Hồng Anh Trong Bóng Tối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Chết đi! Cái quân trộm cắp!”

“Hôm nay tao cho mày nhừ xương!”

“Quỷ tha ma bắt mày đi!”

Vô số tiếng chửi rủa thậm tệ cùng những cú giẫm đạp liên tục làm tôi choáng váng, co người trên mặt đất đầy bùn sình nhưng vẫn giữ khư khư túi tiền. Nghe được bọn họ sắp trói tôi giải lên quan phủ khiến tôi sợ hãi, tay chân lạnh toát. Cố gắng hít thở thật sâu để lấy lại bình tĩnh, tôi bật dậy, nhào tới xô ngã đứa bé gần đó rồi ba chân bốn cẳng chạy đi.

Kẻ ác sống lâu, cũng may tôi nhanh trí trèo lên cây ẩn nấp cắt đuôi được bọn người đuổi theo. Lau vết dòng máu đang chảy trên mũi, đếm từng đồng tiền vừa ăn cắp được trong phiên chợ lúc nãy, tôi nở một nụ cười mãn nguyện.

Ăn trộm, cướp giật, lừa đảo, đe dọa,… trừ giết người ra việc gì kiếm được tiền hoặc thức ăn tôi đều sẵn sàng liều mình để lấy được nó. Làm nhiều chuyện xấu vậy tôi có bị trời phạt không? Có chứ!

Như trận đòn lúc nãy, nhém xíu nữa là tôi xuống dưới suối vàng gặp tía má tôi rồi. Nhưng bây giờ chưa phải lúc vì mấy đứa em thơ nhoi nhúc vẫn đang trông ngóng tôi từng giây từng phút mang thứ gì đó về lắp đầy cái bụng đói meo của chúng.

Với lại lúc thằng Út chỉ còn da bọc xương, thều thào khóc rồi trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay tôi, tôi đã thề với trời rằng không để đứa nào bị cái đói hành hạ đến kiệt quệ thêm bất kỳ lần nào nữa.

Nhìn những đứa trẻ ngây ngô đang chơi đùa quanh căn chòi xập xệ, bao nhiêu đau đớn về thể xác của tôi giảm đi phần nào.

“A! Chị hai về!”

“Chị hai!”

Tôi dịu dàng xoa đầu từng đứa rồi đưa gạo cho con bé Ba đi nấu cơm. Chỗ gạo này tôi phải chạy sang làng khác, dùng số tiền ăn cắp được để mua. Nhiêu đây chắc cũng đủ chín cái miệng ăn trong ba bốn ngày.

Trên đường về tôi đã ghé bờ sông rửa sạch máu me, bùn sình trên người nên tụi nhỏ không phát hiện những vết bầm tím khắp người tôi trong bộ đồ vải thô sờn cũ. Lấy hũ cao trên đầu giường, tôi ra lu nước tắm rửa.

Lúc vào trong, cơm trắng nóng hổi trong nồi đất cũ kỹ được bé Ba xới đều, làn khói bốc lên nghi ngút mang theo mùi thơm dịu nhẹ tỏa ra khắp nơi. Chị em chúng tôi cầm chén cơm ngồi san sát nhau quanh cái bàn gỗ đã mục nát chính giữa là chén muối ớt và tô nước cơm trắng đục.

Bữa cơm đạm bạc đầy ắp tiếng cười và những giọng nói trong trẻo tranh nhau vang lên trong căn chòi mái lá xập xệ.

Đêm khuya thanh vắng, bóng tối bao trùm lấy mọi thứ chỉ chừa lại duy nhất vầng trăng tròn, xa tít trên bầu trời đêm. Tôi hòa mình vào bóng tối, chân giẫm từng bước nhẹ nhàng trên đất, mắt quan sát mọi phía xung quanh khu vườn cây kiểng đắt giá của bá hộ Lý. Đêm nay, tôi lại đi ăn trộm.

Dù đã cố tình dựng căn chòi ở nơi đồng không mông quạnh đi chăng nữa nhưng do bị bắt tại trận hồi sáng thì sớm muộn gì người ta cũng phát hiện chị em chúng tôi nên cần phải chuyển tới một ngôi làng khác. Nhưng trước khi đi, tôi vẫn không quên vơ vét một ít gì đó từ bọn nhà giàu.

Nương nhờ ánh trăng mờ ảo, tôi từ từ tiến sâu vào nhà bá hộ Lý. Mấy con chó trong vườn đánh hơi được có kẻ đột nhập, chưa đợi chúng sủa inh ỏi tôi đã nhanh tay dụ dỗ bằng những miếng mồi ngon chứa đầy bả.

Thành công giải quyết “đội lính canh”, tôi bước vào ngôi nhà bếp rộng lớn nằm biệt lập sau vườn. Quét sạch hết gạo trắng và thức ăn dự trữ, bỏ hết chúng vào tai nãi, buộc chặt trên lưng rồi nhanh chóng chuồng đi.

Không phải là tôi không muốn ăn trộm tiền bạc, châu báu nhưng mấy thứ đó được cất giữ cẩn thận nên rất khó tìm thấy mà có tìm thấy đi chăng nữa thì trộm mấy thứ đó cũng rất nguy hiểm.

Lúc đi ra khỏi khu vườn, tôi không quên kéo xác mấy con chó theo, dù gì đem bán cho mấy quán nhậu cũng được vài đồng mua gạo. Lướt qua những chậu cây kiểng quý giá của bá hộ Lý, tôi ngứa tay bẻ gãy hết cành cây này tới cành cây khác coi như bù tiền lão ăn chặn cả tuần tôi cày thuê, cuốc mướn trên mấy chục thửa ruộng rộng bao la nhà lão.

Ra khỏi khu vườn “cây gãy”, tôi phát hiện một cái xác nam nhân nằm bất động, úp mặt xuống đất. Vốn định làm ngơ bước qua, nhưng nhìn bộ quần áo tơ lụa sang trọng trên người kẻ đó khiến tôi nổi lòng tham lột sạch hết ra. Dù sao hắn ta cũng đã chết mặc đồ đẹp thì có ích gì, chi bằng cho tôi đem bán cũng được vài đồng mua gạo còn có ý nghĩa hơn.

Đem tiền và đồ ăn trở về căn chòi nhỏ cất hết đi. Nhìn những đứa trẻ ngoan ngoãn đang say giấc, chen chúc nhau trên chiếc giường cũ kỹ. Trong tôi lại có gì đó nặng nề khó tả.

Tôi nhớ có lần thằng bé Sáu nhặt được con mèo hoang ở đâu đó về, năn nỉ tôi cho nó nuôi. Nhưng một bữa ăn của tụi nó tôi phải trầy da tróc vảy mới có được, hơi đâu mà lo cho một con mèo.

Dù đã kiên nhẫn giải thích cho nó hiểu nhưng đối với một thằng nhóc sắp lên năm, nó cực kỳ lì lợm, lẽo đẽo theo tôi cả ngày hết khóc rồi lại làm nũng. Tôi noi gương theo tía – một thầy đồ có tiếng mẫu mực không bao giờ dạy trẻ nhỏ bằng đòn roi nên đành ậm ừ đồng ý với thằng bé Sáu rồi canh lúc nó ngủ say đem con mèo mần thịt.

Sáng ra, không thấy con mèo đâu, nó hớt ha hớt hải chạy đi tìm khắp nơi tìm cho đến khi tôi kêu vào ăn cơm nó mới tiu nghỉu, chùi nước mắt, cầm chén cơm ăn với món thịt kho nóng hổi tôi vừa mới nấu xong. Có lẽ vì được ăn thịt nên nỗi buồn của nó nhanh chóng vơi đi nhưng nó đâu biết rằng miếng thịt thơm ngon đang nhai trong miệng là của chú mèo nó nâng niu ngày hôm qua. Không chừng nó mà biết chắc nó ghét tôi dữ lắm…

Nhìn sắc trời còn khá tối chắc giờ này tầm canh tư. Tôi trải chiếc chiếu rách nát xuống đất, ngả lưng định chợp mắt một chút nhưng hình dáng người đó nằm trên đất khiến lòng tôi nặng nề khó tả. Thở dài một hơi, tôi ngồi bật dậy, quấn chiếc chiếu, đem tới sau vườn nhà bá hộ Lý.

Giống như những gì tôi tưởng tượng, nam nhân đó trong bộ đồ ngủ mỏng manh, nằm bất động trên nền đất lạnh lẽo. Tôi đắp chiếc chiếu lên phủ kín mặt hắn ta, chắp tay lạy ba lạy.

“Quan có đầu nợ có chủ, ai hại anh thì anh tìm người đó mà báo thù, tôi chỉ tại túng quẫn quá nên tôi mới xin của anh một bộ đồ mong anh rộng lượng bỏ qua…”

Đột nhiên từ dưới tấm chiếu phát ra tiếng rên rỉ.

“A…a…ta…tay…tay…a…”

Tôi giật mình, ngã ngửa, ngồi bệt trên đất, trợn tròn mắt nhìn xuống bàn tay bầm tím của người nam nhân bị tôi giẫm lên nãy giờ. Cố gắng hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh, mở chiếc chiếu ra, đưa ngón tay sờ lên mạch cổ của hắn, cảm nhận được nhịp đập yếu ớt làm tôi hoảng hốt rút tay lại.

Hắn còn sống!

Đúng lúc đó, tiếng ồn ào ở đằng xa truyền tới cùng ánh lửa lập lòe của những ngọn đuốc trong đêm. Chắc chắn bá hộ Lý đã phát hiện có ăn trộm nên sai bọn đầy tớ đi truy tìm, nếu còn dây dưa ở đây tôi sẽ bị bắt trói là cái chắc.

Mặc kệ người nam nhân xa lạ, tôi đứng bật dậy định bỏ chạy bỗng dưng một bàn tay kéo lấy chân tôi. Cái lạnh lẽo, nhớt nhát từ đôi bàn tay ấy truyền qua da thịt khiến tôi khó chịu nhíu mày, dùng sức một chút dễ dàng thoát khỏi sự níu kéo yếu ớt đó. Nhưng khi quay đầu lại nhìn hàng nước mắt bất lực chảy xuống gương mặt gầy guộc lấm lem máu và bùn đất khiến lòng tôi trùng xuống. Hắn dùng hết hơi, gắng gượng cầu xin tôi:

“C… cứu… cứu…ứu…”

Lòng tôi như bị đè bởi một tảng đá nặng ngàn cân, đứng ngẩn ngơ nhìn sự bất lực, khốn cùng của nam nhân đang quằn quại dưới bùn đất bẩn thỉu níu lấy “cọng rơm cứu mạng”. Không biết ma xui quả khiến thế nào, tôi đỡ hắn dậy, cõng trên vai, cắn răng chạy thục mạng băng qua những cánh đồng mênh mông bạc ngàn, cuối cùng cũng về tới căn chòi quen thuộc. Tôi để hắn nằm lăn lóc trước cửa, vọt vào nhà nhanh tay thu dọn đồ đạc, đánh thức mấy đứa nhỏ đang say giấc ngủ.

Đáng nhẽ, theo kế hoạch tôi sẽ dẫn tụi nhỏ đi lúc tờ mờ sáng nhưng sự xuất hiện của nam nhân xa lạ kia và cái suy nghĩ nông nổi nhất thời của tôi khiến mọi thứ bị đảo lộn. Bá hộ Lý nổi tiếng tàn ác nếu tôi không nhanh chân trốn đi mà để lão ta bắt được thì không chết cũng còn nửa cái mạng.

Quảy hai tai nãi lớn trên vai, tôi dắt tay tụi nhỏ còn đang sật sừ, mắt nhắm mắt mở trốn ra khỏi làng ngay trong đêm, không quên dìu người nam nhân bất tỉnh kia theo.

Chạy không ngừng nghỉ, đến giữa trưa gặp được con suối ven bờ rừng, thấy mấy đứa nhỏ mệt lả người nên tôi quyết định dừng chân tại đây. Lấy một ít thức ăn khô chia đều cho tụi nhỏ, tôi quay sang kiểm xem nam nhân kia còn sống hay không.

Nếu chết rồi thì cứ quăng xuống dòng suối này chờ xác phân hủy hoặc bị thú dữ xâu xé là xong. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu tôi, thực tế mạch của hắn vẫn còn đập. Nể phục nghị lực phi thường khi lê lết cái thân chi chít vết thương của hắn qua một quãng đường dài như vậy, tôi quyết định đi vào rừng hái một ít thảo dược, nhai nát, đắp lên những vết thương.

Tôi học được nghề thuốc từ má – một thầy lang tài ba nên tôi biết rõ thương tích của hắn trầm trọng như thế nào. Đặc biệt chấn thương ở vùng đầu chảy rất nhiều máu. Nhưng tôi không phải người tốt lấy những đồng tiền ít ỏi trên người mình để đưa hắn đi chữa trị đàng hoàng, tôi chỉ có thể làm những gì trong khả năng còn chuyện hắn sống qua đêm nay hay không cứ để cho ông trời định đoạt.

Sau khi lớp bùn đất và máu me trên mặt hắn được tôi dùng nước suối lau đi, một gương mặt lãng tử hiện ra khiến tôi thất thần. Một phần là vì bất ngờ trước dung mạo tựa như tranh, một phần vì gương mặt này đã từng khắc sâu trong tâm trí tôi những ngày đói khổ.

Năm đó, chị em tôi may mắn được tía má bảo vệ thoát khỏi đám cháy do bọn ăn trộm cướp của phóng hỏa nhưng cũng kể từ cái đêm kinh hoàng đó chúng tôi trở thành trẻ mồ côi, không nhà không người thân, sống lưu lạc đầu đường xó chợ.

Cũng trong năm đó, nắng nóng kéo dài làm cho mùa màng thất bát cộng với việc bọn nhà giàu tăng thuế ruộng, quan lại bóc lột dân nghèo dẫn đến nạn đói hoành hành khắp nơi. Mấy đứa trẻ ở tầng đáy xã hội như chúng tôi chỉ biết phơi thây ngoài đường nằm chờ chết.

Ôm xác đứa em trai trên tay, tôi vô lực nhắm mắt tựa vào gốc cây, những đứa trẻ còn lại cũng đang mất dần ý thức bấu víu lấy tà áo rách nát của tôi, cứ nghĩ sắp được xuống suối vàng đoàn tụ với tía má nhưng một bóng hình cao ráo xuất hiện kéo chúng tôi trở về bằng những chiếc bánh bột mì và vài củ khoai lang luộc.

Tướng mạo thanh tú cùng giọng nói dịu dàng của nam nhân đó đã từng khắc sâu trong tâm trí tôi một khoảng thời gian dài, người từng là học trò xuất sắc nhất của tía tôi, cũng là con trai độc đinh của bá hộ Trần hay còn được dân làng gọi là cậu cả.

Mà nam nhân bất tỉnh nhân sự, thương tích đầy mình đang được tôi cho uống từng ngụm nước có dung mạo y chang cậu cả, nhưng tại sao cậu lại ra nông nổi này? Nhà bá hộ Trần nổi tiếng hiền lành, nhân hậu. Nạn đói năm đó cũng nhờ tài lực của họ giúp đỡ bà con trong làng vượt qua cơn khốn khó.

Người dân ai cũng quý mến, cầu mong cho họ giàu sang, sung túc muôn đời. Tôi cũng không ngoại lệ, nhờ ơn cậu cả cứu vớt qua cơn sinh tử khiến tôi nhận ra mạng sống quan trọng đến dường nào. Vứt bỏ liêm sỉ, đạo đức của một con người, vì để được sống tôi bước chân vào con đường tội lỗi.

Biết ân nhân của mình gặp hoạn nạn, tôi không thể nhắm mắt làm ngơ, bấm bụng đưa cậu tới thầy lang chữa trị. May mà mạng của cậu lớn nhanh chóng qua cơn nguy kịch, nhưng lại bị mất toàn bộ kí ức do phần đầu bị tổn thương nghiêm trọng, đến cả tên của mình cũng không nhớ.

Từ đây trở về làng là một quãng đường dài, đợi một khoảng thời gian nữa để tôi kiếm đủ tiền rồi dẫn cậu về đó tìm người thân. Còn bây giờ, đành nói dối cậu là em trai của tôi.

Dù bệnh tật làm cậu gầy guộc nhưng cậu vẫn cao hơn tôi một cái đầu, điều đó làm cậu cứ thắc mắc, hỏi tôi liệu có sự nhầm lẫn về vai vế giữa tôi và cậu hay không?

Không, trưởng thành là về mặt tinh thần chứ không thể lấy ngoại hình ra so sánh.

Cậu không phản bác được, đành nghe theo lời tôi sau khi khỏe mạnh đi xin việc đồng án để kiếm tiền nuôi “gia đình”.

Tôi dặn cậu sau khi nhận lương phải đưa tôi một nửa, nhưng cậu lại đưa tôi hết luôn. Cậu còn nói:

“Em đưa hết cho chị Sương, chị nhớ mua đồ ăn ngon cho mấy đứa nhỏ nha”

Cậu rất thương mấy đứa em của tôi, có đồ gì ngon cũng để dành cho tụi nó, cậu cũng rất khéo tay hay vào rừng kiếm gỗ đẽo thành những món đồ chơi đẹp mắt cho tụi nó.

Mấy đứa nhỏ cũng mến cậu dữ lắm, chỉ với mấy vài câu nói của tôi, tụi nó liền tin cậu thật sự là anh ruột của tụi nó. Mỗi chiều khi thấy hình bóng quen thuộc lấp ló ở đằng xa đám nhỏ liền ba chân bốn cẳng chạy tới ôm choàng lấy cậu luôn miệng hỏi “anh Ba có khát nước không?” “anh Ba đi làm có mệt không?” “Để em bóp vai cho anh nha”…

Nhìn khung cảnh ấm áp đó khiến con tim lẫn lý trí tôi lầm tưởng rằng cậu thực sự là thành viên trong gia đình này.

Có lần cậu vào rừng cậu hái được rất nhiều trái cây dại ngon ngọt, tôi và mấy đứa nhỏ ăn không hết nên cậu thử đem ra chợ bán. Ai ngờ chỉ mới một buổi sáng đã kiếm được số tiền bằng ba ngày lương bán mặt cho đất bán lưng cho trời trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh.

Từ hôm đó, cậu bỏ việc làm nông, đi vào rừng kiếm những thứ có thể đem ra chợ bán. Củi cậu đốn không phải loại tốt nhất, trái cây cậu hái không phải loại ngon nhất, hoa lan rừng thì lại đắt tiền nhưng “nhan sắc” của cậu lại thu hút mấy cô gái trong làng sẵn sàng bỏ tiền ra chỉ để được nói chuyện với cậu vài câu. Nhờ vậy mà túi của tôi càng ngày càng nặng đến nỗi không cần phải trộm cắp cũng đủ lo cho mười miệng ăn trong nhà.

Bị những đồng tiền che mờ mắt, tôi không còn nghĩ tới chuyện đưa cậu về làng tìm lại người thân. Nhưng sống ở đời, cái gì cũng có giới hạn của nó. Trong một lần đi rừng, vì để hái được khóm hoa lan quý hiếm trên cành cây cao chót vót mà cậu bị ngã, nằm bất tỉnh trên đất cho tới khi mặt trời dần khuất sau ngọn núi tôi mới tìm được cậu liền tức tốc đưa tới thầy lang.

Nhưng sau khi tỉnh lại, câu đầu tiên cậu nói với tôi là:

“Sương nói dối”

Câu nói nhẹ nhàng nhưng lại mang sức lực ngàn cân đập vào lòng ngực tôi, tôi như hóa đá tại chỗ. Không một lời biện minh, tôi thừa nhận hoàn toàn tội lỗi của mình, sẵn sàng tâm lí để nghe những lời lẽ cay độc hay thậm trí những cái đánh từ nam nhân cao lớn kia.

Nhưng tôi đã sai lầm khi lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử. Cậu ôm lấy tôi, chân thành nói lời cảm ơn, từ tốn kể cho tôi nghe chuyện bá hộ Lý – con nuôi của ông nội cậu bày mưu tính kế tranh đoạt gia tài của ông bà để lại, hại tía má cậu chết không nhắm mắt.

Sau khi hay tin cậu bỏ luôn thi kỳ Hội đang làm dở dang, mang lòng thù hận đi tìm bá hộ Lý. Tuy là người luyện võ nhưng cậu vẫn không địch nổi hơn chục tên đầy tớ tráng kiện. Cuối cùng bị bắt nhốt, hành hạ hơn ba bốn ngày, canh lúc không ai để ý cậu thành công trốn thoát nhưng bị kiệt sức ngất xỉu giữa đường, may mắn gặp được tôi ra tay cứu giúp.

Cậu không hề trách móc tôi nửa lời mà còn muốn cùng nhau trở về làng. Nhưng lại hay tin cả gia đình cậu không ai sống sót trong trận hỏa hoạn kỳ lạ cách đây nửa năm.

Từ hôm đó trở đi, cậu như người mất hồn, không vui không buồn lúc nào cũng thơ thẩn. May mà có chị em tôi bên cạnh an ủi, bầu bạn, làm trò vui nên nỗi đau trong lòng cậu cũng vơi đi phần nào.

Cậu lại đi rừng, kiếm tiền đưa hết cho tôi. Nhưng thỉnh thoảng lại để dành vài hoa lan rừng sau mỗi phiên họp chợ trong khi không đủ bán, tôi nói cậu ngốc nhưng cậu lại cười hì hì, dịu dàng vén tóc tôi, cài lên bông hoa đẹp nhất.

“Thứ tốt nhất phải để cho người quan trong trọng nhất chứ”.

Tôi im lặng, cảm nhận nhịp tim tăng nhanh lạ thường. Từ đó về sau cũng không còn phàn nàn cậu nữa.

Cậu lên kế hoạch trở lại kỳ thi, cậu muốn làm quan, muốn báo thù. Ban ngày đầu tắt mặt tối kiếm tiền, đêm đến lại vùi đầu vào sách vở. Thấy cậu cực khổ như vậy tôi cũng thương tình chỉ dạy cho cậu một chút kiến thức của tôi được tía truyền đạt lại từ nhỏ.

Cậu có vẻ bất ngờ, cậu nói với trình độ này tôi có thể dễ dàng đỗ được một chức quan trong triều đình. Tôi biết chứ, hồi còn sống tía cũng nói vậy nhưng đáng tiếc cho tài năng trong thân xác của một nữ nhi…

“Nhất định sau này tôi làm quan rồi tôi sẽ tuyển Sương làm phụ tá bên cạnh tôi”

Giọng nói ấm áp kề bên tai cùng cái xoa đầu dịu dàng, một lần nữa khiến tim tôi lệch nhịp.

Ngày thi cũng gần tới, cậu chuẩn bị khăn gói lên kinh thành, trước khi đi cậu ôm tôi vào lòng, thì thầm bên tai:

“Ở nhà, chờ tôi về, tôi sẽ mang kiệu tới đón Sương”

Câu nói đó cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt cả tháng trời, nghĩ mãi vẫn không hiểu “kiệu” trong lời cậu dành cho phụ tá tương lai hay còn ý nào khác.

Tuy biết rõ năng lực của cậu tệ lắm cũng được chức quan nhỏ nhưng trong lòng tôi lại có gì đó lo lắng, bồn chồn khó tả, có lẽ tôi bệnh rồi, một loại bệnh chỉ có cậu mới chữa được – bệnh tương tư.

Nhưng căn bệnh này chỉ kéo dài cho đến khi tin tức cậu đứng đầu bảng đầu được công bố khắp cả nước, không những vậy tân trạng nguyên còn may mắn được công chúa cao quý để mắt đến, không lâu nữa sẽ là phò mã của Đại Việt.

Đáng nhẽ tôi phải vui mừng, phải chúc phúc cho cậu nhưng không hiểu sao lòng tôi lại quặn đau từng cơn, lệ tuôn không ngừng.

Cậu chưa từng làm điều sai trái cũng không nợ tôi bất cứ thứ gì, không những vậy còn kiếm rất nhiều tiền cho tôi, còn tôi thì sao? Ích kỷ, tham lam, hèn mọn lấy đâu ra quyền oán trách phò mã tương lai?

Chắc có lẽ do thứ tình cảm vô hình trong tim chi phối khiến tôi có những suy nghĩ không đúng mực. Phải rời khỏi ngôi làng nơi tôi trở thành trẻ mồ côi, phải rời khỏi căn nhà tạm bợ chứa đầy hình bóng của ai kia, phải rời khỏi thứ tình cảm chỉ từ một phía…

Vừa hay nghe được tin trưởng làng nhờ sưu cao thuế nặng trấn lột nông dân được một mớ kha khá nên tôi quyết định đêm nay sẽ trộm ở nhà lão trước khi rời làng.

Như thường lệ, tôi lẻn vào nhà trưởng làng bằng cửa sau, cố gắng vơ vét nhiều đồ ăn nhất có thể nhưng được một nửa thì phòng bếp bỗng dưng đèn đuốc sáng trưng.

Máu trong cơ thể tôi như ngừng chảy, vài người đàn ông cao to lực lưỡng bổ nhào tới túm lấy tôi. Vùng vẫy trong vô vọng tôi bất lực cúi gầm mặt chấp nhận hiện thực mình đã bị bắt tại trận.

Lão trưởng làng đứng khép nép kế bên người đàn ông cầm gậy baton, lão bắt đầu dùng những lời lẽ thâm độc lăng mạ tôi kèm theo những cú tát như trời giáng của bọn đầy tớ khiến đầu óc tôi quay cuồng, mãi cho tới khi người đàn ông cầm gậy baton tiến lại gần.

Gương mặt to lớn dữ tợn tựa như yêu ma của lão ta làm tôi e sợ từ lần đầu gặp mặt cho đến tận bây giờ, không ai khác chính là bá hộ Lý.

“Nó đã nói với mày những gì?”

Không cần nghĩ nhiều tôi liền biết lão ta đang nói đến cậu cả. Có lẽ lão biết thời gian qua tôi sống chung với cậu nên định moi móc thông tin để làm chuyện xấu với tân trạng nguyên.

Dù có căm ghét cậu như thế nào đi chăng nữa thì những cảm xúc đó cũng bắt nguồn từ tình yêu, tôi giả câm cúi đầu im lặng.

Thấy thái độ của đó, lão tức giận túm lấy tóc tôi.

“Nhìn cho kỹ, đây là sự trừng phạt dành cho những đứa thích chống đối”

Da đầu đau rát, nghe tiếng khóc thút thít của trẻ con từ từ lại gần khiến tay chân tôi lạnh toát, trừng mắt nhìn về phía cửa.

Những đứa trẻ run rẩy nắm tay nhau thều thào kêu:

“Chị hai… cứu… cứu tụi em…”

Lòng tôi quặn thắt từng cơn, còn lão Lý vẫn ung dung lặp lại câu hỏi trước đó. Nhưng bên tai tôi lúc này chỉ văng vẳng tiếng khóc của những đứa em thơ.

Một lũ khốn nạn!

Bao nhiêu đau đớn, tủi hổ mấy năm qua bỗng chốc hóa thành sự căm phẫn tột độ, tôi muốn giết, giết chết hết tất cả lũ người xấu trên đời.

Trong đó có cả tôi.

Những suy nghĩ xấu xa tràn ngập một cách mất kiểm soát trong tâm trí tôi khi chứng kiến từng đòn roi tụi nhỏ phải hứng chịu.

Dùng hết sức bình sinh, tôi vùng dậy, giật lấy ngọn đuốc trên tay thằng đầy tớ kế bên ném thẳng vào đống củi. Lửa nhanh chóng lan rộng khắp căn phòng. Nhân lúc bọn đầy tớ đang tìm cách dập lửa, tôi lấy con dao trong bếp chạy thẳng về phía lão Lý.

Chết đi!

Phập.

Bàn tay đầy máu, run rẩy nhìn đôi mắt trợn tròn của lão trưởng làng bị lấy ra làm lá chắn khiến tôi rối bời.

Tôi quay sang hét lớn với tụi nhỏ đã thoát khỏi dây trói.

“Chạy nhanh đi!!”

Nhưng cái thứ tình thân mười mấy năm qua khiến tụi nó trùng bước, khóc lóc đòi tôi đi theo cùng. May mà có bé Ba nó hiểu chuyện, lôi kéo tụi nhỏ cấm đầu cấm cổ chạy đi.

Tôi cố gắng gây sự chú ý cho đến khi thấy hình bóng những đứa trẻ đã xa dần. Bước qua xác trưởng làng, tôi chém điên cuồng về phía lão Lý nhưng thân thủ lão cũng không phải dạng vừa, chỉ với vài đòn đã khiến tôi dần dần mất đi ý thức, sự đau đớn lan khắp cơ thể, nhìn ánh lửa đỏ rực nhòe đi.

Kết thúc rồi.

Đến khi mở mắt lại lần nữa trên người tôi đã đeo gông cùm nặng trĩu. Trãi qua nhiều trận tra khảo bằng cực hình tàn nhẫn tôi vẫn như người câm không hé răng nửa lời, cuối cùng cũng nhận được án tử.

Những giây phút cuối cùng trong cuộc đời tôi bỗng cảm thấy thanh thản lạ thường. Tôi quét mắt xung quanh đám đông chen chúc nhau chứng kiến đầu tôi lìa khỏi cổ, mỉm cười trìu mến với bé Ba mắt đỏ hoe đứng núp sau thân cây si, tôi thấy cậu quần áo xộc xệch phi ngựa nước đại từ đằng xa, gọi to tên tôi.

Tôi mỉm cười mãn nguyện, nhắm mắt lại cảm nhận lòng mình bình yên, không sợ hãi, không phẫn nộ, không còn những ý niệm xấu xa.

Kiếp sau nguyện một đời lương thiện.

“Trảm!”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro