thương người đồng chí đã ngủ yên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rạng sáng ngày mười bảy tháng bảy, một nhóm người vội vã chạy dọc khắp phố Tràng Tiền rải đầy đường những tờ giấy mang lời kêu gọi của Đảng. Cờ đỏ sao vàng được cắm trên những nóc nhà cao, phấp phới bay trong gió. Nghe đâu ngày Quốc khánh nước Pháp năm nay lại nhận một vố đau. Trên đường rải đầy truyền đơn, người không biết chữ chỉ nhìn thôi cũng đủ hiểu hết nội dung. Giận mà chẳng biết xả vào đâu, mấy tên lính Pháp chỉ có thể suốt ngày bô bô ngoài đường chửi rủa mấy câu vô nghĩa. Nhưng không làm gì được lính của Đảng thì bọn chúng lại xả vào dân. Ra ngoài đường hễ thấy ai đang lom nhom nhìn mấy tờ giấy là chúng lại lăm le trong tay cái roi da mà vung lên, chúng đánh, chúng quật cho hả dạ mới thôi.

Thái Hanh nhìn một ông cụ chìa lưng ra cho thằng Tây đánh, nó hung hăng muốn xông lên hất cẳng lên kia ra. Nhưng may mắn Mẫn đã kịp cản đứa bạn lại, hai đứa nhỏ giọng thì thầm:

"Thằng này, mày bỏ tao ra để tao lên cho nó một trận."

"Mày điên à? Giờ mà mày lên là tụi mình thể nào cũng bị lộ cho xem."

Thằng Hanh nó còn mở miệng muốn nói gì nữa, nhưng giây tiếp theo nó bỗng im bặt. Hiệu Tích kẹp ở nách cái bọc áo tơi rách nát, hấp háy ra hiệu cho hai đứa em đứng ở phía xa.

Thế là Thái Hanh xót xa nhìn ông cụ phía bên kia hồi lâu rồi cắn răng bước theo đứa bạn, hướng về phía người anh lớn. Hiệu Tích vừa dẫn đường cho hai đứa nhỏ, vừa phải nhìn xem quanh quất đây có ai đi theo không. Đi lòng vòng hồi lâu ba người mới ngoặt vào một ngõ nhỏ, đứng trước cửa một căn nhà lụp xụp í ới gọi:

"Tuấn ơi! Có nhà không Tuấn?"

Chưa đầy một phút cái cửa gỗ xập xệ đã được mở ra. Bên trong căn nhà nhỏ có tầm chục người, đều là những chỉ huy của các mặt trận khác nhau. Hiệu Tích bước vào nhà, vẫn lẹp kẹp đi cái dép cao su đã đứt một bên quai. Tuấn thì chờ người vào hết rồi mới đóng cửa lại, cài then vào cho chắc chắn.

Vừa bước vào nhà, Mẫn với Hanh đã im re, chẳng còn nói lăng nhăng như mọi khi hai đứa ở cùng nhau. Tích ra hiệu cho hai đứa em đứng ở ngoài phòng chờ rồi mới bỏ dép đi vào. Trong phòng được trải chiếu, tốp hai tốp ba người ngồi cùng nhau bưng cốc chè uống như những người bạn cũ lâu ngày gặp mặt. Thoạt nhìn là thế, nhưng bước vào mới thấy bầu không khí căng thẳng đến độ nào. Hiệu Tích nhìn lướt qua mấy khuôn mặt, có vài người cùng làng anh quen biết, cũng có vài người chỉ gặp sơ qua trên mặt trận.

Sau nhìn thấy anh Trân với anh Kỳ, ba người mới lặng lẽ gật đầu một cái. Ngồi xuống chiếu, anh nhận cốc nước chè đặc từ tay Tuấn, im lặng ngồi đó.

Qua một hồi lâu, khi những tiếng nói đã ngưng lại, Tuấn mới bắt đầu.

"Hôm nay, tôi mời các đồng chí đến đây cốt là để gặp mặt chào hỏi nhau một chút. Không những thế, còn có việc quan trọng hơn cần bàn."

Theo lời Tuấn nói thì chẳng mấy chốc nữa phe bên ta sẽ phải hành động trước, chứ đâu thể để lũ giặc Tây kia đè đầu cưỡi cổ dân ta mãi được. Bên kia mắt cũng sắp thấy vua thoái vị, cơ hội như thế này sao có thể bỏ qua? Vậy nên, việc chính bây giờ chính là vùng dậy đấu tranh, sớm ngày giành lại độc lập đi thôi.

Hiệu Tích mắt nhìn cốc nước đã nguội nằm trong tay mình. Không một lời nào là anh không nghe được cả.

Tất cả mọi người đều im lặng, chờ đến câu nói của Tuấn dứt hẳn mới bắt đầu lên tiếng.

"Thế chẳng biết thầy Tuấn đây đã có kế hoạch gì chưa?"

Người lên tiếng là một người chiến sĩ già, tóc cũng đã điểm bạc. Trước kia Tuấn vốn làm nghề giáo, sau đi theo con đường cách mạng vẫn được những người quen biết gọi bằng thầy. Tuấn không nói, chỉ nhẹ nhàng cười để lộ lúm đồng tiền bên má. Từ ngăn tủ gỗ lấy ra một tờ giấy đã ố vàng, rách bươm bốn góc được gói kĩ trong một chiếc áo sơ mi nhuốm máu. Anh từ tốn lên tiếng.

"Đây là kết quả điều tra của đồng chí Trần Văn Lập ở tổ B. Đồng chí đã hi sinh cả mạng sống của bản thân để mò ra được hang ổ của đám giặc ngoại xâm ấy. Đây là tất cả những gì mà tôi nhận được."

Giọng Tuấn lúc trầm lúc bổng, cả câu nói nghe như một mẩu chuyện buồn xưa cũ. Rồi anh lại bất ngờ lên giọng, nghe thật hùng hồn và mạnh mẽ.

"Nay chúng ta đã nắm chắc phần thắng trong tay. Cũng không thể bỏ qua công lao của các chiến sĩ đã bỏ mạng ngoài kia được. Các đồng chí đã sẵn sàng chưa?"

Mọi người không trả lời, nhưng những đôi mắt rực lên ngọn lửa và niềm khao khát độc lập đã nói lên tất cả. Tuấn hài lòng gật đầu, đứng dậy và trải rộng tấm bản đồ ra.

"Vậy, mồng một tháng tới sẽ là ngày quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh!"

— 🌊

Hiệu Tích vẫy tay gọi hai đứa nhỏ đang đứng trong góc lại.

"Hai đứa về trước, anh ở đây một lát nữa."

Thái Hanh nghe vậy thì vội vã nói.

"Nhưng mà lỡ anh về một mình lại xảy ra chuyện gì…"

Anh bật cười, đưa tay xoa đầu hai đứa nhỏ.

"Người phải lo là anh mới đúng. Lúc về Mẫn chăm sóc Hanh nhé! Đừng để cho nó đánh nhau lung tung."

Thái Hanh nghe vậy thì giãy nảy, còn đang định mở miệng nói gì đó thì đã bị đứa bạn kéo đi.

"Vậy anh nhớ về sớm nhé! Tụi em đi trước."

Trí Mẫn gật đầu, kéo cái đứa còn đang càu nhàu đi mất. Cửa đóng lại, trong nhà chỉ còn lại mấy anh em chưa về.

Doãn Kỳ cầm trong tay cốc nước, anh cười nhạt nhìn những người chiến sĩ thân quen đã cách xa một thời.

"Lâu lắm rồi mấy anh em mình không được ngồi cùng nhau."

"Ừ, chắc từ cái lúc bọn giặc tràn vào làng. Mỗi đứa chạy đi một hướng, chẳng biết đâu mà lần."

Anh Trân gật gù tiếp lời Doãn Kỳ. Rồi anh lại quay sang Hiệu Tích mà nói.

"Mấy năm nay thằng Quốc nhớ em lắm đấy. Nó muốn gửi cho em bức thư mà chẳng biết em ở phương nào. Nhiều khi nghĩ hay là em bị bọn giặc bắt đi đày rồi cũng nên."

Tuấn cười nhẹ một tiếng, rồi vỗ vai đứa bạn cùng tuổi.

"Thằng này mạng lớn lắm, còn chưa có đi tong ngay được."

Hiệu Tích cũng gật đầu đồng ý. Đôi bàn tay đan vào nhau, những vết chai sạn đi theo năm tháng còn in trên bàn tay gầy gầy xương xương của người chiến sĩ. Anh bỗng dưng thấy lòng dâng lên một nỗi buồn nhớ nhung đứa em nhỏ khó tả.

Cái thằng Quốc, nó không cha không mẹ lạc vào làng anh từ hồi còn bé xíu. Ai cũng thương em nó còn nhỏ dại, mọi người đua nhau nhận em về nuôi. Nhưng em khi ấy sợ hãi, không quen ai nên nhất quyết từ chối. Sau đó một thời gian cứ vất vưởng ngoài đường em mới chính thức có gia đình.

Nhà của em không to, chỉ có mấy gian nhà be bé với mấy anh em nương tựa vào nhau mà sống. Anh Trân là người lớn tuổi nhất, khi ấy cũng chỉ mới mười hai mười ba. Thấy Quốc nhất quyết muốn theo nên cũng đành đưa về. Mấy anh em khi ấy có Doãn Kỳ, Tuấn, Hiệu Tích và anh Trân, rồi sau đó có thêm cả Quốc nữa. Ngôi nhà chẳng có gì nhiều, mấy anh em cũng chẳng phải ruột thịt mà thương nhau như thể tay chân.

Quốc nhỏ tuổi nhất, cũng thân với anh Tích nhất. Hai anh em thường đưa nhau ra bờ suối bắt cá, leo lên cây hái quả. Cả hai thân nhau đến nỗi dính nhau như hình với bóng. Đến năm Quốc mười bốn tuổi, khi em còn đang khao khát được cùng các anh cầm súng xông ra chiến trường, đuổi hết đám bè lũ cướp nước rồi lại về sống những ngày yên bình. Nhưng đời nào có đơn giản thế. Giữa cái trưa tháng sáu nóng như đổ lửa, bọn giặc tràn vào làng, bom nổ tung khắp mái nhà tranh. Anh em sống cùng bao nhiêu năm giờ đổ đi tứ phương, chẳng biết còn sống hay đã chết, mộng sát cánh bên nhau lúc bấy giờ cũng chỉ là hão huyền.

Hiệu Tích bùi ngùi nhớ lại quá khứ. Nước trong ấm cũng đã hết, mặt trời cũng đã dần lặn. Ánh nắng cuối ngày xuyên qua khe cửa, chiếu lên khuôn mặt góc cạnh của người chiến sĩ trẻ tuổi. Hiệu Tích đứng dậy, cảm thấy đôi chân tê rần vì ngồi quá lâu. Anh khẽ chống tay lên đùi gối, khuôn mặt vẫn mang ý cười nhàn nhạt.

"Thôi em về đây, không thì mấy đứa trong nhà lại lo lắng."

Anh Trân cùng với anh Kỳ cũng đã đứng lên, gật đầu thay cho lời chào tạm biệt. Anh Trân còn nói thêm.

"Khi nào rảnh anh đưa Quốc qua khu C tụi em một chuyến, để cho nó đỡ lo."

Hiệu Tích cười hiền.

"Anh nhớ nhé, không lại mất công em chờ."

Mấy anh em chia tay nhau. Đi qua cái ngõ nhỏ là mỗi người một hướng đi khác.

Nắng muộn đổ trên tán cây, xuyên qua màu lá xanh, nhẹ nhàng đáp trên con đường mòn. Hiệu Tích bước đi, cái bóng đen thủi kéo lê đằng sau qua trùng trùng con đường gập ghềnh. Rồi anh dừng lại khi nắng đã tắt hẳn, trước mắt chỉ còn bóng đêm với lập lòe ánh sáng từ ngọn đèn leo lắt trong những túp lều nhỏ.

Anh mở cửa bước vào căn nhà tranh được che phủ bởi hàng cây cổ thụ lớn, san sát nhau với mấy căn lều tạm bợ bên cạnh. Mẫn với Hanh đều đang chờ anh về, cơm canh trên bàn đã nguội ngắt. Thấy Hiệu Tích mở cửa bước vào, cả hai vội tíu tít chạy đến bên anh.

"Anh Tích! Lúc bọn em về đội trưởng có sang hỏi anh có ở đây không. Hình như có chuyện gì cần bàn."

Vừa nói vừa ngồi vào mâm cơm nhỏ. Thái Hanh liêm tục gắp rau cho anh, còn Mẫn ngồi bên cạnh báo cáo những việc chính. Hiệu Tích mới ăn được mấy miếng cơm trắng đã vội buông đũa, anh xoa đầu hai đứa dặn dò.

"Anh ăn no rồi, giờ sang bên chỗ đội trưởng bàn chút chuyện. Mấy đứa ăn đi rồi ngủ sớm nhé!"

Anh nói rồi cũng không để hai đứa kịp trả lời mà mở cửa bước đi luôn.

Trời cũng không còn sớm, lá cây xung quanh rung rung theo gió, âm thanh xào xạc vang lên không ngừng. Hiệu Tích gõ cửa căn nhà tranh được dựng lên tạm bợ bởi rơm khô gần đó. Ngay lập tức có một giọng nói khàn khàn kêu anh vào đi.

Anh không chút chần chừ, mở cửa bước vào. Bên trong là đội trưởng Khanh cùng một vài đồng chí cùng khu. Trên bàn gỗ được xếp lại với nhau trải dài một tấm bản đồ, giấy còn mới, mùi mực còn chưa khô.

"Đây là tấm bản đồ được sao chép lại từ tấm chính của Tuấn ở khu D, chắc em cũng biết rồi."

Hiệu Tích gật đầu, đi đến bên bàn với anh Khanh.

"Ai đưa đến thế ạ?"

"Là em."

Từ trong góc tối có một người bước ra, tuổi tầm mười bảy mười tám, vóc người mảnh khảnh, tóc màu hạt dẻ vì cháy nắng, khuôn mặt mới trưởng thành còn chưa rút đi vẻ ngây ngô và đặc biệt em có đôi mắt to tròn, sáng lấp lánh.

Hiệu Tích sững người, đôi mắt kinh ngạc mở to không chớp. Tiếng gọi trong cổ họng như nghẹn lại, nước mắt lại chốc chốc trào ra.

Quốc mỉm cười thật tươi để lộ chiếc răng thỏ xinh xắn. Em vội vã bước đến ôm chầm lấy anh và cũng òa khóc. Hai anh em lâu ngày không gặp nghẹn ngào chẳng nói lên lời. Đội trưởng Khanh đứng bên cạnh cũng đã rơm rớm nước mắt.

Hồi lâu sau, Hiệu Tích buông đứa em ra. Tần ngần nhìn đứa trẻ ngày nào nay đã lớn khôn, anh chẳng biết nói gì hơn.

"Chẳng là sau khi anh Trân về thì em cũng biết chuyện giờ anh ở bên khu C. Thế là em chạy qua bên anh Tuấn lấy bản đồ rồi chạy lên đây đưa cho anh Khanh, tiện thể gặp anh luôn. Mới đầu anh Trân cứ can em mãi, nhưng nóng vội gặp anh quá thế là em mặc kệ, chạy đi luôn."

Hiệu Tích âu yếm nhìn đứa em, xoa mái tóc còn rối vì đi đường của đứa em nhỏ và dịu dàng nói.

"Dại quá em ạ! Đi đường tối nhỡ có mệnh hệ gì thì sao?"

Quốc híp đôi mắt cười, liên tục nói rằng em không sao đâu. Và mệnh em cũng lớn lắm, anh còn sống giờ khắc nào thì em nào dám đi trước một bước.

Nghe đứa em tinh nghịch nói thế Hiệu Tích cũng chỉ cười hiền, xoa xoa đầu em không nỡ trách móc một câu.

Rồi hai anh em ngồi xuống nghe anh Khanh nói về chiến lược mà chúng ta sẽ áp dụng cho đợt đánh sắp tới. Cho đến khi bóng đêm bên ngoài đã trở nên dày đặc mấy anh em mới lục tục ra về. Quốc và Hiệu Tích bước ra đến cửa, anh đã vội bảo.

"Giờ cũng đã muộn rồi, em qua chỗ anh nghỉ một đêm rồi sáng mai đi cũng chưa muộn."

Quốc ngoan ngoãn gật đầu, sóng bước bên anh mà đi. Đi được một đoạn em bỗng dừng lại, ngẩng đầu nhìn trời.

"Em đang nhìn gì thế?"

"Em nhìn sao. Đêm nay nhiều sao quá."

Hiệu Tích không nói, chỉ khẽ nhẩm tính, chắc bây giờ cũng chỉ mới gần mười giờ.

"Em có muốn đi ngắm đom đóm không?"

Quốc gật đầu ngay. Trước giờ em thích nhất là ngắm đom đóm bay lập lòe trong đêm hè. Hiệu Tích nắm tay đứa em dắt đi qua một con suối nhỏ. Anh chỉ một gò đất cao rồi anh em ngồi xuống. Vai sát vào nhau, nhưng đêm hè ở đây có gió thổi mát, cũng không thấy nóng gì. Quốc tròn mắt nhìn mặt nước đang lững lờ trôi, nhưng chỉ có tiếng dế rả rích kêu trong đêm đen.

"Ngồi đây có bị muỗi đốt không anh?"

Hiệu Tích bật cười trước câu hỏi của đứa em, rồi anh làm giọng nghiêm trả lời lại.

"Có. Ngồi đây lâu sẽ bị đốt cho sưng chân mà xem!"

Quốc khúc khích cười mấy tiếng rồi lại hỏi.

"Sao em không thấy đom đóm đâu thế?"

Hiệu Tích lần này chỉ cười không nói, đưa ngón trỏ lên môi làm dấu hiệu im lặng. Không lâu sau, từng đốm sáng lập lòe từ bụi cỏ bay lên. Một con, hai con, ba con,… rồi dần dần là mười con và rất nhiều. Quốc tròn mắt nhìn mảng đen bỗng chốc sáng rực lên như ngày hội. Ánh sáng từ đom đóm chiếu vào lòng sông, làm từng cơn sóng dập dờn như mang ánh sao lấp lánh. Trời đêm có trăng và sao cũng tỏa lấp lánh. Đôi khi tưởng như có ngôi sao nào đó vừa rơi từ trên cao xuống lòng sông, ánh lên từng tia sáng lung linh huyền ảo. Lúc này, cả khu rừng như được giăng đèn, đom đóm tỏa ánh sáng dịu dàng nhè nhẹ xuyên qua tán cây, quyện vào ánh trăng đang rọi xuống.

Quốc khẽ than một tiếng, đôi mắt to tròn phản chiếu những lung linh của buổi đêm. Hiệu Tích mỉm cười nhìn người bên cạnh. Bàn tay khẽ đưa ra, rồi một đốm sáng nhẹ nhàng đáp trên ngón tay thon dài. Quốc nhìn người anh, đôi tay cũng đưa ra, vui vẻ nhìn ánh sáng trên ngón tay nhỏ.
Lòng em không kìm được niềm vui sướng hân hoan của cảnh đẹp đêm nay. Quốc bứt một ngọn cỏ bên cạnh, xoay vần trong tay và vui vẻ nói.

"Anh Tích! Bữa nào rảnh anh lại đưa em ra đây ngắm đom đóm đêm nhé!"

Hiệu Tích dịu dàng nhìn em. Từng đốm sáng nhẹ chiếu lên khuôn mặt người chiến sĩ càng thêm nhu hòa.

"Chắc chắn rồi."

— 🌌

Sáng sớm hôm sau, Quốc và Hiệu Tích chia tay nhau ở con đường nhỏ xuống núi. Anh đưa cho Quốc bọc cơm nắm muối vừng để phòng khi đi đường. Anh khẽ than.

"Quốc giờ gần mười tám tuổi rồi, đi đường nhớ tự lo cho bản thân đấy!"

"Anh Tích đừng lo, em sẽ thật cẩn thận. Giờ em về đây, khi nào rảnh em lại qua chơi."

Em nói vậy, rồi bóng dáng mất hút sau trùng trùng tán cây. Hiệu Tích đứng trông thật lâu, rồi quay đầu trở lại.

Trí Mẫn và Thái Hanh vẫn đang bù đầu với đống giấy tờ cần giao đi các mặt trận. Hai đứa làm liên lạc mấy năm rồi mà lúc nào cũng tối tăm mặt mũi. Hiệu Tích tính toán đến khi cách mạng thành công thì phải tìm cho hai đứa nó một công việc nhẹ nhàng chứ không phải chạy đi chạy lại như bây giờ nữa.

Hiệu Tích vừa bước vào cửa, Mẫn ngóc đầu từ chồng giấy được đặt trên bàn. Cái túi vải của nó từ mấy ngày trước khi đi rải truyền đơn đã bị rách mất một góc, nó loay hoay với đống kim chỉ mãi mà không xong. Hiệu Tích nhìn đứa em ngồi trước bàn, anh ngồi xuống ghế, đưa tay lấy đi cái túi vải trong tay Mẫn.

"Cái túi này em bỏ đi, anh cho cái túi mới."

Mẫn giương đôi mắt nhìn anh, rồi lại liên tục lắc đầu.

"Không, cái túi này mẹ em may cho đấy. Em không bỏ đâu."

Hiệu Tích liếm đôi môi khô khốc, tay vẫn không buông cái túi ra.

"Vậy để anh đi nhờ người khác khâu lại cho."

Lần này nó không nói gì, ngầm đồng ý cho anh mang cái túi vải ấy đi. Hiệu Tích đẩy cửa, đúng lúc thằng Hanh cũng bước vào. Hai anh em đụng mặt nhau thì giật mình, Thái Hanh vội vã ôm ngực trái.

"Ôi anh Tích! Anh làm em thót cả tim!"

Hiệu Tích bật cười trước trò đùa của đứa em. Anh xoa nhẹ cái đầu rối của nó rồi nói.

"Hôm nay chị Duyên có lên đưa đồ cho anh Khánh không?"

"Không ạ. Em thấy bảo mẹ chị Duyên ngã bệnh, chị ở nhà chăm mẹ rồi."

Anh gật đầu, không nói gì nữa. Ngẩng đầu thấy trời còn sớm, Hiệu Tích quay ra hỏi đứa em vẫn đang đứng cạnh mình.

"Anh định xuống núi, em có về thăm mẹ luôn không?"

Nghe vậy mắt nó sáng lấp lánh, gật đầu lia lịa.

"Có chứ! Mấy tháng nay em không về thăm mẹ rồi."

"Vậy đi qua báo cho anh Khanh đi."

Nghe anh nói vậy, nó đang định đi thì thấy bóng người thấp thoáng sau tán cây. Hanh bật thốt một tiếng "Anh Khanh" làm Hiệu Tích chú ý, quay qua nhìn đội trưởng đang rảo bước về phía này. Anh nhìn Hiệu Tích gật đầu một cái, rồi rút từ túi áo sơ mi ra một bức thư được gấp lại kĩ càng đưa cho Thái Hanh.

"Mấy đứa xuống núi thì đưa cho Duyên bức thư này hộ anh nhé."

Thái Hanh thấy vậy ngay lập tức nở một nụ cười đầy ý tứ. Anh Khanh quay qua trừng nó một cái, lỗ tai đã hơi hơi ửng hồng.

"Cũng tiện đường, để tụi em đưa qua cho chị Duyên hộ anh."

Nói rồi Hiệu Tích đeo cái túi vải lên, nhận bức thư toan bỏ vào túi rồi lại thôi. Rồi anh quay qua nói vọng vào trong nhà.

"Anh với Hanh xuống núi, em ở nhà ngoan nhé."

Trí Mẫn vội bỏ lại đống giấy tờ trên bàn, chạy ra cửa nhìn đứa bạn đồng niên rồi mới nói.

"Hay anh cho em đi với, để em quản thằng quỷ kia. Chứ tính nó nóng, giờ mà để nó đi cùng anh không có ai quản thì lại hỏng bét chuyện."

Thái Hanh nghe vậy liền trừng mắt đứa bạn, nhưng Mẫn cứ làm mặt dửng dưng như không khiến nó tức sôi máu. Hiệu Tích thấy hai đứa trẻ lại chuẩn bị cãi nhau một trận thì đành lên tiếng can ngăn.

"Thôi, hai đứa cứ chành chọe nhau mãi! Anh đi cùng Hanh là được rồi, Mẫn ở lại lo giúp các anh làm việc nữa. Trời cũng không còn sớm, tụi anh đi đây không đến trưa mất, nắng lại đổ cháy đầu."

Nói xong anh kéo thằng Hanh đi luôn, chỉ vẫy bàn tay giữa không trung để chào tạm biệt. Trí Mẫn đứng đó thật lâu rồi mới bước vào nhà.

— ✈

Trưa, nắng đổ xuống mấy túp lều tranh xác xơ, bỏng rát cả con đường mòn. Hiệu Tích rảo bước nhanh vào căn nhà gần đó nhất, đưa tay gõ cửa, tiếng trầm đục đều đều vang lên.

"Anh Tích!"

Quốc ló đầu ra từ sau cánh cửa nhỏ xập xệ, đôi mắt to tròn trong veo nhìn anh.

"Anh Tích cũng được anh Tuấn gọi ạ?"

"Không, anh đến đưa đồ cho chị Duyên hộ anh Khanh."

Nói rồi anh rút bức thư ra, tay kia thì khẽ đẩy Thái Hanh lên trước. Anh khẽ cười.

"Đây là Hanh, chỉ hơn em một hai tuổi gì thôi. Hai đứa chơi với nhau cho có bạn có bè."

Quốc đưa mắt nhìn Hanh, hai đứa khẽ gật đầu một cái rồi cùng bước vào nhà. Sàn nhà bước lên kêu vài tiếng cọt kẹt khe khẽ, Tuấn từ trong phòng khách ngó ra.

"Tích! Thằng này đến đúng lúc đấy, mau vào đây!"

Hiệu Tích gật đầu một cái rồi quay lại đưa bức thư cho đứa em bên cạnh, rồi lại tháo cái túi vải vẫn đeo trên vai ra rồi đặt vào tay nó. Anh dặn dò một hồi rồi mới bước vào ngồi đối diện với Tuấn.

Trên bàn gỗ được trải tấm bản đồ cũ, một vài vùng đã được khoanh tròn và vẽ lối đi vào. Tuấn cầm chiếc bút trên tay chỉ vào một căn nhà được khoanh vùng bằng mực đỏ.

"Đây là kho đạn của chúng. Dự định rằng quân ta sẽ ném bom vào cho nổ hết, chắc chắn sẽ khiến bọn giặc gặp thiệt hại lớn."

Hiệu Tích gật đầu, tay chỉ vào một lối đi được bao phủ bởi rừng cây.

"Đây là đường đi gần nhất để đến được đó, cũng dễ cho quân ta ngụy trang lẩn trong đám cây lá. Nhưng đường này lại hiểm trở, nếu đi thì phải lội qua rất nhiều con suối vắt ngang đường."

Tuấn nghe xong thì trầm ngâm. Có vẻ suy tính rất lâu rồi mới mở miệng.

"Hiện tại chỉ có thể đi đường ấy mà thôi. Trong thời gian ngắn này ta không thể tìm thêm một con đường khác được nữa. Với cả bên quân địch dường như đã có động tĩnh, chúng ta phải chớp thời cơ mà tiến tới trước bọn chúng."

Hiệu Tích gật đầu, lòng nặng nề như treo một tảng đá lớn. Anh uống một ngụm nước cho mát họng rồi mới nói.

"Tạm thời cứ như thế đã. Bên tao sẽ liên lạc cho đội trưởng cử người đi dò la. Nếu con đường đó không thể dùng thì phải tìm phương án khác mà thôi."

Người đối diện gật đầu, không có ý kiến gì thêm. Một lát sau Hiệu Tích gọi Thái Hanh vào phòng, cho phép đứa em nhỏ về lại nhà thăm mẹ, dặn dò đủ điều rồi mới tần ngần nhìn bóng lưng người thanh niên trẻ rời đi.

"Anh Tích ở đây mấy ngày ạ?"

Quốc hỏi, tay vẫn rót nước chè ra cốc.

"Chắc sáng sớm mai anh trở về luôn. Ở trên kia còn công việc anh chưa xử lí hết."

Đứa em nhỏ nghe anh nói thế thì gật đầu, khuôn mặt nhỏ nhắn khẽ ẩn hiện nỗi buồn. Hiệu Tích xoa đầu em, dịu dàng nói.

"Thỉnh thoảng anh em mình qua chỗ nhau chơi cũng được. Khu bọn anh cũng gần khu của em."

Quốc nghiêng đầu nở nụ cười nhẹ. Rồi em đưa anh ra ao làng, bứt mấy búp sen về nấu canh. Thuyền bơi ra giữa ao, trong tay em đầy những búp sen hồng thơm ngát. Từng hạt nước óng ánh trượt trên lá xanh, đọng lại như những hạt ngọc sáng loáng. Em ngồi trên thuyền, đầu đội nón, trong lòng ôm sen hồng. Nắng trưa chiếu trên đỉnh đầu, rọi vào những giọt mồ hôi lóng lánh trên vầng trán cao của em. Khoang mũi Hiệu Tích bây giờ ngập tràn hương sen thơm. Anh ngẩn ngơ nhìn chàng thiếu niên trước mắt, dịu dàng và thanh thoát đến nhường nào. Em duyên dáng cười, ngón tay mảnh mai khẽ ngắt bông sen thơm nở rộ giữa hồ.

"Anh Tích, anh xem này."

Quốc đưa ra trước mặt anh bông sen hẵn còn tươi mới. Mắt em híp lại thành vầng trăng khuyết giữa trưa hè với ánh nắng chói chang. Lòng Hiệu Tích thoáng qua một cơn gió mát. Anh nhận lấy bông sen từ tay em, dịu dàng nở nụ cười.

Khi búp sen trong tay đã được hơn nửa, Quốc mới thỏa mãn trở về. Con đường làng vắng tanh, thoảng qua mấy tiếng ve kêu giữa trưa hè.

Ánh nắng gay gắt chiếu lên khuôn mặt gầy gò của Hiệu Tích khiến anh phải đưa tay che mắt. Ngẩng đầu lên nhìn trời, trong vắt không một gợn mây. Anh chắc mẩm còn lâu mới có mưa đổ xuống làm dịu đi cái nóng nực của mùa hè này. Bỗng nhiên trước mắt anh là một chiếc phi cơ của Pháp, nó vội bay vút qua. Từng tiếng động lớn báo động anh có chuyện không hay sắp xảy ra.

Quốc cũng sớm nhận thấy điều chẳng lành, hai anh em rối rít kéo nhau trở về nhà. Trước cổng nhà là một khoảng mịt mù, chỉ có thể lờ mờ thấy bóng đen đang vội vã trong đó. Đợi đến khi cát bụi tan đi một nửa, chỉ thấy chân Tuấn loang lổ máu, cánh tay phải bị vô số mảnh gỗ nhọn đâm vào. Chị Duyên đi một bên đỡ Tuấn, nước mắt vẫn không ngừng rơi. Nhác thấy Hiệu Tích cùng Quốc vội vã chạy lại, Tuấn luống cuống muốn tiến lên.

"Bị sao thế này?"

Tuấn nghiến răng, đôi mắt đỏ ngầu.

"Bọn khốn ấy đã phát hiện ra kế hoạch của chúng ta rồi. Hẳn là chúng nó tính thả bom để đánh sập hết mấy chỗ căn cứ chính này đây."

Bọn giặc ấy thả bom trúng căn nhà, may sao khi ấy chị Duyên vừa đi chợ về không bị sao. Còn mẹ chị trong mình đang mang bệnh nặng, vốn đã chẳng thể qua nổi. Tuấn thì một chân và tay phải đã bị thương nặng, chẳng biết có thể chữa khỏi hay không. Sau lần này Thái Hanh vẫn còn đang ở nhà, chắc vẫn chưa biết tin. Còn bốn người vội vã trở về chiến khu để chữa trị cho Tuấn.

Anh Khanh đã sớm nghe tin làng dưới bị đánh bom, Trí Mẫn nhận lệnh anh giao phó đi xuống núi đón Thái Hanh về.

Từ giờ trở đi cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới.

— 🌠

Quốc vừa trở về đã ngồi bệt xuống sàn, vội vã uống mấy ngụm nước cho đỡ khát. Mấy ngày nay chiến sự ngoài mặt trận ngày càng gay gắt, em liên tục phải chạy đi liên lạc giữa các tổ đội, bàn chân đã sớm chai phồng lên. Bình thường Quốc vẫn cố nhịn, nuốt nước mắt vào trong mà đạp lên đường đá. Nhưng giờ quá mức chịu đựng, Quốc nằm vật ra sàn, cắn chặt môi để không bật ra tiếng kêu. Gan bàn chân em sớm đã sưng phồng, vì cố gắng nhiều mà giờ đau như bị ngàn con kiến gặm nhấm.

Mảnh vải treo trước cửa bị vén lên, Hiệu Tích cầm hòm thuốc cũ bước vào. Anh nhìn người em nhỏ đang nằm mê man ở dưới sàn, hoảng hốt đỡ em lên tấm phản gỗ. Nhiều khi Hiệu Tích khuyên em không nên cố gắng quá, nhưng Quốc trời sinh vốn cứng đầu, anh càng nhắc thì lời anh càng không lọt vào tai đứa bé này.

Hiệu Tích vội gọi mấy người chiến sĩ nữa đưa em chuyển sang tổ B để chữa trị cho tốt. Còn anh thì vội đi chuẩn bị cho rạng sáng ngày mai.

Hơn một tháng chiến đấu, tình hình vẫn không được cải thiện hơn chút nào mà thậm chí còn có lúc tệ đi. Chân trái của Tuấn đã phải cưa bỏ, cánh tay phải thì chỉ bị thương nhẹ, bó bột thêm mấy tháng nữa là có thể hoạt động trở lại. Mẫn với Hanh vẫn chưa thấy về, đội trưởng đã cho người đi tìm. Chỉ sợ hai đứa nhỏ bị đám giặc bắt gặp.

Ở trên đã có lệnh mấy ngày nữa làm một cuộc tổng tấn công, đẩy lui tình hình nguy cấp ở ngoài kia. Hiện tại các mặt trận đang vội vã chuẩn bị, chẳng mấy chốc nữa sẽ có một cuộc chiến sinh tử.

Rạng sáng ngày mười hai tháng tám, tất cả chiến sĩ ở mặt trận Bắc Kì đổ về Hà thành. Đạn đã lên nòng, tất cả nín thở chờ giặc đến là nổ súng. Đây sẽ là trận chiến cuối cùng, mang trên mình sứ mệnh độc lập của Tổ Quốc.

Hiệu Tích nắm chặt súng trong tay, nín thở chờ tín hiệu xông lên của chỉ huy. Trên đầu đã xuất hiện một vài con chim sắt đang chao liệng, tiếng súng nổ bên tai đã bắt đầu vang lên.

Không một chút sợ hãi, tất cả người chiến sĩ đều cất cao giọng hát, ồ ạt xông ra đón đạn của giặc.

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của người Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương! (*)

🌠

Trận chiến này không nhỏ, xác chiến sĩ ra trận ngã xuống cũng không ít.

Chỉ trong một ngày, anh Khanh đã tử trận, Tuấn đã phải cưa bỏ cả cái chân còn lại, anh Trân mất tích, Mẫn và Hanh đã an toàn trở về chiến khu mặc dù người loang lổ những máu tanh. Và còn rất nhiều những thiệt hại mà quân ta đã phải gánh chịu. Kể cả em - cái chàng thiếu niên trẻ chưa tròn mười tám của anh cũng đi mất. Quốc gục xuống trước nòng đạn của lũ giặc, giữa những lúa non thơm ngát. Bức thư chưa kịp đưa đến tay anh em vẫn nắm chặt trong tay. Đong đầy và chan chứa những thương yêu giữa thời chiến loạn bụi mù này.

Em bị vùi giữa những sắc vàng ươm của mùa lúa đương chín rộ. Máu tanh cũng chẳng nhuốm nổi nắng vàng.

Hiệu Tích nghe tin em mất thì như người mất hồn, hộp gỗ trao tay cũng chỉ biết ôm vào lòng mà khóc than cho số phận em bạc bẽo. Nghe nói Quốc muốn anh đưa em về đêm đom đóm bay rợp trời, lấp lánh những sóng nước dập dờn. Quốc muốn anh mang trái tim của người chiến sĩ trẻ về, để em yên nghỉ, nhắm mắt chìm vào giấc ngủ ngàn thu giữa sông núi nước Việt, để em được bình yên sau bụi mù chiến trường, kết thúc một đời vội vã.

.

Ngày trở về quê hương, khúc hoàn ca rớm lệ (**). Hiệu Tích đứng giữa đám đông, ngẩng đầu nhìn nắng Ba Đình, dịu dàng và vàng ươm như yêu thương ngày xưa cũ kia. Lời tuyên ngôn độc lập vẫn còn văng vẳng bên tai. Hộp gỗ mang trái tim em anh vẫn giữ trong lòng, hứng lấy từng giọt nước mắt đầy hạnh phúc và vui sướng của người đồng chí.

Trận chiến ở Hà thành toàn thắng, ngày nước Việt được giải phóng sẽ không còn là ước mơ xa vời nữa.

Hiệu Tích theo đoàn người bước đi. Sau khi thắng lợi, các chiến sĩ còn sống sót cũng đã về quê. Thằng Mẫn với Hanh đã cùng nhau về nhà rồi, chị Duyên thì định sẽ xây một căn nhà mới, thờ anh Khanh rồi cứ ở vậy suốt đời. Còn Tuấn thì cùng anh Kỳ đi tìm anh Trân, hai anh đã nói tìm đến cuối đời cũng được, anh Trân làm sao mà trốn mãi được.

Còn Hiệu Tích, anh mang trên vai nhiệm vụ đưa Quốc về lại chốn yên bình. Đạp lên cỏ non, anh dừng chân nơi dòng suối nhỏ, sóng nước óng ánh mang sắc nắng. Anh tìm một gò đất nhỏ, đặt trái tim đã ngơi nghỉ của người chiến sĩ mang trong mình dòng máu bất khuất kiên cường vùi xuống ngàn đất lạnh. Bàn tay run rẩy thả từng nắm cát vùi lấp đi quá khứ đau thương với từng gió gào thét nơi em. Đưa người yêu dấu của anh về nơi bình yên, để trái tim ấy được sống mãi trong kí ức của người chiến sĩ cách mạng. Anh cúi đầu, hôn lên nấm mồ nhỏ không tên. Nuốt nước mắt vào trong, anh cười thật dịu dàng và nói.

"Mừng em trở về với quê hương, về với Hà Nội dấu yêu."

Hiệu Tích đứng dậy, rảo bước đi xuống núi. Ngẩng đầu nhìn trời xanh, anh biết tất thảy đã kết thúc rồi.

Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.

Anh đi bộ đội sao trên
Mãi mai sao sáng dẫn đường
Em sẽ hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thương mãi cánh hoa thơm. (***)

HẾT

Thân ái, gửi đến Tình ca.

240319;

.
(*) Bài thơ Ngày về của Chính Hữu
(**) Bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng
(***) Bài thơ Núi Đôi của Cao
Thật ra câu cuối trong bản gốc "Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm" nhưng mình đã sửa đổi lại cho phù hợp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hopekook