12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đến bây giờ cậu cũng không thể quên được buổi chiều hôm ấy khi theo chân bố "hộ tống" mẹ cùng với cái bụng bầu 31 tuần, dõng dạc và tự tin đứng trước hội đồng khoa học để bảo vệ luận án Tiến sĩ. Buổi bảo vệ luận án kết thúc thành công tốt đẹp, thực sự là một ngày đáng nhớ trong đời mẹ An. Có vẻ như đứa nhỏ trong bụng cũng muốn góp thêm vào niềm vui ấy bằng một cú đạp đến vỡ ối trong sự bàng hoàng của tất cả những người xung quanh. Bố vội vàng đưa mẹ đến bệnh viện, chỉ kịp gửi Tùng Bách cho một vị giáo sư, dặn dò cậu rằng ông bà ngoại sẽ đến đón sau. Tùng Bách, lúc ấy mới chỉ 8 tuổi, khóc òa lên nức nở nhìn theo dáng lưng của bố mẹ vì nghĩ rằng bố mẹ có em bé mới nên không cần mình nữa rồi, thậm chí cậu còn giận hờn bố mẹ và ghét em suốt một tháng trời. Mãi sau này khi lớn lên Tùng Bách mới biết rằng năm đó tình hình vô cùng khẩn cấp: em bé sinh non, xương chậu của mẹ An lại không hoàn toàn lành lặn do di chứng của vụ tai nạn giao thông năm cậu mới 2 tuổi, nếu không kịp thời mổ cấp cứu thì em bé có thể tuột dần xuống và hậu quả một là em bé sẽ bị ngộp, hoặc hai là mẹ sẽ bị vỡ tử cung. Vì mong muốn có thể chăm sóc cho sức khỏe của những người thân, Tùng Bách đã quyết định đi theo con đường y khoa.

Cô An vừa tốt nghiệp đại học liền kết hôn với thầy Tuấn. Hai vợ chồng son lúc đó ở trong căn hộ chung cư nhỏ vẫn còn đang trả góp bằng đồng lương nhà giáo của thầy. Chẳng bao lâu sau thì cô An mang thai con đầu lòng, vừa trẻ tuổi lại mới tốt nghiệp, cô chỉ có thể làm trợ giảng ở trung tâm tiếng Anh để san sẻ gánh nặng kinh tế với chồng. Sinh hạ Tùng Bách chưa được bao lâu thì cô An quyết định vừa làm vừa học lên thạc sĩ, vậy là Tùng Bách thường xuyên được gửi ở nhà ông bà ngoại. Nhà bố mẹ cô An thuộc diện khá giả sung túc, ông bà nhiều lần ngỏ ý giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ nhưng thầy Tuấn và cô An vốn là người tự lập nên đều từ chối cả, thậm chí có khó khăn cũng giấu bố mẹ hai bên, ông bà ngoại cũng chỉ còn cách giúp con chăm cháu để chúng nó tập trung vào công việc. Đến khi em An Thư chào đời, kinh tế lúc này cũng khá hơn, lại là đứa con ra đời sau rất nhiều năm cô và thầy nghĩ rằng không thể sinh được nữa vì lo ngại di chứng của vụ tai nạn năm nào, vậy nên dường như mọi thứ tốt nhất đều dành cho em An Thư: em được sinh ra ở bệnh viện quốc tế, đón em về là căn chung cư cao cấp trong khu đô thị mới ở phía nam thành phố, mẹ An thảnh thơi nghỉ hậu sản lâu hơn, việc nhà nay cũng có người giúp việc đỡ đần... Điều kiện vật chất thực sự khác hẳn với Tùng Bách ngày xưa. Tùng Bách nhìn em có bao nhiêu là sách truyện và đồ chơi liền nhớ đến mình ngày trước, tuy bố mẹ không để cậu thiếu thốn nhưng vì thương bố mẹ đi sớm về khuya nên chả bao giờ dám mở miệng xin một thứ gì cả. Tùng Bách lớn lên bằng cách "giải trí" cùng những quyển sách học thuật và bách khoa toàn thư của bố, nào có giống em An Thư bây giờ còn chưa hiểu gì, sách truyện đồ chơi quăng lung tung mà chả bị ai mắng, chỉ biết ê a vài ba chữ đã làm cả nhà cười vang. Trẻ con mà, có những điều vụn vặt người lớn vốn dĩ không để ý đến nhưng thực chất lại như một hạt sạn nhỏ trong tâm hồn con trẻ, từng chút từng chút một gây nên sự so sánh và ganh tị không đáng có giữa anh em trong nhà. Và Tùng Bách của chúng ta cũng có một lần lầm lỡ như thế...

Hôm đó là một buổi chiều cuối hè, ngày mai là khai giảng năm học mới rồi, Tùng Bách đang bận rộn hoàn thành nốt bài tập hè rồi sẽ tỉ mỉ bao bọc sách vở mới - công việc cậu thích nhất mỗi khi kì học mới bắt đầu. Vừa đặt bút hoàn thành câu toán cuối cùng thì nghe tiếng khóc ré lên của An Thư, có lẽ là em vừa ngủ dậy. Tại sao con nít lại xấu tính thế nhỉ, Tùng Bách thầm nghĩ, cứ đòi cái gì là đòi bằng được cơ, lại chẳng nói chẳng năng chỉ biết ngoác mồm ra khóc váng nhà. Cậu trai 9 tuổi thở dài đánh thượt một cái hệt như ông cụ non rồi vội vàng vào phòng bố mẹ dỗ em. An Thư lúc này sắp 1 tuổi, trộm vía trắng trẻo hồng hào, đôi mắt tinh anh, tay chân hiếu động, chẳng có dáng vẻ gì của một em bé sinh non cả. Em đang mếu máo gào khóc thì thấy anh Bách liền lập tức cười toe toét, hai tay vươn lên đòi bế. Tùng Bách giây trước vừa chê em phiền, giây sau bản năng làm anh bộc phát, vươn hai tay khéo léo bế em vào lòng rồi nhịp nhịp từng bước chân ẵm em ra phòng khách. Cô giúp việc tranh thủ được lúc em ngủ trưa vừa giặt được mớ quần áo và khăn xô, giờ lại loay quay trong bếp pha sữa, dọn dẹp chuẩn bị cơm chiều, thoáng thấy Tùng Bách bế em liền cười nhẹ nhõm:"Ôi cô cảm ơn Bách nhé, giúp cô trông em một lát, cô còn bận tay". Tùng Bách miệng vâng ạ nhưng trong đầu đang nghĩ làm thế nào để có thể vừa trông em vừa bọc sách vở được đây. Giá như cậu có thể trông em đơn giản kiểu cho nó tự nghịch điện thoại ipad như bao gia đình khác thì dễ hơn rồi, nhưng bố mẹ cậu không cho phép, vì như thế sẽ hình thành thói quen xấu cho em, lại không tốt cho sự phát triển đồng bộ của não. Thế là cậu đành một tay bế em một tay mang sách vở bút thước bao bìa ra phòng khách, đặt em xuống thảm, bày biện xung quanh mấy món đồ chơi, còn mình ngồi ở bên cạnh vừa bọc sách vừa thi thoảng ngó em. Cậu nhóc 9 tuổi quả thật biết cách sắp xếp.

Ban đầu mọi chuyện còn đi theo đúng quỹ đạo, An Thư vui vẻ hết bò trườn rồi lật người, hết lật người lại lọ mọ ngồi dậy đòi tập đi. Tùng Bách nhà ta vật vã giữ em rồi lại dỗ dành thì em mới chịu ngoan ngoãn ở yên một lát. Mà "một lát" của con nít thì bạn biết rồi đấy, chắc không quá 30 giây rồi mọi thứ lập tức loạn lung tung cả lên. An Thư bắt đầu vớ được vật gì là ném ngay vật ấy, cái gì không ném được thì lập tức vò nát trong tay, lại còn cười khanh khách. Tùng Bách ban đầu còn kiên nhẫn giải thích dỗ dành em, sau rồi cậu nhóc không còn sức nữa, cứ lui cui nhặt nhạnh, vừa làm vừa liếc mắt để ý, chỉ sợ em lại làm hỏng thêm gì. 

Trẻ 1 tuổi như An Thư có thể nhiều thứ không hiểu, nhưng hiểu rõ nhất là có ai đang chú ý đến mình không. Thấy anh hai cau mày xụi lơ không chơi với mình, em càng xấu tình, giở thói quậy phá để thu hút sự chú ý. Tùng bách trong một giây phút quá tập trung liền quên để mắt đến em gái, chợt giật mình vì tiếng khóc của em thì cũng là lúc nhận ra cây kéo vốn nằm trên bàn lại ở trong tay em từ lúc nào, hơn thế còn cứa một đường rướm máu nhẹ trong lòng bàn tay em. Tùng Bách hoảng hốt vội vàng lại gần xem, thật may là vết thương khá nông, chỉ rách một tầng biểu bì da nên chỉ rướm máu nhẹ. An Thư thấy có người để ý lại được nước khóc to hơn, Tùng Bách và cô giúp việc giỗ thế nào cũng không nguôi. 

"Ồn ào quá! Có nín đi không!!!" - Tùng Bách cáu quá, mất kiểm soát quát to đến mức cô giúp việc đang vào phòng lấy khăn cho em cũng bị giật mình, còn An Thư bé nhỏ lập tức đơ người nín bặt. Thế nhưng chỉ vài giây sau em lại khóc váng nhà, giở thói giận dỗi ăn vạ. Tùng Bách đang đau đầu trước sự bướng bỉnh của em thì chợt nhận ra những quyển vở được cậu tỉ mẩn bao bọc, nằn nót viết nhãn dán đã bị An Thư xé toạc lúc nào không hay. Hệt như một giọt nước tràn ly, Tùng Bách vung cao tay phát vào má đùi non nớt của An Thư hai cái in dấu đỏ lừ. Cô giúp việc vội vàng lao vào tách hai anh em ra: đứa em bất ngờ ăn đau, tiếp tục khóc ré lên đến khản cổ, đứa anh vẫn còn bừng bừng cơn giận, chưa nhận thức ra mình đã làm gì - khung cảnh hệt như một bãi chiến trường bỗng lạnh đến rợn người bởi một giọng trầm quen thuộc:

"Tùng Bách. Đứng dậy."

Là bố.

Bố đã về.

Về từ khi nào.

Không ai biết.

Chỉ biết là bố đã kịp nhìn thấy tất cả!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro