Lời nói dối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày sống cùng ông là những ngày trôi thật chậm, cuộc sống của ông ngoại mỗi ngày đều lặp đi lặp lại những việc tương tự đến nỗi tôi đã thuộc nằm lòng chỉ sau năm ngày chuyển đến.

Mỗi rạng sáng tôi đều nghe thấy tiếng động ở căn phòng bên cạnh, khi đó bên ngoài trời vẫn chưa sáng hẳn, tôi nửa tỉnh nửa mơ chụp lấy điện thoại xem thời gian hiển thị trên màn hình nhận ra chỉ mới qua bốn giờ sáng. Ban đầu tôi còn ngỡ rằng nhà có trộm liền bật người dậy chạy ra ngoài nhưng chẳng có tên trộm nào khác, chỉ có mỗi vóc dáng cao cao của ông tôi đang khoác áo chuẩn bị bước về hướng cửa lớn.

"Ông ra ngoài sớm thế ạ?" 

"Tản bộ ngắm bình minh thành thói quen rồi, Hyun quay lại ngủ tiếp đi nhé."

Tôi là một kẻ khó ngủ, mỗi tiếng động vang lên dù lớn dù nhỏ cũng có thể khiến giấc ngủ của tôi bị gián đoạn. Mỗi sáng đều như thế, tiếng lạch cạch vẫn vang lên đều đặn vào rạng sáng cho tôi biết rằng ông đã đi ra ngoài và qua thêm vài tiếng nữa khi ánh nắng bên ngoài cửa sổ dần khiến tôi chói mắt, ông cũng trở về nhà cùng câu gọi thân thuộc "Hyun à, cùng ăn sáng với ông này."

Bên ngoài là tiếng gáy của con gà nhà hàng xóm, trước mặt tôi là bát canh còn nóng hôi hổi do ông ngoại vừa mua về, một buổi sáng bình yên và chậm rãi khác hẳn với cuộc sống hối hả của tôi ở Seoul trước đây khi mỗi sáng đều để chiếc bụng rỗng vội vàng chạy ra khỏi nhà vì sợ lỡ mất chuyến tàu điện đến trường.

Trong lúc tôi thu dọn bữa sáng, nếu ông không đọc báo thì cũng ra chăm chút cho ngôi vườn nhỏ phía sau nhà, còn bảo với tôi rằng cây ớt ông trồng đã ra trái nên trưa muốn nấu một món gì đó cay một chút để tận hưởng thành quả. Tôi nghe vậy liền lật đật chạy theo ông ra chợ rồi lại phụ ông vào bếp chuẩn bị cơm cho hai ông cháu.

Bàn ăn đơn giản được bày ra chiếc bàn thấp ở giữa phòng khách, vừa ăn lại vừa nghe tiếng thời sự đều đặn trong khung giờ phát trên tv. Món sườn cay ông làm thật sự rất ngon cứ khiến tôi phải tấm tắc mãi mà gắp hết miếng này đến miếng nọ trong khi ông ngoại lại chẳng mấy khi động đũa vào.

Thấy vậy tôi liền đùa rằng nếu như cứ không ăn như thế thì tôi sẽ ăn hết cả phần của ông. Ông ngoại cũng chẳng có chút nào gấp gáp, chậm rãi đẩy cả đĩa sườn cay sang cho tôi còn bảo rằng nếu tôi muốn có thể ăn bao nhiêu cũng được vì dù sao ông cũng không ăn cay nhiều.

"Nếu như ông đã không ăn cay được vậy tại sao lại muốn làm món này?" Tôi không thể che giấu sự tò mò của mình, ông ngoại là một người quá khép kín gần như không kể cho tôi nghe bất cứ chuyện gì, đôi lúc tôi nhận thấy ông và tôi cứ như hai con người xa lạ vậy.

"Có một người rất thích ăn cay lại còn ăn cay rất giỏi, nên mọi bữa cơm ông đều vô thức quen tay nêm nếm cay hơn một tí rồi sau đó chính ông lại không ăn được. Bây giờ có Hyun ăn với ông như vậy là tốt rồi."

Đã lâu lắm rồi tôi không nghe ông ngoại nói về một điều gì đó dài đến thế, tôi không rõ người mà ông nói đến là ai nhưng nhìn vào đôi mắt của người ông đối diện mình tôi biết rằng ông đang nhớ về người đó. Nhưng chắc hẳn người đó không phải là bà tôi, vì từ lâu bà đã bị bệnh dạ dày và mẹ tôi thì luôn không ngừng dặn dò rằng bà phải ăn uống thanh đạm...

"Người đó là ai vậy ông? Là một người quan trọng của ông sao?" Tôi dè dặt dò hỏi và không quá mong chờ vào câu trả lời của ông.

"...Một người vô cùng quan trọng."

Vừa dứt câu ông liền đứng dậy thu dọn chén đĩa ra căn bếp phía sau bỏ lại mình tôi với đĩa sườn cay trước mặt, ông gấp gáp như thể sợ rằng tôi sẽ tò mò thêm điều gì khác mà ông muốn giấu kín nữa vậy nhưng chính hành động đó của ông lại càng khiến tôi muốn tìm hiểu ra chân tơ kẽ tóc.

Nhận ra rằng việc cố tình tra hỏi sẽ không có kết quả tốt, tôi chỉ đành lẳng lặng quan sát phía sau. Độ qua giờ chiều, ông rời nhà sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi trên chiếc võng mắc ở gần khu vườn, người đàn ông cao tuổi bảo rằng ông đi đánh cờ cùng những cụ ông khác ở nhà văn hóa và tận đến khi mặt trời đã lặn, cơm tối đã được tôi hâm nóng thì ông mới trở về nhà. 

Từng ngày từng ngày đều trôi qua tương tự giống như một quỹ đạo được lập trình sẵn không xê dịch. 

Thoáng chốc tôi đã ở cùng ông hơn một tháng, Busan thời điểm chuyển mình sang tháng tư mang một sắc xuân vô cùng dịu nhẹ, những tán cây anh đào nở rộ thu hút bước chân đều phải khựng lại ngắm nhìn, cái nắng ấm áp của mùa xuân như thể cũng hòa mình vào làn nước khiến ai cũng có cùng cảm nhận rằng mặt biển xanh hơn như dần trở thành tấm kính phản chiếu với bầu trời. Thời gian càng trôi qua, tôi lại càng hiểu vì sao ông yêu nơi này đến thế.

Vào một ngày cuối tháng tư nọ, tôi lọ mọ bước khỏi căn phòng vào buổi sáng không phải vì tiếng gọi của ông như thường lệ mà là vì âm thanh xào nấu và mùi thơm tỏa ra từ căn bếp. Đây là một điều khá đặc biệt, thông thường ông cháu tôi ăn sáng khá đơn giản và đều do ông mua ở ngoài mang về chứ chẳng mấy khi vào bếp buổi sớm. 

Tôi vò lấy mớ tóc rối của mình, dụi dụi đôi mắt vẫn còn đang mê ngủ tiến thẳng đến bên cạnh chiếc bếp ga đang được ông vận dụng hết công suất. Người đàn ông cao tuổi bên cạnh tôi đã gần như hoàn thành bữa ăn thịnh soạn, ở công đoạn cuối cùng miếng đậu hũ non trắng trẻo vừa được cho vào nồi canh nóng hôi hổi đã bị ông dùng kéo mà cắt ra từng miếng nhỏ và điều đó khiến tôi hơi nhăn mặt.

"Sao ông lại cắt nhỏ đậu hủ ra vậy? Cháu thích ăn cả miếng to hơn."

Nhận được lời cào nhào của tôi, đôi chân mày ông nhướng lên rõ trông như thể vừa nhận ra điều gì đó. "Ừ nhỉ, ông cũng thích ăn cả miếng to nhưng không hiểu sao lại cứ vô thức làm vậy nữa." (*)

Ông của tôi là một người vô cùng khó hiểu và hay trả lời câu hỏi của tôi bằng những thứ cảm tính hoặc tự dưng nó thành như thế. Tôi nhìn vào nồi canh rong biển to tướng trên bếp nhưng không nhớ ra rằng trong nhà mình có ai sinh vào tháng tư cả, như mọi lần tôi lại thắc mắc nhưng rốt cuộc chỉ nhận lại một kết quả không khác gì mấy "bỗng dưng ông muốn ăn mà thôi."

Tôi không còn là đứa trẻ lên năm để tin theo lời ông hết lần này đến lần khác, huống chi lời bao biện của ông có biết bao nhiêu là sơ hở. Nhìn vào chiếc lịch bàn đặt nằm cạnh tv, ngày 21 được dùng mực tím khoanh lại đánh dấu một cách cẩn thận chính là bằng chứng lớn nhất cho tôi biết rằng mọi chuyện không đơn giản như lời ông vẫn luôn nói.

Hôm đấy tôi nhận thấy ông có vẻ hứng khởi hơn mọi ngày, chiếc máy hát đĩa than bị bỏ xó lâu ngày cũng được ông mang ra dùng, tôi không rõ những chiếc đĩa ấy tuổi đời đã dài đến bao nhiêu nhưng tất thảy những bài hát tôi nghe được đều mang ẩm hưởng của nhiều thập niên về trước. 

Sự hứng khởi ấy dần chuyển sang thành vội vàng và gấp gáp, ông bỏ dở cả giấc ngủ trưa yêu thích của mình chỉ để chải chuốc lại mái tóc đã bạc màu và khoác lên bộ trang phục trịnh trọng mà trước nay tôi chưa từng thấy. Nếu như ông không bảo đến nhà văn hóa sinh hoạt văn nghệ thì tôi sẽ ngỡ rằng ông ngoại mình đi hẹn hò. 

Ông vội vàng đến mức bỏ quên chiếc ví lại ngoài sofa, bình thường nó không khác nào vật bất ly thân của ông vậy nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà khiến nó lại nằm một mình trơ trọi như vậy. Thời điểm tôi phát hiện ra, ông cũng đã đi được một lúc lâu nên chẳng còn cách nào khác tôi đành tìm đến nhà văn hoá trả lại ví cho ông. 

Bởi vì thừa biết nhà văn hóa là nơi sinh hoạt của hầu hết cụ ông cụ bà trong vùng nên một đứa chỉ vừa ngoài hai mươi như tôi cũng ngại đặt chân đến. Có lần tôi dè dặt hỏi ông rằng tôi có nên cùng ông đến nhà văn hóa để chào hỏi một tiếng không nhưng ông cũng chỉ xua tay bỏ đi ý định đó của tôi còn bảo chả có đứa nhóc nào tầm tuổi tôi lại chủ động đến đấy cả nên việc đó cũng không cần thiết lắm.

Vì vậy đây là lần đầu tiên tôi đến nhà văn hoá, nó chẳng cách nhà bao xa chỉ tầm hơn mười phút đi bộ một chút, trong đầu tôi buổi sinh hoạt văn nghệ của những người lớn tuổi ít nhất cũng phải có vài ánh đèn xanh đỏ nhấp nháy, tiếng đàn guitar hay mấy bản nhạc trot vang vọng khắp con đường nhưng mọi thứ chẳng có cái nào diễn ra cả.

Con ngõ vẫn im lìm như trước nay, lúc này đã gần đến giờ tối nên nơi này chỉ còn lại bóng dáng vài ông cụ đang châu mày trước bàn cờ tướng. Trong đầu tôi chỉ có nảy lên duy nhất một điều "ông ngoại lại nói dối tôi". 

Dẫu vậy tôi vẫn cố chấp đi vào trong chào hỏi, tự giới thiệu bản thân là cháu ngoại của ông Park Jihoon sống ở căn nhà cạnh bờ biển và không biết liệu rằng ông tôi có mặt ở đây không? Lời nói ra vừa dứt, một cụ ông trong số đó liền trố mắt ra nhìn tôi như thể vừa nghe thấy một điều dị thường vậy.

"Ông Park đó ấy à? Tại sao lại đến đây tìm ông ấy? Này ông Han, ông có từng nhìn thấy cái ông già biển đến đây bao giờ chưa?"

"Tôi chuyển đến khu này cũng ngót nghét hai mươi năm hơn rồi, chưa từng thấy ông ta bước nửa bước chân đến đây bao giờ."

Chất giọng địa phương đặc sệt của hai người đàn ông cao tuổi thi nhau đối đáp vang lên bên tai tôi, họ nói rằng ông ngoại chưa bao giờ đến nhà văn hóa sinh hoạt, chưa từng cùng ông đánh ván cờ nào và buổi sinh hoạt văn nghệ là sự kiện chỉ diễn ra mỗi năm một lần vào tháng mười hai hàng năm. Còn cụm từ "ông già biển" là cách mà cả khu này vẫn thường hay gọi ông, vì mỗi ngày người ta đều đều đặn nhìn thấy ông đi dạo một mình trên bờ biển.

Tôi đã sống cùng ông nhiều tháng liền nhưng lại chẳng hay biết một chút gì, ông che giấu tôi hết tất thảy mọi thứ ông làm, chọn cách nói dối tôi để che giấu điều ông muốn giữ cho riêng ông. Tôi rõ ràng là đứa cháu duy nhất của ông cơ mà lại chẳng khác nào một người xa lạ sống cùng nhà nhưng thứ khiến tôi để tâm trên tất cả, nếu như ông ngoại không đến những nơi ông đã nói vậy thì suốt thời gian qua ông đã đi đâu? 

"Không ngờ rằng cũng có một đứa cháu chịu được cái tính kì quặc của ông già đó nhỉ? Tôi còn tưởng rằng bà vợ của ông ta không chịu nổi nữa nên mới ra đi trước ấy chứ."

"Cũng phải, hôm nào mấy gã ngư dân cũng thấy ông ta ôm theo hoa lang thang ngoài bờ biển kể cả sớm hay tối chẳng hiểu để làm gì, hỏi đến cũng không hé miệng nói nửa lời."

"Tôi còn nghe con gái tôi bảo rằng cô Lee ở tiệm hoa kể lại ông già đó sáng nào cũng ghé chỗ cô ấy mua một nhành hoa tím tím gì đấy nữa."

"Có khi ông ta chờ nàng tiên cá ngoi lên bờ để tặng hoa cũng nên."

Tiếng cười của các ông lão cùng lúc vang lên như thể đó là một trò tiêu khiển, họ ngang nhiên đùa cợt về ông ngoại trước mặt tôi như thể tôi là một kẻ vừa câm lại vừa điếc. Cái giọng điệu mỉa mai không ngừng chảy vào tai khiến cơn tức giận bị đẩy đến tột cùng không kiểm soát, tôi hất văng bàn cờ trước mặt họ khiến các quân đen trắng bay tứ tung khắp nền nhà, lúc này đây tiếng cười đã bị thay thế bằng những câu từ chửi mắng đay nghiến đặc sệt tiếng địa phương khiến một đứa sinh ra ở phố thành như tôi chỉ hiểu hai đến ba phần.

Chẳng quan tâm đến phía sau hỗn loạn thế nào, tôi cứ thế mà quay lưng rời khỏi đó như một kẻ điếc không sợ súng thực thụ. Nhưng điều đó không hề khiến lửa giận trong tôi nguôi bớt, rốt cuộc không biết ông ngoại còn giấu tôi bao nhiêu chuyện nữa cũng giống như cách ông đã luôn tắm tắt khen ngợi những ông bà lão ở đây hòa nhã thế nào thế mà họ lại coi ông chả khác nào một tên hề trong một chủ đề cười cợt.

Ngay lúc đó tôi muốn tìm ông để hỏi ra lẽ mọi chuyện nhưng nói là tìm nhưng chẳng biết tìm ở đâu, đi cũng chả biết phải đi về hướng nào rốt cuộc lại không có con đường nào khác ngoài đường để trở nhà. Bởi vì không mang theo ví nên ít nhiều sẽ bất tiện khi ra ngoài quá lâu, thế là chẳng cần suy nghĩ gì thêm nữa tôi liền chạy một mạch về thẳng ngôi nhà bên bờ biển.

Cửa nhà không khóa dù tôi nhớ rõ rằng mình đã khóa lại trước khi rời đi, nếu không phải ông ngoại thì chẳng còn ai có thể giữ chìa khóa được nữa. Chỉ vừa bước đến phòng khách tôi đã nghe tiếng nhạc phát ra từ phía gian phòng ngủ, là bài ca chúc mừng sinh nhật kinh điển mà tôi đã nghe đến hàng vạn lần trong suốt hai mươi hai năm được cất lên tại phòng riêng của ông.

Cánh cửa kéo không được đóng chặt, tôi vốn định mở toang nó để chất vấn ông nhưng khung cảnh bên trong thông qua khe cửa nhỏ đã khiến bước chân tôi dần sựng lại. Ông ngồi quay lưng về phía tôi, vẫn khoác trên mình bộ comple trịnh trọng lúc chiều, đôi tay nhăn nheo vỗ theo nhịp bài hát dù không nhìn thấy trực tiếp nhưng có thể nhận thấy gò má ông đang nâng cao vui vẻ thế nào.

Đối diện ông là một chiếc tủ gỗ nhiều ngăn và trên đấy đặt chiếc bình được cắm cả một bó cẩm tú cầu lớn, một chiếc bánh kem được thắp nến và một khung hình bị bóng lưng ông che khuất một nửa khiến tôi khó lòng nhận ra ai trong ảnh.

Bài hát vừa kết thúc, chiếc nến cũng vừa được thổi tắt cũng là lúc chất giọng Busan của ông cất lên. "Chà... Vốn dĩ tôi đã định mua một chiếc bánh lớn hơn cho anh nhưng lại không biết bỏ quên ví ở nơi nào nữa... Anh xem tôi đã già đến vậy rồi đấy. Nhưng mà anh đừnh giận tôi nhé, tôi vẫn kịp đặt một đóa cẩm tú cầu to thế này cơ mà, biết anh không thích nhắc đến tuổi tác nên tôi chỉ cắm một chiếc nến thôi đấy. Tất cả đều là màu tím, là màu anh thích nhất mà... cho nên bỏ qua cho tôi lần này nhé, năm sau nhất định tôi sẽ không đãng trí như thế."

"Tôi sẽ tìm lại chiếc ví vào sáng mai, anh yên tâm nhé tôi sẽ không làm mất nó đâu, tấm ảnh của anh trong đó rất đẹp nếu để mất sẽ tiếc lắm." 

Bàn tay trái tôi theo bản năng siết chặt lấy món đồ mà ông vừa nhắc tới rồi lại rung rẩy chậm chạm tự ý mở nó ra, tại sao ông ngoại luôn cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác như vậy? Lần này tuyệt nhiên ông lại không nói dối, tròn ví quả nhiên có ảnh, một bức ảnh trắng đen cũ kĩ, là một người thanh niên với mái tóc ngắn sát da đầu và cùng là một người so với bức ảnh trong phòng của bà. Vậy không lẽ, người quan trọng của ông tôi thật sự chính là...

Suy nghĩ của tôi bị đứt đoạn, dường như chỉ biết nín lặng nhưng người đàn ông cao tuổi bên trong căn phòng vẫn tiếp tục lên tiếng như thể cho cháu mình một lời khẳng định rằng tôi không hề nghĩ sai.

"Hyunsukie... Chúc mừng sinh nhật anh nhé... Kể cả là ngày sinh nhật hay là anh tôi cũng chưa từng quên... Tôi vẫn vậy, vẫn thương anh như năm đó vậy."

//

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro