than bùn. Miếng giẻ để làm mồi lửa đã biến mất. Sóng biển đã tràn vào tận sâu trong hành lang, mọi thứ ở đó bị lật nhào hết!

*

* *

Chàng thuỷ thủ thông báo vắn tắt cho Gédéon Spilett, Harbert và Nab biết về tai hoạ rủi ro đã xảy ra khi họ đi vắng.

Chàng nhà báo sau khi nghe những lời than vãn của Pencroff, đã trả lời một cách đơn giản:

- Pencroff, anh cứ tin rằng điều ấy không làm tôi quan tâm nhiều. Chẳng phải chúng ta đang có Cyrus Smith đó sao? - nhà báo nói tiếp - Ông kỹ sư của chúng ta bình yên vô sự mà. Ống ấy sẽ nghĩ ra được cách lấy lửa.

- Lấy từ cái gì?

- Từ cái không có gì!

Pencroff còn có thể trả lời được gì nữa về chuyện ấy? Anh im lặng, bởi vì tự đáy lòng anh cũng tin tưởng vào Cyrus Smith không kém gì những người bạn của mình. Đối với họ, thà sống có Smith trên một hòn đảo không người còn hơn là ở một thành phố lớn và văn hoá nhất nước Mỹ mà lại thiếu ông. Có Cyrus Smith thì họ không thiếu thứ gì cả.

Sang ngày hôm sau, 28 tháng ba, viên kỹ sư thức dậy lúc gần tám giờ sáng, thấy các bạn đang đứng bên cạnh đợi mình tỉnh giấc, và cũng như hôm qua, câu đầu tiên ông hỏi là: "Đảo hay đất liền?"

Đúng là ý nghĩ ấy không để ông được yên.

- Chúng tôi làm sao biết được, thưa ngài Smith? - Pencroff đáp lại.

- Không biết à?

- Không ạ. Nhưng nhất định chúng ta sẽ biết sau khi cùng ngài xem xét địa hình ở đây. - Pencroff nói tiếp - Chúng ta sẽ leo lên ngọn núi cao nhất phía Tây và quan sát khắp vùng.

- Tôi đã xỉu vì bị kiệt sức đấy thôi. - Cyrus Smith nhận xét - Các bạn của tôi, hãy cho tôi ăn một chút gì đi rồi mọi việc sẽ ổn cả. Chắc là các bạn có lửa chứ?

Chàng thuỷ thủ lúng túng, không trả lời ngay vào vấn đề tế nhị ấy. Cuối cùng chàng lấy hết tinh thần nói:

- Tai hoạ chính là ở chỗ đó, thưa ngài Smith! Chúng ta đã có, nhưng bị sóng biển cuốn mất hết cả rồi!

Và Pencroff đã kể lại chuyện xảy ra hôm trước. Từ cái cảnh họ chỉ có mỗi một que diêm, rồi sau đó ý định lấy lửa theo lối người cổ xưa cũng không thành làm cho viên kỹ sư không khỏi bật cười.

- Chúng ta sẽ làm lại mọi việc - ông nói - Nếu như không tìm được thứ gì có thể làm bùi nhùi được thì...

Harbert mang đến cho ông mấy vốc sò và rong biển rồi nói bằng giọng có lỗi:

- Thức ăn chúng ta chỉ còn chừng này thôi thưa ngài Cyrus Smith.

- Chừng này cũng tốt rồi, cảm ơn cháu yêu quý - kỹ sư đáp - Bữa điểm tâm của tôi hôm nay thế là đủ.

- Thưa ngài Cyrus Smith, liệu ngày mai ngài có đủ sức để thực hiện một chuyến leo núi vất vả không ạ? - Harbert tỏ ra lo lắng.

- Tôi hy vọng là sẽ chịu đựng được. - viên kỹ sư đáp - Nhưng với điều kiện là Pencroff và cháu, cháu bé của ta, phải là những thợ săn thiện nghệ.

- Ngài Cyrus Smith! - chàng thuỷ thủ năn nỉ - Chúng tôi mang thịt rừng về sẽ uổng công vô ích mà thôi, nếu như chẳng có cái gì để mà nướng nó.

- Cứ mang về đi, Pencroff, cứ mang thịt rừng về đi! - Cyrus Smith nói.

Họ đã quyết định. Viên kỹ sư và Gédéon Spilett sẽ ra gần nơi ngụ cư để quan sát bờ biển và cao nguyên. Trong khi đó Nab, Harbert và Pencroff đi vào rừng lấy thêm củi và cố gắng mang được càng nhiều thịt rừng về càng tốt, thịt chim hay thịt thú cũng được...

Harbert đã khám phá ra một loài cây có quả ăn được. Đó là loài thông bá hương mọc ở vùng ôn đới. Giống này rất thích hợp với khí hậu nước Mỹ và châu Âu, nó cho loại hạt tuyệt vời và rất quý hiếm. Hạt trong quả đều chín hết, vì vậy Harbert và các bạn đã lấy ăn một cách ngon lành.

- Con Top đã tìm thấy gì đó rồi! - Nab kêu lên và chạy về phía khu rừng rậm, nơi có tiếng chó sủa vẳng lại xen lẫn tiếng kêu ủn ỉn lạ tai của một sinh vật nào đó.

Sau khi lặn lội khắp các bụi cây xanh rậm rì, những người thợ săn đã nhìn thấy con Top đang cào cấu vào tai một con thú lạ. Đó là con vật bốn chân, giống như con heo con, dài chừng hai bộ, lông màu nâu sẫm, cứng, bụng có màu sáng hơn. Ngón chân có màng.

Harbert đoán rằng đấy là con heo nước - một trong những loài thú lớn nhất của họ động vật gặm nhấm có đời sống lưỡng cư: vừa dưới nước, vừa trên cạn.

Nab kết liễu nó bằng một nhát gậy.

Anh yêu cầu mọi người trở về. Khi cách nơi ngụ cư chừng năm mươi bước Pencroff bỗng dừng lại, hoan hô vang dội và đưa tay chỉ về phía nóc hang đá.

- Harbert! Nab! Nhìn kìa! - anh gào to.

Mọi người nhìn theo hướng tay anh chỉ. Bên trên các vách đá có một cột khói đang cuồn cuộn bốc lên theo chiều gió.

Chương 4: Đảo Lincoln

Một phút sau, cả ba người thợ săn đều có mặt bên ngọn lửa bừng cháy. Trên bếp lò, cạnh đấy là Cyrus Smith và nhà báo đang ngồi. Pencroff dừng lại và lặng thinh nhìn họ, tay vẫn xách con heo nước vừa săn được.

- Thế nào, anh bạn yêu quý? - nhà báo nói - Lửa đang cháy đó! Lửa thật sự nhé. Anh ngạc nhiên à! Có thể nướng con thú này được rồi, và chúng ta sẽ làm một bữa tiệc thật thịnh soạn.

- Ai nhóm được lửa? - Pencroff thắc mắc.

- Mặt trời!

- Ngài có kính lúp à, thưa ngài Smith? - Harbert hỏi.

- Không có! - Viên kỹ sư trả lời - Nhưng ta đã chế ra nó.

Và Cyrus Smith giới thiệu dụng cụ đóng vai trò chiếc kính lúp ấy. Đó là hai mặt thuỷ tinh tròn được tháo ra từ chiếc đồng hồ bỏ túi của Smith và Spilett. Sau khi đổ nước vào các mặt kính, ông xếp chồng chúng lên và lấy đất sét trét vào cạnh. Thế là ông có một thấu kính hội tụ. Chỉ cần thu ánh nắng mặt trời vào tiêu điểm của kính là có được sức nóng đủ để tạo ra lửa.

- Ghi chép đi chứ, ông Spilett. - Pencroff nói - Hãy ghi điều này vào cuốn sổ tay của ông đi.

- Ghi rồi. - nhà báo trả lời.

Họ đã ăn một bữa tối rất ngon. Món thịt heo nướng không chê vào đâu được. Bữa ăn được bổ sung thêm món rong biển và hạt thông bá hương. Viên kỹ sư hầu như không nói gì, ông đang mải mê nghĩ đến chuyện leo núi để quan sát địa hình ngày mai.

Khi trăng đầu tháng vừa lặn xuống mặt biển, viên kỹ sư Cyrus Smith đã nắm lấy tay của cậu bé và thốt lên:

- Đảo! Chúng ta lạc xuống một hòn đảo!

Viên kỹ sư và các bạn đồng hành của ông lặng người đi hồi lâu, mắt đăm đăm nhìn đại dương. Hôm sau, họ trèo lên một ngọn núi lửa đã tắt với hy vọng phát hiện một vùng đất khác gần nơi đây. Một hòn đảo hoặc một rẻo đất mà hôm qua trong đêm tối họ đã không trông thấy.

- Các bạn! - viên kỹ sư nói sau khi quan sát địa hình - Tôi cảm thấy tôi sẽ không sai nếu tôi cho rằng hòn đảo của chúng ta kéo dài hơn một trăm hải lý.

- Thế diện tích của nó là bao nhiêu?

- Khó mà nắm được. Nó bị chia cắt chằng chịt khó đoán quá.

- Đây là hòn đảo đã từng có con người ở chăng?

Nhà báo là người đầu tiên hỏi to lên câu ấy. Mọi người cảm thấy rằng nếu họ lên đỉnh núi quan sát bề mặt hòn đảo thì họ đã có thể trả lời câu hỏi ấy bằng một sự phủ nhận.

Không thấy có chỗ nào có sự sáng tạo của bàn tay con người cả. Công việc tìm hiểu hòn đảo một cách sơ lược đã xong, họ đã xác định được địa hình của hòn đảo, đã tính toán được diện tích, ấn định được tình hình địa lý thuỷ văn và sơn văn của đảo. Trên sơ đồ mặt bằng do nhà báo vẽ vội vàng đã làm ký hiệu địa thế, vị trí các khu rừng và đồng bằng. Bây giờ cần phải men theo sườn núi đi xuống và nghiên cứu những tài nguyên khoáng sản, hệ dộng vật và thực vật của đảo.

Nhưng trước khi ra hiệu lệnh xuất phát, Cyrus Smith bàn bạc vài lời với mọi người:

- Các bạn! - ông nói với vẻ bình tĩnh và nghiêm nghị thường ngày của mình - Ý trời đã định và chúng ta bị quẳng lên mảnh đất nhỏ bé này. Tôi và các bạn rõ ràng là phải ở lại chốn này, và có lẽ rất lâu đấy. Tất nhiên có thế là bất thình lình chúng ta sẽ được cứu giúp, nếu như tình cờ có một con tàu đi qua đảo... Tình cảnh chúng ta như vậy đó, tôi không muốn giấu các bạn một điều gì hết...

- Và ngài làm như vậy là đúng, Cyrus Smith thân mến! - nhà báo nhiệt tình đáp lại - Chúng tôi tin tưởng nơi ngài. Ngài có thể trông cậy vào chúng tôi. Có phải thế không, các bạn?

- Cháu sẽ nghe lời ngài trong hết thảy mọi việc, thưa ngài Cyrus Smith, - Harbert nói, cậu nắm chặt tay viên kỹ sư.

- Con sẽ đi với ngài đến cùng trời cuối đất! - Nab kêu lên.

- Còn tôi thì thế này nhé, - chàng thuỷ thủ nói - Pencroff không bao giờ trốn tránh công việc cả! Và nếu ngài muốn, thưa ngài Smith, thì chúng ta sẽ làm cho hòn đảo này thành một nước Mỹ nhỏ! Tôi chỉ yêu cầu ông một điều thôi.

- Điều gì? - nhà báo hỏi.

- Chúng ta hãy xem mình không phải như những người xấu số bị nạn, mà là những người đi khai khẩn, đến hòn đảo này với mục đích duy nhất là tạo dựng vùng di dân ở đây!

Cyrus Smith không thể nén nổi nụ cười. Lời đề nghị của chàng thuỷ thủ được chấp nhận. Sau đó, viên kỹ sư đã cảm ơn những người bạn của mình về sự tin cậy mà họ đặt nơi ông và nói thêm rằng ông hết sức trông mong vào nghị lực của họ cũng như sự phù hộ của thượng đế.

- Khoan đã, các bạn! - kỹ sư ngăn mọi người lại - Tôi thiết nghĩ nên đặt tên cho hòn đảo của chúng ta, cho từng mũi biển, từng doi đất, lẫn những con suối mà chúng ta đã nhìn thấy ở đây.

- "Hang ngụ cư" chẳng hạn. - Harbert nhận xét.

- Phải đấy, - Pencroff xác nhận - Một cái tên thích hợp. Vậy ta dành cái tên "Hang ngụ cư" cho nơi trú chân đầu tiên của chúng ta nhé, ngài Cyrus Smith đồng ý không?

- Tất nhiên, Pencroff, một khi anh đã tán dương việc đặt cho nó tên như vậy rồi mà.

- Vâng, tất nhiên rồi, nghĩ ra tên để đặt cho một địa danh cũng chẳng khó gì. - chàng thuỷ thủ nói vẻ thích thú.

- Theo tôi, nên tìm những cái tên nào thường xuyên nhắc nhở chúng ta nhớ đến Tổ quốc ấy, - Gédéon Spilett góp ý.

Đề nghị của kỹ sư được nhẩt trí thông qua. Gédéon Spilett ghi lại những cái tên ấy, và danh mục địa lý của đảo đã được quy định xong xuôi: vịnh Hợp chủng, vũng Washington, núi Franklin, bán đảo Uốn khúc, mũi Rắn, vịnh Cá mập, mũi Xương hàm...

- Còn hòn đảo nữa, ta đã đặt tên cho hòn đảo đâu!

Harbert đề nghị lấy tên của Cyrus Smith đặt cho hòn đảo, nhưng viên kỹ sư đã vượt lên trước chú.

- Các bạn, - ông nói chân tình - chúng ta sẽ lấy tên tổng thống kính yêu đặt tên cho hòn đảo của chúng ta để vinh danh vị công dân cao thượng nhất của nước Mỹ cộng hoà, vinh danh con người đang đấu tranh để bảo vệ sự thống nhất của đất nước. Hãy đặt tên cho mảnh đất này là đảo "Lincoln"!

Đáp lại lời đề nghị của Cyrus Smith là sự phấn khởi của mọi người.

Đó là ngày 30 tháng ba năm 1865. Họ đâu có biết được rằng mười sáu ngày sau ở Washington đã xảy ra một tội ác dã man: vào hôm thứ sáu tai hại, Abraham Lincoln đã ngã xuống do bàn tay của một kẻ cuồng tín ám sát.

Pencroff tuyên bố đã đến lúc ăn sáng và tiện dịp Cyrus Smith và nhà báo quyết định kiểm tra lại đồng hồ của mình.

Cần nói rằng, chiếc đồng hồ của Gédéon Spilett không bị vô nước, bởi anh không bị rơi xuống biển. Đó là loại đồng hồ bỏ túi xinh xắn, được nhà báo hàng ngày lên dây rất cẩn thận.

Cyrus Smith tất nhiên không thể lên dây cho chiếc đồng hồ của mình trong khi ông nằm bất tỉnh ở đụn cát. Nhưng khi về đây ông đã lên dây nó và căn cứ theo mặt trời ông đã xác định thời gian là khoảng gần chín giờ, và vặn lại kim đồng hồ.

Gédéon Spilett quyết định làm theo ông, nhưng Cyrus Smith ngăn anh ta lại:

- Đừng anh bạn thân mến! Đồng hồ của anh lấy theo giờ Richmond phải không?

- Vâng, thưa ngài Smith.

- Đừng vặn lại giờ. Hãy lên dây đồng hồ của mình cẩn thận mỗi ngày, nhưng đừng có động vào kim - cứ để chúng vậy đi. Điều đó có ích cho chúng ta sau này.

Sau bữa ăn sáng Cyrus Smith đề nghị các bạn đi về Hang ngụ cư bằng con đường khác. Ông muốn xem xét lòng hồ tại một vị trí gần hơn, cây cối bao quanh hồ rất đẹp.

Cyrus Smith bình thản đi bên cạnh nhà báo lúc nào cũng kè kè cuốn sổ tay để ghi chép bất cứ việc gì xảy ra. Thỉnh thoảng, viên kỹ sư lại tạt sang một bên để lựa những mẫu khoáng sản hoặc bứt một loài thực vật nào đó, lẳng lặng bỏ vào túi, chẳng nói một câu nào thừa.

Sau bữa ăn tối, khi những người bộ hành đã định ngủ, Cyrus Smith móc trong túi ra những hòn đá nhỏ - đó là các mẫu khoáng sản khác nhau - và giải thích ngắn gọn:

- Các bạn hãy xem đây, đây chính là quặng sắt, đây là pirit, đây là đất sét, đây là đá vôi. Nó sẽ đóng góp cho sự nghiệp chung của chúng ta. Ngày mai đến lượt chúng ta ra tay.

*

* *

- Thưa ngài Cyrus Smith, chúng ta bắt đầu từ chỗ nào đây? - sáng hôm sau Pencroff hỏi.

"Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu". - Cyrus Smith nói - Bắt đầu từ việc làm một thiết bị để gia công khoáng liệu mà thiên nhiên ban cho. Ai cũng biết là trong việc gia công này nhiệt độ cao đóng vai trò quan trọng như thế nào. Nhiên liệu, như củi lẫn than đá thì đều đã có đủ. Chỉ còn việc xây lò nữa thôi.

- Thế cái lò ấy dùng để làm gì? - Pencroff hỏi.

- Chúng ta sẽ tự chế lấy những đồ đựng. Những thứ này rất cần. - Cyrus Smith trả lời.

- Thế xây lò bằng gì?

- Bằng gạch.

- Thế gạch làm bằng gì?

- Bằng đất sét. Lên đường thôi, các bạn! Để khỏi mất công chuyên chở nguyên liệu, ta sẽ xây dựng các xưởng ngay tại chỗ khai thác. Nab sẽ mang thức ăn đến cho chúng ta, còn lửa để nấu nướng thì chúng ta có đủ.

- Tuyệt! - nhà báo nhận xét - Lửa thì sẽ có thôi, nhưng còn thức ăn thì sẽ không có, một khi chúng ta không có súng để đi săn.

- Ồ, giá có được một con dao nhỏ! - chàng thuỷ thủ xuýt xoa.

- Vậy thì sao? - Cyrus Smith hỏi.

- Thì tôi sẽ làm ngay một cây cung và những mũi tên chứ "sao"? Và thế là chúng ta sẽ tha hồ mà ăn thịt thú!

- Ừ... con dao. - viên kỹ sư nói với vẻ suy tư, như tự chuyện trò với bản thân mình.

Tình cờ ông trông thấy con Top chạy tung tăng trên bờ biển. Mắt Cyrus Smith sáng lên.

- Top, lại đây! - ông gọi.

Con chó chạy lại chỗ ông chủ, Cyrus Smith dùng hai tay ôm lấy đầu con chó, tháo cái vòng cổ của nó ra, bẻ làm đôi, nói:

- Đây, Pencroff, cho anh hai con dao!

Đáp lại chàng thuỷ thủ reo lên "hoan hô" hai lần, chiếc vòng cổ của con Top được làm bằng một thanh thép mỏng đã tôi, chỉ cần mài nó vào đá là có được một lưỡi dao sắc, rồi sau đó dùng một mảnh da mịn chà cho nó khỏi nhám là xong.

Các cư nhân của đảo đã đi đến nơi mà họ khảo sát hôm qua. Ở đây có đất sét đỏ, rất thích hợp với việc nung gạch và ngói, và do đó, họ hoàn toàn có thể thực hiện được ý đồ của mình.

Thông thường người ta làm gạch bằng khuôn, nhưng những người ngụ cư phải dùng tay trần để nặn. Suốt ngày hôm ấy cho đến lúc trời tối, và cả ngày hôm sau họ tận dụng thời gian đó cho việc sản xuất gạch. Họ nhồi đất sét thật nhão và đều. Sau đó, nén thành những viên gạch sống thật cân đối, họ xếp gạch còn ướt thành những hàng và phơi nắng ba bốn ngày cho chúng thật khô, rồi sau đó đem nung chúng.

Ngày 2 tháng tư, Cyrus Smith đã quyết định thực hiện việc xác định vị trí của đảo theo phương hướng.

Ngày hôm trước, ông đã nhận xét chính xác thời gian lúc mặt trời lặn, đồng thời để ý cả hiện tượng khúc xạ. Còn ngày 2 tháng tư, ông xác định không kém phần chính xác thời gian lúc mặt trời mọc là mười hai giờ hai mươi bốn phút. Như vậy là hôm ấy sau sáu giờ mười hai phút mặt trời phải đi qua kinh tuyến của đảo, và điểm mà nơi mặt trời dừng lại trên trời ở thời khắc ấy sẽ cho biết đâu là phương bắc.

Đúng như đã định, Cyrus Smith xác định điểm ấy trên nền trời và vạch một đường tưởng tượng từ mặt trời qua hai cây sồi lớn mà ông đã chọn làm mốc, và tìm được kinh tuyến cố định cho việc quan sát thiên văn của mình.

Mẻ gạch nung được tiến hành hai ngày hai đêm và thành công mỹ mãn. Sau đó, họ để cho gạch nung nguội đi, trong khi ấy Nab và Pencroff, theo lệnh của Cyrus Smith dùng cành cây đan thành cái cáng và khiêng được một một đống đá vôi khá to lấy ở bờ bắc của hồ Grant. Số đá này sau khi đem nung lửa hoá thành vôi sống, sau đó được tôi lên, cũng tinh khiết y như loại vôi thu được khi nung đá hoa hay phấn vậy. Những người ngụ cư đem trộn dung dịch vôi tôi sền sệt với cát và họ được một chất dính kết tuyệt vời.

Ngày 9 tháng tư, do kết quả của những công việc trên, Smith đã có trong tay một ít vôi tôi và mấy ngàn viên gạch.

Khi ấy họ đã tranh thủ thời gian xây một chiếc lò để nung đủ các loại đồ gốm cần thiết cho sinh hoạt trong nhà. Việc xây lò đã hoàn thành chẳng có khó khăn gì. Năm ngày sau, họ chất than đá vào lò, Cyrus Smith đã tìm thấy các vỉa than lộ ra trên mặt đất ở gần cửa suối Đỏ, và từ ống khói cao hai mươi bộ, ngọn khói đầu tiên đã bốc lên. Khoảng đất trống đã biến thành công xưởng, và Pencroff không thấy xa lạ với ý nghĩ rằng từ cái lò này sẽ làm ra mọi thứ sản phẩm của nền công nghiệp hiện đại.

Sẽ chẳng phải là thừa nếu nhắc lại rằng Pencroff muốn biết đất sét này có làm ống tẩu hút thuốc được không, và đã làm cho mình vài chiếc; những chiếc tẩu xấu xí hết mức, nhưng Pencroff lại cho là tuyệt trần. Nhưng thật đáng buồn là họ chẳng có gì để hút cả.

Chiều ngày 15 tháng tư, họ trở về Hang ngụ cư, mang theo loạt nồi, chén, đĩa cuối cùng và tắt lò cho đến lượt nung mới.

Sau khi ăn tối, Cyrus Smith và các bạn của ông đi ra bờ biển và hít thở không khí trong lành. Trên trời cao nổi bật lên các chòm sao cận cực, và sáng tỏ hơn cả là chòm sao Chữ Thập Phương Nam mà Cyrus Smith mới đây quan sát thấy từ trên đỉnh núi Franklin.

Bây giờ Cyrus Smith lại nhìn hồi lâu chòm sao tuyệt trần này, ở phía trên và phía dưới của nó lấp lánh hai ngôi sao thứ nhất, ở bên trái là ngôi sao thứ nhì, còn bên phải là ngôi sao thứ ba.

Sau khi suy nghĩ, ông nói:

- Harbert, hôm nay là ngày 15 tháng tư phải không?

- Vâng, thưa ngài Cyrus - cậu bé đáp.

- Thế này nhé! Nếu tôi không nhầm thì ngày 16 tháng tư sẽ một trong bốn ngày trong năm mà giờ thật sẽ trùng hợp với giờ trung bình, tức là giữa trưa ngày mai theo đồng hồ (sai số chỉ có thể là vài giây) thì mặt trời sẽ đi qua kinh tuyến của vùng này. Nếu thời tiết chiều theo ý muốn của chúng ta mà nắng ráo, thì tôi nghĩ tôi sẽ xác định được hòn đảo nằm ở kinh độ nào, với sai số không quá vài độ.

- Không cần máy đo, không cần kính lục phân? - Gédéon Spilett hỏi lại.

- Phải. - viên kỹ sư đáp - Còn nếu đêm không bị mây che thì tối nay tôi sẽ thử xác định vĩ độ bằng cách tính xem chòm sao Chữ Thập Phương Nam cao cách chân trời bao nhiêu. Bởi vì, các bạn cũng biết rằng trước khi bắt tay vào những công việc lớn và thu xếp ở đây lâu dài thì, nếu có thể được, phải xác định xem hòn đảo của chúng ta cách nước Mỹ, cách châu Úc hoặc phần đảo chủ yếu của Thái Bình Dương bao xa.

- Ngài nói đúng - Gédéon Spilett nhận xét - Thay vì xây nhà, có lẽ quan trọng đối với chúng ta hơn là đóng một chiếc tàu thuỷ nếu chúng ta chỉ ở cách vùng dân cư vài trăm hải lý.

- Chính vì thế mà tôi muốn thử xác định ngay tối nay xem đảo Lincoln ở vĩ độ nào? Còn trưa ngày mai thì sẽ thử tính cả kinh độ của nó.

Cyrus Smith trở về Hang ngụ cư. Dưới ánh lửa bập bùng trong lò, ông bắt tay chuẩn bị một chiếc compa và những dụng cụ cần thiết cho việc xác định toạ độ của đảo.

*

* *

Sáng ngày hôm sau, 16 tháng tư, những người ngụ cư ngay từ lúc rạng đông đã ra khỏi Hang và bắt đầu giặt giũ quần áo, đập bụi và trải bộ đồ mặc ngoài. Kỹ sư định hễ tìm được các thành phần cần thiết như xút hoặc bồ tạt, mỡ hoặc dầu thực vật là sẽ nấu xà phòng. Quần áo họ đang mặc dù có lao động chân tay đi nữa ít ra nó cũng còn chịu đựng được nửa năm. Điều quan trọng nhất bây giờ là xác định đảo cách bờ bao xa, và những người ngụ cư muốn làm việc ấy ngay trong ngày hôm đó, nếu thời tiết cho phép.

Mặt trời nhô lên phía chân trời hứa hẹn một ngày quang đãng.

Harbert là một thiếu niên ham hiểu biết đã cùng đi với Smith ra bờ biển.

Cyrus Smith mang theo một cái sào thẳng tắp dài gần hai mươi bộ. Chiều dài này ông xác định theo chiều cao của bản thân mà ông biết hoàn toàn chính xác. Harbert được Cyrus Smith giao mang dây dọi - đó là một sợi dây leo mềm, một đầu được buộc vào một hòn đá thông thường.

Họ dừng lại cách mép nước biển chừng hai mươi bước và cách bức tường đá hoa cương chừng năm trăm bước, Smith cắm cây sào thẳng góc với mặt phẳng theo đường chân trời.

Sau khi làm xong, Cyrus Smith tránh sang bên và nằm xuống cách sào một khoảng đủ thu vào tầm mắt mình cả ngọn sào lẫn bức tường đá hoa cương hình răng lược. Ông đánh dấu chỗ ấy bằng một chiếc cọc con và quay sang Harbert hỏi:

- Cháu còn nhớ các tính chất của tam giác đồng dạng chứ?

- Vâng ạ! - chú bé trả lời - Các tam giác đồng dạng có tỷ lệ các cạnh tương ứng bằng nhau.

- Đúng thế! Cháu hãy nhìn đây! Giả sử tôi có hai tam giác vuông đồng dạng - một cái nhỏ hơn, trong đó hai cạnh của nó sẽ là: Cái sào cắm thẳng góc xuống cát, và cạnh thẳng bằng khoảng cách từ chân sào đến cây cọc nhỏ, còn đường huyền là tia nhìn của tôi; các cạnh của tam giác thứ hai là đường dây dọi của bức tường đá hoa cương mà độ cao của nó chúng ta cần phải đo, và khoảng cách từ cái cọc nhỏ đến chân tường, còn đường huyền là tia nhìn của tôi, tức là đường huyền của tam giác thứ nhất kéo dài.

- Hiểu rồi, thưa ngài Cyrus! Cháu hiểu hết rồi! - Harbert kêu lên - Khoảng cách từ cái cọc nhỏ tới cây sào tỷ lệ thuận với khoảng cách từ cái cọc nhỏ tới chân tường. Còn chiều cao của cây sào tỷ lệ thuận với chiều cao của bức tường.

- Đúng rồi Harbert - viên kỹ sư xác nhận - Và khi đó cả hai khoảng cách tính từ cái cọc nhỏ thì nếu biết chiều cao cây sào, ta nhanh chóng lập được tỷ lệ thức và do đó định được độ cao bức tường, khỏi phải vất vả đo trực tiếp.

Các cạnh đáy của hai hình tam giác đều đã được đo bằng chính cây sào mà độ cao của nó trên mặt cát bằng mười bộ, vậy là khoảng cách giữa cái cọc nhỏ và cây sào là mười lăm bộ, còn khoảng cách giữa cái cọc và chân tường là năm bộ.

Đo xong, Cyrus Smith đã lập được tỷ lệ thức như sau:

15 : 500 = 10

500 x 10 = 5000

5000 : 15 = 333,33

Vậy là chiều cao của bức tường đã hoa cương bằng ba trăm ba mươi ba bộ.

Khi ấy Cyrus Smith lấy dụng cụ đã làm hôm trước ra và ông bắt đầu đo góc giữa hai chân compa mở tương ứng với khoảng cách góc từ sao Alpha của chòm Chữ Thập Phương Nam tới mặt phẳng đường chân trời. Ông đo chính xác góc ấy theo hình tròn đã được chia thành 360 phần bằng nhau. Góc đo được bằng mười độ. Sau khi tăng thêm cho góc đó hai mươi bảy độ phân cách chòm Alpha với cực Nam, và ước lượng độ cao của bình sơn nguyên để tiến hành quan sát, ông đo được ba mươi bảy độ. Thế là Cyrus Smith đi đến kết luận đảo Lincoln ở 37 vĩ độ Nam. Nhưng xét thấy những quan sát và tính toán của mình không hoàn chỉnh, có thể sai đến năm độ, nên ông thấy kết luận đảo ở giữa vĩ tuyến ba mươi lăm đến bốn mươi độ vĩ Nam.

Để có được cả hai toạ độ của đảo, chỉ còn xác định kinh độ nữa thôi. Cyrus Smith đã quyết định thử làm việc đó ngay trưa hôm ấy, khi mặt trời đi qua kinh tuyến của vùng này.

Ông đã xác định được rằng khoảng cách giữa kinh tuyến của Washington và kinh tuyến đảo Lincoln khác nhau về thời gian là năm giờ; trên đảo Lincoln đang ở giữa trưa thì ở Washington là năm giờ chiều. Song mặt trời cứ bốn phút lại đi được một độ, một giờ đi được mười lăm độ, sau khi xác nhận mười lăm độ với năm, Cyrus Smith thu được bảy mươi lăm độ. Nếu kinh độ địa lý của Washington bằng 77º3'11" lấy tròn là bảy mươi bảy độ so với kinh tuyến gốc Greenwich thì có nghĩa là đảo ở về phía tây kinh tuyến Greenwich bảy mươi bảy độ (kinh độ của Washington) cộng với bảy mươi lăm độ, tức là một trăm năm mươi hai độ kinh Tây.

Cyrus Smith đã thông báo cho các bạn biết kết quả các tính toán của mình.

Các toạ độ tính được đã cho thấy họ đang ở cách đảo Tahiti và các hòn đảo của quần đảo Tuamotu ít nhất một ngàn hai trăm hải lý, nghĩa là cách Tân Tây Lan trên một ngàn tám trăm hải lý và cách bờ biển nước Mỹ trên bốn ngàn rưỡi hải lý...

Chương 5: Lâu đài Đá hoa cương

Thứ hai, 17 tháng tư, những lời đầu tiên buổi sáng hôm ấy Pencroff nói với Gédéon Spilett:

- Thế nào, ông Spilett, hôm nay chúng ta làm gì?

- Chuyện ấy thì đã có ngài Cyrus lo. Ông ấy cần có một số dây dẫn kim loại. - nhà báo trả lời.

Hoá ra từ những người thợ làm gạch và thợ gốm, bây giờ họ trở thành thợ luyện kim.

Họ ở cách quần đảo Tuamotu quá xa - một ngàn hai trăm hải lí - khó mà có thể đến đó được. Vả lại, đóng một chiếc thuyền thông thường thôi cũng đâu có dễ, ngay cả khi có đủ những dụng cụ cần thiết. Nghĩa là, trước hết họ phải làm búa, rìu lớn, rìu nhỏ, cưa, khoan, bào... mà muốn vậy đòi hỏi phải có thời gian. Thế là họ quyết định trú đóng trên đảo và tìm một chỗ thuận tiện hơn Hang ngụ cư, để sống qua mùa đông giá lạnh.

Trước tiên phải bắt tay khai quặng sắt ở những mỏ mà kỹ sư đã phát hiện nơi phía Tây Bắc đảo. Họ dự trù sẽ nấu sắt, thậm chí luyện thép nữa...

Cyrus Smith đã mang về Hang ngụ cư hai mẫu quặng: Một mẫu là quặng nam châm, còn mẫu thứ hai là pirit sắt. Nấu loại quặng thứ nhất, một loại ôxit sắt, dễ dàng hơn chỉ việc đem nung nó lẫn với than để khử ôxi đi và được sắt nguyên chất... Trên đảo Lincoln, cách mỏ quặng sắt ấy không xa lắm, có cả những vỉa than đá mà những người ngụ cư đã sử dụng. Do đó, việc luyện quặng đỡ khó khăn hơn vì mọi thứ cần thiết cho việc sản xuất đều tập trung ở một nơi.

- Thưa ngài Cyrus, vậy là, chắc chắn bây giờ chúng ta sẽ luyện sắt? - Pencroff hỏi.

- Phải, anh bạn của tôi ạ! - viên kỹ sư đáp - Trước hết anh hãy cho phép chúng tôi cùng anh đi ra hòn đảo "Cứu thoát" để săn hải báo ở đó đã.

Những người đi săn thận trọng di chuyển về đầu phía Bắc của đảo. Cách bờ có những vệt đen lớn đang bơi trên mặt biển, tựa hồ như những tảng đá ngầm di động. Đó là những con hải báo. Những người thợ săn nấp sau các vách đá rải rác trên bờ và lặng thinh chờ lũ hải báo bò lên.

Một giờ trôi qua và bầy hải báo cuối cùng đã lên bờ phơi nắng. Bất thình lình cái thân hình cao lớn của Pencroff đứng bật dậy trên bờ và kêu to lên. Kỹ sư và hai người cùng đi, ba chân bốn cẳng phóng tới chặn không cho những con hải báo xuống biển. Họ dùng gậy phang chết được hai con.

Kỹ sư đã trù tính lấy da hải báo khâu lại để làm những ống bễ lò rèn và biết chúng cần thiết cho việc thổi lửa khi nấu chảy kim loại.

Thế là bắt đầu từ sáng ngày 20 tháng tư họ tiến hành "thời kì luyện kim", như nhà báo đã viết trong các ghi chép của mình. Để cho tiện, những người ngụ cư đã sắp xếp công việc ở gần ngay nơi có các vỉa than và quặng sắt ở phía đông bắc núi Franklin, cách Hang ngụ cư chừng sáu dặm biển. Các vỉa quặng ở đây lộ thiên, rất giàu chất sắt và thích hợp với cách thức tôi luyện mà Cyrus Smith định áp dụng, gọi là phương pháp "Catalon", được dùng phổ biến ở Corse dưới hình thức đơn giản. Nhưng Cyrus Smith muốn tránh những thiết bị cồng kềnh, đã quyết định xếp quặng và than thành một khối lớn và dùng ống bễ thổi một luồng không khí vào giữa đống vật liệu ấy. Không khí từ ống bễ được thổi qua một cái ống nhỏ làm bằng đất sét chịu lửa, để tạo một luồng hơi nóng mạnh, nâng nhiệt độ quặng nung lên, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình phản ứng hoá học xảy ra.

Cuối cùng họ đã thành công và thu được loại sắt hạt bề mặt sần sùi, còn cần phải luyện vài lần nữa để loại bỏ lớp xỉ bám vào.

Thỏi sắt đầu tiên được họ tra cán và dùng làm búa để rèn những thỏi sắt hạt tiếp theo trên đe bằng đá hoa cương, và thế là họ đã có được một thứ sắt thô, nhưng thích hợp cho việc sản xuất bất kì công cụ nào như kìm, cuốc chim, xà beng...

Tất nhiên, thép có thể đem lại lợi ích hơn sắt nguyên chất nhiều, và Cyrus Smith đã luyện thép bằng cách nấu sắt lẫn với than đập nhỏ trong một cái nồi làm bằng đất sét chịu lửa.

Thép được đem gia công nóng và làm nguội. Dưới sự chỉ đạo khéo léo của Cyrus Smith, Nab và Pencroff đã chế ra những chiếc rìu, các lưỡi bào, các thanh thép, cưa, kéo, cuốc chim, mai, xà beng, đinh...

Ngày 5 tháng năm, "thời kì luyện kim" đã kết thúc, những người thợ rèn trở lại Hang ngụ cư. Chẳng bao lâu sau, họ đã bắt tay vào những công việc mới, nắm vững những thói quen mới và có quyền gọi mình là những người thợ cả của những nghề thủ công khác nữa: nấu xà phòng, pirit sắt, xút, glixerin, axit sunfuric, axit nitric... tất cả đều được chế biến từ nguyên vật liệu tại chỗ, dùng thứ nọ sản xuất ra thứ kia. Chẳng hạn, từ rong biển họ chế ra xút; từ pirit sắt họ sản xuất ra axit nitric. Và chẳng bao lâu sau Cyrus Smith đã dùng axit nitric pha chế với glixerin để sản xuất ra nitroglixerin - một chất nổ rất mạnh, có lẽ sức công phá mạnh hơn thuốc súng cả chục lần.

*

* *

Bấy lâu nay Cyrus Smith vẫn muốn tìm một chỗ ở mới vừa thuận tiện, vừa an toàn hơn để đề phòng thú dữ, hoặc các cuộc tấn công bất ngờ của bọn cướp biển, và điều đó làm ông nảy ra ý định nghiên cứu và sử dụng một con đường thông với chỗ ở, chất nitroglixerin mới điều chế đã được kỹ sư đem cho ứng dụng ngay vào việc phá bức tường đá hoa cương cho nước hồ thoát ra lối khác, để lộ lối thông xuống biển.

Nab và Harbert vào rừng lấy những cành cây có nhựa làm đuốc soi đường cho cả toán vào hang. Họ dò từng bước đi rất chậm chạp. Họ thấy cần phải di chuyển thận trọng, tuy nhiên, đã có con Top chạy trước, nên có thể trông cậy vào sự thính nhạy và sáng trí của nó, gặp trường hợp nguy hiểm nó sẽ báo động.

Những người ngụ cư đi xuống chiếc hang mỗi lúc một sâu hơn. Bỗng có những âm thanh nào đó từ sâu dưới con đường thông với biển vẳng lên khiến họ lưu ý. Mọi người dừng lại nghe ngóng.

- Con Top sủa đấy! - Harbert kêu lên.

- Ừ, - Pencroff đáp - mà nó sủa mới ghê chứ! Đúng là con chó dễ thương của ta hoá điên rồi!

- Chúng ta có vũ khí, cây gậy sắt trong tay tôi đây. - Cyrus Smith nói - Hãy cẩn thận đề phòng. Tiến lên các bạn.

Cyrus và các bạn lao đến cứu con Top. Tiếng sủa của nó mỗi lúc một rõ hơn. Và trong tiếng sủa đứt quãng của nó, họ cảm thấy có một sự giận dữ khác thường. Họ không phải tụt xuống một cách đơn thuần nữa, mà là lăn theo đáy hang trơn tuột, vài giây sau họ xuống sâu hơn 50 bộ và thấy con Top.

Ở nơi đây con đường thông vào một cái hang to, rất đẹp mà con Top đã tìm được và sủa lên một cách dữ tợn, Pencroff và Nab huơ đuốc soi tất cả những chỗ nhô ra và hõm vào trên các vách hang bằng đá hoa cương, còn Cyrus Smith, Gédéon Spilett và Harbert thì giơ gậy bịt sắt lên, sẵn sàng nghênh chiến với bất kì kẻ thù nào. Nhưng, cái hang lớn hoá ra trống trơn.

Cyrus Smith lấy một cành cây đang cháy vứt xuống hố sâu. Do rơi xuống nhanh nên cành cây cháy mạnh, soi rõ lòng giếng. Sau đó, ngọn lửa bắt đầu run rẩy và tắt ngấm - hẳn là cành cây đã chạm nước, nghĩa là nó đã rơi xuống đến mặt nước biển.

Sau khi tính toán thời gian mà cành cây rơi, Cyrus Smith xác định độ sâu của giếng ước chừng chín mươi bộ.

Vậy là nền của hang đá hoa cương ở độ cao cách biển chín mươi bộ.

- Đây chính là chỗ ở mới của chúng ta - Cyrus Smith quyết định.

Viên kỹ sư sai Pencroff dùng cuốc chim đục một cái lỗ con ở một chỗ trũng khá sâu trên tường đá. Hai giờ sau họ có được một "cửa sổ" ánh sáng lùa vào hang trước mặt những người ngụ cư hiện ra một cảnh tượng hùng vĩ.

- Chúng ta sẽ đặt tên gì cho cái hang này? - Harbert hỏi.

- "Lâu đài Đá hoa cương" - Cyrus Smith đáp. Và mọi người lại chào đón cái tên gọi ấy bằng những tiếng "hoan hô" vang dội.

*

* *

Hôm sau, 22 tháng năm, các công việc xây dựng chỗ ở mới bắt đầu. Những người đi săn không định bỏ hẳn Hang ngụ cư. Cyrus Smith đề nghị xây dựng ở đó một xưởng sản xuất. Còn ở hang mới, viên kỹ sư cho xây gạch, ngăn ra năm phòng, mở rộng lối đi, ông còn đục trên "mặt tiền" của hang năm ô vuông cửa sổ và một cửa ra vào.

Ngày 28 tháng năm, cuối cùng họ cũng làm xong một chiếc thang có ít nhất một trăm bậc. Thang được bện hết sức cẩn thận bằng các thứ dây rừng, bền không kém gì một sợi dây cáp to, buông từ ngưỡng cửa ra vào xuống đến bờ cát. Nhờ vậy, họ khỏi phải đi vòng qua đường thoát nước, vừa đỡ mất thời gian vừa đỡ mệt. May sao Cyrus Smith đã tìm được một bậc đá ở giữa chừng, cách biển độ bốn mươi bộ, đề làm điểm tựa cố định cho đoạn thang dưới thêm chắc chắn. Nhờ cấu trúc như vậy nên việc lên xuống thang không khó khăn lắm. Tuy nhiên, Cyrus Smith cũng đã trù tính cho xây một cái thang máy chạy bằng thuỷ lực để tiết kiệm thời gian và công sức của những người trong Lâu đài Đá hoa cương.

Những người ngụ cư nhanh chóng làm quen với việc lên thang.

Mỗi lần trèo xong, các chủ lâu đài lại rút thang lên, thế là không ai có thể đột nhập vào chỗ của họ từ phía dưới được.

*

* *

Đảo Lincoln mặc dù mới được những người khai khẩn nghiên cứu chưa bao lâu, nhưng đã đem lại cho họ mọi thứ cần thiết. Và dường như rất rõ ràng là trong các rừng của đảo kéo dài từ sông Tạ ơn đến mũi Rắn, trong các hang cùng hiểm hóc nhất, thiên nhiên hậu hĩ đã dành sẵn cho họ những của báu mới.

Họ chỉ còn thiếu bánh mì và thức ăn cần thiết nhất với họ.

Tuy nhiên, một lần nữa, thượng đế đã ra ân cho họ.

Hôm ấy trời mưa rào, những người sống trong Lâu đài Đá hoa cương giết thời gian bằng các việc làm khác nhau, họ cùng quây quần trong "phòng họp" của mình, bỗng nhiên chú bé Harbert thốt lên:

- Thưa ngài Cyrus, ngài hãy xem này! Đây là một hạt lúa mì!

Và chú đưa cho mọi người xem hạt lúa mì, một hạt lúa duy nhất còn lọt trong túi áo vét thủng mà chú vừa mang chữa lại.

Việc chú bé tìm thấy hạt lúa này được giải thích rất đơn giản. Ở Richmond, Harbert luôn cho những con bồ câu hoang ăn, chú có thói quen để dành thóc lúa trong túi...

- Một hạt lúa mì? - viên kỹ sư sốt sắng hỏi.

- Vâng thưa ngài Cyrus. Nhưng chỉ có một hạt duy nhất còn sót lại mà thôi.

- Chà, chú bạn thân mến! - Pencroff cười thốt lên - Chúng ta có thể làm gì với một hạt lúa?

- Sẽ nướng bánh mì. - Cyrus Smith đáp.

Không coi việc tìm thấy hạt lúa mì của mình có ý nghĩa gì hết, chú bé đã định ném nó xuống sàn nhà, nhưng Cyrus đã cầm lấy hạt lúa mì từ tay Harbert, và sau khi chăm chú quan sát, ông xác định hạt lúa không bị hư hại chút nào cả.

- Pencroff, - ông bình tĩnh hỏi, nhìn chàng thuỷ thủ chằm chặp, - một hạt lúa mọc lên sẽ cho bao nhiêu bông lúa? Anh có biết không?

- Một bông, tôi cho là vậy, - chàng thuỷ thủ ngạc nhiên nhìn viên kỹ sư, đáp.

- Không phải đâu, Pencroff ạ, mười bông. Nó nảy ra cả khóm lúa cơ mà! Thế anh có biết mỗi bông lúa có bao nhiêu hạt không?

- Tôi không biết.

- Bình quân là tám mươi. - Cyrus Smith nói - Vậy là, nếu chúng ta trồng hạt lúa này thì vụ thứ nhất chúng ta sẽ thu hoạch tám trăm hạt, có những hạt này vụ thứ hai sẽ cho sáu trăm bốn mươi ngàn hạt, vụ thứ ba năm trăm mười hai triệu, vụ thứ tư trên bốn trăm tỷ hạt. Một tỷ lệ thức ghê gớm như thế đó! Sau bốn năm - Cyrus Smith khẳng định - Và thậm chí sau hai năm, nếu ở các vĩ tuyến này, như tôi hi vọng, chúng ta sẽ thu hoạch một năm hai vụ. Vậy là, Harbert - viên kỹ sư nói thêm - Cái việc cháu tìm được hạt lúa mì ấy rất quan trọng đối với chúng ta. Trong những điều kiện mà chúng ta đang lâm vào, các bạn của tôi ạ, mọi thứ đều có thể ích lợi hết. Tôi yêu cầu các bạn chớ quên điều đó.

- Ngài Cyrus hãy an tâm, chúng tôi sẽ không quên đâu. - Pencroff đáp.

- Bây giờ đem trồng hạt lúa. - Harbert nói.

- Đúng! - Gédéon Spilett đồng ý - Và phải trồng nó với tấm lòng tôn kính thiêng liêng, bởi vì những vụ mùa tương lai của chúng ta đều trông vào đấy.

- Chỉ mong cho nó mọc lên được thôi! - chàng thuỷ thủ kêu lên.

- Nhất định nó sẽ mọc! - Cyrus đáp.

Sự việc diễn ra ngày 20 tháng sáu, đúng vào lúc thuận lợi nhất cho việc trồng hạt lúa mì duy nhất và do đó nó rất quý giá. Họ tiến hành trồng ngay trong ngày, và tất nhiên, mọi biện pháp đã được áp dụng để công việc quan trọng ấy diễn ra mĩ mãn.

Họ chọn ở gần ngay Lâu đài Đá hoa cương một chỗ khuất gió và tràn đầy ánh nắng mặt trời. Họ dọn sạch sẽ đá và cố đào, xới đất cho thật tơi xốp, thậm chí họ còn dùng tay bóp từng cục đất nhỏ, loại bỏ hết những con trùng và bọ hung, cho thêm một lớp phân mục trộn lẫn vào đó một ít vôi và, cuối cùng họ trịnh trọng bỏ hạt lúa xuống đất đã được làm ẩm và rào chỗ ấy lại.

Đúng bảy tháng đã trôi qua kể từ ngày các du khách lạc đến đảo Lincoln. Và từ đó đến nay, bất chấp mọi cuộc tìm kiếm, họ đã không phát hiện được một người nào cả. Ấy thế mà bây giờ đây, hôm ấy 24 tháng mười, trong bữa ăn trưa, Pencroff đã nhai phải một viên đạn chì trong món thịt heo quay.

Pencroff đặt viên đạn chì lên bàn, các bạn của anh kinh ngạc nhìn. Cyrus Smith đã nói ra một số giả thuyết của mình về cái vật kì lạ và bất ngờ được tìm thấy ấy. Ông hỏi Pencroff:

- Anh có tin con heo bị thương bởi viên đạn này được khoảng ba tháng tuổi không?

- Không thể nào hơn được thưa ngài Cyrus - Pencroff trả lời - Con heo con đang bú mẹ, khi tôi nhìn thấy nó ở dưới hố bẫy mà.

- Vậy là, - viên kỹ sư nói tiếp - độ ba tháng trước đây trên đảo Lincoln này có ai đó đã từng bắn súng...

- Và viên đạn chì, - Gédéon Spilett nói thêm - đã làm con thú bị thương tuy chưa tử thương.

- Hiển nhiên rồi. - Cyrus Smith nói tiếp - Và đây, từ tất cả những điều ấy cần phải rút ra kết luận: Hoặc là trên đảo, trước chúng ta đã có ai đó sống, hoặc là có người đã lên đây chừng ba tháng trước, không hơn. Họ chủ tâm hay bắt buộc phải cập vào bờ biển của ta, họ bị tai nạn tàu thuỷ hay khí cầu gì đó - ai mà biết được? Nhưng, những vấn đề này quan hệ với chúng ta mật thiết tới mức không thể để lâu hơn nữa.

- Tôi sẵn sàng nhắc lại trăm lần, ngàn lần rằng trên đảo Lincoln không có ai khác ngoài chúng ta. - chàng thuỷ thủ từ sau bàn đứng dậy kêu to lên.

- Không còn nghi ngờ gì nữa. - Cyrus Smith nói - Có ai đó đã bắn súng trên đảo này, và cách đây không quá ba tháng. Nhưng tôi bảo đảm rằng những người đã lên đảo ở lại đây không lâu và chỉ đơn giản đi qua đảo thôi. Nếu họ sống ở đây thì khi đi khảo sát đảo từ trên núi Franklin ta đã thấy họ, còn họ thì cũng đã thấy ta.

- Theo tôi, cần phải hành động một cách thận trọng. - nhà báo nhận xét.

- Ý kiến của tôi cũng vậy. - Cyrus Smith trả lời - Tôi e bọn cướp biển Mã Lai đã lên đảo!

- Thưa ngài Cyrus. - chàng thuỷ thủ nói - Chẳng phải tốt hơn sao, trước tiên ta hãy đóng một cái thuyền, rồi sau đó đi thám thính khu vực, chúng ta sẽ bơi ngược dòng sông, còn nếu muốn thì bơi ra biển và vòng quanh đảo! Chỉ cốt sao chúng ta không bị tập kích!

- Một ý kiến hay đấy, Pencroff ạ! - viên kỹ sư trả lời - Nhưng không thể chờ đợi được. Bởi vì nhanh nhất cũng phải mất một tháng anh mới đóng xong chiếc thuyền.

- Thuyền thực sự thì vậy. - chàng thuỷ thủ trả lời - Nhưng chúng ta không cần thuyền để bơi trên biển, nhiều nhất là năm ngày tôi bảo đảm đóng xong cái thuyền đáy bằng vỏ cây theo kiểu thuyền của người da đỏ có thể bơi trên sông của ta...

Ngày hôm sau, Pencroff hối hả bắt tay vào việc đóng thuyền dưới sự hướng dẫn của kỹ sư.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro